Home Chuyên đề tháng Sách – Công cụ hay mục đích

Sách – Công cụ hay mục đích

Minh Hiền

03/05/2024

Hồi con gái lớn của tôi học khoảng lớp 3, cháu thường mang theo những cuốn truyện chữ cháu thích đi khắp nơi để có thể mở ra đọc vào những lúc rảnh. Một lần nọ, khi chúng tôi vào hiệu thuốc, các cô bán thuốc khi nhìn thấy cuốn Pippi tất dài cháu cầm trên tay đã kêu lên: “Con đọc sách à, giỏi quá, đọc sách tốt lắm đấy”. Mới đây hơn, trong một buổi học tiếng Anh online của cô con gái nhỏ hiện đang học lớp 2 của tôi với cô giáo người Mỹ, vào giờ giải lao khi nhìn thấy cháu cầm một cuốn sách lên đọc cô bèn thốt lên: “Con đọc sách à, tốt quá, đọc sách rất tốt, cô rất tự hào về con”. Hai câu chuyện này phản ánh một thái độ mà tôi quan sát thấy ở một bộ phận xã hội không nhỏ, và đặc biệt là trong truyền thông trong những năm gần đây: đề cao sách thái quá và hình như có phần lệch lạc. Các hoạt động quảng bá sách được tổ chức rầm rộ, và trên các trang mạng xã hội nhiều bà mẹ chia sẻ cách rèn cho con thói quen đọc sách từ lúc còn rất nhỏ, thậm chí từ thuở lọt lòng. Câu hỏi đặt ra là: liệu một thái độ đặc biệt chú trọng vào sách và hành vi đọc sách như vậy có hợp lý? Và liệu việc rèn trẻ đọc sách gần như ngay từ khi mới sinh như vậy có cần thiết?

Sách thực chất là gì?

Trong một công trình nghiên cứu về lịch sử sách của nhà xuất bản Đại học Oxford có câu “Sách truyền tải văn bản, còn văn bản truyền tải ý nghĩa”. Có lẽ không một định nghĩa nào về sách nêu bật một cách ngắn gọn và chính xác bản chất của đồ vật này đến vậy – sách là công cụ gián tiếp truyền tải ý nghĩa. Chúng ta hay nói rằng sách cung cấp thông tin và kiến thức, nhưng trên thực tế mỗi người khi đọc sách đã rọi vào đó một lăng kính, và tùy vào cấu hình lăng kính của từng người mà hình ảnh – hay ý nghĩa – họ thu về cho mình sẽ biến hóa khác nhau. Chúng ta có thể thấy điều này rõ nhất trong các cách luận giải một tác phẩm của giới học giả, mà cụ thể ở Việt Nam là với Truyện Kiều, hoặc gần đây hơn là câu chuyện về cách diễn giải Bhagavad-Gita của Oppenheimer, cha đẻ của bom nguyên tử.
Như vậy đọc sách thực chất là quá trình sau: người đọc dùng chiếc lăng kính đa diện mà mỗi một mặt là một góc nhìn hiện có của mình để soi vào từng câu chữ trên trang sách và cuối cùng tạo ra trong tâm trí họ những ý nghĩa nhất định từ những câu chữ đó. Nói một cách cơ học hơn, sách cung cấp thông tin đầu vào, còn người đọc là bộ xử lý cho ra thông tin đầu ra, và như vậy thông tin đầu ra cuối cùng phụ thuộc vào bộ xử lý, tức tâm trí của người đọc. Và từ thông tin đầu ra này mà mỗi người sẽ áp dụng những thông tin đầu vào từ sách theo những cách khác nhau. Vậy thì câu hỏi tiếp theo đặt ra là, chúng ta nên đề cao sách hay nên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phát triển thói quen suy ngẫm và xử lý thông tin?

