Home Chuyên đề tháng Bầu không khí tại triết học Hy Lạp cổ đại: Khi triết học không chỉ nằm trong trang giấy

Bầu không khí tại triết học Hy Lạp cổ đại: Khi triết học không chỉ nằm trong trang giấy

Triết học là một khái niệm đẹp đẽ, và người ta đã dành cho triết học nhiều mỹ từ tuyệt vời để tưởng thưởng. Một cách mơ hồ, chúng ta cảm thấy triết học là điều gì đó cao quý, thúc đẩy chúng ta khỏi sự bủa vây tăm tối của tâm trí, và có vẻ như, càng ngày, con người càng mang tính triết học hơn dẫu cho những động lực sinh tồn ở mỗi cá nhân và lòng tham nô dịch hóa ở các hệ thống vẫn liên tục tìm cách chiếm hữu. Có vẻ như, càng trong bối cảnh như vậy, con người triết học càng là một xung lực để chống chọi trong nội tại của mỗi cá nhân mạnh mẽ. Người ta có thể tìm thấy ý nghĩa triết học trong một bộ phim đại chúng hay một bức tranh, hay một cuộc thưởng ngoạn trà, hay một phát biểu trên mạng xã hội, hoặc đôi khi là chiêm nghiệm cá nhân trong một lần du lãng đơn độc giữa núi rừng. Triết học đang len lỏi vào đời sống của chúng ta một cách hiển nhiên, và có vẻ như triết học đã và đang vươn ra khỏi những trang sách khô cứng. Đời sống triết học trở nên đa dạng hơn ở thế giới đương đại cũng thúc đẩy chúng tôi tự vấn lại ý nghĩa đích thực của triết học, cách triết học diễn ra, được lưu giữ và biểu hiện. 

Ban sơ, ở thời kỳ man dã, một cách tự nhiên, con người đã đặt cho mình vô vàn những câu hỏi về lẽ sinh tồn: con người thực sự là gì, tại sao lại khác với các sinh vật khác, ai hay điều gì đã tạo ra sự sống này, tại sao người với người lại khác nhau, những sắc thái cảm xúc đang diễn ra là gì, làm sao để sống một cách tốt đẹp hơn?… Rất nhiều câu hỏi được đặt ra, và mỗi tộc người đều tự đưa ra câu trả lời. Thần thoại và huyền môn là cách lý giải sơ khai của con người cổ sơ, khi tâm trí con người đang ghi nhận thế giới thông qua các biểu tượng và hình ảnh, thay vì những dòng chảy suy nghĩ của ký tự. Ở dạng thức này, thần thoại và huyền môn biểu đạt triết học qua các tự sự và các ký hiệu đại diện. Ví dụ như thần thoại sáng thế của người Hy Lạp cổ đại kể chuyện nữ thần đất Gaia đã hỗ trợ con trai của mình là thần thời gian Chronos lật đổ cha của mình là thần bầu trời Uranus. Đất đại diện cho sự sinh sôi nảy sở của các sinh vật, bầu trời đại diện cho sự vĩnh hằng bất biến bao trùm vạn vật, nhưng các sinh vật sinh sôi và theo thời gian dẫn đến diệt vong, tụi làn, để rồi lại tái sinh. Câu chuyện này là biểu hiện cho tâm thức con người Hy Lạp cổ đại, luận giải rằng sự biến dịch liên tục của sự sống quan trọng hơn bất biến trừu tượng mơ hồ. Thế nhưng, sự bất biến ấy không mất đi – dương vật của Uranus bị Chronos cắt đứt đã rơi xuống biển, và hóa thân thành nữ thần tình yêu và sắc dục Aphrodite. Sự bất biến vĩnh hằng đã chuyển dịch hình thái để thích nghi với đời sống, và nó có một định danh khác trừu tượng chẳng kém: “tình yêu”, thứ khiến con người vừa vui sướng tột cùng nhưng cũng dễ dàng chìm trong khổ não, thứ khó có thể gỡ bỏ khỏi tâm trí, thứ chi phối mọi sự sinh sôi và tương truyền rằng sẽ còn sót lại sau khi chết. Huyền môn có cách truyền tải triết học rất khác, nó là một hệ thống các ký hiệu tượng trưng được kết nối với nhau theo một nguyên lý nào đó vốn không dễ dàng gì phát biểu bằng lời, ví dụ như Kinh Dịch của người Trung Quốc hay Kabbalah của người Do Thái. Các hệ thống huyền môn này ký hiệu hóa các hiện tượng và sắp đặt chúng với nhau nhằm biểu thị một hệ thống luận giải trừu tượng phức tạp. Ở thời kỳ của thần thoại và huyền môn, con người chưa biết đến khái niệm “triết học” hay “khoa học” mà mặc nhiên coi những luận giải thiêng liêng và mơ hồ kia là chân lý bất khả xâm phạm đồng thời cũng bất khả tri, được duy trì bởi tầng lớp giáo sĩ và tư tế vốn có quyền lực chính trị trong cộng đồng. 

