Home Hiểu Nông thôn, Hoang dã, Đô thị

Nông thôn, Hoang dã, Đô thị

Tóm lược

Trong nhiều ngôn ngữ, những từ đề cập đến nông thôn cũng chính là những từ được sử dụng để mô tả sự hoang dã: ye trong tiếng Trung Quốc, agreste trong tiếng Tây Ban Nha, v.v.. Tuy nhiên, kể từ khi thời kỳ Đồ đá mới bị xóa sổ, nông thôn đã được xác định trong sự đối lập với rừng rậm. Phương trình nông thôn/hoang dã chỉ ra rằng sự đối lập giữa chúng sau đó đã bị thay thế bởi một sự đối lập khác, vốn được xác định bởi một quan điểm cụ thể, đặt điểm nhìn nơi thành thị. Nơi các nền văn minh trong lịch sử, chính sự đối lập thứ hai này – giữa thành thị và nông thôn – đã trở thành sự đối lập mang tính cấu trúc then chốt, đến mức mà trong tầm nhìn đô thị, tự nhiên và nông thôn có xu hướng chồng chéo lên nhau. Thực thể mới này (tự nhiên-nông thôn) cuối cùng đã được lý tưởng hóa bởi đám đông trong các đô thị hiện đại để tìm kiếm một tự nhiên đã mất. Trong ba mươi năm cuối của thế kỷ XX, sự khao khát tự nhiên này đã dẫn đến hiện tượng “đô thị phân tán” ở các nước giàu, tại những nước này, phần lớn xã hội đô thị hiện tập trung ở các vùng nông thôn. Bài báo này xem xét các nền tảng của “tự nhiên” này, tiêu biểu cho sự cực đoan của tính nhân tạo.

Từ khóa

vũ trụ, không gian, nông thôn, hoang dã, thành thị

Theo truyền thống, nông thôn được xác định vừa trong mối quan hệ với hoang dã (rừng, núi, biển, sa mạc) vừa trong mối quan hệ với thành thị. Nó tạo thành một phạm vi trung gian giữa thành thị và hoang dã; một trong hai không gian này mang tính tự nhiên nhiều hơn, và không gian còn lại mang tính nhân tạo nhiều hơn; một không gian mang tính ban sơ, không gian còn lại tiếp cận được với sự văn minh. Trong suốt dòng lịch sử con người tác động lên hành tinh này, nông thôn nổi lên một cách hiệu quả như là kết quả của quá trình canh tác các vùng đất hoang, sau đó bị thu hẹp lại khi đối mặt với quá trình đô thị hóa; và trong hàng ngàn năm, nông thôn, hoang dã và đô thị do đó tạo ra ba mẫu hình cảnh quan cơ bản trong thế giới đã được khai hóa, ý tôi là muốn biểu thị mối quan hệ giữa con người với vùng đất họ định cư.

Làm thế nào để ta xác định được mối quan hệ giữa ba từ này? Trước hết, rõ ràng là khi xét đến diện tích, érème (phần hoang vu, hoặc vùng hoang dã) rộng lớn hơn nông thôn, mà nông thôn lại lớn hơn thành thị;[1] cũng không có gì phải nghi ngờ khi xét đến niên đại tuyệt đối, vùng hoang dã có trước nông thôn, và nông thôn có trước thành thị. Tuy nhiên, mọi thứ trở nên phức tạp hơn khi người ta cho rằng nông thôn và thành thị là công trình thủ công của con người, do đó chỉ tồn tại và có ý nghĩa nhờ và cho con người mà thôi. Điều tương tự cũng xảy ra với vùng hoang dã, ít nhất trong chừng mực thuật ngữ này được định nghĩa trong mối quan hệ với hai thuật ngữ kia.

Đây không phải là vấn đề thuần mang tính chủ quan – nó là một quan sát khách quan và logic – nhưng nó cũng mang tính chủ quan: ba thuật ngữ trên vừa có ý nghĩa nhờ vào những diễn giải của cả con người tập thể và con người cá nhân, bắt đầu bằng những từ định danh chúng,  vừa tồn tại khách quan.

Sự mâu thuẫn này, khi khách quan và chủ quan chồng chéo nhau, dẫn đến một nghịch lý cơ bản. Vì dù về nguyên tắc, thuật ngữ hoang dã có trước hai thuật ngữ kia, cả về thời gian lẫn không gian, nhưng trên thực tế, vùng hoang dã chỉ xuất hiện khi có nông thôn và sau này là các thành thị. Tương tự, vùng hoang dã chỉ tồn tại bên ngoài một ranh giới mà hầu hết mọi người đã không vượt qua — một ranh giới không có giới hạn chiều rộng hoặc chiều sâu, ngoại trừ trong trí tưởng tượng.

Nghịch lý này có đơn thuần là một trò chơi trí tuệ không? Với cách nó được trình bày, câu trả lời dường như là có; nhưng trong thực tế cụ thể của thế giới đã được khai hóa và của lịch sử nhân loại, chúng ta sẽ thấy rằng chính nhờ nông thôn và thành thị mà vùng hoang dã đã phát triển; tuy nhiên, đó lại là vùng hoang dã mà chúng ta tin đã xuất hiện trước tiên.

Điều này cho thấy rõ chức năng di truyền vũ trụ của nông thôn, và của cả thành thị: mỗi thuật ngữ này thiết lập một thế giới nhất định (kosmos), trong đó vùng hoang dã sẽ xuất hiện trong một mối quan hệ tự nhiên với hai thuật ngữ kia. Đây là quan điểm mà giờ đây, từ quan điểm này, chúng tôi bắt đầu trình bày về nông thôn, thành thị và hoang dã.

Nông thôn, hay không gian đầu tiên

Ở trên tôi đã đề cập đến “các mẫu hình cảnh quan cơ bản trong thế giới đã được khai hóa”: nông thôn, hoang dã và đô thị. Nhưng “mẫu hình cảnh quan” là gì? Theo nhà cảnh quan Pascal Aubry, một chuyên gia về chủ đề này, “đó là một phần của không gian vật lý thúc đẩy chúng ta tạo ra cảnh quan” (Berque ed. 2006, 68).

