Home Đọc Lý thuyết Marxist và khoa học viễn tưởng

Lý thuyết Marxist và khoa học viễn tưởng

Chủ nghĩa Marx, khoa học viễn tưởng và thế giới lý tưởng (Utopia)

Lý thuyết Marxist có vai trò quan trọng trong phê bình thể loại khoa học viễn tưởng, đặc biệt là trong khoảng 30 năm cuối thế kỉ trước. Kể từ những năm 1960, nhiều nghiên cứu phức tạp nhất về khoa học viễn tưởng đã có định hướng theo chủ nghĩa Marx hoặc bị ảnh hưởng bởi những khái niệm Marxist được áp dụng trong chủ nghĩa chủ nghĩa nữ quyền, phê bình chủng tộc, lý thuyết queer và nghiên cứu văn hóa. Mặc dù có khá ít nhà phê bình và người viết ở thể loại này tuyên bố rằng họ ủng hộ lý thuyết Marx, nhưng những tác phẩm khoa học viễn tưởng và những thể loại gần gũi với hư cấu về thế giới lý tưởng lại có niềm yêu thích tự nhiên sâu sắc với tư tưởng Marxist nói riêng và với tư tưởng xã hội chủ nghĩa nói chung. Nói theo cách dễ hiểu, truyện khoa học viễn tưởng và truyện về thế giới lý tưởng quan tâm đến việc tưởng tượng ra những lựa chọn nhằm thay thế cho những hiện trạng hiện tại, thường ngầm ẩn sự phê phán dành cho bối cảnh đương đại hoặc những tương lai có khả năng xảy ra trong xu hướng xã hội hiện thời. Cụ thể, truyện khoa học viễn tưởng hình dung về sự thay đổi liên quan đến tổng thể loài người (the whole human species) 1, và những thay đổi ấy thường là kết quả của những khám phá, phát minh khoa học được con người áp dụng vào sự tiến hóa xã hội của chính họ. Đây cũng chính là những mối quan tâm của chủ nghĩa Marx khi hình dung về xã hội và xã hội lý tưởng.

Hệ thống của Marx kết hợp sự phê phán tinh vi đối với hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa, quan niệm coi lịch sử như là quá trình biện chứng của sự tự xây dựng con người, và tầm nhìn về một lối sống dân chủ và công bằng toàn cầu trong tương lai như một mục tiêu của lịch sử loài người. Mặc dù vai trò của chủ nghĩa Marx như một thực hành chính trị và phương thức dự đoán dần mờ đi cùng với sự tan rã của khối Xô Viết và sự thắng thế của chủ nghĩa tư bản đa quốc gia, những khái niệm cốt lõi của nó vẫn được nhiều học giả và nhiều trào

lưu phê bình xã hội khác sử dụng. Tư tưởng phê bình nữ quyền và phê bình chủng tộc đã mượn chủ nghĩa Marx mô hình lịch sử, thay thế giai cấp công nhân bằng người da màu và phụ nữ và coi họ như những tác nhân lịch sử được nhấn mạnh. Những tư tưởng này thường mô phỏng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính dựa trên hệ tư tưởng tư sản, vì quyền bá chủ chủng tộc và chế độ phụ hệ được mô phỏng theo phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Từ đó loài người bị xem nhẹ giống như giai cấp vô sản trong mô hình của quá trình nhận thức và dần bộc lộ những mâu thuẫn giữa lý tưởng và thực tiễn. Nghiên cứu văn hóa cũng vận dụng những khái niệm Marxist nền tảng để lần theo dấu vết những mối quan hệ biện chứng giữa các nhóm xã hội với quyền lực cố hữu và giữa từng nhóm xã hội với nhau thông qua trung gian văn hóa.2

Trong những hình thái sớm nhất, truyện về thế giới lý tưởng (Utopia fiction) khắc họa xã hội công bằng và hợp lý trong tưởng tượng để đối lập với xã hội mang bản chất bóc lột trên toàn thế giới. Marx nổi tiếng là đã miễn cưỡng mô tả một xã hội không tưởng sẽ diễn ra khi cách mạng vô sản thành công, ông chỉ nhắc đến nó bằng những thuật ngữ mơ hồ nhất trong phần kết của Tuyên ngôn Cộng sản. Tuy nhiên, ông xác nhận vị thế của xã hội không tưởng như một đích đến mang tính lịch sử. Marx cũng đánh giá công nghệ như là một công cụ quan trọng cho sự giải phóng nhân loại. Ông tin rằng trong một thế giới công bằng, những đổi mới về công nghệ là sự bảo đảm để con người tự do khỏi những vất vả nặng nhọc, cũng như chúng là phương tiện nô dịch hàng loạt trong một trật tự dùng để bóc lột. Những ý tưởng này được mài giũa trong tư tưởng Marxist thành một câu chuyện về sự giải phóng xã hội và công nghệ – có mối liên hệ rõ ràng với những câu chuyện cơ bản trong truyện khoa học viễn tưởng.

Tư duy chủ nghĩa xã hội không tưởng (Utopia socialist thinking) là một trong những ảnh hưởng hình thành mạnh mẽ nhất đối với SF cuối thế kỷ 19, đặc biệt là ở thế giới Anh ngữ và Nga. Những nhân vật quan trọng nhất trong sự phát triển của khoa học viễn tưởng tiếng Anh trong ba mươi năm từ giữa những năm 1880 đến đầu Thế chiến thứ nhất – Edward Bellamy, William Morris, H. G.

Wells và Jack London – đều là những người theo chủ nghĩa xã hội. Mặc dù trong số này chỉ có London là theo chủ nghĩa Marx, nhưng tất cả đều có chung quan điểm rằng sự lãng mạn khoa học và lãng mạn không tưởng đều liên minh với cải cách xã hội chống lại chủ nghĩa tư bản vô đạo đức. Ở phương Tây, ảnh hưởng của Wells lớn hơn Marx trong bối cảnh này. Các tác phẩm không tưởng của ông – trong các tác phẩm như A Modern Utopia (1905), The World Set Free (1914) và Men Like Gods (1923) – rất được yêu thích trên toàn thế giới, và mô hình ưa thích của ông về một nhà nước-thế giới kỹ trị được điều hành bởi các nhà khoa học và kĩ sư khai sáng thống trị phần lớn tư tưởng xã hội của phe Cánh Tả trước những năm 1930.

