Là một tác giả người Anh hoạt động trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ XIX, trong suốt sự nghiệp sáng tạo của mình, H. E. Marshall đã mang kiến thức lịch sử đến gần hơn với độc giả phổ thông, đặc biệt là những bạn đọc nhỏ tuổi, thông qua nhiều tác phẩm best-seller, trong đó có cuốn A History of France (Nước Pháp qua các thời đại). Với văn phong giản dị, lối kể chuyện hấp dẫn, cách trình bày mạch lạc, những tác phẩm của bà trở các đầu sách lịch sử được ưa chuộng trong nhiều năm liền, và trong thời gian gần đây vẫn có nhiều sức hút ở các nước nói tiếng Anh.
Thân thế và sự nghiệp của tác giả
Henrietta Elizabeth Marshall (bút danh là H. E. Marshall), sinh ngày 09/08/1867 và mất ngày 19/09/1941. Bà là một tác giả người Anh nổi tiếng với những cuốn sách lịch sử dành cho thiếu nhi, trong đó, bán chạy nhất là cuốn “Câu chuyện đảo quốc chúng ta” (Our Island Story, 1905) kể về lịch sử vương quốc Anh (được ấn hành rộng rãi trên thế giới với nhan đề Câu chuyện một đảo quốc: Lịch sử Anh Quốc dành cho thiếu nhỉ – An Island Story: A Child’s History of Endland.) Cuộc đời bà không quá nổi bật, cũng không có những biến động lớn lao, và phần nào bình lặng trôi qua như cuộc đời của những con người thuộc tầng lớp trung lưu có học của xã hội tư sản ở giai đoạn đó.
Marshall sinh ra tại Bo’ness, West Lothian, Scotland trong một gia đình trung lưu, có người cha là một nhà kinh doanh, sản xuất đồ gốm nung. Điều kiện vật chất gia đình tương đối khá giả giúp bà có thể theo học một trường dành cho nữ giới tên gọi Laurel Bank ở Melrose, một điều không quá phổ biến với nữ giới ở thời kỳ đó. Giữa các năm 1901 và 1904, bà là người quản lý ký túc xá dành cho nữ sinh viên tại Đại học Glasgow, nhưng trong suốt đời mình, bà kiếm sống chủ yếu bằng nghề viết văn – công việc đem lại cho bà một nguồn thu nhập ổn định và dồi dào. Sau năm 1904, bà du hành đến nhiều vùng đất khác nhau, trong đó có Melbourne, California và Trung Quốc. Những chuyến đi cung cấp cho bà nhiều tư liệu, cả thực tế lẫn sách vở, cũng như những kiến thức chính trị – xã hội về Đế Quốc Anh, khi ấy, vẫn còn đang phủ bóng khắp các châu lục. Tuy thế, bà dành phần lớn cuộc đời mình ở Oxford và London, nơi bà qua đời năm 1941.
Hoàn cảnh sáng tác của tác giả trong thời đại của mình
Marshall sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt, khi thành quả của những Cuộc cách mạng của Châu Âu ở các thế kỷ trước đang dần tạo ra một xã hội thịnh vượng. Địa vị của các quốc gia dân tộc (nation-state) ở châu lục nhỏ bé này dần được củng cố, trong khi Hoa Kỳ bắt đầu giành được nhiều vị thế trên trường quốc tế. Văn minh phương Tây chiếm trọn nhiều lãnh thổ trên các thế giới, và các thuộc địa màu mỡ hàng năm đem về cho Châu Âu không biết bao nhiêu là của cải. Trong một giai đoạn từng đối bình yên ở nửa sau thế kỷ XIX và những năm đầu thế kỷ XX, các nước phương Tây (Tây Âu và Hoa Kỳ) có điều kiện để xây dựng một nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa phát triển vượt bậc, với sự công nghiệp hoá diễn ra ở khắp mọi nơi. Tầng lớp tư sản hoàn toàn trưởng thành, thúc đẩy sự tự do trong các lĩnh vực của đời sống chính trị – xã hội. Văn minh vật chất lên cao, nhu cầu sống và hưởng thụ cũng mãnh liệt hơn trước. Đời sống của người dân các nước này được cung cấp với những tiện nghi vật chất mà ở các thế hệ trước chỉ dành cho vua chúa. Khi cuộc sống phần lớn bớt cơ cực, người ta dần quan tâm nhiều hơn tới đời sống tinh thần của mình. Các cơ sở giáo dục mọc lên ở nhiều nơi, cùng với sự tiến bộ của tư tưởng đã giúp cho nhiều người tiếp cận được với giáo dục, đặc biệt là giáo dục bậc cao hơn trước. Nhu cầu tìm hiểu tri thức của đông đảo tầng lớp xã hội tăng vọt, các câu lạc bộ tri thức được thành lập ở nhiều quốc gia. Khát khao học hỏi không chỉ còn bó hẹp trong khuôn viên trường lớp, mà mở rộng ra toàn xã hội.
