Home Soát Ký sự Rừng và người ở Piêng Coọc

Ký sự Rừng và người ở Piêng Coọc

Con người với tự nhiên có một mối quan hệ thật mơ hồ. Có những lúc người ta cứ nghĩ mình làm chủ tự nhiên, khai thác và cải tạo tự nhiên theo ý muốn. Nhưng rồi đến một lúc nào đó, họ chợt nhận ra, mình chỉ là một phần rất là bé nhỏ của tự nhiên, thuộc về tự nhiên và mong chờ tự nhiên chấp nhận. Nghĩ đến chuyện này, tôi lại nhớ chuyến đi về Piêng Coọc đầu năm 2018. Hồi đó, tôi mới về làm việc tại Tạp chí Văn hoá Nghệ An được một thời gian ngắn.

Đây là chuyến đi đáng nhớ nhất của tôi lên miền núi phía Tây Nghệ An để tìm hiểu về các đồng bào dân tộc thiểu số. Vào thời điểm đó, việc bảo vệ rừng trở thành chủ đề nóng bỏng được HĐND tỉnh quan tâm trong cuộc họp thường kỳ cuối năm 2017 sau khi có hàng loạt sự kiện liên quan đến việc vi phạm ở các Ban quản lý rừng phòng hộ trong tỉnh. Đó cũng là lý do thôi thúc tôi đi tìm hiểu về việc bảo vệ rừng của người dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An.

Điểm đến của tôi là huyện Tương Dương, nơi có diện tích rừng phòng hộ lớn bậc nhất của tỉnh Nghệ An. Được anh Ngũ Văn Trị, Trưởng Ban quản lý Rừng phòng hộ Tương Dương giới thiệu tôi lên Trạm Bảo vệ rừng Mai Sơn – Nhôn Mai đóng tại xã biên giới Mai Sơn để khảo sát thực địa. Tại đây, tôi được anh Ngô Hải Nam, trưởng Trạm gợi ý nên đi lên bản Piêng Coọc, một bản người Mông ở trên đỉnh núi thuộc vùng biên giới xã Mai Sơn, cách UNBD xã gần chục km để tìm hiểu. Theo ý anh Nam, thì đây là nơi có nhiều rừng phòng hộ, là địa bàn sinh sống của cộng đồng người Mông-một dân tộc gắn nhiều với rừng sâu núi cao.

Khí hậu mùa đông ở vùng núi cao lạnh ngắt. Đã hơn 7h sáng mà trời vẫn còn lờ mờ làm người ta chẳng muốn rời chăn. Từ Trạm bảo vệ rừng, tôi mượn xe máy qua UBND xã trao đổi với lãnh đạo rồi một mình tìm đường đi lên Piêng Coọc. Ban đầu, là những đoạn đường bê tông mới làm, còn nguyên những tấm bì xi măng hai bên đường. Nhưng rời khỏi bản thuộc vùng trung tâm xã thì cũng hết đoạn đường mới. Bắt đầu là đường đất, rồi đến những đoạn đường đá chông chênh hơn. Nhưng xe vẫn đi lên thuận lợi. Dốc càng lúc càng cao dần, đường cũng thêm phần khó đi. Bên cạnh đường, thỉnh thoảng lại bắt gặp một nhóm phụ nữ đang cấy lúa trên những mảnh ruộng bậc thang. Đây là những người Thái, họ đổi công cho nhau nên khi cấy tập trung lại thành một hàng dài. Trời lạnh, người dân với những đôi tay trần chân đất vẫn thoăn thắt cấy mạ. Vừa cấy họ vừa trò chuyện vui cười. Khi thấy tôi dừng xe chụp ảnh thì một vài người ngẩng lên nhìn. Đó là một người phụ nữ tầm ngoài ba mươi tuổi, mặc quần hoa và đội mũ vải. Thấy tôi, chị đứng lên nói gì đó với mấy người bân cạnh bằng tiếng Thái, rồi quay qua gọi tôi rằng: “Xuống đây mà cấy lúa với bà con đi chứ đừng chụp ảnh làm gì, xấu lắm”. Tôi cười đáp: “Cho mình cấy với nhé. Mà cấy thi đi, ai thua sẽ phạt một bình rượu cần nhé”. Các cô lại nói với nhau điều gì đó, rồi cô gái vừa nói lại tiếp tục: “Nếu anh thua thì phải ở lại đây làm rể, dám không mà đòi cấy thi….”.