Người ta có thể cho rằng chủ nghĩa Mác đã ảnh hưởng đến các quan niệm về sf ở Liên Xô, vì chủ nghĩa Mác-Lênin là triết lý chính thức của nhà nước. Truyện không tưởng (Utopian sf) là một thể loại tưởng tượng chính trị quan trọng của những người cấp tiến trước năm 1917, và trong quần chúng nói chung trong những năm đầu của Cách mạng. Tuy nhiên, bắt đầu từ đầu những năm 1920, các nhà văn Liên Xô không được khuyến khích viết những tác phẩm hư cấu không tưởng có thể làm dấy lên những kỳ vọng phổ biến và hàm ý chỉ trích những điều kiện hiện tại. Sự nản lòng đã trở thành sự đàn áp tích cực với “học thuyết về những giới hạn gần” (doctrine of near limits) của Stalin. Các nhà văn phải tập trung vào việc anh hùng hóa các nhiệm vụ của hiện tại. Khoa học viễn tưởng (science fiction) và tiểu thuyết không tưởng (Utopian fiction) đã được khẳng định là không còn vai trò gì trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa. Kết quả là không có một tác phẩm nghiên cứu nghiêm túc nào, chứ đừng nói đến phê bình và lý thuyết, được xuất bản ở Liên Xô cho đến sau cái chết của Stalin vào năm 1953.3

Vào cuối thập niên 1950, thể loại khoa học viễn tưởng xã hội chủ nghĩa không tưởng (socialist-utopian sf) quy mô lớn bắt đầu được viết lại, với cảm hứng từ tác phẩm mang tính đột phá Andromeda (1959) của Ivan Yefremov. Một sự bùng nổ của khoa học viễn tưởng sáng tạo (inventive sf) đã diễn ra trong giai

đoạn “tan băng” của cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, với đại diện nổi trội nhất là tác phẩm của anh em nhà Strugatsky. Cả Yefremov và anh em nhà Strugatsky đều bị chỉ trích vì đã đi lệch khỏi những quy định của Đảng: Yefremov đã bỏ qua hình ảnh ‘Con Người Xã Hội Chủ Nghĩa’ (Socialist Man) và miêu tả những anh hùng của ông gần như thần thánh (quasi-divine), còn anh em nhà Strugatsky lại miêu tả những nhân vật không đủ anh hùng để đại diện cho Con Người Xã Hội Chủ Nghĩa. 4 Khi sự chỉ trích ngày một khắc nghiệt hơn trong những năm 1970 và 1980, các nhà văn khoa học viễn tưởng Xô Viết cũng ngày càng thể hiện sự chống đối, và họ thường bị buộc phải xuất bản qua samizdat (các ấn phẩm ngầm tự phát hành). Không có sự ưa chuộng nào đối với việc bảo vệ văn chương khoa học viễn tưởng mang tính phê bình bằng ngôn ngữ Marxist. Trong những điều kiện này, không có lý thuyết nghiêm túc nào về khoa học viễn tưởng được hình thành trong khung thuật ngữ Marxist cả.

Ở Hoa Kỳ, nơi khoa học viễn tưởng phát triển thông qua các tạp chí giá rẻ và trở thành một hình thức văn học đại chúng đầy quyền năng, những ý tưởng xã hội chủ nghĩa đã có rất ít ảnh hưởng kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Wells vẫn là hình mẫu mạnh mẽ nhất trong thể loại này, nhưng các nhà văn khoa học viễn tưởng Mỹ chủ yếu học từ ông lý do biện minh cho một tầng lớp tinh hoa kỹ trị. Nhân vật chính tiêu biểu của khoa học viễn tưởng Mỹ không phải là nhà khoa học xã hội chủ nghĩa làm việc vì sự tái tổ chức khoa học của nhân loại, mà là kỹ sư-kẻ phiêu lưu-người mang tinh thần khởi nghiệp (engineer-adventurer-entrepreneur) tài ba, được thể hiện qua hình ảnh nhà phát minh thiên tài cá nhân Edison. 5 Sau Cách mạng Nga, cộng đồng các nhà văn khoa học viễn tưởng không chỉ chống cộng sản mà còn chống cả xã hội chủ nghĩa. Với Chiến tranh Thế giới thứ hai và hậu quả của nó, chủ nghĩa chống cộng sản thấm nhuần vào đời sống Mỹ đến mức tư tưởng Marx trở thành điều cấm kỵ. Một số ít nhà văn kiên trì viết các tác phẩm châm biếm chống tư bản, như Frederik Pohl và Cyril Kornbluth và nhà xã hội chủ nghĩa Mack Reynolds, nhưng phần lớn các nhà văn khoa học viễn tưởng (nhiều người trong số họ, như nhóm Futurians, có cảm tình với cánh tả vào những năm 1930) đã trở thành những người chống xã hội chủ nghĩa, và tác phẩm của họ miêu tả chủ nghĩa tư bản tự do và chủ nghĩa cá nhân (laissez-faire capitalism and individualism) là trật tự tự nhiên của tương lai. Các bộ phim khoa học viễn tưởng đạt được một hình thức phổ biến mới bằng cách ám chỉ cơn cuồng loạn McCarthy (McCarthyite hysteria). Từ ‘không tưởng’ (utopian) trở nên gắn liền trong tâm trí công chúng với chủ nghĩa cộng sản Liên Xô, và khoa học viễn tưởng trong giai đoạn ngay sau chiến tranh bị chi phối bởi các chủ đề chống không tưởng (anti-utopian themes).