Cùng với sự tiến bộ của học thuật, sự chuyên môn hoá các ngành tri thức (specialization of knowledge) cũng diễn ra với tốc độ chóng mặt. Những nhà nghiên cứu trước kia từng liên lạc rộng rãi với những người không cùng chuyên môn với mình, giờ đây chỉ tập trung trao đổi với những người có cùng chủ đề quan tâm. Thành quả của những hệ tư tưởng triết học đột phá ở thời đại Khai sáng giờ đây bắt đầu hiện rõ. Châm ngôn của Kant “Hãy dám biết” trở thành khẩu hiệu ngầm của mọi cơ sở học thuật. Những nhà nghiên cứu cần mẫn mổ xẻ, phân tích, bình luận về mọi thứ, từ những vi khuẩn nhỏ bé cho tới các thiên hà bao la, từ những vị vua cổ xưa của Ai Cập đến những sự kiện chính trị vừa mới xảy ra. Các lĩnh vực tri thức nhỏ hẹp hơn dần xuất hiện, kho tàng kiến thức của nhân loại bị phân tán thành nhiều mảnh nhỏ và chuyên sâu khiến cho lâu đài khoa học ngày càng có thêm nhiều phòng, ốc. Không riêng gì các ngành khoa học tự nhiên, ngay cả kiến thức trong lĩnh vực xã hội – nhân văn, mà đặc biệt là lịch sử, cũng trở nên phức tạp hơn. Cho tới thời kỳ đó, những phát kiến mới của môn khảo cổ học đã mở rộng chân trời quá khứ thêm hàng triệu năm cho con người. Nếu như trước đây các cuốn giáo khoa về lịch sử chỉ điểm qua thời đại Hy Lạp – La Mã và thời Trung Cổ rồi tiến thẳng đến giai đoạn Phục Hưng và Cận Đại, thì lúc này những tác phẩm nghiên cứu về Văn minh Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ, Trung Hoa bắt đầu phổ biến. Chưa khi nào kể từ sau thời kỳ đỉnh cao của văn minh Hy Lạp cổ đại, nhân loại lại chứng kiến một giai đoạn bùng nổ về tri thức mãnh liệt tới như vậy.
Tuy nhiên, chính sự gia tăng về tri thức theo cả số lượng và chất lượng này khiến cho sự tiếp cận của đông đảo những người bình thường đối với khối lượng tri thức đồ sộ này gặp nhiều trở ngại. Theo sự phát triển của phong cách hàn lâm trong các trường đại học, những nhà trí thức bắt đầu thu hẹp lại trong phạm vi chuyên môn của mình và nếu có, thì cũng hiếm khi, chịu bỏ công phổ cập tri thức của mình cho độc giả phổ thông. Một bên là những giáo sư trong tháp ngà với kiến bác uyên thâm, một bên là quần chúng giờ đây đã có nhiều thời gian nhàn rỗi hơn và khao khát tri thức, một nhu cầu về sự kết nối tất yếu được đặt ra.
H. E. Marshall chính là một trong nhiều người cố gắng thử thách bản thân với nhu cầu lịch sử đó. Những cuốn sách về lịch sử các nước Anh (và các thuộc địa của nó), Pháp, Đức, Scotland, Hoa Kỳ từng được tái bản đi tái bản lại rất nhiều lần, là những đầu sách hết sức phổ biến trong giới độc giả các nước Anh Ngữ trước Chiến tranh thế giới. Thông qua những câu chuyện lịch sử đơn giản, dễ hiểu song vẫn hết sức thú vị, trong nhiều năm liền những cuốn sách của Marshall đã đem kiến thức đến cho những người dân bình thường, vốn không có quá nhiều thời gian để đọc những bộ sách dày cộp trong thư viện hay những độc giả nhỏ tuổi, vốn đã quá mệt mỏi với những bài giảng lịch sử nhàm chán nơi trường lớp. Được hoàn thiện trong giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp của Marshall, cuốn A History of France (Nước Pháp qua các thời đại) thể hiện sự chín muồi trong văn phong và quan điểm của tác giả, và cho đến ngày nay, nó vẫn là một cuốn sách bổ ích về lịch sử.
Riêng đối với dịch giả, cuốn sách này như đưa dịch giả quay trở về với những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường cấp một, cấp hai, khi hãy còn cần mẫn tìm tòi trong các giá, tủ thư viện để mượn đọc những cuốn sách về các danh nhân, các mẩu chuyện lịch sử, các câu chuyện dã sử, thần thoại của thế giới. Hành trình tư tưởng của nhân loại, có lẽ phần lớn cũng bắt đầu bằng những câu chuyện ngắn gọn nhưng hấp dẫn và kỳ thú, hơn là những cuộc phân tích và nghiên cứu đồ sộ.
Cuốn A History of France (Tên tiếng Việt: Nước Pháp qua các thời đại) và mong muốn mở rộng chân trời kiến thức lịch sử ở Việt Nam hiện nay
Được xuất bản năm 1912, cuốn A History of France (Nước Pháp qua các thời đại) kể về chặng đường phát triển của dân tộc Pháp từ thời kỳ những của những người Gaul-Celtic cho đến giai đoạn của Nền Cộng hoà thứ ba. Cuốn sách gồm 101 chương, mỗi chương không quá dài, được trình bày dưới hình thức một câu chuyện nhỏ, xoay quanh một biến cố hoặc một triều vua/ chế độ chính trị nhất định. Với văn phong giản dị, lối trình bày đơn giản, tập trung vào những sự kiện chính, tác phẩm cung cấp một nền tảng kiến thức về lịch sử nước Pháp một cách dễ tiếp thu, dễ ghi nhớ.
