Home Đọc Đọc sách nghiên cứu, hiểu và không hiểu

Đọc sách nghiên cứu, hiểu và không hiểu

Trong một thị trường sách thiếu vắng tính học thuật và pháp lý, xuất bản lẫn lộn giữa các sách nghiên cứu, sách giới thiệu kiến thức, thậm chí là sách chém gió về kiến thức, người đọc muốn tìm tòi tri thức không khỏi hoang mang. Nhiều bạn trẻ bỏ ra không ít tiền để mua những cuốn sách “nặng đô” về hàm lượng tri thức để chứng minh với bản thân mình rằng mình có thể hiểu được cuốn sách. Nếu hiểu được thì có thể an tâm, còn nếu không hiểu được thì chỉ biết xếp chúng lên giá sách với sự tiếc nuối và thầm than. Chắc hẳn không ít bạn đã trải qua tình trạng trên.
Tôi không dám nhận là mình hiểu hết mọi chủ đề, tôi cũng không phải nhà nghiên cứu. Tôi tìm hiểu kiến thức vừa để thoả mãn các câu hỏi của mình, vừa để bổ sung cho công việc sáng tác của tôi. Do đó, tôi tin rằng thái độ của tôi với sách nghiên cứu khá tương đồng với đại đa số bạn đọc. Bởi thế, tôi chẳng ngại ngần chia sẻ kinh nghiệm đọc sách nghiên cứu của tôi với các bạn, những mong các bạn có thể giảm tải phần nào áp lực thử thách não bộ của mình và có thể tiếp cận tri thức một cách thiết thực hơn.
Đầu tiên, bạn phải xác định xem mình cần tìm hiểu về chủ đề gì. Và nếu chủ đề đã được xác định thì bạn phải xác định sâu hơn về lý do mình phải biết về chủ đề ấy. Nếu đơn thuần bạn tìm hiểu một chủ đề chỉ vì bạn thấy thích hoặc nghe ai đó nói có vẻ hay ho trong một hội thảo thì bạn đang lãng phí thời gian. Bởi vì bằng cái thích đơn thuần bạn sẽ không thể đi xa trong sự hiểu biết. Nhưng nếu bạn muốn tìm hiểu về một chủ đề để tả lời cho câu hỏi nào đó ám ảnh bạn hay phục vụ một nhu cầu nhất định thì động lực sẽ bền hơn.
Nếu bạn mua một cuốn sách chỉ vì thấy nó có hàm lượng tri thức cao thì cũng không sao cả. Những cuốn sách như vậy rất ít khi tái bản, có thể mua để tích trữ. Nhưng đừng để chúng trên giá sách một cách vô trách nhiệm. Tối thiểu hãy lướt qua mục lục của chúng, đọc thêm wikipedia về tác giả và tác phẩm, cố gắng đọc lời giới thiệu hoặc chương tổng quan. Bạn có thể ghi nhớ các thông tin tổng hợp ấy ở sổ tay hoặc trên file word để nếu sau này cần tra cứu tư liệu liên quan có thể nhanh chóng biết được mình cần tìm ở đâu. Đương nhiên, đọc hiểu toàn bộ kiến thức trong sách vẫn là tốt nhất. Nếu tủ sách của bạn đầy rẫy những cuốn sách mua về để tích trữ như vậy thì hãy phân loại chúng theo thư mục. Việc phân loại tủ sách của mình cũng phần nào giúp bạn hiểu hơn những cuốn sách bạn đã đọc và cả những cuốn chưa bao giờ đọc.
Một điểm quan trọng nữa cần lưu ý trong đọc sách nghiên cứu đó là bạn có chắc rằng cuốn sách trên tay bạn có phải sách nghiên cứu không. Do các nhà sách và nhà xuất bản hiện nay không phân rõ ràng các chuyên mục nên ta thường rất dễ lầm lẫn các hình thức sách cung cấp kiến thức. Cụ thể như sau:
– Sách tổng hợp hay giới thiệu: Đây là những cuốn sách mang tính nhập môn, dành cho những người chưa có đủ kiến thức căn bản về một chủ đề. Hình thức của chúng khá tương đồng với sách giáo trình hay giáo khoa. Thực ra chúng khá hữu ích đối với những ai không có nhu cầu biết quá sâu về một chủ đề mà chỉ cần nắm tổng quan. Ở cấp độ cao hơn, bạn có thể đọc nghiên cứu về lịch sử của một chủ đề. Những quyển lịch sử dạng này cung cấp tư liệu chính xác hơn với các trích dẫn nguyên tác, đảm bảo tính khoa học hơn so với sách dẫn nhập. Đương nhiên, cũng khó tránh khỏi không ít quyển lịch sử chuyên ngành khá “duy ý chí”, không đảm bảo độ chính xác; hoặc có quyển bản chất là sách dẫn nhập nhưng lại được đặt tên như một cuốn lịch sử chuyên ngành.