Bầu không khí phản cấp tiến và phản không tưởng này đã thay đổi đáng kể vào những năm 1960. Lấy cảm hứng từ cuộc đấu tranh giành quyền công dân và tình trạng độc lập đột ngột của nhiều thuộc địa châu Âu, được hỗ trợ bởi sự giàu có chưa từng có và sự phát triển công nghệ trong các nền dân chủ tư bản, một nền văn hóa cạnh tranh quốc tế đã tự đặt mình vào thế đối lập với các thể chế và chính sách của nhà nước tư sản. Phong trào này có sự đa dạng về mục tiêu, nhưng tất cả đều chia sẻ hai đặc điểm có liên quan trong bối cảnh này: sự tôn trọng đối với các ý tưởng của chủ nghĩa Marx và cái mà Italo Calvino gọi là “một lời buộc tội không tưởng” (a utopian charge),6 một mong muốn mạnh mẽ, chưa hình thành là giải thoát thế giới khỏi đói nghèo, phân biệt chủng tộc, đàn áp tình dục và bóc lột kinh tế – những tội lỗi mà tư tưởng của chủ nghĩa Marx đã lý thuyết hóa một cách thuyết phục là những khía cạnh đặc hữu và cần thiết của chủ nghĩa tư bản nhà nước tư sản. Sự kết hợp này cũng có tác động truyền cảm hứng cho thể loại khoa học viễn tưởng. Giới trí thức và sinh viên đã khởi xướng một dự án quần chúng nhằm tưởng tượng ra các phương án thay thế cho trật tự thế giới lưỡng cực, quân sự hóa phi lý của Chiến tranh Lạnh. Nhiều cộng đồng cố ý thay thế đã được thử nghiệm, và đời sống văn hóa ngày càng bị đánh dấu bởi những lời chỉ trích về tình trạng hiện tại từ những quan điểm tưởng tượng, nơi các vấn đề của hiện tại được giải quyết, ngay cả khi không chắc chắn. Khoa học viễn tưởng đã trở thành một trong những công cụ đặc quyền của dòng tư tưởng này. Các tác phẩm như Dune (1965) của Frank Herbert, Stranger in a Strange Land (1961) của Robert Heinlein, Cat’s Cradle (1963) của Kurt Vonnegut và Sirens of Titan (1959) đã đạt được sự phổ biến to lớn chưa từng có đối với các tác phẩm khoa học viễn tưởng.

Lời cáo buộc không tưởng được đưa ra dưới nhiều hình thức: chủ nghĩa vô chính phủ triết học, chủ nghĩa Nietzsche cánh tả, một phong trào Xanh nguyên mẫu (a proto-Green movement), chủ nghĩa tự do ảo giác và có lẽ có ảnh hưởng nhất trong số tất cả, sự kết hợp giữa phê phán của chủ nghĩa Marx về sự áp bức với phân tích của Freud về sự đàn áp, cái gọi là chủ nghĩa Freudo-Marxism được Herbert Marcuse tập trung thúc đẩy nhất. Sự hợp thành này có hai khía cạnh liên kếtkhông dễ dàng. Một mặt, có sự nhấn mạnh của New Left vào phê phán không tưởng và giải phóng khỏi tình trạng hàng hóa hóa; mặt khác, một chính trị chống thực dân, cách mạng, bán Leninist về sự kháng cự dân tộc, sắc tộc và giai cấp. Vế trước nhấn mạnh vào ý thức phê phán về văn hóa, vế sau nhấn mạnh vào ý thức giai cấp như một điều kiện tiên quyết cho sự kháng cự bạo lực và cách mạng. Hai bên chủ yếu chồng chéo nhau trong sự phê phán chủ nghĩa tư bản.

Theo thời gian, mong muốn phổ biến là tưởng tượng ra các phương án thay thế và xây dựng các phê phán giàu trí tưởng tượng đã bị thu hẹp giới hạn vào trong lý thuyết văn hóa. Các cuộc nổi dậy đầy hy vọng của sinh viên trên khắp thế giới vào năm 1968 không ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu trúc của nhà nước tư bản – và thực tế là trong cả nhà nước cộng sản, với trường hợp của Mùa xuân Praha. Ở châu Âu và Hoa Kỳ, các phong trào cực đoan đã thực hiện một chính sách bạo lực tuyệt vọng nhân danh cách mạng Lenin, khiến mọi người ngày càng hướng tới sự bảo vệ của các chính phủ ngày càng gia tăng đàn áp. Ở Anh, nơi tư tưởng Marxist vẫn dựa trên chủ nghĩa hoạt động công đoàn, lý thuyết văn hóa Marxist đã phát triển trong bối cảnh xã hội học thực tiễn về văn hóa giai cấp, với ít sự viện dẫn đến lý thuyết không tưởng. Do đó, không có nhánh lý thuyết khoa học viễn tưởng Marxist nào xuất hiện ở đó (mặc dù Raymond Williams, một trong những nhà lý thuyết tiên phong của các nghiên cứu văn hóa duy vật, đôi khi quan tâm đến khoa học viễn tưởng).7

Chủ nghĩa phê bình Marxist Mới (New Marxist criticism) ở Hoa Kỳ

Ngược lại, ở Hoa Kỳ, có một sự bùng nổ về sự quan tâm đến khoa học viễn tưởng, không chỉ từ các học giả và sinh viên cánh tả, mà còn từ cả văn hóa đại chúng. Một phong cách khoa học viễn tưởng mới đầy tham vọng về mặt nghệ thuật và tinh vi về mặt chính trị đã hình thành, minh chứng là tác phẩm của Philip K. Dick, Joanna Russ, Ursula K. Le Guin và Samuel R. Delany. Các điều kiện tiên quyết để kết tinh một lý thuyết khoa học viễn tưởng cấp tiến đã có sẵn.

Vào giữa những năm 1970, các nhà lý thuyết Marxist về khoa học viễn tưởng thấy mình rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, khoa học viễn tưởng thường được độc giả có học thức (bao gồm hầu hết các nhà lý thuyết Marxist) coi là không đáng kể về mặt nghệ thuật; hơn nữa, vì phần lớn khoa học viễn tưởng được viết để phục vụ mục đích giải trí cho đại chúng, nên nó rõ ràng tránh xa hoạt động chỉ trích xã hội và ủng hộ hệ tư tưởng thống trị của chủ nghĩa cá nhân tư sản. Điều này đặc biệt đúng ở Hoa Kỳ, nơi hầu hết khoa học viễn tưởng được sản xuất và tiêu thụ. Đối với một số nhà phê bình theo chủ nghĩa Marx, khoa học viễn tưởng là một ví dụ đặc biệt nghiêm trọng về sự thông đồng về mặt ý thức hệ với các lợi ích tư bản đã được thiết lập. Công trình của H. Bruce Franklin tại Hoa Kỳ, nói riêng, tập trung vào khía cạnh này của thể loại này. Tiểu sử của Franklin về Robert A. Heinlein (1980) đã xác định tác giả nổi tiếng theo chủ nghĩa cá nhân này với chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ trong Chiến tranh Việt Nam đang diễn ra. Trong các bài tiểu luận sau này và cuốn sách War Stars (1988), Franklin lập luận một cách thuyết phục hơn, nếu không muốn nói là tinh tế hơn, rằng khoa học viễn tưởng là nguồn cảm hứng lớn, thực sự là một động cơ sáng tạo, cho sự phát triển của siêu vũ khí hủy diệt hàng loạt, và do đó mang một gánh nặng to lớn về tội lỗi lịch sử. Trong những tác phẩm này và các tác phẩm tương tự về khoa học viễn tưởng và Chiến tranh Việt Nam, Franklin đã đặt ra mục tiêu làm sáng tỏ sức mạnh ý thức hệ thâm độc của một hình thức giải trí dường như vô hại với sự cấp bách và tức giận của một nhà phê bình nổi loạn.8

