Home Đọc Khi phụ nữ đương đầu với đói nghèo, bệnh tật & tình trạng nhận thức thấp về sức khỏe phụ nữ

Khi phụ nữ đương đầu với đói nghèo, bệnh tật & tình trạng nhận thức thấp về sức khỏe phụ nữ

Đôi điều suy nghĩ khi đọc “Từ Phẫn Nộ đến Can Đảm” của Anne Firth Murray

Trong rất nhiều cuộc trò chuyện về những người phụ nữ yếm thế phải chịu đựng cách cư xử thờ ơ, hơn cả thế, sự bạo hành từ nam giới và cả chính những phụ nữ khác trong cộng đồng, tôi luôn nghĩ: lỗi là do họ. Họ đã quá bạc nhược và kém cỏi để không dám đứng dậy và đấu tranh, và đời sống họ đang phải chịu đựng là hậu quả tất yếu cho sự bạc nhược và kém cỏi của họ. Trong số những phụ nữ yếm thế ấy, có những người tôi đã gặp ngoài đời thật, có người là nhân vật văn học, và điểm chung trong cách hành xử trước mọi sự đe dọa đến thân thể của họ đều gói trong hai chữ “chịu đựng”. Chịu đựng đến mức mà đôi khi tôi ngờ rằng họ yêu thích sự hành hạ ấy và có cảm giác rằng họ coi “chịu đựng” như thứ gì đó cao cả. Nhưng khi đọc “Từ Phẫn Nộ đến Can Đảm” của Anne Firth Murray, tôi buộc phải nhìn nhận ở góc độ khác về sự “chịu đựng” của phụ nữ:  sự thiếu nhận thức về tình trạng sức khỏe của phụ nữ trong xã hội.

 

Những rủi ro cho sức khỏe phụ nữ

Mở đầu cuốn sách, Murray viết “Sinh ra với giới tính nữ là một mối nguy hiểm cho sức khỏe”, và mối nguy hiểm này càng trầm trọng với “hầu hết phụ nữ sống ở các nước nghèo hơn trên toàn cầu”. Là một nhà hoạt động nữ quyền lâu năm, làm việc trực tiếp với các nhóm phụ nữ nghèo ở các nước đang phát triển, Murray đã thu thập rất nhiều câu chuyện của những cá nhân khác nhau ở các hoàn cảnh khác nhau tại các quốc gia để cho chúng ta thấy một góc nhìn rất khác về nữ quyền: Sức khỏe.

Cơ thể của phụ nữ xét về bẩm sinh, phải chịu đựng rất nhiều rủi ro như mất máu kì kinh nguyệt, mang thai, bệnh lý tình dục… và nhiều thứ khác. Nhưng không chỉ thế, sức khỏe của phụ nữ còn phải đương đầu với những rủi ro khác do những định kiến và biến cố xã hội. Một loạt các vấn đề được Murray thống kê:

“Phá thai do lựa chọn giới tính đang phổ biến, vì nhiều lý do khác nhau mà cha mẹ quyết định rằng họ không thể mang thêm một bé gái nữa đến thế giới. Hàng trăm nghìn bé gái đã “biến mất”, mất cân bằng tỷ lệ giới tính ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc. Mỗi người sống trong nghèo khó đều gặp bất lợi, nhưng sự khác biệt về giới tính thật đáng kinh ngạc. Bảy mươi bảy triệu trẻ em gái trên toàn thế giới, so với sáu mươi lăm triệu trẻ em trai, không được đến trường học. Khoảng ba triệu trẻ em gái, hầu hết trong số họ ở châu Phi, có nguy cơ bị cắt xẻo bộ phận sinh dục mỗi năm. HIV/AIDS lây lan nhanh nhất ở nhóm dân số: trẻ em gái vị thành niên và phụ nữ trẻ. Hơn 350.000 phụ nữ chết mỗi năm do những chấn thương liên quan đến sinh đẻ và bệnh tật hoàn toàn có thể ngăn ngừa. Một phần tư đến một nửa số phụ nữ trên toàn thế giới bị bạo lực từ bàn tay của một trong những người thân thuộc. Ba phần tư số người chết vì chiến tranh là phụ nữ và trẻ em. Hầu hết phụ nữ lớn tuổi ở các nước nghèo hơn không biết chữ và đang sống với bệnh tật, những thách thức mà nhiều người đàn ông cũng phải đối mặt. Nhưng không giống như nam giới, những người phụ nữ này bị cô lập hơn (hiếm khi tái hôn sau khi bạn đời mất) và thường phải gánh vác những trọng trách chăm sóc gian khổ.” (trang 2).

