Tiếp theo của series bài Những cuốn sách nới rộng đường biên giáo dục, Book Hunter xin được giới thiệu với các bạn những cuốn sách cung cấp các nghiên cứu và phương pháp giáo dục khi việc học được hệ thống hóa. Đây là những cuốn sách đã được xuất bản tại Việt Nam và được Book Hunter đưa tới sự kiện TƯƠNG GIAO #1: NHỮNG TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC TRONG LỊCH SỬ vào 9/9/2023.
Do sự hình thành cấu trúc xã hội và phân tầng địa vị trong cộng đồng người, giáo dục nảy sinh như một giải pháp để giúp con người tương thích nhanh hơn với trật tự xã hội đồng thời xã hội cũng vận hành trơn tru hơn nhờ quá trình đào tạo con người trở thành những công dân.
Bản thân từ “education” có nghĩa gốc là “sự thuần dưỡng”. Thực ra khi dịch từ “education” sang tiếng Việt mà dịch là “giáo dục” thì có phần không chính xác. Từ “giáo dục” có nghĩa là “truyền thụ 敎 và nuôi nấng 育 ”, từ phù hợp hơn có lẽ nên là “giáo hóa”, tuy nhiên, chúng ta sẽ tạm chấp nhận sự chuyển ngữ này.
Ở xã hội cổ xưa dù Đông hay Tây, dù theo mô hình chính trị nào, cũng có 3 loại kiến thức cần học:
- Chuyên môn (Để làm nghề)
- Ý thức công dân (tuân thủ các vai trò chính trị, ý thức được quyền và trách nhiệm)
- Khai phóng, tức sự mở mang nhận thức. Trong đó thì triết học, nghệ thuật, thiền định… đều mang tính chất này
>> Tìm hiểu thêm về mô hình giáo dục thời Hy Lạp cổ đại để hiểu về cách phân chia các kiến thức cần trang bị cho một công dân: Aristotle & Lý tưởng giáo dục Hy Lạp cổ đại – Book Hunter Lyceum
Sự khác biệt của các tư tưởng giáo dục đa phần đều dựa trên việc xây dựng hệ tư tưởng và mô hình nghiêng theo khía cạnh nào; và những mô hình ấy nghiêng về lợi ích của các nhóm xã hội nào. Ví dụ như Nho giáo tập trung vào ý thức công dân theo mô hình “quân tử” mà không đề cao tính chuyên môn và sự khai phóng, trong khi đó ở xã hội Florence thời Phục Hưng thì đề cao tính chất chuyên môn mà thực ra những chuyên môn ấy đa phần phục vụ cho nhu cầu chiến tranh và giải trí của tầng lớp cao trong xã hội. Những người thuộc tầng lớp cao thì học theo chế độ gia sư riêng hoặc trong các trường đại học dành riêng cho nhóm người ở tầng lớp trên, từ đó dẫn đến sự phân cách cơ hội giàu nghèo rất rõ rệt.
Phong trào Kháng cách và giáo dục đại chúng
Cùng với phong trào Kháng Cách, giáo dục phổ thông dành cho đại chúng được hình thành. Phong trào Kháng Cách tạo ảnh hưởng bằng việc dạy chữ cho người dân để người dân có thể tự đọc được Kinh Thánh thay vì dựa vào sự diễn giải của cha xứ. Lúc này, việc giáo dục phổ cập chủ yếu mang tính chất “bình dân học vụ”, tức là chủ yếu để biết đọc và biết viết.