Tuy nhiên, những diễn biến chính của lý thuyết khoa học viễn tưởng lại đi theo một con đường khác. Năm 1973, Darko Suvin và R. D. Mullen thành lập tạp chí Science-Fiction Studies (Nghiên cứu Khoa học viễn tưởng), nơi sau này đã thành địa điểm chính cho các nhà phê bình khoa học viễn tưởng tân Marxist. Tạp chí này không tuyên bố một hướng đi duy nhất và đã xuất bản các bài nghiên cứu khoa học viễn tưởng quan trọng của nhiều tác giả không theo chủ nghĩa Marx (bản thân Mullen không phải là người theo chủ nghĩa Marx), và nó đã trở thành ngôi nhà của một nhóm các nhà lý thuyết-phê bình Marxist, những người đồng ý về một số tiền đề nhất định và mở rộng ý tưởng của nhau. Ngoài Suvin, tạp chí còn bao gồm Fredric Jameson, Peter Fitting, Tom Moylan, Marc Angenot và Carl Freedman. Mặc dù sẽ gây hiểu lầm khi nói về một “trường phái” Science-Fiction Studies, nhưng hầu hết các tác giả này đều dựa vào và xây dựng khái niệm “xã hội không tưởng mang tính phê phán” (critical utopia) (như Moylan cuối cùng đã đặt tên) như là cốt lõi của trí tưởng tượng khoa học viễn tưởng.

“Xã hội không tưởng mang tính phê phán” bắt nguồn từ một số ý tưởng quan trọng trong truyền thống của chủ nghĩa Marx-Hegel, được thể hiện trong các tác phẩm của T. W. Adorno, Walter Benjamin, Ernst Bloch, Antonio Gramsci và Raymond Williams, và một số tác phẩm của Georg Lukács phân tích văn hóa như một khía cạnh của sự thống trị giai cấp để xây dựng một ý thức kháng cự có kỷ luật. Theo một nghĩa nào đó, hướng đi này đã từ bỏ một trong những tiền đề được trân trọng của chủ nghĩa Marx: niềm tin vào một cuộc cách mạng giải phóng sắp xảy ra của giai cấp công nhân. Sau thành công của Đức Quốc xã, chủ nghĩa cộng sản Liên Xô và chủ nghĩa tư bản nhà nước trong việc thao túng quần chúng, những nhà tư tưởng này đã tái hình dung xã hội không tưởng để biểu thị một phương thức tư tưởng giải phóng giúp duy trì hy vọng về công lý xã hội và bình đẳng. Được Bloch diễn đạt đầy đủ nhất, xã hội không tưởng này vừa là ước mơ về một cuộc sống xã hội hạnh phúc và khai sáng, vừa là công cụ để xác định và tấn công các trở ngại về mặt ý thức hệ để đạt được tình trạng xã hội không tưởng.

Trong cuốn sách Metamorphoses of Science Fiction (1979), Suvin đã giới thiệu một số ý tưởng vẫn là trọng tâm trong phê bình khoa học viễn tưởng: sự xa lạ về nhận thức, một điều gì mới mẻ (novum) và mối liên hệ di truyền của khoa học viễn tưởng với xã hội không tưởng. Trong khái niệm về sự xa lạ về nhận thức, Suvin đã gộp chung hai ý tưởng riêng biệt nhưng có liên quan về sự xa lạ từ lý thuyết văn học trước đó: ostranenie (sự lạ hóa) từ những người theo chủ nghĩa Hình thức Nga và Verfremdungseffekt (hiệu ứng xa lạ hóa) của Berthold Brecht. Những người theo chủ nghĩa Hình thức đã tuyên bố rằng nghệ thuật luôn khiến người tiếp nhận nhận thức được thực tế theo một cách vô cùng mới mẻ, bằng cách phá vỡ và ‘làm thô ráp’ những phản ứng theo thói quen mà người ta phát triển trong thói quen của cuộc sống hàng ngày. Brecht đã điều chỉnh ý tưởng của những người theo chủ nghĩa Hình thức thành sân khấu/ vở diễn (theatre), đề xuất rằng sự xa lạ phải là một hành động chính trị rõ ràng, thu hút sự chú ý của khán giả vào thực tế rằng cảnh tượng mà họ đang chứng kiến ​​là một ảo ảnh, kích thích đám đông nhận thức được hoàn cảnh của họ như những người tiếp nhận thụ động, một nhận thức mà sau đó họ có thể mở rộng thành sự phản ánh về hoàn cảnh tương tự của họ trong thế giới ảo ảnh bị thao túng của sự thống trị tư sản.

Suvin lập luận rằng một văn bản khoa học viễn tưởng trình bày các khía cạnh của thực tế kinh nghiệm của người đọc ‘được làm cho lạ lẫm’ thông qua một góc nhìn mới ‘ngụ ý một tập hợp các chuẩn mực mới’.9 Việc kiến tạo lại sự quen thuộc này có mục đích ‘nhận thức’, nghĩa là nhận thức về thực tế mà nó gợi lên từ người đọc là sự gia tăng trong hiểu biết hợp lý về các điều kiện xã hội của sự tồn tại. Sự xa lạ trong khoa học viễn tưởng hoạt động giống như mô hình khoa học: tình huống quen thuộc (tức là được tự nhiên hóa) hoặc được suy rộng một cách hợp lý để tiết lộ các chuẩn mực và tiền đề ẩn giấu của nó (ví dụ như sự phóng chiếu tiến hóa kỳ ảo của hệ thống giai cấp thời Victoria vào Morlocks và Eloi trong The Time Machine, 1895), hoặc nó được dịch chuyển tương tự sang thứ gì đó xa lạ trong đó các yếu tố vô hình (vì quá quen thuộc) được nhìn nhận mới mẻ như những hiện tượng xa lạ (như trong The War of the Worlds, 1898, trong đó chủ nghĩa đế quốc Anh bị dịch chuyển sang người sao Hỏa xâm lược). Sự khác biệt cụ thể giữa khoa học viễn tưởng và các thể loại xa lạ khác, chẳng hạn như kỳ ảo, là sự dịch chuyển của khoa học viễn tưởng phải nhất quán về mặt logic và có phương pháp; trên thực tế, chúng phải mang tính khoa học ở mức độ chúng bắt chước, củng cố và làm sáng tỏ quá trình nhận thức khoa học.

