Home Đọc Chủ nghĩa Ẩn nhẫn hay Chủ nghĩa Khắc kỷ thực sự là gì

Chủ nghĩa Ẩn nhẫn hay Chủ nghĩa Khắc kỷ thực sự là gì

le-ai

Lê Ái

13/12/2022

Lời của Book Hunter: Trong thời gian gần đây khái niệm khắc kỷ (stoicism) trở nên phổ biến và thu hút một sự chú ý không hề nhỏ của các độc giả. Đa phần tò mò vì khái niệm khắc kỷ nghe có vẻ thú vị. Một yếu tố khác đến từ sự thành công của cuốn sách “Suy tưởng” do hoàng đế La Mã Marcus Aurelius viết được xuất bản ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy một sự thiếu sót trong toàn bộ tiến trình này đó là thuật ngữ chủ nghĩa khắc kỷ được sử dụng một cách phổ biến mà không hề bị nghi ngờ về tính chính xác trong cách dịch của nó. Khắc kỷ dễ khiến chúng ta hiểu rằng đây là một sự đi ngược lại cái tôi (kỷ), và nó dễ đồng nhất với những người thuộc trường phái tu khổ hạnh. Trong khi đó, khổ hạnh không phải là mấu chốt của ẩn nhẫn, trong bài này chúng tôi xin phép đưa ra cách dịch stoicism là ẩn nhẫn thay cho khắc kỷ, mà điểm mấu chốt của stoicism là sự tách biệt bản thân ra khỏi cảm xúc và bình tĩnh suy xét các cảm xúc. Cảm xúc không phải là cái tôi (kỷ), nên việc suy xét cảm xúc không thể được xem là khắc kỷ. Cảm xúc hoàn toàn có thể là một dạng bên ngoài và che phủ lên cái tôi, do đó những người theo trường phái ẩn nhẫn lựa chọn cách sử dụng lý trí để không thể hiện cảm xúc một cách bột phát, quan sát các cảm xúc, đánh giá các cảm xúc, rồi mới thể hiện. Do đó chúng tôi lựa chọn cách dịch stoicism là ẩn nhẫn: ẩn trong nghĩa không vội thể hiện cảm xúc xuất hiện, nhẫn trong nghĩa chậm rãi suy xét, nhẫn nại đánh giá rồi cuối cùng mới đi đến hành động. Và tất nhiên, chủ nghĩa ẩn nhẫn còn nhiều khía cạnh khác bên ngoài cảm xúc mà chúng ta sẽ được biết thông qua bài dịch dưới đây. 


Chủ nghĩa ẩn nhẫn là một trong số những xu hướng triết học mới mẻ của Hy Lạp cổ đại. Tên gọi này xuất phát từ cổng vòm (stoa poikilê) được trang trí bằng những bức bích họa tại Agora, Athens, nơi môn đệ tụ họp và tổ chức các buổi đàm đạo. Không giống với ‘epicurean’, nghĩa tiếng Anh của tính từ ‘stoical’ hoàn toàn không gây ra nhầm lẫn về các nguồn gốc triết học của nó. Người Ẩn nhẫn, trên thực tế, kiềm chế những cảm xúc như sợ hãi hoặc đố kị (hoặc những quyến luyến tình dục mãnh liệt, hay yêu đương say đắm đối với bất kỳ ai) hoặc là, hay xuất phát từ, các đánh giá sai lầm và rằng hiền giả – người đã đạt được sự hoàn thiện về trí tuệ và đạo đức – sẽ không trải qua. Những người theo chủ nghĩa Ẩn nhẫn sau này ở thời kỳ La Mã, Seneca và Epictetus, nhấn mạnh các giáo điều (vốn đã là trọng tâm giảng dạy của những người theo chủ nghĩa Ẩn nhẫn thời kỳ đầu) rằng bậc hiền giả hoàn toàn thoát khỏi bất hạnh và rằng đức hạnh là đủ để hạnh phúc. Cụm ‘stoic calm’ (tạm dịch: bình thản ẩn nhẫn) của chúng ta có lẽ tóm lược nội dung chung của những lời khẳng định này. Tuy nhiên, nó không gợi ý đến các quan điểm đạo đức căn bản hơn mà những người theo chủ nghĩa Ẩn nhẫn bảo vệ, ví dụ như chỉ bậc hiền giả được tự do trong khi tất cả những người khác là nô lệ, hoặc những kẻ có đạo đức xấu xa đều như nhau. (Những ví dụ khác, xem trong tiểu luận ngắn ‘Paradoxa Stoicorum’ của Cicero). Dù có vẻ rõ ràng rằng một vài người theo chủ nghĩa Ẩn nhẫn có một loại vui thú lệch lạc khi ủng hộ các quan điểm dường như trái với lẽ thường, nhưng họ không làm vậy chỉ để gây sốc. Luân lý học Ẩn nhẫn đạt được sự hợp lý nhất định trong ngữ cảnh học thuyết vật chất và tâm lý của họ, cũng như trong khuôn khổ học thuyết đạo đức Hy Lạp giống với lý thuyết đạo đức được Plato và Aristotle truyền lại cho họ. Có vẻ như họ nhận thức rõ về bản chất phụ thuộc lẫn nhau trong các quan điểm triết học của mình, nếu ví triết học như một con vật sống thì logic học là bộ xương và gân; luân lý học và vật lý, lần lượt là thịt và linh hồn (một phiên bản khác đảo ngược lại thứ tự này, cho rằng luân lý học là linh hồn). Các quan điểm của họ về logic học và vật lý cũng không kém phần đặc biệt và thú vị so với các quan điểm về luân lý học.