Ông nói thêm:

Từ này được nhiều người biết đến nhờ cách diễn tả nổi tiếng của các họa sĩ trường phái Ấn tượng, họ vẽ tranh ngoài trời (sur le motif, hay “trên mặt đất”). Các từ như mot (tiếng Pháp có nghĩa là “từ”), motif (khuôn mẫu), động lực, chuyển động và cảm xúc đều thuộc cùng một họ từ. Mối quan hệ này rất quan trọng vì nó nhấn mạnh thực tế rằng một cảnh quan vốnsinh ra từ cảm xúc thúc đẩy một người trải nghiệm nó và thúc đẩy anh tạo ra ra cảnh quan. (Berque ed. 2006, 68).

Thật vậy, trong mối quan hệ của con người với thế giới đã được khai hóa, có một động lực có thể được xác định – ít nhất là trong chừng mực chúng ta, thành viên của một xã hội trù phú trong thế kỷ XXI, có liên hệ đến – như một “trung gian của cảnh quan trong hành vi” (Berque ed. 2006, 68 et seq.); và đây thực sự là cái được biểu trưng bằng “ba tầng nghĩa của motif, một khái niệm vừa mang tính thời gian (chẳng hạn như “motif giai điệu”) vừa mang tính không gian (“motif thiết kế hình nền”), trong khi vẫn giữ được ý nghĩa chính của nó là ‘lý do hành động’”(Berque ed. 2006, 68 et seq.). Những motif này của thế giới đã được khai hóa mà nông thôn, hoang dã và đô thị biểu thị cho chúng ta những lý do cụ thể để hành động theo cách này hay cách khác, tùy theo điều chúng trình bày cho chúng ta và cũng tùy vào cách cuộc sống của chúng ta được sắp xếp thế nào trong không gian cũng như trong thời gian.

Phải thừa nhận rằng đây không chỉ là bằng chứng – bằng chứng về thế giới của chúng ta. Trong thế giới này, cuộc sống được tổ chức giữa thành thị, nông thôn và hoang dã, mà với chúng ta, cuộc sống như thế đồng nghĩa với những kỳ nghỉ và chúng ta đến chơi ngày càng thường xuyên hơn. Một ngày nghỉ lễ thực sự là một khoảng trống, một dấu ngoặc đơn không đòi hỏi trách nhiệm, thừa hưởng từ lễ hội (từ Ferien trong tiếng Đức có nghĩa là hội chợ hoặc lễ hội), trong thời gian đó chúng ta được nghỉ phép (được phép đến nơi chúng ta muốn). Do đó, trong những khoảng thời gian được giải thoát này, chúng ta hướng tới những khu vực được miễn các trách nhiệm, nghĩa là, trong thực tế, ta đi đến vùng hoang dã, đối cực của thành thị, vì chúng ta là cư dân thành thị.

Trong khi các hình thức của sự đảo ngược này đang phát triển nhanh chóng, thì nền tảng của nó lại rất lâu đời rồi. Otium của người La Mã, scholê của người Hy Lạp, yindun  của người Trung Quốc có trước nó, nhưng trong cuộc sống ẩn dật của những người như Thánh Anthony, nó đã đạt đến sự thuần khiết của một mô hình: trong những trường hợp như vậy, rõ ràng việc rời bỏ thành thị cũng là rời bỏ thế giới để lui vào sa mạc, de-sertum, vùng đất hoang vu nơi những ràng buộc — trách nhiệm — vốn dệt nên một thế giới (tiếng Latin serere, sertum) nay được tháo bỏ[2]. Sau hết, nó có nghĩa là từ bỏ thế gian: Chẳng lẽ thánh Anthony đã không bắt đầu cuộc sống của mình cách tượng trưng như một ẩn sĩ biệt cư trong khu mộ sao?

Tuy nhiên, trên thực tế, việc rời bỏ thế gian của những ẩn sĩ là một cuộc quay trở lại (tiếng Hy Lạp là ana) vùng nông thôn (chôra): một anachôrê-sis; và trong khi tại Syria hoặc Thebes, người ta có thể đến sa mạc rất nhanh, thì sự chuyển đổi trọng yếu của tiến trình này diễn ra ngay khi người ta bước qua cổng thành. Anachôrêsis do đó là một hiện tượng đô thị. Chúng ta sẽ sớm biết được lý do vì sao lại như thế.

Tuy nhiên, nếu chúng ta quay “trở lại” (ana) xa hơn nữa, về trước khi các thành thị ra đời, và thậm chí lùi xa hơn nữa, về trước khi nông thôn ra đời, thì chúng ta sẽ thấy gì? Ta sẽ nhận được silva “nguyên thủy” (tiếng Latinh có nghĩa là “rừng”), môi trường sống “hoang dã” hoặc “man rợ” (phái sinh từ silva).

Chúng ta biết gì về điều đó? Chúng ta biết được điều mà các nhà nhân loại học đã dạy về các xã hội vẫn sống trong một môi trường như hiện nay,  nói ngắn gọn là môi trường này không mang chút gì là dáng vẻ của đời ẩn dật.. Môi trường này không phải một sa mạc, đơn giản chỉ vì không một thị trấn hay vùng nông thôn nào mà trong mối quan hệ với chúng mà một sa mạc như vậy có thể tồn tại. Đó không phải là một nơi nằm ngoài thế giới: đó là thế giới của các người lùn Pygmy ở Trung Phi, người M’Buti mà Maurice Godelier (1973) đã nói đến, hoặc là thế giới của người da đỏ Jivaro ở Amazon, người Achuar mà Descola (1986) đã nghiên cứu. Đối với họ, thế giới này thật đầy đủ và có trật tự: nó không giống với khoảng trống vô hạn mà sa mạc mô tả cho chúng ta.

Do đó, từ ban đầu, vùng hoang dã không tồn tại bởi vì nó “nằm ngoài thế giới” và vì, đối với những người có liên quan, không gian này chính xác là thế giới của họ. Để nó tồn tại như một vùng hoang dã, một không gian khác phải mở ra, và không gian đó phải tự mở ra: không gian này đã tạo ra thế giới của chính chúng ta. Nó bắt đầu với một cuộc khai hoang trong rừng bởi những người canh tác du canh thời Đồ đá mới. Vì vậy, nông thôn bắt đầu xuất hiện. Chúng ta vẫn còn lưu giữ dấu vết của quá trình hình thành vũ trụ này: “nông thôn” bắt nguồn từ gốc tiếng reos thuộc gốc Ấn-Âu, có nghĩa là rõ ràng, đã phái sinh ra rus (nông thôn), rusticusruralis  trong tiếng Latinh, cũng như từ rüm (không gian mở) trong nhóm ngôn ngữ Đức cao địa cổ xưa, giờ là Raum (không gian), hoặc từ room trong tiếng Anh (với cùng nghĩa) (Gransaignes d’Hauterive 1994, 175).