Dăm ba câu chuyện với mấy người phụ nữ làm tôi vui vẻ hơn, phấn chấn hơn cho quãng đường còn lại. Được cán bộ xã cảnh báo trước là đường đi khó, nhiều đá, nước suối có lúc chảy mạnh sẽ không đi được nhưng tôi vẫn tự tin mình sẽ vượt qua mà không cần đến người đưa đường. Nhưng đúng là cán bộ xã cảnh bảo đúng: những đoạn đường đá loải choải rất khó để điều khiển xe. Rồi những đoạn suối chảy qua mà tôi không quen nhìn mặt nước để đoán độ sâu nên xe bị kẹt. Rồi những đoạn dốc thẳng đứng hay những đoạn cua vòng khuỷ tay chẳng dễ chịu chút nào. Trời còn chưa có nắng, đường còn ướt và trơn nên phần lớn đoạn đường khó đi thì tôi toàn đẩy xe là chính. Người dân nơi đây quen đường nên vẫn chở nhau đi lại được. Nhưng một tài xế chẳng sành sỏi lắm như tôi thì cũng là một thử thách lớn. Và dù đã chuẩn bị tinh thần trước nhưng tôi cũng trầy trật mới vượt qua được quãng đường cuối cùng. Đến được bản Piêng Coọc cũng đã gần trưa, áo quần vừa ướt vì nước suối, bẩn vì bùn đất còn mặt mày thì nhợt nhạt.

Từ đầu bản đến cuối bản là những ngôi nhà gỗ lớp mái tranh hoặc phơ-rô, một vài ngôi nhà mái tôn, xung quanh thưng ván gỗ. Địa hình của bản càng đi sâu vào lại càng cao lên thêm. Đang gần trưa nên người lớn trong bản chủ yếu đi làm ruộng hoặc lên rừng, lên nương. Anh Và Bá Dế, Bí thư Chi bộ của bản đưa tôi đi một vòng quanh bản để quan sát. Vừa đi vừa trò chuyện. Là một bản người Mông được thành lập vào cuối những năm 1960, đến nay bản Piêng Coọc có 53 hộ gia đình cùng nhau sinh sống. Họ quay quần trong một không gian lưng chừng núi nhìn ra một khe suối. Phía sau là núi cao rừng rậm. Nhìn xa phía trước cũng rừng rậm núi cao. Ngày trước người dân sinh sống bằng canh tác nương rẫy. Từ năm 2010, toàn bộ rừng xunh quan bản chuyển thành rừng phòng hộ và được nhà nước quản lý chặt chẽ thì họ dần thay đổi phương thức sản xuất. Với sự giúp đỡ của chính quyền, hơn 10ha ruộng nước được khai hoang cải tạo và trở thành diện tích canh tác chính của bản. Nhưng hầu hết các hộ gia đình đều phải mua lương thực từ 3-6 tháng trong năm bởi lúa chỉ làm được một vụ.