Những nguồn thông tin khác ngoài sách

Để trả lời câu hỏi ấy, có lẽ nên tìm hiểu xem ngoài sách ra chúng ta còn có những công cụ cung cấp thông tin nào khác? Henry Blair (1807 – 1860) là người Mỹ gốc Phi nhận được hai bằng sáng chế của Hoa Kỳ cho máy gieo hạt và máy trồng bông – và ông là người mù chữ! Vì thế ông đã ký dấu “x” vào bằng sáng chế của mình. Quá trình ông đi đến các phát minh là quá trình tương tác qua lại liên tục giữa việc sử dụng cỗ máy bằng các bộ phận cơ thể và nhận những thông tin về nó qua các giác quan, rồi suy ngẫm về những đặc điểm, những hạn chế của nó và thử nghiệm, mắc lỗi, rồi lại thử nghiệm… Người đầu bếp trong quá trình nấu ăn nhận thông tin về mùi vị, độ tươi ngon, kết cấu của thực phẩm và các hỗn hợp thực phẩm cũng qua tất cả các giác quan của mình. Các ngành nghề thủ công như đan lát, may vá, nghề mộc, nghề làm vườn, v.v.. cũng đều diễn ra quá trình tiếp nhận thông tin qua các giác quan như vậy. Và cuối cùng, tất cả chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, vào từng khoảnh khắc cũng đều đón nhận thông tin qua mọi giác quan: cây xanh, tiếng chim hót, những dòng xe dày đặc, tiếng người khác nói chuyện và điệu bộ, cử chỉ của họ khi nói chuyện với ta, v.v..

Nói như vậy để thấy rằng cuộc sống của chúng ta ngoài thông tin trong những trang sách còn vô vàn thông tin khác đến từ vô vàn nguồn khác. Và như trong mọi câu chuyện ngụ ngôn, không một nguồn nào nổi trội hơn nguồn nào, hay nói cách khác, đề cao quá mức một nguồn thông tin sẽ dễ dẫn đến những phát triển sai lệch cả ở từng người đọc sách lẫn ở thái độ của xã hội đối với cách lựa chọn nguồn thông tin tương tác của mỗi người.

Những hệ lụy từ việc đề cao sách thái quá

Đối với từng người đọc, quá đề cao việc tiếp nhận và tương tác với thông tin từ sách sẽ giới hạn thế giới quan của họ. Ngắm một bức ảnh chụp cầu kỳ về một bông hoa có thay thế được việc tận mắt nhìn thấy bông hoa đó trong trạng thái tự nhiên của nó hay không? Độ trung thực về màu sắc, độ mịn mượt của cánh hoa, hương thơm của hoa, những dáng vẻ chuyển động khác nhau của hoa khi gió đến, những sắc thái khác nhau của màu cánh hoa khi nắng chiếu vào – tất cả những thông tin đó liệu có một cuốn sách nào, kể cả sách điện tử và ảnh động, có thể truyền tải chân thực đến người đọc không? Đối với những vật hữu hình, cụ thể thì như vậy, còn với những thông tin trừu tượng, chẳng hạn như các hệ tư tưởng, thông tin từ sách sẽ chỉ là thông tin “chết”, hay tệ hơn, một thứ mà người đọc tiếp nhận máy móc, rập khuôn, thụ động, nếu họ không đặt nó trong tương quan với những suy ngẫm của chính họ về những tương tác thường nhật của họ với toàn bộ thế giới.

Còn ở tầm xã hội, việc quá đề cao hành vi đọc sách – như trong mọi sự thiên lệch – đương nhiên là sự thể hiện ngầm một thái cực ngược lại: xem nhẹ, hoặc ở mức độ nghiêm trọng hơn là coi thường, những hành vi tiếp nhận thông tin không phải qua sách. Nói cụ thể hơn, chúng ta có thể thấy ví dụ rằng qua một giai đoạn dài ở Việt Nam những người đi làm văn phòng, gọi là “người làm việc bàn giấy”, gần như luôn nhận được thái độ tôn trọng ngầm nghiễm nhiên, trong khi hầu như tất cả các ngành nghề khác luôn bị xem là kém “sang”. Cuộc cách mạng công nghệ thông tin trong những năm gần đây và qua đó là cuộc cách mạng trong các thực hành xã hội đã giúp cho tương quan ấy ngày nay có phần cân bằng, và quan trọng hơn, nó cho thấy những ngành nghề không dựa trên việc tiếp nhận thông tin qua sách vở cũng thú vị và cũng bao hàm một cuộc học tỉ mỉ và say mê không kém những nghề “bàn giấy”. Và nói tới học, đến đây chúng ta đi sâu hơn một chút vào vấn đề đã nhắc đến ở đầu bài: liệu việc rèn cho trẻ đọc sách từ quá sớm, hay nói đúng hơn, liệu việc định hình “tình yêu” sách cho trẻ từ quá sớm có là cần thiết?