Do sự chuyển biến diễn ra ở thời kỳ chữ viết còn sơ khai, rất khó để phân định từ khi nào con người bắt đầu luận giải về thực tại và đời sống một cách tự do, không bị chi phối bởi chân lý tuyệt đối áp đặt từ ý thức hệ thần quyền. Tuy nhiên, tại các nền văn minh lớn trên thế giới như Hy – La cổ đại, Trung Quốc cổ đại, Ấn Độ cổ đại… đều xuất hiện các triết gia (với nhiều cách gọi khác nhau), họ lý giải thế giới và cách thế giới vận hành không bị chi phối bởi các vị thần và phép màu nhiệm, mà từ sự quan sát hiện tượng, sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt hiện tượng ấy, truy nguyên và diễn giải. Sự xuất hiện của triết học đánh dấu một bước tiến trong tâm thức của nhân loại: thoát khỏi định chế của hệ thống thần quyền và khuyến khích tinh thần truy vấn không ngừng ở một con người, và bởi thế, triết học là một phép thực hành tự do tâm trí, cho đến khi tự bản thân triết học bị định chế hóa bởi hệ thống học thuật sau này. Cuộc “cách mạng” này chắc chắn diễn ra không hề êm đẹp, và lịch sử mẫu thuẫn giữa các định chế thần quyền và triết học được ghi dấu trong Đêm trường Trung Cổ hay các cuộc đàn áp tư tưởng vô thần vào giai đoạn cuối Kỷ nguyên vàng Islam. Nhưng, dấu vết cổ xưa nhất còn sót lại của cuộc giằng co này cùng với những tượng đài triết học định hình nên triết học và khoa học phương Tây sau này, đáng để chúng ta tìm hiểu và ngẫm nghĩ, chính là triết học Hy Lạp cổ đại. Không giống như các thời kỳ triết học phương Tây sau đó vốn là cuộc chiến biện luận trên trang giấy của các hệ tư tưởng, triết học Hy Lạp cổ đại có hình thái phong phú và gần gũi với đời sống và có tác động thay đổi đời sống một cách đáng kinh ngạc. 

Video bản lưu cuộc trò chuyện về Triết học Hy Lạp cổ đại

Các triết gia mang tội gây nguy hại cho cộng đồng và báng bổ thần linh

Cuốn sách “Cuộc đời các triết gia nổi tiếng” của Diogenes Leartius (Thế kỷ thứ III) do dịch giả Nguyễn Thanh Xuân  thực hiện, Book Hunter & NXB Đà Nẵng ấn hành, là cuốn sách cổ xưa nhất được biết đến ngày nay ghi chép về các trường phái và các câu chuyện về các triết gia Hy Lạp cổ đại. Rất nhiều các nghiên cứu và các tác phẩm triết học phương Tây hiện đại đã tham chiếu đến tác phẩm này khi bàn về triết học Hy Lạp. Khi điểm qua danh sách của triết gia được ghi lại trong sách, ta có thể dễ dàng thấy rằng rất nhiều người trong số họ bị quy kết gây hại cho cộng đồng như Socrates hoặc báng bổ thần thánh như Aristotle. Nhiều người trong số họ bị tử hình, trục xuất hoặc bị cô lập bởi những người dân tại thành bang của mình. Hiện tượng xã hội này cho thấy vai trò chính trị của triết học trong cuộc chiến chống lại ý thức hệ độc đoán ngự trị trong cộng đồng. 

Tìm hiểu thêm về sách: Cuộc đời của các triết gia nổi tiếng – Diogenes Laërtius – Book Hunter Lyceum

Socrates nổi tiếng trong lịch sử triết học như một tinh thần truy cầu sự thật và tự do, không khoan nhượng, tới mức người dân Athens đã cáo buộc tội gây hại cho cộng đồng và bỏ phiếu hành quyết ông. Từ “Cuộc đời các triết gia nổi tiếng”, ta có thể thấy rằng, ngay cả khi ông chưa bị hành quyết, ông đã phải chịu rất nhiều công kích từ cộng đồng Athens lúc bấy giờ, cụ thể là bị Hội đồng quan chấp chính tại Athens cấm dạy nghệ thuật sử dụng ngôn từ và nhiều lần bị đám đông sỉ nhục, đấm đá và giật tóc hung bạo. Và bản án kết tội ông như sau: “Socrates có tội khước từ công nhận thần linh được thành bang công nhận, đồng thời giới thiệu các vị thần mới khác. Ông ta cũng có tội làm hư hỏng thanh niên. Hình phạt được yêu cầu là cái chết” (trang 98). Socrates được mô tả là một triết gia giỏi biện luận và thuyết phục đám đông, nhưng đó không phải vấn đề chính, quan trọng là ông không khoan nhượng và thỏa hiệp với các chính sách chính trị hay các thói xấu trong cộng đồng: “ông từ chối nhượng bộ Critias và các chấp chính quan khi họ ra lệnh cho ông đưa Leon giàu có đảo Salamis ra để hành quyết trước mặt họ; ngoài ra, một mình ông bỏ phiếu tha tội cho mười vị tướng; và thêm một lần nữa là khi có cơ hội trốn thoát khỏi nhà tù, ông đã từ chối làm như vậy, đồng thời quở trách bạn bè vì đã khóc thương cho số phận của ông, và còn giảng thuyết cho họ những bài nói đáng nhớ nhất của ông trong tù.” (trang 90) hay “Ông tỏ ra khinh thường Archelaus xứ Macedon, Scopas xứ Cranon và Eurylochus xứ Larissa qua việc từ chối nhận quà hay đến triều đình của họ.” (trang 91) Sự liêm khiết và chính trực của Socrates có thể là nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông. 