Nội dung chính:

  1. Các nguồn thông tin về chủ nghĩa Ẩn nhẫn
  2. Triết học và cuộc sống
  3. Lý thuyết vật lý
  4. Logic học
  5. Luân lý học
  6. Ảnh hưởng

Các nguồn thông tin về Chủ nghĩa Ẩn nhẫn hay Chủ nghĩa khắc kỷ

Vì những người theo Chủ nghĩa Ẩn nhẫn nhấn mạnh vào tính hệ thống trong triết học của họ, nên cách lý tưởng để đánh giá các quan điểm đạo đức đặc biệt của chủ nghĩa này sẽ là nghiên cứu chúng trong bối cảnh lý giải đầy đủ triết lý của họ. Tuy nhiên, ở đây chúng ta gặp vấn đề về các nguồn thông tin liên quan tới chủ nghĩa Ẩn nhẫn. Chúng ta không có một tác phẩm hoàn chỉnh nào của bất kỳ ai trong số ba nhân vật đứng đầu trường phái này: ‘nhà sáng lập’, Zeno xứ Citium ở Cyprus (344-262 TCN), Cleanthes (mất năm 232 TCN) hoặc Chrysippus (mất vào khoảng năm 206 TCN). Chrysippus sáng tác rất nhiều, hơn 165 tác phẩm, nhưng chúng ta chỉ có một vài đoạn trong số đó. Những tác phẩm hoàn chỉnh của các triết gia theo chủ nghĩa Ẩn nhẫn mà chúng ta có là những tác phẩm thuộc về các tác giả La Mã, Seneca (4 TCN – 65 SCN), Epictetus (khoảng năm 55-135) và hoàng đế Marcus Aurelius (121 – 180), những tác phẩm này về cơ bản tập trung vào luân lý học. Chúng có khuynh hướng hô hào đạo đức dài dòng nhưng chỉ cung cấp những manh mối về các cơ sở lý thuyết của hệ thống đạo đức. Đối với thông tin chi tiết về Old Stoa (tức ba trụ cột đầu tiên của trường phái và các môn đệ cũng như những đồng môn của họ) chúng ta phải dựa vào các doxography[1], như là Opinions on Nature của các triết gia ngụy Plutarch[2], Lives of Eminent Philosophers (khoảng thế kỷ thứ 3 SCN) của Diogenes Laertius và Excerpts (khoảng thế kỷ thứ 5 SCN) của Stobaeus – và các nguồn tư liệu của họ là Aetius (khoảng thế kỷ thứ 1 SCN) và Arius Didymus (khoảng thế kỷ thứ 1 đầu công nguyên) – hoặc các triết gia khác (hay những nhà biện giải Công giáo) tranh luận với những người theo chủ nghĩa Ẩn nhẫn vì mục đích riêng. Gần như toàn bộ nguồn thông tin về sau đều là mang tính thù địch. Trong số họ có nhà bình luận Alexander xứ Aphrodisias (khoảng cuối thế kỷ thứ 2 SCN), người phê bình những người theo chủ nghĩa Ẩn nhẫn trong tác phẩm On Mixture and One Fate, cũng như trong nhiều tác phẩm khác; người ủng hộ Plato, Plutarch xứ Chaeronea (khoảng thế kỷ thứ 1 – 2 SCN) viết ra các tác phẩm như On Stoic Self-ContradictionsAgainst the Stoics on Common Conceptions; nhà văn y học Galen (khoảng thế kỷ thứ 2 SCN), người có quan điểm gần như theo Plato; người theo chủ nghĩa hoài nghi Pyrrhonian, Sextus Empiricus (khoảng thế kỷ thứ 2 SCN); Plotinus (khoảng thế kỷ thứ 3 SCN); các giám mục Công giáo Eusebius (khoảng thế kỷ 3 – 4 SCN) và Nemesius (khoảng năm 400 SCN); và nhà Tân Plato sống ở thế kỷ thứ 6, Simplicius. Một nguồn quan trọng khác là Cicero (thế kỷ thứ 1 TCN). Dù có quan điểm triết học bắt nguồn từ người thầy Philo xứ Larissa và New Academy, nhưng ông ta không tán thành với cái mà ông ta xem là giọng điệu đạo đức tót vời của chủ nghĩa Ẩn nhẫn. Trong các tác phẩm như Academic Books, On the Nature of the Gods và On Ends, Cicero cung cấp các tóm tắt bằng tiếng Latin, cùng lời bàn luận phê bình, về các quan điểm của những trường phái tư tưởng Hy Lạp chính.

