Home Chuyên đề tháng Khảo lược tiến trình chuyển đổi nhận thức Tôn giáo

Khảo lược tiến trình chuyển đổi nhận thức Tôn giáo

Tôn giáo đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống con người. Tôn giáo có thể cứu rỗi con người nhưng đồng thời cũng đẩy con người vào bi kịch. Tôn giáo được ra đời như thế nào, từ bao giờ, và tại sao con người lại có các nhận thức tôn giáo, cho đến giờ vẫn chưa có câu trả lời. Thế nhưng, chúng ta có thể thấy một cách rõ ràng, các giáo lý của tôn giáo thay đổi trong từng thời kỳ, từng khu vực, đã chi phối đến tư tưởng, tâm lý và hành vi xã hội. Tôn giáo, từ rất lâu rồi, không còn có ý nghĩa là sự tôn thờ thần thánh và Thượng Đế, mà đã trở thành một hệ thống để bảo vệ sự tôn thờ ấy. Trước khi bước vào cuộc hành trình lướt qua những thế giới thần thánh của các tôn giáo lớn trên thế giới, tôi muốn trích dẫn một câu của nhà Sử học thời La Mã Plutaque:

“Chỉ có bấy nhiêu vị thần chung cho tất cả mọi dân tộc khác nhau, dù là dân Hy Lạp hay một dân tộc man khai nhất cũng vậy. Cũng như mặt trời, mặt trăng, các bầu tinh tú, trời cao, đất rộng, biển cả là của chung muôn loài, thì những đấng thần minh cũng là những sở hữu chung của tất cả mọi người, dẫu rằng mỗi quốc gia hay dân tộc đặt cho các đấng ấy những tên gọi khác nhau.”

Các định nghĩa về tôn giáo

Định nghĩa của tôn giáo đến nay vẫn còn rất mù mờ và nhiều tranh cãi. Tại sao lại có những tranh cãi này? Sở dĩ bởi các định nghĩa tôn giáo xuất hiện khá muộn, dấu vết của việc định nghĩa khái niệm tôn giáo một cách rõ ràng, được biết tới là vào những năm sau Công nguyên, quãng từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 6. Đây là thời kỳ đế chế Roman đang đi vào thời suy tàn, và các vị vua Gothic bắt đầu nắm giữ vương quyền. Trước đó, khái niệm “tôn giáo” đã được sử dụng ở trong nhiều văn bản, nhưng không thống nhất được cách hiểu.

Tôn giáo – “religion” có gốc từ tiếng Latin “religionem”, có nghĩa là “tôn sùng những điều thiêng liêng, sùng bái thần thánh, sự tận tâm, cảm thức về lẽ phải, bổn phận đạo đức, nỗi sợ hãi thần thánh, phụng sự  thần thánh,  tuân thủ tín ngưỡng, một niềm tin, một hình thức thờ phụng, tế lễ, tinh thần, sự thánh thiện”. Tiếng Pháp cổ từ này có nghĩa là “lòng mộ đạo, sự hiếu kính, cộng đồng tín ngưỡng”.

Trước đó, Cicero (106TCN- 43 TCN), một nhà hùng biện thời La Mã, đã chiết tự tìm hiểu phát nguyên của “religion” là từ “religere”, có nghĩa là “trải nghiệm lại” (bằng việc đọc hoặc suy nghĩ). Trong đó, tiền tố “re” có nghĩa là “lặp lại”, “ligere” có nghĩa là “đọc”. Tuy nhiên, các nhà hùng biện khác sau này như Augustine, Servius, Lactantius lại hiểu về “religere” là “sự ràng buộc”. Cách hiểu này tạo ra một định nghĩa khác về tôn giáo, đó là “đảm nghiệm nghĩa vụ” hay “mối liên lạc giữa con người và thần thánh”. Với cách hiểu này, tiền tố “re” đã nhấn mạnh thêm ý nghĩa.

Theo nhà ngôn ngữ học Max Muller, vào khoảng những năm 1200, “religion” trong tiếng Pháp Anglo có nghĩa là “cuộc sống nguyện cầu trong các tu viện”. Khoảng những năm 1300, trong tiếng Anh, nó có nghĩa là “hệ thống niềm tin riêng biệt”. Vào những năm 1530, tôn giáo lại có nghĩa là “công nhận và trung thành với quyền lực tối thượng và vô hình”.  Các định nghĩa tôn giáo này đều xuất hiện trong thời Trung Cổ ở Châu Âu, khi quyền lực nhà thờ Công giáo đang bao trùm châu lục này. Cho đến nay, những cách hiểu từ thời Trung Cổ vẫn được chúng ta sử dụng để định nghĩa về tôn giáo theo hình mẫu mà Công giáo quy định. Với cách định nghĩa này, chúng ta đã loại trừ rất nhiều các tôn giáo đa thần hoặc tôn giáo thờ Totem hoặc các tôn giáo hiện đại. Nếu nhìn lại tiến trình thay đổi các cách định nghĩa khái niệm tôn giáo, ta có thể thấy rằng các mô hình tôn giáo cũng thay đổi theo khái niệm này. Hoặc ngược lại, chính từ các mô hình tôn giáo ấy mà các học giả đã đưa ra các khái niệm ấy.  Chính vì các sự khác biệt trong cách hiểu về tôn giáo, nên các học giả sẽ rất dễ gặp phải tranh cãi khi bắt gặp một tôn giáo khác biệt với mô hình mà mình bị gắn kết.

Trong nhiều nền văn minh khác ở phương Đông như Ai Cập, Ba Tư, Ấn Độ và Á Đông, cũng có những từ tương ứng với “religion”, nhưng họ không tự định nghĩa giống như ở phương Tây. Có một sự khác biệt về đời sống thần thánh ở phương Đông so với phương Tây, đó là người phương Đông không coi thần thánh hoặc ma quỷ sống ở một cõi nào đó khác mà họ không thể chạm tới. Người phương Đông coi thần thánh hoặc ma quỷ hiện diện ngay trong đời sống,  hòa lẫn vào xã hội con người, thậm chí ngay bên trong mình. Vậy nên, do các hành vi tôn giáo được thực hiện một cách tự nhiên trong đời sống, nên các từ này không nhất thiết phải được định nghĩa hoặc tranh cãi nhau. Giống như việc không ai phải mất công đi định nghĩa từ “ăn” là gì. Từ “religion” thỉnh thoảng được dịch sang tiếng Sankrit là “dharma”, có nghĩa là “lề luật”. Cách hiểu này có thể tìm thấy trong Phật giáo, tôn giáo của Trung Quốc, Nhật Bản. Họ coi “tôn giáo” như một hệ thống thực hành lề luật để đạt tới sự thiêng liêng và tính thần thánh. Thậm chí, với trường hợp Do Thái giáo, chúng ta còn không thể phân biệt được các đặc tính tín ngưỡng, quốc gia và chủng tộc. Đây cũng là vấn đề gặp phải ở các tôn giáo Ấn Độ như Hindu giáo hay Bà La Môn giáo, tôn giáo lại gắn liền với chủng tộc và đẳng cấp.

Mặc dù có nhiều định nghĩa về tôn giáo, nhưng cho đến nay, cách hiểu được chấp nhận đại chúng nhất là định nghĩa được đưa ra bởi Peter Mandavill và Paul James là  “a relatively-bounded system of beliefs, symbols and practices that addresses the nature of existence, and in which communion with others and Otherness is lived as if it both takes in and spiritually transcends socially-grounded ontologies of time, space, embodiment and knowing” ( Globalization and Culture, Vol. 2: Globalizing Religions) Có nghĩa là: “Một hệ thống tương đối đóng kín về niềm tin, biểu tượng và thực hành nhằm tìm hiểu bản chất của sự tồn tại, và ở trong hệ thống đó, tâm lý chia sẻ với người khác hay tính khác được sống theo cách nó vừa tiếp nhận nhưng lại vừa vượt lên, trên phương diện tâm linh, một nhận thức luận bị giới hạn trong xã hội học về thời gian, không gian, thực thể và tri thức.” Mặc dù có rất nhiều định nghĩa khác, nhưng với cách định nghĩa này, chúng ta có thể có cái nhìn toàn diện hơn về một tiến trình lịch sử tôn giáo lâu dài của loài người.

Các quan niệm sơ khai về nguồn gốc của thế giới

Thượng Đế tối cao có thể được coi là niềm tin cổ xưa nhất của nhân loại. Cho dù mỗi dân tộc đều gọi Thượng Đế theo cách gọi của riêng mình nhưng ở giai đoạn sơ khai, những danh từ gọi Thượng Đế đều ám chỉ tới một lực lượng siêu nhiên hay một cái gì đó vô hình và mạnh mẽ đã kiến tạo ra vũ trụ, ra thế giới và loài người; đồng thời cai trị bầu trời và mặt đất. Ở giai đoạn sơ khai, ý tưởng về Thượng Đế thường không phải là một hình mẫu giống người như ở giai đoạn sau này. Lúc này, chưa có các thày tu, điện thờ hay hệ thống thờ cúng, Những ý tưởng về vị Thần Sáng Thế, vị Chúa Tể của Bầu trời và Mặt đất càng ngày càng trở nên xa cách với loài người hơn đến mức có thể con người thấy không nhận thấy sự hiện diện của Thượng Đế, thậm chí là không cần. Nhưng ta có thể tìm thấy ý tưởng về Thượng Đế tối cao thời sơ khai ở trong Thần thoại của các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc vẫn còn lưu dấu của thời kỳ bộ lạc thị tộc.

Đức Cha Wilhelm Schmidt trong “Nguồn gốc ý tưởng về Chúa” ( The Origin of the Idea of God ) cho biết: Niềm tin vào Đấng Tối Cao có tồn tại trong các bộ lạc ở Châu Phi. Họ khao khát cầu nguyện Thượng Đế, và tin rằng Thượng Đế luôn dõi theo họ, trừng phạt những điều sai trái ở họ. Vị Thượng Đế này xa cách với đời sống hàng ngày, họ không thờ phụng hay không có tượng thờ. Những người thổ dân nói rằng ngài  không thể biểu thị được và không thể bị ngoài người làm ô uế. Vài người nói rằng ngài đã “đi xa”.

Ở những hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương, người dân gọi điều huyền bí này là “forcemana”; trải nghiệm nó như một sự hiện diện hoặc tâm linh. Đôi khi có thể cảm nhận nó như một luồng nhân điện, giống dạng phóng xạ hoặc điện từ. Dạng năng lượng này tồn tại trong vạn vật, bất kể là con người, cây cối, muôn loài hay các nguyên tố… Ở Trung Quốc, chúng ta được biết câu thành ngữ “vạn vật hữu linh”, chính là để mô tả quan niệm này. Trong bộ lạc, các tù trưởng là người nắm được bí mật của dòng năng lượng này, tức là giải mã được bí mật của tồn tại.

Nếu nhìn vào Thần thoại của các Nền văn minh lớn, ta có thể thấy một điểm chung, đó là họ luôn kể về một hoặc nhiều vị thần Sáng Thế. Mặc dù sau này, các nền văn minh đều có các niềm tin tôn giáo của riêng mình, nhưng ở thời kỳ sơ khai, họ đều kể về sự ra đời của vũ trụ và con người với cùng một motif. Motif này thường là: Ban đầu tất cả đều chỉ là sự Hỗn độn, từ trong Hỗn độn, một vị Sáng Thế nào đó đã nhào nặn nên thế giới và muôn loài, cuối cùng ngài mới tạo ra loài người.

>> Đọc thêm: Sự biến chuyển mô hình Thượng Đế: từ thần tính đến thần thoại, duy lý và tinh thần tự do tuyệt đối – Book Hunter

Trong Thần thoại Hy Lạp, chúng ta đều được biết, vị Thượng Đế đầu tiên có tên là “Chaos”, có nghĩa là “hỗn độn”, nghĩa cổ xưa hơn là “hư vô” hoặc “không gian”.  Từ Chaos, Uranus (bầu trời) ra đời. Uranus lấy mẹ đất Gaia, đẻ ra Chronus và các vị Titan khác. Chronus có nghĩa là “Thời gian”. Ở Orphism, một tôn giáo thờ phụng nghệ thuật của Hy Lạp thời đa thần lại cho rằng chính Chronus đã sinh ra Chaos.  Chronus sau khi chiếm ngôi của Uranus đã phân chia vũ trụ, thiết lập quyền lực của các Titan. Các Titan này không có “nhân tính”, bởi vì nhiệm vụ của Titan là sáng tạo thế giới không ngừng. Những ai tìm hiểu thần thoại Hy Lạp đều biết, Chronus ăn thịt tất cả những đứa con của mình. Đây là một biểu tượng rất hay của người Hy Lạp cổ đại: Thời gian sinh ra vạn vật và nuốt chửng vạn vật. Người Hy Lạp đã sớm cảm thấy nỗi đau đớn của cái chết. Zeus, con trai út của Chronus, vị thần duy nhất thoát khỏi sự hung dữ của Chronus. Zeus đã nổi dậy chống lại Chronus và các Titan, cứu các anh chị em của mình bị Chronus nuốt chửng. Sau khi giết chết Chrouns, tống giam các Titan đưới địa ngục, Zeus đã xây dựng một đế chế bất tử của các vị thần ở đỉnh Olympia, đồng thời tạo ra con người với hình hài của các vị thần. Từ “Zeus” tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là “vua của các vị thần” hoặc “vua của bầu trời sáng sủa”. Đây là lý do tại sao các vị thần Olympia luôn xuất hiện cùng với vầng hào quang. Sự lên ngôi của Zeus đánh dấu giai đoạn Tôn giáo đa thần ở Hy Lạp.

tg1.1
Thần thoại Ai Cập có nhiều thuyết về sự sáng tạo ra thế giới, thể hiện nhiều khía cạnh của vấn đề sáng thế hơn. Tuy nhiên, quan niệm chung nhất về sự khởi phát của thế giới là nổi lên từ vùng nước hỗn độn- Nu, sau đó “Maat” được thiết lập cùng với nguồn gốc sự sống. “Maat” có nghĩa là sự cân bằng, quy luật. Thế giới là vùng đất khô ráo và tràn đầy ánh sáng giữa vùng nước tối tăm. Nhiều người lý giải rằng thần thoại này xuất phát từ việc người dân Ai Cập thường xuyên phải đối mặt với lũ sống Nile. Atum, vị thần kết nối giữa mặt trời và gò đất đầu tiên chính là khởi nguồn cho thời đại Cổ Vương Quốc. “Tử thư Ai Cập” (“Book of Dead”) coi Atum chính là Thần Mặt Trời nổi lên từ vùng biển tăm tối Nu.  Atum, vị thần kết hợp tất cả các nguyên tố, tồn tại trong nước sâu như một dạng điện năng, biểu hiện cho dạng trước tồn tại và sau tồn tại.  Vào giai đoạn sáng thế,  ngài đã tạo ra chính mình và các vị thần. Bằng một cái hắt hơi, ngài đã tạo ra Shu – Không khí. Tinh dịch của ngài tạo ra Tefnut, nữ thần của Độ ẩm. Ở Triều Đại thứ Năm (2494-2345 TCN), thần Ra được thờ phụng như một vị thần Mặt Trời và trở nên phổ biến. Lúc này, thần Ra cũng được coi là đã tạo ra Shu và Tefnut. Các nhà nghiên cứu tin rằng Ra và Atum là tên gọi khác nhau của cùng một vị thần  Hai vị thần Shu và Tefnut đi vào vùng biển tối và mất hút trong đó. Qúa buồn rầu, ngài tạo ra Lửa để đi tìm lại hai đứa con của mình. Những giọt nước mắt vui mừng khi gặp lại con của Ra-Atum đã tạo ra loài người. Sau đó Ra-Atum tự cắt cơ thể mình, máu của ngài chuyển hóa thành hai dạng: quyền lực Hu và tâm trí Sia. Khác với loài người của Zeus, chỉ được tạo ra bằng đất và hơi thở của Zeus, con người của Atum được sinh ra bởi tình yêu.  Từ thái độ về sự khai sinh ra con người trong thần thoại, con người thuộc các nền văn hóa khác nhau đã có các cách hành xử khác nhau với các đấng siêu nhiên. Nếu ở thần thoại Hy Lạp, ta thấy loài người liên tục tìm cách nổi dậy để chống lại các vị thần bất tử thì người Ai Cập cổ đại lại dễ dàng tuân phục những lời tiên tri hoặc chỉ dẫn của thần thánh.

Ở Ấn Độ, tiến trình xuất hiện của các vị thần khó xác định hơn. Người Aryan, dân tộc đang trị vì ở Ấn Độ mấy nghìn năm nay không phải dân bản xứ của Ấn Độ, và cho đến nay rất khó để xác định được đâu là lớp thần thoại của người bản xứ sống xung quanh khu vực Ấn- Hằng. Aryan là cách gọi của những người dân da trắng ở quanh khu vực Địa Trung Hải và người Tây Á. Nghĩa cổ của từ Aryan trong tiếng Sankrit nghĩa là “danh dự, cao quý và tôn trọng”. Thần thoại về Thượng Đế các vị thần Ấn Độ ngày nay là những truyền thuyết do người Aryan kể lại kết hợp với các tín ngưỡng bản địa. Văn bản ghi chép các câu chuyện về thần thánh cổ xưa nhất chính là Kinh Veda.  Các vị thần trong kinh Veda rất phong phú, tượng trưng cho rất nhiều hiện tượng tự nhiên và tâm lý con người, nhưng tựu trung lại, các vị thần này đều chỉ là các biểu hiện của Thượng Đế – Đáng Duy Nhất.  Người Ấn Độ cho rằng khí dương Dyaus là khí dương – cha – tinh thần, kết hợp cùng khí âm Privithi, Aditya – mẹ – vật chất, cùng giao hòa với nhau mà tạo tác và nuôi dưỡng muôn loài.

