Home Chuyên đề tháng Văn học giả tưởng – Một tiến trình đi tìm thực tại khác

Văn học giả tưởng – Một tiến trình đi tìm thực tại khác

I. Đặt vấn đề

Trong dòng chảy văn chương thế giới, có một thể loại hiện nay chưa được xếp vào hàng chính thống, thậm chí còn không được giới hàn lâm đánh giá cao, nhưng lại có tầm ảnh hưởng lớn đến tư duy của nhân loại. Đó là “Fiction literature” (văn học giả tưởng). Đây không phải chỉ đơn thuần là một thể loại, mà còn là một dòng chảy trong suốt tiến trình lịch sử với nhiều lần biến đổi về hình thức và phân nhánh về đề tài.
Theo quan niệm truyền thống, “Fiction literature” là thể loại văn học sử dụng hoặc toàn bộ, hoặc nhiều chi tiết không thực, được tạo dựng bởi trí tưởng tượng và giả thuyết của tác giả. Đây là cái nhìn quá đơn giản và chắc hẳn đánh giá này thể hiện cái nhìn mang tính chất định vị Văn học giả tưởng có một vị trí rất thấp, như một dòng văn học phục vụ nhu cầu giải trí của trẻ con. Và chính bởi quan niệm như vậy, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới, chưa có nhiều công trình nghiên cứu về thể loại này. Nếu có cũng chỉ là những nghiên cứu về các phân nhánh hoặc một giai đoạn biến đổi của thể loại này.
Vì thế, trước khi bước vào công việc điểm lại một tiến trình lịch sử lâu dài của dòng văn học giả tưởng, tôi xin phép được đưa ra quan niệm của riêng mình: Văn học giả tưởng là thể loại tác phẩm văn học mà trong đó tác giả thể hiện sự lý giải về bản chất của thế giới, thực tại và con người thông qua hệ thống biểu tượng của riêng mình hoặc đi xa hơn, họ đưa ra những giả thuyết về tương lai. Điều này khiến các nhà văn giả tưởng gần gũi với các triết gia siêu hình. Thế giới được  mô tả trong các tác phẩm này không đơn thuần là sự tưởng tượng, mà: hoặc là được hình tượng hóa, hoặc là họ thiết kế nên một thế giới của riêng mình như một gợi ý cho tương lai. Chính bởi vậy, các tác phẩm giả tưởng kinh điển như:  Trường ca “Iliad” và “Odyssey”, trường ca “MahaBharata” và “Ramayana”, “Thần “Hài kịch thần thánh” của Dante; “Tây Du Ký”, “Juliver du ký”, các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của Jules Verne, “Alice ở xứ sở thần tiên”, “Biên niên sử Narnia”, “Chúa tể những chiếc nhẫn”… đến nay vẫn có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng của nhân loại.
 

