>> Đọc đầy đủ chùm bài: Luận giải Đạo Đức Kinh Archives – Book Hunter
Bất thượng hiền, sử dân bất tranh; Bất quý nan đắc chi hóa, sử dân bất vi đạo; Bất kiến khả dục, sử dân tâm bất loạn.Thị dĩ Thánh nhân chi trị: Hư kì tâm, Thật kì phúc, Nhược kì chí, cường kì cốt. Thường sử dân vô tri vô dục. Đạo xung, nhi dụng chi hoặc bất doanh. Tỏa kì nhuệ, giải kì phân, Trạm hề tự hoặc tồn; Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu; Thiên địa chi gian, kì do thác thược hồ? Đa văn số cùng bất như thủ trung. |
Không trọng hiền, khiến dân không tranh đoạt Không quý vật hiếm thì dân không trộm cắp Không tỏ lòng ham thích, thì lòng dân không loạn.Thế nên lẽ trị của Thánh nhân là: Tâm thì trống rỗng, tấm lòng thì thực Chí thì mềm yếu, cốt cách thì mạnh. Đạo khiến dân không biết không ham Đạo trống rỗng thế mà e dụng không đủ Khi kiềm tỏa thì mạnh mẽ, khi phá giải ắt chia rẽ Sâu xa thay tựa vẫn nghi hoặc Trời đất không theo đạo Nhân, coi vạn vật như chó rơm Khoảng không đất trời, chẳng phải như ống sáo rỗng hay sao? Nghe rộng tính kỹ chẳng bằng giữ trung đạo. |
Ở thời đại của Lão Tử, tri thức là đặc quyền của quý tộc, và đặc quyền này gắn với trách nhiệm cai trị muôn dân. Thế nên, một học thuyết được đề xướng không phải để dân đọc, mà để những người đảm trách đọc. Thánh nhân vốn là bậc thấu tỏ và chỉ dẫn cho người đảm trách. Lời của thánh nhân không thể ứng dụng với những thường dân không có đặc quyền mà cũng không đảm trách thiên hạ. Đạo Đức Kinh của Lão Tử cũng không ngoại lệ. Tại sao nói vậy, bởi góc nhìn của Đạo Đức Kinh ở vị thế tách biệt khỏi dân và bàn về các quy luật chi phối lẽ sinh diệt, những vấn đề mà dân không quan tâm.
Từ góc nhìn của người đảm trách mà chúng ta vẫn quen gọi là người cai trị, Đạo Đức Kinh đề xướng không xem trọng bất cứ điều gì. Lẽ thường trong cai trị, cần xem trọng những điều tốt đẹp và những vật quý trong thiên hạ, coi đó là đích đến cần hướng tới. Thế nhưng, khi coi một tiêu chuẩn là đẹp là quý, thì lòng người sẽ đua tranh để đạt tới, lúc ấy sẽ cố đẹp cố thiện để rồi lại thành ra xấu và bất thiện. Thế nên, xem trọng một điều gì đó là khởi nên tâm cưỡng cầu của chúng dân. Đó chính là loạn tâm. Loạn tâm dần sẽ dẫn tới tranh đoạt và trộm cắp, cả tranh đoạt và trộm cắp đều là cố cướp bằng được những thứ không thuộc về mình.
Thánh nhân, bậc dụng vô vi, hành xử dựa trên cõi không hay lẽ huyền nhiệm, tức nắm bắt các nguyên lý không hình tướng ẩn sau vạn vật, thì tâm cần trống rỗng, tấm lòng cần chân thực, chí thì yếu mềm mà cốt cách lại cương liệt. Tâm trong quan niệm minh triết Á Đông không phải chỉ ám chỉ trái tim con người, mà Tâm bao hàm thế giới suy nghĩ và tình cảm. Thánh nhân giữ tâm trống rỗng, tức suy nghĩ và tình cảm không chấp trước, không coi bất cứ điều gì là quan trọng. Theo Đông Y, bụng dạ con người thường gắn với trạng thái lo toan tính toán, vậy nên người tốt thì ta gọi họ là tốt bụng, mà kẻ có mưu tính đủ điều ám muội thì ta gọi họ là xấu bụng. Cái bụng là thái cực vật chất, còn ở thái cực tinh thần thì chính là tấm lòng. Thánh nhân không dùng “cái bụng toan tính”, mà dùng tấm lòng chân thực để đối đãi với thiên hạ. Cặp đối xứng, hư tâm – thực phúc còn có thể hiểu là tâm thì không bám chấp vào đâu, nhưng cái bụng tức sự toan tính thì cần dựa trên những cái thực, tức những cái hiện hữu. Cả hai cách hiểu này đều khả thi bởi suy cho cùng bụng dạ của một người ra sao thì phải nhìn vào hành động, tức những thứ hiện hữu, chứ không có một khái niệm “tốt” chung chung mà không có bất cứ biểu hiện nào cụ thể. Bởi vì tâm trống rỗng không bám chấp vào điều gì, nên chí, tức sự gắng sức tập trung vào một hành động lại cần yếu mềm. Quan điểm này khác hoàn toàn với tư tưởng giữ vững chí khí của các quý tộc vốn phải đảm trách những nghĩa vụ lớn lao. Chí yếu mềm ý muốn nói không gắng sức đeo đuổi thái quá vào bất cứ điều gì, bởi thánh nhân không xem trọng bất cứ điều gì. Nhưng chí yếu mềm không phải là nay ngả theo bên này, mai nghiêng về phía khác, thánh nhân trọng cốt cách. Cốt cách chính là phẩm chất vốn có, phẩm chất thì không thể yếu nhược hay trống rỗng, mà cần mạnh mẽ, cương liệt, không suy chuyển. Bốn nguyên tắc hành xử này có hư có thực, có nhu có cương, không phải thiên về trống rỗng và nhu hòa mà bài trừ thực hữu và cương liệt như đại đa số mọi người vẫn hiểu.