Từ những nguồn này, các học giả đã cố gắng chắp nối chúng lại thành một bức tranh về nội dung, và trong một vài trường hợp, về sự phát triển của lý thuyết Ẩn nhẫn. Trên một số khía cạnh, đã có sự thống nhất đáng kể về tư tưởng của các nhà Ẩn nhẫn và chúng ta chậm chí có thể gán tên gọi cho một số đổi mới cụ thể. Tuy nhiên, trên các khía cạnh khác, sự diễn giải dựa trên bằng chứng ít ỏi của chúng ta lại gây tranh cãi kịch liệt. Cho đến gần đây, các nhân vật không chuyên phần lớn đã bị loại khỏi cuộc tranh luận vì nhiều nguồn tài liệu quan trọng không được chuyển ngữ sang các ngôn ngữ hiện đại. Những phần nhỏ trong các tác phẩm Ẩn nhẫn và chứng ngôn của chúng bằng tiếng Hy Lạp và Latin đều được H. von Arnim sưu tầm thành ba tập trọn bộ có tựa đề Stoicorum Veterum Fragmenta xuất bản từ năm 1903 đến năm 1905. Trong bài viết về các nhà Ẩn nhẫn ‘cổ’, những phần tác phẩm và chứng ngôn thường được nhắc đến bằng số tập và số văn bản trong bản tổng hợp của von Arnim; chẳng hạn: SVF I.345 = Diogenes Laertius, Lives 4.40. Năm 1987, A. A. Long và David Sedley cho ra mắt cuốn The Hellenistic Philosophers (LS) bao gồm các bản dịch tiếng Anh trong tập đầu tiên và bình luận nhiều văn bản quan trọng bàn về các nhà Ẩn nhẫn, những người theo chủ nghĩa Epicurus và Skeptic. Năm 1988, tiếp nối Long và Sedley là tuyển tập các văn bản quan trọng do B. Inwood và L. P. Gerseon biên tập có tiêu đề Hellenistic Philosophy. Nếu không có ghi chú đặc biệt nào khác, sau những đoạn văn bản của hoặc về các nhà Ẩn nhẫn tôi sẽ dẫn nguồn tên tác giả theo ghi chú của Long và Sedley. Ví dụ, ‘Aetius, 26A’ có nghĩa là mục 26 trong tác phẩm của Aetius, đoạn A (nếu không có ghi chú khác, tôi sử dụng bản dịch của họ, thỉnh thoảng thay đổi đôi chút). Tuyển tập của Inwood và Gerson chuyển ngữ nhiều văn bản tương tự, nhưng không chia chúng thành các đoạn nhỏ phân loại theo chủ đề như bản của LS. Mỗi cách tiếp cận đều có giá trị riêng, song tuyển tập của LS dễ tra cứu hơn. Đối với bản dịch tiếng Pháp của Chrysippus, hãy theo dõi bản dịch của Dufour (2004). Đối với bản dịch tiếng Đức về Ẩn nhẫn thời kỳ đầu, hãy tham khảo bản dịch của Nickel (2009).

Để biết thêm thông tin, bạn có thể tìm hiểu về doxography của triết học cổ.

Triết học và Cuộc sống

Khi xem xét các lý thuyết của các nhà Ẩn nhẫn, điều quan trọng là phải nhớ rằng họ suy ngẫm về triết học không giống như trò tiêu khiển thú vị hay thậm chí là một khối kiến thức cụ thể, mà như một cách sống. Họ định nghĩa triết học như một dạng thực hành hoặc rèn luyện (askêsis) về chuyên môn liên quan đến điều đem lại lợi ích (Aetius, 26A). Khi chúng ta hiểu chúng ta là ai và thế giới xung quanh chúng ta thực sự ra sao, đặc biệt là bản chất của giá trị, chúng ta sẽ được biến đổi hoàn toàn. Khía cạnh trị liệu này phổ biến đối với những đối thủ cạnh tranh chính của nọ, những người theo trường phái Epicureus, và có lẽ giúp lý giải vì sao cuối cùng cả hai trường phái đều bị Cơ Đốc giáo lấn lướt. Tác phẩm Meditations (Suy tưởng) của Marcus Aurelius đem đến một bức tranh đầy mê hoặc về một hiền giả Ẩn nhẫn tự xưng đối đãi với chính bản thân. Cuốn sách, còn được gọi là (To Himself) Tự Ngẫm, là cuốn nhật ký của hoàng đế. Trong đó, ông không chỉ nhắc nhở bản thân về nội dung lời giáo huấn cốt lõi của chủa nghĩa Ẩn nhẫn mà còn phê bình bản thân khi nhận ra mình đã không áp dụng được lời dạy này vào cuộc sống trong một vài trường hợp cụ thể. Ngày nay, nhiều người vẫn xem chủ nghĩa Ẩn nhẫn như là một hình thức rèn luyện tâm lý. Chủ nghĩa Ẩn nhẫn không bao giờ là “hàn lâm thuần túy’ và các biến thể hiện đại của tư tưởng Ẩn nhẫn vẫn tìm cách tiếp nối truyền thống tự chuyển biến này. Một trong số những cách diễn giải hiện đại có sức ảnh hưởng nhất về các phương tiện, mà qua đó việc giải thích tư tưởng Ẩn nhẫn đạt được một sự chuyển biến như vậy, giới thiệu khái niệm về những rèn luyện tinh thần. Hadot (1998) đề xuất việc đọc tác phẩm Meditations của Marcus Aurelius như một tập hợp những cách rèn luyện như vậy. Để tìm hiểu nghiên cứu tổng quát hơn về triết học Ẩn nhẫn nói chung, xem thêm Sellars (2013). Đối với cuộc tranh luận gần đây về vấn đề triết học như một cách – hay đúng hơn là nhiều cách – sống ở thời cổ đại, theo dõi Cooper 2012.

