Home Đọc “Bộ não khi đọc” trong thời đại kĩ thuật số: Khoa học của giấy và màn hình

“Bộ não khi đọc” trong thời đại kĩ thuật số: Khoa học của giấy và màn hình

Những máy đọc sách điện tử và tablet đang ngày càng trở nên phổ biến khi công nghệ phát triển, nhưng các nghiên cứu cho thấy rằng đọc trên giấy vẫn có ưu điểm riêng.
Một video Youtube nổi tiếng có kể về một cô bé một tuổi đang trượt ngón tay trên màn hình chiếc IPad, chuyển giữa các nhóm biểu tượng. Sau đó cô bé cũng nhấn, trượt trên tạp chí giấy như thể chúng là màn hình cảm ứng. Khi thấy “màn hình” này không hoạt động, cô bé chọc ngón tay vào chân để kiểm tra xem ngón tay của mình có hoạt động không.
Từ quan sát tự nhiên, cha của cô bé trong clip – Jean-Louis Constanza đã lập luận rằng: đối với con tôi, tạp chí là chiếc IPad không hoạt động. Công nghệ làm thay đổi cách tư duy của chúng ta, Tạp chí là vô dụng và khó hiểu đối với người quen với thiết bị kĩ thuật số, những người đã tương tác với công nghệ này ngay từ khi còn rất trẻ”.
Có thể con gái anh ta thực sự muốn tờ tạp chí phản ứng như chiếc IPad. Có thể cô ấy không có kì vọng gì – chỉ muốn chạm vào tạp chí. Những đứa trẻ khác dù không biết chiếc Tablet nhưng cũng vẫn sẽ với tay ra chạm vào quyển tạp chí, chọc vào bức tranh chúng thích, nếm thử góc của cuốn sách… Những người sống trong thời đại kĩ thuật số vẫn tương tác với cả sách và tạp chí giấy lẫn tablet, Smartphone và máy đọc sách. Công nghệ này không ngăn cản họ hiểu và dùng công nghệ khác.
Nhưng video đưa tới một câu hỏi quan trọng: Chính xác là công nghệ đọc đang thay đổi cách chúng ta đọc ra sao? Bất cứ ai có đọc – từ những người ngồi hàng giờ hoạt động trước máy tính và đọc sách giấy để thư giãn, hay những người thấy đọc bằng máy đọc sách là tiện lợi hơn, cho tới những người đã từ bỏ hoàn toàn sách giấy – đều cần quan tâm tới sự khác nhau giữa đọc sách trên màn hình và trên giấy. Chúng ta đang có những công cụ đọc ngày càng tiện lợi – nhưng liệu chúng ta còn đọc theo cách chăm chú và triệt để? Bộ não chúng ta hoạt động như thế nào khi đọc sách trên màn hình và trên giấy? Liệu chúng ta có nên lo ngại về sự thay đổi này?
Kể từ những năm 1980 các nhà khoa học trong trong nhiều lĩnh vực – gồm cả tâm lý học, thiết kế máy tính, khoa học về thông tin và thư viện – đều đã nghiên cứu những câu hỏi trên. Vấn đề vẫn chưa được giải đáp. Trước năm 1993 phần lớn nghiên cứu cho thấy con người đọc trên màn hình thì chậm hơn, chính xác ít hơn và toàn diện hơn so với đọc trên giấy. Các nghiên cứu từ đầu những năm 90 lại có kết quả nhiều chiều, hơn một nửa vẫn xác nhận kết luận trên, nhưng phần còn lại tìm thấy rằng có ít khác biệt giữa đọc trên giấy và trên màn hình về tốc độ đọc và hiểu. Một khảo sát gần đây cho thấy mặc dù phần lớn mọi người vẫn ưa thích giấy hơn – nhất là khi đọc chuyên sâu – các quan điểm đang dần thay đổi khi tablet và máy đọc sách được cải thiện và việc đọc trên thiết bị này trở nên phổ biến hơn. Tại Mỹ, sách điện tử hiện đang chiếm 15 – 20% doanh số sách.
