Home Chơi Ký sự ăn chơi (1): Chén trà Hương Mộc Vị Thanh vớt từ cõi trần ai

Ký sự ăn chơi (1): Chén trà Hương Mộc Vị Thanh vớt từ cõi trần ai

Gửi tặng Dương Anh và trà Mộc Thanh nhân dịp kỷ niệm 7 năm tròn vị Mộc Thanh. 

Vào một ngày hè nóng bức năm 2020, tôi đã thử hơn 10 vị trà khác nhau suốt từ 10h sáng đến 16h chiều. Tôi vẫn còn nhớ y nguyên hôm ấy, mệt – đói – đơ (chứ không phải say) và chán. Các hương các vị lướt qua miệng rồi trôi tuột vào bụng, chẳng đọng lại chút nào nhung nhớ, kèm với đó là một trạng thái chán ngấy, giống như đọc rất nhiều chữ tới mức không thể nhét thêm bất cứ chữ nào vào mắt, hay ăn no tới chật ních bụng mọi bữa để rồi sinh chứng chán ăn… Tôi thường ít khi nhớ những khoảnh khắc mỹ cảm, nhưng không thể nào quên trạng thái chán ghét của mình, bởi nhớ khoảnh khắc mỹ cảm sẽ chỉ khiến cho sự chán ghét trầm trọng hơn. Trong tâm trạng ấy, nghĩ đến việc sẽ tiếp tục đến một quán trà Việt, lại còn là trà Thái Nguyên, chỉ để thử trà, thật là nản lòng. Nhưng đã lỡ hẹn với người bạn trà của tôi thì tôi không thể bỏ ngang được, vì một cơ chế tâm trí rất éo le, đó là để kháng cự lại sự chán nản thì cách tốt nhất là luôn lên kế hoạch và làm theo kế hoạch.

Thuở ban đầu lưu luyến ấy

Tôi luôn có thói quen search fanpage của một thương hiệu trước khi sử dụng sản phẩm của thương hiệu ấy, bởi vì tôi cho rằng thái độ quảng bá và bán hàng quyết định đến quyết tâm đeo bám sản xuất và sáng tạo. Ấn tượng đầu tiên khi vào fanpage của thương hiệu trà Mộc Thanh, đó là một những bức chụp trà mộc mạc nhưng thanh nhã, không làm màu, không có những khay trà nguyên khối gỗ cồng kềnh, không có những chén trà tiền triệu. Tất cả đều rất giản dị, nhẹ nhàng, nổi bật màu nước trà, lá trà… xen lẫn là câu chuyện quê mùa ở vườn trà tại làng Cao Khản, Đại Từ, Thái Nguyên. Nhưng có vẻ như chủ Mộc Thanh không hề biết bán hàng, còn chẳng hề viết bất cứ lời nào giới thiệu về sản phẩm, tôi tự hỏi: “tóm lại là muốn khoe trà hay bán trà đây!” Nhưng rồi cũng tự nhủ rằng đó là một tín hiệu tốt bởi vì người làm sản xuất càng ít biết về các thủ thuật marketing, càng ít dùng các thủ thuật ấy thì có lẽ càng tốt.

Bạn trà của tôi khen ngợi Mộc Thanh khá nhiều, và tất nhiên khiến tôi trỗi lên trong lòng sự đề phòng. Bệnh đa nghi của một kẻ xưa nay chẳng tin vào bất cứ điều gì. Và tôi càng đề phòng khi bước vào một không gian trà trong khu tập thể, bởi sự lựa chọn thuê địa điểm phòng trà trong khu tập thể lúc bấy giờ là một xu hướng chứ không phải đến từ các lựa chọn tài chính. Tôi cũng la liếm không ít quán trà trong các khu tập thể như vậy, cảm nhận chung thương là…thất vọng. 