– Sách lý luận và lý thuyết: Có những học giả sau quãng đời tìm tòi của mình, ôm tham vọng lập thuyết. Có những lý thuyết hoặc lý luận đủ sức nặng để làm nền tảng cho một lĩnh vực hoặc một phương thức tư duy, nhưng cũng có những thuyết chỉ đơn giản là phản biện hoặc giả thiết. Nhiều người mua sách kỳ vọng rằng những cuốn sách lý luận hoặc lý thuyết phải ngồn ngộn dữ liệu như sách nghiên cứu nên sau đó đã thất vọng. Những cuốn sách lý luận hoặc lý thuyết thường chỉ cung cấp một nền tảng để nghiên cứu hoặc để lý giải chứ không phải sách nghiên cứu. Chúng sẽ hữu ích nếu bạn đọc kỹ phần giới thiệu về chúng và ảnh hưởng của chúng trong dòng lịch sử trước khi bạn khuân chúng về để trên giá sách. Chúng đặc biệt thiết thực để bạn hiểu mạch tư duy của nhà nghiên cứu hoặc để ứng dụng cho nghiên cứu của bản thân. Nếu không có những nhu cầu ấy, đừng mua loại sách này.
– Sách nguỵ khoa học: Đây là loại sách phổ biến và nguy hiểm nhất trong cung cấp kiến thức. Những cuốn sách này thường cố bẻ hướng dữ liệu theo cách lý giải của tác giả. Thậm chí, tác giả có thể đưa ra kết luận mà không cần đến bằng chứng hay dữ liệu. Loại sách này thường bị nhầm lẫn với sách nghiên cứu khi độc giả là người không có kinh nghiệm và không có thói quen kiểm chứng thông tin mà chỉ hứng thú với các tình tiết li kì. Thậm chí loại sách này cũng dễ nhầm lẫn với các lý thuyết và lý luận. Một tác giả lập thuyết dựa trên kinh nghiệm xử lý một khối lượng lớn dữ liệu. Với tình trạng dữ liệu thu thập không đủ thì thuyết không có nền móng vững chắc. Hoặc do thời đại thay đổi, các dữ liệu mới nảy sinh thì thuyết trở nên thiếu sót. Nhưng nguỵ khoa học thì không thế, các tác giả của dòng sách này đã dùng kết luận mình muốn truyền tải để lọc dữ liệu theo cách họ muốn, tệ hại hơn nữa đó là bịa ra dữ liệu.
Sách nghiên cứu đòi hỏi độ chính xác cao của việc cung cấp dữ liệu, cùng với một nền tảng xử lý thông tin vững chắc. Bạn không thể đọc hết một cuốn sách nghiên cứu trong một sớm một chiều, càng không thể đòi hỏi chúng phải lôi cuốn. Nhiều cuốn nghiên cứu đọc rất chán nếu đó không phải chủ đề bạn thực sự quan tâm. Cái hấp dẫn của sách nghiên cứu chính là dữ liệu và cách lý giải dữ liệu của tác giả.
Do đặc trưng vừa kể trên, bạn không thể đọc sách nghiên cứu một cách qua loa đại khái rồi cho rằng mình đã nắm được nó. Bạn nên tận dụng tối đa wikipedia khi đọc sách loại này. Rất nhiều khái niệm cần tra, rất nhiều dữ liệu cần kiểm chứng. Vì thế, hãy chọn cuốn sách nghiên cứu nào có phần chú giải đầy đủ và có danh mục khái niệm, tài liệu tham khảo rõ ràng.
Đặc biệt, đừng quên ghi chép lại các ý quan trọng. Thói quen ghi chép này giúp bạn hiểu và nhớ hơn những gì mình đọc. Nếu bạn chưa hiểu thì không sao cả, nhớ ghi lại điểm mình chưa hiểu. Thông thường lý do khiến bạn chưa hiểu điểm nào đó thường là do bạn không nắm chắc khái niệm trừu tượng liên quan. Giải quyết việc này không khó, bạn chỉ việc lên mạng tìm kiếm các bài giảng trực quan trên Youtube liên quan đến khái niệm ấy. Vì vậy, sẽ là rất hạn chế nếu bạn không biết tiếng Anh hoặc ngôn ngữ của quốc gia nào đó có nền học thuật tốt. Nếu không biết ngoại ngữ, bạn nên sắm cho mình một bộ từ điển chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực bạn đang tìm hiểu.
Một điểm quan trọng nữa đó là phải học được cách đánh giá một cuốn sách. Không tác giả nào hoàn hảo trong thu thập dữ liệu và xử lý dữ liệu. Họ đều có những hạn chế do điều kiện hoặc năng lực. Bởi thế, mỗi cuốn sách đều có các ưu nhược điểm. Một người biết đọc sách nghiên cứu là người biết đnáh giá ưu nhược của từng cuốn và biết tận dụng thông tin hữu ích cũng như bổ sung các khiếm khuyết từ nguồn sách khác.
Sau cùng, tôi muốn lưu ý với các bạn rằng chỉ đọc sách nghiên cứu không phải con đường duy nhất mang lại cho bạn sự hiểu biết. Và nếu chỉ đọc sách nghiên cứu bạn cũng không thực sự có được sự hiểu biết. Sách nghiên cứu đóng vai trò như một tập hợp kiến thức có độ khả tín cao để bạn tham khảo trên hành trình tri thức của bản thân.
Hà Thủy Nguyên