Những năm gần đây ở nước ta, khối lượng các tác phẩm và dịch phẩm về tri thức nhân loại nói chung, trong đó có bộ môn lịch sử nói riêng gia tăng nhanh chóng. Tuy đã phần nào cung cấp được nhiều kiến thức cho độc giả trong nước, song nhiều địa hạt của lịch sử nhân loại vẫn còn bị bỏ ngỏ. Các cuốn sách về lịch sử phương Tây (dù là tác phẩm hay dịch phẩm) thường tập trung vào những yếu tố đặc trưng và mang tính ưu trội của văn minh Phương Tây xét như một tổng thể (như các cuốn “Văn minh phương tây và phần còn lại”, “Tại sao phương Tây vượt trội?”) hoặc phân tích trên bối cảnh đa quốc gia – đa dân tộc (như cuốn “Con đường tơ lụa”, “Súng, vi trùng và thép”, hay các tác phẩm khác của Jared Diamond). Những công trình này, tuy ít nhiều đều được chú thích rất tỉ mỉ, song đều đòi hỏi rằng rằng độc giả của nó ít nhiều đã quen với lịch sử của các quốc gia Châu Âu. Trong khi đó trên thị trường lại hiếm có cuốn sách này cung cấp cho chúng ta một cái nhìn tổng quát và sơ lược về lịch sử của từng quốc gia, nhất là các đất nước có địa vị quan trọng trong dòng chảy lịch sử như Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ. Những công trình lịch sử được tài trợ bởi nhà nước, như bộ “Lịch sử thế giới” , lại trình bày lịch sử phương Tây dưới dạng các giai đoạn, thời kỳ, trào lưu chung, chứ không đi riêng vào từng quốc gia, nên cũng không giúp chúng ta biết được tiến trình lịch sử đặc thù của từng dân tộc, cùng với những chi tiết thú vị trong lịch sử vốn được xem như những “kiến thức cơ sở” của người dân các nước đó.
Ví dụ, trong cuốn “Lịch sử thế giới trung đại” thuộc bộ “Lịch sử thế giới”, các tác giả trình chia tác phẩm của mình thành hai phần, Lịch sử phương Tây và Lịch sử phương Đông. Trong khi lịch sử phương Đông được biên soạn theo từng quốc gia riêng biệt, thì lịch sử phương Tây lại được bố trí theo các giai đoạn, thời kỳ hoặc các trào lưu lịch sử khác nhau. Điều này không chỉ phản ánh một thói quen, một phong cách truyền đạt; ở một phương diện nào đó, nó còn thể hiện sự khác biệt trong bản thể luận và nhận thức luận về lịch sử. Ở châu Âu, các quốc gia – dân tộc xuất hiện tương đối muộn. Người Hy Lạp không có một quốc gia thống nhất, họ chỉ mường tượng với khái niệm về một dân tộc chung trong thế đối lập với các dân tộc xung quanh, một thế giới văn minh, tự do so với phần còn lại man rợ, nô lệ. Người La Mã ý thức được sự văn minh của họ so với “những người man di”, nhưng nhà nước của Đế chế La Mã là một nhà nước phổ quát, giang tay đón chào tất cả các dân tộc khác hoà nhập vào nó. Sau sự sụp đổ của Đế chế La Mã, phía Tây Châu Âu bị các tộc người German xâm nhập và cắt xẻ thành nhiều vương quốc theo từng dân tộc riêng. Nhưng chế độ phong kiến hình thành trong giai đoạn này đã ngăn chặn sự phát triển của các quốc gia – dân tộc . Rất thường xảy ra rằng một vị vua thuộc về dân tộc này, lại làm chủ một quốc gia khác; trong khi chính những nhà quý tộc lãnh chúa của ông ta, lại cũng sở hữu những lãnh địa nằm ngoài đất nước của mình. Và những cuộc chiến tranh, hôn nhân, kế vị giữa các lãnh địa phong kiến này càng khiến cho tình hình trở nên rối rắm hơn. Chỉ đến cuối thời Trung đại, khi một số nhà nước quân chủ chuyên chế xuất hiện, và những mầm mống của chủ nghĩa tư bản bắt đầu manh nha, thì người ta mới thấy dấu hiệu của những quốc gia – dân tộc đầu tiên (sớm nhất trong số này là các nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha, trong khi nước Ý chỉ được thống nhất trước khi H. E. Marshall ra đời khoảng 06 năm, còn nước Đức khi ấy vẫn chưa thực sự là một quốc gia toàn vẹn). Chính quá trình lịch sử như vậy khiến cho các học giả thiên về nghiên cứu và trình bày lịch sử của Châu Âu thông qua các thời đại chung. Ngược lại, ở Châu Á, các quốc gia – dân tộc hình thành từ rất sớm, và người ta có thể dễ dàng nói đến các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam hay Thái Lan, Lào, Campuchia (hoặc tiền thân của chúng) từ những buổi đầu lịch sử.
Người Việt Nam chúng ta, với ý thức dân tộc sớm phát triển, cũng như bối cảnh Á Đông, có lẽ quen thuộc hơn với lối trình bày (và ghi nhớ) lịch sử theo từng quốc gia riêng. Một người Việt Nam am hiểu lịch sử, có thể nhớ tới câu thơ của Nguyễn Trãi:
“Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần, bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”
như một giản đồ về lịch sử của đất nước mình cùng với người hàng xóm phương Bắc. Mỗi quốc gia Á Đông, trong chiều dài lịch sử của nó, có từng giai đoạn lịch sử riêng, và nếu như có những sự kiện lịch sử quan trọng liên quan đến nước ngoài, thì đó chủ yếu là những cuộc chiến tranh mà một bên đi xâm lược bên còn lại, hơn là những trào lưu phát triển chung và phổ quát.