Những bằng chứng từ thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, các cuộc thăm dò và báo cáo tiêu dùng cho thấy màn hình không thành công trong việc tạo ra một số trải nghiệm nhất định như đọc sách trên giấy, ngăn cản con người khỏi việc định hướng trong những văn bản dài. Khó khăn này dẫn đến giảm khả năng hiểu. Nếu so sánh với giấy, màn hình cũng làm chúng ta phân tâm hơn và khiến chúng ta khó nhớ những gì mình đã đọc hơn. Một cuộc khảo sát song song tập trung vào thái độ của con người với 2 hình thức đọc này. Dù cho con người có nhận ra hay không thì họ cũng tiếp cận sách giấy với trạng thái tâm lý sẵn sàng tiếp thu hơn khi tiếp cận máy tính và tablet.
Maryanna Wolf – nhà khoa học về tâm lý học và nhận thực tại đại học Tufts – cho rằng: Việc đọc có sự rèn luyện về thể chất, và khi chúng ta lao vào thời kì đọc trên thiết bị kĩ thuật số, chúng ta đã không có những suy xét rõ ràng. Tôi muốn giữ lại những thứ tốt đẹp nhất của hình thức đọc cũ, nhưng cùng cần biết khi nào nên chuyển sang dùng công nghệ mới.
Định hướng trên văn bản:
Để hiểu được điểm khác nhau giữa đọc trên giấy và trên màn hình cần có một số kiến thức về cách bộ não hiểu được ngôn ngữ viết. Chúng ta thường nghĩ đọc là một hoạt động của não liên quan đến tính trừu tượng – bao gồm suy nghĩ và ý tưởng, giọng điệu và chủ đề, ẩn dụ và họa tiết. Chúng ta coi chữ viết là một phần của thế giới vật chất mà chúng ta đang sống. Thực ra bộ não coi chữ cái như vật thể vì não không có một cách nào khác để hiểu chúng. Như Wolf giải thích trong cuốn sách của cô: Proust and the Squid, chúng ta không sinh ra với bộ não dành riêng cho việc đọc. Chúng ta chỉ mới phát minh ra chữ viết vào khoảng năm 4000 trước công nguyên. Vì vậy bộ não ứng biến để đọc được bằng cách gắn kết nhiều mô não liên quan tới các khả năng như nói, hình ảnh, vận động.
Một phần của não liên quan tới việc nhận diện vật thể được giao nhiệm vụ phân biệt các nét, đường cong và khoảng trống của văn bản. Một số hệ thống ký tự như của người Sumerian chẳng hạn, khởi nguồn từ những vật thể mà ký tự được làm đại diện – đầu của một người, một con cá…. Một số nhà nghiên cứu tìm thấy các dấu vết nguồn gốc của bảng chữ cái hiện đại: C biểu tượng cho mặt trăng khuyết, S cho con sắn (Snake). Bảng chữ cái tượng hình như của Trung Quốc và Nhật Bản kích hoạt phần vận động trong bộ não: khi đọc thì bộ não tưởng tượng ra các vận động của việc viết kể cả khi tay không có gì. Phát hiện gần đây cho thấy điều tương tự cũng xảy ra theo một cách nhẹ nhàng hơn đối với những người đọc chữ viết cách điệu.
