Home Chuyên đề tháng ĐI TÌM NGUỒN GỐC CỦA TÍN NGƯỠNG SATAN VÀ SATAN GIÁO

ĐI TÌM NGUỒN GỐC CỦA TÍN NGƯỠNG SATAN VÀ SATAN GIÁO

le-nam

Lê Nam

04/10/2017

Satan giáo (Satanism) trong những năm gần đây dành được sự chú ý của nhiều người có xu hướng tâm linh chống đối lại các hệ thống lề luật. Năm 2014, một nghi lễ Satan giáo được tổ chức tại Trường đại học danh giá Havard đã bị hủy bỏ (1), gây ra một sự phẫn nộ trong không ít sinh viên trường này vì cho rằng quyền tự do tôn giáo, tự do biểu đạt không được tôn trọng. Sự kiện trên cho thấy vị thế của Satan giáo trong xã hội hiện nay. Tôn giáo này dường như được yêu thích và bảo vệ bởi một nhóm người tin tưởng vào các giá trị tự do kiểu hiện đại nhưng lại bị lên án bởi những người theo các tôn giáo chính thống thời phong kiến ở phương Tây mà Kito giáo là một điển hình, một số khác thì cảm thấy nghi ngại.
Bản chất và nguồn gốc của Satan giáo tưởng như rất rõ ràng nhưng lại có vẻ mù mờ. Chính bởi sự mù mờ ấy, những lời thuyết giảng đầy mê hoặc hay những lời công kích đầy căm phẫn đều khiến chúng ta rơi vào vòng xoáy của thứ dư luận vô nghĩa. Chúng ta sẽ không hiểu được tại sao chúng ta phải tôn thờ hay chối bỏ một đấng được gọi là Satan. Tôi sẽ thực hiện một cuộc lục lọi nhỏ trong những văn bản khảo cứu, những tư liệu rời rạc để lắp ráp cho các bạn thấy một bức tranh toàn cảnh về bản chất và nguồn gốc của Satan giáo. Tôi hi vọng rằng, những thông tin tôi cung cấp cho các bạn có thể giúp các bạn thoát khỏi sự mê hoặc hay phẫn nộ để đánh giá về Satan giáo đúng với những gì nó là.
Satan giáo được hợp thức hóa
Năm 1966, Anton LaVey đã thành lập nhà thờ Satan (Church of Satan) và sau đó, ông xuất bản cuốn Kinh Thánh Satan vào năm 1969. Với những hành vi này, Anton LaVey được coi là “Cha đẻ của Satan giáo”. Giáo lý trong Kinh thánh của Satan giáo đề cao những giá trị của “sự khoái lạc”, “đời sống vĩnh cửu”, “lòng tử tế đối với người xứng đáng”, “trách nhiệm với người có trách nhiệm”, “tình yêu vô điều kiện”, “chủ nghĩa hòa bình”, “bình đẳng”, “tâm lý bầy gia súc” hay còn gọi là tâm lý đám đông (2), “sự tế thần” (3)… Satan giáo cho rằng con người vẫn có thể đảm bảo các khoái lạc của đời sống mà vẫn có thể thấu suốt được chân lý. Tư tưởng này dường như đã trở thành sức hấp dẫn đặc biệt của Satan giáo đối với những người mong muốn bước chân vào thế giới thiêng liêng mà không muốn mất đi các thú vui trần thế của mình. LaVey cũng tin rằng con người cá nhân là rất quan trọng và bản ngã con người cần được khích lệ. Có thể nói, những tuyên ngôn của LaVey trong Kinh thánh Satan giáo dường như rất phù hợp với thế kỷ 20 với nhiều biến loạn và sự lên ngôi đến đỉnh điểm của chủ nghĩa cá nhân. Bảy Tội Lỗi của Thiên Chúa giáo lại được LaVey coi như những phẩm chất đáng có của con người. Cuốn Kinh Thánh Satan giáo thực sự đã vẽ ra một xã hội Satan lý tưởng nơi tất cả con người đều được tự do theo những gì mình muốn.