Lý thuyết vật lý

Việc đánh giá bản thể luận Ẩn nhẫn có thể bắt đầu bằng một đoạn trong tác phẩm Sophist của Plato (cf. Brunschwig 1994). Ở đó (247d-e), Plato đòi hỏi một dấu hiệu hoặc biểu hiện cho thấy điều gì là thực hay điều gì tồn tại. Một câu trả lời đáng mổ xẻ là khả năng hành động hoặc bị tác động là dấu hiệu phân biệt sự tồn tại thực tế hoặc ‘sự tồn tại thực tế là cái gì’. Các nhà Ẩn nhẫn chấp nhận tiêu chuẩn này và bổ sung thêm rằng chỉ những hình thể[3] mới có khả năng hành động hoặc bị tác động vào. Do đó, chỉ hình thể mới tồn tại. Vì thế mà người ta cảm thấy rằng các nhà Ẩn nhẫn là những người theo chủ nghĩa duy vật hoặc – có lẽ chính xác hơn, xem sự hiểu biết của họ về vật chất như là một nguyên lý thụ động (đọc phía dưới) – ‘những người vật thể luận’. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng có những cách hiện diện khác trong vạn vật của thế gian hơn là thông qua sự tồn tại. Những thứ vô hình như thời gian, địa điểm hoặc diễn đạt bằng lời (Iekta, đọc phía dưới) đều là ‘subsistent[4]’ (hunphestos, Galen 27G) – tương tự những thứ tưởng tượng nhân mã chẳng hạn. Sự khác biệt giữa ‘tồn tại thứ cấp’ và ‘tồn tại’ phần nào làm phức tạp thêm sự đồng hóa dễ dàng chủ nghĩa Ẩn nhẫn vào chủ nghĩa duy vật hiện đại. Không có gì sai khi nói rằng tất cả những thứ tồn tại đều là vật chất theo như các nhà Ẩn nhẫn, nhưng người ta cần nói thêm rằng những thứ tồn tại không thoát được bản thể luận của chúng. Bên cạnh đó, mọi vật chất tồn tại đều là những thứ riêng biệt. Các nhà Ẩn nhẫn gọi các vũ trụ là ‘hình ảnh của tâm trí. Những lý thuyết về dạng thức (Forms) của Plato, đặc biệt, đều bị loại bỏ như là ‘không phải cái gì đó’ thiếu đi cả trạng thái hiện hữu của những thứ vô hình như thời gian, địa điểm hoặc diễn đạt bằng lời (Alexander, 30D). Sự thay thế chủ nghĩa duy danh tích cực của các nhà Ẩn nhẫn còn khó diễn giải hơn. Một số văn bản đề xuất rằng họ đưa ra góc nhìn mang tính khái niệm giống với góc nhìn của Locke, xem một sự dự đoán rõ ràng như “con người là động vật có lý tính, hữu hạn” giống với điều kiện ngụy trang, “nếu cái gì đó là con người, thì nó cũng là động vật lý tính, hữu hạn” (Sextus Empiricus, 30I). Nhưng có lẽ cũng đã có sự phát triển trong triết học từ góc nhìn mang tính khái niệm này sang một hình thức chủ nghĩa duy danh đã được khẳng định. Xem Caston (1999).