Vượt lên trên việc coi các chữ cái riêng lẻ là các vật thể, bộ não người có thể còn coi chữ viết như một quang cách vật lý. Khi chúng ta đọc, chúng ta thiết lập một sự tượng trưng: ý nghĩa được gắn với một cấu trúc nhất định. Sự tượng trưng này có thể gần giống với việc sử dụng bản đồ để đại diện cho địa hình thật. Khi một người muốn tìm lại mẩu thông tin, anh ta thường nhớ vị trí viết mẩu tin đó. Chúng ta nhớ lại rằng đã đi qua ngôi nhà màu đỏ khi gần đi vào rừng, và tương tự, chúng ta nhớ rằng đã đọc về Mr. XYZ tại phần dưới cùng của trang bên tay phải.
Trong phần lớn trường hợp, sách giấy có địa hình rõ ràng hơn chữ trên màn hình. Một quyển sách mở rộng đều có 2 phần rõ ràng: trang bên trái và trang bên phải, và tổng cộng có tám góc. Một người đọc có thể tập trung vào một trang mà vẫn có thể thấy tổng thể, có thể thấy nơi quyển sách bắt đầu và kết thúc, và vị trí của một trang trong tổng thể đó, có thể cảm nhận độ dày của quyển sách, lượng đã đọc so với lượng nội dung còn lại. Việc giở trang sách cũng giống như để lại một dấu chân trên đường – có một nhịp điệu cho việc này và một dấu hiệu vật lý cho thấy vị trí trên chặng đường. Tất cả những tính năng này làm cho việc đọc sách giấy dễ định hướng hơn và dễ tổng hợp thành một bản đồ trong não hơn.
Ngược lại, màn hình, máy đọc sách, smartphone và máy tính bảng ức chế não bộ trong việc vẽ ra tấm bản đồ chữ viết. Một người đọc có thể lướt trên dòng chữ liên tục, giở trang hoặc sử dụng công cụ tìm kiếm để ngay lập tức tìm ra một cụm từ nhất định – nhưng rất khó có thể thấy được vị trí của một đoạn trong tổng thể văn bản. Điều này cũng giống như việc xem một bản đồ mà chỉ xem được từng phố, không thể kéo ra xa để nhìn xem phố đó nằm trong tổng thể ra sao. Mặc dù các máy đọc sách như Kindle và tablet tái hiện lại các trang – đôi khi với cả số trang, các tiêu đề và hình minh họa, màn hình chỉ hiển thị một trang điện tử, trang đó sẽ biến mất khi chuyển trang. Thay vì tự đi trên con đường, với cây cối, đá và rêu phong, bạn di chuyển với tốc độ quét màn hình và không có ấn tượng gì về cái gì phía trước và phía sau.
Abigail Sellen – làm việc tại Microsoft Research Cambridge tại Anh và đồng tác giả cuốn sách The myth of Paperless Office cho rằng: “cảm giác tiềm ẩn về vị trí của mình trên một cuốn sách giấy là quan trọng hơn những gì chúng ta nhận ra. Chỉ khi chúng ta đọc sách ebook thì chúng ta mới nhớ cảm giác này. Tôi không nghĩ nhà sản xuất ebook đã nghĩ đủ về việc bạn hình dung ra vị trí của mình trên cuốn sách”
Ít nhất có một vài nghiên cứu cho rằng bằng việc giới hạn con người định hướng trong văn bản, các màn hình đã giảm khả năng hiểu của chúng ta. Trong một nghiên cứu công bố vào tháng 1/2013, giảng viên của đại học Stavanger – Anne Mangen so sánh và thấy rằng khả năng hiểu văn bản của người đọc trên giấy là tốt hơn. Giải thích của Mangen là học sinh đọc trên máy tính gặp khó khăn khi nhớ lại một thông tin xác định, vì họ đọc bằng cách cuộn trên màn hình. Mangen nói: “Bạn có thể xác định mở đầu kết thúc và mối quan hệ của điểm hiện tại với các điểm khác một cách dễ dàng thì bạn sẽ có thể tập trung nhiều hơn vào việc hiểu văn bản”.

