Home Ngẫm Không có đứa trẻ bên trong…

Không có đứa trẻ bên trong…

Khi ấy, các môn đệ lại gần hỏi Ðức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Ðức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ như thế này vì danh Thầy, là đón tiếp chính Thầy.” – Mt 18, 1-5, Kinh Thánh

Trẻ em, trẻ thơ, trẻ con, bé thơ…dù sử dụng khái niệm nào để gọi con người thời ấu thơ cũng đều gợi cho ta một sắc thái vừa trong sáng, vừa tươi mới, vừa tự do không vướng bận. Con người trong quá trình biến đổi của mình đã đi từ nhỏ bé và trong sáng, dễ thẩm thấu, tiến tới to lớn hơn và cố chấp hơn; đi từ nhẹ gánh đến nặng gánh; từ hồn nhiên là chính mình đến một công dân trong xã hội tổng hòa các mối quan hệ phức tạp. Khi Jesus nhắc đến “như trẻ em”, ông hàm ý đến sự trong sáng tới mức dễ thẩm thấu, và nhẹ gánh để được hồn nhiên. Sắc thái của “đứa trẻ bên trong” từ đó mà ra. Sau này, trong “Zarathustra đã nói như thế”, Friedrich Niezstche cũng coi “như trẻ thơ” là cấp độ tiến triển cao nhất của con người, cao hơn cả sư tử, và chắc chắn là những con lạc đà cơ khổ không thể nào so sánh. Jesus hay Niezstche đã đặt cho chúng ta một cái đích không thể vươn tới, bởi đời người vốn dĩ ai rồi cũng sẽ phải đến lúc phải chịu trách nhiệm, và chẳng dễ dàng để “quẳng gánh lo đi mà vui sống”.

Nghĩ về thuở ấu thơ, khi chúng ta còn ngơ ngác nhìn ngắm thế giới, với ngũ quan tinh nhạy chưa bị tổn hại, tâm hồn chưa bị tổn thương, chúng ta bị coi là yếu đuối nên chẳng hề phải gánh một trách nhiệm nào trong cuộc sống, thế là chúng ta thèm muốn cảm giác ấy. Nó tựa như ở thiên đường, khi ta ở trong vòng bao bọc của Thiên Chúa, không hề phải vất vả mưu sinh. Thiên đường sụp đổ, Adam và Eva phải trưởng thành và bị biệt lập với thiên đường, để học cách chịu trách nhiệm, giống như Thiên Chúa. Nhưng sâu thẳm, Adam và Eva vẫn mong muốn được nép mình dưới Thiên Chúa, nên khao khát hơn cả là gạt bỏ trách nhiệm và quay lại thiên đường vô lo vô nghĩa. Nhưng ta thấy rằng, con người không thể quay lại thiên đường nếu không trải qua Trận chiến cuối cùng – cái chết, khi mọi thiện ác của đời người đều tan biến, và chỉ còn sót lại thứ đẹp đẽ nhất của tinh thần, để nghỉ ngơi tĩnh dưỡng tại thiên đường, tiếp tục nuôi dưỡng dục vọng để một ngày nào đó lại rơi xuống trần gian cực nhọc. Suy cho cùng, trong khoảnh khắc nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, đó là lúc ta thấy lại được thiên đường, nhưng nó ngắn ngủi quá, chỉ thoáng qua đã vụt biến mất.