Những từ này là bằng chứng về ký ức lâu dài của chúng ta và là các nguồn ẩn dụ, chẳng hạn như lý thuyết của Heidegger của thế kỷ 20 tập trung vào “sự khai quang” (Lichtung) như một điểm mở cho tồn tại và thế giới (Heidegger 1957). Thật vậy, từ sự khai quang này, tức là từ vùng nông thôn, vũ trụ của chúng ta bắt đầu mở ra, trong sự phân biệt cơ bản giữa ruộng và rừng, giữa thế giới đã được khai hóa và vùng hoang dã, giữa thế giới và sa mạc.

Thành thị: Tái lập Thế giới

Như vậy, kể từ thời kỳ Đồ đá mới, và trong hàng ngàn năm, thế giới nông thôn đã không ngừng lấn vào thế giới hoang dã,[3] giờ đây lại bị thu hẹp lại cách tàn bạo. Chỉ mới gần đây, khoa nhân học đã tái khám phá thế giới này, và thậm chí gần đây hơn, chúng ta đã ngừng mô tả nó như còn ban sơ. Ý tưởng này đã làm nổi bật việc nhiều xã hội khác nhau của con người đều có chân giá trị như nhau. Nhưng hẳn nhiên điều đó sau này mới xảy ra: không chỉ những vùng nhiệt đới buồn (tristes tropiques) của thế giới hoang dã đang biến mất (Levi-Strauss 1955), mà ngay cả vùng từng thay thế chúng cũng sắp tận diệt (Mendras 1967). Vì thế giới nông thôn cũng đã bị xóa sổ bởi một thế giới khác, rồi thế giới này cũng đưa nông thôn trở lại hoang dã…

Các sinh viên học tiếng Latinh luôn ngạc nhiên trước thành ngữ La Mã ab urbe condita (“kể từ khi thành lập thành thị”). Họ khó mà hiểu được rằng, Năm Không trong sự ước tính về lịch sử do La Mã thiết đặt chỉ là một mốc điểm tùy ý, giống như với chúng ta là thời điểm Đức Kitô ra đời vậy. Họ sẽ còn ngạc nhiên hơn khi biết rằng nguyên tắc này cũng đã được áp dụng trong việc thiết lập từng thành thị, trong một nghi lễ mà người La Mã tuyên nhận đã kế thừa từ người Etruscan, mà trong thực tế, người La Mã không có bất kỳ liên hệ chắc chắn nào với disciplina etrusca này (Grandazzi 1991).  Nhưng lịch sử đã cho thấy, chỉ có La Mã trở thành một Đế quốc, trung tâm duy nhất của thế giới, nội thành và ngoại thành hợp thành một, hoặc ít nhất là được gọi cùng bằng một danh xưng. Chính điều này ngày nay đã tạo ra truyền thống Giáo hoàng nói urbi et orbi (với thành Rome và với thế giới Công giáo).

Mặc dù chỉ một mình La Mã đã thực sự trở thành một thế giới – thế giới La Mã – nhưng bất kỳ thành phố nào, về cơ bản, đều là một thế giới có quyền lực tiềm tàng. Điều này được thể hiện tính tương hợp của từ mundus, trong từ này người ta tìm thấy các nét nghĩa về “thế giới” và về “cái hang thánh được đào ở trung tâm một thành phố mới”, dẫn đến một căn phòng dưới đất, mà người ta tin nó được che bởi một mái vòm biểu trưng cho các tầng trời (Lagopoulos 1995, 305 et seq.).

Các nền văn minh đô thị khác có những nghi thức khác, nhưng dù ở đâu thì thành thị cũng đã trở thành trung tâm thế giới, và cái giá phải trả chính là đánh mất các vùng nông thôn. Vì vậy, một lần nữa, các thế giới của nhân loại đã được tái lập. Tuy nhiên, bộ đôi di truyền vũ trụ, thế giới và ngoài thế giới, vẫn được duy trì, đồng thời cũng chuyển dịch khi thế giới đô thị phát triển.

Trong nhiều thiên niên kỷ, ranh giới thiết yếu chính là ranh giới phân tách thế giới nông thôn với thế giới hoang dã, chẳng hạn như biên giới nơi người Pygmy (thế giới hoang dã) và người Bantu (thế giới nông thôn) trao đổi sản phẩm và mỗi bên không được vượt qua biên giới này (Godelier 1973). Rồi một ranh giới khác xuất hiện, chẳng hạn như bức tường do Romulus xây lên lúc thành lập La Mã, và bức tường ấy linh thiêng đến nỗi ông đã giết em trai mình vì người em đã vượt qua nó. Việc xây một bức tường bao quanh thành phố chính là urbare (hay urvare), có nghĩa là “cầm cán cày”. Chính từ hình ảnh nông nghiệp này mà thế giới đô thị ra đời; chắc chắn là như thế, vì cho đến lúc đó, thế giới vẫn mang tính nông thôn.

Bức tường này có nghĩa gì? Về mặt biểu tượng, nó làm cho thành phố tồn tại. Làm cho thành phố tồn tại nghĩa là làm cho nó đứng (sistere) bên ngoài (ex) khung cảnh ban đầu của nó, tức là vùng nông thôn, mà người Hy Lạp gọi là chôra, và từ đó Plato, trong Timaeus, đã họa ra hình ảnh bản thể-vũ trụ học của nơi chốn (chôra) nơi khởi phát sự tồn tại(genesis). Khởi nguyên của sự hiện hữu, khởi nguyên của thế giới, giờ đây chính là điều mà thành thị sẽ tuyên nhận – thành thị trong tiếng Hy Lạp được gọi là astu, một từ có cùng gốc *wes- (lưu lại) trong hệ Ấn-Âu với từ tiếng Phạn vastu (vị trí), các từ tiếng Anh was, were hoặc từ tiếng Đức Wesen (bản thể, bản chất) (Gransaignes Hauterive 1994, 240).