Thực tế là, trước LaVey, các nhóm thờ Satan đã xuất hiện từ rất lâu. Trong những năm 1720s, tại Anh và Ireland, một Câu lạc bộ có tên Hellfire gồm rất nhiều các quý tộc và tư sản đã tổ chức những cuộc họp mặt với các lời lẽ nhạo báng Thiên Chúa và hoạt động “Satan tinh nghịch” mà trong đó Satan được gọi là “dám thể hiện sự khinh thường đối với những đạo đức thông thường” (4). Thế nhưng, một tin đồn nhuốm màu thuyết âm mưu sau Cách mạng Tư Sản Pháp năm 1789 đã đưa những người tôn thờ Satan lên một vị thế quyền lực siêu nhiên cao hơn. Sau thành công của Cách mạng Tư Sản Pháp, quyền lực của La Mã Công giáo bị suy sụp, một linh mục Công giáo người Pháp đã loan truyền rằng chính những kẻ thờ Satan đã đứng sau cuộc Cách mạng này như một sự trả thù đối với giáo hội. Ông còn loan truyền rằng những kẻ thờ Satan có quyền năng nguyền rủa người khác và có khả năng biến đổi thành mèo hay bọ chét. Những lời loan truyền của linh mục này dù rất hoang đường nhưng lại được lấy làm cơ sở cho một cuốn sách có tên “The temple of Satan” của  Stanislas de Guaita.  Thế rồi, trong thế kỷ 20, tín ngưỡng tôn thờ Satan đã trở thành chủ đề được nhắc đến rất nhiều trong các cuốn tiểu thuyết đại chúng.
Sự lên ngôi của nhạc Rock mới thực sự mang lại sự ảnh hưởng của Satan vào Satan giáo. Trong những năm 1960s và 1970s, một số nhóm nhạc rock – cụ thể là American Coven và Black Widow của Anh, đã sử dụng hình ảnh của Satan và phù thủy trong tác phẩm của mình. Black Sabbath cũng thể hiện sự thích thú với Satan mặc dù một số bài khác ban nhạc này lại thể hiện niềm tin vào Thiên Chúa Tối Cao. Ở Anh, các ban nhạc xu hướng heavy metal trong những năm 1970s cũng sử dụng các biểu tượng Satan. Đến những năm 1980s, các ban nhạc heavy metal như Decide, Morbid Angel, Entombed… đã lồng ghép biểu tượng Satan giáo với các biểu tượng chết chóc như ma quỷ, zombie… Một nhánh nhỏ của thể loại heavy metal là black metal cũng tập hợp các ban nhạc rock chống lại niềm tin Thiên Chúa và những buổi trình diễn cuồng loạn, đen tối như một nghi lễ ma quỷ. (5)
Biểu tượng Satan trong thời Trung Cổ
Chúng ta thường quen thuộc với khái niệm Satan như chúa quỷ chống lại Thiên Chúa, và  đồng nhất Satan với thiên thần sa ngã Lucifer. Những điều này được ghi lại trong Kinh Thánh Cựu Ước. Cách hiểu này thông dụng ngay cả trong các văn bản chính thống như  các tác phẩm của John Milton cho đến những câu chuyện kể dân gian từ các dị giáo (paganism).