Lúc bước vào, trời đã ngả chiều, chị chủ quán ngồi thu lu một góc bên chiếc máy tính làm gì chẳng rõ, chắc chắn không phải bán hàng rồi. Quán vắng tanh không một bóng người. Các bức tường lấp đầy bởi các bức thư pháp tao nhã và kì dị. Người bạn trà của tôi giới thiệu sơ qua về chị chủ quán tên Dương Anh, và bày tỏ sự ái mộ với trà Oolong Lam Chiều do chị làm, nhưng rồi Dương Anh cười cười dẫn dắt chúng tôi đến một loại trà khác: Hồng trà Cao Khản. Lúc ấy, trong đầu tôi vẫn nghĩ, trà Việt lại còn là trà Thái Nguyên thì làm hồng trà thế nào được, nhưng vẫn cứ tươi cười vừa thể hiện mình là một người cũng biết về trà, vừa nịnh bợ để chị Dương Anh phô bày hết tay nghề.

Hồng trà Cao Khản có nước hồng cam rất đẹp tương phản với tách trà trắng muốt của sứ bạch định, và hương mật quện hương hoa quả tràn đầy vào khoang mũi dù cho trời nắng nóng đã khiến tôi ngửi thấy mùi mồ hôi của mình. Một ngụm trà ngon đó là khi cả hương và vị tỏa đều trong khoang miệng tạo thành một chuỗi kết nối với mũi. Có nhiều loại hồng trà có hương rất thơm nhưng hương ấy không tròn đầy bởi khi vào đến miệng thì vị trà chẳng ăn nhập gì với hương thơm ấy, điều này khiến tôi cảm thấy như bị dối gạt vậy. Sau này, khi thưởng thức cà phê, tôi cũng gặp nhiều trường hợp tương tự, đa phần đều đến từ đưa hương ngoại lai vào quá trình lên men chứ không phải hương đến từ nội chất sinh ra do quá trình canh tác. Đương nhiên, hồng trà Cao Khản không phải sản phẩm duy nhất trên đời có được chất lượng ấy, nhưng là một trong số loại trà có được hương vị tự nhiên, và bởi vì tôn trọng tự nhiên nên đạt được sắc thái Mộc và Thanh. 

Sau hồng trà Cao Khản mới đến lượt Oolong Lam Chiều mà bạn tôi yêu thích. Lá trà dài như lá Đơn Tùng Phượng Hoàng, hương như thể mùi hoa mơ hoa mận, hơi ám khói nhẹ. Nhấp một ngụm ngọt ngào vòm họng, và có note hoa mộc khô, lại như thể có mùi khói chiều vùng trung du. Chén trà ấy làm tôi nhớ đến mấy câu thơ trong “Mùa xuân chính” của Hàn Mặc Tử:

“Trong làn nắng ửng khói mơ tan

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.”

Nước trà có màu của “nắng ửng” với hơi nước lẩn dưới ánh đèn vàng như khói mơ tan kéo theo mùi hương của một ngôi làng bình yên cuối chiều. Tình ấy, cảnh ấy, mộng ấy, người ấy trong khoảnh khắc ấy, thật khó quên. Rốt cuộc tôi có thể hiểu được tại sao bạn tôi lại thích hương vị Lam Chiều đến thế. Nhưng dù rất ảo mộng và đẹp đẽ, đây vẫn không phải thứ hương vị thân thuộc với tôi. Tôi không có nhiều ký ức chốn thôn dã đến thế, cũng không yêu mến mùi khói đến vậy. Tôi nghĩ rằng Dương Anh có lẽ đã đi theo một cao nhân trà Trung Quốc nào đó mới làm được như vậy.

Cuộc trà hôm ấy kết thúc bằng trà lá già Mộc Thanh. Đây mới thực sự là hương vị trà tôi thích nhất. Nguyên lá trà khô, còn nhìn rõ vết thủng của sâu ăn, mỗi lá khô to gần bằng ba ngón tay của tôi chụm lại, được Dương Anh cuộn lại và nhét vào ấm. Không cần thao tác rót phức tạp, Dương Anh rót thẳng nước nóng già vào ấm. Màu nước vàng nhạt như nắng sớm mùa thu, ngọt như bạch trà, còn nguyên mùi lá và nắng, và không còn chút vị chát nào. Ôi chao, nếu nói hương vị trà nào thật Việt Nam, thì tôi sẽ chọn trà lá già Mộc Thanh chứ không phải trà xanh Thái Nguyên đắng chát. Có lần, tôi dẫn một anh bạn người Pháp, là một chuyên gia thực vật học và tinh dầu, đến thưởng trà tại quán, anh ấy cũng đồng tình rằng trà lá già Mộc Thanh xứng đáng để đại diện cho hương vị Việt. Hóa ra không phải vì tôi quá yêu mà tôn lên thái quá. 