530716_530677650293801_932858441_n

Bổ sung cho nghiên cứu này, khảo sát cho thấy màn hình can thiệp vào 2 yếu tố quan trọng khác của việc định hướng trong văn bản: sự trùng hợp và cảm giác được kiểm soát. Con người có cảm giác thích thú khi đọc một câu mà nhớ lại một phần đã đọc từ trước, hoặc thích bất chợt đọc lướt qua các phần phía trước của sách. Chúng ta cũng thích có sự kiểm soát – được đánh dấu bằng mực thật, viết lên sách… như cách họ muốn.
Vì những điều trên, và vì màn hình điện tử dễ gây mất tập trung, con người thường ưa thích đọc sách giấy hơn khi cần đào sâu. Trong một nghiên cứu năm 2011, phần lớn sinh viên của ĐH quốc gia Đài Loan nói rằng họ thường chỉ đọc online một vài doạn rồi in toàn bộ văn bản ra để nghiên cứu. Một khảo sát năm 2008 của thế hệ những người sinh giữa 1980 và 2000 tại ĐH Salve Regina kết luận rằng cả đến thế hệ này cũng ưa thích đọc sách giấy hơn. Và trong nghiên cứu năm 2003 của ĐH National Autonomous của Mexico, gần 80% của 687 sinh viên được khảo sát ưa thích đọc sách giấy hơn nhằm “hiểu rõ ràng.”
Các khảo sát và báo cáo tiêu dùng cũng cho thấy việc cảm nhận bằng xúc giác khi đọc là rất quan trọng. Chữ ở trên màn hình không phải là một phần của phần cứng thiết bị – nó là một hình ảnh không cố định. Khi đọc sách giấy, bạn có thể chạm vào giấy và mực, nghe được âm thanh khi giở sách và có thể gạch chân hoặc bôi đậm một đoạn với mực cố định. Các thiết bị điện tử vẫn chưa đáp ứng được điều này.
Sách giấy có kích thước, hình dạng và khối lượng dễ xác định hơn sách điện tử. Điều này khiến một số người không thích dùng máy đọc sách, vì họ muốn quyển sách phải có hình dạng, mùi hương … thật. Đối với những người khác, ưu điểm mỏng nhẹ tiện lợi của máy đọc sách áp đảo nhược điểm liên quan tới cảm giác.
Khả năng hiểu sâu
Mặc dù có một số nghiên cứu gần đây kết luận rằng con người sẽ hiểu tốt hơn khi sử dụng sách giấy, sự khác biệt là khá nhỏ. Một số thí nghiệm lại cho rằng các nhà nghiên cứu không nên chỉ chú ý vào ký ức trong chốc lát mà nên chú ý vào trí nhớ dài hạn. Kate Garland cùng đồng nghiệp ở ĐH Leicester đã thực hiện nghiên cứu cách sinh viên ghi nhớ những gì mình đã đọc trên sách giấy và trên màn hình máy tính. Sau 20 phút, các sinh viên thực hiện bài kiểm tra trắc nghiệm và kết quả là điểm số thu được tương đương bất kể hình thức đọc nào, nhưng lại khác nhau ở cách họ ghi nhớ thông tin.
Các nhà tâm lý học phân biệt giữa nhớ một thứ – tái hiện lại mảnh thông tin cùng với chi tiết ngữ cảnh như địa điểm, thời gian … – với biết một điều – cảm giác rằng đây là điều đúng mà không cần nhớ lại mảnh thông tin. Nói chung, “nhớ” là trạng thái kí ức kém hơn và dễ quên hơn trừ khi được chuyển thành dạng kí ức dài hạn là “biết”. Trong bài kiểm tra, sinh viên đọc trên màn hình dựa rất nhiều vào việc “nhớ” hơn là việc “biết”, trong khi sinh viên đọc sách giấy dựa vào việc biết và nhớ với mức như nhau. Garland và đồng nghiệp cho rằng sinh viên đọc bằng giấy đã học nhanh hơn và họ không phải mất nhiều thời gian nhớ lại các mảnh thông tin để có câu trả lời.
Các nhà nghiên cứu khác cho rằng con người tổng hợp ít hơn khi đọc trên màn hình vì cách đọc này làm mất tập trung hơn. Mực E-ink là tốt cho mắt vì cách hoạt động cũng giống sách giấy (phản xạ ánh sáng), nhưng màn hình máy tính, smartphone và tablet chiếu ánh sáng trực tiếp vào mắt người đọc, gây mỏi mắt, đau đầu và mờ mắt. 70% những người hay ngồi trước máy tính trong thời gian dài xác nhận về triệu chứng này.
Erik Wästlund – ĐH Karlstad ở Thụy Điển đã tiến hành một số nghiên cứu nghiêm ngặt về mức độ tiêu tốn nguồn lực trí óc và thể lực khi đọc sách trên màn hình. Các tình nguyện viên làm bài kiểm tra trắc nghiệm về đọc hiểu kéo dài 30 phút, trên giấy hoặc trên màn hình, và kết quả cho thấy những người làm bài kiểm tra trên màn hình có điểm thấp hơn, mức căng thẳng và mệt mỏi cao hơn.