215792_10150148048432477_8127844_n

I. Văn học giả tưởng từ Cổ đại đến Hiện đại
II.1. Thần thoại và sử thi – hình thức cổ của văn học giả tưởng (Từ thời Cổ đại cho đến Trước Phục Hưng ở Châu Âu)
Thần thoại (Myth) là hình thức kể chuyện cổ nhất của loài người. Dân tộc nào cũng có một hệ thống thần thoại. Thần thoại ra đời nhằm mục đích lý giải nguồn gốc vũ trụ, nguồn gốc loài người và các hiện tượng tự nhiên – xã hội. Người Ấn Độ có các vị thần trong kinh Veda; người Ai Cập sung tín thần mặt trời Re và con cháu của thần; người Hy Lạp có các Titan và các vị thần Olympia, người Celt có Dagda và Morrigan với các sinh vật cổ như rồng, tiên, thần lùn, yêu tinh; Bắc Âu có Rag –na –rok; người Trung Quốc có Tam Hoàng Ngũ Đế cùng thế giới thần tiên, ma quái… ; ở Việt Nam có hệ thống thần thoại về con cháu của Lạc Long Quân – Âu Cơ. Đó là thời kỳ mà sự phân tách rõ ràng của con người và thần thánh chưa hình thành và các thể chế thần quyền vẫn đang ngự trị trong xã hội.
Một đặc điểm chung của tất cả các Thần Thoại về sự sáng thế đó là vũ trụ được bắt đầu từ hỗn mang và con người có nguồn gốc từ Thần Thánh. Thần Thoại Hy Lạp gọi khởi điểm của vũ trụ là “Chaos”; người Trung Quốc cho rằng ban đầu Trời và Đất còn hỗn độn, chưa có sự phân tách cho đến khi Bàn Cổ xuất hiện dùng búa để chia trời xẻ đất; kinh Veda thì khẳng định: “Ngay từ các vị thần đầu tiên, tồn tại đã xuất hiện từ không tồn tại, Thế rồi mọi thứ được sinh ra. Tất cả đều được sinh ra từ một đấng tối cao. Trái Đất được sinh ra từ sức mạnh tối cao đó; đất lại sinh ra mọi thứ”. Sáng Thế ký của Kito giáo, thì sự lý giải về vũ trụ và nguồn gốc con người cũng đều bắt đầu từ hỗn mang và có bàn tay của Thiên Chúa để tạo ra Thế giới. Tuy nhiên các Thần Thoại dù ở thời kỳ Đa thần hay Độc thần, đều tiên tri về thế giới theo thuyết mạt thế: cụ thể  là con người ngày càng tồi tệ đi và dẫn đến sự hủy diệt, ngày tận thế. Ta có thể tìm thấy chi tiết này ở câu chuyện về loài người 5 thời đại của Hy Lạp (Vàng, Bạc, Đồng, Bán Thần và Sắt), Ấn Độ (Vàng, Bạc, Đồng, Sắt và Bản thể); hoặc những trận chiến trong ngày tận thế của Kinh Thánh Kito giáo và Thần thoại Rag-na-rok của Bắc Âu.
Bên cạnh những câu chuyện về thế giới thần thánh, thần thoại cũng kể về những sự kiện và nhân vật có thực hoặc không thực, không có bất cứ bằng chứng hay ghi chép làm bằng chứng mà chỉ được truyền khẩu, với những yếu tố không tưởng, phi thường. Những thần thoại kể về sự kiện – nhân vật như vậy, chúng ta vẫn quen gọi bằng khái niệm “truyền thuyết” hay “huyền thoại” (Legend). Truyền thuyết và huyền thoại gắn liền với các sự kiện và nhân vật lịch sử, nhưng đã được biểu tượng hóa bằng những chi tiết giả tưởng. Cuộc chiến thành Troy là huyền thoại vĩ đại nhất của văn minh Địa Trung Hải. Đó là sự kiện có thật, nhưng trong “Trường ca Iliad”, sự kiện đã được huyền ảo hóa bằng sự can thiệp của các vị thần Olympia. Huyền thoại có ảnh hưởng lớn nhất trong văn hóa Châu Âu phải kể đến truyền thuyết về vua Athur và các hiệp sĩ Bàn Tròn. Huyền thoại này kể về vị vua đầu tiên của nước Anh đã lãnh đạo người Anh chiến đấu chống lại sự thống trị của người Saxon. Huyền thoại này đã được sử dụng trong tác phẩm “Lịch sử các vị vua nước Anh” của tác giả Geoffrey xứ Monmouth vào những năm 1130.
Huyền thoại có một đặc trưng đó là không chỉ Thần Thánh mới có những khả năng siêu việt mà ngay cả con người cũng có được khả năng đó. Huyền thoại trở thành nền tảng cho các tác phẩm sử thi nổi tiếng như “Trường ca Gilgamesh” của người Sumer vào khoảng thế kỷ 18 TCN, “Iliad” và “Odyssey” của Homer, “MahaBharata” và “Ramayana” của Ấn Độ ước tính xuất hiện vào thế kỷ 9 – thế kỷ 8 TCN.  Bên cạnh sự xuất hiện của các vị thần, con người hoàn toàn bằng ý chí cá nhân để vượt thoát ra khỏi sự sắp đặt của Thần thánh và Ma Qủy như:  Iliad bằng trí tuệ;  Rama bằng đức hạnh; Beowulf trong “Sử thi Beowulf” của Bắc Âu vào khoảng thế kỷ 8-11, với lòng dũng cảm đã tiêu diệt quỷ dữ Gredel và Rồng để bảo vệ dân chúng. Ở Việt Nam, các huyền thoại về Thánh Gióng, Chử Đồng Tử – Tiên Dung, đặc biệt là An Dương Vương và nhà nước Âu Lạc cũng không ra ngoài đặc trưng đó của Thần thoại. Những nhân vật này thường có sự hỗ trợ của thần thánh hoặc có được báu vật để tiêu diệt kẻ địch. Thậm chí, ở một số huyền thoại sau này còn có những nhân vật đạt được năng lực siêu nhiên. Merlin trong huyền thoại về vua Athur và các hiệp sĩ Bàn Tròn là nhân vật điển hình cho khả năng sử dụng pháp thuật của con người. Sau này, tín ngưỡng phù thủy Wicca vẫn tôn thờ pháp sư Merlin như một vị giáo chủ.
Các yếu tố báu vật (thanh kiếm Lancelot trong Huyền thoại về Arthur, lẫy nỏ thần từ móng Rùa trong Huyền thoại về An Dương Vương…), các sinh vật huyền bí (Nhân mã, Rồng, Tiên…), các phép thuật và khả năng siêu nhiên của con người (sự bất tử của Achilles, pháp thuật của Merlin…),  tất cả đều được gọi bằng yếu tố “fantasy” (sự huyễn tưởng) – thuật ngữ mà chúng ta vẫn sử dụng hiện nay. Ở Trung Quốc, một tác phẩm cần phải kể đến đó là “Tây Du ký” của Ngô Thừa Ân vào thế kỷ 16. Mặc dù không được viết ở dạng sử thi mà là tiểu thuyết chương hồi, nhưng tác phẩm có đầy đủ yếu tố của các anh hùng ca: yếu tố thần thoại (Thiên cung với Ngọc Hoàng, thần tiên, Diêm vương, các vị Phật trong Phật giáo Ấn Độ), các yếu tố “fantasy” (phép thuật; báu vật mà cụ thể là gậy thần Như Ý; các sinh vật huyền bí như bạch long mã, yêu tinh…); yếu tố về cuộc phiêu lưu và yếu tố sự kiện lịch sử (Thiền Sư Huyền Trang nhà Đường sang Tây Trúc thỉnh kinh).
Các tác phẩm sử thi thời kỳ Cổ đại và Trung đại thường chịu ảnh hưởng của thần thoại, đặt nền móng trên huyền thoại và mang màu sắc “fantasy” đậm đặc. Chúng thuộc thể tài “mythic fiction” (giả tưởng thần thoại). Trong các tác phẩm sử thi, ta có thể thấy thần thánh không còn giữ vai trò định đoạt và vĩ đại, mà cũng có những thói xấu như loài người. Còn các hình mẫu anh hùng của sử thi đều mang sức mạnh của tự do ý chí, muốn vượt thoát khỏi định mệnh với niềm tin rằng con người có thể làm chủ số mệnh của mình. Với khao khát tự do ấy, con người đã mang trong mình một sự hoài nghi về các lực lượng thần thánh và siêu nhiên. Bằng cách liên tục hoài nghi và đi tìm bản chất của thực tại, khoa học đã hình thành. Cho đến khi bước vào thể kỷ 16, thế kỷ của Phục Hưng, văn học giả tưởng đã có một sự mở rộng về thể tài bên cạnh yếu tố siêu nhiên và thần thánh, đó là Khoa học Viễn tưởng (fiction sience)
II.2. Khoa học viễn tưởng – Phân nhánh mới của văn học giả tưởng
Cho đến nay vẫn nhiều tranh cãi về định nghĩa thế nào là “khoa học viễn tưởng” (sience fiction) vì dù có lịch sử lâu dài từ thời Phục hưng đến nay, nhưng vẫn chưa được nghiên cứu đúng đắn nào về thể tài này được thực hiện. Những định nghĩa về “khoa học viễn tưởng” chủ yếu đề do các tác giả tự đưa ra. Robert A.Heinlein (tác giả của “History of future”, một nhà văn khoa học viễn tưởng nổi tiếng của Mỹ thế kỷ 20) đã đưa ra định nghĩa như sau: “Một định nghĩa đơn giản cho “khoa học viễn tưởng” có thể đưa ra là: thông qua sự quan sát thực tại để đưa ra những dự đoán về tương lai, dựa trên những hiểu biết vững chắc và thấu đáo về thế giới từ quá khứ đến hiện tại, cũng như  về bản chất và tầm quan trọng của các phương pháp khoa học”. Đây có lẽ là định nghĩa toàn diện nhất về “khoa học viễn tưởng”.