Thậm chí còn có ảnh hưởng hơn trong lý thuyết khoa học viễn tưởng so với sự xa lánh nhận thức là khái niệm “novum” (tạm dịch: điều mới mẻ) của Suvin. Novum là sự đổi mới/ sáng kiến mang tính lịch sử hoặc sự mới lạ trong một văn bản khoa học viễn tưởng mà từ đó những điểm khác biệt quan trọng nhất giữa thế giới của câu chuyện (tale) và thế giới của người đọc khởi sinh. Theo định nghĩa, nó là hợp lý, trái ngược với sự xâm nhập siêu nhiên của những câu chuyện kỳ ​​thú, truyện ma, truyện kỳ ​​ảo siêu nhiên và các thể loại khác của truyện kỳ ​​ảo. Trong thực tế, novum xuất hiện như một phát minh hoặc một khám phá mà xung quanh đó các nhân vật và bối cảnh tự tổ chức theo một cách có tổ chức, hợp lý về mặt lịch sử. Novum là sản phẩm của các quá trình vật chất; nó tạo ra các hiệu ứng có thể được suy ra một cách hợp lý từ các nguyên nhân của novum, trong thế giới vật chất và xã hội; và nó hợp lý về mặt logic lịch sử, cho dù đó là trong lịch sử khoa học công nghệ hay các thể chế xã hội khác.

Suvin tiếp thu khái niệm novum từ tác phẩm của Ernst Bloch, người đã sử dụng thuật ngữ này để ám chỉ những đổi mới cụ thể trong lịch sử sự sống, đánh thức ý thức tập thể của con người khỏi hiện tại tĩnh tại để nhận thức rằng lịch sử có thể thay đổi. Do đó, novum khơi dậy hy vọng về những chuyển đổi lịch sử tích cực. Giá trị của một triết lý định hướng tương lai như vậy đối với việc hiểu khoa học viễn tưởng là điều hiển nhiên, vì khoa học viễn tưởng như một thể loại phụ thuộc vào mong muốn mãnh liệt của độc giả là tưởng tượng ra những chuyển đổi ít nhiều hợp lý của cuộc sống thường nhật, cho dù những chuyển đổi đó dẫn đến sự tự do lớn hơn, đến chế độ chuyên chế công nghệ, sự siêu việt không thể tưởng tượng được về mặt ngôn ngữ hay thậm chí chỉ là một thế giới đời thường khác.

Novum và sự xa lạ về mặt nhận thức cùng nhau đặc trưng cho một phương thức tư duy không chỉ là khoa học viễn tưởng mà còn là không tưởng, như thuật ngữ mà Bloch sử dụng. Cùng nhau, chúng phê phán thực tế kinh nghiệm và tưởng tượng ra một phương án thay thế cho nó. Vì lý do này, Suvin lập luận rằng khoa học viễn tưởng thực sự có liên hệ di truyền với thể loại không tưởng văn học (litarary utopia). Bloch lập luận rằng mọi biểu hiện của văn hóa, ngay cả những công thức thoát ly vô giá trị về mặt nghệ thuật, đều bao gồm một số khía cạnh không tưởng, chỉ khi chúng phủ nhận các điều kiện như chúng vốn có và kích hoạt những mong muốn để làm cho cuộc sống trở nên dễ quản lý và thú vị. Sự kết hợp giữa phủ nhận phê phán và sự hoàn thành mong muốn này đặc biệt tích cực trong khoa học viễn tưởng, vì nó liên quan đến mong muốn tồn tại của những thế giới tưởng tượng được xây dựng trên các nguyên tắc có vẻ hợp lý.

Carl Freedman, trong Critical Theory and Science Fiction (2000), một tác phẩm rất giống khuôn mẫu của Suvin, đã chỉ ra rằng những hạn chế của Suvin sẽ dẫn đến việc loại trừ khỏi hàng ngũ khoa học viễn tưởng của hầu hết các tác phẩm thường được coi là khoa học viễn tưởng nhưng có ít giá trị ‘nhận thức’ (chẳng hạn như Star Wars (1977) và E.T. (1982)). Do đó, ‘khoa học viễn tưởng’ (Science Fiction) vừa là thuật ngữ mô tả vừa là thuật ngữ mang cảm quan đánh giá đối với Suvin: khoa học viễn tưởng tệ không phải là khoa học viễn tưởng. Tiêu chí của Suvin để đánh giá giá trị thẩm mỹ của khoa học viễn tưởng cũng ít liên quan đến các thuật ngữ nghệ thuật mà liên quan đến các thuật ngữ kiến ​​thức về chân lý xã hội. Freedman cho rằng phạm trù của Suvin có thể được xác thực bằng cách nghĩ về khoa học viễn tưởng không phải theo quan điểm nhận thức thực sự, mà là một ‘hiệu ứng nhận thức’ (cognition effect) – một cấu trúc tu từ gợi lên cảm giác về nhận thức thực sự. Freedman lưu ý rằng kiến ​​thức mà người ta có được trong một tác phẩm khoa học viễn tưởng thường hoàn toàn là tưởng tượng, mặc dù nó có thể dựa trên các nguyên tắc khoa học vững chắc. Ở những khía cạnh khác, quan niệm của Freedman về khoa học viễn tưởng tóm tắt lại quan niệm của Suvin: khoa học viễn tưởng ngụ ý những xã hội không tưởng mang tinh thần phê phán ngay cả khi nó không xây dựng chúng một cách rõ ràng trong câu chuyện. Freedman thậm chí còn đi xa hơn khi cho rằng chức năng xã hội không tưởng mang tính phê phán này đặc trưng cho tất cả các lý thuyết phê phán sau Kant, nhưng đặc biệt nhất là lý thuyết Marxist. Theo nghĩa này, khoa học viễn tưởng là thể loại có bản chất là trí tưởng tượng không tưởng mang tính phê phán, và do đó, ngay cả lý thuyết phê bình phi hư cấu cũng có thể được coi là một dạng khoa học viễn tưởng, qua đó mở rộng quan niệm về khoa học viễn tưởng và tính khoa học viễn tưởng vượt ra ngoài ranh giới của thể loại văn học để bao hàm cả lý thuyết triết học.