Tương ứng với bản thể luận này, các nhà Ẩn nhẫn, giống như những người theo trường phái Epicureus, cho Chúa là một thực thể hữu hình, dù không phải (như với phái Epicureus) một thực thể được tạo thành từ vật chất đời thường. Tuy nhiên, trong khi các nhà Epicureus nghĩ rằng thần thánh quá bận rộn để được ban phước và vui vẻ khi bị quấy rầy với việc cai quản vũ trụ (Epicurus, Letter to Meoneceus 123-4), thì Chúa của trường phái Ẩn nhẫn lại hiện diện trong toàn bộ sự sáng tạo và hướng sự phát triển của nó đến từng chi tiết nhỏ nhất. Phép ẩn dụ đang chi phối vũ trụ luận của chủ nghĩa Ẩn nhẫn mang tính sinh học, trái ngược với khái niệm cơ bản mang tính cơ học của các nhà Epicureus. Toàn bộ vũ trụ là một vật sống và Chúa duy trì vũ trụ như sinh lực của động vật duy trì cơ thể động vật, làm sinh động, di chuyển và định hướng cơ thể thông qua sự hiện hiện bao trùm của nó. Các nhà Ẩn nhẫn khẳng định rằng chỉ cơ thể mới có khả năng làm bất kỳ điều gì, tuy nhiên, họ cũng quả quyết rằng sinh lực của vũ trụ này phải được hình dung như một vật chất chưa xác định.

Cụ thể hơn, Chúa đồng nhất với một trong hai nguyên lý (archai) đầu tiên không sinh sôi và không hủy diệt của vũ trụ. Một nguyên lý là vật chất mà người ta xem như hoàn toàn không đủ tiêu chuẩn và trơ. Có nghĩa đó là thứ bị tác động. Chúa được nhận đồng nhất với một lý trí vĩnh cửu (Iogos, Diog. Laert. 44B) hay một trí tuệ tạo ra ngọn lửa hoặc hơi thở (pneuma) thứ tạo ra vật chất tương ứng với kế hoạch của Nó (Aetius, 46A). Lửa kiến tạo được ví với tinh trùng hay hạt giống bao gồm các nguyên lý đầu tiên hay khuynh hướng của thảy tất cả những thứ sau này sẽ phát triển (Aristocles trong Eusebius, 46G). Khái niệm sinh học về Chúa giống như một dạng nhiệt sống hoặc hạt giống mà từ đó vạn vật nảy nở dường như hoàn toàn có chủ đích. Sự nhận dạng rõ ràng hơn của Chúa là linh hồn hay hơi thở có thể có những nguồn gốc riêng theo lý thuyết y khoa thời Hy Lạp cổ đại. Xem Baltzly (2003). Liên quan đến vấn đề chung về Chúa và mối liên hệ đến vũ trụ theo chủ nghĩa Ẩn nhẫn, xem các tiểu luận của Salles (2009).

Giống như các vật sống có một vòng đời được chứng kiến ở cha mẹ và sau đó lặp lại ở con cái, thì vũ trụ cũng có một vòng đời lặp đi lặp lại. Vòng đời này được dẫn dắt bởi, hoặc tương đương với, một kế hoạch phát triển được đồng nhất với Chúa. Có một vòng lặp vô tận, bắt đầu từ trạng thái chỉ toàn là lửa, thông qua quá trình sinh ra các nguyên tố, đến sự sáng tạo thế giới mà chúng ta quen thuộc, và cuối cùng trở lại ngọn lửa kiến tạo sơ khai gọi là “đám cháy lớn” (Nemesius, 52C). Ý tưởng về các chu kỳ thế giới này được đặt dấu chấm hết bằng những đám cháy lớn khơi gợi nhiều câu hỏi. Sẽ có người nào đó ngoài bạn đọc mục nhập từ điển bách khoa này ở chu kỳ thế giới tiếp theo chứ? Hay người nào đó đơn thuần giống y hệt bạn? Đối với những câu hỏi này, các nguồn thông tin khác nhau đưa đến cho các nhà Ẩn nhẫn những câu trả lời khác nhau. (Về tính không đổi của con người, đọc Alexander (52F). Về con người giống nhau như đúc, nhưng không đồng nhất, đọc Origen (52G)). Học thuyết về sự tái sinh vĩnh cửu cũng đặt ra những câu hỏi thú vị về quan điểm của chủ nghĩa Ẩn nhẫn đối với thời gian. Liệu các nhà Ẩn nhẫn có cho rằng khoảnh khắc trong chu kỳ thế giới tiếp theo mà bạn (hay ai đó giống y hệt bạn) đọc được mục nhập này là khoảnh khắc trong tương lai (vì thế thời gian là tuyến tính) hay một khoảnh khắc rất giống nhau (với khái niệm nào đó về thời gian xoay vần) thôi? Chủ nghĩa Ẩn nhẫn định nghĩa thời gian giống như một “chiều (diastêma) của chuyển động” hay “chuyển động của thế giới” (Simplicius, 51A) có vẻ khó mà giải quyết được câu hỏi. Để trao đổi rõ về vấn đề này, xem Long (1985) và Hudson (1990).