Murray cho rằng, tình trạng sức khỏe của phụ nữ như đã kể trên không còn là một vấn đề y tế mà còn là vấn đề chính trị, kinh tế, giáo dục… Bởi để dẫn đến thực trạng này là thái độ gạt phụ nữ “ra bên lề” và ưu tiên các chiến lược phát triển khác. Murray đã kết hợp những dữ liệu thống kê xã hội học với phương pháp nghiên cứu khai thác câu chuyện của các trường hợp, một phương pháp nhân học rất phổ biến hiện nay. Khi chọn phương pháp tiếp cận “life story” (câu chuyện cuộc đời), bà đã thâm nhập vào các cộng đồng người nghèo và không phản ánh hiện thực bằng các con số hay mô hình hóa, mà bằng các câu chuyện về những số phận thực. Đọc “Từ phẫn nộ đến can đảm” là đọc rất nhiều câu chuyện ghép nên bức tranh thực trạng, được viết bằng lòng thương cảm của một người phụ nữ có nhiều ưu thế hơn trong cuộc sống dành cho những người yếm thế, cùng thái độ của một nhà nghiên cứu mong muốn phơi bày một hiện trạng mà với cái nhìn vĩ mô với các mục tiêu về phát triển kinh tế và chính trị ưu việt thường xuyên bỏ qua. Chọn lựa những trường hợp điển hình trong các cộng đồng, từ câu chuyện số phận của các nhân vật, hiện trạng sức khỏe của phụ nữ được phơi bày, không chỉ là vấn đề của một cộng đồng, mà là vấn đề chung của thế giới đói nghèo. Tức là, bất cứ người phụ nữ nào đói nghèo cũng sẽ có nguy cơ gặp phải hoàn cảnh tương tự.

Trong suốt toàn bộ cuốn sách, chúng ta sẽ gặp những câu chuyện rất quen thuộc ở Việt Nam, điều này khiến cho chúng ta bối rối, liệu rằng những con số phát triển kinh tế vượt bậc có thực sự là minh chứng cho việc Việt Nam đã thoát nghèo. Đâu đó, ngay cả với những người phụ nữ ở thành thị, có học thức, làm việc trong môi trường văn minh, vẫn bị áp lực có con trai để đáp ứng kỳ vọng của gia đình. Đây là câu chuyện phổ biến trong thế giới của những người phụ nữ nghèo. Một cách chung chung, chúng ta thường hiểu nghèo đói là sự thiếu thốn về vật chất, nhưng từ rất sớm, Murray đã triển khai định toàn bộ sự khảo sát dựa trên định nghĩa về “nghèo đói” như sau:

“Những người nghèo sống nhưng không có quyền tự do cơ bản để hành động và lựa chọn những gì mà người điều kiện hơn cho là đương nhiên phải có. Họ thường thiếu thức ăn và chỗ ở, giáo dục và sức khỏe phù hợp. Những thiếu thốn khiến họ không thể có cuộc sống mà mọi người đều coi trọng. Họ cũng phải đối mặt với tình trạng dễ tổn thương cực kỳ nghiêm trọng khi sức khỏe yếu ớt, gián đoạn kinh tế và thiên tai. Họ thường bị các tổ chức nhà nước và xã hội đối xử tồi tệ và không đủ khả năng thực hiện các quyết định quan trọng thiết yếu với cuộc sống của họ. Trong một nỗ lực để ghi lại tình trạng nghèo đói tràn lan, báo cáo tiếp tục nêu: Thế giới chìm trong nghèo đói cùng cực. Trong số 6 tỷ người trên thế giới, 2,8 tỷ người – gần một nửa dân số, gần như chỉ sống ở mức dưới 1 USD mỗi ngày, 44% số đó sống ở Nam Á. Ở các nước giàu, chưa đến 1 trên 100 trẻ em không sống sót đến sinh nhật năm tuổi, trong khi ở các nước nghèo nhất, tỷ lệ này lên đến 1 trên 5 trẻ em. Và trong khi ở các nước giàu có, gần 5% tổng số trẻ em dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng, thì con số này ở các nước nghèo là 50%… Thu nhập trung bình ở 20 quốc gia giàu nhất gấp 37 lần mức trung bình ở 21 quốc gia nghèo nhất. Khoảng cách này đã tăng gấp đôi trong 40 năm qua… Ở Đông Á, số người sống với dưới 1 USD mỗi ngày đã giảm từ khoảng 420 triệu xuống còn khoảng 280 triệu từ năm 1987 đến 1998… Tuy nhiên, ở Mỹ Latinh, Nam Á, và châu Phi hạ Sahara, số người nghèo đang tăng lên. Và ở các nước châu Âu và Trung Á trong quá trình chuyển dịch sang các nền kinh tế thị trường, số người sống với dưới 1 USD mỗi ngày đã tăng hơn 20 lần.” (trang 16)

Trong hoàn cảnh đói nghèo này, phụ nữ bị lọt sâu hơn vào những cái hố tuyệt vọng, bởi họ có ít cơ hội tiếp cận các công cụ để làm chủ cuộc sống của mình hơn. Trong các xã hội đói nghèo, phụ nữ bị trói buộc ở nhà để phục vụ cho nam giới theo nhiều cách khác nhau, ví dụ như phẫu thuật âm đạo hay bó chân, hoặc bị hạn chế đến trường và đi làm các công việc ngoài gia đình… Sự trói buộc ấy không chỉ tước đi cơ hội về mặt xã hội mà còn tàn phá sức khỏe cả thể xác và tâm thần của phụ nữ. Nhưng thực trạng sức khỏe này vẫn chưa được nhận thức đúng đắn, thậm chí bị gạt ra khỏi những báo cáo về sức khỏe. Murray còn chỉ ra những vấn đề tệ hại hơn thế:

“Trẻ sơ sinh và trẻ em nữ được tiếp cận với thực phẩm và / hoặc chăm sóc y tế đã bị bỏ quên vì các nhà nghiên cứu coi hộ gia đình là một thực thể riêng biệt có sự phân bổ nội bộ đồng đều hoặc coi trẻ sơ sinh là một nhóm phi giới tính.

Ngoài tập trung vào hành động sinh sản/mang thai, đời sống sức khỏe của thanh thiếu niên chưa được nghiên cứu sâu rộng, có lẽ vì mối bận tâm về áp lực dân số và giới tính.

Mức độ buôn bán tình dục ít được biết đến, có lẽ vì hiện tượng này gắn liền với những cách thức phức tạp và bị che giấu đối với lợi ích của tập đoàn quốc tế và doanh nghiệp.

Cho đến gần đây, tính đặc biệt dễ bị tổn hại của phụ nữ trong chiến tranh và tình trạng tị nạn được coi là sản phẩm phụ “tự nhiên” của chiến tranh – “thiệt hại ngoài ý muốn.”

Phụ nữ lớn tuổi ở các nước nghèo hơn hầu như không được chú ý, có lẽ bởi vì, trong cơ chế vận hành của mọi thứ, phụ nữ lớn tuổi được coi là không quan trọng và không có năng suất.