373993_529184490443117_1335664781_n

Khảo sát một tiến trình phát triển của văn chương khoa học viễn tưởng từ thời Phục Hưng đến nay với các tác phẩm như “Utopia” (Thomas More), “Micromega” (Voltaire), “Frankeinstein hay Prometheus hiện đại” (Mary Shelley), các tác phẩm của Jules Verne, các tác phẩm của Robert A. Heinlein… ta có thể tạm thời xác định các đặc trưng của tiểu thuyết khoa học viễn tưởng gồm có: những tưởng tượng về tương lai của nhân loại, khoa học và công nghệ tương lai, du hành vượt không – thời gian, nghiên cứu về các vũ trụ song song, người ngoài hành tinh, những khả năng huyền bí… Với sự đánh giá “khoa học viễn tưởng” như một loại văn chương giải trí, thuần túy gắn với sự tưởng tượng, giới phê bình và đa số độc giả đã bó hẹp phạm vi của “khoa học viễn tưởng” trong những chi tiết về khoa học công nghệ tương lai hay những tưởng tượng về người ngoài hành tinh. Vượt trên cả những tưởng tượng đó, văn chương khoa học viễn tưởng là loại văn chương của những tư tưởng được dựa trên các suy niệm siêu hình và các lập luận logic. Đi xa hơn, Robert A.Heinlein, trong tác phẩm “Thế giới như thần thoại”(World as Myth) đã lý giải thế giới thần thoại với các vị thần, các sinh vật huyền bí như là một thực tại song song với thế giới vật lý nơi ta đang sống. Với cách hiểu mở rộng như vậy, “khoa học viễn tưởng” không phải là một thể tài đối lập với văn học huyền ảo, mà còn thực hiện một nhiệm vụ khó khăn đó là chứng minh những gì bị coi là không thật, là tưởng tượng trong văn học huyền ảo vốn là những sự thực chưa được nhận biết.
II.2.1. Đi tìm nguồn cảm hứng của Khoa học viễn tưởng
Khoa học – Công nghệ là lĩnh vực đặc trưng của văn minh phương Tây. Ở các quốc gia phương Đông như Hồi giáo, Ấn Độ, Trung Hoa, khoa học không được coi trọng ngoài những ứng dụng thiết thực trong đời sống. Người phương Tây coi Khoa học – Công nghệ là công cụ để nghiên cứu về bản chất vũ trụ và thực tai.
Thời cổ Hy Lạp, khoa học về thực tại là nền tảng cho triết học siêu hình sau khi triết gia Parmenides khẳng định trong tác phẩm “Về bản chất tự nhiên” rằng: thực tại là sự đồng nhất, nhất thể, là vấn đề đáng quan tâm nhất của triết học. Sau Parmenides, các triết gia như Democritus, Epicurus… đã đi sâu vào lý giải bản chất của thực tại là gì. Họ là những người theo thuyết nguyên tử luận. Cũng trong thời đại này, các nhà khoa học vĩ đại như Thales, Pitagore, Euclide… đã đưa ra những định luật mà các về sau khoa học hiện đại càng chứng minh sự đúng đắn của chúng. Câu chuyện về các nhà khoa học cũng mang màu sắc huyền thoại, và cũng từ đó mà tạo cảm hứng cho các nhà văn khoa học viễn tưởng sau thời kỳ Phục Hưng. Khoa học gia huyền thoại được ghi lại nhiều nhất trong các ghi chép của sử gia La Mã là  Achimedes. Huyền thoại về ông được gắn liền với trận chiến ở thành bang Syracuse chống lại tướng Marcellus của La Mã. Trong ghi chép của sử gia Polybius, Achimedes chế tạo được những thiết bị đáng kinh ngạc: “Những cái xà to lớn được đột ngột phóng xuống từ những tường thành ngay trên các con tàu, và khiến các con tàu có thể bị chìm vì sức nặng lớn rơi xuống từ trên cao. Một số con tàu khác thì bị chộp, vào phần mũi bởi những cái móng vuốt bằng sắt, hoặc bởi những cái mỏ của những con hạc, để rồi bị kéo bằng tời lên cao rồi vứt xuống vực sâu. Một số tàu khác bị quay tròn bởi những phương tiện cơ giới đặt bên trong thành, và đập mạnh vào những mỏm đá nhô ra biển cùng với sự thiệt hại lớn của các binh sĩ trên tàu” Achimedes được mệnh danh là “người vô song, người quan sát bầu trời và các vì sao”, hay như sử gia Plutarch bình phẩm: “Người La Mã xem chừng phải chiến đấu chống lại những vị thần”.
Những người theo thuyết nguyên tử luận không phủ nhận phần tinh thần, nhưng họ cho rằng vạn vật đều được cấu tạo từ những hạt “gốc”. Sự khác biệt của các cá thể là do sự sắp xếp giữa các hạt này. Sự sắp xếp càng hoàn thiện thì cá thể đó càng hoàn thiện. Bởi vậy, tính thần thánh đối với những triết gia này là sự đạt tới sự hoàn hảo mà các Thiên tài (genius) là đại diện cho sự thần thánh đó, những người hiểu được bản chất của thực tại và điều khiển được quy luật của tự nhiên. Ở một khía cạnh nào đó, các nhà khoa học rất gần với biểu tượng về pháp sư (wizard) và phù thủy (witch) trong thần thoại. 
Bước sang thời Phục Hưng, khoa học được khôi phục và phát triển nhưng không còn đi tìm bản chất của thế giới nữa, bởi lẽ, khoa học được sự hỗ trợ của nhà thờ Công giáo đã mặc nhiên thừa nhận Chúa sáng thế và các Thiên thần – Ác thần. Khoa học thời kỳ này được tiếp thu từ các công trình Cổ Hy Lạp và hướng sự tập trung vào các sáng chế thiên tài. Huyền thoại của Phục hưng nằm ở các ghi chép của Leonardo De Vinci với tham vọng biến chì thành vàng và phát minh ra động cơ vĩnh cửu. Sự thử nghiệm của Leonardo De Vinci đến mức độ nào thì không rõ, nhưng những phát minh của ông đã truyền cảm hứng cho các nhà phát minh Châu Âu và trở thành hình mẫu cho các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng sau này. Qủa đúng như tiểu thuyết gia Jules Verne đã từng viết: “Nếu một người có thể tưởng tượng ra một điều gì đó thì một người khác có thể biến nó trở thành hiện thực” (“80 ngày vòng quanh thế giới”)
Bên cạnh đó, các ghi chép về một nền văn minh rực rỡ đã bị chôn vùi cũng là nguồn cảm hứng cho các nhà văn khoa học viễn tưởng. Nền văn minh được ghi chép lại cụ thể nhất là Atlantis, trong tác phẩm “Republic” của Plato như một đỉnh cao của nhân loại, một ví dụ điển hình của thời kỳ Vàng trong thần thoại. Nền văn minh Atlantis là nguồn cảm hứng cho tiểu thuyết “Utopia” nổi tiếng của Sir Thomas More (1516). Thậm chí, ngay cả các ghi chép của sử gia La Mã về đô thành Alexandria đã từng có các phát minh về động cơ hơi nước, máy chạy tự động bằng cách nhét đồng xu vào… không khỏi khiến cho các học giả sau nhiều thế kỷ chìm ngập trong đêm trường Trung Cổ phải ngỡ ngàng.
Với nguồn cảm hứng lớn lao như vậy, văn chương khoa học viễn tưởng không phải chỉ là một thứ giải trí thuần túy. Trong những tác phẩm kinh điển của khoa học viễn tưởng, các tác giả đều mong muốn khám phá bản chất của thực tại bằng những lý giải khoa học, hoặc đưa ra ý tưởng hướng tới một thế giới văn minh đỉnh cao với đẳng cấp người siêu việt.
 