Cũng từ đó, tôi thường xuyên đến không gian của Mộc Thanh, chủ yếu để thấm đẫm hệ hô hấp của mình bằng hương vị của hồng trà Cao Khản, thỉnh thoảng là Oolong Lam Chiều, và chỉ uống Mộc Thanh vào những hôm trời nắng (vì trời lạnh thì hương trà bay biến đi đâu mất). Rất ít khi tôi uống lục trà (dân ta quen gọi là trà mạn) vì tôi không thích vị đắng chát. Cũng rất ít khi tôi uống trà dệt hương bởi với tôi đó là thức qua đường chẳng mấy khi trọn vẹn. 

Chị Dương Anh, nghệ nhân trà, người sáng lập thương hiệu Mộc Thanh

Vớt lại trần ai một chút Ta…

Qua chơi nhiều, ngồi lâu, dần dần chứng kiến chuyện nổi chìm của người làm trà… cũng khiến tôi thấy hiểu hơn nhân sinh thế thái chốn trần ai. Tôi những tưởng người làm trà hẳn đều như thượng tiên thanh cảnh, nhưng thực sự câu chuyện làm trà là một cuộc vật lộn. Giữa một vùng trà Thái Nguyên nổi tiếng với những nông trường trà tít tắp được tưới tắm bảo vệ bằng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, vườn trà của Mộc Thanh như một ốc đảo bị cô lập. Có lẽ vườn trà này đã bị chặt để phục vụ nhiều mục đích khác nhau của nhân sinh nếu không phải vì nó nằm sâu khuất nẻo gần rừng. Những cây trà ở đây bị bỏ hoang dăm bảy chục năm, mọc xen kẽ với rừng và cây trái trung du, quanh năm chẳng cần bón phân diệt cỏ, chẳng cần xua đuổi sâu. Tất cả đều tự sinh tự diện như tự nhiên vẫn thế. Dương Anh thật may mắn vì tự nhiên và số mệnh đã giữ giúp khu vườn ấy. 

Nhưng vườn trà không thể mở rộng quy mô, bởi sang vùng đất khác, đâu còn hệ sinh thái tự nhiên hoang dã tự sinh tự diệt ấy, đương nhiên cũng dẫn đến một hệ quả là sản lượng thấp dẫn đến doanh thu thấp. Mỗi năm, vườn có lẽ chỉ sản xuất được 1 đến 2 tạ trà, nếu chia đều cho các dòng trà khác nhau thì có lẽ mỗi năm chỉ thu chỉ 30-50kg trà mỗi dòng. Dù chất lượng tốt và hiếm luôn đi kèm với giá bán cao hơn trà Thái Nguyên thông thường, nhưng cũng không thể đủ để nuôi người làm trà, dù cho vườn trà tự nuôi chính mình. 

Bị áp lực với sản lượng và doanh thu, nhưng chị Dương Anh vẫn kiên định với định hướng vườn rừng. Chị nói rất nhiều về mô hình vườn rừng được nhắc đến trong cuốn “Cách mạng một cọng rơm” như thể cuốn sách ấy đã định hướng cho chị, nhưng tôi nghĩ, thực ra tận sâu trong tâm hồn chị, chị đã thấu rõ một điều rằng chẳng vẻ đẹp nào bằng tự nhiên như nó vốn thế, và dù có đọc cuốn sách ấy hay không, chị sẽ vẫn chọn để khu vườn như nó vốn là, để cây trà như nó vốn là. 

Làm trà tại khu vườn ấy giống như một cuộc tu luyện, tại đó chị hòa làm một với toàn bộ tự nhiên, chứng kiến vạn vật biến đổi theo tiết khí, cảm nhận thời gian và đất trời để lại dấu ấn trong hương vị và hình hài của lá trà, để rồi hòa nhập cùng thực tại ấy, tạo tác bằng sao chế hay lên men theo cách của riêng mình. Làm trà chính là một quá trình nhập định. 