Với việc lựa chọn và chuyển ngữ tác phẩm này, dịch giả mong muốn cung cấp một cách nhìn khác về lịch sử Châu Âu, với một lối tư duy phần nào quen thuộc với người dân Việt Nam hơn.
> Tìm hiểu thêm: “Nước Pháp qua các thời đại – Từ Gaul đến vinh quang” do Book Hunter xuất bản với bản dịch của Phạm Quốc Huy
Địa vị của nước Pháp trong dòng chảy lịch sử Châu Âu và thế giới
Có thể nói, nước Pháp không chỉ là một quốc gia có vị trí địa lý mang tính trung tâm ở Châu Âu, mà đó còn là đất nước có vai trò lịch sử trọng yếu trong những chặng đường phát triển của châu lục bé nhỏ này. Sau thời Cổ đại với Trung tâm là Văn minh La Mã – Hy Lạp xung quanh Địa Trung Hải, trong thời Trung Đại, trung tâm của Châu Âu/ Phương Tây Cơ Đốc Giáo dần dịch chuyển về phía nước Pháp. Với sự trỗi dậy của Đế quốc Frank (tiền thân của nước Pháp), Châu Âu gần như được hồi sinh sau sự suy tàn của Đế quốc Tây La Mã. Ở phía Nam, Đế quốc Frank chặn đứng bước tiến của các tín đồ Muhammad ngay rặng Pyrenees (biên giới giữa nước Pháp và Tây Ban Nha bây giờ), cũng như ôm trọn lấy miền Bắc nước Ý (trong đó có Rome), nơi từng là trung tâm của đế chế vĩ đại nhất thế giới. Về phía Đông và phía Bắc, Nhà nước của người Frank cùng các thiết chế chính trị phụ thuộc vào nó là thành luỹ của văn minh trước bước tiến của những tộc người khi ấy hãy còn ở trong trình độ phát triển thấp (các giống dân du mục từ Trung Âu tràn tới, cũng như các giống dân đi biển từ Bắc Âu kéo xuống). Đế quốc Frank, với lãnh thổ rộng lớn và sức mạnh vượt trội, từng được xem là người kế tục chính đáng của nhà nước La Mã. Charlemagne Đại Đế, vị vua vĩ đại nhất của nhà nước Frank, đã mở ra một thời kỳ thịnh trị, khi mà học thuật lại đâm chồi sau nhiều năm dài u ám và bị lãng quên (Thời đại Phục hưng Carolingian). Ngay cả khi đã suy tàn, Nhà nước Frank vẫn quyết định vận mệnh của ba quốc gia hùng mạnh nhất của Châu Âu. Sự chia cắt nhà nước Frank thành ba phần tại Hoà ước Verdun đã mở đường cho sự hình thành các nước Pháp, Đức và Ý. Sự thiếu vắng của một chính quyền trung tâm vững mạnh ở Bắc Ý đã tạo cơ hội cho các nhà nước thành thị thương nghiệp phát triển, và dần dần sẽ tạo ra Thời Phục hưng huy hoàng. Vùng phía Đông của nhà nước Frank, với đại bộ phận dân cư là người Saxon, sẽ tiếp tục kế thừa danh hiệu Đế chế La Mã, trở thành Đế chế La Mã Thần thánh và sau nhiều trăm năm, là nước Đức. Vùng phía Tây của nhà nước Frank, kế thừa toàn bộ sự thống nhất và tinh hoa của dân tộc Frank, đã dần phát triển để trở thành một nước Pháp hùng mạnh, với một nhà nước chuyên chế trung ương tập quyền dưới thời Louis XIV, làm lay chuyển cả thế giới với Cuộc Đại Cách mạng Pháp và các Cuộc chiến tranh của Napoleon, rồi lại góp phần kiến thiết Văn minh Tây Âu hiện đại với các nhà nước hậu cách mạng. Để hiểu được lịch sử Châu Âu, ít nhất người ta phải hiểu được lịch sử nước Pháp.
Đối với Việt Nam, nước Pháp có một mối quan hệ đặc biệt. Những tiếp xúc đầu tiên giữa hai nước diễn ra vào cuối thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, khi giống như mọi quốc gia Châu Âu, nước Pháp cũng dong thuyền đi tìm kiếm những vùng đất mới cung cấp nguyên liệu và thị trường cho nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn, Nguyễn Ánh, trong giai đoạn tập hợp lực lượng và đấu tranh với nhà Tây Sơn, có nhiều mối quan hệ mật thiết với nước Pháp. Sự bế quan toả cảng của các vị vua sau ông đã trở thành một trong những cái cớ để Pháp chính thức xâm lược Việt Nam vào năm 1858. Thời kỳ Pháp thuộc chính thức bắt đầu vào năm 1867 (khi Nam kỳ Lục tỉnh bị nhà Nguyễn cắt nhượng cho Pháp) và kéo dài cho tới năm 1945, khi Pháp bị Nhật thế chân. Trong suốt khoảng thời gian đó, văn hoá và ngôn ngữ nước Pháp đã để lại nhiều dấu ấn lên đời sống tinh thần và học thuật của Việt Nam. Chính ở giai đoạn giao thời đó, sự tiếp xúc với văn minh Phương Tây dần dần làm tan rã nền học vấn Nho giáo Á Đông cổ truyền, thúc đẩy sự phổ biến của chữ Quốc ngữ. Nền giáo dục Việt Nam sau khi chấm dứt khoa thi Hội cuối cùng năm 1919, chịu ảnh hưởng mãnh liệt của nền giáo dục Pháp. Tiếng Pháp được giảng dạy chính thức trong các nhà trường. Các tác phẩm bằng tiếng Pháp, trong tất cả các lĩnh vực, trở thành nguồn tham khảo chính cho giới tri thức Việt Nam lúc bấy giờ. Nhiều tác giả Việt Nam, thậm chí còn lựa chọn sáng tác bằng tiếng Pháp . Văn minh và nền học thuật của nước Pháp trở thành hình mẫu cho những học giả Việt Nam theo tân học, chống cựu học lúc bấy giờ. Sau Cách mạng tháng tám năm 1945, văn hoá nước Pháp vẫn tiếp tục có nhiều ảnh hưởng với đời sống tri thức miền Nam Việt Nam, và chỉ phai nhạt dần khi ảnh hưởng của nước Mỹ đối với chính quyền miền Nam Việt Nam gia tăng, dẫn đến sự phổ biến của những tác phẩm Anh Ngữ.