Có cần rèn trẻ đọc sách từ thuở lọt lòng?

Thứ nhất, mỗi người có một khuynh hướng khác nhau. Như trên đã nói, ngoài sách ra còn có nhiều nguồn thông tin khác nhau, và tương ứng với đó ở mỗi người sẽ có một số mô thức tiếp nhận thông tin nổi trội khác nhau. Trẻ ưa suy ngẫm và tư duy trừu tượng có thể thích thả hồn vào những dòng chữ trên trang giấy, nhưng những trẻ ưa những gì cụ thể, thực tế sẽ chỉ thích tiếp xúc và tương tác với những đồ vật và con người hữu hình. Như vậy việc rèn trẻ đọc sách từ quá sớm, đối với những trẻ không có khuynh hướng tiếp nhận thông tin qua sách vở, sẽ là sự áp đặt lợi bất cập hại. Trong vô thức của trẻ sẽ nảy sinh mâu thuẫn giữa một bên là cách tiếp cận kiến thức mà cha mẹ và xã hội chung quanh em cho là đúng và một bên là khuynh hướng tự nhiên của em.

Thứ hai, ngay cả đối với những trẻ có thể tiếp nhận kiến thức qua sách vở thì việc chọn loại sách nào để đọc và tiếp thu nhất thiết nên là lựa chọn chủ động từ phía các em. Nói cách khác, các em cần biết rõ mình bị thu hút bởi lĩnh vực nào trước khi chạm tay vào sách. “Biết rõ” ở đây đôi khi không nhất thiết phải là biết một cách có ý thức, mà có thể ở dạng những thôi thúc từ bên trong các em. Con kiến này đến từ đâu? Tại sao nó lại bò theo hàng như thế? Nó chạm đầu vào nhau để làm gì? Có lẽ sẽ tốt hơn nếu các em tìm đến một cuốn sách về loài kiến sau một thời gian dài quan sát hoạt động của chúng và nảy ra những CÂU HỎI về chúng. Vâng, ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến chữ “câu hỏi”. Chính những câu hỏi mới nên là thứ dẫn dắt mạch tư duy của một người, chứ không phải kiến thức từ sách vở. Câu hỏi nảy sinh trong ta trước hết dẫn ta đến với những lĩnh vực mà ta quan tâm. Thứ hai, câu hỏi giống như một thứ động lực giúp ta tìm ra cho mình những ý nghĩa riêng về cuộc sống. Ở cấp độ cụ thể, một đứa trẻ khi nảy sinh trong đầu nhiều câu hỏi về loài kiến sẽ tìm tất cả những nguồn thông tin có thể cho em biết thêm về kiến. Và khi tự giải đáp được thắc mắc cho mình theo cách ấy em sẽ thấy tự tin hơn, độc lập hơn, và có nhiều động lực hơn cho các câu hỏi hay các cuộc tìm kiếm tri thức tiếp theo của mình. Dần dà, nếu hành trình ấy được để cho diễn ra tự nhiên, em sẽ đi đến cấp độ cao hơn là nảy sinh những câu hỏi trừu tượng, và con người em nhờ đó mà được hoàn thiện một cách tự nhiên. Tuy nhiên nếu chúng ta tìm cách rèn trẻ đọc sách, chẳng hạn từ 2-3 tháng tuổi như trào lưu hiện nay, làm thế nào chúng ta biết khuynh hướng tự nhiên của trẻ để tìm đúng loại sách phù hợp với những câu hỏi tiềm ẩn trong em? Một đứa trẻ đặc biệt quan tâm đến kiến có thể thấy hứng thú không nếu người ta giơ ra trước chúng những hình ảnh về hoa, về xe cộ, v.v – dù là những hình ảnh ấy được giơ ra khi em đang ngồi trong vòng tay mẹ, nghe giọng nói êm dịu của mẹ, và ở trong một bầu không khí có tính chất khích lệ cao nhất?