Những thứ đầu tiên vươn ra từ đám cháy lớn là các nguyên tố. Trong bốn nguyên tố, các nhà Ẩn nhẫn xem hai nguyên tố là chủ động (lửa và khí) và hai nguyên tố là bị động (nước và đất). Các nguyên tố chủ động, hay chí ít là yếu tố nóng và lạnh, kết hợp với nhau tạo ra hơi thở hay linh hồn. Ngược lại, hơi thở là “nguồn gốc sự sống” (causa continens, synektikon aition) của tất thảy những cơ thể đang tồn tại và dẫn dắt sự nảy nở và phát triển của các cơ thể sống. Nguồn gốc sự sống là gì? Các nhà Ẩn nhẫn cho rằng vũ trụ là một khoảng đầy. Giống như Aristotle, họ bác bỏ sự tồn tại của không gian trống rỗng hay khoảng không (ngoại trừ vũ trụ nói chung được nó bao quanh). Do đó, theo lý người ta có thể hỏi “Cái gì đánh dấu cho vật thể bất kỳ tách khỏi những thứ khác đang bao quanh nó?” hay “Cái gì giữ cho một vật thể không vỡ thành từng mảnh khi nó cọ sát với những thứ khác trong đám đông?”. Câu trả lời là: hơi thở. Hơi thở, về bản chất, có sự chuyển động hướng nội và hướng ngoại cùng lúc, tạo ra thuộc tính “căng” của nó. (Có lẽ điều này được gợi ý từ sự giãn nở và co lại liên quan đến nóng và lạnh). Hơi thở xuyên qua mọi cơ thể (khác); trong chuyển động hướng ngoại, nó ban cho chúng những phẩm chất mà chúng có, và trong chuyển động hướng nội, nó biến chúng thành các vật thể thống nhất (Nemesius, 47J). Ở khía cạnh thứ hai, hơi thở đóng vai trò nào đó giống như một trong số những vai trò của hình thức cơ bản trong Aristotle vì điều này cũng tạo ra những thứ mà nó là hình thức của “điều này”, có nghĩa là một cá nhân (Metaph. VII, 17). Vì hơi thở hoạt động được, nên nó hẳn phải là một chỉnh thể và thực tế các nhà Ẩn nhẫn đã nhấn mạnh rằng sự dung hợp với các yếu tố bị động của nó “lặp đi lặp lại” (Galen 47H, Alex. Aph. 48C). Có lẽ như một kết quả đưa đến, họ phát triển lý thuyết về sự pha trộn cho phép hai cơ thể ở cùng  một địa điểm vào cùng một khoảng thời gian. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng một số học giả (chẳng hạn như Sorabji, 1988) lại cho rằng khẳng định hơi thở bị dung hợp thông qua toàn bộ vật chất là kết luận do các nhà phê bình chủ nghĩa Ẩn nhẫn miễn cưỡng đưa ra về cái mà một vài trong số những tuyên bố của họ đã đưa đến. Có lẽ thay vào đó, ở một mức độ miêu tả khác, họ chỉ đề xuất rằng hơi thở là vật chất của cơ thể.

Hơi thở có các cấp độ và kết quả là tạo ra những cơ thể mà nó nhập vào những phẩm chất khác. Hơi thở đem lại sự sống cho vật thể vô tri là (LS) “ý nghĩa” (hexis, nghĩa là nắm giữ). Ngoài ra, hơi thở trong thực vật là (LS) thể chất (phusis, có nghĩa là “thiên tính”). Ở động vật, hơi thở (pneuma) là tâm hồn (psychê) và bên cạnh đó, ở động vật có lý tính là khả năng điều khiển (hêgenmonikon) (Diog. Laert. 47O, Philo 47P) – đó là thứ chịu trách nhiệm suy nghĩ, lên kế hoạch, đưa ra quyết định. Các nhà Ẩn nhẫn gán cho “thể chất” hoặc “thiên tính” toàn bộ các chức năng sống thuần sinh lý của con người (chẳng hạn như tiêu hóa, hít thở, lớn lên v.v…) – sự tự dịch di chuyển từ nơi này đến nơi khác là nhờ vào tâm hồn.