Những nghi thức thờ cúng hoặc thực tập theo tín ngưỡng Satan không rõ được hình thành chính thức từ khi nào, nhưng những văn bản ghi nhận lại hoạt động này chỉ ra rằng chúng  bắt đầu được tổ chức vào thế kỷ 15. (6) Các hoạt động này ban đầu được diễn ra ở miền Bắc nước Ý và nước Pháp, sau đó lan sang Anh và các quốc gia khác ở Châu Âu. Ý niệm tín ngưỡng Satan được gắn liền với các phép thuật cổ xưa, khiêu vũ với các tiên nữ, các hình ảnh phù thủy hắc ám…v…v… Từ 30.000 đến 50.000 người đã bị buộc tội thực hiện nghi lễ thờ Satan và bị xử tử. Dù cho nhiều sử giả sau này cho rằng họ vô tội nhưng các sử gia Geoffrey Scarre và John Callow đã đưa ra nhiều bằng chứng trong bản tóm  lược các sự việc của họ để chứng minh rằng đa phần người bị xử từ đều có tội  vì sử dụng phép thuật để ám hại kẻ thù của họ. (7) Có một câu chuyện thú vị về những tên cướp ở Thụy Điển vào thế kỷ 17. Chúng bị bắt và xét xử vì tội trộm cướp. Khi  đứng trước tòa, chúng đã thừa nhận rằng chúng tôn thờ Satan vì Satan mang lại những lợi ích thiết thực hơn Thiên Chúa. (4) Đó chính là những biểu hiện của Satan trong tín ngưỡng dân gian.
Satan thực sự có sức ảnh hưởng đến giới học thuật thời Trung Cổ chính là nhờ tác phẩm “Paradise Lost” của John Milton. Câu chuyện về Thiên thần sa ngã Lucifer nổi dậy chống lại Thượng Đế đã tạo ra cơ hội cho biểu tưởng Satan thâm nhập vào giới học thuật. John Milton là một học giả Thanh giáo và không có ý định thể hiện sự đồng cảm của mình với nhân vật thần thoại được cho là quỷ dữ này. Thế nhưng, khi viết, Milton lại  đồng nhất những suy nghĩ và cảm xúc của mình với Lucifer như một kẻ nổi dậy tự do, chống lại mọi sự áp đặt.  Thế nhưng, chỉ đến nhà thơ Anh Percy Bysshe Shelley thì Satan mới được nhắc đến như một thế lực tốt đẹp trong vũ trụ chứ không phải đóng vai trò như quỷ dữ. Sau đó một loạt các tác giả khác cũng đề cập đến Satan một cách đầy cảm hứng, trong đó có Lord Byron (8) và Victor Hugo (9).
Khi những cuộc Cách mạng tư sản diễn ra vào thế kỷ 18 như Cách mạng Tư Sản Pháp 1789 hay Cách mạng giải phóng ở Mỹ, Satan trở thành biểu tượng cho tinh thần chống laị quyền lực của giáo hội Công giáo. Đối với họ, Satan trở thành biểu tượng của tinh thần “chống lại bạo quyền, bất công, áp bức… , một nhân vật thần thoại đại diện cho một thế kỷ Cách mạng, một nhân cách kỳ vĩ cho kỷ nguyên của chủ nghĩa cá nhân, một nhà tư tưởng tự do cho môt kỷ nguyên tự do tư tưởng.” (10)
Việc sử dụng hình ảnh “Lucifer”  đồng nhất với Satan được thúc đẩy bởi pháp sư người Pháp Eliphas Levi vào thế kỷ 19, khi ông còn  trẻ. Hình ảnh Lucifer gắn liền với các sáng tác nghệ thuật lãng mạn của ông. Nhưng sau đó, ông lại chọn  lựa biểu tượng Baphomet và đồng nhất vị thần đầu dê này với Satan. (11)
Tất cả những điều trên trong suốt dòng lịch sử đã tạo nên diện mạo chúng ta được biết đến ngày nay ở Satan giáo. Chúng vừa khiến người ta  thấy rùng rợn laị vừa thấy bị mê hoặc và do đó Satan giáo đạt được hiệu quả tuyên truyền của mình.
Truy dấu qua thần thoại
Khái niệm Satan được nhắc đến đầu tiên trong Kinh Thánh Cựu Ước với cụm từ “ha-Satan”. Nguồn gốc của từ “Satan” có nhiều giả thuyết nhưng  từ “ha” trong tiếng Hebrew cổ có vai trò như mạo từ “the” trong tiếng Anh. Khi đứng trước “Satan” thì cả cụm này dùng để ám chỉ một giống loài Satan chứ không phải một cá nhân. Thế nhưng, không hiểu vì lẽ gì chúng ta thường hiểu Satan như một cá nhân. Trong câu chuyện về Vườn Địa Đàng với sự sa ngã của Adam và Eva, Satan được mô tả dưới hình dạng con trăn hay con rắn với những lời xúi bẩy.