II.2.2. Tìm hiểu lịch sử phát triển của tiểu thuyết Khoa học viễn tưởng
Đi tìm nguồn gốc của “khoa học viễn tưởng” quả thực là điều khó khăn. Nếu có thể chấp nhận những tác phẩm văn học có sử dụng các chi tiết khoa học để giải quyết một số sự kiện thì ngay từ “Trường ca Gilgamesh” – tác phẩm chữ viết đầu tiên của nhân loại đã sử dụng các kiến thức về thiên văn trong đó. Nhưng với cách hiểu như vậy thì có lẽ đa phần các tác phẩm văn học đều có thể coi là “khoa học viễn tưởng”. Cho nên, chúng ta có thể lấy mốc từ cuộc Cách mạng Khoa học ở thời Phục Hưng với các phát minh và khám phá của Galileo và Newton trong lĩnh vực Thiên văn, Vật lý và Toán học là điểm nổ cho sự phát triển của văn chương khoa học viễn tưởng.
Tuy nhiên, có thể coi tác phẩm “Utopia” của Sir Thomas More (1516) là tác phẩm đầu tiên của thể tài này. “Utopia” viết về một cộng đồng siêu việt lấy cảm hứng từ nền văn minh Atlantis được ghi chép trong “Cộng hòa” của Plato. Trong tác phẩm này, Thomas More mô tả một cộng đồng sống trên một hòn đảo giả tưởng ngoài Đại Tây Dương với đời sống gần gũi với bản tính tự nhiên, văn minh đạt tới đỉnh cao với sự phục vụ của máy móc và công nghệ, mọi người đều sống trong sự hài hòa và tự do tuyệt đối, đạt được sự tiến hóa tâm linh tối cao… “Utopia” là ước vọng cao nhất của bất cứ một nền văn minh nào, là ý tưởng được lan tỏa trong tinh thần tất cả những nhà văn giả tưởng chân chính. Sau Thomas More, Francis Bacon tiếp tục phát triển lý thuyết này qua tác phẩm “Tân Atlantis” (1627). Đó không chỉ là  sự tưởng tượng về một thế giới không có thật, đó là khuôn mẫu hướng tới cho một tư tưởng chính trị hoàn hảo mà ngay cả Rousseau, Voltaire, Karl Marx cũng bị quyến rũ.
Thời kỳ Khai Sáng đánh dấu một bước phát triển mới của Khoa học viễn tưởng. Các tác giả thời kỳ này không còn tập trung hướng tới cộng đồng siêu việt nữa mà bắt đầu đưa ra những ý tưởng về các phát minh khoa học công nghệ, những cuộc khám phá và thám hiểm vũ trụ, đúng như tên gọi khác của thời Khai Sáng, là kỷ nguyên của Hoài nghi. Nhà tư tưởng lớn thời Khai Sáng là Voltaire cũng có một tác phẩm khoa học viễn tưởng có tên “Micromega” (1752), kể về một cuộc du hành không gian, như một sự khẳng định có nền văn minh ngoài Trái Đất và nền văn minh ấy vượt trội hơn hẳn chúng ta. Truyền cảm hứng cho ý tưởng của Voltaire trong ‘Micromega” phải kể đến tác phẩm giả tưởng “Juliver du ký” của Taylor Swift (1726), kể về cuộc phiêu lưu của chàng Juliver đến nhiều nền văn minh của những giống loài khác nhau.
Năm 1818, tác phẩm “Frankenstein hay Promeuthes hiện đại” của Mary Shelley được xuất bản tạo một hiệu ứng mạnh mẽ. Nguyên mẫu “nhà bác học điên” có nguồn gốc từ tác phẩm này – những nhà bác học say sưa với phát minh điên rồ, tách biệt với đời sống con người, sánh ngang mình với quyền sáng tạo của Thiên Chúa. Nhân vật chính Frankenstein đi thu gom xác chết, lắp ghép các bộ phận và dùng dòng điện siêu mạnh để tạo sự sống. Ông đã tạo ra một sinh vật sống mà không thể gọi là con người. Phát minh này lấy cảm hứng từ động cơ vĩnh cửu trong các nghiên cứu của Leonardo De Vinci. Tuy nhiên, tác phẩm không bàn đơn thuần về ý tưởng phát minh, mà tác giả đã đặt ra các vấn đề về nguồn gốc sự sống, bản chất con người là gì – vấn đề mà những triết gia cổ đại của Hy Lạp vẫn luôn tìm kiếm. Trong “Frankenstein”, tác giả đã đưa ra cho chúng ta thấy sự phân biệt rõ ràng của vật chất và linh hồn, như sự khẳng định con người không phải chỉ đơn thuần được cấu thành bởi dạng vật chất. Con người có thể sáng tạo ra hình thù ở dạng vật chất, nhưng linh hồn lại được hình thành bởi một lực lượng vô hình nào đó mà chúng ta vẫn gọi là Thượng Đế.
Từ nguyên mẫu nhà bác học điên Frankenstein đã chuyển thành những nhà thám hiểm của Jules Verne như thuyền trưởng Nemo trong “Hai vạn dặm dưới đáy biển”, giáo sư Lindenbrock trong “Cuộc phiêu lưu vào lòng đất”. Nhưng điểm khác biệt với các bậc tiền bối, Jules Verne (1828-1905) đi sâu vào chi tiết của các khám phá và phát minh, đúng với tinh thần của Thời Khai Sáng với sự hoài nghi và tìm hiểu những điều chưa biết của thế giới. Các tác phẩm của Verne không còn đặt ra các vấn đề về linh hồn và thực tại nữa, nhưng những ý tưởng của ông đã gợi ý cho nhiều nhà sáng chế tạo nên đỉnh cao của văn minh phương Tây thế kỷ 20 như khinh khí cầu, tàu ngầm, tàu vũ trụ…
Trong khi ấy, tác giả cùng thời với Jules Verne ở thế kỷ 19 là H.G.Wells lại sử dụng khoa học viễn tưởng để truyền tải những tư tưởng của mình với xã hội. Ví dụ như trong “Cỗ máy thời gian” (1895), Wells mượn việc du hành thời gian để thể hiện những hình dung của mình về các tầng phát triển của xã hội từ thời cổ xưa đến lúc bấy giờ. Wells sử dụng thuyết Tiến hóa của Darwin và thể hiện là một người theo chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa của Karl Marx.  Khái niệm “cỗ máy thời gian” được mô tả như một cỗ xe là bắt đầu từ ý tưởng của Wells.
Ở Mỹ, các tác giả lớn cũng bị ảnh hưởng bởi dòng văn học khoa học viễn tưởng này. Edgar Allan Poe viết “Tự truyện của Athur Gordon Pym ở Nantucket”, Jack London viết “Người Mỹ ở Connecticut trong hội đồng Vua Arthur”, Jack London viết “Người đỏ”, “Gót chân sắt”, “Cuộc xâm lược vô song”… Đặc biệt là tác phẩm “Cuộc xâm lược vô song” với ý tưởng về chiến tranh vi trùng, diệt chủng và vũ khí năng lượng, Jack London đã làm thay đổi các khía cạnh của khoa học viễn tưởng lúc bấy giờ. Ông bắt đầu đặt ra sự lo ngại đối với những sáng chế của nền văn minh.
Khi những ý tưởng phát minh được các nhà sáng chế dần dần thực hiện thì độ hấp dẫn với những tác phẩm của Jules Verne và các nhà khoa học viễn tưởng ở đề tài này cũng dần giảm đi. Các nhà văn khoa học viễn tưởng của thế kỷ 20 lại tiếp tục quay lại với chủ nghĩa Utopia, dự đoán tương lai của nhân loại thông qua các lập luận khoa học. Robert A.Heinlein là một trong những đại diện của khoa học viễn tưởng thế kỷ 20 tại Mỹ. Ông là tác giả của 2 series đồ sộ: “Lịch sử của tương lai” và “Thế giới như là thần thoại”. Series “Lịch sử của tương lai” không chỉ là một tác phẩm giả tưởng đơn thuần, nó là một công trình nghiên cứu và chuỗi lập luận để dự đoán về kinh tế, chính trị, quân sự và sự tiến hóa của loài người. Trong Series “Thế giới như là thần thoại”, Heinlein mô tả những thế giới với sự huyền bí tồn tại song song với thế giới chúng ta đang sống và cố gắng chứng minh sự tồn tại ấy bằng những chứng minh khoa học. Cho đến Heinlein cùng với tác giả đồng thời người Anh của mình là Athur C.Clark (tác giả của “2001: Odyssey không gian”) khoa học công nghệ đã tiệm cận với thần học và tâm linh. Và tuyên bố của Clark có thể coi như là chìa khóa để mở ra một kỷ nguyên mới của khoa học: “Bất cứ con đường nào đến với Kiến thức đều là con đường dẫn chúng ta đến với Chúa, hay với Thực Tại hoặc bạn thích gọi là gì cũng được”.
 