Hầu hết các tác phẩm phê bình của các học giả Marxist liên quan đến Science-Fiction Stuties, và sau đó là Utopian Studies, đều dành cho hai mục đích thực tế. Mục đích đầu tiên là xác định các tác phẩm khoa học viễn tưởng gần đây có thể mô phỏng chức năng kép của xã hội không tưởng mang tính phê phán, tức là phê phán hiện trạng và đưa ra các giải pháp thay thế đầy hy vọng, từ đó cảnh báo độc giả về các tác phẩm có khả năng lật đổ và vun đắp nguồn cảm hứng cấp tiến. Một số tác phẩm và tác giả rõ ràng phù hợp với các yêu cầu trên, vì ngay từ đầu họ đã giúp truyền cảm hứng cho ý tưởng về xã hội không tưởng phê phán trong khoa học viễn tưởng. Đứng đầu trong số đó là The Dispossessed (1974) của Le Guin, The Female Man (1975) của Russ, Triton (1976) của Delany và Woman on the Edge of Time (1976) của Marge Piercy. Những tiểu thuyết này không chỉ xa lạ với thực tế kinh nghiệm mà còn xa lạ với chính khái niệm về thế giới không tưởng, theo lời của Moylan là “từ chối nó như một bản thiết kế trong khi vẫn giữ nó như một giấc mơ”. 10 Mục đích thứ hai là xác định và xây dựng nội dung xã hội không tưởng quan trọng trong những văn bản khoa học viễn tưởng phức tạp đó, những văn bản này tiết lộ những mâu thuẫn không thể xóa bỏ của hệ tư tưởng tư sản trong khi chúng cố gắng kiềm chế và giải quyết chúng. Mô hình ở đây là Philip K. Dick, người là chủ đề của nhiều phân tích Marxist hơn bất kỳ nhà văn khoa học viễn tưởng nào khác và truyền cảm hứng cho một số bài phê bình văn bản hay nhất của các nhà phê bình Marxist. Ở Dick, họ thấy một nhà văn, mặc dù không thích mọi hình thức lý thuyết chính trị, nhưng lại phản ánh chứng hoang tưởng, bất an và hỗn loạn trần tục vốn là những điều kiện xã hội thực sự của xã hội ông. Có thể nói, những tác phẩm này tạo nên một chuẩn mực của các văn bản và nhà văn vượt trội của thời đại mà những người khác nên được so sánh với. Trong cuốn sách Demand the Impossible (1986), Moylan đã trao tặng vị thế này cho bốn tác phẩm được liệt kê ở trên. Trong một cuốn sách sau này, Scraps of the Untainted Sky (2000), ông đã mở rộng phạm trù để bao gồm cả ‘các tác phẩm phản địa đàng phê phán’, những tác phẩm có hình ảnh đen tối về xã hội bắt nguồn từ một mong muốn xã hội không tưởng bị cản trở. Còn quá sớm để biết liệu những tác phẩm này – bộ ba Orange Country của Kim Stanley Robinson (The Wild Shore, 1984, The Gold Coast, 1986 và Pacific Edge, 1990), các cuốn sách Parable của Octavia Butler (Parable of the Sower, 1993, Parable of the Talents, 1998) và He, She and It (1991; UK, Body of Glass) – có được chấp nhận là một phạm trù tương tự như phạm trù xã hội không tưởng phê phán hay không.

Jameson: những tương lai không tưởng (unimaginable futures)

Một con đường khác đã được Fredric Jameson, có lẽ là nhà lý thuyết văn hóa Marxist tinh vi và có ảnh hưởng nhất trong thế giới nói tiếng Anh, thực hiện. Ông tiếp cận SF theo hướng các vấn đề về ‘sự gián đoạn chung’ (generic discontinuities, tạm dịch: sự gián đoạn chung của một giống loài nhất định), sự thu hẹp thế giới và không gian hóa sau này sẽ được chuyển thành các chủ đề trong các bài viết của ông về chủ nghĩa hậu hiện đại. Đối với Jameson, SF thú vị không phải như một nguồn xã hội không tưởng phê phán, mà là một không gian để phân tích các vấn đề thẩm mỹ về hình thức, thể loại, nhân vật và bối cảnh – những vấn đề mà qua đó khoa học viễn tưởng đương đại giải quyết các câu hỏi cơ bản về mặt ý thức hệ của thế giới quan hậu hiện đại. Như đặc điểm của cách tiếp cận gián tiếp trong tất cả các tác phẩm của Jameson, ông đã chỉ ra những văn bản lập dị và rõ ràng là không theo chuẩn mực – những tác phẩm không thể được xác định là không tưởng, chứ đừng nói đến tư tưởng Marxist: Non-Stop (USA: Starship) (1958) của Brian Aldiss, The Left Hand of Darkness (1969) của Le Guin (thay vì The Dispossessed ‘chuẩn mực’), Dr Bloodmoney (1965) của Dick (thay vì Ubik) và The Exile Waiting (1975) của Vonda McIntyre.

Các tác phẩm của Jameson trong những năm 1980 đã rời xa dòng chính của phê bình khoa học viễn tưởng Marxist không tưởng. Những tác phẩm sau này cố gắng khẳng định tiềm năng tích cực, khai sáng và mang lại hy vọng của khoa học viễn tưởng với tư cách là nhân tố mang ý thức lịch sử trong thời đại đen tối của chủ nghĩa tư bản toàn trị. Ngược lại, Jameson tập trung vào khái niệm tổng thể tiêu cực (negative totality), theo cách sử dụng của ông, đã trở thành đối lập biện chứng của xã hội không tưởng. Theo nghĩa này, tổng thể (totality) là khái niệm về toàn bộ hệ thống quan hệ tư bản mà thế giới phải tuân theo. Trong bài luận có ảnh hưởng nhất của mình về lý thuyết khoa học viễn tưởng, ‘Progress versus Utopia’ (1982),11 Jameson lập luận rằng khoa học viễn tưởng là sự dịch chuyển kỳ ảo của những mâu thuẫn ý thức hệ hiện tại vào tương lai; trong điều kiện thuận lợi nhất, các tác phẩm phản ánh chính của khoa học viễn tưởng có thể khiến chúng ta nhận ra rằng chúng ta không thể tưởng tượng ra bất kỳ sự chuyển đổi không tưởng nào. ‘Progress versus Utopia’ báo trước khái niệm nổi tiếng của Jameson, được nêu rõ trong Postmodernism, The Cultural Logic of Late Capitalism (1991), về nhu cầu và khó khăn cực độ của ‘lập bản đồ nhận thức’ (cognitive mapping) về toàn bộ chủ nghĩa tư bản siêu quốc gia bá quyền.12

Mối quan tâm của Jameson trong việc sử dụng khoa học viễn tưởng để giúp tạo ra một bản đồ nhận thức như vậy vẫn tiếp tục, trong việc ông coi Dick và J. G. Ballard như đại diện cho sự sụp đổ của không gian-thời gian hiện đại trong Postmodernism, và trong các bài tiểu luận đầy hy vọng gần đây hơn về bộ ba tác phẩm Mars của Kim Stanley Robinson, một trong số ít nhà văn khoa học viễn tưởng coi các ý tưởng của chủ nghĩa Marx và không tưởng là có sức sống trong tương lai.