Satan được gắn với Tổng lãnh thiên thần sa ngã Lucifer trong Sách Isaiah của Kinh thánh Do Thái giáo. Từ “Lucifer” có nghĩa là “ánh sáng” hay “người mang đến bình minh”. Sau đó, truyền thống Kito giáo đã sử dụng Lucifer đồng nhất với quỷ dữ hay Satan. Lucifer có thể có xuất xứ từ thần thoại Cannaan. Trong thần thoại có nhắc đến thần Attar đã cố gắng chiếm ngôi của anh trai mình là Ba’al, nhưng thất bại, nên phải xuống cai trị dưới  địa ngục. Không chỉ trong sách Isaiah, nhiều đoạn khác trong Kinh Thánh cũng nhắc đến Lucifer với vai trò như Satan. Trong kinh thánh Satan giáo của Anton LeVey, Lucifer chỉ là một trong 4 hoàng tử của địa ngục, vị thần cai quản phương Đông và nguyên tố Khí. Như vậy, từ chiết tự, biểu tượng và câu truyện của Lucifer, dường như rất khó tìm được sự liên quan đến biểu tượng con trăn hay con rắn được nhắc tới trong câu chuyện Adam và Eva.
Bây giờ chúng ta sẽ xem xét đến Baphomet, biểu tượng phổ biến nhất được đồng nhất với Satan trong niềm tin của nhuững người thờ Satan. Cái tên Baphomet là tên một vị thần được thờ phụng bởi các hiệp sĩ dòng đền, thế nhưng, chính Levi đã vẽ Baphomet dưới hình dạng vị thần dê mà chúng ta biết ngày nay. Cái tên này được biết sớm nhất là qua bức thư của một hiệp sĩ thánh chiến vào năm 1098: “Sáng hôm sau, khi ngày mới bắt đầu, họ hô lớn tên Baphomet và chúng tôi đã cầu nguyện bằng cả linh hồn với Thiên Chúa, sau đó chúng tôi tấn công và ép buộc  toàn bộ bọn họ ra bên ngoài thành phố”. Sau đó Baphomet trở nên phổ biến hơn trong nhiều văn bản của quân Thập tự chinh và trong truyền thống của các Hiệp sĩ dòng đền.  Về biểu tượng thần dê, Levi lấy cảm hứng từ quân “The devil” hay “Le Diablo” trong bộ Tarot Marseilles được vẽ vào thế kỷ 18. Trong lá bài này, Baphomet gắn liền với Mecury. Trong sách của mình, Levi đã ám  chỉ Satan với vai trò là Baphomet đồng thời cũng chính là thần đầu dê Pan trong thần thoại Hy Lạp. Ông ta đã dành những ngôn từ ca ngợi để  viết về Pan: “thần của triết học hiện đại của chúng ta, vị thần của trường đào tạo Alexandria và các nhà Tân Plato thần bí của chúng ta, thần Lamartine và Victor Cousin, thần Spinoza và Plato, thần của các trường phái Ngộ đạo nguyên thủy”(12)
Như vậy, chúng ta laị có thêm một dấu vết thần thoại nữa để lần theo – thần Pan. Thần Pan là vị thần đầu dê, bảo hộ cho những người du mục ở vùng Arcadia. Trong phả hệ của thần thoại Hy Lạp, thần Pan có rất nhiều xuất xứ. Từ “Pan” trong tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là “Tất cả” hoặc là “Hợp lại”. Tuy nhiên, Pan có thể không phải là tên một vị thần duy nhất mà là một hệ thống các thần Pan, theo như các vở kịch của Aeschylus, kịch gia Hy Lạp cổ đại. Đây cũng là trường hợp tương tự với khái niệm “ha-Satan” được nhắc đến trong Kinh Thánh Cựu Ước, là để ám chỉ một loài chứ không phải đơn thuần là một thực thể thần thánh. Pan, với mô tả nửa người