II.3. Thế giới “fantasy” hay một thực tại khác
II.3.1. Xác định khái niệm “fantasy”
“Fantasy” bắt nguồn từ tiếng Pháp cổ “fantasia”, có gốc từ tiếng Latin và Hy Lạp cổ là “phantasia” có nghĩa là sự tưởng tượng, sự biểu hiện; sau đó được hiểu gần với từ “phantom” (gốc Latin: phantazenin) có nghĩa là bóng ma hay quái tượng. Trong khoảng từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, khái niệm “phantasy” trở nên thông dụng.
Với cách hiểu đó, có thể coi “fantasy” là dòng chảy chính của văn chương thế giới trong suốt thời kỳ Cổ đại đến trước Phục Hưng, chỉ có điều nó tồn tại ở hình thức Thần thoại, Sử thi. Một số tác phẩm của thời kỳ Phục Hưng và Khai Sáng vẫn sử dụng yếu tố “fantasy”. Ta có thể kể đến vở “Cơn bão”  (“The tempest” – 1610) của W.Shakespeare. Trong vở kịch này, Shakespeare xây dựng một nhân vật siêu nhiên, tồn tại ở dạng tinh thần, có tên là Ariel (Không rõ là có liên hệ gì với Đại Thiên Thần Ariel trong Kinh Thánh hay không). Nhân vật này không có giới tính, vô hình và nắm giữ các quyền năng huyền bí và bị ràng buộc bởi thày phù thủy Prospero. Các tác giả sau Phục hưng quan tâm tới mối liên hệ giữa con người và lực lượng siêu nhiên, và các nhân vật chính đều là những người bí mật giữ khả năng này cho riêng mình để thực hiện quyền lực tối cao. “Faust”( 1806 – 1832) của Goethe cũng là một tác phẩm như vậy. Câu chuyện về Faust ký giao kèo với quỷ dữ để đạt tới đỉnh cao của trí tuệ bắt nguồn từ truyền thuyết dân gian của Đức về thày phù thủy – nhà bác học điên Faust. Đằng sau sự liên lạc mang tính biểu tượng đó, là một khát khao của con người đi giải mã các hiện tượng siêu nhiên mà logic thông thường không thể lý giải được và xa hơn thế là mong muốn kiểm soát các lực lượng siêu nhiên ấy. Nhưng có vẻ như Faust của Goethe phải bất lực và Prospero thấy rõ sự vô nghĩa của điều ấy đến mức giải phóng cho Ariel.
Sau Khai Sáng, “fantasy” phân nhánh thành hai dạng: Một là các tác phẩm dành cho thiếu nhi sử dụng các yếu tố thần thoại, được gọi là “mythic fiction”. Hai là các tác phẩm dùng các yếu tố huyền bí (mystic, tiếng Pháp cổ:Mystique, có gốc từ Latin và Hy Lạp: Mustikote có nghĩa là “sự bí truyền”)
 