Trong một thí nghiệm khác, 82 tình nguyện viên làm bài kiểm tra đọc hiểu trên máy tính, theo dạng đoạn ngắn hoặc văn bản liên tục. Họ được nghiên cứu về mức độ tập trung và bộ nhớ ngắn hạn, một tập hợp các kĩ năng giúp con người lưu trữ tạm thời và xử lý thông tin. Mặc dù cả hai nhóm đều làm tốt như nhau trong bài kiểm tra, nhóm đọc văn bản dài không làm tốt trong bài kiểm tra về mức tập trung và bộ nhớ ngắn hạn. Điều này được lý giải là do việc phải cuộn khi đọc khiến người đọc phải chú ý cả chữ viết và việc chúng di chuyển khiến cho khả năng tập trung giảm. Việc giở trang hay nhấn nút chuyển trang đơn giản hơn và không gây mệt mỏi. Một nghiên cứu năm 2004 của ĐH Central Florida cũng đưa ra kết luận tương tự.
 Khác biệt về thái độ
Một tập hợp nghiên cứu đều nhấn mạnh rằng con người không đầu tư nỗ lực khi đọc sách trên màn hình so với đọc sách trên giấy. Trong vô thức, nhiều người cho rằng đọc sách trên màn hình không nghiêm túc bằng đọc sách trên giấy. Một khảo sát chi tiết vào năm 2005 thực hiện bởi Ziming Liu ĐH San Jose State, kết luận rằng con người đọc sách trên màn hình thực hiện đi tắt nhiều hơn – họ dành thời gian tìm kiếm, rà soát các từ khóa nhiều hơn so với đọc trên giấy.
Khi đọc sách trên màn hình, con người ít quan tâm đến việc học của mình – như việc lập ra mục tiêu cụ thể, đọc lại những phần khó, kiểm tra mức độ hiểu của mình. Trong thí nghiệm vào năm 2011 của viện công nghệ Israel sinh viên thực hiện bài kiểm tra ghi nhớ chữ trên màn hình hoặc trên giấy. Trong điều kiện áp lực về thời gian, cả hai nhóm đều thực hiện tốt như nhau. Trong điều kiện không có áp lực, sinh viên sử dụng giấy đạt điểm cao hơn khoảng 10%. Từ đó có thể cho rằng sinh viên sử dụng tài liệu giấy tiếp cận bài kiểm tra với sự quan tâm cao hơn, ảnh hướng đến sự tập trung và trí nhớ ngắn hạn.
Có thể sự khác biệt giữa đọc sách giấy và trên màn hình sẽ không còn khi thái độ của con người thay đổi. Cô bé trong video clip “tạp chí là cái iPad không hoạt động” bây giờ đã 3 tuổi rưỡi và không tương tác với tạp chí như thể chúng là màn hình cảm ứng nữa. Có thể thế hệ này sẽ lớn lên mà không còn thiên vị giấy như thế hệ cũ. Trong nghiên cứu gần đây của Microsoft, Sellen đã chỉ ra rằng nhiều người không có cảm giác sở hữu ebook: Họ nghĩ rằng đang sử dụng ebook chứ không phải sở hữu ebook. Những người tham gia khảo sát cho biết nếu họ thích một cuốn sách nào đó, họ sẽ đi mua bản giấy. điều này liên hệvới âm nhạc kỹ thuật số . Kể cả có sự ngăn cản, người ta vẫn sẽ thích chia sẻ âm nhạc số, và cũng làm điều tương tự với ebook, nhất là khi thiết bị đọc có khả năng tương tác cải thiện.
Ngày nay, nhiều kĩ sư, nhà thiết kế và chuyên gia về giao diện người dùng làm việc chăm chỉ để biến việc đọc kỹ thuật số giống với việc đọc trên giấy. E-ink là loại mực khá giống mực hóa chất và giao diện của Kindle cũng đơn giản như một trang sách. Tương tự, iBook bắt chước sách thật ở quá trình giở trang. Jaejeung Kim và đồng nghiệp ở viện công nghệ thông tin Hàn Quốc đã thiết kế giao diện tân tiến giúp iBook giống như sách nguyên thủy. Khi sử dụng giao diện này, có thể thấy được số lượng trang đã đọc ở bên trái tablet và số lượng trang chưa đọc ở bên phải. Chúng ta còn có thể lật nhiều trang cùng một lúc.
Nhưng vì sao chúng ta phải vất vả để biến sách điện tử giống sách thật? Vì sao không khiến chúng trở nên khác biệt? Màn hình đương nhiên có thể cung cấp cho người đọc những trải nghiệm khác so với sách giấy. Việc cuộn có thể không phù hợp cho tác phẩm dài, nhưng các tờ bào mạng như NY Times, Washinton Post, … lại được thiết kế mới lạ để phù hợp với việc cuộn trang. Khi đọc truyện tranh hay infographic, việc cuộn trở thành một ưu điểm. Tính tương tác trong Scale of the Universe không thể tái hiện trong trang sách…
Khi phải đọc những văn bản dài và toàn chữ, giấy mực vẫn có lợi thế, trong khi đó, chữ không phải là cách duy nhất để chuyển tải kiến thức.