Chủ nghĩa hậu hiện đại và chủ nghĩa xã hội cơ khí hóa (Postmodernism and cyborg socialism)

Khi nhìn nhận kĩ hơn, dòng lý thuyết khoa học viễn tưởng Marxist không tưởng phê phán đã bị chỉ trích là hẹp hòi.13 Giới hạn trong quan niệm chuẩn mực của thể loại, nó có xu hướng tìm kiếm các kiểu mẫu và ví dụ lý tưởng, từ đó đạt được vị thế điển hình (canonical status). Vì hầu hết khoa học viễn tưởng đều bị thỏa hiệp về mặt ý thức hệ và thẩm mỹ, các nhà lý thuyết Marxist không tưởng đã tránh đề cập đến các đức tính của nhiều tác phẩm có sức hấp dẫn quần chúng lớn nhất. Việc xây dựng thể loại của họ, trên thực tế, là từ trên xuống. Có thể lập luận rằng họ đã từ bỏ việc nói nhiều về khoa học viễn tưởng như một thể chế văn hóa, hoặc về các giống lai và đột biến có thể phát sinh từ thể loại thực sự tồn tại. Lý thuyết khoa học viễn tưởng Marxist đương đại từ truyền thống châu Âu có thể bị cáo buộc là không chú ý đủ đến những cách thức mà các đổi mới khoa học công nghệ đã biến đổi đời sống xã hội trên toàn cầu – đến tiềm năng của chúng trong việc biến đổi phương tiện sản xuất và cùng với chúng là các mô hình thế giới, giá trị văn hóa và cơ thể con người. Jameson đã chấp nhận thử thách, theo một cách nào đó, trong tác phẩm của ông về chủ nghĩa hậu hiện đại và điện ảnh Thế giới thứ ba, nhưng mối quan tâm của ông trong lĩnh vực này chủ yếu là tác động của công nghệ lên nghệ thuật, rút ​​ra kết luận về các dòng chảy thế giới thông qua các hiện vật của giới tinh hoa. Nhanh chóng xem xét các thay đổi về công nghệ xã hội theo nghĩa tổng thể tiêu cực, Jameson hiếm khi đề cập đến các hiện tượng thu hút sự chú ý của độc giả khoa học viễn tưởng, nhà văn khoa học viễn tưởng và vô số người nghĩ khoa học viễn tưởng là sự đắm chìm nhanh chóng và hỗn loạn trong các công nghệ mới dẫn đến các loại kiến ​​thức mới và khả năng mới về sự tiến hóa xã hội. 

Khoảng cách giữa dòng lý thuyết này với chủ nghĩa nữ quyền là rất đáng chú ý. Mặc dù quy tắc phê bình của họ bao gồm một số tác phẩm nữ quyền (chủ yếu là của Piercy và Russ), các nhà lý thuyết không tưởng phê phán lại tỏ ra tương đối ít quan tâm đến lý thuyết nữ quyền, thực tế đã trở thành một đại diện giống như khoa học viễn tưởng trong một số biểu hiện của nó. Đến lượt mình, tư tưởng nữ quyền ngày càng quay lưng lại với phân tích Marxist mà nó từng nợ mô hình lịch sử tiến bộ của mình. Một ngoại lệ quan trọng là Donna Haraway, người có sự tái khái niệm sâu sắc có ảnh hưởng về người máy kết hợp trí tưởng tượng khoa học viễn tưởng, chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa nữ quyền. Đối với Haraway, khoa học công nghệ đương đại đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phá vỡ các phạm trù trước đây được cho là tự nhiên và bất khả xâm phạm – chẳng hạn như phạm trù giữa các giới tính, giữa động vật và con người và giữa con người và máy móc. Khi các bản sắc bị phá vỡ và phân tán, mạng lưới kết nối, ban đầu được tạo ra như một công cụ để mở rộng sự thống trị của chủ nghĩa tư bản, trớ trêu thay đã tạo ra một hình thức tồn tại xã hội mới, sinh vật cơ khí hóa (cyborg). Sinh vật cơ khí hóa (Cyborg) trong cách sử dụng của Haraway được mô phỏng gián tiếp theo giai cấp vô sản và phụ nữ dưới chế độ gia trưởng; đó là một giai cấp bị bóc lột có khả năng có một hình thức ý thức giai cấp, và do đó có khả năng lật đổ và cuối cùng có khả năng giành quyền kiểm soát mạng lưới khoa học công nghệ.

Bức tranh thế giới của Haraway rõ ràng bắt nguồn từ khoa học viễn tưởng, từ đó bà đã giành được khái niệm về sinh vật cơ khí hóa và biến nó thành tác nhân tích cực của sự chuyển đổi lịch sử. Trong tầm nhìn táo bạo của bà, “ranh giới giữa khoa học viễn tưởng và thực tế xã hội là một ảo ảnh quang học”.14 Bà đã sử dụng mô hình của mình để đọc sâu các tác phẩm của Octavia Butler, Joanna Russ và các nhà văn khoa học viễn tưởng nữ quyền khác.15 Theo nhiều cách, tác phẩm của Haraway có mối liên hệ mật thiết hơn tác phẩm của những người theo chủ nghĩa không tưởng phê phán với các ngôn ngữ khoa học công nghệ thấm nhuần nền văn hóa hậu hiện đại và đã trở thành phương tiện lưu hành cho các nhà văn khoa học viễn tưởng. Hơn nữa, với tư cách là một lý thuyết về mạng lưới chính trị, lý thuyết sinh vật cơ khí hóa cũng ngụ ý các hình thức hoạt động tích cực – và hoạt động tích cực này thường tự hình dung theo các “huyền thoại châm biếm” (ironic myths) của khoa học viễn tưởng. Đồng thời, phải nói rằng Haraway cũng tỏ ra ít quan tâm đến khoa học viễn tưởng như một hoạt động văn hóa, mà giới hạn bản thân trong các văn bản nói về chủ nghĩa nữ quyền cơ khí hóa. Điều đáng nói là không có hướng quan trọng nhất nào trong hai hướng của lý thuyết khoa học viễn tưởng Marxist đề cập đến tác phẩm của hướng kia. Do đó, lý thuyết khoa học viễn tưởng của chủ nghĩa Marx có thể đã đến lúc không còn có thể khẳng định là phù hợp với thực tế hậu hiện đại cực kỳ thay đổi, hoặc đã đến ngưỡng của một quan điểm tổng hợp hữu ích cho việc “lập bản đồ” những biến đổi xã hội của khoa học cơ khí hóa và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học viễn tưởng đi kèm với nó. 