“Cái gì được sinh ra trước, cái gì được sinh ra sau? Và được sinh ra như thế nào? Hỡi các bậc hiền giả, có ai biết được điều này không? Tất cả đều tự sinh. Ngày và đêm luân chuyển như bánh xe quay”.
(Trích kinh Veda – Ngợi ca Dyaus và Privithi)

Thần cai quản Hạ giới là thần nửa Agni, cai quản Không trung là thần Gió Vàyu và thần cai quản Thiên giới là thần Mặt Trời Surya. Ba vị thần này tạo thành Trimurti – ba ngôi tối linh. Ở giai đoạn sau, khi chế độ giai cấp được hình thành, Trimurti là biểu hiện của Brahma (Sáng Thế) – Vishnu (Bảo Tồn) – Shiva (Hủy Diệt). Nhưng khi xuất hiện dạng Trimurti này thì Ấn Độ đã hình thành sự phân chia đẳng cấp, do tầng lớp Bà La Môn thống lĩnh. Một thuyết khác trong kinh Veda cho rằng vũ trụ được tạo ra từ Purusha (Ngã Thần). Vì là Duy Nhất nên không có cái gì trước đó, không có gì ở sau đó, vừa là quá khứ, vừa là tương lai. Purusha thấm nhuần trong toàn thể vũ trụ, vũ trụ này chỉ là ¼ của ngài; ¾ còn lại bất tử ở Thiên giới. Sự chênh lệch nhau từ nhiều thuyết Sáng Thế của Ấn Độ xuất phát từ việc mảnh đất Ấn Độ tồn tại cùng lúc nhiều dân tộc với nhiều nền văn hóa khác nhau, và các thần thoại ấy đều được ghi lại trong kinh Veda mà không rõ nguồn gốc. Ấn Độ mặc dù cũng nói về Thượng Đế, nhưng không giải thích nguồn gốc của ngài, mà coi ngài là một dạng tồn tại vô thủy vô chung. Những tranh luận của các bậc tu hành Ấn Độ không phải là đi tìm nguồn gốc của ngài mà là tìm hiểu bản chất của Thượng Đế và các dạng tồn tại là gì. Từ rất sớm, người Ấn Độ đã nhận ra rằng tồn tại là một chuỗi không có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc, chỉ có các duyên nghiệp (karma) nối tiếp nhau. Nên kinh Veda nói rằng: “Cả vũ trụ là một cuộc hiến tế lớn”. Tuy không xác định được khởi sinh của Thượng Đế, nhưng kinh Veda cũng đồng quan điểm với việc dạng đầu tiên của vũ trụ là hư vô. Trong đoạn kinh “Ngợi ca sự sáng tạo”, có viết:

“Thuở ấy không có hữu thể mà cũng không có phi thể, chẳng có không gian chứa đầy không khí trời mà cũng chẳng có tầng trời nào ở bên ngoài khoảng không ấy.
Cái gì bao trùm hết thảy? Ở đâu? Do ai bảo hộ? Phải chăng là trùng dương thăm thẳm khôn dò?
Thưở ấy không có chết mà cũng chẳng có bất tử, không có gì phân biệt ngày và đêm. Đấng Duy Nhất hô hấp bằng nội lực, không tạo nên hơi thở. Tuyệt nhiên không có cái gì hiện hữ ở ngoài cái ấy và khác với cái ấy.
Lúc khởi thủy chỉ có bóng tối mịt mùng, toàn thể vũ trụ này tựa như biển cả mênh mông tối tăm, thăm thẳm, mù mịt. Khi ấy, do sức mạnh nhiệt tình (tapas), Đấng Duy Nhất phát sinh giữa hư không.
Trước tiên, từ nơi ấy phát ra dục tính, tức mầm mống tối sơ của tinh thần…”

Và thêm một lời khẳng định nữa ở cuối bài tụng ca, rằng mục đích của sự sống là một thứ bất khả tri:
“Đấng nào đó đã gây ra sự sáng tạo đẹp đẽ đó, là do vô tình hay hữu ý? Đấng tối cao trên tầng trời cao nhất kia có thể là biết được, nhưng biết đâu có thể chính Ngài cũng không biết nữa”.

Với quan niệm như vậy về Thượng Đế và sự tồn tại của vũ trụ, người Ấn Độ có cách hành xử tinh thần khác hẳn với các tôn giáo ở phương Tây. Họ không tập trung mọi nội lực cho cuộc sống sau cái chết mà coi rằng bản thân sự tồn tại này, mọi sướng vui cũng như đau khổ này vốn dĩ đã rất đẹp đẽ. Ở phần sau, chúng ta sẽ quay trở lại để tìm hiểu các phương thức tu hành như một hành vi ứng xử về mặt tinh thần của người Ấn Độ để lý giải quan điểm này.

Người Trung Quốc cổ đại có cái nhìn về sự Sáng Thế đặc biệt thú vị, họ coi chính dạng thể đầu tiên của con người đã tạo ra các dạng tồn tại khác. Theo sách Lão Tử, Bàn Cổ được sinh ra do sự tích tụ khí âm và khí dương. Khi lớn lên, Bàn Cổ chạy qua phía Tây thấy một cái búa ở đó, Bàn Cổ dùng búa mở mang trời đất. Sau đó, Bàn Cổ chỉ Trời gọi là Cha, chỉ Đất gọi là Mẹ, tạo ra muôn loài và con người. Sách “Thuật dị ký” của Nhiệm Phưởng thế kỷ thứ 6 đã ghi chép huyền thoại về Bàn Cổ như sau:
“Ngày xưa khi Bàn Cổ chết, đầu biến thành bốn ngọn núi, hai mắt biến thành mặt trời và Mặt Trăng, mỡ biến thành sông biển, râu tóc biến thành thảo mộc. Thời Tần và Hán, dân gian kể rằng đầu của Bàn Cổ là Đông Nhạc, bụng là Trung Nhạc, tay trái là Nam Nhạc, tay phải là Bắc Nhạc, và hai chân là Tây Nhạc. Các văn nhân ngày xưa kể rằng nước mắt của Bàn Cổ là sông, hơi thở là gió, giọng nói là sấm, đồng tử trong mắt là ánh sáng.”

Nhiều người cho rằng vai trò của Bàn Cổ giống như Adam trong Kinh Thánh, nhưng với các mô tả của người Trung Quốc về Bàn Cổ thì tôi không cho là như vậy. Xác chết của Bàn Cổ dường như lại giống với Thượng Đế của các nền văn minh khác, trong quan niệm Thượng Đế vô hình nhưng tồn tại trong vạn vật, thần linh và con người. Điều khác biệt nằm ở chỗ, Bàn Cổ không bất tử như các Thượng Đế khác, mặc dù những gì ngài tạo tác ra cứ thay nhau chuyển đổi bất tận. Nếu coi Bàn Cổ, không phải một Thượng Đế, mà là con người đầu tiên, thì ta có thể thấy, người Trung Hoa từ cổ xưa đã quan niệm rằng, một con người siêu đẳng như Bàn Cổ đã tạo tác ra thế giới, tạo ra Trời – Đất, thần linh, vạn vật, thậm chí còn dám chỉ tay đặt tên cho Trời Đất. Qua đó có thể thấy một cách nhận thức thế giới của họ: thế giới chỉ tồn tại khi có sự nhận thức và phân định của con người. Những quốc gia gần gũi với Trung Quốc như Việt Nam và Nhật Bản không thấy ghi chép các thần tích Sáng Thế mà chỉ có các thần thoại khai sinh ra dân tộc. Nguyên nhân có lẽ bởi bị văn hóa Trung Quốc xóa nhòa các dấu tích, hoặc cũng có thể các dân tộc này tạo thành cộng đồng muộn hơn rất nhiều nên chịu ảnh hưởng cách thức lý giải thế giới của thời kỳ Đa thần.

Tại sao lại có sự khác biệt này giữa thần thoại ở Trung Quốc và thần thoại ở các nền văn minh phía Tây của quốc gia này? Các nguyên nhân như điều kiện địa lý, đặc tính canh tác nông nghiệp… sẽ chỉ là khiên cưỡng. Chúng ta có thể không trả lời được câu hỏi “Tại sao” này, nhưng sự khác biệt ấy cũng giúp chúng ta hiểu cách ứng xử tinh thần của người Trung Hoa. Nếu người phương Tây đặt toàn bộ niềm tin của mình vào đấng Tối Cao và luôn tìm mọi cách để làm hài lòng ngài thì người Trung Hoa rất thực dụng, họ chỉ tin khi thấy một vị thần linh nào đó có sức mạnh khiến họ khiếp hãi hoặc nể phục. Người Trung Hoa không đặt niềm tin vào những gì chưa được kiểm chứng bằng chính những lợi ích họ gặt hái được. Nói một cách khác, họ có tính hoài nghi rất lớn. Đó chính là lý do tại sao khi tôn giáo Nhất thần đã trở nên phổ biến ở phương Tây thì ở Trung Quốc, người dân vẫn tiếp tục sung bái theo hình thức của thời kỳ đa thần.

Một câu hỏi lớn khác cũng được đặt ra trong phần này, đó là từ đâu các thần thoại này lại ra đời? Đó là những sáng tác dân gian truyền miệng? Hay con người được một đấng nào đó kể lại? Hay con người đã chứng kiến điều gì đó rất kỳ vĩ của vũ trụ và biến tấu chúng theo cách của mình? Tác giả Karen Amstrong trong cuốn sách “History of God – 4000 years quest of Judaism, Christianity and Islam” đã đặt ra một tương quan thú vị:

“Đàn ông và đàn bà bắt đầu thờ phụng các vị thần từ khi họ bắt đầu nhận thức được tính người; họ tạo ra các tôn giáo cùng thời điểm với sáng tạo nghệ thuật. Điều này không đơn giản là do họ muốn làm vừa lòng các lực lượng siêu nhiên mà vì những niềm tin từ rất sớm này thể hiện những kỳ tích và bí ẩn dường như chính là bản thể tất yếu của các trải nghiệm con người trong thế giới vừa đẹp đẽ lại vừa kinh khủng này. Giống như nghệ thuật, tôn giáo nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa và giá trị cuộc sống dù cho những đau đớn con người phải nhận lấy. Giống như mọi hành vi khác, trong tôn giáo có thể có lừa gạt, nhưng dường như có gì thôi thúc khiến chúng ta. Điều này không phải do bị các vị vua và các thày tu đầy lôi cuốn cài cắm lên bản tính lúc ban sơ, mà vì đó là điều tự nhiên với con người.”

Nhưng cho dù có lý giải được nguồn gốc của các thần thoại hay không, ta cũng nên nhận thức một điều rằng, việc hình thành các thần thoại sáng thế là cơ sở cho các tôn giáo đa thần cũng như nhất thần sau này. Xa hơn thế,  tìm hiểu về thần thoại của một nền văn hóa và nền văn minh là cách thức để hiểu nhận thức của những cư dân của nền văn hóa và nền văn minh đó. Nhà phân tâm học Enrich Fromm khẳng định “Cả giấc mơ và thần thoại đều là những cách liên lạc quan trọng giữa chúng ta và chính bản thân chúng ta.” . Thần thoại, bước tiền đề của tôn giáo, đã phản ánh các mối nối tinh thần của rất nhiều các cộng đồng người.

II – Thời kỳ Tôn giáo đa thần (Polytheism)

Tôn giáo đa thần là bước đi kế tiếp trong tiến trình của tâm thức thần thoại. Các vị thần không chỉ tồn tại trong các câu chuyện bên ngọn lửa thiêng vào những đêm sáng trăng mà bắt đầu hiện diện như những thế lực quyền năng có quyền hạn phán xét và thực thi công lý với thế gian. Trong thời đại đa thần giáo, mặc dù Thượng Đế (với mỗi nền văn hóa khác nhau lại có các đặc tính khác nhau) vẫn đóng vai trò tối cao, nhưng người dân cũng lập đền thờ cho rất nhiều các vị thần khác. Các vị thần thời đa thần giáo đã nhiều vị mang hình ảnh nhân thần hoặc nửa người. Không chỉ thờ các vị thần, ở thời kỳ đa thần giáo, người dân còn thờ các vị anh hùng, các vị vua với các năng lực đặc biệt có công với cộng đồng lúc bấy giờ. Ở một số các dân tộc man khai, họ còn thờ các Totem như đá, sói, gấu… Đối nghịch với tình trạng man khai là những tôn giáo đi vào sự huyền bí, giải mã các bí ẩn của tồn tại, thường họ không coi Thượng Đế hay các vị thần như một thực thể tồn tại mà là các dạng năng lượng hoàn hảo. Thời kỳ đa thần cùng lúc xuất hiện niều niềm tin, tín ngưỡng, tư tưởng khác nhau, tạo ra nhiều cách nhận thức thực tại phức tạp và các lớp văn hóa chồng lên nhau. Hiện tượng đa thần cho thấy sự phong phú trong tâm thức của con người, thông qua đó, ta có thể nhìn thấy sự ảnh hưởng lẫn nhau của các nền văn hóa.
tg2.2
Các tôn giáo thời kỳ đa thần chỉ thật sự hình thành khi xuất hiện hệ thống đền thờ, tăng lữ, các giới luật và triết lý về sự thưởng phạt. Quyền lực của giai cấp tăng lữ trong thời kỳ này được khẳng định và có sức ảnh hưởng lớn với tầng lớp cầm quyền như vua chúa, quý tộc. Tầng lớp tăng lữ không chỉ được coi như người giải mã được các dấu hiệu hay giao tiếp được với các vị thần, mà còn là người có thể đưa ra các dự đoán cho tương lai một quốc gia. Việc đưa ra các tiên đoán này có sức ảnh hưởng rất lớn, dẫn dắt cả một hệ thống chịu ảnh hưởng về mặt tư tưởng và tư duy. Các vị thày tu cao cấp được người dân thời bấy giờ trân trọng gọi là “nhà tiên tri” hay “ngôn sứ”. Tiếng Anh có tên là “prophet”. Từ “prophet” có gốc Hy Lạp là “prophetes” có nghĩa là “người diễn giải lời của các vị thần”. Cách gọi này vẫn có ảnh hưởng đến thời tôn giáo nhất thần. Ở các nền văn hóa khác nhau, mặc dù được gọi khác nhau như  “tư tế” ở Ai Cập hay “Bà la môn” ở Ấn Độ, hay “đạo sư”, “bốc sư” ở Trung Quốc, thì các vị này cũng có chức năng và các đặc tính giống nhau.

Cũng trong thời kỳ đa thần này, chúng ta nhận thấy nhiều quan niệm khác nhau về bản chất của con người. Cho dù là thờ thần, thờ nhân thần hay các bí giáo đều có rất nhiều các lý giải khác nhau về bản chất. Tuy nhiên, có một điểm chung, tất cả đều thừa nhận rằng linh hồn là yếu tố quan trọng, là dạng thức thuần khiết nhất của con người. Việc đặt ra các vấn đề con người đi đâu sau khi chết thực chất cũng chỉ là biểu hiện mong muốn khám phá bản chất của con người mà thôi. Vấn đề là tại sao ở thời kỳ này, việc tìm hiểu bản chất của con người và thực tại lại trở nên quan trọng đến vậy? Có khả năng do nhu cầu tổ chức đời sống cộng đồng và sản xuất khiến họ có mong muốn nắm bắt các quy luật hơn so với việc nương tựa hoàn toàn vào may rủi của tự nhiên như ở các thời kỳ trước.

Với tính chất phức tạp trên, các tôn giáo đa thần không xây dựng hệ thống bằng niềm tin tuyệt đối vào sự sắp đặt của định mệnh hay Thượng Đế hay các vị thần. Mối quan hệ giữa con người và thần thánh hay tạo hóa là mối quan hệ trao đổi, thương lượng như trong Vedas đã nói: “Vũ trụ là một cuộc hiến tế lớn”, thậm chí trong đó còn ẩn chứa tham vọng chinh phục của con người.

Các tôn giáo thờ thần

Tiếp bước các thần thoại cổ xưa, bằng một cách bí ẩn nào đó đã được dựng nên, các tôn giáo thờ thần xuất hiện. Những tôn giáo này không coi Thần Sáng Thế như một vị có quyền lực tối cao. Hầu như người dân tôn thờ các vị thần theo chức năng mà họ ban phát cho con người.  Thời kỳ đa thần giáo là thời kỳ xã hội đã hình thành với các nghề nghiệp nhất định. Các nghiệp đoàn bắt đầu hình thành hệ thống để quản lý nhân công tốt hơn. Việc tôn thờ các vị thần bảo trợ nghề nghiệp là điều cần thiết để duy trì một niềm tin chung trong các nghiệp đoàn. Bên cạnh sự phát triển của các nghiệp đoàn, các mối quan hệ xã hội cũng dần trở nên phức tạp hơn so với thời kỳ bộ tộc thị lạc, với các mối quan hệ bạn bè, gia đình,  chủ tớ… cần được duy trì và đảm bảo tính hợp lý, các vị ác thần cũng được tôn vinh mang tính chất răn đe.

Tôn giáo đa thần đặc biệt phát triển ở các nền văn minh cổ đại như Sumer, Ai Cập, Hy Lạp, Trung Quốc. Tùy theo các đặc tính văn hóa khác nhau, tôn giáo đa thần có các dạng thức về niềm tin khác nhau. Tôn giáo đa thần có khả năng xuất phát cùng một thời kỳ với sự ra đời và phát triển của nông nghiệp, khi con người chuyển từ săn bắn – hái lượm sang canh tác. Từ “culture” văn hóa vốn xuất phát từ Hy Lạp, bắt nguồn từ “cult”, vừa có nghĩa là “trồng trọt, canh tác” lại vừa có nghĩa là thờ cúng. Việc thờ cúng và việc định cư để phát triển đời sống nông nghiệp thể hiện sự liên quan chặt chẽ với nhau nếu ta xuất phát từ việc chiết tự từ nguyên. Đời sống nông nghiệp bắt buộc phải hình thành các tổ chức với tính liên kết chặt chẽ, mô hình xã hội hình thành, ý nghĩa của các đền thờ, các nghi lễ cúng tế đã tạo ra một hệ thống niềm tin chung để duy trì trật tự và ổn định xã hội. Nhưng do đặc tính nông nghiệp phát triển theo từng khu vực địa lý, sự tập trung hóa chưa cao, nên các vị thần này thường chỉ có vai trò trong một khu vực nhất định. Không loại trừ trường hợp, các vị thần được phân theo chức năng bắt đầu xuất hiện ở giai đoạn nông nghiệp rồi tích hợp vào các truyền thuyết sáng thế ở giai đoạn thần thoại sơ khai.

Ta có thể thấy, ở Ai Cập, tôn giáo đa thần xuất hiện từ rất sớm.  Các vị thần thường không mang hình dáng người mà nửa người nửa động vật. Có một khả năng đây là do sự pha trộn giữa việc thờ thần và thờ Totem ở các dân tộc man khai của Châu Phi lúc bấy giờ. Hai vị thần được người Ai Cập cổ đại tôn thờ nhất lại không phải vị thần sáng thế mà là thần mặt trời Re và thần Orisis – vị thần cai trị thế giới bên kia. Thần Mặt Trời Re tượng trưng cho sự sống, cho sự bắt đầu, khởi sinh; còn thần Orisis là tượng trưng cho nỗi sợ và điều huyền bí mà con người vẫn chưa thể vượt qua. Người Ai Cập cổ cho rằng phần hồn của con người là siêu nhiên và tồn tại sau khi chết và có 6 phần:“Ka” mang hình dáng của chính người đó, có “sức mạnh quan trọng” và “cuộc sống” dài hơn cuộc sống thực của con người. Lúc sống nó tồn tại trong cơ thể, lúc chết nó nhập vào xác hoặc biểu tượng của người nó và sẽ bị tiêu hủy khi thân xác bị hủy hoại.