Đạo sâu xa tới vậy, nên dân thường, những người không quyền lực cũng chẳng phải đảm trách điều gì chẳng biết mà cũng chẳng cầu, bởi vì dân thường chỉ trọng lẽ sinh tồn của bản thân. Kẻ trí, tức người hiểu nhiều biết rộng, hành xử khôn ngoan dẫu biết đạo cũng không dám làm theo, bởi quy luật của trời đất không bị chi phối bởi bất cứ điều gì. Trời đất coi vạn vật ngang nhau, chỉ như con chó rơm hôm nay hữu hình mai có thể tàn lụi. Thánh nhân là người thông tỏ đạo, hòa cùng thiên địa, nên kỳ thực chẳng coi trọng điều gì. Kẻ trí càng biết nhiều thì càng khinh bên nọ trọng bên kia, bởi thứ họ khinh trọng chính là thứ định hình nên cái trí của họ, thúc đẩy chí hướng của họ; vì chí hướng được thúc đẩy mạnh mẽ nên bụng dạ sẽ toan tính để thỏa nguyện, bụng dạ toan tính quanh co khiến cho phẩm chất cốt cách không còn mạnh mẽ. Trong khi ấy đạo vô vi thì không cưỡng ép bất cứ thứ gì, tưởng như không phải nỗ lực gì nhưng người không thông tỏ đạo của thiên địa thì không thể làm được.
Đạo tuy trống rỗng, tức không định hình, không có quy tắc được viết lại rõ ràng, nhưng có thể dùng ở bất cứ đâu. Tại sao lại vậy? Bởi vì Đạo bao hàm cả hữu và vô, đi sâu vào tinh yếu và và rộng bao trọn mọi ngoại tính, nên thấu rõ Đạo thì không cần quy thành công thức, có thể tùy ý thuận theo mà dụng, chẳng cần khiên cưỡng theo bất cứ chỉ dẫn nào.
Dùng đạo để kiềm tỏa thì uy lực mạnh mẽ, để phá giải trật tự thì ắt chia rẽ, dùng để hòa thì sáng rõ, mà dùng để hội hợp thì ắt gây loạn binh đao. Tại sao được vậy? Bởi đạo vốn là quy luật của vạn vật, dựa trên quy luật của vạn vật mà đặt ra quy tắc khuôn phép thì thực ra chính là khiến cho kẻ bị kiềm tỏa không biết rằng mình bị kiềm tỏa, kể cả có biết mình bị kiềm tỏa thì dù vẫy vùng đến mấy vẫn cứ không tìm thấy giới hạn để phá vỡ. Trật tự được sắp đặt sẵn, nhưng đạo vô hình vô tướng luồn qua mọi kẽ hở nhờ thế có thể phân rã mọi cấu trúc. Vạn vật khác biệt và tách biệt, nhưng vẫn có nguyên lý sâu bên trong để gắn kết, nguyên lý ấy chính là Đạo, thế nên hòa hợp thực sự chính là dựa vào nguyên lý chung chi phối vạn vật, nhờ thế vạn vật (trong đó có con người) tương hỗ tạo nên trạng thái tốt nhất. Còn khi tập hợp với nhau, đồng lòng nhất trí dưới sự chi phối của đạo (như người xưa mỗi khi khởi nghĩa đều tự xưng “thế thiên hành đạo”) thì ắt có thể gây loạn lạc.
Tự nhiên vốn vô thủy vô chung, chẳng thể tìm nguyên cớ sinh ra vạn vật cũng chẳng thể biết mai sau vạn vật sẽ kết thúc thể nào, tất thảy đều biến chuyển liên tục. Trong khi ấy, con người thì hữu hạn, bởi hữu hạn nên luyến tiếc nhau, thương xót nhau, xem trọng nhau. Nhưng Đạo vô cùng vô tận không biết xem trọng con người bởi con người cũng chỉ là một phần của vạn vật. Thánh nhân hòa làm một với Đạo nghiễm nhiên cũng chẳng hề luyến tiếc, thương xót hay xem trọng nhân tình mà tầm nhìn rộng khắp muôn loài muôn vật, bởi Đạo bao trùm tất cả.
Đạo tựa hồ như ống sáo rỗng, nhờ khoảng trống bên ngoài thân sáo mà từ đó âm nhạc cất lên. Ống sáo liệu có phải chỉ là thân sáo không hay còn cả toàn bộ khoảng không vào ra để tạo nên thanh điệu? Nếu chỉ có thân sáo thì không thể làm nên ống sáo, ống sáo hoàn chỉnh bao gồm cả thân sáo và khoảng trống. Khoảng trống đó không phải là sự khuyết thiếu, mà là nơi sự chuyển động diễn ra, chính nhờ chuyển động ấy mà đạo được biểu lộ. Vậy thì, vạn vật hữu hình và thứ trống rỗng vô hình tạo nên chỉnh thể chung của Đạo.
Đạo bao trùm cả hữu và vô, có thể tìm tòi tính toán cõi hữu của vạn vật nhưng cõi vô thì không thể nào lường tính được. Nhưng Đạo vốn không thiên lệch, không khinh trọng, thánh nhân thấu triệt điều này, nên hành xử hợp Đạo không phải là cố biết thật rộng cố tính thật kỹ mà là giữ cho không thiên lệch, tức trung đạo, cụ thể là: tâm trống rỗng, dạ chân thực, chí mềm yếu, cốt cách mạnh mẽ.
Hà Thủy Nguyên
(Còn tiếp)