Một hệ quả bất cập nữa của thái độ đề cao sách là sự tôn thờ quá mức đối với công cụ truyền tải thông tin này, một sự tôn thờ không hề liên quan đến bản chất của thứ được tôn thờ. Trong lịch sử đã có không ít những cuốn sách mà rốt cục thứ làm người ta nhớ đến chúng không hề là những thông tin chúng truyền tải mà là thái độ coi trọng phù phiếm mà con người từng dành cho chúng. Như phần dẫn lời triết gia và nhà sử học thời Phục hưng người Ý Eugenio Garin (1909 – 2004) cũng trong công trình nghiên cứu trên của Đại học Oxford đã chỉ ra, “chúng ta phải chú ý đến lượng sách được xếp lên kệ mà chưa được đọc; được trưng bày và nói đến nhưng chưa được đọc; được tranh giành và truyền đi khắp châu Âu như chiến lợi phẩm nhưng không được đọc”.

Cần nhìn nhận thế nào đối với việc đọc sách

Vậy thì chúng ta nên nhìn nhận thế nào đối với việc đọc sách? Sách là một trong nhiều công cụ truyền tải thông tin và qua đó là truyền tải ý nghĩa, và so với các công cụ khác những thông tin trong sách có ưu điểm là cho phép ta tiếp cận kiến thức vượt ngoài thời gian và không gian. Sống trong thế kỷ 21 ở Việt Nam, ta vẫn có thể đọc được tư tưởng của các nhà sử học, triết học, thần học, các nhà văn, v.v. từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Đó là một trong những điều mà các công cụ truyền tải thông tin khác không làm được. Tuy nhiên trước khi đến với sách, nên chăng chúng ta hãy tập cho mình thói quen sống có ý thức hơn, tập quan sát và suy ngẫm về những điều cả hữu hình và vô hình trong cuộc sống, cho đến khi trong ta nảy sinh những câu hỏi – những câu hỏi bức thiết đến mức ta phải ráo riết tìm mọi nguồn thông tin khả dĩ để có lời giải đáp cho riêng mình. Với trẻ em nói riêng cũng vậy, hiếu kỳ là bản năng tự nhiên của chúng. Trên thực tế đến một thời điểm nào đó trẻ sẽ luôn luôn suy ngẫm ở nhiều mức độ khác nhau về mọi hiện tượng đang diễn ra chung quanh chúng, và nếu chúng ta muốn nuôi dưỡng ở trẻ tình yêu tri thức, thì hãy tôn trọng và nuôi dưỡng sự hiếu kỳ đó, hãy khích lệ những suy ngẫm đó. Chỉ đến lúc ấy sách mới có giá trị, vì chỉ đến lúc ấy ta (hoặc trẻ) mới biết mình muốn biết thông tin gì, muốn tiếp cận chúng theo cách nào, và ta đã có trong tay những gì để xử lý chúng. Chỉ đến lúc ấy sách mới trở thành công cụ chứ không phải mục đích – và do đó không trở thành một thứ thẩm quyền đối với cuộc sống của chúng ta.