Được truyền cảm hứng từ Jesus và Niezstche, các tác giả văn chương xây dựng đứa trẻ bên trong gắn liền với mọi yếu tố phi thường, vượt trên hiện thực đời sống, một màu sắc phức hợp giữa lãng mạn với thế giới mộng mơ, thị hiện một thế giới quan siêu hình cổ đại thông qua giọng văn duy mỹ cổ điển nhưng lại chẳng phải lên gân sa đà vào những cách tân câu chữ. Dòng văn chương này, vì thế, trở nên khó định vị và phân loại. Không thể xếp vào số những tác phẩm cho thiếu nhi, bởi chúng tậm chí còn không dễ để hiểu, ngay cả với người lớn. Chúng cũng khó có thể nằm trong các tác phẩm hàn lâm mà tại đó người ta mổ xẻ tâm trí bằng những thủ pháp và hệ tư tưởng. Nếu có thể loại nào đó tương đồng, thì có lẽ là các câu chuyện dụ ngôn, những sử thi cổ đại, khi thực tại được thị hiện đa chiều không cần lý giải và ngôn từ thỏa sức phi logic trong khi dòng tư tưởng dập dồn như sóng biển còn cảm hứng lồng lộng gió. Bởi thế, Alice bước vào Wonderland và gặp những sinh vật điên rồ đại diện cho thế giới người lớn. Alice – đứa trẻ thì tỉnh táo, còn người lớn như Nữ Hoàng Đỏ, Madhatter, Thỏ Phục Sinh… thì đều lảm nhảm  và huyễn hoặc nói mớ. Hoàng Tử Bé rời bỏ tinh cầu của mình đi tới bao tinh cầu khác để thấy sự ngớ ngẩn của bao phận người, khi con người bị trói buộc trong chính công việc mà họ làm. Hoàng Tử Bé hoàn toàn vô công rỗi nghề, ngơ ngẩn yêu bông hoa hồng và ngắm hoàng hôn xuống – công việc của mọi đứa trẻ. Bốn đứa trẻ Peter, Edmund, Susan và Lucy khi bước vào thế giới Narnia đã lạc lối, lại trở thành bốn vị vua đại diện cho đức hạnh, nhắc nhở các cư dân lầm lạc của Narnia về điều tốt đẹp. Những đứa trẻ tới từ thiên đường, đại diện cho phẩm chất hoàn hảo ấy, là biểu tượng cho một thế giới utopia mà nhân loại hướng tới, nhưng điều đó không có nghĩa rằng đó chính là bản chất của con người.

Một thái cực khác của của “Hoàng Tử Bé” mãi mãi ấu thơ của Saint Expury, “Peter Pan” không bao giờ chịu lớn của J.M Barrie. Không giống như Peter Pan trong phim hoạt hình của Walt Disney, Peter Pan trong nguyên tác ngỗ nghịch và hiếu chiến, tự do không phép tắc hay luật lệ, đúng với chữ “Pan” – ám chỉ vị satyr đầu dê phóng túng trong thần thoại Hy Lạp. Nếu đời sống thường nhật là một chuỗi ngày nhàm chán, thì cuộc sống ở Neverland của Peter Pan là chuỗi ngày dị giáo vô tận với các sinh vật và các cuộc chiến ác liệt đầy hung phấn. Niềm vui ấy mang đến sức mạnh phi thường cho Peter Pan, giúp cậu có thể bay bổng nhẹ nhàng nương theo cơn gió. Peter Pan là biểu tượng cho nguyên mẫu đứa trẻ hiếu chiến mà ta thấy trong biểu tưởng thần Eros xưa kia. Thậm chí, trong thần thoại Etruscan, người La Mã cổ xưa đã miêu tả thần Maris là đứa trẻ, với vũ khí trong tay và ánh mặt trời nóng rực, nguyên mẫu của thần chiến tranh Mars của người La Mã.

Hình mẫu Peter Pan, suy cho cùng là một thái cực khác trong nhãn quan nhìn thế giới của Thiên Chúa giáo vốn tin rằng “nhân chi sơ tính bản thiện” (Mượn lời của Khổng Tử). Từ góc nhìn của các tín ngưỡng ngoại giáo mà ta thấy qua thần thoại và “Peter Pan”, ta có thể thấy rằng trẻ em là thực thể khó nắm bắt, không thể kìm giữ trong các nguyên tắc xã hội và kỷ cương. Điều này đi ngược lại hình mẫu của đứa trẻ thiên đường, vốn coi trẻ thơ chứa đựng phẩm hạnh Thiên Chúa hơn so với người lớn. Hình mẫu đứa trẻ hiếu chiến hoang dại đại diện cho tự do như vạn vật thiên nhiên, khác xa đời sống văn minh với ràng buộc và quy tắc, hay nói một cách khác, trẻ em là trạng thái bản năng của con người, khi lý trí chưa được sử dụng để kìm hãm tâm trí và hành vi. Lý thuyết về tính dục của Freud khi nghiên cứu về biểu hiện dục ở trẻ em, một thời khiến người ta sợ hãi, mà sâu thẳm nỗi sợ ấy đến từ cảm giác khiếp hãi với ý nghĩ rằng đứa trẻ không hề ngây thơ mà có thể rất ác độc và bản năng như thú dữ. Freud có thể cực đoan ở nhiều khía cạnh, nhưng ông đã đúng về tính bản năng ở trẻ, thứ xung đột với các cấm kỵ trong thế giới người lớn.