Ảnh chụp những lá trà tại vườn Mộc Thanh

Nhưng bởi vì là một cuộc tu, nên cũng có lúc lạc lối. Tôi từng bắt gặp nhiều cuộc vật lộn tâm lý, và cả thân xác của Dương Anh trong cuộc mưu sinh và sinh tồn, tới mức mùi vị sân si đọng lại trong hương vị trà. Ai đó có thể cho rằng đó là do năm ấy mùa vụ không được tốt nên hương không thơm bằng, vị chát gắt hơn… còn với tôi, thì tôi cho rằng tâm tư thế tục đã tạp nhiễm vào mẻ trà ấy. Sau rồi, khi Dương Anh bước ra khỏi những vật lộn ấy, định tâm hơn trước mọi biến động cuộc đời, tôi lại được nếm trải những thang bậc hương vị khác. Tôi nhận ra rằng, cứ sau một cuộc vật lộn, khi Dương Anh hồi phục, hương vị trà lại đa tầng phong phú hơn.

Tỷ dụ như tiết vũ thủy năm nay (2023), lần đầu tiên Dương Anh toàn tâm toàn ý dành cả tinh thần và thân xác mình để thâu trọn linh khí của đất trời và cây cối tạo nên vị lục trà Xuân Đán. Thông thường, lục trà Xuân Đán sẽ có hương trà xanh Thái Nguyên đặc trưng, vị đắng chán ban đầu rồi ngọt sâu ở cuống họng. Nhưng lục trà Xuân Đán tiết vũ thủy có hương cốm non nếp non thoảng chút ngô nếp, ngay từ hương đã gợi nhắc vị ngọt, khi pha nước xanh vàng trong vắt, hương thoang thoảng lẩn khuất trong hơi. Nhấp một ngụm vào không hề đắng chát, mà thấy hương bung tỏa trong khoang miệng cùng một lúc với hơi nóng đưa hương vào mũi, rồi mới thấy chát dịu đắng dịu, không hề gắt, và cuối cùng là vị ngọt ở rất lâu trong cuống họng. Tôi thích uống Xuân Đán tiết vũ thủy vào những hôm trời oi nóng hoặc nồm ẩm, bởi nó khiến tôi bước ra khỏi cơn bức bối, và từ khi có Xuân Đán vũ thủy đến nay, tôi đã quên mất hồng trà Cao Khản hay Oolong Lam Chiều, đương nhiên cũng chẳng còn nhớ đến Mộc Thanh. Vụ trà này thực sự là minh chứng cho một cấp độ tu vi mới của Dương Anh, và để có cấp độ này, tôi cũng chứng kiến Dương Anh trải qua bao cuộc hành xác và dằn vặt khổ đau. Suy cho cùng, mọi cái đẹp đều đến từ đau đớn, mọi sự thanh nhã đều nổi lên từ bùn lấm và đất đen.

Làm bạn với nghệ sĩ hay nghệ nhân thật sự đặt ta vào một thế khó. Rốt cuộc ta sẽ muốn họ có một đời sống êm ấm, yên vui…? Hay ta sẽ đứng nhìn họ chật vật, đau khổ hoặc ác hơn, muốn họ phải thêm gian nan tôi luyện để họ có thể tạo ra tuyệt tác – thứ mà ta chỉ như một kẻ làng chơi tận hưởng, tùy ý phán xét, cân đong mua bán? Nhưng rồi tôi cũng chẳng hơn gì Dương Anh, tôi cũng luôn phải lựa chọn giữa sự yên vui êm ấm hay dấn thân vào thế cuộc để viết nên điều gì đó đáng để viết, sau cùng chẳng phải cũng để người đời trao đi đổi lại hoặc quên lãng hay sao! Có lẽ vì cảm thấy đồng cảnh, nên tôi gắn bó với trà của Dương Anh đến thế dù tôi vẫn thử mỹ trà ở chốn nọ chốn kia. Có thể đâu đó tôi bắt gặp hương vị mượt hơn, giá thành có thể đắt hơn gấp nhiều lần, được đánh giá cao hơn, nhưng mượt quá khiến tôi không luận được, cũng không cảm được tâm tư của người làm trà. Mối quan hệ với các mỹ trà ấy giống như một khán giả với siêu sao, đẹp đó, nhưng xa vời, có phần chỉ là hình bóng lý tưởng chứ không hiện hữu. Còn trà của Dương Anh, có lúc thanh lúc gắt, có lúc sâu lúc nông, có lúc tuyệt đỉnh lúc lại tầm phào, nhưng đó là trà chứa dựng một phần linh hồn của người bạn mà tôi trân quý, bởi thế, trong mỗi chén trà đều có tình, có duyên, có nợ và có cả cuộc khóc cười thế sự. 