“Ba” là sự vĩnh hằng với hình tượng là mình chim đầu người. Khi 1 người chết, “ba” thoát khỏi xác người. Tâm còn được hiểu là lương tâm và cho rằng trái tim con người có sức mạnh. Ngoài ra con: Hình bóng của người,  Tên người và Linh hồn bất diệt.Họ cho rằng, cả người chết và hồn của người ấy đều sẽ về Tây phương, vì thế mà người chết thường đặt ở bờ tây sông Nile; còn địa ngục chẳng qua chỉ là sự kéo dài kiếp sống dương gian của người chết.

Khác với người Ai Cập, người Hy Lạp đã dựng nên một hệ thống thần phức tạp các vị thần, mối quan hệ chằng chịt. Hy Lạp thời cổ không phải một quốc gia thống nhất, mà được kết cấu bởi các thành bang. Nền văn minh Hy Lạp có gốc rễ sâu xa từ nền văn minh Mycenae trên bán đảo Pelonnese. Trước đó, tại đảo Crete, thời kỳ Đồ Đồng, nền văn minh Minoan đã đạt đến đỉnh coa nhờ vào nông nghiệp, đồ gốm  và ngoại thương (2700 – 1450 TCN). Tàn tích của họ còn lại đến này nay là quần thể cung điện tại Knossos. Đến khoảng năm 1600 TCN, nền văn minh Mycenae phát triển và lấn át Minoan, vốn đang trong thời kỳ tan rã. Nền văn minh này kéo dài suốt 3 thế kỷ cho đến khi bước vào thời kỳ Bóng Tối do chiến tranh liên miên với các tộc người và thành bang khác.  Sau thời kỳ Bóng Tối, tầm thế kỷ thứ 8 TCN, nền văn minh Hy Lạp phát triển rực rỡ, kế thừa các thành tựu từ Minoan và Mycenae. Hai trung tâm của nền văn minh này đều tập trung ở Athen và Sparta.

Tôn giáo Hy Lạp rất đa dạng. Bên cạnh việc tôn thờ thần Zeus, các vị thần khác ở Olympus cũng được tôn thờ như một hệ thống riêng. Nổi bật trong các tín ngưỡng thờ cúng tại Hy Lạp bấy giờ là nữ thần Demeter và con gái, thần Atena, Apollo và Dyonysus. Các vị thần khác cũng được tôn vinh nhưng ít sức ảnh hưởng hơn. Nữ thần Atena được lấy làm tên gọi cho Aten, bà được sinh ra từ bộ não của Zeus và được coi là vị thần trí tuệ. Atena không chỉ là vị thần bảo hộ, bà tượng trưng cho giá trị mà Aten hướng tới: “Trí tuệ”. Với trường hợp thần Atena, ta có thể thấy, một vị thần ở thời đa thần giáo không chỉ mang ý nghĩa siêu nhiên mà còn đại diện cho các giá trị mà cộng đồng muốn tôn vinh. Với giá trị là “trí tuệ”, Aten đã đạt đến đỉnh cao của nền văn minh, mà cho đến giờ, thế giới hiện đại phương Tây vẫn còn chịu ảnh hưởng một cách sâu sắc.

Bên cạnh nữ thần Athena, hai trạng thái đối nghịch của thái độ sống cũng được biểu hiện qua hình ảnh Apollo và Dionysus. Nếu Apollo  – vị thần của ánh sáng và chính nghĩa – yêu cầu các tăng lữ trong giáo phái của mình có một sự thanh khiết và chay tịnh, thông qua hình ảnh các cô đồng trinh nữ Pythia; thì Dyonysus lại tập hợp một giáo phái thỏa mãn mọi dục tính và điên loạn. Các cô đồng Pythia được tuyển chọn kỹ lưỡng từ các trinh nữ, là người phải giữ sự trong trắng để có thể giữ mối nối với thần Apollo và giải mã các chỉ dẫn của thần. Hơn thế nữa, Apollo là đại diện cho lý trí, trái ngược hoàn toàn với Dionysus, đại diện cho vô thức. Việc tôn thờ Dionysus đã hình thành một giáo phái ca ngợi sự hoan lạc, rằng trong trạng thái cực đỉnh của vô trí, con người có thể đạt tới sự thần thánh. Những người theo Dionysus tin rằng, lý trí là một sản phẩm nhân tạo, và con người phải siêu việt lên khỏi lý trí để đạt tới sự hoan lạc. Dionysus là vị thần Rượu Nho, lúc nào cũng nửa say nửa tỉnh trong thần thoại Hy Lạp, nhưng vị thần này có sự thông thái một cách tự nhiên mà các vị thần kh ác không thể có được. Dionysus là biểu trưng cho sự thoát khỏi hệ thống, ngài không thường xuyên ở Olympus. mà hòa lẫn vào dân gian, và nếu xét ở thần thoại, thì cũng không dễ dàng gì để vị thần này có thể lên tới Olympus. Giáo đoàn của Dionysus không coi trọng các vấn đề như trinh tiết hay sự thuần khiết, họ say men rượu, nhảy múa cuồng loạn và làm tình với nhau như một thứ nghi lễ.  Những nghi lễ này cũng có ảnh hưởng đến tôn giáo Orphism – một loại tôn giáo tôn thờ cá nhân vĩ đại giai đoạn sau này.  Các giáo phái thờ Apollo và Dionysus biểu hiện cho hai tâm thức trái nghịch nhau trong thời đa thần, một bên hướng tới sự siêu việt và thanh khiết, một bên hướng tới bản năng và tự nhiên. Hai xu hướng này tồn tại song song trong suốt thời kỳ đa thần giáo. Friedrich Nietzsche, trong bài tiểu luận “Nguồn gốc bi kịch” của mình đã nhận định:

“Đối với những người theo Apollo ở Hi Lạp, hiệu ứng được gây nên bởi thần rượu Dionysus có vẻ như vừa “Titan” vừa “man rợ”. Nhưng chính những biểu hiện của những người tôn thờ ánh sáng  này đã làm cho họ không thể che giấu được mối quan hệ mật thiết sâu thẳm bên trong giữa họ với những kẻ thất bại khổng lồ Titan. Thật vậy, họ chắc chắn đã cảm thấy, thậm chí rất rõ rệt rằng toàn bộ sự tồn tại của họ, với vẻ đẹp lộng lẫy cũng như sự điềm tĩnh vững vàng, được dựa trên những nền tảng ẩn giấu trong sự đoạ đầy cũng như từng trải được đánh thức bởi chính Dionysus. Và đúng thế thật! Apollo chẳng thể sống thiếu Dionysus. Titan và kẻ man rợ suy cho cùng thì cũng quan trọng chẳng kém so với kẻ lý trí Apollo..”

Sự ảnh hưởng của hai xu hướng này tiếp tục có sự ảnh hưởng ở các giai đoạn tôn giáo sau, kể cả ở thời đại tôn giáo Nhất thần.

Khác với phương Tây, ở phương Đông mà đại diện là Ấn Độ và Trung Quốc lại trải qua các mô hình đa thần khác. Ở Ấn Độ, các vị thần mặc dù được gán với các chức năng nhưng không phải chức năng xã hội loài người mà gắn với chức năng tự nhiên, như thần Sấm Sét, thần Gió, thần Lửa…v…v… Điều này có thể lý giải bởi cấu trúc xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ khá đơn giản,  Ấn Độ ít giao thương với bên ngoài mà chỉ phát triển nông nghiệp, nên các nghiệp đoàn không được hình thành. Tương tự như vậy với thời Tam Hoàng Ngũ Đế ở Trung Quốc, các vị thần đa phần chỉ là đại diện cho tự nhiên, hoặc đại diện cho các nghề căn bản trong xã hội, như Nam Đế Thần Nông (trồng lúa nước) và Phục Hy (nghề thuốc). Bên cạnh Trung Quốc, ở Nhật Bản, Shinto (hay còn được gọi là Thần Đạo) cũng phát triển lên từ các tín ngưỡng dân gian kết hợp với những nét văn hóa ảnh hưởng từ Trung Quốc.

Sự phát triển của các hệ thống đa thần giáo phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên và sinh hoạt của người dân. Đúng như từ nguyên của “culture”, vừa là sự kết hợp giữa trồng trọt và các hệ thống thờ cúng, tôn giáo đa thần cùng với đời sống kinh tế nông nghiệp là những thành tố căn bản để cấu tạo nên nền văn hóa. Nhưng văn hóa không thể có độ phổ rộng, nó buộc phải mang tính địa phương  và dân tộc hoặc các nhóm người đặc thù. Sự phát triển văn hóa có một sự tương đồng với tôn giáo đa thần, văn hóa được hình thành dựa trên tín ngưỡng địa phương, hoặc ngược lại, nhờ các tín ngưỡng địa phương mà tôn giáo hình thành.

Ở Việt Nam hiện nay, các dấu vết tôn giáo đa thần còn lại trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Ở phần sau, khi nói về sự hình thành tín ngưỡng nữ thần, chúng ta sẽ phân tích kỹ hơn góc độ này. Tuy nhiên, trong đạo Mẫu, ta có thể thấy dấu vết của tôn giáo đa thần. Các vị thần chia nhau trị vì từng khu vực như Mẫu Thượng Ngàn ở khu vực miền núi, Mẫu Tam Giang ở các khu vực cửa sông, ông hoàng Mười trị vì ở khu vực miền Bắc Trung Bộ…v…v… Với quan điểm của tôn giáo nhất thần, đạo Mẫu bị coi như một tín ngưỡng mê tín dị đoan, nhưng với khái niệm tôn giáo mở rộng, có thể coi đạo Mẫu như một dạng tôn giáo đa thần. Các nhà nghiên cứu hiện nay ở Việt Nam đều chịu ảnh hưởng của thuyết nhất thần, nên đã đưa ra những định nghĩa tôn giáo bó hẹp, gạt bỏ các hiện tượng tôn giáo đa thần và quy chụp như một thứ tín ngưỡng mê tín dị đoan, lạc hậu sơ khai của người bản địa. Đây cũng chính là thái độ trong nhiều thế kỷ của các nhà thần học trong việc phán xét các tôn giáo ở thời kỳ đa thần, gây ra một sự thiên kiến lệch lạc trong nhận thức về tôn giáo của xã hội.

Các tôn giáo thờ nhân vật kiệt xuất

Đây là đặc điểm nổi bật ở thời kỳ tôn giáo đa thần. Sự tôn thờ nhân vật kiện xuất được ghi đấu trong các sử thi, truyên thơ hoặc bi kịch. Ở Hy Lạp có trường ca “Iliad” và “Odyssey” hay các mẩu chuyện về Hercules đã thể hiện các kỳ tích của các vị anh hùng. Những người anh hùng này bất tuân định mệnh do thần thánh sắp đặt, họ có các năng lực phi thường. Không chỉ ở Hy Lạp, ở Ấn Độ, trường ca “MahaBharata” về Krishna và “Ramayana” về Rama đều thể hiện quan niệm rằng: con người hoàn toàn có thể đạt tới đẳng cấp của các vị thần. Ở Trung Quốc, các trường phái Đạo gia tu tiên xuất hiện dựa trên các kì tích của con người như Hậu Nghệ bắn rơi mặt trời hay vua Vũ trị thủy. Việc tu tiên là một biểu hiện của việc con người muốn đạt đến các năng lực thần thánh, thay vì cố thích nghi với tự nhiên, con người mong muốn đạt đến sự siêu nhiên để có thể sắp đặt tự nhiên theo mong muốn của chính mình.

Các nhân vật kiệt xuất này thường là các vị vua, lãnh tụ của một cộng đồng, các anh hùng có công hay thậm chí là những nghệ sĩ có biệt tài. Họ đạt đến trình độ của sự siêu việt, đa phần là chế ngự hoặc điều khiển bản năng theo ý mình. Nếu ở Trung Quốc các vị tiên nhân, có nguồn gốc từ con người hoặc động vật, có thể tu luyện để đạt tới sự siêu việt, thì ở Hy Lạp và Ai Cập, nhữngcác vị nhân thần đề có xuất phát từ thần. Điều này có nghĩa là, từ xa xưa, trong tâm thức con người, tính thần thánh xuất phát từ bên trong, giống như Phật dậy: “Phật tại tâm”.

Người Hy Lạp mô tả các anh hùng như Jason, Achilles, Hercules, Illiad… đều có nguồn gốc thần thánh. Họ đều là các Bán Thần, tức là một nửa thần, một nửa người. Các vị anh hùng trong thần thoại Hy Lạp đều là những người kế thừa ngôi báu, giống như Rama trong “Ramayana” của Ấn Độ. Những vị Bán Thần – anh hùng trong thần thoại Hy Lạp không thuộc thế giới Olympus mà thuộc về thế giới của con người, sống, chiến đấu và hi sinh vì các lý tưởng của con người. Ở một khía cạnh nào đó, họ bất tuân quyền lực của các vị thần và muốn cưỡng lại số mệnh. Trong các thiên sử thi hay các truyền thuyết về các vị anh hùng, ta đều thấy họ hướng tới sự bất tử, chống lại thần Chết Hades hay phải chống cự lại sự trừng phạt của thần thánh… Bán Thần – Anh hùng là đại diện cho lý tưởng muốn con người trở nên siêu việt, muốn đạt tới hoàn hảo và thoát khỏi định mệnh bị sắp sẵn theo một quy luật bí hiểm nào đó.
Ngoài các anh hùng, người Hy Lạp còn tôn thờ cả những cá nhân với năng lực kiệt xuất. Nếu các vị anh hùng trong sử thi chỉ xuất hiện trong đền thờ, thì ở Hy Lạp cổ đại, có hẳn một hệ thống với nhiều nghi lễ để tôn vinh tinh thần Orpheus – giáo phái Orphism. “Orphism” là tập hợp một hệ thống tín ngưỡng và thực hành của người Hy Lạp cổ đại, gắn liền với nhà thơ-nhạc sĩ Orpheus, theo truyền thuyết, người đã xuống Địa ngục của Hades để cứu người yêu mình nhưng thất bại và quay trở lại mặt đất. Những tín đồ của Orphism cũng thờ cũng Persephone, vợ của Hades- vị thần rời khỏi địa ngục và xuất hiện trên mặt đất vào mỗi mùa xuân. Và quan trọng nhất là Dionysus – vị thần Rượu nho, của Lạc thú, của sinh tử và tái sinh! Con người có hai bản chất: sự cao cả của thần thánh và sự thấp hèn của Titan. Vì thế mỗi người phải luôn ý thức được việc tẩy rửa bản chất thấp hèn do tổ tiên lưu truyền lại, để chuẩn bị cho một cuộc sống đẹp đẽ hơn, cao thượng hơn ở thế giới bên kia. Linh hồn của con người là bất tử nhưng lại trú ngụ trong một thể xác không bất tử, thể xác này in dấu mang trên mình biết bao tội lỗi xấu xa từ các thế hệ trước truyền lại. Khi thể xác chết, linh hồn nhập hóa vào một hình hài khác, có thể là con người, hoặc con vật, cứ tiếp diễn như vậy, trải qua hiều lần nhập hóa, linh hồn đã từng phải sống dưới âm phủ để ăn năn sám hối và trở nên cao cả hơn. Chỉ có những người đồng cốt (myste) đã hiến trọn đời mình cho nghi lễ diễn xuất tôn giáo huyền bí (mystère) mới biết được những pháp thuật chuyển linh hồn từ một hình hài này nhập vào hình hài khác, từ cuộc sống thấp hèn sang cuộc sống tinh khiết, vĩnh hằng.Những tín đồ của Orphism phải kiêng giết súc vật và ăn thịt, trong khi chịu lễ họ được rửa tội bằng sữa để nhờ đó họ có thể thấy được con đường lên cõi phúc đời đời, thoát khỏi vòng sinh tử. Tôn giáo này xuất hiện ở từ khoảng thế kỷ thứ 8 TCN, rồi sau đó truyền vào Athen, được ghi chép lại trong các tác phẩm của Plato, Herodotus, Euripide… Phần nghi lễ của Orphism được gọi là “Orgi”, tôn thờ Dionysus, Demeter và Persophone. Trong đó các tín đồ Orphism sự buông thả trong hoan lạc, phóng túng, cuồng loạn.  Ngày nay, từ ngữ “orgi” ngoài ý nghĩa lịch sử là một nghi lễ tôn giáo còn mang thêm một nghĩa nữa chỉ sự phóng đãng, trụy lạc, điên loạn. Do nguồn gốc đó, Dionysus có biệt danh là Lysye (tiếng Hy Lạp có nghĩa là “giải thoát”, “buông thả”, “nở tung”, “bung ra”.) Khi hành lễ, con người thả lỏng, nhảy múa trong sự say sưa ngây ngất, để thần Dionysus hóa nhập vào mình. Và như vậy, cái khoảng cách tác biệt giữa con người và thần thánh dần dần bị xóa bỏ. Một mối quan hệ đã được thiết lập: Con người thần thánh và Thần thánh con người. Chính từ nghi lễ Orgi này mà hài kịch đã được khai sinh. Một lần nữa càng khẳng định có sự liên quan mật thiết giữa nghệ thuật và tôn giáo.
Ở Ấn Độ, hình ảnh các anh hùng vượt qua số phận như Rama không được tôn sung bằng một hình tượng khác: bậc chân sư, mà đại diện tiêu biểu là Krishna. Trong MahaBhata, Krishna là hóa thân thứ 8 của Vishnu (vị Thượng Đế Hoàn Hảo). Các hóa thân của Vishnu đều có ý nghĩa cứu độ thế giới. Ở Ấn Độ, đây là trường hợp người Ấn Độ quan niệm rằng sự thần thánh là  bản chất đích thực của con người, chỉ có xác thân đã khiến chúng ta ô uế và bạc nhược. Đức Phật, được  người Ấn Độ coi là hóa thân thứ 9 của Vishnu, tức là đã đạt đến sự hoàn hảo tuyệt đối, chỉ một hơi thở của ngài cũng chuyển hóa được môi trường xung quanh. Tuy nhiên, nhận thức này khác hẳn với nội bộ những người theo Phật giáo quan niệm. Tôi sẽ trình bày về Phật giáo ở phần sau. Trong xã hội Ấn Độ cổ đại, đẳng cấp quý tộc, vua chúa, chiến binh không được coi trọng bằng các vị Bà La Môn. Tu sĩ Bà La Môn là những người đi trên con đường của Krishna, những người đi tìm bí ẩn của sự sống và đạt tới vĩnh hằng.
Người Trung Quốc lại có những mẩu chuyện về các bậc tiên nhân. Tiên nhân là những người tu luyện mà đạt được các năng lực phi phàm, siêu nhiên và thậm chí đạt tới bất tử. Song song với tiên nhân là những pháp sư độc ác, điều khiển các loại ma quỷ gây hại cho dân chúng. Các vị tiên nhân này diệt yêu trừ ma, thay đổi tự nhiên bằng năng lực của mình. Đôi khi họ kêu gọi sự hỗ trợ của các vị thần ở trên trời. Chúng ta có thể thấy hiện tượng này qua các câu chuyện vua Vũ trị thủy, Hậu Nghệ bắn mặt trời, Na Tra đại náo Long cung, Bát Tiên quá hải… Và cũng giống như các vị anh hùng Bán Thần trong Thần thoại Hy Lạp, không phải lúc nào các vị tiên nhân này cũng được lòng Ngọc Hoàng và các vị thần, và họ thường đứng về phía con người hơn là đứng về phía quy luật tự nhiên mà Ngọc Hoàng là hình ảnh tượng trưng.

