Home Đọc BIỂU TƯỢNG TRONG “VANINA VANINI” CỦA STENDHAL

BIỂU TƯỢNG TRONG “VANINA VANINI” CỦA STENDHAL

Năm 1829, Stendhal viết “Vanina Vanini”. Thông qua mối tình của vị Công nương La Mã và anh chàng thủ lĩnh Carbonari trong những không gian sống khác nhau, cuốn sách đã nâng hai nhân vật chính lên thành biểu tượng cho nhóm mô hình con người; đồng thời, làm nổi bật cho hình mẫu ấy là nhóm biểu tượng về không gian: Lâu đài và Hội kín. Không chỉ là biểu tượng, hai nhân vật chính cũng tiêu biểu cho hệ thống nhân vật của chủ nghĩa lãng mạn: Sống cho lí tưởng riêng của bản thân.

Chuyện bắt đầu vào “mùa xuân năm 182…”. Trong buổi vũ hội, Công nương Vanina Vanini nghe được về cuộc vượt ngục của một người tù Carbonari. Sau buổi tiệc, Vanina phát hiện ra có một người phụ nữ bị thương đang được bí mật chăm sóc tại nhà cô. Vanina vừa tò mò, lại vừa động lòng thương xót trước người đó. Một thời gian sau, người phụ nữ thú nhận cô ta chính là anh tù vượt ngục kia giả trang. Dù hai người yêu nhau bất chấp thân phận và địa vị, Missirilli lúc nào cũng nghĩ về hội kín và Tổ quốc. Và đó chính là khởi đầu cho những mâu thuẫn về sau.

Trong chưa đầy 100 trang sách, với hai nhân vật chính (Vanina Vanini và Missirilli) và hai bối cảnh chính (lâu đài và hội kín), Stendhal đã xây dựng được hệ thống biểu tượng kép trong tác phẩm về con người và không gian.

Trong nhóm biểu tượng về con người, Vanina và Missirilli vừa đại diện cho cách người phụ nữ và người đàn ông yêu, lại vừa tiêu biểu cho hai kiểu người khác nhau trong xã hội Ý thời bấy giờ. Tương ứng với nhóm biểu tượng về mô hình người là nhóm biểu tượng về mô hình không gian. Tòa lâu đài và Hội kín vừa tượng trưng cho không gian sống của đàn ông và phụ nữ, cũng vừa thể hiện không gian của hai hệ thống khác nhau đang cùng tồn tại ở nước Ý thế kỉ XIX.

Đầu tiên, hãy cùng xem xét cách thức yêu được biểu hiện thông qua hai nhân vật Vanina Vanini và Missirilli.

Trong “Vanina Vanini”, chúng ta thấy một và chỉ một mối tình, mọi diễn biến còn lại đều xoay quanh mối tình trung tâm ấy. Đó là mối tình giữa cô Công nương La Mã và anh chàng Carbonari đấu tranh cho độc lập và thống nhất của Ý trong lãnh địa Giáo hoàng. Stendhal đã dùng hai nhân vật ấy để phác họa lại cách người phụ nữ yêu và cách người đàn ông dấn vào tình yêu. Theo dõi hành động, suy nghĩ của hai nhân vật, tôi nhận ra rằng cách yêu của phụ nữ và đàn ông thật khác xa nhau. Vanina yêu vì “ít ra anh ta cũng đã làm được một cái gì đó”, rồi sau đó duy trì tình yêu của mình bằng tất cả mọi thứ cô có thể nghĩ đến: Mặc dù sở hữu một lòng kiêu hãnh đầy ngang bướng, song lòng kiêu hãnh ấy cuối cùng vẫn phải cúi đầu trước ham muốn sở hữu trong tình yêu. Những hành động của Vanina không dừng lại ở sự bao bọc, chở che cho Missirilli khỏi thử thách, hiểm nguy như những gì cô đã làm ban đầu. Thay vào đó, Vanina không từ thủ đoạn để bảo vệ, đồng thời cũng có thể hiểu là độc chiếm người yêu do muốn giữ người yêu bên mình, cũng do bản tính kiêu ngạo mà không dám thừa nhận của cô. Ban đầu, cô ấn tượng với chàng Carbonari vì những gì chàng làm là để phục vụ cho lí tưởng của chàng. Nhưng rồi sau này, nhân danh tình yêu, nhân danh nỗi lòng tuyệt vọng của một người phụ nữ, Vanina lại hủy hoại sự nghiệp chàng đang thực hiện. Tình yêu của Vanina dần trở thành một thứ tình yêu ích kỉ. Hành động của Vanina phản bội lại niềm tin của Missirilli, đồng thời cũng phản bội lại những gì nàng thật tâm tin tưởng.