Anh Dế đưa tôi vào gặp cụ Và Xia Lự, già làng và cũng là người uy tín của bản. Tuổi ngoài 60, dáng thấp nhưng người đậm, da sạm đen, nhìn chắc chắn như một cây cổ thụ trong rừng già. Cụ đang đốt một bếp củi lớn để sưởi ấm và nấu nước. Cả bản Piêng Coọc, gia đình nào cũng có một nhà chứa củi. Hàng ngày đi rừng họ thường gùi thêm một ít củi về cùng rau rừng hay măng, nấm. Cứ vậy mà tích trữ thành một nhà củi, nhiều khi cao hơn cả mái nhà ở. Củi không chỉ được dùng làm chất đốt hàng ngày mà còn là nguồn năng lượng sưởi ấm quan trọng cho con người và gia súc vào mùa đông. Già Lự bảo: “Anh chưa biết hết được cái rét nơi rừng sâu núi cao này đâu. Có lúc băng giá đấy anh ạ. Mà càng ngày càng rét hơn mới lo chứ. Người rét còn biết tìm chỗ ấm mà trú, tìm áo mà mặc, đốt củi mà sưởi. Chứ gia sức gia cầm rét quá thì chết thôi. Mà nó chết cả thì người cũng chết vì đói thôi. May mà có rừng. Rừng không chỉ cho cái ăn, mà còn cho củi để sưởi. Nhưng mà giờ rừng không còn được ra vào tự do nữa rồi anh ạ”.

Đúng là vấn đề tôi đang quan tâm. Tôi hỏi cụ: “Vậy hiện nay, bản mình còn nhiều rừng không hả cụ?” Có trừng mắt lên, có cái gì đó không vui. Rồi rót ba chén rượu đưa cho tôi và anh Dế hai chén. Tôi định đưa lên cụng ly thì cụ đã uống xong, nhìn hai anh em tôi cụ bảo: Uống đi cho ấm!. Lúc này thấy mắt cụ đã dịu hơn. Tôi cũng ngoan ngoãn im lặng uống. Cứ tưởng uống xong cụ nói chuyện. Nhưng không, cụ rót tiếp 3 chén nữa, rồi lấy tay kéo máy que củi để lửa đỏ thêm trong bếp. Rồi cụ nâng chén lên. Lần này cụ Lự lại nâng lên chạm vào chén tôi và uống. Sau hai chén rượu, cụ mới nói chuyện.

“Nói như anh là chưa đúng rồi. Anh nói thế là chưa hiểu về người Mông rồi. Bản chúng tôi không có rừng. Chúng tôi cũng không có rừng. Cả bản này là của rừng anh ạ. Chúng tôi cũng thuộc về rừng. Cả bản này, cả những con người ở đây, đều là con của Giàng, con của Rừng thôi. Chúng tôi sống trong rừng và chết trong rừng. Người ta nói người Mông cứng đầu, hay phá rừng, không nghe cán bộ bảo vệ rừng. Nhưng chúng tôi không phải vậy. Chúng tôi sống trong rừng, xin rừng gỗ để làm nhà, xin củi để sưởi ấm, xin rau, măng và thú nhỏ để sinh sôi. Chúng tôi không phá rừng, không chặt rừng để bán gỗ, không đốt rừng già để lấy đất. Ngày trước làm nương rẫy cũng vậy, người Mông chọn những nơi nào ít cây cổ thụ, chủ yếu là cây nhỏ để phát rẫy. Cha ông chúng tôi dạy chúng tôi làm rẫy và giữ rừng, chẳng mấy khi để cháy rừng. Vì rừng là nhà của chúng tôi mà mấy ai lại đi đốt nhà của mình….”.