Ở giai đoạn Trung đại, việc thờ cúng nhân vật kiệt xuất, người có công càng phát triển. Ở Việt Nam ta có thể nhận thấy hiện tượng tôn giáo này một cách rõ nét.  Mỗi làng ở Việt Nam đều có các đình làng thờ thành hoàng – thường là những người khai sinh ra làng hoặc có công với dân làng. Ngoài ra, các anh hùng dân tộc hay các pháp sư nổi tiếng như Trần Hưng Đạo, Mẫu Liễu Hạnh, Nguyễn Xí  (hóa thân của ông Hoàng Mười)… cũng rất phổ biến với các nghi lễ khác nhau.

Các tôn giáo sùng kính nữ thần

Vào kỷ Đá Mới, khi Nông nghiệp bắt đầu được hình thành, việc thờ Nữ Thần bắt đầu phát triển. Nữ Thần thường được gắn với đặc tính Đất – Mẹ Đất, tương xứng với Cha Trời. Hiện tượng này xuất hiện ở nhiều nền văn hóa khác nhau như ở Hy Lạp thì Zeus – vị thần của bầu trời còn Gaia tượng trưng cho Mẹ Đất và Demeter cho mùa màng. Ở Trung Quốc, nếu Ngọc Hoàng tượng trưng cho bầu trời thì Nữ Oa tượng trưng cho mẹ đất. Khái niệm Cha Trời – Mẹ Đất là một ý thức chung của nhiều nền văn hóa, nhiều dân tộc trên thế giới.

Nữ Thần là biểu tượng của sự sinh sản, của thông thái, chân lý và khả năng huyền bí tự nhiên, cái chết, thời gian và tính vĩnh hằng. Nữ thần còn là thần bản mệnh trong nội tâm con người, điều khiển cảm xúc, trực giác, sức mạnh tâm linh bí ẩn. Nữ thần được coi là đấng sáng thế, người nuôi dưỡng và hủy diệt, và hầu như lúc nào cũng hùng mạnh hơn nam thần. Trong nhiều vũ trụ học khác nhau, Nữ Thần lại có vai trò khác nhau. Có nơi con Nữ Thần là Mẹ Đất. Trong khía cạnh thuộc về bầu trời, bà là Nữ thần Mặt Trăng, tỏa ra các tia sáng đi kèm với khả năng thụ thai thời cổ đại. Trong Thần thoại Trung Quốc, thần Nữ Oa cũng có vai trò lớn trong sáng tạo con người và gìn giữ vũ trụ (Truyền thuyết Nữ Oa đội đá vá trời).

Thời kỳ hoàng kim của Nữ thần kết thúc vào khoảng 1800TCN-1500TCN, trong thời đại của Abraham, vị tiên tri Thiên chúa đầu tiên. Người Do Thái và Kito giáo đều hạn chế hoặc loại trừ việc thờ phụng nữ thần và các thần thánh cổ đại đều bị biến thành quỷ. Tuy nhiên, nhu cầu tôn kính hình ảnh phụ nữ vẫn còn và trong đạo Kito, nhu cầu ấy được chuyển thành sự thán phục với nhiều kính trọng dành cho Đức Mẹ Đồng trinh Maria.

Một trong những lĩnh vực dễ thấy nhất trong việc làm sống lại hình ảnh Nữ thần thời nguyên thủy là trong thuật phù thủy, đặc biệt là thuật phù thủy Ngoại giáo hiện đại như Wicca. Một số tổ chức phù thủy đấu tranh cho nữ quyền chỉ thờ phụng nữ thần. Tuy nhiên, hầu hết các giáo phái này đều thừa nhận khía cạnh nam tính lẫn nữ tính của Thượng Đế và Thần thánh. Cả nam thần và nữ thần đều có sừng nhưng nữ thần ở vị trí cao hơn.

Các tôn giáo Totem và Bái Vật giáo, Vật linh giáo

Totem và Bái Vật giáo, Vật linh giáo có một mối liên hệ mật thiết với nhau, cùng hình thành từ thời thị tộc bộ lạc. Totem có thể được coi là khởi nguồn của Bái Vật giáo và một số trường phái Vật linh giáo.
Khái niệm “Totem” xuất phát từ ngôn ngữ Ojibwe có nghĩa là một thực thể tinh thần, một  vật thể huyền bí hay một biểu tượng tượng trưng cho một gia đình, một nhóm người hoặc một thị tộc. Mặc dù từ “Totem” xuất phát từ một tộc người thiểu số ở Mỹ, nhưng hiện tượng này xuất hiện ở nhiều khu vực khác  nhau trên thế giới. Các nhóm người nhận một con vật hay một thực thể nào đó làm thủy tổ cho dòng tộc. Ở Việt Nam, chúng ta có thể thấy hiện tượng Totem trong truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên, mà sự thật là dân Việt cổ tôn sùng Rồng và Chim. Một số các nhà nghiên cứu còn cho rằng, hình ảnh Rồng ở đây là tượng trưng cho cá sấu. Người Naga ở Ấn Độ thờ Rắn, người Do Thái cổ thờ bò, một số dân tộc thiểu số ở Bắc Mỹ thờ gấu…

Ta có thể thấy, cho dù là ở trong tôn giáo nhất thần, Totem vẫn tồn tại. Nhưng đặc biệt, ở thời đa thần các Totem mới được phát triển tự do và phong phú. Thậm chí, nhiều Totem đã biến thành các giáo phái bái vật hoặc vật linh. Bái vật giáo là hình thức tôn giáo tôn thờ các vật thiêng có khả năng siêu việt, ví dụ như  việc thờ vua khỉ Hanuman, hay xa xưa hơn, các vị thần ở Ai Cập và Trung Quốc… đều được mô tả có nửa người, nửa thú.  Còn Vật linh giáo là các hình thức tôn giáo có quan niệm “vạn vật hữu linh” (mọi vật đều có linh hồn), và vì thế tôn giáo này thờ các dạng vật chất thiêng, ví dụ như Lửa (Ấn Độ), Đá (Ả Rập)…

Mặc dù ở thời Nhất thần, các giáo phái này đều bị coi là dị giáo và triệt tiêu, nhưng lối suy nghĩ của các bậc thày tu vẫn không thoát khỏi việc kiến tạo ra một biểu tượng mới theo kiểu Totem.

Sự hình thành các bí giáo

Sự hình thành các bí giáo thể hiện giai đoạn phát triển cao của tôn giáo đa thần, không còn tin vào quyền năng tuyệt đối của các vị thần hay mơ ước chiến thắng thần thánh, những vị giáo chủ của các bí giáo hướng tới việc hiểu biết bản chất của thực tại, bản chất của thế giới, mối liên hệ giữa linh hồn và thể xác cũng như nắm bắt quy luật của vạn vật. Các bí giáo có màu sắc triết học và khoa học nhiều hơn là niềm tin mang tính tập thể.

Bên cạnh từ “mystic” khá thông dụng ra, chúng ta còn có 2 thuật ngữ liên quan là “esoteric” (bí truyền) và“occult” (bí giáo), đều có nghĩa là bí truyền. Hiện nay trên thế giới có nhiều Bí giáo khác nhau. Bí giáo không dựa trên niềm tin tuyệt đối mà dựa trên tri thức và những bài luyện tập đặc biệt để người tập có thể có được sự kết nối với Thượng Đế hoặc tồn tại, hay nhìn thấy được bản chất của sự sống. Tất cả các lĩnh vực như chiêm tinh, tử vi, dịch số, tarot, numerology, phép thuật, giả kim thuật, yoga, khí công… đều thuộc về các Bí giáo (hay gọi một cách khác là Huyền môn). Mỗi nền văn minh khác nhau, ở mỗi thời kỳ lại có các huyền môn riêng.

Khởi phát của các Bí giáo hay Huyền môn này có lẽ bắt đầu từ việc những người có khả năng ngoại cảm đặc biệt, sớm được tuyển vào các hệ thống đền thờ. Tuy nhiên, họ không dừng lại ở việc tận dụng khả năng để phục vụ cộng đồng, với trí tuệ tuyệt đỉnh, họ quan sát tự nhiên và các khả năng của mình, đúc rút ra các quy luật, các phương pháp để con người có thể trở nên siêu việt.  Tầm cỡ của các vị giáo chủ bí giáo hoặc các nhà huyền môn không phải chỉ là một pháp sư mà còn là nhà triết học, nhà toán học hay hóa học… Một điểm đặc biệt khác của Bí giáo hay Huyền môn so với các tôn giáo khác, đó là họ có hệ thống tu luyện cho các thày tu để đạt tới Thượng Đế, tính thần thánh hay sự hoàn hảo; và các hệ thống lý thuyết để lý giải thế giới bằng một lối tư duy trừu tượng, khác hẳn với các tư duy biểu tượng trước đó. Những cái nôi của các bí giáo thời đa thần cũng đều nằm ở các nền văn minh lớn như Ai Cập, Hy Lạp, Ấn Độ, Trung Quốc… Ở tất cả các nền văn minh này, các bí giáo đều có các lĩnh vực tương đồng như: chiêm tinh, tìm hiểu bí ẩn các con số, giải mã các dấu hiệu, nắm bắt quy luật trong cơ thể và linh hồn con người , giả kim thuật và đưa ra phương pháp tu luyện để con người có thể hoàn hảo hay nhập với toàn thể.

Ý nghĩa của chiêm tinh, bí ẩn các con số, giải mã các dấu hiệu đó là tham vọng tìm được bí ẩn của sự sống và hiểu được con đường định mệnh mà loài người phải bước đi. Chiêm tinh, ở phương Tây gọi là Astrology, đều là việc quan sát trăng sao để đoán biết hiện tượng. Mặc dù sau này các lý thuyết chiêm tinh chỉ dùng để bói toán, nhưng thật sự, đó là cả một hệ thống phân tích, lý giải, mô tả cách thức mặt trời, mặt trăng và các vì sao vận hành và tác động đến con người hay vạn vật dưới Trái Đất ra sao. Qua đó có thể giải mã được các vị thần tự nhiên trong thần thoại. Bên cạnh đó, Dịch số ở Á Đông, Numerolgy ở Địa Trung Hải và Ấn Độ cũng rất phát triển. Lịch sử ra đời của môn này như thế nào đều rất khó đoán biết, chỉ biết là chúng rất phát triển. Ở Hy Lạp, Pytagoras còn lập một giáo phái chuyên nghiên cứu về bí ẩn các con số và thu thập các lý thuyết Numerology. Các bí mật này hoàn toàn phải… bí mật, không một học viên nào được tiết lộ ra bên ngoài… Những phương pháp này theo truyền thuyết được ghi chép lại rất khoa học và cất giữ trong đạo viện Heliopolis. Đây là nơi diễn ra những nghi thức điểm đạo dựa trên nguyên tắc các tư tế giúp người được điểm đạo cảm nhận được sự vượt thoát của linh hồn. Nhiều nhà triết học Hy Lạp đã được tham dự lễ điểm đạo này như Socratic, Pythagore, Aristotle… Sau này, khi Hy Lạp xâm chiếm Ai Cập, đạo viện Heliopolis đã bị thiêu hủy, toàn bộ kho tàng sách được chuyển sang làm nền móng để xây dựng thư viện Alexandria và trở thành cơ sở cho sự phát triển khoa học ở phương Tây sau này.

Thậm chí, đi xa hơn thế, trường phái Nguyên Tử luận mà mở đầu là Permanides và Democritus, rồi đến Epicurus (341 TCN) đã đề xướng một giáo phái có các triết luận riêng của mình. Epicurus chủ trương duy trì trạng thái hạnh phúc, bởi trong trạng thái hạnh phúc, các nguyên tử của chúng ta được sắp xếp một cách hoàn hảo nhất. Trường phái của Epicurus đưa ra các hoài nghi về bản chất thực tại, có phần nào tương đồng với Phật giáo, trong nhận định tất cả đều là ảo mộng. Lucretius (99-55TCN), một nhà thơ vĩ đại theo trường phái Epicurus đã viết những lời mà đến sau này vẫn còn thấy vảng vất nỗi ám ảnh với thi sĩ thời Phục Hưng như Shakespeare:

“My friend, that is precisely the poet’s work —
To figure out his dreams, mark them down.
Believe me, the truest illusion of mankind
Is revealed to him in dreams:
All poetic art and poeticizing
Is nothing but interpreting true dreams.”

(“On the nature of things”)

Bên cạnh các huyền môn lý giải sự sống, Giả Kim Thuật cũng phát triển, nhằm biến đổi các dạng này của sự sống sang một dạng sự sống khác. Đỉnh cao của Giả kim thuật là biến chì thành vàng dựa trên vận dụng 4 nguyên tố Đất – Lửa- Gió – Nước. Nhưng biến chì thành vàng chỉ là nghĩa thô của dạng huyền môn này, sâu xa hơn, đó là phương thức con người biến bản thân mình từ dạng cơ thể vật lý lên thể tinh thần tinh tế và thanh nhẹ. Gỉa kim thuật đặc biệt phát triển ở khu vực Địa Trung Hải, mà nổi bật là Hermetica. Hermetica chứa đựng các lý giải bí ẩn về bản chất vũ trụ và cách biến đổi tự nhiên theo ý của các bậc pháp sư cao cấp. Truyền thuyết về Hermetica có nói về hòn ngọc lục bảo với các dòng ghi chép bí ẩn:

“Đây là sự thật, không hề giả dối và đúng thật nhất: những gì nằm phía trên cũng giống như những gì nằm bên dưới, thuộc vào phép màu của Một vật. Và khi vạn vật bắt nguồn từ một vật, bằng suy nghĩ của một vật, vì thế vạn vật sinh ra từ vật này, bằng sự nhận làm con nuôi. Mặt trời là Bố, Mặt trăng là Mẹ, gió đưa vật ấy vào bụng, Trái đất là Vú em nuôi vật. Đây là cha đẻ của mọi sự hoàn hảo trên thế gian. Sức mạnh và quyền lực của người mang tính tuyệt đối khi được đối thành đất, người sẽ tách đất từ lửa, điều tinh vi từ tổng số, thật nhẹ nhàng và cẩn trọng. Vật thăng thiên từ mặt đất lên trời, thêm một lần nữa hạ thế để tiếp nhận quyền lực, sức mạnh của những vật cao hơn và thấp hơn. Bằng cách này, ngươi sẽ hưởng được vinh quang của thế giới. Và vì điều này, mọi sự khó hiểu sẽ chạy khỏi cơ thể ngươi. Trong sức mạnh này, hùng mạnh nhất trong mọi sức mạnh. Vì nó sẽ vượt qua tất cả những điều tinh vi nhất, và xuyên qua vạn vật rắn chất. Vì thế, thế giới được tạo thành. Từ đây sẽ là và sẽ nổi bật, sự thích nghi đáng thán phục của những gì đề cập ở đây. Và vì lý do này, ta được gọi là Hermes Trismegistus, nắm giữ ba phần triết lý của thế gian. Những gì ta nói về hoạt động của Mặt trời đã hết”. (Nguồn dịch: Từ điển Tôn giáo – Tâm linh- NXB Tôn giáo)

Ở Trung Quốc, thuật tu tiên và luyện đan phát triển mạnh, nhờ vậy, các phương pháp Y đạo phát triển. Nhưng bản chất của Y đạo, bên cạnh việc chữa bệnh cứu người, còn là ngành nghiên cứu về mối liên hệ giữa cơ thể và tinh thần. Theo “Phong Thần diễn nghĩa”, ta có thể thấy, hệ thống bí giáo đầu tiên của người Trung Quốc là Xiển giáo, do Nguyên Thủy Thiên Tôn đứng đầu. Xiển giáo dạy các đệ tử phép tu tiên nhờ vào việc tọa lạc tu luyện, biến con người bình thường trở thành thần thánh. Sau này, khi Lão Tử xuất hiện với “Đạo Đức kinh”, hệ thống tu đạo ngày càng trở nên phức tạp hơn vì các trường phái bắt chước luận điệu cũng như thần thái Lão Trang mọc lên như nấm.

tg5.5

Quân bài trong bộ Tarot Mary-el, mô phỏng dòng năng lượng Kudalini

Ở Ấn Độ, các phương pháp tu luyện lại vô cùng đặc sắc, nhưng dù tu luyện thế nào cũng đều dựa trên lý thuyết mô tả cầu nối giữa thể xác và tinh thần: 7 luân xa. Hệ thống lý thuyết bí giáo đầu tiên nhắc đến các luân xa là Kundalini. Kundalini tiếng Sanskrit có nghĩa là “rắn” hay “sức mạnh của rắn”, gọi như thế là vì người ta cho rằng kundalini nằm cuộn mình giống như rắn trong luân xa gốc ở cuối cột xương sống. Trong Tantra Yoga, kundalini là một khía cạnh của Shakti, sức mạnh nữ thần, vợ của Shiva.Hiện tượng đi kèm với Kundalini rất đa dạng, bao gồm những cảm giác cơ thể kỳ dị cùng những động tác, sự đau đớn, khả nặng thấu suốt, nhãn giới, ánh sáng rực rỡ vô cùng trong suốt, sức mạnh tâm linh, xuất thần, hạnh phúc và vượt qua cái tôi. Kundalini được mô tả là lửa dung dịch và ánh sáng dung dịch. Mô tả hay cảm giác kiểu Kundalini được tìm thấy trong các bài giảng bí truyền của người Ai Cập, Tây Tạng, Trung Hoa, một số bộ lạc Mỹ bản xứ và người Kung ở châu Phi. Người tu luyện cần suy ngẫm, cảm nhận và đánh thức Kundalini và đưa nó lên cao qua cơ thể của chính mình. Lúc đầu, người tập có cảm giác nóng ở đốt sống, có thể nóng dữ dội hoặc ấm áp dễ chịu. Sau đó năng lượng đi lên trên bằng con đường tâm linh song song với cột sống, liên tục kích hoạt các luân xa, lên tới đỉnh đầu, kết hợp với năng lượng Shiva – dương cực và mang lại sự sáng. Sau đó người tập tìm cách hạ năng lượng xuống các luân xa khác, xuống dần đến luân xa cuối cùng để tạo ra sự thổi phồng ham muốn tình dục mãnh liệt. Trên đường đi của kundalini, những bệnh tật sẽ được tẩy rửa và năng lượng dục sẽ được chuyển hóa thành năng lượng sáng tạo. Dựa trên nền tảng lý thuyết của Kundaini mà một loạt các giáo phái với các phương pháp tu được hình thành như Yoga hay Tantra… Các phương pháp Mật Tông Tây Tạng cũng ảnh hưởng từ hệ thống của Kundalini.