Mời các bạn tham khảo VIDEO Bài giảng PHƯƠNG PHÁP TỰ HỌC CHO THANH NIÊN: https://thebookhunter.org/event/video-bai-giang-phuong-phap-tu-hoc-cho-thanh-nien/

Online Workshop COACHING DỊCH THUẬT ANH – VIỆT:
https://thebookhunter.org/event/coaching-dich-thuat-anh-viet/

ĐỌC SÁCH TÔN GIÁO TÂM LINH – NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý

Chưa bao giờ người đọc sách tôn giáo tâm linh lại nhiều như hiện nay. Những cuốn sách ấy, thậm chí có thể xếp vào hàng Best Seller và mang lại lợi nhuận không ít cho các nhà xuất bản. Tuy nhiên, đọc nhiều sách tâm linh cũng giống như luyện nhiều pho võ công mà không luyện đến nơi đến chốn, có khả năng dẫn đến tẩu hỏa nhập ma. Tôi đọc các loại sách tôn giáo tâm linh từ hồi 10 tuổi, không

Sách – Công cụ hay mục đích

Hồi con gái lớn của tôi học khoảng lớp 3, cháu thường mang theo những cuốn truyện chữ cháu thích đi khắp nơi để có thể mở ra đọc vào những lúc rảnh. Một lần nọ, khi chúng tôi vào hiệu thuốc, các cô bán thuốc khi nhìn thấy cuốn Pippi tất dài cháu cầm trên tay đã kêu lên: "Con đọc sách à, giỏi quá, đọc sách tốt lắm đấy". Mới đây hơn, trong một buổi học tiếng Anh online của cô con gái

Minh Hiền

03/05/2024

Trẻ em đọc sách trong không gian “nhóm cùng suy tư”

Bài viết này để tiếp nối những chia sẻ cũng như những điều “dường như khó nói ra” ở buổi trò chuyện Để trẻ em vui thú với tri thức do Book Hunter tổ chức ở thành phố Hà Tĩnh. Với những kinh nghiệm trong công việc làm giáo dục, tôi đã đề cập với mọi người về “việc đọc cần được tạo môi trường và có sự đồng hành” với một số những việc làm cụ thể mà tôi đã thực hiện để xây

Xây dựng nền tảng tự học trước 15 tuổi

Tháng 10, Book Hunter tổ chức buổi trò chuyện với chủ đề “Tự chủ và Tự học trên đường đời” tại Vinh. Hà Thủy Nguyên nhắn mời tôi tham gia chia sẻ nội dung “Xây dựng nền tảng tự học trước 15 tuổi”. Tôi hào hứng nhận lời, thử “tái xuất giang hồ” sau vài năm rời Hà Nội về Vinh và sống khép mình, làm việc với một nhóm nhỏ học sinh, đi lại giữa một vài nơi quen thuộc gần gũi. Có lẽ

Giá trị của việc sở hữu nhiều sách hơn bạn có thể đọc

Hay tôi đã học cách ngừng lo lắng và yêu thích *tsundoku của mình như thế nào. Những điều quan trọng trong bài: Nhiều độc giả mua sách với mục đích đọc lại chỉ để sách nằm dài trên kệ. Nhà thống kê học Nassim Nicholas Taleb tin rằng bao quanh chúng ta với những cuốn sách chưa đọc sẽ làm phong phú cuộc sống của chúng ta vì chúng nhắc nhở ta về tất cả những gì ta chưa biết. Người Nhật gọi cách

Book Hunter

18/12/2022