Gần 15 năm trước, khi gia đình hối thúc học tập chuẩn bị cho quá trình thi đại học, tôi không một lần nghĩ tới những điều như sách vở hay kiến thức, mà chỉ quan tâm đến nghề nghiệp. Các lựa chọn phổ biến tại Việt Nam thời đó đương nhiên là khối Kinh tế-Tài Chính, quan hệ công chúng, ai thích thực dụng hơn nữa thì kỹ thuật, cơ khí. Lựa chọn các ngành Xã hội gần như bị chê cười, còn Triết học thì như là điều gì đó dành cho những kẻ hâm dở cả ngày đờ đẫn. Thật vậy, đến lúc này các thí sinh chọn học ngành Triết tại trường Nhân văn TP.HCM được tài trợ rất hậu.
Tôi cũng từng nghĩ vậy, cho tới khi được một trường đại học hàng đầu về Công nghệ đời sống tại châu Âu thông báo trúng tuyển. Cứ nghĩ rằng mình sẽ chỉ học thẳng về những chính sách, luật lệ hiện đại, tôi ngơ ngác hết nhìn giảng viên tới nhìn cuốn giáo trình cơ bản ngày đầu tiên, “Giới thiêu về Phát triển Quốc tế/Introduction to International development” – nhắc tới sự đa dạng trong mô hình xã hội, thể chế và tôn giáo từ xa xưa – mà không hiểu nó liên quan gì đến ngành học của mình. Mục “Các khái niệm quan trọng” của tập giáo trình này gồm những cụm từ lạ lẫm chưa hề có trong 8 tập sách luyện IELTS trước đó của tôi như “Hệ quả luận” (consequentialist philosophy) hay “chủ nghĩa khế ước” (contractarianism philosophy) với những cái tên tiêu biểu như John Locke, Jean-Jacques Rousseau, và Immanuel Kant. Tôi đã chọn không học ở Việt Nam chính là để tránh môn “triết”, vậy mà cuối cùng vẫn phải đọc 3-4 chương sách của những nhân vật nay đã thành người thiên cổ. Nhưng cùng với bài giảng cụ thể trong môn “Theory to Policy”, tôi dần nhận ra rằng triết học và thực tế luôn luôn song hành với nhau, và không phải lúc nào cũng tuyệt đối.
Chương trình học của tôi tập trung vào cải cách tôn giáo trước thời Khai sáng, tức lúc quyền lực tuyệt đối bị tước khỏi nhà thờ. Trong khi các triết gia Khai sáng thay đổi hoàn toàn ý niệm của con người về tự do, dân chủ, bình đẳng thì cùng lúc ấy, “Phrenology” – thuyết phân tích hộp sọ với tiêu chuẩn hoàn hảo thuộc về người Âu châu chủ yếu nhằm bao biện cho chế độ nô lệ, người bóc lột người – lại đi ngược với những ý tưởng ấy. Phụ nữ giờ đây không còn bị buộc tội là phù thuỷ hay dị giáo khi tham gia vào khoa học, y tế nhưng lại bước vào một cuộc chiến mới để tìm kiếm tiếng nói riêng cho mình trước những lý luận mới sản sinh cho rằng họ kém cỏi hơn nam giới về mặt thể chất và hệ quả là cả trí óc. Cách mạng Pháp xoá bỏ chế độ phong kiến song cùng lúc đó lại đi thực dân các nước như Việt Nam bằng chính sự kìm kẹp mà họ vừa thoát khỏi ấy.
Có nhiều ý kiến cho rằng dường như sở dĩ xuất hiện các mặt trái như vậy trong quá trình phát triển là do việc hiểu sai các triết gia trên, mà ta dễ dàng nhận ra với rất nhiều ví dụ ở cuốn The Development Century: A Global History đi từ Mỹ, tới Phi, và tận cùng châu Á. Nhận thấy con người là yếu tố quan trọng, tôi đã kết thúc khoá học với luận án về Chính sách truyền thông trong đất đai, trong đó tôi đưa ra góc nhìn đối chiếu với Quyền tự nhiên mà tôi đã học trong khoá “Human Rights and Development”. Nhờ trước đó được học các môn học đa dạng nên trong luận án này tôi tự tin truyền tải Triết học một các thực tế, dễ hiểu, gắn liền với đời sống và lịch sử, từ đó tạo ra một diễn giải khách quan thay vì mang nặng lập trường cá nhân. Triết học xem cho cùng đem lại cho ta nhiều suy nghĩ về xã hội, hay mối quan hệ giữa người với người, vì xét cho cùng, mỗi người chúng ta phải thấu hiểu các tư tưởng khác nhau thì mới có thể tìm cách dung hoà và điều tiết xã hội mà ta cấu thành.