Không ai trưởng thành mà không trải qua giai đoạn ấu thơ, đó là con đường tất yếu phải đi qua. Từ bào thai bước ra thế giới, chúng ta trải qua sơ sinh, nhi đồng, niên thiếu, và cứ thế lớn lên. Như vậy, trẻ thơ đơn giản là một giai đoạn cần có trong chuỗi phát triển của đời người, để đi từ bản thể cho tới điểm phát triển cao nhất của các khả năng và suy tàn. Trẻ thơ không phải cái gì đó dễ dàng định hình và chỉ rõ trong tiến trình diễn ra hữu hình và vô hình, cho nên chúng ta không thể đi tìm đứa trẻ bên trong mình. Sự tìm kiếm đứa trẻ bên trong như một liệu pháp chữa lành tâm lý xét cho cùng là một quá trình trốn chạy khỏi áp lực và kiềm tỏa của đời sống, mà tại nơi trú ẩn, ta được khuyến khích bởi các bác sĩ tâm lý, nuôi dưỡng một cái tôi tưởng tượng nhân tạo mơ hồ đến từ câu nói hình tượng đa ngữ nghĩa mà Jesus đáp lại câu hỏi của tông đồ.

Con người một khi đã trưởng thành thì không thể “như trẻ thơ”, bởi vì chính phép so sánh ở nội hàm của từ “như” đã thể hiện tính chất vờ vịt. Đi từ vô lo vô nghĩ đến tự chịu trách nhiệm, đó là tiến trình không thể tránh khỏi. Giữ mãi tính chất vô lo vô nghĩa, vứt hết mọi trách nhiệm phải gánh vác, tức là ở mãi trong trạng thái trẻ thơ, tiếp tục “ăn bám” phúc lợi của Thiên Chúa hoặc quậy phá và gây gổ bất cứ khi nào mình muốn. “Cái trống thiếc” của Gunter Grass có lẽ là tác phẩm phản ánh chân thực nhất trạng thái níu bám thời thơ trẻ này. Một đứa trẻ không bao giờ chịu lớn, giữ mãi thân hình trẻ nhỏ, dù tâm trí lớn lên từng ngày, dần dần trở thành một chú hề dị dạng trong trạng thái tuyệt vọng khi chỉ có tiếng trống và tiếng hét để biểu hiện chính mình. Hình tượng Lão Ngoan Đồng trong “Xạ Điêu Anh Hùng truyện” và “Thần Điêu đại hiệp” của nhà văn Kim Dung cũng là một trong các nguyên mẫu đắc đạo của văn hóa Trung Hoa – một cao thủ đã già nhưng quyết không chịu lớn, không gánh vác bất cứ trách nhiệm nào mà chỉ vui chơi quên ngày tháng. Sự xây dựng Lão Ngoan Đồng  của Kim Dung dựa trên một triết thuyết về trí tuệ điên như Tế Điên hòa thượng hay Bố Đại hòa thượng, nhưng sự thiếu trưởng thành, mà cụ thể là thiếu trách nhiệm của Lão Ngoan Đồng thì lại khiến Lão Ngoan Đồng kém đi phần thoát tục. Nên nhớ rằng, trách nhiệm ở đây không phải là những áp đặt của cuộc đời thế tục, mà là sự chấp nhận đương đầu với kết quả của các hành động mà mình gây ra. Đứa trẻ hiếu chiến và ngỗ nghịch dường như không có ý thức này.

Các liệu pháp trị liệu tâm lý bằng đứa trẻ bên trong dẫu chọn lựa đứa trẻ thần thánh từ thiên đường hay những đứa trẻ ngỗ nghịch hoang sơ thì cũng đều là tạo ra một nhân cách mới chối bỏ trách nhiệm trong hành động, mà trốn chạy tới thế giới không tưởng trong tâm trí, tách biệt bản thân khỏi hiện hữu thế gian. Trong khi ấy, trẻ thơ vốn chỉ là một giai đoạn đã qua đi, không có bên trong, chẳng ở bên ngoài, chỉ có các dấu vết ký ức còn lưu lại, dấu vết của một thời say mê, nông nổi và lãng mạn, siêu tuyệt…để chuẩn bị cho một cuộc trưởng thành mà ở đó con người cân nhắc giữa hành động và không hành động, giữa đeo đuổi và bám chấp.