Cho dù chối bỏ thế nào, người ta vẫn không thể phủ nhận rằng chính các bí giáo hay huyền môn cổ đại là nền tảng cho khoa học phương Tây ngày nay. Nhờ có chiêm tinh mới có thiên văn học, hình học, nhờ có Numerology mới hình thành Toán học hay lập trình, nhờ có Y thuật và các phương pháp luyện tập của người Ấn Độ, Trung Quốc người ta bắt đầu đặt hoài nghi về các lý thuyết Y học phương Tây… Nhà vật lý học Newton thời trẻ cũng đã từng có thời theo Giả Kim thuật. Nhưng sau một thời gian, ông đã thất vọng vứt quyển sách vào một xó và đi nghiên cứu Vật lý, không rõ là vì ông không thể hiểu Giả kim thuật hay vì ông thấy các lý thuyết này quá nhảm nhí như một thứ niềm tin hư ảo của đám phù thủy cổ đại?
 

Các tôn giáo Nhất thần

Tôn giáo Nhất thần (Monotheism) là các hệ thống tôn giáo đặt tất cả niềm tin vào Thượng Đế tối cao và nhà tiên tri – ngôn sứ đã rao giảng lời của ngài. Các tôn giáo nhất thần không phải được hình thành sau thời kỳ tôn giáo đa thần mà là sự kế thừa của các thần thoại về sự sáng thế. Ở thời kỳ đa thần, các tôn giáo nhất thần vẫn tồn tại song song. Lúc đầu họ chỉ là những nhóm nhỏ, sau đó thì ngày càng lan rộng, và đến những năm sau công nguyên thì hoàn toàn lấn lướt các tôn giáo đa thần.

Một điều đặc biệt, tôn giáo nhất thần không phát triển ở Á Đông, ảnh hưởng không lớn tới Ấn Độ, nhưng lại có quyền lực vô song ở thế giới phương Tây, mà cụ thể là khu vực Địa Trung Hải và Trung Cận Đông. Người Trung Quốc, thậm chí còn không hề manh nha bất cứ một giáo phái nào tôn thờ Thượng Đế. Ở Ấn Độ, mặc dù có các yếu tố Nhất thần, nhưng quyền lực của Thượng Đế không tuyệt đối, thậm chí vẫn chịu ràng buộc bởi nghiệp (karma) và người dân vẫn đặt niềm tin vào nhiều vị thần, vị đạo sư, chân tu. Đâu là nguyên nhân của sự khác biệt này? Nếu quan sát các tôn giáo nhất thần, ta sẽ thấy các tôn giáo này đều hình thành từ các dân tộc lưu vong, giao thương hoặc du mục. Trong khi ấy, ở Ấn Độ và Trung Quốc, đều là các dân tộc định cư nông nghiệp. Khi một dân tộc buộc phải di chuyển nhiều, việc hình thành và xây dựng các hệ thống nhất thần là điều cần thiết để giữ vững một niềm tin chung, tránh được sự tan rã của cộng đồng.

Bởi thế, ở phần này, tôi sẽ khảo sát các tôn giáo nhất thần ở khu vực Địa Trung Hải và Trung Cận Đông.

Sự ra đời của các tôn giáo Nhất thần

Kito giáo không phải tôn giáo nhất thần đầu tiên xuất hiện ở phương Tây. Trước đó, nhiều tôn giáo nhất thần khác đã có mặt và có sức ảnh hưởng lớn mạnh, với các nguyên tắc khác nhau. Nhưng Kito giáo đã nhấn mạnh một điều các tôn giáo nhất thần khác chưa làm được, đó là: niềm tin. Vấn đề “niềm tin” này càng trở nên vững chắc hơn ở trường hợp Hồi giáo.

Từ những năm 1336TCN đến 1334TCN, ở Ai Cập, vị Pharaoh có tên Akhenaton đã ra các chính sách cải cách tôn giáo, thay thế các tôn giáo đa thần bằng  một tôn giáo nhất thần, nhưng cải cách này của ông không được chấp nhận. Thời bấy giờ, người ta coi Akhenaton như một kẻ hủy diệt. Sau khi ông qua đời, các tôn giáo đa thần truyền thống ở Ai Cập trước đó lại được phục dựng nhanh chóng.
Sau đó mấy trăm năm, ở Ba Tư, một hệ thống tôn giáo Nhất thần đã chính thức ra đời theo mẫu hình: một bậc tiên tri chuyển trao ý chúa đến nhân loại – Hỏa giáo Zoroastrianism  của Zarathustra. Được hình thành khoảng những năm 1000 TCN (một số thuyết thì cho rằng Hỏa giáo xuất hiện từ khoảng 628-551TCN), Hỏa giáo có thể được coi là tôn giáo nhất thần cổ xưa nhất với bộ kinh Avesta huyền thoại. Tôn giáo này phát triển mạnh ở Iran và khoảng từ thế kỷ 10  đến thế kỷ 7 TCN, sau đó truyền sang nhiều nước khác ở Trung Đông, Ấn Độ và Trung Hoa. Hỏa giáo chia tiến trình lịch sử của thế giới làm 4 thời kỳ, mỗi thời kỳ là 3000 năm. Thời kỳ thứ nhất, Thần Thiện sáng tạo ra thế giới tinh thần tĩnh lặng và bất động. Thời kỳ thứ hai, thế giới vật chất được tạo ra mà trước hết là “lửa” – “ánh sáng vô hạn” với sắc trắng và chiếu ra hình tròn. Đồng thời cái đó, thần đã dùng đất nặn thành Gayomat (“người vượn”) có 4 chi cao vót, ánh sáng giống mặt trời, nhưng về sau khi bị các thần của Thần Ác công kích, đã bị tiêu diệt. Hạt giống của giống loài này được bảo tồn, sau 40 năm, đã nảy sinh một đôi vợ chồng đầu tiên của nhân loại. Đôi vợ chồng này giống như cây đại hoàng cuốn chặt lấy nhau, đó chính là thủy tổ của loài người. Thời kỳ thứ ba, hai vị thần này đã tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai bên và Thần Thiện chiến thắng. Thời kỳ thứ 4 là thời kỳ Hỏa giáo thống trị thế giới, quét sạch ma chúng, dẫn dắt nhân loại bước vào vương quốc của “Quang Minh – Công Bằng – Chân Lý”. “Avesta” – tên của cuốn kinh, có nghĩa là “con lạc đà màu vàng” hay “người cưỡi lạc đà”, cũng có nghĩa là “tri thức”, “du lệnh” hoặc “kinh điển”. Ở thời của mình, Zarathustra đã được quốc vương Vishtaspa  của Batricia trọng vọng, nhờ thế tôn giáo của ông được lan truyền ra nhiều vùng ở Ba Tư. Nhưng sau đó, cuộc chiến loạn giữa Vishtaspa và Axeospai của tộc Tolonia nổ ra, Zarathustra bị sát hại trong một miếu thờ.  Các phần của cuốn kinh Avesta đều bị đốt trong lần xâm chiếm của Alexandre Đại Đế, hiện chỉ còn lưu lại một vài phần rời rạc các bài tụng ca. Số phận và cuộc đời của Zarathustra sau này trở thành nguồn cảm hứng cho Friedrich Nieztches trong tác phẩm “Zarathustra đã nói như thế” của ông, như thể một lần nữa bộ kinh Avesta được tái hiện. Ba Tư là quốc gia xây dựng trên sa mạc và nhiều tộc người du mục, việc ra đời một niềm tin tuyệt đối, vững chắc và thống nhất là điều cần thiết kể kiến thiết một đế chế mạnh mẽ. Nhưng tôn giáo nhất thần, cho dù ở Ai Cập hay Ba Tư đều gặp phải sự phản kháng kịch liệt của các tôn giáo đa thần.

tg6.6

Bức tranh cổ Ba Tư vẽ lại Zarathustra

Quay trở lại với Ai Cập, một lần nữa xu hướng nhất thần lại xuất hiện trong cuộc nổi dậy của nhà tiên tri Moses. Cho đến nay không ai xác định được niên đại chính xác của Moses, nhưng có thể xác định ông có nguồn gốc Do Thái và là người dẫn dắt dân tộc Do Thái thoát khỏi ách nô lệ dưới đế chế Ai Cập. Tương truyền Moses là đứa trẻ mồ côi được nuôi trong Hoàng cung của Ai Cập. Khi lớn lên, Moses nhận ra dân tộc thật sự của mình phải chịu sự tra tấn, bóc lột, nên đã thuận theo ý Chúa, dẫn dắt những người Do Thái vượt Biển Đỏ. Quân lính của Pharaoh theo dấu vết đến Biển Đỏ, chính Chúa đã rẽ nước để Moses và dân Do Thái đi qua.  Khi đến quân lính đến nơi thì Biển Đỏ đã khép lại không thể đi qua được nữa. Đoàn người Do Thái dừng lại ở Sinai, Moses lên núi để nhận Mười Điều Răn của Thượng Đế dành cho người Do Thái. Ông để lại Aaron và Hur chăm lo dân chúng. Song, đang khi Moses ở trên núi Sinai để nhận lãnh giáo huấn và luật pháp của Thiên Chúa, dân chúng đến gặp Aaron và yêu cầu ông dựng các thần linh cho họ. Aaron quyên góp vòng đeo tai của dân chúng và đúc nên một con bò bằng vàng rồi nói rằng, “Hỡi Israel, này là các thần của ngươi đã đem ngươi ra khỏi xứ Ai Cập”, và tiếp, “Sáng mai sẽ có lễ tôn trọng cho Yahweh”. Sáng hôm sau, dân chúng dâng tế lễ, “ngồi mà ăn uống, đoạn đứng dậy mà vui chơi”. Cơn thịnh nộ của Thiên Chúa nổi lên cùng đoàn dân nhưng Moses nài xin Chúa đừng diệt họ. Ông xuống núi, và khi chứng kiến dân chúng nhảy múa quanh bò vàng thì giận dữ ném vỡ hai bảng chứng. Ông nghiền nát tượng bò vàng và quở trách Aaron. Nhận thấy dân sự vẫn cứ buông tuồng, Moses đứng nơi cửa trại quân nói, “Ai thuộc về Chúa, hãy đến cùng ta.” Hết thảy người Lê-vi đến bên Moses, ông ra lệnh cho họ giết những kẻ thờ lạy hình tượng. Moses được Chúa bảo cho biết ông sẽ không được dẫn dắt dân Israel vượt sông Jordan để tiến vào Đất Hứa, nhưng sẽ chết bên bờ đông của dòng sông (Dân số ký 20: 12). Vì vậy, Moses tập hợp mười hai chi phái và nói với họ những lời sau cùng, thông điệp của ông được chép trong Phục truyền luật lệ ký. Moses tóm tắt Luật pháp, nhắc nhở họ những điều quan trọng nhất, “Ngày nay, ta bắt trời và đất làm chứng cho các ngươi rằng ta đã đặt trước mặt ngươi sự sống và sự chết, phước lành và rủa sả. Vậy, hãy chọn sự sống, hầu cho ngươi và dòng dõi ngươi được sống, yêu mến Thiên Chúa ngươi, vâng theo tiếng phán Ngài, và trìu mến Ngài; vì Ngài là sự sống ngươi.” Ông cũng đưa ra những lời cảnh cáo nghiêm khắc, tiên báo những thảm họa và sự hủy diệt, cuộc sống triền miên trong đau khổ, khiếp đảm và sỉ nhục nếu họ lìa bỏ Thiên Chúa, “Các ngươi sẽ bị truất khỏi xứ mình…tản lạc trong các dân, từ cuối đầu này của đất đến cuối đầu kia… các ngươi không được  an tịnh, bàn chân ngươi không được nghỉ ngơi… nhưng là lòng run sợ, mắt mờ yếu, và linh hồn hao mòn… ngày và đêm ngươi hằng sợ hãi, khó liệu bảo tồn mạng sống mình. Bởi cớ sự kinh khủng đầy rẫy lòng ngươi, và bi cảnh mắt ngươi sẽ thấy, nên sớm mai ngươi sẽ nói: Chớ chi được chiều tối rồi! Chiều tối ngươi sẽ nói: Ước gì được sáng mai rồi!”  Có phải chăng vì thế mà người Do Thái suốt hai nghìn năm sống đời lưu vong cho đến tận ngày nay?

Jesus Christ, Đấng Cứu Thế đã ra đời vào những năm đầu Công nguyên, dưới thời vua Augustus. Sự tích ra đời của Jesus thì đa phần ai cũng biết. Cũng giống như Moses, Jesus dành cho Thượng Đế một niềm tin tuyệt đối. Nhưng cách cư xử của Jesus không giống Moses, Jesus được mô tả trong Kinh Thánh như một người khoan hòa, chịu đựng mọi đau đớn của số phận và trải qua những giằng xé tâm lý nhiều hơn. Cuộc chiến của Jesus không giống Moses, cuộc chiến thực sự của ông là cuộc chiến của bản thân chống lại Qủy Satan. Jesus đi khắp nơi rao giảng lời của Chúa và cứu độ rất nhiều con người đau khổ và lầm lỗi. Nếu Moses vẫn còn trừng phạt con người về sự mê lầm của họ, thì Jesus khi bị đóng đinh trên cây thánh giá đến chết, ngài vẫn cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho những người này. Đó là điểm cốt lõi trong nhân cách của Đức Chúa Jesus làm lay động trái tim của biết bao nhiêu người trong suốt 2000 năm qua. Đức Chúa Jesus đã tạo ra một hình mẫu “Tử vì đạo” hiếm có trong lịch sử tôn giáo phương Tây.

Jesus là một người Do Thái không theo Do Thái giáo. Ngoài bốn tập Phúc Âm, có ít điều được biết về Jesus, không có tài liệu lịch sử hay văn học nào thời La Mã hay Do Thái đề cập đến ông. Ông chỉ để lại “Bài giảng trên núi”, “Lời đáp tại đền Thánh” “Bài nói tại buổi tiệc ly”, “Lời của ngài khi chịu đóng đinh trên Thập tự”, và cốt lõi tinh thần có thể tóm gọn trong hai điều răn: “Jesus đã nói với họ, Anh em phải yêu mến Thượng Đế bằng tất cả tâm hồn và trái tim anh em. Đó là điều răn đầu tiên và quan trọng nhất. Và điều răn thứ hai là an hem phải yêu thương đồng loại như yêu chính mình” (Matt 22:37-9) Jesus không coi trọng các quyền lực thế tục, nhiều lần ông đã nhấn mạnh “Vương quốc của ta không ở thế gian này”, bởi thế Jesus không để lại giáo hội hay hệ thống tăng lữ, thậm chí không có thánh kinh. Chính điều này đã khiến Kito giáo khác hẳn với hệ thống Do Thái giáo trước đó. Cuốn Kinh Thánh ngày nay chúng ta được biết đến có nguồn gốc từ đâu, tại sao  Cựu Ước phần lớn khá giống với kinh Torah… thì đến nay vẫn là một câu hỏi chưa thể trả lời.

Cũng giống như Do Thái giáo và Kito giáo, Hồi giáo cũng được hình thành từ một bậc tiên tri rao giảng ý Chúa. Cuộc đời của Đấng Tiên tri Muhammed và các chiến hữu, môn đồ của ngài chỉ được biết qua kinh sách và các câu chuyện Hồi giáo. Theo truyền thuyết, lần đầu tiên Muhammed được giao sứ mệnh tiên tri là khi ông bước vào tuổi 40. Tương truyền, vào một đêm ông ngủ một mình trên núi Hira, Thiên thần Gabriel đậu xuống bên giường ông và nói “Hãy đọc đi”, nhưng Muhammed vẫn do dự, khiến Thiên thần phải siết chặt khăn quàng cổ cho đến khi ông hỏi “Con phải đọc gì”. Thiên Thần nói: “Hãy đọc nhân danh Chúa của ngươi, Chúa đã kiến tạo nên tất cả, đã dùng một cục máu mà tạo nên con người. Hãy đọc đi vì Chúa vô cùng cao thượng đã dùng ngòi bút để dạy cho con người, dạy những gì mà người chưa biết”. Những lời này ở ngay đầu chương 96 trong Kinh Koran. Kinh Koran – “Quoran” có nghĩa là “đọc và kể”. Muhammed khai sinh ra Đạo Hồi ở Mecca, lúc này chỉ là một vùng hoang mạc vắng vẻ, chỉ có vài bộ tộc du mục sinh sống, thỉnh thoảng lại đi đánh cướp các vùng lân cận. Khi Muhammed bắt đầu rao giảng kinh Koran, các gia tộc lớn ở Mecca đã nghi ngờ và xua đuổi ông cùng các tín đồ. Muhammed và các tín đồ buộc phải rời khỏi Mecca đến Yathrib, từ đó Yathrib trở thành trung tâm của Hồi giáo và có tên gọi là Al Medina, có nghĩa là “Thành Phố”.  Sau đó, Muhammed đã thiết lập thể chế,luật pháp của nhà nước Hồi giáo ngay tại Al Medina. Đây là điều khác biệt so với Moses và Jesus, vốn chưa đến được miền Đất Hứa.