Do vậy, khi được kết nối với Book Hunter với dự án dịch thuật đầu tiên là Những tiểu luận về tồn tại của Schopenhauer, tôi đã lập tức nhận lời, rồi sau đó còn thực hiện thêm Bàn về nền tảng đạo đức và mới đây nhất là Thế giới như là Ý chí và Ý niệm của ông. Cho dù đã có được tiếng thơm sau khi qua đời đúng như bản thân ông dự đoán, Schopenhauer vẫn khó vượt qua được các triết gia cùng thời với mình, đặc biệt là Hegel. Ngay cả bây giờ, nhiều người vẫn quan tâm và tìm hiểu ông ở góc nhìn phê bình Hegel thay vì một người dẫn đầu trường phái bi quan. Sách của ông vẫn bị hiểu lầm khá nhiều, nhưng vấn đề hoàn toàn không nằm ở ngôn ngữ hay tư tưởng.
Schopenhauer hay triết học nói chung không hề khó ở mặt ngôn ngữ. Tôi tin rằng bất kỳ ai hay đọc sách báo ngoại ngữ đều hiểu được 80-90% những gì ông viết. Vấn đề lớn nhất là khi dịch từ một ngôn ngữ thứ ba người dịch rất khó truyền tải đúng nội dung. Thật may mắn là thư viện quốc gia Nauy Deichman rất giàu tài liệu về ngôn ngữ và thậm chí có cả mục từ riêng cho Triết học, thêm vào đó tiếng Nauy cũng sát với tiếng Đức ở nhiều từ phức thường thấy, chỉ khác về ngữ pháp. Riêng thủ đô Oslo đã có 22 địa điểm, nhưng Deichman Bjørvika là nơi đa dạng đầu sách nhất, cùng không gian rộng rãi, hằng ngày tôi có thể tới đây ngồi đến tận khuya để tra cứu.
Tra cứu là việc đầu tiên nhằm chuẩn bị cho việc dịch một tác phẩm đồ sộ được viết và chỉnh sửa qua hàng chục năm. Hơn cả ngàn chú thích đa dạng từ từ ngữ tới điển tích chính là thứ ngốn nhiều thời gian nhất, nhưng lại giúp cho việc dịch sau này được trôi chảy. Có lẽ nhờ sự liên quan như vậy mà mục sách Triết học được xếp ở trung tâm tầng 5, bao quanh bởi các mục Tôn giáo hay lý luận chính sách. Riêng ở mục Triết đã có đầy đủ các đầu sách của các tác giả mà Schopenhauer thường đề cập như Goethe hay Schelling, và cả Hegel. Gác 5B dành riêng cho tôn giáo cũng có đủ đầu sách về tín ngưỡng Ấn Độ, Phật giáo, thần thoại Hy Lạp và La Mã. Kinh Upanishads được trích rất nhiều đã có hẳn bản dịch tiếng Nauy.
Tuy nhiên, tác giả viện dẫn kinh điển là qua đó truyền tải những điều không thể diễn tả bằng lời. Để truyền tải đúng ý nghĩa, và chọn đúng ẩn dụ nhằm hiểu được những gì tác giả muốn nói là điều quan trọng nhất để bản dịch hoàn chỉnh, thống nhất. Có rất ít tài liệu về Schopenhauer được số hoá do ông còn chưa được nhiều người quan tâm, và phần đông có lẽ chỉ biết tới lá thư với lời lẽ nặng nề của mẹ tác giả, bà Johanna, như là nguyên do đưa đến ở ông tâm lý chỉ trích người mẹ, mà không hề biết rằng chính địa vị xã hội, quê quán và nguồn gốc của ông, cùng thời kỳ loạn lạc phải di chuyển khắp nơi đã xáo trộn cả gia đình ông và góp phần không nhỏ tạo nên thế giới quan của ông, chứ không chỉ đơn thuần là mối quan hệ giữa hai mẹ con. Cuốn Tiểu sử về ông do Rüdiger Safranski và Ewald Osers viết, cùng bài luận giới thiệu của triết gia Sverre Slørgedal với tiêu đề rất đặc biệt “Khám phá một vị Phật châu Âu tại Nauy” đã giúp tôi thấu hiểu một phần những gì dẫn Schopenhauer tới những mạch suy nghĩ mà lúc bấy giờ được coi là dị biệt tại châu Âu.
Đây là dự án dịch thuật Schopenhauer thứ ba của tôi, và cũng là tác phẩm lớn nhất của ông. Với những nỗ lực bỏ ra và kiến thức sẵn có, tôi tự tin rằng tôi đã làm hết sức mình để truyền tải tâm ý của tác giả đến với người đọc sống sau ông rất nhiều thế hệ.
Thiên Trang, dịch giả của Những tiểu luận về tồn tại của Schopenhauer, Bàn về nền tảng đạo đức và Thế giới như là Ý chí và Ý niệm (bản đầy đủ)
Ảnh featured: Khu vực dành cho sách Triết học tại thư viện Deichman Bjørvika, Nauy, nơi Thiên Trang đến tra cứu trong quá trình dịch các tác phẩm của Schopenhauer.
> Tìm hiểu thêm & Đặt mua Thế giới như là Ý chí và Ý niệm (bản đầy đủ) cùng các dự án Schopenhauer khác do Thiên Trang dịch, Book Hunter xuất bản.