nửa dê,  vốn dĩ thuộc về giống loài Satyr. Satyr cũng được nhắc đến trong Sách Isaiah như quỷ dữ. Satyr là khái niệm có thể liên quan đến tín ngưỡng thờ dê nói riêng và thờ các vị thần nói chung ở các khu vực quanh Địa Trung Hải và Trung Đông. Hình ảnh vị thần có sừng xuất hiện trong nhiều nền văn hóa, trong đó có Celtic, Hindu, và đặc biệt là người Berber ở Châu Phi. Vị thần tối cao của Berber có hình đầu dê có tên là Ammon hay Amun. Ammon được chính người Hy Lạp thừa nhận là thần Zeus – vị thần tối cao của Olympus. (13) Một điểm thú vị đó là thần đầu dê Pan được kể lại trong thần thoại giúp Zeus rất nhiều lần trong cơn nguy khốn, cho thấy mối quan hệ giữa các nhóm tín ngưỡng thờ dê. Và khả năng Zeus có mối liên hệ với Berber không phải là không có.
Như vậy, ta có thể thấy,  vị thần đầu dê mà ta được biết đến với vai trò là Satan có vị thế rất lớn trong nền văn hóa phương Tây, bén rễ từ cổ xưa và có thể là còn cổ xưa hơn cả các vị thần Hy Lạp. Sử gia Hy Lạp Plutarch có ghi lại chi tiết về tin đồn “Thần Pan vĩ đại chết rồi” diễn ra dưới triều đại Tiberius (14-37 AD) của La Mã. Người ta cho rằng chính cái chết của vị thần đầu dê này đã đánh dấu sự xuất hiện của chúa Jesus. (14) Có khả năng rằng tin đồn “Thần Pan vĩ đaị chết rồi” gắn liền với cuộc đàn áp các nhóm tôn giáo thờ dê.
Sự trỗi dậy của tín ngưỡng thờ Satan vào thế kỷ 15 tới thế kỷ 18 cũng đồng thời đưa vị thần dê Pan quay trở lại với thế giới phương Tây với  một vị thế như một vị phúc thần hay thần tối cao – sánh ngang với thần Zeus của Olympus. Trong khi tín ngưỡng thờ Satan tạo ra một phong trào chống Thiên Chúa thì Pan đóng vai trò như một vị thần cứu rỗi trong thời đại mới. Biểu tượng vị thần dê, gắn với tín ngưỡng thờ Satan và Satan giáo đồng thời cũng gắn với một loạt các  nhóm tâm linh khác như Wicca, Khu vườn Findhorn… Thậm chí, Pan còn được đồng nhất với Satan trong quan điểm Neopaganism.
Kết luận
Như vậy, thông qua việc truy tìm nguồn gốc của Satan, ta đã có thể thấy Satan giáo có xuất xứ từ các tín ngưỡng thờ dê, kết hợp với thần thoại của vùng Canaan, được  lồng ghép một cách vô ý của các học giả đang đói khát tự do dưới chế độ độc tài của giáo hội thời Trung Cổ, để rồi được lan truyền như một biểu tượng mang tính chính trị và tuyên truyền. Trong xã hội hiện đại, tín ngưỡng này càng được thổi phồng khi kết hợp với các tín ngưỡng tâm linh đến từ châu Á với nỗ lực đưa pháp thuật trở lại với  thế giới. Việc này lại khiến chúng ta nhớ đến những người tin theo Satan vào thời Trung Cổ mà  chúng ta đã được biết ở trên. Họ chọn Satan hay Pan hay bất cứ một vị thần đầu dê nào bởi vì họ cần các giá trị thiết thực như sự giàu có, khỏe mạnh, quyền năng, danh tiếng… chứ không phải các giá trị xa xôi như tình yêu hay trí tuệ. Và bởi thế, đời sống tầm thường của xã hội hiện đại mà con người lựa chọn đã đánh dấu cho sự nổi dậy của các thế lực ma quỷ.