Sức khỏe tâm thần của phụ nữ và trẻ em gái (và nam giới và trẻ em trai) ở các quốc gia nghèo hơn hầu như không được nghiên cứu, có thể là do những khó khăn về định nghĩa và bản chất quá lớn của các vấn đề.” (trang 8)

Đặc biệt là sức khỏe tâm thần là một khía cạnh còn ít được quan tâm hơn dù đến nay, sức khỏe tâm thần thực sự là một gánh nạn toàn cầu. Murray cho biết:

“Theo WHO, rối loạn tâm thần và sử dụng chất gây nghiện chiếm 13% gánh nặng bệnh tật toàn cầu vào năm 2002; chỉ riêng trầm cảm được dự đoán sẽ trở thành nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật cao thứ hai trên toàn thế giới vào năm 2030, vượt qua cả HIV/AIDS. Hiện nay, trầm cảm là nguyên nhân gây tàn tật lớn nhất, ước tính chiếm khoảng 31% tổng số năm sống với tình trạng khuyết tật. Tỷ lệ một số bệnh tâm thần, đặc biệt là trầm cảm và hầu hết các chứng rối loạn lo âu và rối loạn ăn uống, ở phụ nữ cao hơn đáng kể – tỷ lệ 1,5: 1 hoặc 2: 1 điển hình (phụ nữ mắc bệnh và nam giới mắc bệnh).” (tr10)

Lý do khiến phụ nữ dễ mắc các chứng bệnh tâm thần hơn chủ yếu đến từ biến động hormone trong các kỳ kinh nguyệt, thai kì hoặc tiền mãn kinh… Nhưng các biến động này càng trầm trọng hơn khi bị ảnh hưởng bởi các yếu tố xã hội như chiến tranh, bạo lực gia đình, áp lực xã hội, lạm dụng tình dục… Để trốn tránh và xoa dịu các nỗi đau này, phụ nữ càng lún sâu hơn vào nghiện ngập rượu và ma túy, dần dần càng làm trầm trọng hơn chứng bệnh tâm thần và có nguy cơ ảnh hưởng đến các thế hệ sau. 

Ở cả hai khía cạnh, sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần, tình trạng bị tổn thương nghiêm trọng ở phụ nữ đều bị “làm ngơ” mà các chính sách phát triển và các mô hình quản lý chỉ xem xét phụ nữ ở khía cạnh năng suất lao động, từ đó hệ thống y tế thường chỉ hướng đến gia tăng khả năng sinh con và tăng khả năng lao động mà không hướng tới sự hạn chế tổn thương cho phụ nữ. Murray cho rằng đây là cái nhìn hạn hẹp và thực dụng, bởi lẽ tất nhiên, không thể có một tương lai con trẻ khỏe mạnh nếu mẹ của chúng ốm yếu và bị mắc các chứng bệnh tâm thần. Những đứa trẻ bệnh tật càng làm dày thêm hiện trạng đói nghèo tại các khu vực và càng ít cơ hội tiếp cận các công cụ giúp chúng thoát khỏi đói nghèo hơn. Như vậy, các chỉ tiêu về “phát triển kinh tế” sẽ trở thành các chỉ tiêu không bền vững, ngắn hạn, không đồng đều và chứa đựng rủi ro xã hội trong tương lai.

>> Tìm hiểu thêm về sách: Từ phẫn nộ đến can đảm – Anne Firth Murray – Book Hunter Lyceum

Nếu thế giới thiếu đi những lao động nữ

Sự thiếu quan tâm đến sức khỏe phụ nữ nói riêng và phụ nữ nói chung được đề cập trong sách khiến chúng ta buộc phải suy nghĩ lại về vị thế của phụ nữ trong xã hội. Thực trạng khó chối cãi, các công việc mang tính “nữ công gia chánh” mà phụ nữ thường phải đảm nhận không được coi trọng một cách chính đáng. Không người phụ nữ nào được trả công cho việc đó trong khi quan điểm chung của xã hội là một người phụ nữ biết nữ công gia chánh sẽ có nhiều cơ hội được chồng yêu hơn, giống như việc bó chân hay phẫu thuật âm đạo vậy. Murray đã kể về một cuộc đình công của nữ giới Iceland vào những năm 1975 để cho chúng ta thấy rằng nền kinh tế không thể vận hành nếu thiếu bàn tay của phụ nữ.