Tìm hiểu thêm: Combo sách “Biên niên sử Đô thị: Chiến thắng và Sinh tồn” – Book Hunter Lyceum

Vùng hoang dã bắt đầu bên ngoài những bức tường

Sự tồn tại được tượng trưng bởi đường phân chia hoặc đường phân chia ở dạng vật chất là bức tường thành. Do đó, khái niệm về thành phố được liên kết với khái niệm của tường thành. Vào cuối năm 1765, Encyclopédie của Diderot đã định nghĩa “thành thị” là “một khu vực được bao bọc bởi những bức tường bao quanh nhiều khu phố, đường phố, công trường tòa nhà”. Và trong thế kỷ XXI, đây là định nghĩa mà từ điển Xinhua Zidian (đối tác Trung Quốc của Webster’s) đưa ra cho từ cheng :

  1. Thành: To rộng ~ (Chang ~ ~).
  2. Thành thị: ~ và nông thôn tương trợ lẫn nhau (~ xiang huzhu ~ )

Vì điều này thôi thì không đủ để một thành thị tồn tại, do đó, tất cả các loại nghi lễ đã được thêm vào địa đồ này để chỉ ra rằng ở đó thực sự tồn tại ranh giới giữa thế giới và phần ngoài thế giới. Bên ngoài các bức tường thành La Mã là pomoerium (phái sinh từ post, “sau,” và mœrus, murus, “tường”), tức là nơi biểu tượng, ở đó chỉ có vùng hoang vu: đó là một không gian thiêng liêng, nơi con người không thể xây dựng cũng như không thể trồng trọt. Nhưng thay vào đó, chúng ta hãy nhìn vào ví dụ của Trung Quốc (Berque 2010, 55 et seq.)  – Trung Quốc là quốc gia của những bức tường thành xuất sắc, với các thị trấn truyền thống đặc trưng với hệ thống tường đôi (cheng  và guo ). Bản thân người Trung Quốc đã tự định nghĩa mình là “những người có bức tường kép” (chengguo zhi min); điều này, chúng tôi nhận thấy, không liên quan đến thế giới nông thôn.

Phần đối lập của pomoerium trong tiếng Trung Quốc được gọi là jiao . Ở Nhật Bản, trong thời Minh Trị, thuật ngữ Trung Quốc này được tìm thấy trong kôgai , có nghĩa là “vùng ngoại ô” nhưng ban đầu có nghĩa là “bên ngoài jiao.” Từ nguyên của chữ tượng hình Trung Quốc  chứa đựng ý niệm về lửa (biểu thị bằng phần nét bên trái). Ý nghĩa chính của jiao đề cập đến các địa thềm, nơi mà ở hai điểm chí, Thiên Tử đã hiến tế cho Trời (phía nam bức tường vào ngày đông chí) và đất (phía bắc bức tường vào ngày hạ chí). Thuật ngữ này cũng được dùng để gọi tên, kể từ thời Tây Chu (khoảng 1122–770 trước Công nguyên), ngày lễ hạ chí, vào dịp này, các ngọn lửa được đốt lên. Tất nhiên, điều này gợi nhớ đến ngọn lửa Thánh John nhắc đến, hoặc thậm chí là ánh lửa của những người canh tác du canh trong Lichtung. Điều này chỉ ra ý nghĩa vũ trụ của những ranh giới không-thời gian này, đây vốn là lý do tại sao việc đi qua jiao được đánh dấu bằng các nghi lễ – đặc biệt là khi chào đón một vị khách quan trọng, để tiếp đón anh trong jiao để cảm ơn anh ta vì những vất vả của anh, và khi anh rời đi một lần nữa, để tiễn anh ta đến giới hạn của jiao.

Ranh giới giữa thành thị và vùng không phải thành thị thực sự đã kết tinh một raison d’être thiết yếu của thế giới: chính ranh giới này đã thiết lập sự phân biệt giữa tự nhiên và văn hóa; ở đây là nơi phát sinh sự tồn tại của thế giới. Đây là những gì làm cho các cổng thành trở thành biểu tượng cho lối đi từ thế giới đã được khai hóa vào vùng hoang dã. Ba nghìn năm sau nhà Chu, tình trạng hỗn loạn do quyết định di dời Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales từ trung tâm Paris đến Aubervilliers, bên ngoài các bức tường thành, là một minh họa nổi bật!

Nhưng trong khoa vũ trụ học này, điều gì đã trở thành thế giới của nông dân? Chẳng hạn, điều gì đang xảy ra với bộ ba La Mã ager-saltus-silva (rừng chăn thả – gia súc)? Bộ ba này chắc chắn vẫn còn nhưng bị xóa mờ bởi một bộ đôi mạnh mẽ hơn: thế giới (thành thị) và sa mạc (ngoài thế giới, bên ngoài các bức tường). Các ngôn ngữ của chúng ta vẫn lưu giữ dấu vết của điều đó. Chúng ta hãy lấy tính từ phái sinh từ ager, agrestis: chắc chắn nó thể hiện bản chất của thế giới nông dân, biểu thị phần đối lập với vùng hoang dã vì nó xuất phát từ tiền tố agr- thuộc gốc Ấn-Âu, nghĩa là “nông thôn” và sinh ra nghĩa “nông nghiệp”. Tuy nhiên, ngay từ thời La Mã, tính từ này mang hai nét nghĩa đối lập: một mặt, nó có nghĩa là “nông thôn”; mặt khác, nó có nghĩa là “hoang dã.” Cho đến thế kỷ XVIII, tình trạng tương tự cũng xảy ra nơi từ agreste trong tiếng Pháp. Sau cùng, nghĩa “nông thôn” chiếm ưu thế. Tuy nhiên, hai nghĩa đối lập vẫn tồn tại trong cả từagreste trong tiếng Tây Ban Nha và từ agrestic trong tiếng Anh.

Hiện tượng này không chỉ có ở châu Âu. Nó thậm chí còn rõ ràng hơn ở Đông Á, nơi mà ký tự Trung Quốc , ye trong tiếng Quan Thoại, một mặt biểu trưng cho nông thôn, mặt khác, biểu trưng cho vùng hoang dã. Trong tiếng Nhật, chẳng hạn, no  cũng có nghĩa là “nông thôn”; nhưng yasei  có nghĩa là “hoang dã”, một trạng thái của tự nhiên thuần túy. Trong tiếng Trung Quốc, yeren  (“dã nhân”) là người tuyết đáng sợ, yeti; nhưng yei  có nghĩa là “hương vị của vùng nông thôn”. . .

Hiện tượng đối nghĩa ấy thực chất là gì? Nó có nghĩa là không gian ban đầu của thế giới nông thôn – nơi ranh giới quyết định chính là đường tiếp giáp giữa đồng ruộng và rừng rậm – đã được đặt chồng lên một không gian khác, vốn được tạo ra bởi thành thị và ranh giới quyết định trong không gian này trở thành đường biên giữa thành thị và nông thôn. Trong không gian mới này, vùng nông thôn như bị ném ra khỏi thế giới, về phía vùng hoang vu. Nó trở thành sa mạc, như thế giới hoang dã đã từng. Việc lật đổ thế giới này bởi thế giới khác được minh họa trong sự tiến hóa của ký tự Trung Quốc ye , mà hình thái cổ xưa của nó là , có nghĩa là đất ( ) được bao phủ bởi rừng ( ).