Tuy vậy, ở Việt Nam lại có rất ít tác phẩm viết về lịch sử nước Pháp, và nếu có, đa phần cũng chỉ lồng ghép vào một bức tranh rộng lớn về lịch sử Châu Âu. Bằng dịch phẩm này, dịch giả hy vọng đóng góp phần nào vào việc tìm hiểu lịch sử, văn hoá, văn minh nước Pháp ở Việt Nam hiện nay.
Cấu trúc và sơ lược nội dung của tác phẩm
Cuốn sách bao gồm 101 chương, bao quát khoảng 2.500 năm lịch sử nước Pháp từ thời Cổ đại cho đến nền Cộng hoà thứ ba. Toàn bộ tác phẩm có thể được chia thành những phần như sau, tương ứng với những giai đoạn lịch sử riêng biệt của nước Pháp:
– Phần thứ nhất – Thời kỳ cổ đại: Gồm các chương từ 01 đến 03. Trong những chương này, tác giả điểm qua về sự hiện diện của người Hy Lạp, sự hưng thịnh và suy tàn của dân tộc Gaul, cũng như cuộc xâm lăng và La Mã hoá xứ Gaul bắt đầu với Julius Caesar. Ở chương 03 tác giả cũng đề cập đến sự truyền bá của Cơ Đốc giáo trong xứ Gaul thuộc La Mã, với hai vị thánh tiêu biểu của nước Pháp là Thánh Denis và Thánh Martin.
Tìm hiểu thêm về sách: Cuộc chiến xứ Gallia – Julius Ceasar – Book Hunter Lyceum
– Phần thứ hai – Nhà nước Frank/ Triều Merovingian và Triều Carolingian: Gồm các chương từ 04 đến 17. Phần này bắt đầu với cuộc tiến công của những tộc người “man rợ”, trong đó tác giả tập trung vào người Hung với vị vua Alaric khét riếng. Sau khi người Hung rút khỏi vũ đài lịch sử, người Frank liền thế chỗ. Vua Clovis là người đã có công thống nhất các bộ tộc Frank, mở rộng lãnh thổ của Nhà nước Frank và chính thức khai sinh ra Triều đại Merovigian. Những vị vua Merovigian kế tục dần đánh mất quyền lực và chỉ giữ được ngai vàng trên danh nghĩa, trong khi đất nước thực sự bị cai trị bởi các viên Tể tướng thuộc dòng họ Carolingian. Tình trạng “Vua Lê Chúa Trịnh” này chấm dứt khi Pepin lên cầm quyền, và trở thành vị Vua đầu tiên của Triều Carolingian. Triều đại cực thịnh dưới tài trị quốc của Charlemagne. Dưới thời của ông, lãnh thổ của Nhà nước Frank đạt đến cực đại, đời sống xã hội cơ bản khôi phục, nền học thuật phát triển rực rỡ. Tuy nhiên Đế quốc mà ông dày công xây dựng lại bị chia năm xẻ bảy sau cái chết của ông, và chính thức chấm dứt với cái chết của Charles Béo Phì. Triều Caroligian cũng không kéo dài được lâu sau Charles Béo Phì và sớm phải nhường chỗ cho Triều Capetian, xuất thân là những vị tể tướng nắm giữ quyền lực quốc gia, hệt như những gì trước kia họ Carolingian đã làm với Triều đại Merovingian.
– Phần thứ ba – Sự hình thành nước Pháp Trung cổ/ Triều Capetian: Gồm các chương từ 18 đến 40. Những chương này xoay quanh những sự kiện chính như Sự trỗi dậy của Triều Capetian, Các cuộc Thập tự chinh, Cuộc xâm lăng và định của những người Norman ở miền Bắc nước Pháp, Chiến tranh Trăm năm giữa hai nước Anh và Pháp. Trong giai đoạn này, nước Pháp cũng chứng kiến sự trỗi dậy của vương quyền trung ương, bắt đầu với Louis VI (Louis Chiến Binh hay Louis Tỉnh Tảo). Các vị vua Pháp kế tục ông cố gắng thu hẹp quyền lực của giới quý tộc, giành lại những miền lãnh thổ rộng lớn về cho nước Pháp khỏi tay các vị lãnh chúa đồng thời là Quốc vương nước Anh. Giai đoạn này cũng đánh dấu sự trỗi dậy của tinh thần dân tộc nước Pháp, khi phải chiến đấu trường kỳ với một dân tộc khác là người Anh, trong một cuộc chiến kéo gần một trăm năm. Nhiều sự kiện lịch sử của giai đoạn này (Thập tự chinh hay Chiến tranh trăm năm) không đơn thuần là của riêng nước Pháp, mà chúng còn liên quan tới toàn thể Phương Tây Cơ Đốc Giáo. Sự củng cố vương quyền của các vua Pháp cũng cho thấy một hướng đi rất khác với một các quốc gia xung quanh, và có thể xem là tiền đề cho vị Vua Mặt Trời Louis XIV sau này. Nếu như ở Anh và Đức, quyền lực của Quốc vương/ Hoàng đế bị hạn chế đáng kể trước sức mạnh ngày càng gia tăng của giới quý tộc thì ở Pháp, giới quý tộc lại nhiều lần bị đánh bại và buộc phải cúi đầu thần phục ông vua của họ.