Tôi cúi đầu có phần xấu hổ vì mình hỏi hơi lố. Quan niệm của cụ Lự tôi từng được nghe một số người Thái, Mông, Dao, Hà Nhì… ở Tây Bắc chia sẻ. Tôi cũng đọc được điều đó qua những thiên bút ký của bác Nguyên Ngọc về Tây Nguyên. Nhưng rồi tôi vẫn hỏi, một câu hỏi rất “miền xuôi” về rừng. Rồi cụ Lự lại nâng chén rượu lên đưa vào tay tôi. Uống đi. Nói vậy chứ không sao đâu. Cảm ơn đã ghé thăm nhà tôi nhé. Trưa nay ở lại ăn cơm và uống rượu. Cả Dế nữa. Hôm qua con trai bẫy được con chuột to lắm. Nó định cuối tuần đưa ra chợ bán nhưng hôm nay có khách thì ta làm thịt ăn đã…. Những lời cụ nói, đúng vấn đề tôi đang quan tâm. Nên chẳng có lý do gì để từ chối. Nhưng trong lúc cụ chuẩn bị bữa trưa, anh Dế về nhà lo chút việc thì tôi xin phép đi lòng vòng quanh bản.

Bước chân đi nhưng trong lòng vẫn nặng trĩu lời cụ Lự. Hôm trước trò chuyện với anh cán bộ tại trạm bảo vệ rừng thì nghe anh bảo rằng: “Người Mông sống trên đỉnh núi, cũng toàn là vùng có rừng phòng hộ bao quanh. Họ là đối tượng cứng đầu nhất và gây nhiều phiền toái nhất đối với cán bộ bảo vệ rừng….”. Cũng thông cảm với công việc của các anh, nhưng mà cụ Lự nói có lý. Từ xưa đến nay, người Mông đã sống ở đây. Trước khi lập thành bản và đưa vào xã quản lý thì họ đã sống ở đây rồi. Và trước khi rừng chuyển thành rừng phòng hộ do nhà nước quản lý thì rừng này là rừng của họ. Sự thay đổi này đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, đến sinh kế của họ khiến họ chịu nhiều tổn thương. Nên việc bảo vệ rừng gắn với công tác dân vận, tuyên truyền là để thấu hiểu và thông cảm lẫn nhau giữa hai bên nhằm tìm được cách thức tốt nhất, vừa giữ được rừng, vừa đảm bảo được cuộc sống của người dân là điều mà mọi người đang mong muốn.

Nghĩ đến cuộc sống người dân, tôi nghĩ đến trường mầm non ngay đầu bản. Điểm trường mầm non Piêng Coọc hiện có 25 cháu từ 3-5 tuổi, là con em trong bản đi học với hình thức học bán trú do 2 cô giáo phục trách. Đang trong giờ học nên các cháu ngồi thành hai vòng bán nguyệt phía trước cô giáo. Thấy tôi đi vào thì một cô giáo ra chào hỏi. Cố giáo còn trẻ, ước chừng chỉ ngoài đôi mươi, với mái tóc dài quá cả đầu gối và nụ cười thật duyên dáng. Cô tên Tú, người Đô Lương lên đây công tác. Cô Tú cho biết, điểm mầm non này đã có khá lâu rồi nhưng học bán trú chỉ mới gần một năm nay. Khi thấy các cháu đi học không được đồng đều, đến bữa trưa có cháu được ăn nhưng cũng có cháu phải nhịn đói, và tỷ lệ các cháu vắng học khá cao nên các cô giáo đã đề xuất dạy bán trú. Sau khi được lãnh đạo nhà trường cho phép thì họp bàn với người dân để thực hiện. Để các cháu có chỗ ăn cơm, người dân đã cùng với nhà trường đóng một số bàn ghế, vừa phục vụ việc học, vừa là chỗ để ăn uống. Sau đó, mọi người thống nhất là mỗi ngày sẽ cử một người trong số các gia đình có con đang học mầm non tại đây đến nấu canh cho các cháu. Người được phân công sẽ tự chuẩn bị các thứ từ rau, củ, quả mang đến trường, đến giờ thì nấu cho học sinh ăn. Trường hợp người được phân công có việc đột xuất thì phải tự tìm và đổi cho người khác nhằm duy trì ngày nào các cháu cũng có canh ăn. Với các cháu nhỏ, sáng sớm trước khi đi học được bố mẹ chuẩn bị cho một cặp lồng cơm. Tùy theo điều kiện gia đình, ngoài cơm có thêm ít trứng gà, thịt chuột, thịt sóc, hay những thứ mà bố mẹ đánh bắt, thu lượm được để mang theo ăn thêm. Đến lớp các em tự để suất cơm của mình vào vị trí được cô giáo quy định và học tập bình thường. Khi đến giờ ăn, người được phân công nấu canh thì mang lên bàn, các cháu sẽ tự mang ghế và mang cơm của mình ra ăn. Canh là món chung, còn cơm và thức ăn mang theo (nếu có) là của riêng các cháu. Cô giáo trông coi các cháu ăn uống và chia sẻ, giúp đỡ các cháu, nhất là cháu còn bé quá hay ốm yếu hơn. Sau khi ăn xong thì các cháu phải tự mang ghế vào xếp lại ngay ngắn, rồi cất cặp lồng để chiều mang về nhà.