Đến thế kỷ 17, John Amos Comenius đã đề xuất một hệ thống lý thuyết về giáo dục phổ cập và hệ thống này là nền tảng cho giáo dục hiện đại. Khái niệm “giáo dục phổ thông” (universal education) được ông đề cập đến trong tác phẩm “Didactica Magna”, và ông mô tả một nền giáo dục bình đẳng cho các trẻ em nghèo và phụ nữ; một nền giáo dục dựa trên tư duy logic – phương pháp để trẻ em có thể nhận thức toàn diện về thế giới xung quanh; và quan trọng hơn đó là cơ sở để mỗi người có thể tự học cả đời. Ông còn là người đầu tiên phát minh ra lối viết sách giáo khoa với các hình minh họa trực quan để giúp học sinh hiểu bài hơn. Những đóng góp của John Amos Comenius có lẽ đã truyền một cảm hứng lớn lao để thúc đẩy một nền giáo dục đại chúng cho dù nền giáo dục đại chúng về sau dường như không đạt được những mục đích mà ông đưa ra.
Giáo dục đại chúng có một bước biến chuyển lớn dưới thời Catherine II tại Nga ở thế kỷ 18. Catherine II sử dụng Ivan Betskoy làm cố vấn giáo dục, ông này đã đề xuất một chương trình giáo dục mới cho trẻ em Nga để tạo ra “một chủng tộc mới”, “những công dân mới”. Ông đề xướng thay thế lối đào tạo chuyên ngành bằng lối giáo dục phổ cập. Nếu giáo dục phổ cập hay phổ thông trước đó được phát triển hoàn toàn tự phát bởi các nhà lý tưởng hoặc các nhà hoạt động xã hội thì với chủ trương của Betskoy đã đưa giáo dục phổ cập trở thành bắt buộc với quy mô lớn. Trước đó, mặc dù chương trình phổ cập đọc – viết đã được thực hiện tại Đức nhằm phục vụ phong trào chính trị của Kháng Cách nhưng chỉ ở quy mô một địa phương nhỏ, thì bấy giờ, dưới triều đại của Catherine II, đã được phổ biến rộng rãi Bắt đầu từ đây, mô hình giáo dục với mục tiêu “tạo ra công dân mới” này đã lan sang các nước như Ba Lan, Đức, Thụy Điển, Anh, Mỹ… và lan rộng khắp thế giới.
Từ đây mở đâu cho xu hướng coi việc “đến trường” vừa là quyền lợi của tất cả các học sinh và là cơ hội để có một tương lai tốt hơn. Bởi vì việc “đến trường” ở các xã hội cổ và trung đại là đặc quyền của tầng lớp trên, còn những đứa trẻ thuộc tầng lớp lao động chỉ được gửi tới học nghề ở các thợ thủ công. Dựa trên nền tảng ấy, rất nhiều các xu hướng giáo dục tiến bộ hơn đã được đề xướng, tồn tại song song với hệ thống giáo dục phổ thông phục vụ thuần túy các mục tiêu chính trị.
Giáo dục thực nghiệm của John Dewey (1859 – 1952)
Dewey đưa ra một lập luận mạnh mẽ về tầm quan trọng của giáo dục không chỉ với tư cách là nơi tiếp thu kiến thức nội dung mà còn là nơi học cách sống. Trong mắt ông, mục đích của giáo dục không nên xoay quanh việc tiếp thu một loạt kỹ năng đã được xác định trước mà là việc nhận ra toàn bộ tiềm năng của một người và khả năng sử dụng những kỹ năng đó vì lợi ích lớn hơn. Ông lưu ý rằng “chuẩn bị cho trẻ cho cuộc sống tương lai có nghĩa là cho trẻ làm chủ bản thân; điều đó có nghĩa là huấn luyện trẻ để trẻ sẽ sử dụng đầy đủ và sẵn sàng mọi khả năng của mình” (My Pedagogic Creed, Dewey, 1897).
Ngoài việc giúp học sinh phát huy hết tiềm năng của mình, Dewey còn thừa nhận rằng giáo dục và học tập là công cụ tạo ra sự thay đổi và cải cách xã hội. Ông lưu ý rằng “giáo dục là sự điều chỉnh quá trình chia sẻ ý thức xã hội; và việc điều chỉnh hoạt động cá nhân trên cơ sở ý thức xã hội này là phương pháp chắc chắn duy nhất để tái thiết xã hội”.