Có một điều lạ ở cả ba tôn giáo lớn Kito giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo đó là họ thừa nhận vai trò của Thượng Đê và các Đại Thiên Thần như Michael, Gabriel, Rafael… Ví dụ như Thiên thần Gabriel, đóng vai trò quan trọng cả trong kinh sách của cả ba tôn giáo lớn này. Trong Do THái giáo, đại Thiên Thần Gabriel xuất hiện ở “Book of Daniel” và “Book of Ezikiel”  như một vị thần được Thượng Đế cử xuống để phá hủy Jerusalem. Nhưng ở Kinh Thánh Kito giáo và Hồi giáo, Gabriel nhận nhiệm vụ chuyển trao ý Chúa. Như vậy, ta có thể thấy dường như có một mạch ngầm nối giữa ba tôn giáo luôn gây mâu thuẫn với nhau gần 2000 năm nay ở khu vực Trung Cận Đông này. Kito giáo không phủ nhận Torah, mà cải biến Torah thành kinh Cựu Ước và thêm phần Tân Ước về Jesus cùng các Tông đồ. Kito giáo không hề phủ nhận các bậc tiên tri của Do Thái giáo. Hồi giáo cũng vậy, mặc dù có màu sắc khác hẳn Do Thái giáo và Kito giáo, do sự khác biệt về văn hóa, nhưng Hồi giáo cũng không phủ nhận các bậc tiên tri trước đó. Trong kinh Koran có viết: “Muhammed chỉ là một Tiên tri, các vị Tiên tri trước đây đã qua đời.Nếu Người bị chết hay bị giết thì các ngươi có quay gót trở về đường cũ hay không?” (3:138)

Tôn giáo nhất thần với sự ảnh hưởng chính trị

Sự mâu thuẫn của các tôn giáo không đến từ các giáo lý của tôn giáo ấy. Qua khảo sát các tôn giáo nhất thần ở trên, ta không những không thấy sự mâu thuẫn mà còn thấy rất nhiều sự tương đồng. Thế nhưng, điều đáng nực cười là, đây chính là 3 tôn giáo gây ra nhiều cuộc chiến tranh và đàn áp nhất trong lịch sử Châu Âu. Nếu ở thời kỳ tôn giáo đa thần, các dị giáo cùng song song tồn tại với nhau thì ở thời Nhất thần, các dị giáo bị đàn áp thậm chí là tiêu diệt.  Lịch sử 2000 năm từ sau Công Nguyên, bên cạnh những thành tựu của Nền văn minh Kito giáo và Hồi giáo, là những cuộc tàn sát đẫm máu bằng thánh chiến và tòa án dị giáo. Trong khi ấy, Do Thái giáo sống cuộc đời lưu vong rải rác khắp Châu Âu và Trung Cận Đông, sinh tồn bằng nhiều hình thức kinh doanh và thương mại.

tg7.7
Người có công xây dựng các tín điều của Jesus Christ thành một Tôn giáo nhất thần là Thánh đồ Paoblo. Thánh đồ Paoblo là người Do Thái và được giáo dục để trở thành một Phariseee của Do Thái giáo, ông đã tham gia vào cuộc bức hại Jesus, nhưng sau đó, ông cải đạo và chịu phép rửa tội theo nghi lễ của các tông đồ đi theo Jesus. Năm 53, tại Athens, ông lập một bàn thờ cho “Vị Thần Chưa Được Biết Đến”, ngay lập tức gặp phải sự phản ứng đối lập từ người Do Thái và Hy Lạp. Thánh đồ Paoblo đã đặt nền móng cho thần học Thiên Chúa giáo sau đó, và có khả năng chính ông là người tích hợp các tín điều của Jesus Christ với các niềm tin của Do Thái giáo. Tuy nhiên, trong cuốn “Lịch sử Châu Âu”, tác giả Norman Davis đã cho chúng ta biết cuộc nghiên cứu gần đây nhất về mối quan hệ giữa Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo có thể không hoàn toàn tách rời. Trong nhiều thập kỷ, hai cộng đồng có thể đã chia sẻ với nhau sự kì vọng vào một Đấng Cứu Thế. Các văn bản của Do Thái giáo trong “Cuốn sách Biển Chết” trong khoảng năm 200 TCN đến 50 SCN, có nội dung khá giống với các Phúc Âm Thiên Chúa giáo. Nhưng, chỉ đến khi Vua Constantine của Đô thành Constantinople cải đạo và theo Thiên Chúa giáo, thì giống như trường hợp của Hỏa giáo, Kito giáo đã trở thành một tôn giáo có quyền lực vào những năm 330 SCN.  Đế quốc La Mã lúc này, dưới sự thống trị của ông, đã trở thành một đế chế Thiên Chúa giáo, và sau này Roma đã trở thành thủ phủ của đế chế này.

Từ đó, Kito giáo bành trướng lên các nước ở khu vực Tây Âu và Bắc Âu, giáo hội Celt đồng ý tích hợp tôn giáo đa thần Celtic vào hệ thống Kito giáo. Bên cạnh đó, các cuộc xâm chiếm của La Mã lên phương Bắc đã giúp Kito giáo lần lượt mở rộng vùng lãnh thổ của mình. Kito giáo đi kèm với các cuộc xâm lược, không chỉ mang ý nghĩa như một giá trị niềm tin chung để cổ vũ binh lính, mà còn là một ý thức hệ cần thiết để thiết lập quyền cai trị. Trong thời gian bành trước của mình, các thày tu Kito giáo đã lần lượt tiêu diệt các tôn giáo đa thần bản địa của nhiều vùng khác nhau. Giáo hoàng Gregory đã nhận định:

“Chúng ta đi đến kết luận rằng những ngôi đền thờ thần… thì không nên phá hủy. Cái cần phải phá hủy là các tượng thần, nhưng các đền thờ thì ta sẽ rảy nước thánh, rồi dựng bàn thờ có chứa thánh tích… Theo cách đó chúng ta hi vọng rằng người dân sẽ từ bỏ việc thờ thần… và vì họ có tục cúng tế bò, nên chúng ta phải có một nghi thức khác thay vào đó… Sẽ không còn phải dâng cúng súc vật cho ma quỉ nữa, nhưng người ta có thể giết chúng để dùng làm thực phẩm nhằm ca ngợi Thiên Chúa… Nếu người  dân còn được thích thú với một số thú vui trần thế… họ sẽ sẵn sàng hơn để ham thích những thú vui tinh thần. Vì không thể cùng lúc xóa bỏ mọi sai lầm từ những đầu óc bướng bỉnh; và bất kỳ ai mong muốn lên đến đỉnh núi thì phải leo từng bước một.”

Kito giáo đã thành công trong việc truyền bá tư tưởng, tạo nỗi sợ hãi, gây ám ảnh với những người dân ở các nền văn hóa khác nhau về mặc cảm man rợ. Những người dân đó tin rằng, giáo hội có thể làm cho người cải đạo theo Kito giáo có thể rửa sạch tội lỗi thông qua nghi lễ và trở thành một phần của hệ thống văn minh. Sự tàn phá của Kito giáo với các nền văn minh cổ đã đẩy Châu Âu và đêm trường Trung Cổ. Các nhà khoa học, các pháp sư, các nghệ sĩ… đều có thể bị mắc tội chống Chúa và giao kèo với quỷ dữ. Những tội danh này đều dẫn đến xử tử bằng hình thức treo cổ hoặc hỏa thiêu. Vào cuối thời kỳ Trung Cổ, các hình thức tra tấn và tử hình có phần nhẹ hơn mà thay thế vào đó là chế độ kiểm duyệt khắt khe về tư tưởng và tình cảm. Kito giáo đặt được sự cai trị rộng lớn và vững chắc, nhưng lại bị chia rẽ, mà cuộc chia rẽ lớn nhất là tách thành Công giáo (Catholic) và Chính giáo (Orthodox) với nhiều vấn đề đối lập, thậm chí là thù nghịch.

Vào kỷ thứ 6, khi Đế chế Hồi giáo được thiết  lập ở Ả Rập, các cuộc chiến tôn giáo không còn là giữa các tôn giáo đa thần thời cổ chống lại tôn giáo nhất thời mới khai sinh, mà là cuộc cạnh tranh sự bành trướng giữa các tôn giáo nhất thần. Ở Ả Rập bấy giờ, thậm chí nhà cầm quyền còn đưa ra chính sách tăng thuế thân và thuế giao thương với những người Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo sống trong đế chế. Để thuận tiện cho sinh tồn, nhiều người đã cải đạo sang Hồi giáo. Bên cạnh đó, Hồi giáo liên tục thực hiện các cuộc xâm lược lên Châu Âu, đặc biệt là khu vực Nam Âu, Đông Âu và Slav. Nhưng Hồi giáo không thiết lập được chính quyền chặt chẽ ở các địa phương này, và vì thế, diện tích của đế chế Hồi giáo không ổn định. Tuy nhiên, qua các cuộc xâm chiếm này, những học giả Hồi giáo đã được đưa đi theo quân đội, đi đến đâu họ ghi chép, thu thập và chắt lọc tinh hoa. Trong khoảng từ thế kỷ 7 đến thế kỷ thứ 9 SCN, khi đế chế Kito giáo ở Châu Âu vẫn còn đang mải chinh chiến và tàn phá thì ở Ả Rập, một nền văn minh rực rỡ đã được khai sinh dựa trên các tư liệu thu thập được của Ai Cập và Hy Lạp Cổ đại sau mỗi cuộc viễn chinh. Điều đáng tiếc, khi Hồi giáo lao vào cuộc Thánh chiến với Kito giáo thì đồng thời, các giá trị tinh hoa này lại bị vùi dập và lãng quên.

“Thánh chiến” trong ngôn ngữ Hồi giáo là “Jihad”. Từ này xuất hiện 41 lần trong kinh Koran và được hiểu như là “phấn đấu theo cách của Thánh”. “Thánh chiến” vừa có nghĩa là cuộc “đấu tranh nội tâm”, vừa có nghĩa là “ cuộc chiến tranh vì thần thánh”, nhưng trên thực tế, ý nghĩa đích thực là “đấu tranh nội tâm” hoàn toàn bị lãng quên. Suốt gần 2000 năm lịch sử vùng Địa Trung Hải và Trung Cận Đông liên tiếp xảy ra các cuộc Thánh chiến ở nghĩa nông cạn của từ ngữ này. Nhân danh Tiên tri Muhammed, Hồi giáo tấn công, giết người, cướp của ở rất nhiều các quốc gia. Kito giáo, nhân danh Đức Chúa Jesus để thực hiện các cuộc Thập Tự Chinh mà mục đích chính là cướp bóc các đô thành giàu có của người Ả Rập. Trong suốt 3 thế kỷ đã có 9 cuộc Thập Tự Chinh (chưa kể những giao tranh lẻ tẻ) giữa người Kito giáo (trong các cuộc Thánh chiến này chỉ có Công giáo) với Hồi giáo, mà mục đích là để thu hồi lại Jerusalem. Ngoài ra còn một số các cuộc Thập Tự Chinh khác ở Đức và Baltic. Khoảng thế kỷ 12, một cuộc Thập Tự Chinh trẻ con đã diễn ra, khi một lời tiên tri giả dối được rao giảng rằng với một quân đoàn trong sạch và thuần khiết thì Thập Tự Chinh mới thành công. Nhiều đứa trẻ ở Ý, Pháp, Đức đã lên đường xuất quân và bị chết khi còn chưa rời khỏi Châu Âu do sự khắc nghiệt của điều kiện sống, nhiều đứa bị lừa đem bán làm nô lệ… Các cuộc Thập Tự Chinh triền miên này đã hủy hoại các giá trị kinh tế và tinh thần của cả hai nền văn minh Châu Âu và Ả Rập.

Một phong trào diễn ra đã làm thay đổi Châu Âu: Cuộc cải cách Tin Lành của Martin Luther vào thế kỷ 16. Tại Sachsen (thuộc Đức) Martin Luther treo Chín mươi lăm Luận đề trên cửa Nhà thờ Lâu đài Wittenberg  trình bày các luận điểm phê phán giáo hội và Giáo hoàng đang sa đà vào các vấn đề mê tín dị đoan như bán phép giải tội, sùng bái các thánh và tình trạng độc thân bắt buộc ở các chức sắc và tu sĩ. Cuộc cải cách này gặp nhiều cản trở từ giáo hội, thế nhưng, trên thực tế, nó đã thành công.  Sau hòa ước Westphalia, Kito giáo đã có những bước chuyển biến đáng kể. Hòa ước Westphalia quy định:  Mọi phe phái nên công nhận Hòa ước Augsburg năm 1555, theo đó, mỗi vương hầu đều có quyền chọn lựa tôn giáo cho lãnh thổ của mình, Công giáo, hoặc Lutheran, hoặc  thần học Calvin (nguyên tắc cuius regio, eius religio) Các tín đồ sống trong các lãnh địa không có quốc giáo được quyền thực hành đức tin của mình theo ý muốn.  Nhưng Tin Lành, với các giáo lý và lề luật nhẹ nhàng hơn, thích hợp hơn với đời sống Kinh tế Tư Bản đang manh nha, đã khiến số lượng tín đồ của phái Tin Lành gia tăng cho dù Nhà Thờ Vatican không vui lòng chút nào. Max Weber trong cuốn “Nền đạo đức Tin Lành” đã đưa ra sự so sánh về đặc tính của người Công giáo và người Tin Lành:

“Người Công giáo là người (…) thanh thản hơn, ít bị ám ảnh hơn bởi cơn khát lợi nhuận, anh ta chọn một cuộc đời an toàn, cho dù với một mức thu nhập khá thấp hơn là một cuộc đời có nhiều bất trắc và hưng phấn, cho dù cuộc đời này có thể đem lại cho anh ta sự giàu sang và danh dự. Tục ngữ dân gia từng nói vui: “Phải chọn giữa ăn ngon hoặc ngủ yên”. Trong trường hợp này, người Tin Lành đã chọn ăn ngon, trong khi đó người Công giáo chọn ngủ yên”.

Như vậy, việc một tôn giáo nhất thần trở nên hệ thống và bành trướng, hoàn toàn phải có sự dính líu đến chính trị. Thay vì đời sống tu nguyện cá nhân để đạt tới Thượng Đế, họ tìm mọi cách để chiến đấu, tuyên truyền và cướp bóc để gia tăng tài sản. Khi một đám đông tìm đến với tôn giáo nhất thần, không phải chỉ để bồi đắp cho cõi tinh thần, mà xen vào đó là các mục tiêu kinh tế. Cũng chính Max Weber phải chua chat viết rằng: “Việc theo tôn giáo nào không phải là nguyên nhân của các hiện tượng kinh tế, mà đúng hơn, xét trong chừng mực nào đó, là hậu quả của các hiện tượng tượng kinh tế ấy”. Mà kinh tế ở đây, có thể hiểu là vấn đề lợi ích.

Từ xu hướng hoài nghi Thượng Đế đến tôn giáo vô thần

Các bí giáo phát sinh từ tôn giáo nhất thần

Các bí giáo đã có từ thời đa thần giáo, khi vào thời đại của nhất thần, lập tức bị đẩy khỏi vòng pháp luật. Nhiều bí giáo đã bị mai một và biến mất trong thời kỳ này, nhiều bí giáo khác chấp nhận tiếp thu và bị đồng hóa bởi Kito giáo, và nhiều bí giáo lại được khai sinh chính từ các tôn giáo nhất thần. Hai trường hợp tiêu biểu nhất cho xu hướng này là Kabbalah và Sufi.

Kabbalah là thuật huyền bí của đạo Do Thái cổ đại, có nghĩa là “điều được tiếp nhận” ám chỉ khẩu truyền bí mật được thầy truyền lại cho trò. Từ này được Ibn Babirol, một triết gia Tây Ban Nha dùng để gọi những bài giảng khó hiểu, huyền bí, sau đó được dụng gọi tất cả các thuật huyền bí Do Thái. Theo truyền thuyết, Thiên Chúa dạy Kabbalah cho các thiên sứ, Noah (vụ Đại Hồng Thủy), Abraham và Moses, sau đó truyền lại cho 70 Trưởng lão. Tài liệu Kabbalah lâu đời nhất được tìm thấy trong truyền thống của các nhà huyền bí Merkabah Merkabah có nghĩa là “Xe ngựa ngai vàng của Thiên chúa” (“Book of Ezikiel). Mục đích của các Kabbalist là đi qua 7 dinh tự trên trời để đạt tới ngai vàng của thế giới tinh thần. Nhưng nguồn gốc thật sự của Kabbalah được ghi chép nhiều nhất trong sách Sefér Yetzirah (Sách Sáng Tạo). Ở đó có các phần trình bày và thảo luận về nguồn gốc và bản chất của vũ trụ, cho rằng Thiên Chúa sáng tạo thế giới bằng 32 con đường thông thái chứa đựng trong 10 sephirot (trên Cây Sự Sống) và 22 chữ cái Do Thái Cổ. Sách “Sefer ha-Zohar” (Sách Huy Hoàng) thì miêu tả Thiên Chúa như một dạng không có kết thúc, không thể nhận biết – Ein Sof. Nhiệm vụ của con người là quay trở về với bản chất linh hồn của mình để có thể kết nối với Thiên Chúa. Với quan niệm như vậy, Kabbalah đã đặt một hoài nghi rất lớn về sự tồn tại của tầng lớp giáo sĩ Do Thái giáo cùng với các hệ thống lề luật khắc nghiệt. Bởi lẽ, chỉ cần rất đơn giản: chay tịnh, thiền định và suy ngẫm về bí mật trong cây sự sống là chúng ta có thể đạt đến Thượng Đế. Con đường tôn giáo với Kabbalist không phải là một niềm tin mang tính cộng đồng, mà đó là con đường tự thân trải nghiệm và khám phá bí ẩn của sự sống.
tg8.8

Bức tranh cổ Ả Rập vẽ một thày Sufi đang nhảy múa

Ở Hồi giáo, một bí giáo vô cùng đặc sắc và thú vị đã ra đời, không theo thiên hướng Số học mà theo thiên hướng nghệ thuật – Sufi. “Sufi” xuất phát từ tiếng Ả Rập “suf” nghĩa là “len” ám chỉ chiếc áo choàng bằng len trơn của tín đồ Sufi ban đầu mặc. Khi quân viễn chinh Ả Rập chạm chán với các giáo sĩ Ki tô, các nhà Sufi rất ấn tượng với họ và kết hợp nhiều niềm tin của họ vào truyền thống của mình. Ngoài ra, đạo Sufi còn chịu ảnh hưởng từ Hindu, Phật giáo và Bái Hỏa giáo Ba Tư. Tính duy nhất và tình yêu Thượng Đế hình thành tín điều cơ bản trong đức tin Sufi. Những Sufi theo truyền thống đều là nam giới. Họ không chủ trương kỷ luật vì mục đích của đạo Sufi là mỗi người trở thành người thông thái của chính mình và phát triển một tuyến giao tiếp với Thượng Đế. Như Rumi, một bậc Sufi đã từng nói: “Khi bạn đi tìm Thượng Đế, bạn thấy chính mình; khi bạn đi tìm chính mình, bạn lại thấy Thượng Đế”. Vũ điệu điên cuồng của các Sufi là một minh họa về âm nhạc, thi ca và vũ điệu đi kèm với thờ phụng. Thi sĩ luôn là những người truyền bá tư tưởng Sufi, Sự đọc nhẩm không ngừng của dhikr, phối hợp với việc ngân nga các bài hát, lắc lư thân mình, nhảy múa và gõ trống có nhịp điệu, đặt người thờ phụng vào trạng thái xuất thần và kết hợp với Thượng Đế và đạt tới sự hân hoan.Nhưng đó không phải là tất cả, Sufi nhận lấy niềm hân hoan vô hạn và sử dụng niềm hân hoan này trong thế giới trần tụ như một cảm giác yêu thương, không tham lam và hãnh diện tri thức, mà chỉ đơn giản là sống một cuộc sống tràn ngập tình yêu.