Quay trở lại với câu chuyện ở phần mở đầu, cả hai cô con gái của tôi khi được khen như vậy đều có những phản ứng mà tôi không hề mong muốn. Các cháu bỗng giương sách của mình lên – không phải như một tập giấy mà cháu đang tìm thấy trong đó những điều thú vị mà như một thứ tô điểm cho lòng kiêu hãnh của cháu – tỏ vẻ chăm chú đọc, đồng thời thi thoảng quan sát thái độ của người vừa khen mình. Nhưng may sao, đó chỉ là phản ứng tức thời và có chút hài hước của những đứa trẻ vốn bị bủa vây bởi thái độ đề cao sách thái quá của xã hội, những phản ứng mà chỉ cần bước ra khỏi bầu không khí ấy một lúc, và trở lại bầu không khí coi đọc sách là một hoạt động bình thường như bao hoạt động tìm hiểu về thế giới khác, thì liền biến mất, và các cháu lại trở về với cách đọc sách thường ngày của mình – đọc sách để tự thỏa mãn những thôi thúc nảy sinh từ bên trong, và để giải đáp những câu hỏi do chính mình đặt ra.

Hoàng Lan

KHOE SÁCH KHÔNG LÀM NÊN NGƯỜI CÓ VĂN HÓA

Nguồn: Facebook Hà Thủy Nguyên   Mình bắt đầu thấy khó chịu với những bạn cứ suốt ngày đăng ảnh khoe giá sách trên facebook hoặc đi check-in khắp nơi với những quyển sách để tỏ vẻ ta đây đọc nhiều hiểu rộng. Việc khoe khoang này chẳng khác gì một thời người ta cuồng chụp ảnh mèo ảnh chó trên facebook, hay trò selfie khoe thời trang. Khoe cái gì thì cũng là khoe mà thôi, và khoe là trò của đám “trọc phú”

Làm sao để đọc ít sách hơn?

Thế giới hiện đại đánh đồng một cách chắc nịch người thông minh với người đọc nhiều. Đọc sách, rất nhiều sách, là xác nhận của sự xuất chúng cũng như là cánh cổng tối cao tới uy danh và sự hiểu biết. Thật khó để hình dung ai đó có được những hiểu biết sâu sắc mà không phải chăm chỉ cày qua số lượng lớn những cuốn sách tên tuổi mỗi năm. Rõ ràng là chẳng có giới hạn nào cho việc chúng

Giá trị của việc sở hữu nhiều sách hơn bạn có thể đọc

Hay tôi đã học cách ngừng lo lắng và yêu thích *tsundoku của mình như thế nào. Những điều quan trọng trong bài: Nhiều độc giả mua sách với mục đích đọc lại chỉ để sách nằm dài trên kệ. Nhà thống kê học Nassim Nicholas Taleb tin rằng bao quanh chúng ta với những cuốn sách chưa đọc sẽ làm phong phú cuộc sống của chúng ta vì chúng nhắc nhở ta về tất cả những gì ta chưa biết. Người Nhật gọi cách

Book Hunter

18/12/2022

ĐỌC SÁCH TÔN GIÁO TÂM LINH – NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý

Chưa bao giờ người đọc sách tôn giáo tâm linh lại nhiều như hiện nay. Những cuốn sách ấy, thậm chí có thể xếp vào hàng Best Seller và mang lại lợi nhuận không ít cho các nhà xuất bản. Tuy nhiên, đọc nhiều sách tâm linh cũng giống như luyện nhiều pho võ công mà không luyện đến nơi đến chốn, có khả năng dẫn đến tẩu hỏa nhập ma. Tôi đọc các loại sách tôn giáo tâm linh từ hồi 10 tuổi, không

“Bộ não khi đọc” trong thời đại kĩ thuật số: Khoa học của giấy và màn hình

Những máy đọc sách điện tử và tablet đang ngày càng trở nên phổ biến khi công nghệ phát triển, nhưng các nghiên cứu cho thấy rằng đọc trên giấy vẫn có ưu điểm riêng. Một video Youtube nổi tiếng có kể về một cô bé một tuổi đang trượt ngón tay trên màn hình chiếc IPad, chuyển giữa các nhóm biểu tượng. Sau đó cô bé cũng nhấn, trượt trên tạp chí giấy như thể chúng là màn hình cảm ứng. Khi thấy “màn