Dewey phản đối ý tưởng “lấy trẻ làm trung tâm” mà cho rằng quan điểm này đánh giá thấp vai trò của người thầy và đề xướng tạo ra một cơ cấu giáo dục cân bằng giữa việc truyền thụ kiến thức mới và trải nghiệm học của đứa trẻ. Ông đề cao việc học thông qua thực nghiệm từ các vật dụng thực tế và thế giới thực, và người thầy đóng vai trò chủ đạo trong hướng dẫn trẻ em tới với kiến thức.
>> Tìm hiểu tác phẩm Dân Chủ & Giáo Dục của John Dewey: Dân Chủ Và Giáo Dục – John Dewey – Book Hunter Lyceum
Phương pháp của Maria Montessori (1859 – 1952)
Xuất phát điểm từ nghiên cứu những đứa trẻ bị gặp khó khăn trong đời sống tinh thần và chậm phát triển trí tuệ, Montessori đã đề xướng những phương pháp tiếp cận dành cho những đứa trẻ này và để chúng không bị “tụt lại” trong xã hội. Từ những phương pháp áp dụng cho trẻ em kém năng lực, Montessori đã áp dụng cho những đứa trẻ bình thường khác. Cách dạy của Montessori là để trẻ học qua các hoạt động làm việc thực tế như phụ giúp việc trong gia đình, sắp xếp các đồ vật trong nhà… Montessori nhận ra rằng trong hoạt động thực tế, trẻ tự chủ hơn, hứng thú hơn so với các giáo cụ và có tính kỷ luật tự thân hơn.
Montessori cho rằng mỗi đứa trẻ có thiên hướng riêng và bà cũng chủ trương giải phóng trẻ khỏi các khuôn khổ các tiết học khiên cưỡng, mà để trẻ tự học theo môn mình muốn, học lẫn giữa các độ tuổi và các môn học. Phương pháp Montessori đặc biệt phù hợp với các môi trường có nhiều không gian để thực hành như nông trại, xưởng nghề… Phương pháp Montessori triển khai tiếp những ý tưởng của giáo dục phổ thông với cách dạy và học mới.
>> Tìm hiểu thêm về tác phẩm của Maria Montessori và sự ứng dụng trong thế giới hiện đại:
- Bí ẩn tuổi thơ – Maria Montessori – Book Hunter Lyceum
- Em bé tập đi Montessori – Simone Davies – Book Hunter Lyceum
- Sách Montessori: Rèn kỹ năng sống và kỹ năng phối hợp – Maja Pitamic – Book Hunter Lyceum
Giáo dục Nhật Bản
Nền giáo dục Nhật Bản, mà cụ thể là nền giáo dục phổ thông Nhật Bản được đánh giá là đạt được kết quả cao nhất với các thành tích cao trong Đọc, Viết, Toán và Khoa học; đồng thời cũng đào tạo ra đội ngũ chuyên môn chuyên ngành kỹ thuật với tay nghề có trình độ rất cao. Tuy nhiên, để đạt được thành tích cao ấy, học sinh của Nhật cũng phải đối mặt với rất nhiều những áp lực dẫn đến nhiều vấn đề trầm trọng ở trường học như bạo lực và tự sát.
Giáo dục Phần Lan
Sau phong trào Kháng Cách, đảm bảo toàn dân biết chữ trở thành mục tiêu của nền giáo dục Phần Lan, và mục tiêu này được đảm bảo bằng rất nhiều phúc lợi khi đi học, và việc học đại học ảnh hưởng đáng kể đến sự thay đổi địa vị của những người ở tầng lớp thấp hơn cũng như duy trì địa vị ở những người thuộc tầng lớp cao. Từ sau những năm 70, Phần Lan xây dựng hệ thống giáo dục bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 9, và sau đó là chia ra thành giáo dục học thuật và giáo dục nghề. Đến nay, giáo dục nghề cũng đang dần được cấp bằng đại học. Hầu hết các trường của Phần Lan đều trực thuộc nhà nước, và chỉ có rất ít các trường tư thục.