Một triết gia ít nổi tiếng hơn là Bion xứ Borysthenes cũng thường xuyên bị buộc tội báng bổ thần linh và bị triều đình phỉ báng. Người ta kể rằng “khi ông ngã bệnh (người dân Chalcis nơi ông qua đời nói thế), ông được thuyết phục đeo một chiếc bùa hộ mệnh và ăn năn về những hành vi phạm tội báng bổ thần linh.” (trang 216) Qua những thư từ ông để lại, ta còn biết được rằng ông bị triều đình phỉ báng và đối đáp lại lời phỉ báng đó ông đưa ra những tuyên ngôn đầy thách thức: “Cha tôi là một người nô lệ được trả tự do, người luôn quẹt mũi bằng ống tay áo” – nghĩa là ông ta làm nghề buôn cá muối – “một người gốc ở Borysthenes, trên mặt không có gì để thể hiện, ngoài chữ khắc trên trán, một ký hiệu cho thấy sự nghiêm khắc của chủ nhân ông ta. Mẹ tôi xuất thân từ một nhà chứa. Sau này, do gian lận thuế, cha tôi đã bị bán cùng với cả gia đình. Còn tôi lúc đó chỉ là một thanh niên không may mắn, được một nhà biện luận mua lại, người này khi chết đã để lại cho tôi tất cả những gì ông ta có. Rồi tôi đốt sách của ông ta, vét sạch mọi thứ, đến Athens và trở thành triết gia. Đó là xuất thân của tôi và dòng máu mà tôi tự hào được sinh ra. Câu chuyện của tôi là thế đó. Vậy thì đã đến lúc Persaeus và Philonides ngừng kể lại nó. Hãy phán xét chính tôi.” (trang 213)

Aristotle, một triết gia nghiêm cẩn và có vẻ như thành công về mặt chính trị cũng không tránh khỏi những lời phỉ báng và số phận long đong. Ngay từ khi còn trẻ và bắt đầu sự nghiệp triết học của mình, ông đã bị chính Plato và Học viện của ông ta công kích. Plato nói rằng: “Aristotle vứt bỏ tôi, như những con ngựa con đá người mẹ đã sinh ra chúng”  (trang 221) Sau thời gian góp sức cho công cuộc dạy học Alexandre, Aristotle quay lại Athens và thành lập học phái Lyceum của mình, nhưng ông đã bị truy tố về tội bất kính hoặc vi phạm luật thần thánh. Trong suốt cuộc đời của mình, ông liên tục bị các biện giả khác đương thời chế nhạo là “rỗng tuếch”, “vô nghĩa”, chủ yếu liên quan đến việc ông đã ly khai Học Viện của Plato để lập tông phái riêng của mình. Đặc biệt, sau cái chết của Alexander Đại đế vào năm 323 TCN, cơn phẫn nộ của dân Athens chống lại Macedonia xâm lược đã bùng phát mạnh mẽ. Aristotle, do quan hệ mật thiết với Alexander và nguồn gốc Macedonia của mình, đã trở thành mục tiêu của sự phẫn nộ này, buộc ông phải rời khỏi Athens. Lý giải cho sự rời bỏ Athens của mình, ông đã tuyền bố: ” Tôi sẽ không cho phép những người dân Athens phạm tội chống lại triết học đến lần thứ hai.”

Câu chuyện về số phận của các triết gia long đong này không phải là một lời than thân trách phận, khi nhìn rộng hơn, ta có thể nhận thấy được sự dấn thân vào đời sống của họ. Không giống như đại đa số triết gia hiện đại coi triết học là sự tách rời khỏi đời sống, các triết gia Hy Lạp rất tích cực tham gia đời sống trong phạm vi năng lực của mình. Thales, người được coi là triết gia đầu tiên đồng thời cũng là một cố vấn chính trị tuyệt vời. Diogenes Leartius viết: “Thales cũng được cho là đã đưa ra những lời khuyên tuyệt vời về các vấn đề chính trị. Chẳng hạn, khi Croesus đưa ra các điều khoản liên minh với Miletus, ông đã làm thất bại kế hoạch này; và điều này đã cứu được thành phố khi Cyrus giành chiến thắng.” (trang 31) Không những thế, ông cũng chứng minh rằng triết gia hoàn toàn có thể là một con buôn thành công. Cuốn sách “Cuộc đời các triết gia nổi tiếng” cũng dẫn ra một câu chuyện rằng, ông đã dự đoán trước được rằng năm ấy olive sẽ được mùa, vậy nên ông đã đầu tư thuê toàn bộ máy nghiền dầu, nhờ thế mà tích lũy được tài sản lớn. Solon cũng là một triết gia thực tiễn và dấn thân mạnh mẽ, ông nổi tiếng là một chính trị gia tài năng đã giúp Athens củng cố được bình ổn chính trị sau những ngày tháng tranh chấp đẫm máu. Leartius cho biết thêm: “Thành tựu đầu tiên của ông là bộ Luật “trút bỏ gánh nặng” (tiếng Hy Lạp: σεισάχθεια), mà ông giới thiệu ở Athens; tác dụng của nó là chuộc người và tài sản. Nhiều người lấy thân mình làm bảo đảm để vay tiền, và đôi khi vì nghèo quá không trả nợ được thì phải trở thành nông nô hay lao động công nhật. Ông là người đầu tiên xóa nợ (một khoản 7 talent mà người khác nợ cha ông) và ông khuyến khích chủ nợ khác làm theo. Tên gọi của  bộ luật là “trút bỏ gánh nặng” đúng thật là hợp lý.” (trang 41) Socrates từng tham gia chiến trận và chính trị; Xenophone thì trực tiếp cầm quân; Aristotle thì dạy học và cố vấn chính trị…Các chính trị gia cũng luôn giành cho các triết gia một sự kính ngưỡng nhất định và thường mời họ cố vấn hoặc dạy học, dẫu rằng không ít lần xảy ra mâu thuẫn dẫn tới những cuộc công kích lẫn nhau. 