Hà Thủy Nguyên

>> Đọc thêm:

Sách cho trẻ (1): Những bài hát ru và chuyện kể trước lúc ngủ – đường vào cõi Mộng – Book Hunter

Sách cho trẻ (2): Trái tim thơ trẻ và trí não trưởng thành – Điều quý báu ẩn trong các kiệt tác cho trẻ em – Book Hunter

Xem

“NA TRA – MA ĐỒNG GIÁNG THẾ” VÀ SỰ VÔ NGHĨA CỦA ĐỊNH MỆNH

Ra rạp từ tháng 7 năm 2019, bộ phim "Na Tra - Ma đồng giáng thế" đã nhận được vô số lời khen từ khán giả. Sau "Đại ngư hải đường", "Na Tra" một lần nữa đã đem đến cho người xem một trải nghiệm đầy bất ngờ về thế giới thần thoại Trung Hoa, với những Nguyên thủy thiên tôn, Thái ất chân nhân, Na Tra, Ngao Bính,... Câu chuyện của "Na Tra - Ma đồng giáng thế" xoay quanh Na Tra, cậu bé
Xem

Phim hoạt hình “Hoàng Tử Bé” – “Vấn đề không phải trưởng thành mà là lãng quên”

Tất cả những ai đã từng say mê ‘Hoàng Tử Bé” của nhà văn Saint Expéry thì chắc chắn sẽ không thể có một cuộc sống bình thường và nhạt nhẽo. Những người ấy sẽ không bao giờ trưởng thành theo cách bình thường mà luôn giữ tâm hồn trẻ thơ. Theo thời gian, chúng ta có thể lớn lên, quên dần cảm xúc lần đầu đọc cuốn sách này bởi có hàng trăm hàng nghìn quyển sách khác nói những lời đao to búa

Sách cho trẻ (2): Trái tim thơ trẻ và trí não trưởng thành – Điều quý báu ẩn trong các kiệt tác cho trẻ em

Lẽ tất yếu, những đứa trẻ rồi cũng đến ngày phải trưởng thành, dẫu rằng sâu thẳm trong chúng là những Peter Pan hay Hoàng Tử Bé vốn chỉ mong muốn mãi mãi ở thế giới thần tiên. Nhưng lớn lên và đánh mất những ước ao tốt đẹp thuở nhỏ, để bị cuốn theo những guồng quay sinh tồn của đời người, dường như không phải là những điều các tác giả cho thiếu nhi hướng tới. Các nhà văn thiếu nhi dù cho
Xem

9 phim hoạt hình mùa đông hay nhất

Phim hoạt hình vẫn luôn thu hút khán giả, bất kể dân tộc và độ tuổi. Và có những bộ phim hoạt hình, nếu bạn xem vào mùa đông, sẽ mang lại trải nghiệm thú vị cho khán giả hơn nhiều. Book Hunter xin giới thiệu đến các bạn 9 bộ phim hoạt hình mùa đông hay nhất.   9. Ice Age https://www.youtube.com/watch?v=i4noiCRJRoE Vào đầu kỷ băng hà, có một số con vật thay vì đổ xô đi tìm chỗ trú ẩn ấm áp, thì

Thư Sinh

07/11/2019

Sách cho trẻ (1): Những bài hát ru và chuyện kể trước lúc ngủ – đường vào cõi Mộng

Bước vào giấc ngủ: đôi mắt nhắm lại, chân tay không cử động, miệng thôi nói, tai không còn nghe thấy chính xác những gì thực tại tác động tới, mọi điều tiếp xúc vào da đều như thể có màng lọc. Giấc ngủ bắt đầu bằng sự thu rút các giác quan và quá trình duy lý. Các giác quan không cố gắng ghi nhận thực tại mà mặc cho thực tại đến rồi đi. Tâm trí không cố sắp xếp trình tự các