Việc chuyển sang học bán trú đã tạo ra nhiều ý nghĩa tích cực cho cuộc sống của người dân ở bản Piêng Coọc. Trước hết, việc học bán trú như vậy đã góp phần đảm bảo sức khỏe và việc học tập của các cháu bé trong bản. Tôi gặp chị Và Thị Lý, một phụ nữ trong bản có con đang học bán trú ở đây. Hôm nay là phiên của một người khác phải đến nấu canh cho các cháu. Nhưng chiều hôm qua người đó đã đến nhờ chị Lý thay phiên giúp mình vì nhà có việc. Thế là tôi có duyên được trò chuyện với chị. Qua câu chuyện, chị chia sẻ: Từ khi lớp học chuyển qua bán trú thì các cháu trong bản thích đến lớp hơn. Các cháu cũng khỏe hơn vì ăn đầy đủ, không phải nhịn bữa trưa hay ăn muộn. Cũng qua việc chuẩn bị canh cho các cháu mà các chị em phụ nữ trong bản cũng chia sẻ với nhau nhiều hơn, trao đổi nhiều việc về chuyện học hành của con hơn. Học bán trú cũng tạo điều kiện để lớp học được đầy đủ hơn. Đặc biệt, việc chuẩn bị cho bữa ăn trưa cũng dạy cho các cháu biết nề nếp hơn trong sinh hoạt hàng ngày. Từ việc phải giữ cho cặp lồng cơm của mình sạch sẽ, để đúng chỗ quy định đến việc biết sắp xếp ngồi ăn rồi nép gọn bàn ghế sau khi ăn. Nó tạo cho các cháu sự nề nếp trong cuộc sống và biết chia sẻ với nhau hơn. Và điều này cũng làm cho cha mẹ yên tâm đi cấy lúa hay cuốc nương mà không phải mang theo con nhỏ đi cùng….

Quay trở lại nhà già Lự với nhiều suy tư mà không biết bắt đầu từ đâu. Có lẽ phải sau nhiều chén rượu, tôi mới đủ can đảm hỏi cụ: “Người Mông sống trong rừng. Nhưng đó là những người Mông già, khi rừng còn được ra vào tự do. Còn những người Mông trẻ đang trên bước đường khôn lớn và trưởng thành thì sống bằng gì khi mà họ phải tách khỏi rừng, không được khai thác tự do như trước đây?” Cụ Lự và anh Dế, và cả người cô giáo đều im lặng. Một lúc lâu cụ Lự chỉ vào xa xăm, nơi rừng sâu núi cao, mây mờ mịt, gió ngút ngàn. Cụ bảo: “Người Mông sẽ ra phố học hành và sinh sống được. Nhưng xa rừng thì không còn là người Mông nữa. Nên vẫn là rừng. Bởi người Mông và bản Mông thuộc về rừng!”….