Để hiểu thêm về Solon và bối cảnh chính trị của Athens, mời các bạn tìm hiểu về cuốn sách: Sự hưng thịnh và suy tàn của Athens – Plutarch – Book Hunter Lyceum

 

Sự đa dạng về hình thức biểu đạt triết học

Khái niệm triết học trong tại Hy Lạp cổ đại có một trường nghĩa khá rộng so với triết học hiện đại như một bộ môn học thuật để luận giải về thế giới bằng các phương pháp tư duy. Chữ “triết học” –  φιλοσοφία thường được giải thích là “yêu sự thông thái”, tuy nhiên cách giải thích này có tính chất chiết tự và phỏng đoán rằng đây là một từ ghép được tạo từ danh từ “sophia” thường được dịch là sự thông thái, và “philo” thường được dịch như một động từ với nghĩa là “yêu thích”. Nếu truy nguyên về khái niệm, ta có thể phỏng đoán khái niệm φιλοσοφία – philosophy có khả năng là một từ ghép bởi hai danh từ “philia” và “sophia”. Hai từ này gắn với hai vị nữ thần trong thần thoại Hy Lạp. “Philia” có cùng gốc từ với nữ thần tình bạn và dục tình Philotes, con gái của Erebus (Tăm tối) và Nix (Đêm đen). Khái niệm “Philia” mang sắc thái ý nghĩa khác so với “Eros” (yêu đương), nó thường sử dụng để thể hiện sự giao hòa giữa người với người và người với vạn vật. “Philia” thường được dịch là tình bạn, còn trong “Luân Lý Học” của Aristotle, chúng tôi dịch là tương giao để thể hiện đúng sắc thái của từ “Philia”. “Sophia” trong tiếng Hy Lạp cổ đại có nghĩa là thông minh, trí tuệ, khôn khéo, khéo léo, thường gắn với trí thông minh thực tiễn. Tuy nhiên, qua tác phẩm “Biện Luận” (Rhetorics) của Aristotle, ta có thể thấy rằng tại Hy Lạp cổ đại xuất hiện các “biện giả” (sophist – cùng gốc với sophia, vốn là những người dạy các kỹ năng siêu tuyệt, phẩm hạnh, và huấn luyện thể chất) là những người thường sử dụng những lập luận ngụy biện để tác động đến lòng tin của quần chúng mà không sử dụng những lập luận có căn cứ. Nếu “philosophy” là một từ ghép của hai danh từ, thì đó có thể là hai khía cạnh thực hành triết học: một là thông qua sự giao hòa với vạn vật, hai là thông qua trí tuệ. Tại sao tôi lại mạnh dạn nghĩ theo hướng suy nghĩ này? Bởi vì lý giải triết học là “yêu sự thông thái” đồng nghĩa với việc gắn triết học với phần “trí”, dễ dàng thấy ở Thales, Solon, Socrates, Plato, Xenophone, Aristotle, Pythagoras… Nhưng sẽ thật khó để lý giải các hiện tượng như Crates Khuyển Nho, Diogenes Khuyển Nho hay Epicurus Khoái Lạc. Cũng khó lý giải khi yếu tố triết học xuất hiện thường xuyên trên sân khấu kịch nghệ, vốn là cuộc chơi của những cảm xúc và hành vi phi lý trí được thuật lại. 

Crates đã đến với triết học khi ông xem một vở bi kịch. Theo sách, “Ông được biết đến với biệt danh “Kẻ mở cửa” – người mà khi gọi mọi cánh cửa đều mở toang – vì thói quen vào từng nhà để khuyên răn những người bên trong. Đây là một mẩu khác trong sáng tác của ông: “Tôi học hỏi và suy ngẫm nhiều điều,/ những bài học cao quý mà các Nữ thần Thi ca đã dạy:/ Nhưng sự giàu có tích lũy được là con mồi của sự phù phiếm.” Crates luôn biểu đạt triết thuyết của mình bằng thi các thi khúc. Không chỉ có ông, qua “Thi ca luận” của Aristotle, ta biết rằng rất nhiều triết gia đã biểu đạt triết học bằng hình thức thi khúc, ngoài Crates, còn có Solon nổi tiếng với bi ca (elegiac). Ở một chiều khác, bi kịch cũng chứa đựng nhiều dụ ngôn triết học, đặc biệt ở kịch huấn thi, tức kịch thơ mang tính chất Luân lý, khá phổ biến tại sân khấu kịch Hy Lạp cổ đại. 