– Phần thứ tư – Hậu kỳ Trung đại/ Triều Valois: Gồm các chương từ 41 đến 64. Ở những chương đầu của phần này, độc giả được tìm hiểu về đoạn kết của Chiến tranh Trăm năm, cũng như sự trỗi dậy của các vị Vua dòng Valois (một chi nhánh của dòng Capetian). Sau khi Chiến tranh Trăm năm kết thúc, các vị vua Pháp tiếp tục củng cố quyền lực của mình và xây dựng đất nước sau những năm dài chiến tranh liên miên. Địa vị của nước Pháp ngày càng được củng cố. Tuy nhiên, khoảng một trăm năm sau Chiến tranh trăm năm, một loạt những cuộc chiến khác lại nổ ra, làm xói mòn quyền lực của chính quyền Valois. Khác với Chiến tranh trăm năm liên quan đến vấn đề kế vị ngôi vua nước Pháp, các cuộc chiến mới xoay quanh vấn đề tôn giáo, khi phong trào Kháng cách lan rộng trên khắp Châu Âu. Cuộc xung đột về tín ngưỡng giữa tín đồ hai phái Công giáo và Kháng cách bùng phát thành chiến tranh vũ trang trên toàn nước Pháp.
– Phần thứ năm – Nước pháp Cận đại/ Triều Bourbon: Gồm các chương từ 65 đến 76. Phần này mở đầu với triều đại của Henry IV nhà Bourbon, một vị minh quân nỗ lực hết sức mình để đem lại sự hoà hợp dân tộc cho nước Pháp, cố gắng hoá giải mối hận thù giữa hai phe Công giáo và Kháng cách. Sau khi Henry IV qua đời, chính quyền trung ương của nước Pháp tiếp tục được củng cố dưới bàn tay của Richelieu, một vị Hồng y có địa vị quan trọng trong lịch sử nước Pháp cận đại. Ông đập tan thế lực của phe Kháng cách trong nước, dẹp yên các cuộc nổi loạn của giới quý tộc và làm khả năng để đưa vị thế của nước Pháp lên cao trên trường quốc tế. Trong khi đó, Chiến tranh Ba mươi năm nổ ra ở Châu Âu, Richelieu lãnh đạo nước Pháp tham chiến cùng phe Kháng cách để nhằm đạt được lợi ích quốc gia tối đa. Kế tục Richelieu là một vị Hồng y khác, Mazarin, người có phong thái làm việc hoà nhã hơn so với Richelieu đầy cứng rắn và cương quyết. Nước Pháp lúc này sở hữu những chính khác và tướng lĩnh tài ba hàng đầu Châu Âu, cùng với một sự thống nhất về chính trị và tiềm lực về kinh tế gần như không quốc gia nào sánh bằng. Tất cả chỉ để chuẩn bị cho vị vua vĩ đại nhất của nước Pháp kể từ sau Charlemagne, người sẽ gắn tên tuổi của mình với cả một thế kỷ . Sống lâu đến 77 tuổi và trị vì được 72 năm, ông là vị vua có triều đại dài nhất trong lịch sử. Trong suốt quãng thời gian đích thân trị vì, ông đã đưa nước Pháp lên đến đỉnh cao huy hoàng của nó, đồng thời thiết lập một nền cai trị chuyên chế nhất mà Châu Âu từng biết đến. Tuy nhiên tham vọng và sự vĩ cuồng của ông cũng đưa nước Pháp, trong những năm cuối triều đại của ông, đến bờ vực sụp đổ. Nhân dân Pháp rên xiết dưới ách thuế khoá nặng nề để có tiền cho Louis XIV thoả mãn những tham vọng điên cuồng của mình. Nếu như chính Louis XIV đưa nước Pháp đến với đỉnh cao chói lọi, thì cũng một tay ông dọn đường cho sự sụp đổ của nền quân chủ chuyên chế. Hai vị vua sau ông, Louis XV và Louis XVI, kế thừa đống đổ nát của người tiền nhiệm trong bất lực mà thôi.