Rừng rậm, trong sự thay đổi trên toàn vũ trụ, nhường chỗ cho những cánh đồng, tức thế giới hoang dã trở thành thế giới nông thôn — tất cả những khu rừng ấy, nếu nhìn từ trên bờ tường thành xuống, đều cùng là ye: điều quan trọng chính là sự tương phản giữa thành thị và pomoerium, giữa thế giới và vùng bên ngoài thế giới.

Nói cách khác, thành thị đã tự nhiên hóa nông thôn: nó biến nông thôn thành tự nhiên. Kể từ lúc đó, nông thôn đã có nghĩa là tự nhiên. Nông thôn (tức “đồng quê”, trái ngược với thành thị về mặt văn hóa) chính là phần hoang dã, phần hoang dã hơn của thế giới đô thị của chúng ta. Vũ trụ học này được thể hiện gần như theo nghĩa đen trong một đoạn văn nổi tiếng của Horace Walpole (1717–1797), là cựu sinh viên của Eton and Cambridge College, từng miệt mài nghiên cứu cuộc sống thành thị; trong đoạn văn ấy, ông khuyến nghị cần dỡ bỏ các hàng rào quanh vườn và thay thế nó bằng một đường hào:

…Đến lượt nó, vườn tược đã được giải phóng khỏi hiện trạng thông thường đầy cứng nhắc của nó, khi đó nó mới có thể hòa nhập với vùng nông thôn hoang dã hơn… Ông ấy [William Kent] đã nhảy qua hàng rào và thấy rằng tự nhiên ngoài kia là một khu vườn (1995 [1785]: 46).[4]

 

Sự thật về công việc của người nông dân

Nhưng tại sao lại nói đến vườn tược khi chúng ta đang giải quyết mối quan hệ giữa thành phố và nông thôn? Bởi vì vườn hoa, tượng trưng cho tự nhiên, là một thuộc tính trong tầm nhìn đô thị , mà tầm nhìn ấy đã giới thiệu khái niệm về “tự nhiên” (Berque 2010). Chúng ta có thực sự tin rằng các triết gia thời tiền Socrates, những người đầu tiên đưa nét nghĩa của “tự nhiên” vào từ Physis – mà theo Homer, vẫn có nghĩa là khả năng chữa bệnh của một loài thực vật – chính là những người lao động hay những người chăn cừu không? Ta hẳn không tin như thế, và thay vào đó, họ thường xuyên lui tới quảng trường của Miletus, một thành phố mà người ta cho rằng, tại đó, Hippodamus đã phát minh ra việc quy hoạch đô thị. Liên quan đến mối liên hệ giữa “tự nhiên” và thành thị, cũng có một số dấu hiệu ít mang tính suy đoán hơn, chẳng hạn như sự kiện khi người Athens dựng tượng thần Pan trong thành phố của họ để tạ ơn vị thần ấy vì sự trợ giúp của ngài tại Marathon, họ đã đặt ngài trong một hang động – trong khi tại quê hương của ngài, người Arcadia đã xây dựng cho ngài những ngôi đền, như họ vẫn thường làm vậy cho một vị thần (Borgeaud 1977). Đó là bởi vì, đối với đô thị Athen, Pan tượng trưng cho “tự nhiên”, trong khi ở vùng hoang dã ở Arcadia, ngài ấy là thần của những đàn súc vật, và hang động là một môi trường sống “tự nhiên” hơn là một ngôi đền.

Thành thị không chỉ phát minh ra “tự nhiên” mà còn lý tưởng hóa nó. Quá trình này, ở phương Tây, là cội nguồn của thần thoại Arcadia (mục đồng) và ở Viễn Đông, là cội nguồn thần thoại về đời ẩn cư ở nông thôn. Cả hai trường hợp nàyđều đòi hỏi một sự tự nhiên hóa thế giới nông thôn, nghĩa là tịch thu công việc của nông dân, vốn chính là điều khiến nông thôn trở nên phi tự nhiên. Những dấu hiệu ban đầu của tình cảnh này có thể được tìm thấy trong bài thơ Works and Days của Hesiod. Mặc dù là một nông dân, Hesiod vẫn có cảm nhận được rằng (câu 42): “Các vị thần thực sự đã che giấu khỏi con người điều giữ họ sống sót” (Krupsantes gar echousi theoi bion anthrôpoisi). Tiên vàn, chẳng lẽ công việc của nông dân không phải là điều đã giữ cho con người sống sót trong những ngày đó sao? Nhưng chắc chắn, các vị thần đã giấu, không để Hesiod nhận ra được, vùng đất đã được cày xới (aroura, cùng gốc [ara-: tới] với araire — trong tiếng Pháp có nghĩa là “cày” – có thể trồng trọt được hoặc có thể canh tác được), ngay cả trong Thời kỳ Hoàng kim, cũng không thể tự nó sinh hoa kết trái.

Do đó, khi phản đối tất cả những điều này, ông đã có thể viết ra những dòng thơ nổi tiếng sau (câu 109–118):

Hoàng kim là cuộc đua đầu tiên [. . . ]

Trái đất mầu mỡ này, không bị thúc ép, đã sinh hoa kết trái

Dồi dào và được đầy no

Hesiod đặt tính cách tự nhiên này trong bối cảnh thời kỳ Hoàng kim, trước khi có sự lao động. Nhưng trong tác phẩm của người kế tục sự nghiệp của ông, Virgil (Georgics II, khoảng năm 458–460), thì sự tàn phá đã hoàn tất, và trái đất được cho là sẽ sinh hoa kết trái mà không cần lao động:

Ôi những người nông dân may mắn biết bao nếu họ nhận biết phước lành của họ.