Tìm hiểu thêm về cuốn sách: Thi ca luận (Περὶ ποιητικῆς) – Aristotle – Book Hunter Lyceum

Yếu tố “philia” – “tương giao” còn thể hiện qua hình thức ứng đối phổ biến trong triết học Hy Lạp cổ đại. Diogenes Leartius cho rằng chính Plato là triết gia đầu tiên sử dụng hình thức ghi chép lại đối thoại hoặc sáng tạo ra các đối thoại để biểu đạt triết học của mình. Tuy nhiên, ứng đối có đời sống phong phú hơn nhiều. Ta có thể thấy sự đối đáp mang tính triết học xuất hiện trong cuộc sống thường nhật của các triết gia, điều này có nghĩa là triết học với họ không tồn tại như một tác phẩm biện thuyết mà tồn tại như một lối sống. Đây là điều khác biệt cơ bản giữa mô hình triết gia Hy Lạp với các triết gia Khai Sáng và hiện đại. Chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều ứng đối đời sống của các triết gia trong “Cuộc đời các triết gia nổi tiếng”.

Ví dụ, đây là câu chuyện về mối quan hệ của Socrates với người vợ đanh đá của ông: “Khi Xanthippe lần đầu tiên mắng mỏ ông rồi sau đó còn tạt nước vào người ông, ông đáp trả: “Tôi đã chẳng nói rằng cơn thịnh nộ của Xanthippe sẽ kết thúc bằng một trận mưa đó sao?” Khi Alcibiades nói rằng việc Xanthippe mắng mỏ ông là không thể chấp nhận được, ông nói: “Không, tôi đã quen với việc đó, giống như tiếng kêu lạch cạch liên tục của một chiếc tời. Và ông cũng không bận tâm đến tiếng kêu cạp cạp của ngỗng cái chứ”. Alcibiades trả lời “Không”, Socrates nói tiếp: “nhưng chúng cung cấp trứng và ngỗng con cho tôi. Và Xanthippe là mẹ của các con tôi”. Khi bà ta xé toạc lưng áo của ông ngay giữa chợ và những người quen khuyên ông nên đánh lại, ông nói: “Vâng, lạy thần Zeus, để trong khi chúng ta đánh nhau, các người có thể tham gia với những câu đại loại như ‘Tới đi, Socrates!’ hay ‘Làm tốt lắm, Xanthippe!’”. Ông nói rằng mình sống với một người đàn bà đanh đá cũng như những kỵ sĩ thích những con ngựa phấn khích, “nhưng cũng như khi họ đã thuần phục những con này, họ có thể dễ dàng đối phó với những con còn lại, vì vậy việc gắn bó với Xanthippe sẽ giúp tôi học cách thích nghi với phần còn lại của thế giới”. (trang 96)

Diogenes Khuyển Nho là triết gia nổi tiếng với những ứng đối đời sống, bởi ông không viết lách và để lại trước tác nào. Kỳ thực, ông sống như một kẻ lang thang, trần truồng và hành xử có phần như một kẻ loạn trí:

“Với những người đã nói với ông: “Ông đã già rồi, hãy nghỉ ngơi đi”; ông đáp lại: “Cái gì? Nếu tôi đang chạy trong sân vận động, tôi có nên giảm tốc độ khi đến gần khung thành không, hay thay vào đó tôi phải tăng tốc?” (trang 295)

“Một người muốn học triết học dưới sự hướng dẫn của ông. Diogenes giao cho anh ta một con cá ngừ rồi bảo anh ta đi theo mình. Nhưng người này xấu hổ ném nó và bỏ đi, một thời 

gian sau khi gặp lại, ông cười và nói: “Tình bạn giữa anh và tôi mất đi chỉ vì một con cá ngừ”.” (trang 296)

“Plato định nghĩa Con người là một loài động vật hai chân và không có lông, và được vỗ tay tán thưởng. Diogenes nhổ lông một con gà rồi đem nó vào phòng giảng với dòng chữ: Đây là con người của Plato.” (trang 298)

“Plato nhìn thấy ông đang rửa rau diếp, đến gần ông và khẽ nói, “Nếu ông ve vãn được Dionysius, thì bây giờ ông đã không rửa rau diếp”, và rằng ông bình tĩnh  trả lời: “Nếu ông rửa rau diếp hẳn ông đã không phải ve vãn Dionysius” (trang 305)

