Tác giả: Tiến sĩ Jean-Paul Rodrigue
Đại học Hofstra, New York
Bước phát triển về cả số lượng lẫn sự luân chuyển của dân cư được định hình bởi sức chứa và những điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, như đường xá, hệ thống chuyên chở hoặc đơn giản là lối đi bộ. Do đó, có rất nhiều hình thái đô thị khác nhau, cùng với nó là nhiều cấu trúc không gian cùng hệ thống giao thông đô thị.
Hình thái đô thị: chỉ dấu ấn không gian của một hệ thống giao thông đô thị cũng như các cơ sở hạ tầng vật chất liền kề. Chúng hòa cùng nhau tạo nên một mức độ sắp xếp không gian cho thành phố. (Xem hình 1)
Cấu trúc (không gian) đô thị: chỉ tập hợp những mối quan hệ phát sinh từ hình thái đô thị và các tương tác cơ bản của con người, chuyên chở hàng hóa và thông tin. Nó cố gắng ước đoán xem một cấu trúc đô thị cụ thể có thể đạt tới giới hạn nào với hệ thống giao thông sẵn có.
Hình 1: Giao thông vận tải, hình thái đô thị và cấu trúc không gian
Do ảnh hưởng từ sự phát triển của ngành giao thông vận tải, cấu trúc không gian đô thị có thể được phân loại bởi mức độ tập trung và phân cụm:
Tập trung: đề cập đến việc thiết lập của các hoạt động trong mối liên quan đến toàn bộ khu vực đô thị. Ở một thành phố tập trung, phần lớn các hoạt động của nó đều ở trung tâm, trong khi ở thành phố không tập trung thì không như vậy. Các nhà tuyển dụng lớn chẳng hạn như các tổ chức tài chính, là những động lực chính cho quá trình tập trung hóa. (Xem hình 2)
Phân cụm: đề cập đến việc thiết lập các hoạt động trong mối liên quan đến một phần cụ thể của khu vực đô thị. Ở đây, một nhóm các hoạt động tập trung xung quanh một đầu mối cụ thể, thường là các cơ sở hạ tầng giao thông như nút giao đường cao tốc, nhà gat rung chuyển hoặc một thị trấn nhỏ đã bị nuốt lấy bởi quá tình mở rộng đô thị.
Hình 2: Phân loại cấu trúc không gian đô thị
Dù điều kiện địa lý của mỗi thành phố khác nhau đáng kể, hình thái đô thị và cấu trúc không gian của nó được khớp nối bởi hai yếu tố về cấu trúc:
Các điểm nút: Chúng được phản ánh trong tính tập trung của các hoạt động đô thị, vốn liên quan đến sự tích lũy không gian của các hoạt động kinh tế hoặc khả năng tiếp cận tới hệ thống giao thông vận tải. Trạm cuối trong tuyến vận tải, như những cảng, nhà ga, sân bay, là những điểm nút quan trọng, xung quanh nó là các hoạt động kết tụ ở cấp độ địa phương hoặc khu vực. Các điểm nút có một hệ thống phân cấp, căn cứ trên tầm quan trọng và đóng góp của điểm ấy vào hoạt động chức năng của đô thị, những nút có vị trí cao là quản lý và bán lẻ, trong khi sản xuất và phân phối là những nút có vị trí thấp hơn. (Xem hình 3)
Các mối liên kết: có những cơ sở vật chất hỗ trợ luồng lưu chuyển qua lại giữa các điểm nút. Mức độ thấp nhất của các mối liên kết, có thể kể đến đường phố, vốn là yếu tố nhận diện của cấu trúc không gian đô thị. Có một hệ thống phân cấp các mối liên kết, từ đường phố lên đến đường lớn của khu vực, đường tàu hỏa, rồi lên đến các liên kết quốc tế qua đường hàng không và các hệ thống vận tải trên biển.
Hình 3: Thành phố và kết nối
Tùy thuộc vào bản chất của chúng, các điểm nút và các liên kết cung cấp một mối liên kết chức năng, nghĩa là các chức năng phụ thuộc lẫn nhau của đô thị liên quan đến thương mại, sản xuất và viễn thông. Do đó, giao thông vận tải đô thị được liên kết với một hình thái không gian có thể thay đổi tùy theo chế độ sử dụng (Xem hình 4). Điều không mấy khi thay đổi là các thành phố có xu hướng lựa chọn mô hình đường phố hình lưới, dù cho là đô thị La Mã thế kỷ thứ nhất hay những thành phố Hoa Kỳ dựng lên ở thế kỷ 20. Lý do đằng sau sự trường tồn này tương đối đơn giản: một mô hình lưới tối ưu hóa đường đi và bất động sản sẵn có. Rõ ràng, nhiều thành phố không được quy hoạch theo hình lưới. Chúng thường là những thành phố lâu đời, trước đây là những thị trấn kiên cố, hoặc các thành phố phát triển từ một vị trí hạn chế như trên đảo hoặc ở ngã ba sông. Đặc điểm địa lý và lịch sử địa phương vẫn có ảnh hưởng quan trọng đến hình thái đô thị.
Hình 4: Một giờ di chuyển theo các phương thức giao thông đô thị khác nhau
Trong thời đại cơ giới hóa và giao thông cá nhân, phần lớn các thành phố đang phát triển một cấu trúc không gian dựa vào giao thông cơ giới, đặc biệt là ô tô thuộc sở hữu tư nhân. Điều này đã thúc đẩy một sự thay đổi từ một mô hình lưới sang mô hình đường cong và ngõ cụt (curvilinear and cul-de-sac patterns) vốn dễ thấy ở những cùng ngoại ô (Xem hình 5). Quá trình phân tán, hay quá trình trải rộng của đô thị, đang diễn ra ở nhiều kiểu loại thành phố khác nhau, từ các đô thị tập trung và đông đúc ở châu Âu như Madrid, Paris và London (Xem hình 6), đến các đô thị trọng điểm được công nghiệp hóa nhanh chóng như Seoul, Thượng Hải và Buenos Aires, đến cả những đô thị gần đây phải trải qua những bước phát triển nhanh đến mất kiểm soát gần đây như Mumbai hay Lagos. Sự mở rộng đô thị gần đây hầu hết ăn khớp với việc dùng ô tô. Do đó, có sự khác biệt đáng kể về mật độ dân số của các thành phố trên thế giới (Xem hình 7), thêm vào đó là cả sự chênh lệch mật độ giữa vùng trung tâm và vùng ngoại vi trong mỗi thành phố (Xem hình 8). Những khác biệt này đặc biệt dễ thấy giữa các thành phố Bắc Mỹ và Châu Âu (Xem hình 9).
Hình 5: Các loại mạng đường phố
Hình 6: Hình thái đô thị có cấu trúc mật độ cao, Paris
Hình 7: Mật độ dân số của các khu vực đô thị lớn nhất thế giới, 2012
Hình 8: Mật độ dân số theo khoảng cách từ trung tâm thành phố (trục hoành: Khoảng cách tới trung tâm thành phố; trục tung: mật độ người/ha)
Hình 9: Sự phát triển của mật độ đô thị ở Bắc Mỹ và Châu Âu
Nguồn: https://transportgeography.org
Người dịch: Minh Hùng