Nhìn Vanina, tôi chợt nghĩ đến những cô gái trẻ trong xã hội hiện nay. Cô nào khi tìm người yêu cũng đặt ra yêu cầu: Anh ta phải có chí tiến thủ, phải có sự nghiệp, phải “làm được một cái gì đó”. Nhưng đến khi kiếm được anh chàng như vậy rồi, họ lại ngày ngày sống trong đau khổ vì nghĩ rằng người yêu không quan tâm đến mình, hoặc mình chỉ muốn những điều tốt nhất cho người ta mà sao người ta không hiểu. Các cô gái quên mất rằng “điều tốt nhất” trong mắt các cô chưa chắc đã là điều những người đàn ông thực sự muốn. Và vì có một độ vênh như vậy nên phụ nữ và đàn ông chẳng bao giờ hiểu được suy nghĩ và hành động của nhau.

Điểm đáng phục nhất của Vanina, hay của rất nhiều cô gái khác, là việc cô sẵn sàng vì an nguy của người yêu mà bất chấp các âm mưu, thủ đoạn. Cô sẵn sàng ve vuốt, đong đưa với người đàn ông khác để lấy được thông tin nhằm giải cứu cho Missirilli. Tuy nhiên, cũng chính vì tất cả những hành động đó, tình yêu của Vanina cuối cùng cũng chỉ thu về hai chữ “chiếm hữu”, bất luận rằng cô có ngụy trang nó bằng mĩ từ nào đi nữa. Lí tưởng của Missirilli thực chất cũng chẳng là vị gì đối với Vanina. Mà cũng phải thôi, trong thực tế, đếm được mấy người phụ nữ có thể trở thành “hậu phương” vững chắc cho người yêu? Hay đa số sẽ thấy sự nghiệp của người đàn ông bị hủy diệt trong tay những cô nàng bị ám ảnh bởi hành vi trói buộc.

Nhiều người có thể cho rằng cách thể hiện tình yêu của Vanina là một cách thể hiện “lí tưởng” của phụ nữ. Tuy nhiên, bằng việc dùng “lí tưởng” của phụ nữ để phá hoại “lí tưởng” của đàn ông, dường như Stendhal đang len lén cười giễu nhại cho cái thứ được coi là “lí tưởng” mà chủ nghĩa lãng mạn đã dày công tung hô.

Mô hình yêu của người đàn ông lại hoàn toàn khác. Giữa tình yêu và sự nghiệp, người đàn ông luôn xoay sở để giữ được thế cân bằng. Cuộc xoay sở đó thể hiện rõ thông qua chàng Carbonari tên Missirilli. Gặp Vanina và yêu nàng vốn không nằm trong kế hoạch của anh ta. Anh ta trước giờ chỉ có duy nhất một nhiệm vụ là đấu tranh cho một nước Ý thống nhất và độc lập. Đó vừa là lí tưởng, vừa là sự nghiệp của cả đời Missirilli. Điều đáng cười ở chỗ, nhà tù không ngăn cản được sự nghiệp ấy, mấy tên cảnh binh không tàn phá được sự nghiệp ấy, nhưng sự nghiệp ấy lại bị hủy hoại bởi Vanina – người thiếu nữ anh đã hết lòng biết ơn và tin yêu.