“Một ngày nọ vào năm 1975 tại Iceland, toàn xã hội ngừng hoạt động. Số lượng công việc trong gia đình và ngoài xã hội, giảm nhanh chóng. Lý do là gì? Tất cả phụ nữ cả nước đã nghỉ một ngày làm việc ở tất cả các loại công việc, được trả lương hay không được trả lương. Do đó, người dân Iceland ít nhất sẽ không quên giá trị lao động của người phụ nữ. Nếu tất cả phụ nữ trên thế giới cũng ngừng làm việc trong một ngày, thì kết quả sẽ thật đáng kinh ngạc. Hầu hết lao động không được trả lương sẽ không hoàn thành, trong đó có rất nhiều hoạt động cần thiết cho sự sinh tồn. Nước sẽ không được lấy, bữa ăn không được chuẩn bị. Cây trồng và động vật sẽ không được bảo vệ, quần áo không được giặt, trẻ em không được trông nom, người già và người bệnh không được chăm sóc. Bên cạnh đó, hàng triệu doanh nghiệp gia đình sẽ không thể hoạt động, hàng nghìn ngành dịch vụ và sản xuất sẽ bị thiếu nhân viên, hàng trăm tập đoàn sẽ thiếu người quản lý và một số ít quốc gia sẽ bị tê liệt nếu không có các nguyên thủ quốc gia. Tuy nhiên, hội đồng quản trị của nhiều cơ quan và tập đoàn quốc tế sẽ ít bị ảnh hưởng vì họ có rất ít hoặc không có thành viên nữ. Và nếu một ngày xảy ra tình trạng như vậy, tác động kinh tế được ghi nhận sẽ ít nghiêm trọng hơn so với những trạng thái tê liệt mà mọi người trên toàn thế giới bị ảnh hưởng, đơn giản vì cách đo lường “công việc”.” (trang 242)

Những con số về sở hữu tài sản ở phụ nữ khiến chúng ta kinh ngạc hơn: “phụ nữ thực hiện 66% công việc của toàn thế giới – tuy nhiên chỉ kiếm được 10% thu nhập của thế giới và chỉ sở hữu 1% tài sản.” (tr243); “Khoảng 90% số đất đai trên toàn thế giới thuộc sở hữu của nam giới. Và chỉ có 10% các khoản vay cũng như các nguồn lực khác như giáo dục, công nghệ là dành cho phụ nữ nhằm giảm bớt gánh nặng lao động chân tay.” (tr 248). Với mức thu nhập và sở hữu như vậy, phụ nữ càng chìm sâu hơn vào đói nghèo và lệ thuộc kinh tế vào đàn ông, càng khiến các thế hệ phụ nữ bị trói buộc sâu hơn vào gia đình và đối mặt với các rủi ro về sức khỏe thể chất cũng như tâm thần. Gần như toàn bộ đóng góp của phụ nữ vào xã hội và đời sống kinh tế không được ghi nhận, không được đo lường, không được trả lương. Ai sẽ tính giờ một người phụ nữ chăm con và coi đó như một công việc, ai sẽ trả công rửa bát trong các cuộc ăn nhậu của đàn ông tại nhà? Ai sẽ đóng bảo hiểm xã hội cho phụ nữ làm việc tại nhà và chịu trách nhiệm chăm lo cho họ khi họ mất sức lao động? Murray đã trích dẫn câu chuyện cuộc đời của một nhân vật có thật trong nghiên cứu Marilyn Waring, một nhà kinh tế chính trị và hoạt động nữ quyền người New Zealand:

“Một ngày của cô bắt đầu lúc 4 giờ sáng, khi đó, để lấy nước, cô mang theo một bình thiếc 30 lít đến một giếng khoan cách nhà khoảng 11 cây số. Cô đi bộ chân trần và về nhà trước 9 giờ sáng. Cô ăn một chút và đi lấy củi cho đến giữa trưa. Cô dọn dẹp đồ dùng từ bữa ăn sáng của gia đình và ngồi chuẩn bị bữa trưa sadza cho gia đình. Sau bữa trưa và dọn dẹp thức ăn, cô làm việc dưới ánh mặt trời nóng bức cho đến gần tối, lấy rau dại cho bữa tối trước khi thực hiện chuyến đi lấy nước buổi tối. Một ngày của cô kết thúc lúc 9 giờ tối, sau khi cô đã chuẩn bị bữa tối và ru các em mình vào giấc ngủ. Tendai [giống như những phụ nữ nội trợ khác] bị coi là không năng suất, vô công rồi nghề và không có các hoạt động kinh tế. Theo hệ thống kinh tế quốc tế, Tendai không lao động và không phải là một phần của lực lượng lao động.”  (tr 246)

Không chỉ vậy, sự gạt bỏ đời sống kinh tế của phụ nữ khỏi các chỉ số đo lường quốc tế cũng khiến phụ nữ làm các công việc “không tên”, hoặc bán thời gian, hoặc buôn bán nhỏ lẻ… không được hưởng các phúc lợi xã hội. Một người phụ nữ giúp việc trong các gia đình giàu có, hay buôn thúng bán mẹt, hay kinh doanh trên mạng… thường sẽ bị xếp vào diện “miễn bàn” trên các tài liệu quốc tế. Phụ nữ thường chọn các công việc này vì yếu tố linh hoạt, dễ dàng vừa kiếm thêm thu nhập vừa chăm sóc con cái, nhưng cái giá phải trả cho sự linh hoạt này đó là họ không được bảo đảm về an toàn và phúc lợi. Cái giá phải trả này lại không đến từ sai lầm của chính họ mà đến từ sai lầm của các chuyên gia quốc tế về lao động đã “miễn bàn” về các công việc như vậy. Murray đánh giá các hệ lụy của thái độ “miễn bàn” này ở cấp độ trầm trọng: “Ở cấp địa phương, nó loại trừ các công việc đó khỏi các tiêu chuẩn y tế và lao động, có thể dẫn đến các điều kiện làm việc không an toàn. Và ở cấp độ toàn cầu, giống như sự vô hình của việc nhà, nó góp phần vào việc tiếp tục lề hóa phụ nữ trong nền kinh tế toàn cầu, thông qua chính sách quốc tế gây bất lợi hoặc bỏ qua công việc này và do đó bỏ qua cả những người phụ nữ làm các công việc đó.” (tr247)

Sự giải phóng phụ nữ khỏi môi trường gia đình có thể là giải pháp, đặc biệt là các cơ hội được đưa đến từ toàn cầu hóa, nhưng thực tế không diễn ra như vậy. Phụ nữ phải lao động nhiều hơn và chịu nhiều tổn thương hơn, bởi vì họ dù đã được nhận mức lương lao động tại môi trường doanh nghiệp hoặc các tổ chức, nhưng vẫn tiếp tục chịu đựng tình cảnh bất bình đẳng tại gia đình và vẫn phải đảm bảo chu toàn các hoạt động nội trợ, chăm lo con cái. Thêm nữa, phụ nữ buộc phải di chuyển từ nông thôn ra thành thị để lao động và kiếm sống, phụ nữ từ bỏ việc lao động tự cung tự cấp và buôn bán nhỏ lẻ tại nông thôn nhưng cũng không có gì đảm bảo rằng các công việc của phụ nữ ở thành thị cũng được hợp thức hóa và trả công xứng đáng, mà càng gia tăng nguy cơ rơi vào các đường dây mại dâm và nhiễm các bệnh tình dục hoặc chìm sâu vào nghiện ngập.