ISTVAN CSICSERY-RONAY, JR

Dịch: Nguyễn Hoàng Dương

Trích dịch từ cuốn sách “The Cambridge Companion to Science Fiction” do Edward James và Farah Mendlesohn chủ biên.

Tài liệu trích dẫn

  1. James Gunn,Introduction, in Gunn, ed., The Road to Science Fiction. Volume 6: Around the World (Clarkston, GA: Borealis, 1998), p. 17. 
  2. Cf. Cary Nelson, et al., ‘Cultural Studies: An Introduction’, in Lawrence Grossberg et al., eds. Cultural Studies (New York: Routledge, 1992), pp. 5ff. 
  3. See Leonid Heller, De la science-fiction sovi´ etique (Geneva: L’Age d’homme, 1979), pp. 52ff.
  4. Ibid., pp. 66–9, 78. 
  5. Onthe Edisonade, see Brooks Landon, Science Fiction after 1900 (New York: Twayne, 1997), pp. 42–9. 
  6. Italo Calvino, The Uses of Literature (New York: Harcourt, 1982), p. 247. 
  7. Williams’s previously unreprinted essay of 1956, ‘Science Fiction’, appears on line at http://www.depauw.edu/sfs/documents/williams.htmessays. His ‘Utopia and Science Fiction’ appeared in Science-Fiction Studies 5:3 (November 1978), pp. 203–14. 
  8. H.Bruce Franklin, ‘Star Trek in the Vietnam Era’, Science-Fiction Studies 21:1 (March 1994) and ‘The Vietnam War as American SF and Fantasy’, Science Fiction Studies 17:3 (November 1990). 
  9. Darko Suvin, Metamorphoses of Science Fiction (New Haven, CT: Yale Univer sity Press, 1979), p. 6.
  10. Tom Moylan, Demand the Impossible (London: Methuen, 1986), p. 61.
  11. Science-Fiction Studies 9:2 (July 1982), pp. 147–58. 
  12. Mydiscussion of Jameson’s cognitive mapping owes much to Tom Moylan’s Scraps of the Untainted Sky (Boulder, CO: Westview, 2000), pp. 56–62.  
  13. Cf. Patrick Parrinder, ‘Revisiting Suvin’s Poetics of Science Fiction’, in Parrinder, ed., Learning from Other Worlds (Liverpool: Liverpool University Press, 2000), pp. 36–50. 
  14. Donna Haraway, Simians, Cyborgs, and Women (New York: Routledge, 1991), p. 148.
  15. Haraway discusses the sf basis of her cyborg in ‘A Cyborg Manifesto’ reprinted in ibid., pp. 176–81
XemYêu

9 BỘ PHIM LÃNG MẠN CHO TÌNH NHÂN

  Không phải cứ đến ngày tình yêu là các cặp đôi lại phải rủ nhau xuống phố xô bồ hay chen chúc trong rạp chiếu phim. Nếu bạn yêu thương và trân trọng những cảm xúc bên người yêu, hãy mời anh ấy, cô ấy cùng xem những bộ phim dưới đây. Chỉ cần một căn phòng ấm cúng cùng chút đồ ăn nhẹ, một bộ phim hay sẽ giúp hai người có một buổi tối ngọt ngào đáng nhớ hơn rất nhiều! 9.

Thư Sinh

13/02/2020

Hồn Anime – Năng lượng nảy sinh từ bức tranh toàn cảnh

Một bản vẽ tay có “hồn” là bản vẽ toát ra được sức sống từ sự kết hợp các đường nét. Trong Hồn Anime, tác giả kiêm nhà nhân học văn hóa Ian Condry đã mượn từ “hồn” để nói đến năng lượng xã hội tập thể nảy sinh trong một mạng lưới hợp tác cùng sáng tạo anime. Muốn đưa được cái hồn anime này ra cho người khác thấy, công việc của Condry trong quyển sách là vẽ nên một bức tranh toàn
Xem

9 bộ phim hay khiến mùa đông thêm lạnh

Mùa đông, còn gì hạnh phúc hơn là được nằm dài trên giường, trùm chăn, pha một cốc cacao nóng và xem một bộ phim thú vị! Book Hunter xin giới thiệu đến các bạn 9 bộ phim vô cùng thích hợp khi xem vào mùa đông. Bạn có thể thưởng thức một mình hoặc xem cùng bạn bè. Đây đều là những bộ phim có câu chuyện ấn tượng và mang lại thông điệp ý nghĩa. Sleepless in Seattle https://www.youtube.com/watch?v=-Lj2U-cmyek Một câu chuyện tình

Thư Sinh

03/11/2019
Xem

Đầu xuân xem “Long thành cầm giả ca”

Lần đầu tiên biết đến “Long thành cầm giả ca” là năm 2010. Năm đó, tôi mới vào lớp 10, bắt đầu học thơ Nguyễn Du. Đó cũng là năm kỉ niệm 1000 năm Thăng Long, trên TV có nhiều chương trình kỉ niệm đại lễ ấy. Cùng năm ấy, tôi xem trên TV được một đoạn giới thiệu phim “Long thành cầm giả ca”, và nghe Nhật Kim Anh đọc bài thơ cùng tên của Nguyễn Du. Tôi vẫn luôn ghi nhớ ấn tượng
Xem

Xem “Nhóc Trùm”, nghĩ về sự khác biệt và sản xuất hàng loạt

“Boss baby” (Tên tiếng Việt: “Nhóc Trùm”) là bộ phim đáng chú ý hiện nay, không phải chỉ cho các em bé mà cho cả những người lớn như chúng ta. Tôi vẫn luôn thích thú khi xem các bộ phim hoạt hình, bởi thông điệp trong chúng không được phát biểu một cách đao to búa lớn, mà luôn ngộ nghĩnh, đáng yêu và giàu tính hình tượng:  “Wall-E”, “Monster.Inc”, “Zootopia”, “Angry bird”, “Hoàng tử bé”… và giờ đây là “Nhóc trùm”. “Nhóc trùm”