nghe-thuat-yeu-tranh17

II.3.2. Các tác phẩm “Fantasy” sử dụng yếu tố huyền bí
Nối tiếp “The tempest” và “Faust”, các tác phẩm sử dụng yếu tố huyền bí vẫn tiếp tục được sáng tác. Nhưng không còn có những cuộc đối thoại hay giao kèo nữa, mà là con người bị sự huyền bí dẫn dắt và điều khiển trong sự hoảng loạn vô minh. Những điều huyền bí không còn tạo cảm giác thích thú và bay bổng mà gây một sự sợ hãi đối với người đọc.
Edgar Allan Poe (1809 -1849) – ông tổ của truyện trinh thám – là thiên tài trong sử dụng yếu tố huyền bí. Truyện ngắn của Edgar A.Poe đến nay vẫn gây ám ảnh lớn với độc giả. Không lý giải, không triết luận, ông bỏ lửng sự huyền bí trong mơ hồ. Con người thường sợ những gì họ không hiểu, Edgar A.Poe đã gợi nhắc về những vùng không hiểu của con người trong các truyện ngắn kinh điển như “Con mèo”, Vở nhạc kịch cái chết đỏ”, “Ngôi nhà đổ của Usher”, “Trái tim tự truyện”… và các bài thơ “Con quạ”, “Mơ ở trong mơ”… Edgar Allan Poe có sức ảnh hưởng lớn tới Conan Doyle, tác giả của Sherlock Holmes và rất nhiều truyện ngắn kinh dị nổi tiếng của thế giới hiện đại.
Tiểu thuyết “Bức chân dung Dorian Gray”(1891) của nhà văn vĩ đại người Ai len Oscar Wilde là điển hình cho sự ám ảnh của yếu tố huyền bí. Câu chuyện kể về chàng quý tộc Dorian Gray có một vẻ đẹp hoàn hảo – nhân vật chính trong bức chân dung của họa sĩ thiên tài Basil Hallward. Dorian nhận ra một ngày nào đó sắc đẹp sẽ phai tàn, nên anh có một ước mong sẽ bán linh hồn của mình để giữ mãi sự hoàn hảo đó. Kỳ lạ thay, quả nhiên sự hoàn hảo của Dorian Gray được giữ mãi mãi, nhưng bức tranh thì hàng ngày bị dòi bọ tàn phá và thối rữa. Để bảo vệ bí mật này, Dorian bức tử người yêu của mình, giết chết Basil và gây nhiều tội ác cho đến khi anh thật sự muốn đi tìm linh hồn của mình. Rõ ràng, tác phẩm chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của “Faust”.
Chất huyền bí này được phát triển thành dòng văn học “hiện thực huyền ảo” của Nam Mỹ mà đại diện vĩ đại nhất là Gabriel Marquez với tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn”. Tuy nhiên khả năng gây sợ hãi và rùng rợn của chất huyền bí này càng ngày càng giảm, khi các nhà khoa học đã có những khám phá và lý giải về bản chất của siêu nhiên. Khoa học không còn từ chối siêu nhiên như một thứ mê tín dị đoan, mà ngược lại, còn chấp nhận đó là một thế giới còn bí ẩn, chưa được biết tới, và con người sợ hãi chỉ vì họ không hiểu về nó. Tạo dựng một niềm tin chắc chắn vào một thực tại mà chúng ta chưa biết tới-  một thế giới tồn tại các lực lượng bí ẩn và các sinh vật huyền bí… nhiệm vụ đó, những tác phẩm giả tưởng thần thoại (“mythic fiction”) đã hoàn thành một cách xuất sắc.
II.3.3. Tìm hiểu về giả tưởng thần thoại
Giả tưởng thần thoại là thể tài mà trong đó các tác phẩm viết về một thế giới khác biệt với thế giới vật chất đang hiện hữu. Trong thế giới ấy, có thần tiên, ma quỷ, phép thuật, sinh vật huyền bí…  Thể tài này đặc biệt phát triển ở thế kỷ 19 và thế kỷ 20, khi người trưởng thành hoài nghi và sợ hãi với siêu nhiên thì thế giới siêu nhiên lại trở thành cõi mơ mộng của tuổi thơ ấu. Và nghiễm nhiên, “mythic fiction trở thành thế giới của tuổi thơ, nơi mà chính tác giả được thỏa sức sống với những ký ức thần thánh của mình.
Nền tảng cho thể tài này, ngoài những thần thoại thời Cổ đại và Trung Cổ, còn phải kể đến công trình biên soạn – sáng tác của các nhà sưu tầm truyện cổ. Người mở đầu quan trọng của công cuộc này là Antoine Galland (1646-1715) với bộ truyện đồ sộ “Nghìn lẻ một đêm” về xứ Ả Rập huyền bí. Sau đó là anh em nhà Grimm vào nửa đầu thế kỷ 19 với bộ Truyện cổ Grimm. Vĩ đại nhất là “người kể chuyện cổ tích” Hans Christian Andersen (1805-1875) với những truyện kể giàu chất thơ và truyền tải nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ông không chỉ sưu tầm, mà còn sáng tạo dựa trên những mẩu cổ tích như “Bà chúa Tuyết”, “Con chim họa mi”, “Nàng tiên cá”… Với nguồn cảm hứng từ Andersen, Oscar Wilde cũng viết nhiều truyện ngắn thuộc thể tài giả tưởng thần thoại, mà nổi tiếng nhất là “Họa mi và hoa hồng”, “Hoàng tử hạnh phúc”, bài thơ “Narcisss”… Truyện ngắn của Andersen và Oscar Wilde thực sự đã mở ra một trào lưu mới trong suốt thế kỷ 19-20, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới tâm trí non nớt của tuổi ấu thơ.
Trái ngược với cảm giác rùng rợn mà các tác phẩm huyền bí tạo ra, giả tưởng thần thoại gọi thế giới không được biết đến này là “wonderland”(kỳ diệu) hay “neverland” (vĩnh cửu). Sự qua lại với thế giới này được tạo dựng bằng “giấc mơ”. Trong tác phẩm kinh điển của tác giả Lewis Caroll “Cuộc phiêu lưu của Alice ở xứ Wonderland” (1865),  tác giả sử dụng cách thức để Alice đến với Wonderland là qua những giấc mơ khi còn rất bé, và khi cô lớn hơn một chút bắt đầu quên dần giấc mơ ấy thì cô bị rơi vào một cái “hố đen” mà cô tưởng là “hố thỏ”. Những nhà phân tâm học chuyên nghiên cứu giấc mơ như Freud và Jung có thể sẽ gọi tình trạng này của Alice mà một cuộc đi “thăm dò tiềm thức”.