Nếu những người bé gái, thiếu nữ và phụ nữ bị thờ ơ nhưng vẫn “cần thiết” cho sự phát triển của xã hội, thì phụ nữ già đã mất sức lao động thực sự bị lãng quên dù rằng họ vẫn tiếp tục gánh vác nhiều trách nhiệm, đặc biệt trong các xã hội đói nghèo. Những bố mẹ cố gắng kiếm sống nhưng vẫn không đủ tiền gửi về nuôi bố mẹ tuổi đã cao đang nuôi nấng những đứa trẻ. Một xã hội có tuổi thọ trung bình cao đang được cho là tiến bộ hơn, về mặt giấy tờ, nhưng trên thực tế tình trạng lão hóa xã hội lại gây ra nhiều vấn đề khác. “ Người già không chỉ thường là phụ nữ, mà còn thường là người nghèo. Todd Peterson, Giám đốc điều hành của Help Age International, giải thích “thế giới đang phát triển phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt rằng nó đang già đi trước khi trở nên giàu có, với những hậu quả có khả năng gây tổn thương cho người già, gia đình và xã hội của họ.” Hậu quả của lão hóa và nghèo đói không chỉ đơn thuần là gây thương tích; chúng còn vi phạm nhân quyền của người già… Nói một cách đơn giản, nghèo đói ở những người lớn tuổi, kết hợp với bị loại trừ khỏi xã hội và thái độ phân biệt đối xử, là vi phạm nhân quyền.” (tr291) Thực tế là “người cao tuổi” hay “người già” vốn rất khó xác định, đặc biệt khó hơn ở những xã hội tảo hôn khi một người phụ nữ khoảng 40 tuổi đã trở thành “bà” của một đứa trẻ nào đó đồng thời bị lão hóa nhanh chóng về thân thể khi phải đương đầu với bệnh tật và đói nghèo. Murray cho biết, từ quan điểm của các chính phủ, phụ nữ già thường bị coi là “không hiệu quả” và “phụ thuộc”, và nhận định này cũng đến từ việc công việc chăm sóc của họ không có trong danh mục lao động tiêu chuẩn. Sự về hưu thực sự của phụ nữ lớn tuổi không thực sự là nghỉ ngơi, mà trở thành nội trợ toàn thời gian, không được trả lương, và bị coi nhẹ, trong một tình trạng thân thể yếu ớt hơn.

Như vậy phụ nữ có thể làm việc này việc kia để kiếm sống, nhưng các công việc nữ công gia chánh và nội trợ mới thực sự là công việc trọn đời của họ. Do đó, khi về già, phụ nữ sẽ mắc nhều bệnh tật hơn như “các bệnh lây qua đường nước, ung thư và suy giảm hệ thần kinh do tiếp xúc với thuốc trừ sâu và ô nhiễm không khí trong nhà lâu dài. Họ bị suy nhược và tổn thương các khớp và cơ thể sau nhiều năm làm việc chăm chỉ.” (tr300)

Toàn bộ hiện trạng này trở nên khó giải quyết bởi rất nhiều nghịch lý không thể tháo gỡ. Những phụ nữ đói nghèo đã quá quen bị lệ thuộc vào đàn ông, nên càng cố vừa lòng đàn ông bằng cách tự chấp nhận các thương tổn cơ thể mình cũng như chấp nhận thực hiện công việc gia đình trọn đời. Với tình trạng cơ thể dễ bị hư hoại, bệnh tật, nhanh chóng lão hóa, phụ nữ có ít cơ hội để tự chủ hơn về tài chính cũng như không có cơ hội thăng tiến xã hội và từ đó dẫn đến lún sâu vào hoàn cảnh khó khăn hơn trong đời sống. Không phải chỉ đàn ông đang lạm dụng phụ nữ, mà cả thế giới đều đang lạm dụng họ, nhưng để thay đổi thì cần nhiều hơn hành động, mà còn cần sự hiểu đúng và đồng cảm.

Hà Thủy Nguyên

VỀ ANNE FIRTH MURRAY – Tác giả của “Từ Phẫn Nộ đến Can Đảm”

Anne Firth Murray (United States of America) | WikiPeaceWomen – English

Anne Firth Murray (sinh năm 1935) là một nhà hoạt động, tác giả, giảng viên của Đại học Stanford. Bà cũng là chủ tịch sáng lập Quỹ Toàn cầu dành cho Phụ nữ, chuyên gây quỹ và ủng hộ kinh phí cho các nhóm hoạt động nữ quyền trên khắp thế giới. Kể từ năm 2001, Murray giảng dạy về quyền con người và sức khỏe phụ nữ quốc tế tại Đại học Stanford. Bà là thành viên hội đồng quản trị và/hoặc cố vấn cho một số tổ chức, bao gồm CIVICUS, Grass Roots Alliance for Community Education (GRACE), Initiative for Equality (IfE) và No Means No Worldwide (NMNW).