Kabbalah và Sufi đã tồn tại suốt chiều dài lịch sử tôn giáo nhất thần. Mặc dù cũng bị đàn áp, các Kabbalist bị gán cho tội danh phù thủy ở dưới thời cai trị của Nhà thờ Công giáo Vatican và phải theo bước chân lưu lạc của dân tộc Do Thái, nhưng hệ thống này không hề bị mai một. Sufi cũng vậy, vào tầm thế kỷ thứ 11, đế chế Hồi giáo thắt chặt các định chế quy định rõ quyền lực của nhà thờ thì nhiều tác phẩm của các thày tu đã bị đốt, bị ném ra khỏi vòng pháp luật, thế nhưng sức mạnh của Sufi vẫn ảnh hưởng rộng đến các nước khác ở phương Đông, mà cụ thể là Ấn Độ. Vào những năm 1960, khi phong trào New Age bắt đầu tạo ra các hiệu ứng thay đổi nhận thức của con người về tâm linh, Kabbalah và Sufi được tái sinh và chiếm một vị trí quan trọng trong việc khai phóng tâm trí của con người. Chúng ta sẽ quay lại vấn đề này ở phần sau khi bàn về các xu hướng tôn giáo mới.

>> Đọc thêm về Rumi: “Rumi tinh tuyệt” – Say, quay và bay – Book Hunter

Vô thần không có nghĩa là phủ định tính thần thánh

Xu hướng Vô thần là xu hướng tôn giáo khá phổ biến ở Ấn Độ và Trung Quốc ở giai đoạn sau thời kỳ đa thần. Nhưng giữa Vô thần và Đa thần không có nhiều mâu thuẫn kịch liệt như Nhất thần và Đa thần. Tôn giáo Vô thần không phải là phủ nhận tính thần thánh hay sự tồn tại của các vị thần. Các tôn giáo Vô thần đều bắt nguồn từ những cá nhân ở tầng lớp xã hội cao, có tư tưởng và tư duy kiệt xuất, liên tiếp đặt ra các câu hỏi về bản chất của thực tại, của con người, của các vị thần. Xu hướng tôn giáo vô thần này ta đã bắt gặp ở một số bí giáo thời Đa thần ở khu vực Địa Trung Hải, nhưng chỉ ở phương Đông, xu hướng này mới đạt tới tinh hoa và qui mô lớn và thoát khỏi cái bóng của thần thánh.

Ở Ấn Độ, hai tôn giáo Vô thần nổi tiếng là Jaina giáo và Phật giáo, cả hai đều ra đời trong cùng một quãng thời gian:

Jaina giáo do Mahavira sáng lập. Mahavira (chữ Phạn: महावीर, Kannada ಮಹಾವೀರ chữ Tamil அருகன் (“Arugan”) có nghĩa là “Đại anh hùng” hay “Anh hùng vĩ đại”, sinh năm 599 TCN-mất 527 TCN) tên thật là Vardhamana/Ông vốn là một vị hoàng tử nhưng đã từ bỏ cung vàng, điện ngọc để vào rừng tu hành và đắc đạo. Sau quá trình tu đạo, ông nhận thức nhiều vấn đề, từ đó đã cố gắng vượt ra khỏi chủ nghĩa hoài nghi đang thịnh hành trong xã hội Ấn Độ cổ. Ông tán thành học thuyết “Naya” và cố gắng chứng minh tính khả thi của những quan điểm về các vấn đề chung, ông chắt lọc, bổ sung, xây dựng nên học thuyết về đạo Jaina. Jaina nghĩa là những kẻ đi theo người chinh phục. Ba điểm căn bản trong các lời giảng của Mahavira là: Một: bác bỏ các nghi lễ Bà la môn như là phương thức để giải thoát, ông cho rằng vấn đề nghiệp báo mà truyền thống Ấn giáo chính thống áp dụng là hậu quả của việc thực hiện các nghi lễ.Hai: Phủ định sự hiện hữu của cảnh giới thiêng liêng vĩnh cửu, ông tin rằng linh hồn của con người bị mắc kẹt trong thế giới vật chất, cần được giải thoát nhằm thành tựu sự toàn mãn. Ba: Biến giới luật ahimsa – bất bạo động, thành tâm điểm tuyệt đối của triết học và đạo đức học thực hành của mình. Thánh Mahatma Gandhi sau này, khi vận dụng giới luật bất bạo động của Mahavira đã thành công trong cuộc đấu tranh dành độc lập cho Ấn Độ của mình.

Cùng thời gian ra đời Jaina giáo, Phật giáo cũng được ra đời. Thích Ca Mâu Ni, tên thật là Tất Đạt Đa, cũng là một hoàng tử từ bỏ cung vàng điện ngọc để tu hành. Dường như, ở phương Tây, người ta cần tôn giáo để gia tăng tài sản và địa vị thì ở Ấn Độ, người thực sự đáng kính trọng là người dám từ bỏ mọi giá trị thuộc về vật chất và thế gian. Phật giáo thừa hưởng các lý thuyết về duyên nghiệp, luân hồi từ các tôn giáo đa thần của Ấn Độ, từ các cuốn kinh như “Veda”, “Upanishad”, “MahaBharata”… Nhưng Thích Ca Mâu Ni đề xướng con đường giải thoát bằng nhận biết, trí huệ, từ bi, thoát khỏi con đường vô minh dễ đẩy chúng ta mắc sâu hơn và bánh xe của nghiệp. Phật giáo nguyên thủy không tế lễ mà chỉ thực hành Thiền định và giải nghiệp. Nhưng Phật giáo không nở hoa ngay trên đất Phật, sau thời vua Asoka – vị vua đã đưa Phật giáo trở thành quốc đạo ở Ấn Độ, thì Phật giáo buộc phải lưu lạc đến vùng đất khác. Đi theo con đường phương Bắc qua Tây Tạng, vào đến Trung Quốc, Phật giáo đã tích hợp thêm nhiều màu sắc đa thần dân gian ở hai vùng đất này. Phật giáo vào Tây Tạng sinh ra Mật Tông, vào Trung Quốc sinh ra Tịnh Độ Tông. Cho đến sau này, khi đức Bồ Đề Đạt Ma vào Trung Quốc, đưa theo Phật giáo Nguyên thủy đến chùa Thiếu Lâm thì Thiền Tông mới ra đời và có các giáo lý gần với chủ trương của Phật Thích Ca. Đi theo con đường phía Nam, qua Srilanka, Thái Lan, Myanmar… Phật giáo lại chủ trương theo phái Tiểu Thừa, giữ nguyên lời Phật và các Thánh Tăng trong bộ kinh “Nikaya”. Nhưng cho dù ở phái nào, Phật giáo cũng đề cao sự tự nhận biết, tự giác ngộ, tự đạt đến Niết Bàn thuận đúng với tự tính của mình. Trong Kinh “Tăng Chi Bộ”, Phật có dạy: “Như vậy, này các Kàlàmà, điều Ta vừa nói với các Ông: “Chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình. “. Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này là bất thiện; Các pháp này là đáng chê; Các pháp này bị các người có trí quở trách; Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau”, thời này Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng! Ðiều đã được nói lên như vậy, chính do duyên như vậy được nói lên.”

Ở Trung Quốc, Đạo giáo, mà các đại diện là Lão Tử, Liệt Tử, Trang Tử… cũng có những nhận định tương đồng với Phật giáo, nhưng Lão Tử không chủ trương giải nghiệp, mà chủ trương “Thuận theo lẽ tự nhiên”.  Lão Tử họ Lý, tên Nhĩ, tự Bá Dương, người Khổ huyện, nước Sở, sinh vào đầu năm Chu Linh Vương, khoảng 570 tr. CN tuy cùng thời với Khổng Tử, nhưng lớn hơn mười chín tuổi. Một việc mà người đời sau hay nhắc tới, là có lần Khổng Tử thỉnh giáo cùng Lão Tử. Cứ theo sách cổ ghi lại, thì nội dung cuộc hội đàm đó như sau (dịch theo ý chính cổ văn Hán):

Khổng Tử thưa: “Khâu tôi nghiên soạn Lục kinh: Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch và Xuân Thu. Tự coi đó là văn hiến lâu đời, biết đâu lại là đồ cũ. Đến với những bảy mươi hai vì vua, tham luận về đạo lý của tiên vương, giới bày về thành quả của đương triều, song chẳng được vị nào áp dụng cả. Đáng tiếc thay, sao người ta khó khuyên bảo thế, đạo lý khó sáng tỏ thế”

Lão Tử đáp: “(Bởi vì) những gì mà Ngài đưa ra trình bày, xương cốt của những người đó đã mục nát lâu rồi, chỉ còn lời nói ghi lại thôi. Cũng may là Ngài chưa gặp được vị nào gọi là vua tế thế. Lục kinh của Ngài đều là những vết cũ của tiên vương… Vết là do dấu chân đã qua mà để lại, nhưng vết là vết, chứ đâu phải bước chân đi? Nếu Nhân Nghĩa là ngôi nhà cổ của tiên vương, thì ta chỉ có thể trọ tạm một đêm thôi, chớ nên ở lâu… Nếu cứ để cho Nhân Nghĩa ăn sâu vào lòng, là làm rối thêm lòng, tai hại lớn đấy . Tôi có nghe, người ta đem vật quý giấu dưới chân tường đổ nát, quân tử có đức cao, thì dáng trông như đần độn vậy. Thôi, hãy bỏ cái khí phách kiêu hãnh và lòng ước muốn của Ngài đi. Phong cao chí lớn, đều vô bồ cho bản thân. Lời tôi khuyến cáo Ngài, chỉ có bấy nhiêu đó thôi”.

Khi tiễn chân Khổng Tử ra về, Lão Tử bảo thêm rằng: “Tôi có nghe, kẻ giầu sang lấy của tặng khách, người nhân đức mượn lời tiễn đưa. Tôi chẳng sang giầu, xin trộm tiếng nhân đức mà tặng cho Ngài một lời: Kẻ tài khôn, giữ kỹ trong lòng (những gì mình biết) cho đến lúc gần đến xa trời, mới là người có nghĩa. Nếu mang ra bàn tán thì nguy đến bản thân, bởi cái đó thường làm cho người ta oán ghét mình. Cho nên, ở vào địa vị con em, chớ tỏ ra mình hiểu biết hơn (Phụ huynh); ở vào địa vị thần dân, chớ tỏ ra mình hiểu biết hơn (vua quan)”.

Trước khi Lão Tử lui về ẩn dật, thì có một người tên Doãn Hỷ giữ lại, cầu xin ông để lại mấy lời. Ông đã viết lại tư tưởng của mình trong cuốn Đạo Đức Kinh, vỏn vẹn chỉ có năm ngàn chữ. Những trước tác chuyên giải nghĩa cho Đạo Đức Kinh, đến nay đã có trên 600 cuốn. Ở nước ngoài, chỉ riêng bản dịch Đạo Đức Kinh bằng tiếng Anh cũng đã nhiều đến 44 bản. Tựu trung, Đạo là ý niệm cơ bản nhất và quan trọng nhất trong cuốn Đạo Đức Kinh. Sau đó Trang Tử viết “Nam Hoa Kinh” để mở rộng hơn các vấn đề Lão Tử đã đề cập đến trong “Đạo Đức Kinh”. Học thuyết Lão Trang tuy không có địa vị chính trị nhưng lại có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa Trung Hoa. Ngay cả thời cực thịnh của Khổng giáo cũng không thể triệt tiêu được sức mạnh của học thuyết này. Nhiều người đặt ra câu hỏi rằng Đạo giáo có phải là tôn giáo hay không hay chỉ là một trường phái Triết học. Chúng ta có thể thấy rằng, Đạo giáo có hệ thống đạo sĩ với các nghi thức riêng của mình, họ luyện thuốc trường sinh, tu tiên đạo. Vậy chúng ta có thể chỉ đơn thuần xếp Lão Tử, Trang Tử như một triết gia mà không thể xếp hai ông ngang hàng với Zarathustra hay Jesus Christ hay sao? Nếu mở rộng khái niệm tôn giáo, không chỉ dựa trên các quan niệm của Tôn giáo nhất thần, thì ta có thể thấy rằng Đạo gia thực sự là một tôn giáo.

Các tôn giáo vô thần này, trong nguyên bản, đề cao việc tự thực hành tâm linh và đạt tới chứng ngộ thay vì niềm tin chung. Các tôn giáo vô thần thường không được sự ủng hộ của các chính quyền, trừ khi hệ thống ấy tự biến mình thành đa thần hay nhất thần để có thể thích nghi. Tuy nhiên, ở thế giới của các Triết gia và các văn nghệ sĩ, các tôn giáo này vẫn giữ được tính chất vô thần cùng với các giá trị về trí huệ mà các tôn giáo niềm tin ít khi đề cao. Và bởi thế, các giá trị cốt lõi này không thể thuộc về số đông.

Kỷ nguyên tôn giáo mới – Sự cá nhân và tích hợp

Tôn giáo Nhất thần sau một thời gian dài thống trị Châu Âu đã bắt đầu phải đương đầu với những hoài nghi lớn của con người.  Sau cuộc Cải cách Tin Lành của Martin Luther, Chủ nghĩa Tư Bản ngày càng bành trước, đi kèm với đó là sự lên ngôi của Khoa học và Kỹ thuật. Sự lên ngôi của tinh thần Khoa học, cùng sự nở rộ của các triết gia, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ ở thời kỳ Khai Sáng đã làm lung lay nền móng của Nhà Thờ. Một cuộc đập phá niềm tin bằng ngôn từ đã diễn ra không thể kiểm soát trong các tác phẩm văn học và các công trình khoa học nghiên cứu bản chất thực tại.  Friedrich Nieztsche, đã thốt lên trong tác phẩm “Zarathustra đã nói như thế” của mình rằng: “Chúa đã chết”. Đỉnh cao của cuộc đập phá tư tưởng này là những tác phẩm của các nhà chủ trương Chủ nghĩa Xã hội mà điển hình là Karl Marx.

Khi các nước tư bản đi xâm chiếm các thuộc địa nghèo nàn hơn ở Châu Mỹ, Châu Phi, Trung Á và Á Đông, các nét đặc sắc trong văn hóa và tôn giáo của các nước thuộc địa lại gây một sự hứng thú lớn với các triết gia và nghệ sĩ phương Tây. Sự ảnh hưởng chính từ thuộc địa này không chỉ làm lung lay nền móng của Nhà Thờ, mà hơn cả thế, bắt đầu tạo ra các giá trị mới cho văn hóa tôn giáo ở phương Tây. Sự suy sụp niềm tin và giằng co văn hóa này kéo dài trong suốt nửa cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20. Cho đến sau Chiến tranh Thế giới thứ II, những niềm tin mới dần được hình thành. Mở đầu cho các xu hướng mới này chính là nghệ thuật và sự tái sinh của các bí giáo.

Sự trỗi dậy của các giáo phái ma quỷ

Sau khi hoài nghi và đập phá niềm tin vào Nhà Thờ, người phương Tây bắt đầu nhận ra có một sự tương kỳ lạ giữa các lý thuyết của Bí giáo và khoa học, thậm chí, Bí giáo đã mở đường cho nhiều vấn đề khoa học.  Nhưng bí giáo ở thời đại mới từ những năm 1945 đến nay, bên cạnh các giáo phái nghiền ngẫm và thực tập, còn là sự phái sinh hoặc trở lại của các tôn giáo đã từng một thời bị Công giáo đàn áp và tiêu diệt. Trong đó phải để đến giáo phái Argenteum Astrum  và Satan giáo.

tg9.9
Argenteum Astrum (A.A) là giáo phái do Aleister Crowley (1875-1947) thành lập.  Aleister Crowley, một mặt bị coi là “Kẻ Đại Chống Chúa” hắc ám và đồi trụy, một mặt khác lại được xem như nhà tiên tri của thời đại mới – thời đại của tự do. Aleister Crowley nghiên cứu Chiêm tinh học, Tarot, giả kim thuật với Hội kín Golden Dawn.  Từ nền tảng của Golden Dawn, A.A ra đời. A.A thực hiện các nghi lễ hiến tế cho quỷ bằng dê, các nghi thức tình dục và sử dụng Cocaine.

Từ khoảng 12 đã có nhiều nhóm người tôn thờ quỷ Satan trong các buổi Lễ đen Những tín đồ  tiến hành những nghi lễ với các hành vi tình dục kỳ quái và hành hạ thân xác. Những người thờ phụng Satan giết những con thú và lấy bộ phận sinh dục để hiến tế quỷ Satan. Họ tin rằng sau 100 ngày, những vật tế này sẽ hồi sinh thành đệ tử của Satan. Thậm chí, họ sẵn sàng tự tử để sang một kiếp khác với sự cai trị của Satan.. Những Lễ hội Đen khá thịnh hành ở Pháp vào thế kỷ 16-17. Những người đầu trò nổi tiếng cho lễ hội Đen có thể kể đến Catherine de Medicin, nữ hoàng Pháp (thế kỷ 16), thầy tu Catherine Monvoisin (thế kỷ 17) Chữ “Satan” bị hiểu là quỷ dữ dưới con mắt của Thiên Chúa giáo và ám chỉ những chuyện làm nghịch với Thiên Chúa và đức tin của họ . Kito giáo cấm đoán các bí giáo cùng thời, nên việc luyện tập cac bí giáo này bị coi là phù thủy, pháp sư hay đàm phán với quỷ. Cho nên những buổi tập luyện đều được giữ bí mật và kín đáo. Bất cứ người nào thực tập các bí giáo đều là kẻ thù của giáo hội. Satan giáo đã tích hợp các phương pháp và nghi lễ của nhiều bí giáo vào hệ thống của mình. Cho mãi đến năm 1966 giáo đường Satan đã được chính thức tìm ra . Kể từ đó tôn giáo Satan được công khai ra đời .