“Những câu chuyện kể về Peter Pan” (1902 – 1906) của J.M.Barrie đề cập đến một vùng đất khác có tên là “Neverland” – vùng đất vĩnh cửu. Những đứa trẻ ở “Neverland” đều không bao giờ trưởng thành hay già đi. Peter Pan – người đứng đầu lũ trẻ, với sự giúp đỡ của tiên Tinkle Bell và chị em Wendy chống lại những người trưởng thành đầy quỷ kế muốn thống trị Neverland mà đại diện là Thuyền trưởng Hook. Thế nhưng, ở cuối chuyện, mặc dù Peter Pan thắng, nhưng Wendy đã đầu hàng và trở về với thế giới thực để có thể trưởng thành. Peter Pan và vùng đất Neverland chính là mơ ước của những người lớn tuổi bị thôi thúc bởi sự trỗi dậy của nguyên mẫu “đứa trẻ thần thánh” mà Jung đã đề cập đến trong lý thuyết của mình.
“Phù thủy xứ Oz” (1902) của Frank Baum ở Mỹ mô tả sự dịch chuyển đến thế giới của những điều kỳ diệu bằng một cơn lốc xoáy. Cơn lốc xoáy này và cơn bão trong vở kịch cùng tên của Shakespeare có lẽ mang tính chất biểu tượng như một biến cố định mệnh thúc đẩy nhân vật chính đi tìm ý nghĩa đích thực của tồn tại, mà ở đây cụ thể là ý nghĩa của “linh hồn”. Người thiếc đi tìm trái tim, bù nhìn rơm muốn có trí thông minh, sư tử muốn có lòng dũng cảm… đó là biểu hiện của phần “linh hồn”.
Bộ tiểu thuyết vĩ đại nhất của thể loại này phải kể đến bộ “Biên niên sử Narnia”(1950-1956) của C.S.Lewis. Tác phẩm không chỉ vẽ ra một thế giới thần tiên có tên là Narnia mà còn chứa đựng trong đấy là lý thuyết về sự Sáng thế, về các thế giới song song tồn tại trong quyển “Cháu trai của pháp sư”; sự gợi nhắc về Thời Kỳ Vàng trong “Phù thủy, Sư tử và cái tủ áo” và “Hoàng tử Caspian”; ý nghĩa hành trình khám phá bí ẩn của vũ trụ trong “Con tàu hướng tới bình minh”… và để rồi trong quyển “Trận chiến cuối cùng”, sau trận đại chiến ở Narnia, các nhân vật chính của bộ truyện nhảy qua thác nước vĩnh cửu ở nơi tận cùng thế giới, họ gặp được Aslan và nhận ra đâu là một nước Anh thực sự – nơi đau khổ, chết chóc và chiến tranh ngự trị. Thông qua biên niên sử về một vùng đất tưởng tượng, C.S Lewis gợi nhắc cho chúng ta về thuyết mạt thế, về sự tàn phá của văn minh vật chất  và tham vọng của loài người. Tuy nhiên, ở cuối bộ truyện, tác giả lại khẳng định rằng sự kết thúc Narnia chẳng qua chỉ là khởi đầu một hành trình mới, hành trình đích thực ở vương quốc của Aslan – tương trưng cho đấng Sáng Tạo. “Biên niên sử Narnia” không phải là một tác phẩm tưởng tượng thuần túy, mà hơn thế nữa, là một học thuyết triết học được viết bằng những biểu tượng thần thoại.
“Biên niên sử Narnia” có thể coi là đỉnh cao của thể tài giả tưởng thần thoại. Nếu như Alice (Cuộc phiêu lưu của Alice ở xứ Wonderland), Wendy (Peter Pan) hay Dorothy (Phù thủy xứ Oz) đều trở về với thế giới thường nhật trong sự tiếc nhớ những ký ức đẹp đẽ của các cuộc phiêu lưu, thì các nhân vật chính của C.S Lewis đi xa hơn thế. Họ nhiều lần quay trở về thế giới thật, nhiều lần quay lại với Narnia, nhiều đến mức họ thấy xa dần cái nơi gọi là “thế giới thật”, và ngay cả khi thế giới tuyệt đẹp của họ sụp đổ thì họ cũng không bao giờ chấp nhận “thế giới thật” nữa, họ vươn tới một cõi vĩnh hằng và linh thiêng, cao cả hơn sự sống. Các tác phẩm giả tưởng thần thoại là một sự quay lưng lại với Chủ nghĩa thực dụng (“utilitarianism”) do John Stuart Mill và Jeremy Bentham đề ra ở Anh vào thế kỷ 19 và sau đó là John Dewey phát triển ở Mỹ trong các mô hình giáo dục. Lúc này, ở Anh, các trường thực nghiệm dựa trên chủ nghĩa này cũng bắt đầu trở nên thời thượng. “Biên niên sử Narnia” đánh thẳng vào thành trì này bằng nhân vật Eustace cáu kỉnh tràn ngập một tinh thần khoa học thực nghiệm được dạy dỗ tại trường, chỉ tin vào những gì có ở cuộc sống thường nhật, khinh thường sự mộng mơ của tuổi nhỏ.  Nhưng sau đó, chính Eustace vô tình bị đẩy vào hành trình với anh em Pavensies tới Narnia để rồi đắm chìm trong thế giới thần tiên và trung thành hết mực với Aslan – Đấng Sáng Thế vĩ đại.
Sau “Biên niên sử Narnia”, các tác phẩm giả tưởng thần thoại mặc dù quy mô đều lớn hơn, nhưng tầm tư tưởng lại hẹp hơn. Ta vẫn có thể kể đến một số bộ tiểu thuyết đồ sộ cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 như “Chúa tể những chiếc nhẫn” của Tolkien, “Harry Potter” của Rowling, “Inheritace Cycle” của Christopher Paolini, series “Chạng vạng” của Stepheine Meyer. Ngay cả tác phẩm lớn nhất là “Chúa tể những chiếc nhẫn”, hoàn toàn về thế giới thần thoại, không có dấu vết của “thế giới thật”, nhưng vẫn chỉ quanh quẩn ở cuộc chiến tranh giữa các giống loài huyền bí và vẫn vấn đề thiện ác. Các tác phẩm sau này quay trở lại với nguồn cảm hứng của các anh hùng sử thi, thực hiện một cuộc hành trình, chống lại cái ác và tự hoàn thiện bản thân sau mọi trở ngại. Tầm cỡ tư tưởng của những tác phẩm này không còn nhiều, mà thông qua những tưởng tượng về thế giới thần thoại và huyền bí, nguyên mẫu anh hùng được sống dậy, như một người nhận sự mệnh, bảo vệ cho điều thiêng liêng. Không thể phủ nhận, những tác phẩm này đã làm mưa làm gió trên thị trường sách toàn thế giới và tạo thành một trào lưu lớn trong nhiều năm vừa qua. Nhưng, giống như mọi trào lưu khác, sẽ đến lúc trào lưu này suy tàn, khi không có thêm được những tác phẩm mang tầm cỡ thời đại.