– Phần thứ sáu: Cách mạng và Đế quốc: Gồm các chương từ 77 đến 90. Giai đoạn này mở đầu với Triều đại Louis XVI, vị vua chứng kiến cơn bão táp cuồng nộ của cuộc Đại Cách mạng Pháp. Đây là sự kiện vĩ đại không chỉ của riêng nước Pháp, mà còn lay chuyển toàn bộ Châu Âu và thế giới khi đó. Nó đã mở ra một thời đại mới, truyền cảm hứng cho nhiều cuộc cách mạng tư sản và những cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trong hai thế kỷ sau đó. Sau Cách mạng, nước Pháp rơi vào tình trạng hết sức hỗn loạn, người dân trong nước bị chia rẽ thành nhiều đảng phái khác nhau, với xu hướng bạo lực ngày càng gia tăng. Ở bên ngoài, nước Pháp tự do bị bao vây bởi các quốc gia quân chủ khác, những người muốn lập lại vương quyền trên đất Pháp. Một loạt những thời kỳ ngắn ngủi nối tiếp nhau: Khủng bố đỏ – Đốc chính – Chế độ Tổng tài. Tất cả dọn đường cho vị tướng tài ba nhất của nước Pháp, người lãnh đạo quân Pháp đánh tan quân đội các nước Châu Âu – Napoleon Bonaparte. Sau khi đã tiêu diệt được hết các phe chống đối, ông lên ngôi Hoàng đế và lập lại chế độ quân chủ trên đất Pháp, một điều mà có lẽ chính những người phát động Cách mạng Pháp không thể ngờ tời. Tuy nhiên, cũng giống như Louis XIV, khi Napoleon lên tới đỉnh cao vinh quang cũng là lúc ông bắt đầu trượt dần trong thất bại. Đế quốc mà Napoleon dày công xây dựng cũng không sống thọ hơn ông.
– Phần thứ bảy: Nước Pháp cho tới Nền Cộng hoà thứ ba: Gồm các chương từ 91 đến 101. Trong các chương này, độc giả lần lượt được tìm hiểu về sự Khôi phục của nền quân chủ Bourbon cũng như sự kết thúc hoàn toàn của Triều đại này, Nền Cộng hoà thứ hai, Đế chế thứ hai (do Napoleon III, cháu trai của Napoleon I thiết lập) và sự thành lập Nền Cộng hoà thứ ba. Những tàn dư cuối cùng của chế độ quân chủ cũng biến mất trên đất Pháp và trước khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, Pháp Quốc là một nước Cộng hoà do Tổng thống đứng đầu.
Phong cách của tác phẩm
Do là một cuốn sách được viết nhằm hướng đến độc giả phổ thông cũng như những bạn đọc nhỏ tuổi, và để tránh không bị rơi vào lối trình bày giáo khoa nhàm chán trong trường lớp ở thời đại đó, tác phẩm được viết bằng một văn phong giản dị, hạn chế sử dụng ngày tháng cụ thể ở mức nhiều nhất có thể. Mỗi chương như một câu chuyện ngắn gọn, thường xoay quay một vị vua hoặc một chế độ chính trị nào đó. Ví dụ, Chương 54 tập trung vào triều đại của Vua Charles VIII hoà nhã và những cuộc chiến tranh phù phiếm của ông này. Tuyến nhân vật và sự kiện vì thế cũng tương đối tuần tự theo thời gian, mạch lạc và không quá phức tạp.
Bên cạnh những sự kiện lịch sử chính thống, tác giả cũng đưa vào nhiều câu chuyện mang tính dã sử để cho tác phẩm thêm phần thú vị, cũng như phần nào có thể truyền tải được tinh thần và tinh hoa văn hoá của dân tộc Pháp.
Một điều đáng chú ý là lối trình bày của tác giả có thể dễ tiếp cận với độc giả Việt Nam, như đã nói ở trên, vốn quen với việc ghi nhớ lịch sử, đặc biệt là lịch sử giai đoạn phong kiến, dưới sự tuần tự của các triều đại (hoặc thời kỳ) khác nhau. Như đã trình bày ở phần trước, lịch sử nước Pháp trong tác phẩm được trình bày lần lượt theo từng giai đoạn: Thời kỳ cổ đại, Triều Merovingian, Triều Carolingian, Triều Capetian, Triều Valois, Triều Bourbon, etc. Một điểm lưu ý khác là các vị vua của nước Pháp không có quá nhiều danh hiệu như các vị vua phong kiến Việt Nam và Trung Quốc , do vậy, để dễ phân biệt giữa nhiều vị vua cùng có tên Henry, ngoài thứ tự (như Henry IV là vị vua thứ tư mang tên Henry) thì hậu thế còn đặt cho một số vị vua này những biệt danh phần nào phản ánh con người và triều đại của họ. Do vậy là chúng ta có những cái tên như Louis VI To Béo, Louis VII Trẻ Tuổi, Phillip II Quang Vinh, Charles V Thông Thái, etc. Điều này sẽ giúp ích cho độc giả hơn trong việc ghi nhớ từng triều đại cụ thể.
Một vài chi tiết, những câu chuyện thú vị trong tác phẩm
Dưới đây xin được lược qua một số chương sách mà dịch giả cho rằng tương đối thú vị và cung cấp nhiều góc nhìn khác cho những người dân Việt Nam vốn quen với lối tư duy Á Đông.