Epicurus lại cho thấy một khía cạnh hoàn toàn khác của khái niệm “philia”. Ông nổi tiếng là có nhiều bạn bè, nhiều đến mức khó tưởng tượng, thậm chí còn kết giao với cả kỹ nữ. Những người bạn của Epicurus tìm đến với ông tại khu vườn do ông tạo dựng với đời sống giản dị, thanh đạm, hài lòng với một ly rượu loãng và mẩu bánh mì. Sự mong cầu của ông gói gọn trong câu nói này: “Hãy gửi cho tôi một hũ pho mát nhỏ để khi nào thích, tôi có thể thưởng thức bữa ăn một cách thịnh soạn.” (trang 521) Nếu như các biện luận mang tính lý trí của ông được sử dụng để luận giải phản bác lại các triết gia khác, thì triết học thực sự của ông chính là tận hưởng những khoái lạc của cuộc sống. Bản nhiên học là lĩnh vực được Epicurus đặc biệt chú trọng. Với nhãn quan về nguyên tử luận, tiền đề của khoa học vật lý hiện đại, Epicurus lý giải vạn vật trong sự giao hòa và tương tác của các nguyên tử. Đây là những nhận thức không thể có được qua nghiên cứu thực nghiệm và suy luận trong bối cảnh công cụ khảo sát khoa học thời bấy giờ rất thô sơ. Nhận thức này đến từ đâu cho đến nay vẫn là một bí ẩn, mà ta chỉ có thể lý giải rằng ông đã đạt được trạng thái tương giao – philia với vạn vật. 

Khía cạnh “sophia” – trí tuệ, trong triết học Hy Lạp có một đời sống sôi động chẳng kém phần. Tại Hy Lạp cổ đại, các triết gia thường xuyên biện luận 3 chủ đề chính: Bản nhiên học (tức bản chất của thực tại và vạn vật), phép biện luận và luân lý học. Các bàn luận này tồn tại dưới nhiều hình thức: diễn thuyết và tranh biện trước đám đông, bài giảng với học trò, văn bản. Tuy nhiên, ở thời đó, việc lưu trữ triết học dưới dạng văn bản không được các triết gia ưu tiên, thậm chí có triết gia như Diogenes vốn không biết chữ và không để lại trước tác nào. Điều này có thể đến từ sự khan hiếm giấy, hơn nữa các tư tưởng có thể được bảo lưu bằng trí nhớ. Ví dụ như Diogenes rất quan tâm đến việc luyện tập trí nhớ. Ngoài ra, đời sống triết học sôi động, chú trọng vào đời sống, có thể cũng là lý do khiến các triết gia không quan tâm đến viết mà quan tâm đến diễn thuyết. Ví dụ Aristotle đã để lại sự chỉ dẫn đồ sộ về nghệ thuật diễn thuyết và thuyết phục trong “Biện luận”. Không gian trao đổi triết học có thể diễn ra ở bất cứ đâu: một khu chợ, trong hội nghị các bô lão, trong một khu vườn, trong các điện thờ, một bãi đất trống, các bữa tiệc hoan lạc, hay nhà tắm hơi công cộng… tóm lại, bất cứ nơi đâu con người có thể sống thì ở đó triết học đều có thể được biểu đạt. Việc ghi chép lại các tác phẩm của các triết gia chủ yếu được thực hiện bởi học trò, lẽ đương nhiên sẽ thường thiếu thống nhất, dễ sai sót về chi tiết và dễ dàng bị thất tán. 

Tìm hiểu thêm về “Biện Luận”: Biện Luận (Rhētorikḗ) – Aristotle – Book Hunter Lyceum

Giáo dục triết học ở Hy Lạp cổ đại

Cũng giống như tu đạo trong văn hóa Á Đông, hay thực hành yoga và thiền định trong văn hóa Ấn Độ, triết học là một thực hành, tức là liên quan đến sự tu dưỡng. Tu dưỡng ở đây bao gồm quan sát, suy luận, hiểu bản chất sự vật và hiện tượng, đưa ra cách hành xử đúng đắn, luận giảng và thức tỉnh đám đông… Sự tu dưỡng này được truyền dạy tách khỏi hệ thống tư tế và trường học, thay vì đó, được tổ chức tùy theo các học phái của người sáng lập. 

Trong cuốn “Aristotle và Lý tưởng giáo dục Hy Lạp cổ đai” của Thomas Davidson, một tác phẩm nghiên cứu về mô hình giáo dục thời Hy Lạp cổ đại, cho biết: “Cuộc sống là trường học đầu tiên —  cuộc sống, cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội. Tất cả các trường học khác chỉ  đơn thuần huấn luyện các chức năng mà gia đình  và xã hội đã ấn định, và mãi cho đến khi xã hội đạt tới trình độ phức tạp, đòi hỏi sự phân công lao động, các trường riêng biệt mới tồn tại. Trong các tác phẩm của Homer về người Hy Lạp, chúng ta không hề thấy đề cập đến các trường học, và người duy nhất được ghi lại có một thầy dạy tư chính là Achilles, được gia đình gửi đi học từ nhỏ vì thiếu sự giáo dục vốn có từ cha mình. Giáo dục thời đó cốt yếu ở những gì, chúng ta biết được từ trích dẫn ở ngay phần đầu của chương này. Nó cốt ở việc đào tạo một người học trò trở thành “người biết lời phải nói và người biết việc phải làm” — một người có khả năng biện luận và thuyết phục trong hội đồng, anh dũng và cương quyết trên trận mạc. Để đạt được những mục đích này, như Lucian nói, người đó cần có một tâm hồn có đức hạnh và một cơ thể mạnh mẽ.” (trang 17) Triết học chính là môn học để người tham gia “biết lời phải nói”, “biết việc phải làm”, để có khả năng biện luận, thuyết phục… nói một cách khác, đó là một môn học tinh thần, và nó đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống giáo dục. 