nghe-thuat-yeu-beautiful-2ddrawings-2d39

III – Dự đoán một tương lai cho văn học giả tưởng
Như đã nói ở cuối phần II.2.2, khoa học viễn tưởng đã có nhiều bước tiến đến gần với giả tưởng thần thoại. Khoa học không còn phủ nhận thế giới siêu nhiên mà bắt đầu khám phá bằng nhiều lĩnh vực khác nhau như Toán học, Vật lý, Thiên văn, Khoa học não bộ. Với bước tiến này, chắc chắn văn học giả tưởng phải có những thay đổi để tiến vào những vùng không biết trước niềm tin của nhân loại.
Cuối thế kỷ 20, những lý thuyết khoa học về lỗ đen của vũ trụ – nơi mọi vật chất đều bị hủy hoại, ngoại trừ thông tin; hiệu ứng cánh bướm và lý thuyết hỗn độn lý giải về sự tác động của một thay đổi nhỏ trong cái toàn thể đã làm thay đổi hướng nghiên cứu của các nhà khoa học. Nhưng khám phá về vũ trụ toàn ảnh ở cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 của nhà vật lý Graig Hogan, nhà vật lý David Bohm và nhà não bộ học Karl Pribram mới thật sự mở ra một kỷ nguyên mới của khoa học. Lý thuyết toàn ảnh chỉ ra rằng: thực tại mà chúng ta đang tiếp xúc hàng ngày chỉ là một ảo tưởng – một bức tranh toàn ảnh. Thực tại có hai mức:  “tiềm ẩn” (cuộn lại) và “tường minh” (mở ra). Với lý thuyết trên, thì có thể coi “thế giới thật” là mức tường minh, còn thế giới “fantasy” trong các tác phẩm “mythic fiction”  là mức “tiềm ẩn”. Bởi vậy, David Bohm cho rằng sự phân chia thế giới “sống” và “không sống”, “thực” và “ảo” là một sự vô nghĩa. Không phải chỉ có vũ trụ, mà ngay cả não bộ của con người trong các nghiên cứu của Karl Pribram cũng chỉ ra điều tương tự. Họ cùng khẳng định rằng: trong một phần của vũ trụ hay một phần của bộ não, tức là một ảnh của toàn ảnh đều chứa thông tin của toàn bộ. Sự minh chứng cho tính đúng đắn của lý thuyết này đã mang đến cách giải thích của các hiện tượng huyền bí như thần giao cách cảm, tiên tri, sự thống nhất giữa con người và vũ trụ…
Cùng với khám phá về Vũ trụ Toàn ảnh, những nhà khảo cổ học đã tìm được bằng chứng chứng minh nhiều điểm bất hợp lý trong Thuyết Tiến hóa của Darwin. Trong cuốn “Những cấm kỵ khảo cổ học”, Micheal A. Cremo – một nhà khoa học của NBC đã cho thấy di chỉ về dấu chân người  tinh khôn và dấu chân khủng long cùng vị trí và niên đại. Điều này chỉ ra rõ rằng nhân loại có mặt trên Trái Đất từ hàng triệu năm trước và họ khẳng định chắc chắn rằng: Darwin không có những bằng chứng chắc chắn cho học thuyết của ông. Đi xa hơn thế, những nhà khảo cổ của NBC đã nghiên cứu về các nền văn minh cổ như Ai Cập, Celtic, Aztec… và một số nền văn minh bị chôn vùi như Mu, Gobi…, họ cho biết độ chính xác tuyệt đối của các công trình Kim Tự Tháp hay Bàn Thờ Đá Stonehedge đều liên quan đến Thiên Văn học cổ. Nếu không ở một trình độ văn minh rất cao thì các công trình đó không thể tuyệt đối chính xác đến thế, điều mà kiến trúc hiện đại đến giờ vẫn chưa thể đạt được. Tất cả điều đó chứng minh rằng không phải thế giới đang tiến hóa, không phải nền văn minh chúng ta đang sống là nền văn minh đỉnh cao, rằng những điều mà thần thoại các dân tộc và “Utopia” dự đoán là chính xác.
Khi nhân loại đã có sự hiểu biết về thực tại, khi chúng ta chấp nhận thế giới siêu nhiên với một niềm tin chắc chắn dựa trên các minh chứng về khoa học, vậy thì những điều huyền bí có còn dọa dẫm được, những thế giới kỳ diệu liệu còn có gây được sự tò mò và thích thú? Như vậy, văn học giả tưởng sẽ phải có một hướng đi hoàn toàn mới. Trong khi điện ảnh, với những bộ phim khoa học viễn tưởng như “Matrix”, “Avatar”, “Inception” đã chạm tới lý thuyết toàn ảnh thì văn học giả tưởng vẫn đang mơ hồ với cảm hứng xưa cũ. Cần một sự xích lại gần, đến mức sát nhập khoa học viễn tưởng và viễn tưởng thần thoại để lý giải và mô tả một vũ trụ toàn ảnh. Đó mới thực sự là bước tiến lớn. Và sau đó, biết đâu, nguồn cảm hứng mới của văn học giả tưởng lại là xây dựng một mô hình Utopia kiểu mới và tiếp tục hành trình mà khoa học đến giờ vẫn chưa giải quyết được: Chúng ta sinh ra từ đâu? Vũ trụ này khởi nguồn như thế nào? Liệu có chăng một Đấng Tối Cao bao trùm toàn vũ trụ? Tuy nhiên, dự đoán vẫn chỉ là dự đoán, bởi để có thể viết những tác phẩm lớn lao như vậy đòi hỏi ở nguời viết một trí não rất lớn với sự hiểu biết thông thái đặc biệt, và cũng đòi hởi ở người đọc một tri thức sâu sắc, rộng mở.
IV- Kết luận
Trên đây là một nỗ lực để có được cái nhìn tổng thể về văn học giả tưởng, với hi vọng rằng định vị lại thể loại với lịch sử lâu dài. Nếu định giá một tác phẩm văn học dựa trên những cách tân về hình thức và biểu tượng, thì văn học giả tưởng không được xếp vào những tác phẩm hàn lâm. Đọc văn học giả tưởng, không thể đọc bằng lý luận văn học, nghiên cứu trường phái này cũng không thể bằng các phương pháp thông thường. Để hiểu thật sự một tác phẩm giả tưởng, không chỉ văn học, mà thậm chí cả điện ảnh, hội họa, điêu khắc, người thưởng thức buộc phải có sự hiểu biết về Siêu hình học, khoa học tâm linh, Tôn giáo, Thần học và Huyền học. Với cách nhìn nghiêm túc về Văn học giả tưởng như vậy, chúng ta mới có thể đưa Văn học giả tưởng trở lại với quỹ đạo mà từ những năm 90 của thế kỷ 20 đến nay nó đang bị trật dần ra, để trở về với đúng vị trí xứng đáng: Dòng văn học của những tư tưởng.
 
Nguồn tham khảo:
Tác phẩm khảo sát:
Thần thoại Hy Lạp – Nguyễn Văn Khỏa
Kinh Veda
Iliad; Odyssey – Homer
MahaBharata
Utopia – Thomas More
Cuộc phiêu lưu vào tâm trái đất; Hai vạn dặm dưới đáy biển  – Jules Verne
Frankenstein hay Prometheque hiện đại – Mary Shelley
Faust – Goethe
Truyện ngắn và thơ của Edgar Allan Poe
Bức chân dung Dorian Gray – Oscar Wilde
Truyện ngắn và thơ của Oscar Wilde
Truyện cổ Andersen
Cuộc phiêu lưu của Alice ở xứ Wonderland – Lewis Caroll
Những câu chuyện kể về Peter Pan – J.M.Barrie
Biên niên sử Narnia – C.S.Lewis
Chúa tể những chiếc nhẫn – Tolkien
Harry Potter – Rowling
Tài liệu tham khảo:
Từ điển Tiếng Anh Oxford
Wikipedia
Lịch sử của thần thoại – Karen Amstrong
Lịch sử Châu Âu – Norman Davies
Những cấm kỵ khảo cổ học – Micheal Cremo
Thăm dò tiềm thức – Carl Jung
Vũ trụ toàn ảnh – một kỷ nguyên khoa học mới – Cao Chi ( Đăng trên Tạp chí Tia Sáng ngày 16/4/2009)
 

Biên niên sử Narnia – Bài học về sự trưởng thành

Nhiều bạn bè có hỏi tôi về những cuốn sách có thể cho con cái họ đọc. Tôi hỏi họ rằng họ muốn biến con cái họ sau này thành người như thế nào? Thế là họ im lặng. Ai cũng muốn điều tốt nhất cho con cái mình, nhưng điều tốt nhất ấy là gì, đó là một câu hỏi khó. Tôi nghĩ, điều tốt nhất mà mỗi bố mẹ có thể mong muốn ở đứa con của mình, đó là sự trưởng thành.

Văn chương kỳ ảo của trẻ em: Vì sao việc thoát ly hiện thực lại tốt cho trẻ nhỏ

Văn chương kỳ ảo (fantasy) là dòng văn chương có xu hướng phân cực độc giả. Theo logic thông thường thì các độc giả “nghiêm túc” sẽ thích văn hiện thực (realism) hơn, còn văn kỳ ảo lại đặc biệt hướng đến trẻ em hoặc những ai xem việc đọc như là một cách để thoát ly hiện thực. Còn theo nhiều người giả định thì văn kỳ ảo mang ít giá trị hơn là văn hiện thực – đó là lý do vì sao