Lời giải thích của họ về tâm hồn (tâm trí) con người mang tính nhất thể mạnh mẽ. Dù họ nói về những khả năng của tâm hồn, nhưng có những phần của khả năng điều khiển lại liên quan đến các cơ quan giác quan thể chất (Aetius, 53H). Không giống như tinh thần chia ba phần của Plato, mọi động lực hay ham muốn đều là chức năng định hướng của khả năng điều khiển, lý tính. Ý niệm nhất thể mạnh mẽ này của tâm hồn con người có những liên hệ mật thiết đối với nhận thức luận và luân lý của chủ nghĩa Ẩn nhẫn. Ở trường hợp đầu tiên, các ấn tượng của chúng ta về giác quan là những cảm giác yêu mến trong khả năng điều khiển. Ở các động vật lý tính trưởng thành, các ấn tượng này là những suy nghĩ, hoặc các hình tượng với nội dung có tính gợi ý. Dù một người có thể không có lựa chọn trong việc cô ta có ấn tượng lý tính cụ thể hay không, nhưng có một sức mạnh khác của khả năng điều khiển mà các nhà Ẩn nhẫn gọi là “sự tán thành” và một người có tán thành với ấn tượng lý tính hay không lại là vấn đề tự nguyện. Tán thành với một ấn tượng là xem nội hàm của nó đúng đắn. Từ chối tán thành là hoãn đánh giá xem nó đúng đắn hay không. Vì cả ấn tượng và sự tán thành đều là một phần của một và cùng một khả năng điều khiển, nên không thể có xung đột giữa lý tính chung và riêng với các nguyên tố phi lý tính trong một con người – một cuộc chiến mà lý trí có thể thua. Hãy so sánh tình huống này với miêu tả của Plato về xung đột giữa tâm hồn thấp kém bên trong chúng ta, cái do những ảo ảnh giác quan đưa vào và phần khôn ngoan, không phải do ảo ảnh giác quan đưa đến (Rep. X, 602e). Chẳng có lý do nào để cho rằng phần khôn ngoan lúc nào cũng có thể chiến thắng cuộc chiến nhận thức luận mà Plato hình dung diễn ra bên trong chúng ta. Nhưng vì ấn tượng và sự tán thành là hai khía cạnh của một và cùng một khả năng điều khiển theo quan điểm của các nhà Ẩn nhẫn, nên họ cho rằng chúng ta luôn có khả năng tránh được việc rơi vào sai lầm chỉ cần lý trí của chúng ta đủ kỷ luật. Theo chiều hướng tương tự, những động lực hoặc ham muốn đều là các vận động của tâm hồn hướng đến một điều gì đó. Trong một tạo vật lý tính, các hoạt động thuộc về lý tính này sẽ không phát sinh nếu không có sự tán thành. Vì vậy, sự vận động của tâm hồn theo chiều hướng X không tự xuất phát từ ấn tượng rằng X là mong muốn. Đây là điều mà đối thủ của các nhà Ẩn nhẫn, những người theo chủ nghĩa Hoài nghi học thuật, lập luận chống lại họ là khả thi. (Plutarch, 69A). Tuy nhiên, các nhà Ẩn nhẫn khẳng định rằng sẽ không có động lực hướng đến X – chưa kể đến một hành động – nếu một người không tán thành với ấn tượng (Plutarch, 53S). Kết quả của điều này là tất cả những ham muốn không chỉ (chí ít là có tiềm năng) bị lý trí kiểm soát, mà chúng còn là hành vi của lý trí. Do đó, có thể không có khoảng cách giữa việc đưa ra một đánh giá dứt khoát rằng một người nên làm hành động X với động lực mạnh mẽ để làm hành động X.

Bởi vì pneuma là hữu hình, nên người ta cảm thấy rằng các nhà Ẩn nhẫn có một lý thuyết về tâm trí mà theo nghĩa hiện đại sẽ được gọi là “người theo chủ nghĩa duy vật” (cf. Annas 2009). Pneuma, tức tâm hồn của một người, có thể được tạo ra hoặc hủy diệt (Plutarch 53 C, Eusebius 53W). Tuy nhiên, không giống như đối với những người chủ nghĩa Epicurus, do vậy mà tâm hồn tôi sẽ hoàn toàn bị phá hủy khi cơ thể tôi chết đi. Chrysippus tuyên bố rằng những tâm hồn thông tuệ sẽ không bị tàn lụi cho đến đám cháy lớn kế tiếp (Diog. Laert. 7.157=SVF 2.811, không phải trong LS). Về phía một người theo chủ nghĩa duy vật triệt để khác liệu đây có phải chỉ là thất bại về mặt thần hay không? Hãy nhớ rằng sự vận động đặc biệt của pneuma là chuyển động vừa hướng nội vừa hướng ngoại của nó. Chính điều này đã làm cho nó có tính dẻo dai và khả năng duy trì lâu dài, tổ chức và, trong một vài trường hợp, đem lại sức sống cho cơ thể mà nó nhập vào. Các nhà Ẩn nhẫn đánh đồng đức hạnh với trí tuệ và cả hai điều này với một loại sức mạnh cứng rắn hay dẻo dai nằm trong khả năng điều khiển của tâm hồn (Arius Didymus 41H, Plutarch 61B, Galen 65T). Có lẽ người ta nghĩ rằng tâm hồn của một người khôn ngoan có đủ sự dẻo dai để có thể tiếp tục tồn tại như một cơ thể riêng biệt. Các nhà Ẩn nhẫn sau này như Panaetius (thế kỷ thứ 2 TCN) và Posidonius (nửa đầu thế kỷ thứ 1 TCN) có thể đã phản đối quan điểm này của Chrysippus.