Hoàn cảnh của Missirilli dường như đã trở thành điển hình cho rất nhiều người đàn ông khác. Tình yêu và người phụ nữ khiến họ chùn bước, và đã có lúc, họ nghĩ như Missirilli:

“Tổ quốc là cái gì cơ chứ? Tổ quốc đâu phải là một người nào đó mà ta hàm ơn vì những việc làm ân nghĩa và sẽ trở nên bất hạnh và nguyền rủa ta nếu bị ta phản bội? Không, Tổ quốc và tự do cũng giống như chiếc áo khoác của ta: Một vật có ích ta cần phải mua nếu như không được mẹ cha để lại. Thực sự, ta yêu Tổ quốc và tự do là vì những cái đó có ích cho ta. Còn nếu như ta không cần đến, nếu như những cái đó đối với ta chẳng khác gì tấm áo choàng dày vào giữa mùa nắng nóng, thì ta mua nó làm gì – nhất là với một cái giá đắt như vậy? Vanina xinh đẹp và khác thường đến thế! Người khác sẽ yêu nàng và nàng sẽ quên ta! Có người đàn bà nào suốt đời chỉ có một người yêu? Với tư cách công dân, ta coi khinh tất cả những gã Công tước La Mã, nhưng so với ta họ có bao nhiêu là ưu thế! Họ chắc hẳn phải có sức quyến rũ lắm! Đúng, nếu ta đi khỏi đây, nàng sẽ quên ta và ta vĩnh viễn mất nàng”

Biến động trong nội tâm Missirilli đã đượ Stendhal gói gọn lại trong vài dòng như vậy. Một chàng trai đấu tranh cho “Tổ quốc”, “dân chủ”, “tự do” bỗng chốc coi những gì mình đang cố gắng giành giật lại chỉ như món hàng vô dụng. Trước tình yêu, “Tổ quốc” và “tự do” là vô nghĩa. Missirilli, cũng giống như bao người đàn ông khác trong thực tế, có lí tưởng riêng, sự nghiệp riêng, và cũng thường xuyên tự mâu thuẫn giữa tình cảm cá nhân và trách nhiệm (với Tổ quốc, với hội kín, với anh em,…). Thế nhưng, cũng như ba người đàn ông khác, vẫn lí trí và quyết đoán hơn phụ nữ rất nhiều. Lí tưởng và sự nghiệp vẫn là mục tiêu cao nhất của họ, chứ không phải mái ấm cùng người phụ nữ. Tình yêu và người phụ nữ, đối với phần lớn đàn ông, không phải là đích đến. Nếu có thể, đó chỉ là bến đợi.

Đến cuối cùng, lựa chọn của Vanina là Missirilli, nhưng lựa chọn của Missirilli lại là Tổ quốc. Bất chấp việc Vanina đã làm tất cả để bảo vệ mình, Missirilli vẫn nhìn nó như một sự phản bội đầy ô nhục. Chàng mắng chửi và đuổi Vanina, cả hai đều vỡ mộng.

Gắn liền với mô hình con người trong tình yêu là mô hình không gian mang tính chất đối lập giữa mái ấm gia đình và công việc thể hiện qua tòa lâu đài và hội kín. Vanina thường được nhắc đến trong sự xuất hiện ở các tòa lâu đài. Lâu đài có thể xem là ngôi nhà, là nơi che chở. Cùng với sự hiện diện của Vanina, lâu đài trở thành không gian bình yên của tình yêu, không bị đe dọa và ngăn cản bởi bất cứ thế lực nào. Đối lập với nó là không gian hội kín và những hoạt động bí mật của hội. Hội kín là nơi Missirilli cùng anh em làm việc, nơi Missirilli có thể phát huy năng lực của bản thân. Là một hội nhóm có tổ chức, nó đại diện cho sự nghiệp; với tính chất bí mật, nó đại diện cho những nguy hiểm và thách thức mà Missirilli phải trải qua. Hai không gian này cũng đại diện cho hai thế giới khác nhau; trong đó lại tồn tại những loại người khác nhau. Mà nếu người của thế giới này vượt qua ranh giới để bước sang thế giới khác, thể nào cũng sẽ có rắc rối xảy ra. (Missirilli trú ngụ ở tòa lâu đài – Dây dính vào mối tình với Vanina, Vanina tìm đến nơi Missirilli hoạt động – Gián đoạn và phá hoạt kế hoạch của Hội kín).