Thánh Denis – Vị Thánh Bảo hộ của nước Pháp (Chương 03): Một điểm nổi bật trong lịch sử của Châu Âu đó chính là ảnh hưởng vô tiền khoáng hậu của tôn giáo, cụ thể ở đây là Cơ Đốc giáo. Ở Việt Nam, chưa bao giờ giới tăng lữ của Phật giáo, tôn giáo lớn nhất ở Việt Nam giành được quyền lực chính trị thì ở phương Tây, Giáo hội mà đứng đầu là Giáo hoàng có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với chính quyền thế tục của các quốc gia – dân tộc. Khởi đầu của tôn giáo lớn nhất thế giới này, bắt đầu với những vị thánh không ngại gian khổ, hiểm nguy, đem lời dạy của Đấng Christ rao giảng cho những người dân ngoại đạo. Trong số này, vị Thánh gắn liền với nước Pháp chính là Thánh Denis, người đã tử đạo năm 272 sau Công nguyên. “Vì Thánh Denis” trở thành tiếng hô xung trận của những người lính Pháp trong suốt thời kỳ trung đại. Lá Hoàng kỳ của vua Pháp được bảo quản tại đây, và gần như toàn bộ các vị vua này đều được an táng ở Nhà thờ Thánh Denis. Không chỉ riêng nước Pháp, mỗi quốc gia Châu Âu hầu như cũng đều có một vị Thánh bảo hộ cho riêng mình, như Thánh George của Anh Quốc.
Những vị vua lười (Chương 07): Hẳn mỗi người dân đều biết đến thời kỳ Vua Lê Chúa Trịnh trong lịch sử của đất nước mình, khi mà quyền lực thực sự không nằm trong tay những vị vua Lê vốn chỉ cai trị trên danh nghĩa, mà thuộc về các chúa Trịnh, những người thậm chí có một đội ngũ quan lại cho riêng mình. Một thời kỳ lịch sử hết sức tương đồng cũng diễn ra ở đất Pháp, dưới Triều Merovingian, khi các vị vua “tóc dài” chỉ ngồi làm vì, còn việc điều hành đất nước hoàn toàn do các viên Tể tướng (thường thuộc Gia tộc Caroligian quyết định). Điểm khác biệt có lẽ là nếu như số phận của các chúa Trịnh gắn liền với sự hưng vong của các vua Lê, thì những Tể tướng Carolingian lại quyết đoán thay thế các vị vua Merovingian mà lập ra một triều đại mới, lẫy lừng không kém, dành cho riêng mình.
Charles Béo Phì, vị vua không được đánh số thứ tự (Chương 16): Trong lịch sử nước Pháp, có nhiều vị vua mang cùng một tên gọi, như Henry, Louis, Phillip, Charles (đây cũng là những cái tên Pháp rất phổ biến). Để phân biệt, người ta đánh số thứ tự của các vị vua theo từng tên gọi, từ đó mà ta có Louis I, Louis II, etc. Tuy nhiên có một vị vua của nước Pháp, mặc dù không phải là người đầu tiên cũng không phải là người cuối cùng mang một cái tên hết sức phổ thông, song lại không được hậu thế đánh số. Vị vua đó chính là Charles Béo Phì. Qua lời kể của tác giả Marshall, chúng ta được biết rằng Charles là một con người nhát gan và đớn hèn, không dám đương đầu với quân Norman để bảo vệ nhân dân của mình. Ông là một vị vua bị khinh bỉ, coi thường, bị đuổi khỏi ngai vàng và hậu thế cũng không thèm đánh số thứ tự cho đế hiệu của ông.
Joan d’Arc, người nữ anh hùng vĩ đại của Nước Pháp (Chương 50): Người anh hùng dân tộc nổi tiếng nhất của nhân dân Pháp, lại là một người phụ nữ. Câu chuyện về cuộc đời của bà gần như là một kỳ tích, một phép lạ. Xuất thân là một thôn nữ thất học ở làng quê hẻo lánh, xúc động và đau thương trước tình cảnh thảm bại của nước Pháp trong Chiến tranh trăm năm, bà có những trải nghiệm tâm linh như thể được Thiên Chúa và các thiên thần động viên, mách bảo. Càng kỳ lạ hơn là một người thiếu nữ như vậy có thể thuyết phục nhà vua và quân đội nghe theo sự chỉ huy của mình, rồi dẫn dắt họ đi tới hết chiến thắng này tới chiến thắng khác. Đối với chúng ta, những điều này dường như không thể lý giải nổi, và hiển nhiên, những người Anh kẻ thù của Jean cũng không thể tin được những gì họ chứng kiến. Vậy nên họ cho rằng bà hẳn phải là một phù thuỷ và thiêu sống bà.
Cuộc thảm sát Bartholomew (Chương 68): Như đã nói ở trên, nét đặc trưng của lịch sử phương Tây so với lịch sử Á Đông, chính là tầm ảnh hưởng rõ nét về chính trị của Cơ Đốc giáo. Nếu như ở giai đoạn đầu thời Trung đại, Giáo hội đã đưa cả Châu Âu vào cuộc chiến chống lại Hồi giáo, thì ở cuối thời Trung đại, chính những người Cơ Đốc giáo lại tàn sát lẫn nhau. Cuộc thảm sát Bartholomew là một trong số nhiều cuộc thảm sát mà những người Cơ Đốc giáo thuộc hai phe Công giáo và Kháng cách gây ra cho nhau. Điều kinh khủng hơn là cuộc thảm sát này lại xảy ra vào đúng ngày lễ kỷ niệm của một vị Thánh Tông đồ, một trong những người môn đồ của Chúa Jesus. Đây có lẽ là một trong những vết nhơ khủng khiếp nhất trong những trang sử nước Pháp. Khi đọc về bối cảnh dẫn đến một sự kiện như vậy, chúng ta – những người phương Đông mà lịch sử vốn không hề có những cuộc chiến tranh tôn giáo – có thể phần nào hiểu được tại sao một sự kiện kinh hoàng như vậy lại xảy đến với một tôn giáo luôn rao giảng tình thương và hoà bình.
Phạm Quốc Huy