Khoảng thời gian mà các triết gia hoạt động năng động nhất, từ thế kỷ 5 TCN đến thế kỷ 3 TCN, là giai đoạn, theo Davidson là giao thoa giữa hai mô hình giáo dục cũ mới. Mô hình giáo dục cũ có tính thẩm quyền, áp đặt, khắt khe, kính sợ thần linh (vốn đóng cửa với triết học và văn chương); trong khi ấy mô hình giáo dục kiểu mới hướng tới giá trị cá nhân, và coi thường các định chế cũ. Đặc biệt, khi Macedonia thôn tính Athens, thế giới Hy Lạp trở thành nơi giao lưu mạnh mẽ với các nền văn hóa từ phương Đông. Aristotle là triết gia trải qua cùng lúc 3 lớp giáo dục tại Hy Lạp từ kiểu cũ, đến kiểu mới và sự giao lưu văn hóa với phương Đông. Dấu vết của những giá trị này nằm ngay trong những trước tác và đề xuất giáo dục thiên hướng khai trí (hay còn gọi là khai phóng) của ông. Triết học có vị thế ở cả 3 lớp giáo dục này, và sẽ tùy theo các biến dịch chính trị mà có mô hình khác nhau với nhiều trường phái khác nhau. (Xem thêm trang 44, “Aristotle và lý tưởng giáo dục Hy Lạp”)

Mô hình thầy hướng dẫn trò trực tiếp trong đời sống mà không có lớp học hay học phái: Socrates là triết gia điển hình đi theo cách thức này. Ông nổi tiếng là một người thông thái và chính trực và các đệ tử tự tìm đến ông để được kèm cặp trong chính cuộc sống của họ. Xenophon đã tìm đến Socrates theo cách này. Leartius kể về cuộc gặp gỡ của Xenophon với Socrates như sau: “Xenophon, con của Gryllus, là công dân của Athens và thuộc khu vực Erchia, ngoại thành Athens; ông là một người khiêm tốn hiếm có và cực kỳ đẹp trai. Chuyện kể rằng Socrates gặp ông trong một lối đi hẹp, ông giơ gậy ra chắn đường trong khi hỏi Socrates các loại thực phẩm được bày bán ở đâu. Khi nhận được câu trả lời, ông lại khá bối rối đặt một câu hỏi khác: “Vậy con người trở nên thiện hảo và đáng kính ở đâu?”. Socrates liền nói: “Vậy hãy theo ta để học hỏi”. Từ đó trở đi, ông trở thành môn đồ của Socrates. Ông là người đầu tiên ghi chép và đưa ra thế giới những đối thoại của Socrates, dưới tựa đề Memorabilia. Ngoài ra, ông còn là người đầu tiên viết về lịch sử các triết gia.” (trang 102) Sự chỉ dẫn của Socrates cho Xenophon không nằm ở giáo lý mà nằm ở hành động và lựa chọn. Ví dụ như Socrates đã từng cùng tham gia chiến trận với Xenophon và cứu Xenophon trên chiến trường, hoặc cũng từng tham vấn cách ra quyết định của Xenophon trong lần Xenophon dẫn đội lính đánh thuê của Athens sang Ba Tư. Các triết gia Tiền Socrates đều truyền thụ triết học theo hình thức này, và về sau, phái Khuyển Nho cũng tiếp tục duy trì cách tổ chức theo mô hình thầy trò này. 

Mô hình Học Viện – Academy, được tổ chức như một trường học mở rộng cho đám đông môn đồ được thực hiện bởi Plato. Học Viện như một hệ thống các triết gia – học giả theo học, trao đổi với nhau và kế thừa các văn bản và các giá trị mà Plato rao giảng. Học Viện “vốn là một vận động trường nằm ngoài tường thành Athens, trong một khu rừng nhỏ đặt theo tên Hecademus” (trang 150). Khu đất này có lẽ đã được dựng từ thời Solon, khoảng năm 590 TCN, vốn là nơi nghỉ dưỡng của những công dân thuần huyết thống Hy Lạp (trang 120, Aristotle và lý tưởng giáo dục cổ đại), nhưng Plato mới là người biến khu đất này thành một Học viện của những “quý ông Hy Lạp” cùng nhau trao đổi. Plato và các triết gia học trò của ông tại Học Viện đều được trọng vọng và dành hầu hết cuộc đời của mình tại đây. Mô hình Học Viện của Plato có ảnh hưởng lớn đến cách tổ chức các học phái triết học tại Hy Lạp. Aristotle, học trò đã ly khai khỏi Học viện vì có quan điểm khác biệt, khi tổ chức Lyceum cũng có hình thức tương tự, tuy nhiên Lyceum còn được tổ chức như một thư viện và bảo tàng để sưu tập sách và các mẫu sinh vật, bảo vật từ các vùng đất khác, cho thấy Lyceum của Aristotle thể hiện cho tính chất giao thoa về ba lớp giáo dục đã đề cập ở trên. Các học phái khác như Khắc Kỷ của Zeno xứ Citium hay Khoái Lạc của Epicurus hoặc giáo phái của Pythagoras đều được tổ chức tương tự. 