Vanina và Missirilli còn là biểu tượng cho hai tầng lớp người khác nhau trong xã hội. Một bên xuất thân là quý tộc La Mã – những người không phải chịu bất kì ảnh hưởng gì từ việc nước Ý chia năm xẻ bảy, cũng không có nhu cầu phải đổi thay hay thống nhất đất nước. Họ thỏa mãn với hệ thống xã hội hiện thời. Một bên lại là những người Carbonari ưu thời mẫn thế ráo riết đấu tranh cho tự do của nước Ý. Missirilli được khắc họa như một nhà cách mạng tổ chức khởi nghĩa nhưng không thành công (do lực lượng thiếu, không có kế hoạch cụ thể, lí tưởng lung lai, dễ bị kích động tức giận, và bị bán đứng,…).

Nhìn toàn bộ tác phẩm, phải thừa nhận một điều rằng vấn đề không thể dung hòa giữa Vanina và Missirilli thực chất không chỉ bắt nguồn từ điểm khác biệt trong cách yêu giữa phụ nữ và đàn ông, mà còn bởi hai người vốn đã sống ở hai hệ thống không hề có lấy một điểm chung. Thế nên mới có chuyện đến cuối cùng, Missirilli nhìn Vanina thành một con quái vật phá hoại sứ mệnh của mình, còn Vanina hoàn toàn sốc vì những gì cô làm không được người yêu thấu hiểu. Trên thực tế, Stendhal đã đẩy các nhân vật của mình vào tình trạng vỡ mộng như một cách để đập tan đi những ảo tưởng về tình yêu, sự nghiệp vẫn tồn tại trong tâm trí đàn ông và phụ nữ từ bao đời nay; cũng chính Stendhal đã dùng phương pháp sáng tác lãng mạn để lật ngược lại tính phi thực tế của chủ nghĩa lãng mạn. Suy cho cùng, dù lí giải theo cách nào đi nữa, Stendhal cũng đã thành công trong việc dựng lại những nhân vật khác thường trong hoàn cảnh khác thường, kể lại một tấn bi hài kịch của sự vỡ mộng trong “Vanina Vanini”, và tấn bi hài kịch này chắc chắn sẽ làm hài lòng bất kì độc giả khó tính nào.

Nguyễn Hoàng Dương

KHÁI NIỆM VỀ THƠ SIÊU HÌNH (METAPHYSICAL POET)

Thơ siêu hình là một trong các loại hình thơ phát triển vào thế kỷ 17 tại Anh Quốc . Những nhà thơ sáng tác siêu hình thường đi sâu vào sự phức tạp của tính cá nhân và lý trí. Mở đầu cho thơ siêu hình là John Donne. Sau đó là đến Henry Vaughan, Andrew Marvell, John Cleveland và Abraham Cowleys. Ở mức độ thấp hơn có thể kể đến George Herbert và Richard Crashaw. Tác phẩm của họ là sự kết hợp

Minh Phi

10/11/2019

CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN (ROMANTICISM) TRONG VĂN CHƯƠNG

Chủ nghĩa lãng mạn là một trường phái, hay nói cụ thể hơn là thái độ và thiên hướng sáng tác đặc trưng của nhiều tác phẩm nghệ thuật như văn học, hội họa, âm nhạc, kiến trúc, phê bình, nghiên cứu lịch sử ở phương Tây trong khoảng thời gian từ thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19. Chủ nghĩa lãng mạn có thể được coi là sự chối bỏ các giới luật, sự hài hòa, tiết chế, lý tưởng hóa và tính

Minh Phi

08/10/2019

Sự thích thú trong phá hủy cấu trúc văn chương: Những nhà văn phá vỡ quy tắc

Có những nhà văn luôn cảm thấy rằng mình không hề viết những tác phẩm văn chương vĩ đại nếu không phá vỡ những gì có từ trước đó, sáng tác những thứ thể hiện góc nhìn của bản thân mới mẻ đến mức đáng kinh ngạc. Mặc dù toàn bộ mong muốn là trở thành một nhà văn vĩ đại (và điều này có vẻ như rất ngây thơ), nhưng các nhà văn vẫn thích thú với việc cười nhạo hay than thở về