Chiều muộn. Rời bản Piêng Coọc. Phía trước là một quãng đường khúc khuỷu khó đi. Phía sau lưng là rừng núi bạt ngàn, là những người Mông vẫn tiếp tục cuộc sống. Phía trong tôi vang vọng những câu nói của già Lự. mà tôi nghĩ, đó không phải là những câu nói, mà như những cái đinh đóng vào tâm trí người nghe. Té ra, người dân tộc thiểu số, như người Mông ở đây, bảo vệ rừng bởi một lẽ đơn giản: “Họ thuộc về rừng, họ là một phần nhỏ trong rừng lớn”. Bản Piêng Coọc chiều về, những bếp lửa nhen nhóm lên hơi ấm. Những làn khói bay lên cao và mịt mờ dần trong bóng chiều…

Trang Tuệ 

(Một bút danh khác)

Ký sự ăn chơi (1): Chén trà Hương Mộc Vị Thanh vớt từ cõi trần ai

Gửi tặng Dương Anh và trà Mộc Thanh nhân dịp kỷ niệm 7 năm tròn vị Mộc Thanh.  Vào một ngày hè nóng bức năm 2020, tôi đã thử hơn 10 vị trà khác nhau suốt từ 10h sáng đến 16h chiều. Tôi vẫn còn nhớ y nguyên hôm ấy, mệt - đói - đơ (chứ không phải say) và chán. Các hương các vị lướt qua miệng rồi trôi tuột vào bụng, chẳng đọng lại chút nào nhung nhớ, kèm với đó là một

Bàn về các món ăn lên men trong văn hóa ẩm thực Việt Nam

Hệ thống thực phẩm đơn giản của Việt Nam tận dụng quá trình phân hủy trong tự nhiên Hệ thống thực phẩm của các nước công nghiệp phụ thuộc nhiều vào các quy trình sản xuất hàng loạt, quá trình phân phối toàn cầu, và công nghệ đóng đông, giữ lạnh thường xuyên. Hệ thống này đòi hỏi việc sử dụng nhiều năng lượng và cũng tạo ra rất nhiều sự lãng phí đồ ăn. Aaron Vansintjan đã đến thăm phố phường Hà Nội, nơi

“SỰ BỀN VỮNG” KHÔNG VỮNG BỀN

Một loạt các trường Đại học và Học viện đã công bố các “Nghiên cứu về bền vững”. Tất nhiên, “bền vững” chỉ là một thuật ngữ khác của chủ nghĩa môi trường, nhưng nó thể hiện rất rõ trạng thái tâm lý của phong trào môi trường. Ý tưởng của phong trào này là nếu chúng ta không buộc mình sử dụng ít tài nguyên hơn, loài người sẽ không thể duy trì cuộc sống của mình trên trái đất và con người sẽ

Vì sao giữ nguyên vẹn những khu rừng trưởng thành là giải pháp then chốt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu?

Nhà khoa học chính sách William Moomaw cho biết việc bảo tồn các khu rừng trưởng thành có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc loại bỏ CO2 khỏi bầu khí quyển. Trong một cuộc phỏng vấn trên E360, ông đã nói về tầm quan trọng của những khu rừng hiện có và lý do tại sao việc thúc đẩy chặt chúng để lấy nhiên liệu sản xuất điện là sai lầm. William Moomaw đã có một sự nghiệp xuất sắc với tư

CHÍNH TRỊ KHÔNG BỀN VỮNG CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN TỰ NHIÊN

Các chính trị gia khiến nền kinh tế thiếu bền vững Trong cuốn bestseller Chủ nghĩa Tư Bản Tự nhiên, một cuốn sách được các nhà môi trường và các vị điều hành doanh nghiệp ca ngợi hết lời khiến cho ấn bản Mỹ của cuốn sách đã bán hết veo trước ngày xuất bản, tác giả Paul Hawken, Amory Lovins và L. Hunter Lovins đã buộc tội chủ nghĩa tư bản truyền thống như môt thể chế “lợi ích tài chính” nhưng “lầm lạc