Theo Ferris Jabr

Khi văn hóa đọc thiếu nền tảng học thuật và pháp luật

Có lẽ chưa bao giờ văn hóa đọc lại nở rộ như ngày nay, đặc biệt là sự hỗ trợ từ chính quyền và các kênh báo đài chính thống. Không khí tấp nập nhộn nhịp trong các hội trợ sách, các hội thảo sách, các cuộc chạy đường trường cổ vũ phong trào đọc dường như làm sống dậy cái không khí Đông Kinh nghĩa thục: “Buổi diễn thuyết người đông như hội/Kỳ bình văn khách đến như mưa”. Chứng kiến cảnh “trăm hoa

KHOE SÁCH KHÔNG LÀM NÊN NGƯỜI CÓ VĂN HÓA

Nguồn: Facebook Hà Thủy Nguyên   Mình bắt đầu thấy khó chịu với những bạn cứ suốt ngày đăng ảnh khoe giá sách trên facebook hoặc đi check-in khắp nơi với những quyển sách để tỏ vẻ ta đây đọc nhiều hiểu rộng. Việc khoe khoang này chẳng khác gì một thời người ta cuồng chụp ảnh mèo ảnh chó trên facebook, hay trò selfie khoe thời trang. Khoe cái gì thì cũng là khoe mà thôi, và khoe là trò của đám “trọc phú”

Review sách “Trí tuệ giả tạo – Internet đã làm gì chúng ta”

Logic của sách Ở lời dẫn nhập, tác giả nói đến việc con người thường coi công cụ là vật vô tri, đánh giá thấp ảnh hưởng của công cụ lên cách tư duy và hành động của chúng ta. Cách suy nghĩ đó thật sai lầm. Internet đang dần làm biến mất một kiểu tâm trí cũ "bình thản, tập trung, tuyến tính và lỗi thời" vốn đã tồn tại 500 năm từ thời Gutenberg để sang một kiểu tâm trí mới "nhanh hơn,

Làm sao để đọc ít sách hơn?

Thế giới hiện đại đánh đồng một cách chắc nịch người thông minh với người đọc nhiều. Đọc sách, rất nhiều sách, là xác nhận của sự xuất chúng cũng như là cánh cổng tối cao tới uy danh và sự hiểu biết. Thật khó để hình dung ai đó có được những hiểu biết sâu sắc mà không phải chăm chỉ cày qua số lượng lớn những cuốn sách tên tuổi mỗi năm. Rõ ràng là chẳng có giới hạn nào cho việc chúng

Giá trị của việc sở hữu nhiều sách hơn bạn có thể đọc

Hay tôi đã học cách ngừng lo lắng và yêu thích *tsundoku của mình như thế nào. Những điều quan trọng trong bài: Nhiều độc giả mua sách với mục đích đọc lại chỉ để sách nằm dài trên kệ. Nhà thống kê học Nassim Nicholas Taleb tin rằng bao quanh chúng ta với những cuốn sách chưa đọc sẽ làm phong phú cuộc sống của chúng ta vì chúng nhắc nhở ta về tất cả những gì ta chưa biết. Người Nhật gọi cách

Book Hunter

18/12/2022