Theo “Satan giáo”, tên Satan là biểu tượng như một nguồn lực tinh khiết thực sự từ thượng đế lan toả ra khắp nơi . Kẻ thù của Thượng đế cũng chính là Thượng Đế . Thượng đế không có sự tương phản Thượng đế là Thượng Ðế và không thể diễn tả Thượng Ðế qua hình ảnh của con người . Cuốn Kinh Thánh Satan giáo do Anton Szando Lavey (1930-1997) viết. Mặc dù được thờ phụng từ rất lâu, nhưng chỉ sau khi Lavey xây dựng hệ thống, thì Satan giáo mới trở nên chặt chẽ và được chính thức thừa nhận tại Tiểu bang California.

>> Tìm hiểu thêm về Satan giáo: ĐI TÌM NGUỒN GỐC CỦA TÍN NGƯỠNG SATAN VÀ SATAN GIÁO – Book Hunter

Là một tôn giáo hiện đại được xây dựng tổng hợp dựa trên rất nhiều tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau, kết hợp với việc thực hiện các phép thuật phù thủy. Wicca phát triển ở Anh trong nửa đầu thế kỷ 20, đến những năm 1950s, Wicca được phổ biến rộng rãi bởi Gerald Gardner – một công chức về hưu chuyên tìm hiểu các thuyết tâm linh và sung bái phù thủy.

Wicca thờ phụng Nữ thần Mặt trăng và Nam thần Horned, được coi là hai tính đối lập của Thiên Chúa: tính nam và tính nữ, cùng nhau kiến tạo và điều hành vũ trụ. Bên cạnh đó, Wicca còn phát triển các thuyết đa thần giáo, cổ vũ phong trào đấu tranh đòi nữ quyền. Wicca chấp nhận nhiều tôn giáo và tín ngưỡng tưởng như đối lập nhau trong các nghi lễ. Wicca cũng liên quan đến việc thực hành các nghi lễ ma thuật được lưu truyền trong dân gian, các nghi lễ này được tổ chức theo chu kỳ mặt trăng và mặt trời được diễn ra lần lượt trong năm được gọi là “The wheel of year”

Thần học Wicca rất đa dạng, nhưng cơ bản là tôn kính Nữ thần 3 ngôi, liên kết giữa mặt trăng, các ngôi sao và số phận. Ngoài ra còn có Thiên chúa Horned – Thần Rừng, động vật và lĩnh vực sau khi chết. Có một số thành viên của Wicca theo thuyết vô thần hoặc thuyết bất khả tri, không tin thưởng vào bất cứ thần linh nào mà chỉ xem thần linh như những nguyên mẫu tâm lý trong tâm trí con người.

Những người Wicca tin và thực hành ma thuật hay phép thuật phù thủy. Phép thuật này có được thông qua các nghi lễ. Họ cho rằng ma thuật là “khoa học và nghệ thuật tạo ra sự thay đổi phù hợp” hoặc “khoa học của sự kiểm soát các lực lượng bí mật tự nhiên”. Với họ, ma thuật cũng chỉ là một điều tự nhiên mà khoa học hiện đại bỏ qua, thực ra đó là sự phối hợp sử dụng đầy đủ 5 giác quan để đạt được sự siêu việt.

Các nghi lễ Wicca thường được tổ chức bên trong một vòng tròn thiêng liêng với sự nỗ lực làm thay đổi thế giới vật chật. Những phép thuật này chủ yếu để chữa bệnh, bảo vệ khả năng sinh sản, hoặc trục xuất các ảnh hưởng tiêu cực, còn được gọi là “ma thuật trắng”, tương phản với “ma thuật đen” liên kết với Satan. Đạo đức của Wicca được quy định, được gọi là Rede Wicca dựa trên cơ sở của Tình yêu thương, từ bi, bác ái; cùng với lời răn dạy rằng bất cứ người nào sử dụng pháp thuật gây đau khổ cho người khác thì đau khổ sẽ quay trở lại với người đó gấp 3 lần.

Nhiều Wicca thường xuyên trau dồi 8 đức tính của Nữ thần: Tôn kính, Danh dự, Khiêm nhường, Sức mạnh, Vẻ đẹp, Quyền năng, Lòng từ bi và niềm Hân hoan. Mặc dù Gerald Gardner đã tuyên bố đồng tính luyến ai mang lại “lời nguyền của nữ thần” nhưng nhiều Wicca nổi tiếng như Alex Sanders và Eddie Buczynski đã công khai đồng tính hay lưỡng tính.

Wicca tôn thờ 5 nguyên tố Khí, Lửa, Nước, Đất cộng với Aether (hay tinh thần), đại diện cho 5 dạng nguyên mẫu của vật chất. Nam nguyên tố này được gọi trong nhiều nghi lễ ma thuật, nhất là khi thực hiện vòng tròn ma thuật. 5 nguyên tố này có thể được sử dụng trong nghi lễ một cách đơn giản trong thiên nhiên, ví dụ như ngay trong 1 cái cây đã có đất, nước ở nhựa cây và độ ẩm, lửa thông qua quá trình quang hợp và không khí 02 được tạo ra từ CO2, tất cả được thống nhất qua tinh thần. Mỗi nguyên tố đều có một vị trí trong không gian: Khí phía Đông, Lửa phía Nam, Nước phía Tây, Đất phía Bắc và tinh thần nằm ở trung tâm.

Một nghi lễ truyền thống khác đó là linh mục tối cao (cả nam và nữ) gọi Thiên Chúa và Nữ thần thâm nhập vào họ trước khi quan hệ tình dục, để nâng cao năng lượng ma thuật khi đọc thần chú. Có một số trường hợp thay thế việc quan hệ tình dục bằng việc biểu diễn trong thẻ bài hoặc bằng các biểu tượng bằng Dao găm (dương vật) và Chén thánh (tử cung).

Wicca không có văn bản thiêng liêng như Kinh Thánh, Tanakh hoặc Koran, các văn bản của họ chỉ ghi chép các quy định và thực hành của họ. Gerald Gardners sử dụng 1 cuốn sách có tên là “Cuốn sách của những bóng ma” và bài thơ “Lời khuyên của Nữ thần”. Sách hướng dẫn làm thế nào để thực hiện các nghi lễ phép thuật.

Vào cuối thế kỷ 19, một thầy phù thủy tên là L.A Hussey đã viết những câu thơ truyền cảm hứng, kích thích sự đi lên của nguyên mẫu Phù Thủy:

“THỜI ĐẠI PHÙ THỦY
Hãy trỗi dậy, hỡi các phù thủy, hãy triệu hồi sức mạnh
Hãy để quyền năng trải rộng và vươn cao
Mẹ Đất và những đứa con của bà cần chúng ta
Để đối mặt với thời đại của sự hủy diệt
 
Ta sẽ không ẩn dấu trong rừng thiêng
Những nhà máy và thành phố đang réo gọi ta
Ta sẽ không trèo lên tháp ngà
Thế giới thực vẫn tồn tại dù cho ta chối bỏ
 
Ta sẽ không thuộc về nhà thờ hay quốc gia
Ai sẽ hiến dâng cho họ khi họ chỉ hiến dâng dối trá
Không chỉ vì dòng máu phù thủy của ta
Mà vì tất cả các gia tộc đang tồn tại
 
Hãy trỗi dậy, hỡi các phù thủy, hãy triệu hồi sức mạnh
Hãy để quyền năng trải rộng và vươn cao
Mẹ Đất và những đứa con của bà cần chúng ta
Để đối mặt với thời đại của sự hủy diệt
 
Liệu có phải vì sự nổi dậy là chiến đấu
Quốc gia quên mất lý do được tạo dựng
Nếu dị giáo để chống đối nhà thờ
Tất cả những điều luật với quyền uy, sợ hãi và tội lỗi
 
Hãy để chúng ta nổi dậy trong tự hào
Những kẻ dị giáo không hổ thẹn vì tội lỗi
Bàn tay của nhà chuyên chế thống trị Mẹ Đất
Sự nổi dậy của kẻ dị giáo là điều bà cần
 
Hãy trỗi dậy, hỡi các phù thủy, hãy triệu hồi sức mạnh
Hãy để quyền năng trải rộng và vươn cao
Mẹ Đất và những đứa con của bà cần chúng ta
Để đối mặt với thời đại của sự hủy diệt”

Sự trỗi dậy của các giáo phái thờ Ma quỷ này trên thực tế là một xu hướng đảo nghịch để chống lại niềm tin vào tính Thiện và hệ thống lề luật cứng nhắc của Thiên Chúa giáo. Bởi thế, các giáo phái thờ Qủy như A.A hay Satan giáo thường gắn liền với phù thuật, nghi lễ máu, ma túy, tình dục và thuốc phiện. Lavey hay Crowley là nguồn cảm hứng cho nhiều ban nhạc Rock và chính nhạc Rock phần nào đó đã lan tỏa các tư tưởng của các giáo phái thờ ma quỷ này. Bên cạnh đó, khi hình mẫu phù thủy trở nên được ưa thích hơn cùng với sự quyến rũ, huyền bí và quyền năng, đã làm lung lay các tiêu chuẩn về Đạo đức và chuẩn mực xã hội ở phương Tây.  Nhưng cũng chính nhờ sự tái sinh của Qủy  và Phù thủy này, một cuộc hoài nghi mang tính thời đại đã bùng nổ để tách con người ra khỏi sự sắp đặt của các hệ thống. Tôn giáo thời đại mới đã hình thành với hai xu hướng: Tích hợp và Cá nhân.

Xu hướng tích hợp

Trao đổi thông tin càng ngày càng trở nên nhanh hơn và mạnh hơn, đặc biệt là sau Thế chiến thứ II đến nay.  Sự va đập của các nền văn minh, các nền văn hóa cũng dẫn đến sự va đập của các tôn giáo. Ở phương Tây hay phương Đông, sự hòa trộn của các cộng đồng tôn giáo thông qua giao thương và truyền thông đã khiến cho các tín đồ không thỏa mãn với chính tôn giáo của mình, đôi khi họ tìm thấy câu trả lời cho những thắc mắc ở ngay các tôn giáo khác, thậm chí là tôn giáo  có xu hướng đối lập.
Năm 1960, ở Âu – Mỹ một phong trào tâm linh đã nảy sinh với tên gọi “New Age”. New Age   – Kỷ nguyên Mới, đánh dấu từ lời tiên tri về Kỷ nguyên Bảo Bình. Kỷ nguyên Bảo Bình là thuật ngữ dùng để gọi thời đại khi điểm xuân phân của Trái Đất chuyển dịch vào vị trí dưới sự ảnh hưởng của chòm sao Bảo Bình. Chòm sao Bảo Bình với hình ảnh “Người mang nước”, tượng trưng cho Ý tưởng, Khoa học – Công nghệ, Sự đột phá, Sự Khác Biệt và Tính Cá Nhân. Phong trào New Age dự đoán về một thế hệ Indigo (8X-9X) và Crystal (Những người sinh sau năm 2000), những thế hệ sẽ tạo ra thay đổi trên thế giới, chuyển hóa thế giới theo các xu hướng tốt đẹp hơn. Phong trào New Age đã kích thích rất nhiều bí giáo xuất hiện và lan tràn như Kabbalah, Mật Tông, Sufi… Từ phong trào New Age, một loạt các tôn giáo hiện đại khác cũng xuất hiện như Scientology, Brahma Kumaris… Thậm chí như học viên Brahma Kumaris còn cho rằng các tôn giáo có chung một gốc, và con người chính là các vị Thần.

Xu hướng cá nhân hóa

Xu hướng Cá nhân hóa trong Tôn giáo là một biểu hiện rõ nét của Kỷ nguyên Bảo Bình. Cũng trong quãng những năm 1960, Krishnamurti và Osho cùng xuất hiện và thuyết giảng về tính cá nhân hóa trong Tôn giáo. Cho dù khác nhau về phong cách nhưng họ đều nhấn mạnh một điều: Tôn giáo là con đường của mỗi cá nhân, không phải là hệ thống giáo hội.

Krishnamurti cho rằng: “Con người là kẻ tự giải phóng bản thân” “Những bậc đạo sư đúng nghĩa thì chẳng bao giờ bày đặt ra lề luật, hay giời luật, họ chỉ muốn giải phóng con người”.

Còn Osho cho rằng: ““Tôi muốn Phật Cồ Đàm (tức Thích Ca Mâu Ni) và Zorba Hy Lạp gần nhau hơn – trở thành một… Mang trần tục và thiên đường đến gần nhau hơn; hãy để Thượng Đế và thế giới của người có thể cùng nhau. Hãy để cho cơ thể và linh hồn của bạn là một bài ca được ca lên cùng nhau, cơ thể và linh hồn nhảy múa và hòa cùng nhau.”

Và Osho đã có những dự đoán về con người mới trong Kỷ nguyên mới:

“Con người mới sẽ không là thế này hoặc thế kia; con người mới phải là cả hai. Con người mới sẽ là thế tục và linh thiêng, trần tục và thanh tao. Con người mới sẽ chấp nhận tính toàn bộ của mình và sẽ sống với điều đó mà không có sự chia tách bên trong. Tính cao đẹp của con người mới sẽ không đối nghịch với tính xấu xa, đạo đức của con người mới sẽ không có sự đối nghịch nào. Con người mới sẽ vượt lên lưỡng cực, sẽ không bị tâm thần phân liệt. Với con người mới sẽ xuấ hiện thế giới mới, bởi vì con người mới sẽ nhận thức được con đường khác về phẩm chất và người đó sẽ sống cuộc đời hoàn toàn khác, chưa từng được sống trước đó.”

Osho và Krishnamurti đề xuất hai xu hướng tu tập khác nhau. Nếu nhớ đến Apollo và Dionysus, chúng ta sẽ thấy Osho tương ứng với Dionysus và Krishnamurti thì tương ứng với Apollo. Trong suốt quá trình truyền đạo của mình, họ có nhiều lần tranh luận với nhau, nhưng trên thực tế, Apollo chỉ tồn tại khi có Dionysus và Dionysus tồn khi khí có Apollo.

Kết luận

Suy cho cùng, tôn giáo là con đường của việc tự nhận thức. Tiến trình lịch sử của Tôn giáo chính là tiến trình của sự chuyển dịch nhận thức, các con người luận giải về vũ trụ, về thế giới và về chính bản thân mình. Dù niềm tin hay hoài nghi, dù thiên thần hay ác quỷ, dù hệ thống hay cá nhân cũng chỉ là những quá trình của hai cực trái ngược nhau để cùng đẩy chúng ta tìm đến phần tinh thần hay bản tính tinh túy nhất của chúng ta mà thôi. Cho dù chúng ta đến với tôn giáo bằng con đường hệ thống hay bằng con đường cá nhân thì cái đích cuối cùng là chúng ta tìm thấy bản thân mình và tìm thấy Thượng Đế trong chính mình.

Hà Thủy Nguyên
Tài liệu tham khảo:
“Veda & Upanishad” – NXB Chính trị quốc gia
“Kinh Thánh” (Thiên Chúa giáo)
“Kinh Gita” – Bản ebook (Một phần của MahaBharata)
“Đạo Đức kinh” – Lão Tử
“Lịch sử Châu Âu” – Norman Davis
““History of God – 4000 years quest of Judaism, Christianity and Islam” – Karen Amstrong
Lịch sử Trung Đông 2000 năm trở lại đây – Bernard Lewis
Một nền đạo đức Tin Lành – Max Weber
Lịch sử Phật giáo – Đoàn Trung Còn

Mời xem toàn bộ buổi Seminar Tiến trình chuyển đổi nhận thức trong tôn giáo

https://youtu.be/rQbte7s8Y0I

Hệ thống các vị Phật, bồ tát và thần, quỷ trong Phật giáo

I – Giáo đoàn của Thích Ca Mâu Ni và các hệ thống kinh điển Những chứng tích về Thích Ca Mâu Ni Đức Phật Cồ Đàm (Siddhattha Gotama) hay Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni) là cái tên đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt và chúng ta được nghe kể rất nhiều về cuộc đời của ông qua các truyền thuyết Phật giáo được lưu lại trong văn bản kinh sách, thế nhưng, nếu tiếp cận cuộc đời của ông dưới góc

NIỀM TIN TÔN GIÁO CÓ GIÚP CHÚNG TA VƯỢT QUA NỖI SỢ CHẾT?

Một nghiên cứu mới đây đã khảo sát tất cả các dữ liệu có sẵn về việc chúng ta sợ hãi vì những gì xảy ra khi cuộn dây số phận hữu hạn của chúng ta bị loại bỏ. (Điển tích “shuffle off this mortal coil” ý muốn nói đến “cuộn dây số phận” trong thần thoại Hy Lạp do Moire giữ). Họ nhận ra rằng những người vô thần là những người ít sợ hãi trước cái chết… và, có lẽ không ngạc nhiên,

Minh Linh

20/09/2017

Erich Fromm và sứ mệnh tâm phân học như “y sĩ của linh hồn”

Tâm phân học (psychoanalysis, thường được dịch là phân tâm học) trong những năm qua đặc biệt được ưa chuộng tại Việt Nam. Lúc đầu, các nhà phê bình văn học thường sử dụng tâm phân học như một con dao mổ sắc nhọn để hé lộ cõi giới của các văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ… Khi tâm phân học lan ra đại chúng độc giả Việt, con dao mổ ấy được sử dụng để phanh phui các chứng bệnh xã hội

Sách “Tôn giáo học từ nhiều cách tiếp cận” do Peter Connolly chủ biên – một giáo trình quan trọng

“Tôn giáo học từ nhiều cách tiếp cận” do Peter Connolly chủ biên là một trong những cuốn sách quan trọng trong lĩnh vực tôn giáo học, đóng vai trò như một “giáo trình căn bản” có thể giúp các sinh viên hoặc những người bước đầu nghiên cứu tôn giáo. Sách là một tập hợp các hướng tiếp cận tôn giáo học từ cổ điển tới hiện đại được giới thiệu bởi các chuyên gia nghiên cứu tôn giáo tại các trường đại học

Sách hay về lịch sử tôn giáo phương Tây trên Amazon

#1. A History of God: The 4,000-Year Quest of Judaism, Christianity and Islam – Karen Amstrong Đây là một cuốn sách tuyệt vời của Karen Amstrong – một trong những nhà phê bình xuất sắc nhất của Anh về chủ đề tôn giáo. Bà đã ghi lại lịch sử nhạn thức và trải nghiệm Thiên Chúa từ thời Abraham đến nay. Karen Amstrong đã thực hiện một phép lạ kỳ diệu khi chưng cất lịch sử tri thức của chủ thuyết độc thần thành một