Đối với họ, khác xa với sự đụng độ của vũ khí,

Từ sỏi đất, trái đất dường như chỉ tuôn tràn một thứ chất dinh dưỡng giản dị.

nói với chúng tôi

Tất nhiên, tầm nhìn này của người Arcadia không phải là nông thôn: nó là đô thị. Đó là tầm nhìn của một lớp người thường sống ở thành thị, nhưng lại là các điền chủ giàu có sống bên ngoài các bức tường cũng như trong thành phố; họ là những người mà với họ, nông thôn đồng nghĩa với otium, tức sự bình dị, trên những mảnh đất rộng lớn của họ, và không đồng nghĩa với việc lao động trên chính những mảnh đất đó. Giải trí, chứ không phải lao động; chiêm nghiệm, chứ không phải cày cuốc. Thành phố là môi trường các nghĩa vụ xã hội chiếm ưu thế; đó là sự phủ định của otiumneg-otium mà từ đó chúng ta có từ tiếng Pháp négoce (thương mại hoặc thương lượng), tức lối sống bình thường của “tầng lớp nhàn hạ” này (Veblen) – đó là thế giới của những người trần tục này, những người có thời gian rảnh rỗi để tận hưởng sự khước từ của thế giới đó. Họ, đặc biệt là các nhà ngữ pháp và các học giả, chính là tác giả thực sự của thần thoại Arcadia, là những người, hoặc vì lý do ý thức hệ hoặc vì lý do thông thường, theo cách của một Varron, đã mày mò các từ nguyên, khi tạo ra và vận dụng các phép loại suy nhờ convenientia, tức sự tương tự, của các thuật ngữ để đáp ứng một chương trình xuất phát từ một quan niệm nhất định về nền kinh tế trọng nông vào cuối thời Cộng hòa.

Điều tương tự, nhưng dưới các thuật ngữ khác nhau, đã xảy ra ở Trung Quốc nơi các quan lại của Lục triều (thế kỷ III-VI); đó là những người ở bên ngoài các bức tường, đã tiêu dao như những ẩn sĩ, có chút giống như Marie Antoinette đã tiêu dao khi trở thành một người chăn cừu, và đã để lại cho chúng ta huyền thoại về thế ngoại đào nguyên, tương tự đồng quê của chúng ta. Những ẩn sĩ thượng lưu, họ nhìn nhận môi trường không phải từ quan điểm của uti (tiếng Latinh “để sử dụng”) – tức sự thực lợi, áp dụng cho thế giới nông dân – mà từ frui, “để có được vui thú từ đó” – như là sự tận hưởng chiêm nghiệm. Chính từ cái nhìn nhàn rỗi này, được giải phóng khỏi những ràng buộc của thế giới đô thị, mà thắng cảnh đã được ra đời (shanshui). Điều này đã được nói đến vào năm 353 tại bữa tiệc nổi tiếng ở Orchid Pavilion (Lanting), nơi một nhóm bạn bè có học thức và những người ẩm rượu thân mật bắt đầu sáng tác thơ (Berque 2008). Như Vương Hi Chi đã viết:

Trái tim tôi đang bị phân tâm bởi cảnh quan

Vắng mặt với chính mình, tôi đã quên dây buộc của mình[5]

Phần hoang vu hơn mà nông thôn biểu trưng trong mắt họ, thậm chí đã được họ kết nối lại với thành thị dưới dạng một khu vườn cảnh. Các bức tường bao quanh vùng đất khép kín đó đã loại bỏ cuộc sống đô thị trong thành bang, vốn cho phép các tường đó ở “trong một ngôi nhà gỗ trên núi ngay giữa thành phố” (như cụm từ tiếng Nhật shichû no sankyo, , có nhắc đến). Thiên Tử sau đó đã mượn căn nhà gỗ đó, và tạo ra Khu vườn tuyệt vời của Sự trong sáng Hoàn hảo (Viên Minh Uyển) khiến các tu sĩ Dòng Tên như Cha Attiret phấn khích – đến mức tu viện trưởng Laugier, trong cuốn Essai sur l’architecture (Bài luận về Kiến trúc) (1753), coi các kết cấu của khu vườn ấy như những ngôi nhà thực sự: “những ngôi nhà đầy say mê.”[6]

“Ngôi nhà đầy say mê” này, vốn sinh ra từ những kết cấu trong một khu vườn Trung Quốc, cũng xuất phát từ chính sự hư cấu của tầng lớp nhàn hạ vốn đã tự nhiên hóa vùng nông thôn thông qua việc tịch thu sự lao động của nông dân: đây chính là mô hình được lồng ghép vào vùng thôn quê, mà từ đó các vùng ngoại thành của ngày hôm qua và sự mở rộng đô thị nơi các vùng nông thôn ngày nay được khai sinh.

Sự mở rộng đô thị: Đánh mất cảm giác thuộc về vũ trụ

Các vùng ngoại ô hiện đại, giống như sự mở rộng đô thị, không chỉ phát sinh từ sự phát triển quá mức của thành thị. Một lý tưởng nhất định khiến đám đông thành thị muốn một lối sống như thể đang ở nông thôn, trong một “ngôi nhà đầy say mê” gần gũi hơn với tự nhiên. Lý tưởng này có từ xa xưa, và chúng ta mới chỉ thấy  được những gì sản sinh ra nó, đó chính là sự tự nhiên hóa thế giới hoang dã bởi thế giới nông dân, kéo theo đó là sự tự nhiên hóa thế giới nông dân bởi thế giới thành thị. Nhưng tại sao tự nhiên lại là một lý tưởng? Bởi vì, trong số ngàn ví dụ khác, Hesiod cho rằng nó là một phép ẩn dụ cho sự không phân biệt đầu tiên, trước khi phụ nữ, dù đang mang thai, cũng phải lao động, đó là sự không phân biệt của sự tồn tại trước khi nó thực sự tồn tại, theo nghĩa là đứng bên ngoài. Đó là tình trạng khởi nguyên trước khi nó bị tống ra khỏi chôra mẹ (không gian hoặc chỗ dung chứa). Tình trạng không phân biệt này, vốn hiện hữu trước khi có sự tồn tại, mà Hesiod gọi là Thời kỳ Hoàng kim, đã được người Trung Quốc lý tưởng hóa với cái tên Đại Đồng , nghĩa đen là “Tuyệt đối giống nhau”. Sẽ rất khó để nói rõ ràng hơn.