Chúng ta sẽ kết lại tổng quan về phần vật chất trong triết học Ẩn nhẫn này bằng câu hỏi về thuyết tất định nhân quả, dù đây là vấn đề sẽ xuất hiện trở lại trong phần bàn về logic học dưới đây. Ấn tượng rõ ràng đầu tiên đối với triết học Ẩn nhẫn, họ là những người theo thuyết tất định về nhân quả, những người xem hiện tại như đã được định đoạn hoàn toàn bởi các sự kiện trong quá khứ, nhưng dù sao cũng là những người muốn duy trì phạm vi trách nhiệm đạo đức bằng việc bảo vệ một phiên bản của thuyết tương hợp. Sự mô tả đặc tính đó không hẳn sai, nhưng nó khiến cho vấn đề nghe đơn giản đi nhiều so với thực tế vì nó xóa nhòa một số khác biệt quan trọng giữa khuôn khổ tranh luận của chúng ta về những vấn đề này với khuôn khổ luận của các triết gia cổ đại. Một khác biệt chính là hầu hết tư duy đương đại về nhân quân đều xem nó như một mối quan hệ giữa các sự kiện. Nhưng những cuộc thảo luận cổ về nhân quả lại diễn ra trong bối cảnh chưa có vốn từ vựng cho các sự kiện. Điều đó không có nghĩa là họ phủ nhận sự tồn tại của các sự kiện hoặc không nhận ra những gì đã diễn ra. Nó chỉ có nghĩa là không có thuật ngữ triết học cụ thể nào để đối chiếu những gì đã diễn ra với sự thật về chúng. Khi chúng ta nói về các sự kiện, chúng ta nói về những thứ giúp lấp đầy khoảng cách giữa các sự việc và những tuyên bố. Vì chúng diễn ra ở một thời điểm nhất định, liên quan đến một số khách thể và không phải những khách thể khác, nên các sự kiện phần nào giống nhau. (Ngay cả những thuyết về các sự kiện không xem chúng như những chi tiết cụ thể bằng cách nào đó cũng phải phù hợp với khía cạnh này của cuộc nói chuyện về sự kiện). Mặt khác, họ cũng có các loại cấu trúc mệnh đề. Sự kiện Seneca ngồi trong bồn tắm suy ngẫm một cuốn sách bao gồm các khách thể như Seneca, cuốn sách của ông ta và cái bồn, nhưng nó liên kết chúng lại theo một kiểu cấu trúc. Dù sự kiện liên quan đến các khách thể giống nhau, nhưng sự kiện Seneca ngồi trên cuốn sách của ông ta và nghĩ về cái bồn tắm lại hoàn toàn khác biệt so với sự kiện ban đầu kia. Không có khái niệm chắc chắn nào về quan hệ nhân quả như một mối quan hệ giữa các sự kiện, các phân tích của chủ nghĩa Ẩn nhẫn về nhân quả nghe thật kỳ quặc với người hiện đại.

Các nhà Ẩn nhẫn nói rằng mỗi nguyên nhân là một thể xác, thể xác này trở thành nguyên cớ cho thể xác của một thứ gì đó vô hình. Ví dụ như dao mổ, thể xác, trở thành lý do đưa đến xác thịt, thể xác, của một thuộc tính vô hình “bị cắt”. (Sextus, 55B; cf. Stobaeus, 55A)

 

[1] Các tác phẩm sử gia cổ đại viết về quan điểm của các triết gia, khoa học gia, tức không phải là tác phẩm trực tiếp của các triết gia, sử gia.

[2] Một loạt các tác phẩm được xếp vào dạng ngụy-Plutarch bởi đã từng được cho là Plutarch viết nhưng tới nay đã được chứng minh là không phải do ông viết.

[3] Bodies: có thể là các hành tinh, các nguyên tố đất, nước, lửa, khí…tóm lại là những cái có chứa cái gì đó, trái ngược với khái niệm trống rỗng (hư không).

[4] Tồn tại thứ cấp: đây là một phân nhóm của bản thể luận, tạm dịch là tồn tại thứ cấp. Những thứ hữu hình thì vừa tồn tại (existent) và hiện hữu (subsistent) còn những thứ vô hình thì không tồn tại mà chỉ hiện hữu.

Lê Thúy Ái lược dịch

Đọc bài gốc đầy đủ tại: Stoicism (Stanford Encyclopedia of Philosophy)

Tranh của Sir Lawrence Alma-Tadema

> Đọc thêm:

“SUY TƯỞNG” CỦA MARCUS AURELIUS ANTONNIUS – NHỮNG CHIÊM NGHIỆM CỦA MỘT ÔNG VUA TRIẾT GIA – Book Hunter

Aristotle có thể dạy chúng ta điều gì về sự tương giao – Book Hunter

“SUY TƯỞNG” CỦA MARCUS AURELIUS ANTONNIUS – NHỮNG CHIÊM NGHIỆM CỦA MỘT ÔNG VUA TRIẾT GIA

"Philosophy" - Triết học, là một lĩnh vực có địa hạt rất rộng, và bao trùm nhiều lĩnh vực khác. Bởi thế, người ta thường dành một sự tôn sùng lớn cho triết học với niềm tin rằng triết học là chìa khoá để đưa con người tới trí tuệ. Thế là, người ta chấp nhận bước vào một thế giới ngập đầy các khái niệm, các suy luận loằng ngoằng với hi vọng rằng thông qua đọc hiểu các sách triết, bản thân có