Bẵng đi đã gần 3 năm la đà cuộc trà cùng nhau, thời gian tuy ngắn nhưng không ngờ gắn bó sâu sắc đến thế. Tôi đổi chữ lấy trà, Dương Anh đổi trà lấy chữ! Bạn bè thấu hiểu nhau bằng tác phẩm của nhau, suy cho cùng, chính là trao đổi tác phẩm mà không cần một vật trung gian trao đổi như đồng tiền. Đó chính là “Kinh tế học thiêng liêng”, và là cách để những kẻ cũ kỹ như chúng tôi tiếp tục sống và tận hưởng giữa thế giới đua tranh hư danh và cơm áo gạo tiền.

Hà Thủy Nguyên

> Đọc thêm các bài viết về trà:

Trà đạo vô ngôn thấu suốt lẽ nhàn – Book Hunter

Thưởng trà cũng lắm công phu… và cả khoa học nữa – Phân loại các dòng trà – Book Hunter

CHÍNH TRỊ KHÔNG BỀN VỮNG CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN TỰ NHIÊN

Các chính trị gia khiến nền kinh tế thiếu bền vững Trong cuốn bestseller Chủ nghĩa Tư Bản Tự nhiên, một cuốn sách được các nhà môi trường và các vị điều hành doanh nghiệp ca ngợi hết lời khiến cho ấn bản Mỹ của cuốn sách đã bán hết veo trước ngày xuất bản, tác giả Paul Hawken, Amory Lovins và L. Hunter Lovins đã buộc tội chủ nghĩa tư bản truyền thống như môt thể chế “lợi ích tài chính” nhưng “lầm lạc

Phong trào Thực phẩm Địa phương: Mọi thứ Bạn Cần Biết

Olivia Rosane Phong trào Thực phẩm Địa phương là gì?   Phong trào thực phẩm địa phương là sự thúc đẩy ăn thực phẩm được trồng và thu hoạch gần nơi mua. Nó thường tương phản với hệ thống thực phẩm chính thống đương đại, trong đó bơ từ Mexico được mua vào tháng Giêng từ một cửa hàng tạp hóa lớn ở New England. Nó ủng hộ mối quan hệ trực tiếp hơn giữa người trồng trọt và người tiêu dùng, để các thành

Phong trào Thực phẩm Địa phương như một Chất Xúc tác cho Cộng đồng

Trong vài thập kỷ qua, phong trào thực phẩm địa phương đã đi từ một phong trào bên lề trở thành một nhân tố chính trong ngành công nghiệp thực phẩm quốc gia. Hầu hết mọi trung tâm đô thị lớn trên cả nước đều có một số chợ nông sản, các chương trình nông nghiệp do cộng đồng hỗ trợ và những cách sáng tạo khác để đưa nông dân và người tiêu dùng đến gần nhau hơn. Phong trào thực phẩm địa phương

Khủng khoảng năng lượng – Ivan Illich

Tác giả: Ivan IllichChương 1 cuốn “Năng lượng và Công bằng”, được Le Monde xuất bản lần thứ nhất vào đầu năm 1973.---             Hiện ngày càng có nhiều người chạy theo mốt cho rằng đang có một cuộc khủng hoảng năng lượng. Cụm từ hoa mỹ này che giấu một sự mâu thuẫn và tấn phong một ảo tưởng. Sự mâu thuẫn mà nó che giấu nằm trong việc muốn theo đuổi cả sự bình đẳng và việc phát triển công nghiệp cùng một

LƯỢC SỬ VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Lược sử về khái niệm phát triển bền vững có thể bắt đầu với Đạo luật Chính sách Môi trường Quốc gia (NEPA) của chính phủ Hoa Kỳ năm 1969. [1] Đạo luật này được đưa ra chủ yếu nhằm để phản ứng lại sự cố tràn dầu ở Santa Barbara năm 1969, sự kiện đã có tác động tàn phá đến động vật hoang dã và môi trường tự nhiên trong khu vực. Nhưng đây cũng là kết quả của việc xã hội dành