Giáo dục Phần Lan rất đề cao việc nâng cao văn hóa đọc. Cha mẹ của trẻ sơ sinh được tặng ba cuốn sách – một cuốn cho cha mẹ và một cuốn sách dành cho trẻ – như một phần của “gói dành cho bà bầu”. Quan điểm giáo dục trẻ ngay từ đầu đời đó là: “Bạn không được dạy, bạn học. Trẻ em học thông qua vui chơi.”
Các trường tư thục chủ yếu là các trường dựa trên tín ngưỡng riêng hoặc trường theo phương pháp của Steiner.
>> Tìm hiểu thêm về Giáo dục Phần Lan ở cuốn sách: Bài học 3.0 Phần Lan: Chúng ta học được gì từ cải cách giáo dục Phần Lan – Pasi Sahlberg – Book Hunter Lyceum
Phương pháp Waldorf của Rudoft Steiner (1861 – 1925)
Phong cách giáo dục của trường mang tính toàn diện, nhằm phát triển các kỹ năng trí tuệ, nghệ thuật và thực tế của học sinh, tập trung vào trí tưởng tượng và tính sáng tạo. Cá nhân giáo viên có nhiều quyền tự chủ về nội dung chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy và quản trị. Đánh giá định tính bài tập của học sinh được lồng ghép vào cuộc sống hàng ngày trong lớp học, với bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa được giới hạn ở những gì bắt buộc để vào giáo dục sau trung học.
Nền tảng triết học của cách tiếp cận Waldorf, nhân học, củng cố các mục tiêu sư phạm chính của nó: cung cấp một nền giáo dục giúp trẻ em trở thành những con người tự do và giúp trẻ em thể hiện “bản sắc tâm linh đang bộc lộ” của mình, được mang theo từ sự tồn tại tinh thần trước đó, như thể xác, linh hồn và tinh thần trong cuộc đời này.”
Nhiều môn học và kỹ năng không được coi là phần cốt lõi của các trường học chính thống, chẳng hạn như nghệ thuật, âm nhạc, làm vườn và thần thoại, lại là trọng tâm của giáo dục Waldorf. Các môn học mang tính phổ thông cũng được giới thiệu sơ lược và sẽ trở lại sâu hơn nếu các cá nhân có sự phát triển về lý luận rõ ràng hơn.
Đối với khoa học, phương pháp Waldorf tiếp cận ở góc độ quan sát hiện tượng thay vì học cách nắm bắt các nguyên lý khoa học. Phương pháp này gặp phải rất nhiều những chỉ trích của giới khoa học và cho rằng cách tiếp cận của Waldorf dễ phổ biến các kiến thức ngụy khoa học và ma thuật.
Đối với khoa học công nghệ, các trường Waldorf rất coi trọng tương tác, thế nên IT là nền tảng cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ trong những năm đầu tiên của tuổi thiếu niên. Trường Waldorf đã trở nên phổ biến với một số phụ huynh làm việc trong lĩnh vực công nghệ ở Hoa Kỳ, bao gồm cả phụ huynh của một số công ty công nghệ tiên tiến nhất.
>> Tìm hiểu về các sách của Steiner đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam:
- Nền tảng tâm linh của giáo dục – Rudolf Steiner – Book Hunter Lyceum
- Quá trình thay đổi nhận thức ở trẻ em – Rudolf Steiner – Book Hunter Lyceum
- Giáo dục trẻ em – Rudolf Steiner – Book Hunter Lyceum
Tìm hiểu thêm các cuốn sách khác về chủ đề Giáo Dục & Học Tập theo đường link: Lưu trữ Giáo dục – Học tập – Book Hunter Lyceum
Book Hunter tổng hợp
Bài tiếp theo: Sự thất bại của hệ thống giáo dục (Đang thực hiện)
Đọc toàn bộ chùm bài: Những cuốn sách nới rộng đường biên giáo dục Archives – Book Hunter
*Ảnh minh họa: Trích từ phim Young Sheldon (2023, Netflix)