Sẽ không có bất kỳ hồi kết nào cho những ẩn dụ mà bằng chúng, xã hội loài người, mỗi xã hội theo cách riêng của họ, đã thể bày nỗi nhớ về “Tuyệt đối giống nhau,” tức tự nhiên. Những phép ẩn dụ này ít nhiều mang tính vật chất và do đó không cân xứng với tác động của chúng lên trái đất (tự nhiên, theo cách giải nghĩa của các nhà vật lý). Một huyền thoại được tìm thấy trong lời nói, chẳng hạn như mục đồng, có ít ảnh hưởng về mặt vật chất hơn so với kiến ​​trúc thể hiện cùng một huyền thoại, chẳng hạn như một ngôi nhà ở ngoại ô. Đối với sự mở rộng đô thị – xuất phát từ cùng một huyền thoại – nó tạo ra dấu chân sinh thái không bền vững nhất vì nó làm lãng phí tài nguyên của trái đất: diện tích, năng lượng, vật liệu, hệ sinh thái đều bị nó phân chia thành từng mảnh bởi các đường cao tốc và bị bóp ngạt bởi chất thải của nó. Nói cách khác, trong những gì đã trở thành đô thị của chúng ta, việc tìm kiếm “tự nhiên” sẽ hủy diệt tự nhiên.

Sự mở rộng đô thị, vốn không vững về mặt môi trường, cũng không vững về mặt đạo đức, đi kèm với đó là sự bất bình đẳng ngày càng tăng. Việc lãng phí tài nguyên của trái đất về mặt xã hội có nghĩa là “những người du mục được tinh chọn”, như họ được gọi như thế bởi thuyết địa lý cấu trúc (Desmarais và Ritchot 2001), vốn là những người có thời gian rảnh rỗi để sống ở nơi họ muốn, họ chỉ để lại những mảnh vụn từ bữa tiệc của họ cho “những người du mục bị cưỡng chế,” là những người bị cản trở khi đến sống ở những nơi họ có thể.

Sự mở rộng đô thị cũng không thể đạt được về mặt thẩm mỹ: nó tàn phá điều thực sự tạo nên thành thị ở bên ngoài các bức tường, tức cảnh quan. Nó làm điều mà một thi sĩ Trung Quốc ở thế kỷ VIII, Li Shangyin, gọi là shafenjing : “giết chết cảnh quan”. Không chỉ vì nó đổ bê tông, gây ra ô nhiễm và khiến mọi thứ thối rữa ở khắp mọi nơi – nói ngắn gọn đó là thứ tự nhiên “giả tạo” – mà còn vì nó đã xóa bỏ vĩnh viễn điều mà những cánh cổng của thành thị từng biểu trưng: sự tồn tại của một thế giới. Giới hạn di truyền vũ trụ này đã biến nó thành cái mà ngày nay được gọi là “các lối vào thành thị”.

“Các lối vào thành thị”, những khu vực không thể kể xiết này kéo dài dọc theo các con đường ngoại ô, không chỉ là nơi hạn chế cảnh quan: chúng còn là biểu tượng của sự kết thúc của thế giới đô thị. Nhưng sự mở rộng đô thị, vốn xảy ra sau đó, đến phiên nó không thể trở thành một thế giới, như nông thôn đã làm với rừng, và thành thị sau đó đã làm với nông thôn. Điều này xảy ra không chỉ bởi vì sự mở rộng vốn không bền vững về mặt môi trường, mà còn bởi vì không còn bất kỳ ranh giới nào có thể tạo ra sự mở rộng như vậy. Chính cùng một đám đông đã được cơ giới hóa hoạt động khắp nơi; ở tại những nơi đó, môi trường sống của đám đông này, sự mở rộng đô thị, bị biến đổi không chỉ vì nó không bền vững, mà còn bởi vì nó không thể có bất kỳ khởi nguyên nào nơi bất cứ thứ gì. Nó không thể tồn tại.

Điều này có nghĩa là chúng ta phải giải quyết vấn đề này ngay tại nguồn gốc: từ trái đất…

Người dịch/; Sophia Ngo

Tác giả: Augustin Berque

https://www.cairn-int.info/journal-etudes-rurales-2011-1-page-51.htm

Chú thích:

Nguyên văn: ecumene. Ecumene hoặc Oecumene có nguyên ngữ từ tiếng Hy Lạp οἰκουμένη, nghĩa là “có người ở”. Thuật ngữ này diễn tả thế giới được biết đến, đã có người đến ở và có thể sinh sống được. Trong thế giới La Mã, từ này được dùng với nghĩa rộng hơn, ám chỉ sự văn minh, sự khai hóa. Chúng tôi chọn dịch là “thế giới đã được khai hóa”, có thể diễn tả được hai nét nghĩa trên. (Người dịch: ND)

[1] Đây là thuật ngữ xuất phát từ tiếng Hy Lạp eremos (sa mạc, tức là không có người ở), phái sinh ra từ hermit, hermitage hermitism (ermite, ermitage, érémitisme trong tiếng Pháp). Đây là vùng hoang dã, nơi mọi người thường không sinh sống, và do đó nó đối lại vớinét nghĩa đầu tiên của ecumene. Ở vùng nông thôn phía tây nam nước Pháp, người ta dùng từ herm để chỉ “đất hoang hóa và không có khả năng canh tác vì tính chất của đất; nó bị bỏ hoang và dành để trữ gỗ và trồng rừng cây bụi”(Fénelon 1970, 352). Ở phía Nam, erm hay ermas có nghĩa là “một vùng đất hoang vu, không được trồng trọt, một thảo nguyên của vùng đất đầy bụi rậm ở Languedoc rải rác với các bụi cây và cây thơm mọc giữa đá, thường do việc chăn thả cừu quá mức mà thành.” (Fénelon 1970, 263).

[2] Về các Linh phụ sa mạc, xem Lacarrière (1975). Về sự lý tưởng hóa vùng hoang dã và sự rời bỏ thành thị, xem see Berque (2010).

Trong Kitô giáo, thánh Anthony (tiếng Việt, Antôn; tiếng Latin, Antonius; 251-356) được xem là người thiết đặt phong trào ẩn tu cách quy cũ. Lối sống này bắt nguồn từ thái độ phản kháng trước cơ chế Giáo hội bấy giờ (theo mô hình xã hội La Mã, xa hoa và trụy lạc). Các ẩn sĩ chọn rút vào sa mạc, xa lánh thế gian để sống theo gương Đức Giêsu cách triệt để hơn. Do đó, desertum (nghĩa chiết tự là loại bỏ, ngưng lại (de-) việc gieo hạt, trồng cấy (-sertum)) có nghĩa hẹp là rút vào sa mạc (trái ngược với ecumene, nơi gieo hạt, cày cấy được), và nghĩa rộng là xa lánh, từ bỏ thế gian, chết đi với thế gian. (ND)

Martin Heidegger (1889-1976) lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ Lichtung (khai quang) trong tác phẩm Sein und Zeit (bản dịch Việt ngữ của Lê Tôn Nghiêm có tựa đề là Hữu thể và Thời gian, được Nxb Quê Hương ấn hành năm 1973).