Lê Duy Nam
Chú thích:
(1) https://conggiao.info/buoi-tho-phuong-satan-tai-dai-hoc-harvard-bi-huy-bo-d-22825
(2) Herd mentality: được gọi là tâm lý bầy gia súc hay tâm lý đám đông. Khái niệm này mô tả loại tâm lý bầy đàn được hình thành từ thời các bộ lạc thị tộc trong đời sống sản xuất nông nghiệp. Khái niệm này được đưa ra đầu tiên bởi Gabriel Tarde và Gustav LeBon.
(3)Scapegoating: Khái niệm này có xuất xứ từ việc người ta thường lấy con dê để hiến tế trong các nghi lễ. Về sau, sự hiến tế này chuyển sang việc đổ lỗi của một cộng đồng lên một cá nhân hoặc một nhóm người khác và yêu cầu cá nhân hoặc nhóm người đó phải chuộc tội cho cộng đồng.
(4)Thông tin được cung cấp trong cuốn sách Satanism: A Social History của Massiomo Introvigne (Xuất bản 2016)
(5) Đọc thêm về Black Metal: https://en.wikipedia.org/wiki/Black_metal
(6) Thông tin được cung cấp trong cuốn sách Children of Lucifer: The Origins of Modern Religious Satanism của Ruben Van Luijk (2016), do Oxford University Press xuất bản.
(7) Thông tin được cung cấp trong cuốn sách Witchcraft and Magic in Sixteenth and Seventeenth-Century Europe Phần 2 của Geoffrey  Scarre,; John Callow (2001).
(8) Vở kịch “Cain” của Lord Byron
(9) Bài thơ « La Fin de Satan » của Victor Hugo
(10) Thông tin được cung cấp trong The Invention of Satanism (2016) của Asbiorn Dyrendal, James R. Lewis và Jesper Petersen. Sách do Oxford University Press ấn hành.
(11) Đọc thêm tại đây https://en.wikipedia.org/wiki/Eliphas_Levi
(12) Trích sách « Dogme et Rituel » của Levi
(13) Đọc thêm tại đây https://en.wikipedia.org/wiki/Amun#Cult_in_Nubia.2C_Libya.2C_and_Greece
(14) Điều này được nhắc tới trong tác phẩm của John Milton “On the Morning of Christ’s Nativity”

Sách hay về lịch sử tôn giáo phương Tây trên Amazon

#1. A History of God: The 4,000-Year Quest of Judaism, Christianity and Islam – Karen Amstrong Đây là một cuốn sách tuyệt vời của Karen Amstrong – một trong những nhà phê bình xuất sắc nhất của Anh về chủ đề tôn giáo. Bà đã ghi lại lịch sử nhạn thức và trải nghiệm Thiên Chúa từ thời Abraham đến nay. Karen Amstrong đã thực hiện một phép lạ kỳ diệu khi chưng cất lịch sử tri thức của chủ thuyết độc thần thành một

Sự biến chuyển mô hình Thượng Đế: từ thần tính đến thần thoại, duy lý và tinh thần tự do tuyệt đối

Nhân đọc "Lịch sử Thượng Đế - Hành trình 4000 năm Do Thái giáo, Kito giáo, Hồi giáo" của Karen Amstrong “Con người là con vật tinh thần” – Karen Amstrong Nhận định này không hề tương phản với nhận định của Aristotle trong “Chính trị luận”  rằng “Con người là sinh vật mang tính chính trị”; mà thể hiện một khía cạnh khác của con người: đời sống tinh thần – thứ bản nguyên sơ khai nơi con người. Trong cuốn sách “Lịch sử