Năm 2005, bà là một trong số hàng nghìn phụ nữ cùng được đề cử giải Nobel Hòa bình. Năm 2022, bà được trao giải Thành tựu nổi bật của Hiệp hội các nhà địa lý nữ.

Nữ quyền sinh thái: Trong đại dịch covid, cùng ngẫm về Nữ quyền & Thiên nhiên

Bài viết dự thi KỂ CHUYỆN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU nhân dịp xuất bản cuốn sách "Khí Hậu - Câu Chuyện Mới" của Charles Eisenstein do Book Hunter tổ chức.   Gánh trên lưng vai trò chăm sóc và nuôi dưỡng gia đình, người phụ nữ thường là những người bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề khi dịch bệnh, thiên tai, nạn đói xảy ra. Nhưng cũng bởi lẽ đó, phụ nữ đã và đang đóng vai trò tiên phong, hiệu quả trong

Tình dục có mang tính chính trị không?

Cuốn The Right to Sex (Quyền quan hệ tình dục) của Amia Srinivasan, xuất bản vào tháng 9 năm 2021, khám phá không chỉ câu hỏi về tình dục và tình dục thuộc về ai, mà còn cả sự trỗi dậy và tập đoàn hóa của phong trào nữ quyền hiện đại, cùng các chủ đề khác. Một số lập luận của Srinivasan nghe có vẻ bảo thủ một cách đáng ngạc nhiên, nhưng những lập luận khác vẫn bị sa lầy trong quan điểm

Nghịch lý bình đẳng giới: Sinh học có giải thích được tại sao nam và nữ chọn những công việc rập khuôn không?

Iceland liên tục được xếp hạng là quốc gia bình đẳng giới nhất. Đây cũng là quốc gia mà đàn ông và phụ nữ có nhiều khả năng theo đuổi những công việc đặc trưng cho giới tính nhất. Các ý quan trọng trong bài Một nhóm nghiên cứu có từ lâu đã liên tục chỉ ra rằng đàn ông và phụ nữ có xu hướng mong muốn hướng tới những nghề nghiệp khác nhau. Nói chung, đàn ông có xu hướng thích những công

Book Hunter

14/06/2023

Con đường đi tìm chính mình cho nữ giới – Giao lưu với Melissa M. Shew và Kimberly K. Garchar, hai đồng tác giả của cuốn sách Triết học cho con gái

Trong thần thoại Hy Lạp, Persephone chỉ được mô tả thoáng qua như một cô con gái xinh đẹp của nữ thần Demeter đầy quyền lực bị vị thần cai trị cõi âm phủ Hades bắt cóc, rồi sau đó vì đã ăn một quả lựu ở cõi âm mà cả quãng đời sau đó sống cuộc đời xê dịch qua lại giữa hai cõi giới - cõi dương và cõi âm. Nhưng trong câu chuyện đó chúng ta hầu như không biết gì về

Book Hunter

29/02/2024

Y học đối xử với phụ nữ thật kinh khủng

“Thật bàng hoàng và phẫn nộ với cách y học hủy hoại phụ nữ suốt thời gian qua”, Elinor Cleghorn nói. Hippocrates, người lập ra nền y khoa hiện đại, tin rằng phụ nữ bị dạ con của họ điều khiển. Cha đẻ của ngành phụ khoa hiện đại, James Marion Sims, thí nghiệm vào giữa những năm 1800 trên các nữ nô lệ da đen không có thuốc gây tê, tin rằng họ cảm thấy ít đau đớn hơn phụ nữ da trắng. (Cho
le-ai

Lê Ái

23/12/2021