Theo dòng lịch sử, Học Viện của Plato đã thắng thế ở vị trí thống lĩnh giới học thuật và triết học khi các trường đại học phương Tây được phát triển từ sự kết hợp giữa cách tổ chức của Học Viện và chủng viện của Kito giáo. Lyceum yếu thế hơn, và các học phái khác thì mai một. Sự vận hành của giới triết học phương Tây cũng được thực hiện và phát triển theo cơ chế và cách thức của Học Viện, tức là các triết gia thảo luận trong một hệ thống đóng kín tách biệt khỏi đời sống, thảo luận về mọi vấn đề, nhưng lại được trọng vọng và có quyền lực thẩm định và đặt chuẩn cho công chúng. Từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, những chất vấn triết học hiện đại đã gợi mở các ý tưởng về sự kết nối với đời sống vốn là điều hiển nhiên của triết học Hy Lạp, dần dần bắt đầu có sự trở lại với nhiều hình thái, và ngày càng phong phú hơn ở thế kỷ 21, khi con người bắt đầu nhàn rỗi hơn và việc lưu trữ các ý tưởng không còn là đặc quyền của các ấn phẩm giấy. Tinh thần triết học Hy Lạp chắc chắn sẽ quay trở lại ở các hình thái và chủ đề khác so với truyền thống, thoát dần khỏi tính “hàn lâm” khô cứng, giáo điều và áp đặt. 

Hà Thủy Nguyên

*Bức tranh vẽ triết gia Diogenes soi đèn giữa chợ để đi tìm con người thành thực nhất của Jacob Jordaens (1593–1678)

Trớ trêu Sách dịch #1: Sách Triết Học

Trong thời đại của công nghệ thông tin với nhịp sống vội vã, những tưởng triết học sẽ chìm vào góc khuất, nhưng không, tại Việt Nam, sách Triết Học có địa vị gần như là tối cao so với các dòng sách học thuật khác. Khi sử dụng từ “tối cao”, ý tôi muốn nói rằng mang tính quyết định. Bởi vì triết học cung cấp nền tảng công cụ tư duy và xây dựng nhãn quan cho bất cứ ai mong muốn dấn

LUÂN LÝ HỌC – CUỐN SÁCH RUNG CHUYỂN THẾ GIỚI CỦA TÔI

Lưu ý: Các khái niệm then chốt được nhắc tới trong bài như Phẩm hạnh, Tương giao, Tiết chế,… sẽ được làm rõ hơn trong cuốn sách Luân lý học. Thế giới của những cuốn sách thật là sâu sắc và kì diệu. Thật tuyệt khi những cuốn sách được viết từ nhiều thế kỷ trước vẫn có thể rọi lên một tia sáng trong tâm trí hiện đại của chúng ta. C.S. Lewis đã từng nói, "Một quy tắc tốt sau khi đọc một cuốn

Tổng quan về nền giáo dục Athens cổ đại

Giới thiệu chung: Athens là trung tâm giáo dục, học thuật và văn hóa của Hy Lạp cổ đại, cái nôi của nền văn minh và thế giới tinh thần phương Tây. Mục đích chính của nền giáo dục Athens cổ đại là làm cho công dân được lớn lên trong nghệ thuật và mọi thành tựu tri thức, cũng như giúp họ luôn sẵn sàng cho thời bình và thời chiến. Trọng tâm thứ nhất của nền giáo dục sơ khai nhưng ưu việt

Dịch Aristotle phiêu lưu ký (2): Mạo hiểm

Ngày 26/3/2023, tại Lễ Hội Tri Thức Nền Tảng, Book Hunter đã có dịp trò chuyện về Dự án Triết học Aristotle với các độc giả yêu mến Book Hunter nói riêng và tri thức nói chung. Xin mời các bạn xem video trò chuyện về Triết Học Aristotle tại Lễ hội, và đọc một phần nội dung được anh Lê Duy Nam (CEO của Book Hunter đồng thời là trưởng nhóm dịch thuật Aristotle) chuẩn bị cho cuộc trò chuyện. Giữa nội dung chuẩn

Book Hunter

28/03/2023

“Luân lý học” và “Chính trị luận”

Luân lý học và Chính trị luận vẫn là hai công trình tiêu biểu nhất của Aristotle. Người ta đã nói rằng Luân lý học vẫn là bàn đạp tốt nhất để nghiên cứu các câu hỏi và vấn đề nan giải về luân lý. Dù rằng câu trả lời của Aristotle có thể vấp phải sự phản đối từ nhiều người, thì những câu hỏi mà ông nêu ra vẫn còn nóng hổi trong thời đại này như chúng đã từng. Mục đích của