[3] Ở đây tôi muốn nói đến những người không phải là nông dân, dù họ có sống trong rừng hay không. Tôi lưu ý rằng đây là hình ảnh đến từ vùng nông thôn nước Pháp. (Nếu không, chúng ta sẽ nói là “mọi rợ”).

Nền văn minh Etrusca là một nền văn minh cổ đại của Ý, tồn tại ở khu vực Toscana hiện nay, vào khoảng năm 900 B.C. và suy yếu dần từ năm 500 B.C.. Trong giai đoạn này, Etrusca chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ thế giới Hy Lạp cổ đại, và sau khi đế quốc La Mã được thiết lập năm 27 B.C., Etrusca kết thúc. Các nghi lễ và thực hành tín ngưỡng Etrusca đều được ghi lại trong Etrusca Disciplina (Latin, Kinh thánh của người Etrusca). Tuy tín ngưỡng Etrusca có nhiều điểm tương đồng với tín ngưỡng La Mã nhưng giữa niềm tin của người La Mã cơ bản là khác với niềm tin Etrusca được ghi lại trong Etrusca Disciplina. (ND)

Nguyên văn: Urbs and Orbs. Đế quốc La Mã được tổ chức thành các thành bang, mỗi thành bang đều được bao quanh bởi một dãy tường thành, ngăn cách dân trong thành (Urbs) và dân ngoài thành (Orbs). Khi nói La Mã thành một Đế quốc, nội thành và ngoại thành hợp thành một, tác giả đang nhấn mạnh sự bành trướng của đế quốc La Mã, đến mức không còn phân biệt trong và ngoài thành nữa, vì cả thế giới đều thuộc La Mã; và dù các thành bang có nói các ngôn ngữ khác nhau, có văn hóa khác nhau thì suy cho cùng, họ cũng chỉ được gọi là công dân La Mã, thuộc đế quốc La Mã (là được gọi cùng bằng một danh xưng).

Trong truyền thống Công giáo, mỗi dịp lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh cùng một số dịp đặc biệt khác (như khi một Giáo hoàng được bầu chọn), Giáo hoàng sẽ xuất hiện tại ban công chính Vương cung thánh đường St. Peter để ban phép lành Urbi et Orbi (phép lành cho dân trong thành Rome và cho dân ngoại thành Rome, tức cho cả thế giới).

Cheng, hoặc bức tường bên trong, bao quanh những nơi quyền lực (nơi ở của các vương tôn và quý tộc, các khu hành chính); guo, hoặc bức tường bên ngoài, bao quanh phần còn lại của thành thị. (ND)

[4] “Nhảy qua hàng rào” là một hình ảnh cho thấy Kent đã phát hiện ra đường hào — ít nhất là theo Walpole — do đó hợp nhất quan điểm giữa khu vườn và “thiên nhiên” xung quanh.

[5] Những nghĩa vụ và ràng buộc xã hội – serta (tiếng Latinh, nghĩa là “vòng hoa hoặc vành hoa”), gồm tiếng de-sertum của vùng hoang dã, vốn chỉ phù hợp với số ít người thấy hạnh phúc.

[6] Về sự ảnh hưởng của các khu vườn Trung Quốc tại châu Âu, xem Wu (2006).

GIAO THÔNG VẬN TẢI VÀ HÌNH THÁI ĐÔ THỊ (PHẦN 2): HÌNH THÁI ĐÔ THỊ

Tác giả: Tiến sĩ Jean-Paul Rodrigue Đại học Hofstra, New York Bước phát triển về cả số lượng lẫn sự luân chuyển của dân cư được định hình bởi sức chứa và những điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, như đường xá, hệ thống chuyên chở hoặc đơn giản là lối đi bộ. Do đó, có rất nhiều hình thái đô thị khác nhau, cùng với nó là nhiều cấu trúc không gian cùng hệ thống giao thông đô thị. Hình

Minh Hùng

24/12/2018

Phỏng vấn Edward Glaeser: Người giàu, người nghèo & Đô thị

Nền kinh tế Việt Nam đang chuyển mình, những làn sóng đầu tư vĩ mô từ các quốc gia phát triển vẫn cứ tiếp tục đổ vào nước ta, và đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ chóng mặt... đi kèm với đó là rất nhiều vấn đề lớn được đặt ra, mà vấn đề mấu chốt nhất chính là khoảng cách giàu nghèo & chính sách sẽ hỗ trợ cho người giàu hay người nghèo. Rất nhiều cuộc tranh luận diễn ra

Book Hunter

10/11/2023

Bong bóng bất động sản và phát triển đô thị – Kỳ 2: Sụp đổ và Bùng nổ (Edward Glaeser)

Đọc các bài khác thuộc chùm bài Bong bóng bất động sản và phát triển đô thị của nhà kinh tế học đô thị Edward Glaeser tại đây: bong bóng bất động sản và phát triển đô thị Archives - Book Hunter Bùng nổ trong thập niên 1920 (Roaring Twenties) và cú sụp đổ năm 1929 Cuộc đại khủng hoảng (quanh 1933) gắn liền với sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929 hơn là bất động sản, nhưng giá tài sản song

Yến Nhi

23/11/2022

Quy hoạch đô thị ở Hy Lạp cổ đại

Quy hoạch đô thị: chương trình được thực hiện ở phần lớn những đất nước công nghiệp hóa để có thể đạt được các mục tiêu nhất định về kinh tế và xã hội, cụ thể là để định hình và cải thiện môi trường đô thị nơi mà ở đó tỉ lệ dân số thế giới sinh sống ngày càng gia tăng. Encyclopedia Britannica Theo như cách thức quy hoạch Hippodamian và cách thức quy hoạch hiện đại hơn, qui hoạch nơi cư trú

Hà Trang

21/04/2017

[Bài giảng Kinh tế học đô thị của Edward Glaeser] #5: Lợi thế quần tụ và cung – cầu

Mời các bạn cùng theo dõi video số 5 của Crash course Kinh tế học đô thị, một khóa học rất ngắn và thú vị về Kinh tế học đô thị ở mức độ cơ bản. Trong video này, Giáo sư Edward Glaeser bàn rộng hơn về các lợi thế quần tụ bằng cách phân tích cách các hệ quả từ lợi thế này làm thay đổi các phân tích cung – cầu mà chúng ta đã bàn đến trong các video trước. Lợi thế

Minh Hùng

03/04/2023