Home Góc văn chương Hướng tới những giá trị AI không thể làm thay con người – xu hướng tất yếu của nghiên cứu và sáng tác

Hướng tới những giá trị AI không thể làm thay con người – xu hướng tất yếu của nghiên cứu và sáng tác

Từ qúy IV năm 2022 đến nay, thế giới chứng kiến cuộc ra mắt ngoạn mục của ChatGPT, một chatbot AI trả lời các thắc mắc đa lĩnh vực của người sử dụng. Thu thập dữ liệu và học tập ngôn ngữ đa nguồn, ChatGPT có thể đưa ra những gợi ý về nhiều lĩnh vực với khả năng diễn đạt tốt, ngôn từ phong phú, và được huấn luyện để tránh những câu trả lời có thể gây tổn hại tới người khác. Sự xuất hiện của ChatGPT không chỉ khiến những chuyên gia lập trình, nhân viên tư vấn hay nhân viên marketing… lo ngại cho tương lai của mình, mà còn khiến giới học thuật chuyên ngành khoa học xã hội nhân văn thức tỉnh khỏi lối nghiên cứu tầm chương trích cú đã cũ.

Mối đe dọa có thực sự đang cận kề?

Trong bài báo “Thời tàn của tiểu luận đại học hay cách AI sẽ thay đổi ngành nhân văn” (The Atlantis), Stephen Marche- tiểu thuyết gia, nhà bình luận văn hóa người Canada, tác giả của tác phẩm nổi tiếng “The next civil war” – đã đề cập đến những nguy cơ mà ngành nhân văn phải đối mặt thông qua phản ánh thực tế rằng một bài luận tiếng Anh chuyên ngành xã hội có thể được chấm điểm B+ khi viết bằng AI, và AI còn có thể sáng tạo các hình thức văn vần bằng tiếng Anh. Điều này, theo ông có thể khiến cơ chế viết luận và chấm bài luận tại đại học bị chao đảo, đồng thời đe dọa đến công ăn việc làm của nhiều nhà nghiên cứu, giảng viên hoạt động trong lĩnh vực nhân văn. Dường như, sự phát triển của công nghệ dữ liệu và ngành nhân văn tỷ lệ nghịch với nhau, March đưa ra thống kê:

“Khi các nhà công nghệ bỏ qua những câu hỏi nhân văn đến mức đáng báo động, thì những người theo chủ nghĩa nhân văn đã chào đón các cuộc cách mạng công nghệ trong 50 năm qua bằng cách tự sát nhẹ nhàng. Tính đến năm 2017, số lượng chuyên ngành tiếng Anh đã giảm gần một nửa kể từ những năm 1990. Các ngành biên niên sử đã giảm 45 phần trăm kể từ năm 2007.”… “Trong 10 năm qua, STEM (tức các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) đã chiến thắng và nhân văn đã sụp đổ. Số sinh viên đăng ký học khoa học máy tính hiện nay gần bằng số sinh viên đăng ký tất cả các ngành nhân văn cộng lại.”

Có lẽ, xu hướng tương tự cũng đang diễn ra ở Việt Nam, khi mức lương và cơ hội việc làm của các ngành thuộc STEM đang cao hơn so với các ngành nhân văn và sáng tạo ngôn từ. Tình trạng có thể còn đáng báo động hơn khi những nhà nghiên cứu và nhà văn, nhà thơ Việt Nam có ít cơ hội hơn trong tiếp cận nguồn tư liệu và tác phẩm đa dạng, bởi sự hạn chế ngoại ngữ. Sẽ thật sự đáng lo ngại hơn khi những kết quả nghiên cứu được xử lý bởi nhà nghiên cứu lại ít hơn nên đưa ra kết luận thiếu thuyết phục hơn so với AI đã khảo sát lượng dữ liệu nhiều hơn. Cũng đáng lo ngại khi những sáng tạo ngôn từ của AI có thể tạo được các văn bản có văn phong phổ biến hoặc nhại theo văn phong của một tác giả nào đó. Dù rằng ChatGPT hiện nay chưa tạo được công trình nghiên cứu đầy đủ hay tác phẩm hoàn thiện nhưng người sử dụng có thể chỉnh sửa dựa trên cơ sở đó, huấn luyện để AI của ChatGPT học hỏi… và quan trọng hơn, đây mới chỉ là những bước tiến đầu tiên – nếu ChatGPT chưa làm được thì vẫn có khả năng các phiên bản sau hoặc một chatbot khác có thể thành công.

Nhưng, đúng như Marche khẳng định, công nghệ không phải nguyên nhân chính gây ra sự sụt giảm của ngành nhân văn, mà chính thái độ tiếp cận lững lờ của đại đa số các nhà nghiên cứu và nhà sáng tạo thuộc lĩnh vực nhân văn đã đẩy họ vào tình trạng “tự sát nhẹ nhàng”. Ông cho rằng AI, trên thực tế, cần các nhà nhân văn huấn luyện và sáng tạo ngôn ngữ, bởi AI sẽ trở thành một công cụ nguy hiểm nếu được xây dựng theo nguyên mẫu tính cách của các ông trùm công nghệ coi thường tri thức với khả năng giao tiếp xã hội hạn chế. Tuy nhiên, Marche thấy rằng điều đáng lo ngại hơn chính là các nhà nhân văn không khẳng định tầm quan trọng của chính mình trong một thế giới đang cần họ chứng tỏ vai trò, ông bày tỏ: “Trong một thế giới lấy công nghệ làm trung tâm, ngôn ngữ quan trọng, giọng, văn phong cũng như nghiên cứu về diễn thuyết rất quan trọng, lịch sử cũng quan trọng, hệ thống đạo đức cũng quan trọng… Nhưng tình hình đòi hỏi những người theo chủ nghĩa nhân văn phải giải thích tại sao họ quan trọng, chứ không phải liên tục làm suy yếu nền tảng trí tuệ của chính mình. Các ngành khoa học nhân văn hứa hẹn cho sinh viên một hành trình đến một tương lai không thiết thực, suy tàn; rồi sau đó họ tự hỏi tại sao số lượng đăng ký của họ đang giảm. Có gì đáng ngạc nhiên khi gần một nửa số sinh viên tốt nghiệp ngành nhân văn hối tiếc về lựa chọn chuyên ngành của mình?”

Và AI dù có thể rất thông minh, vẫn cần dữ liệu đầu vào và không thể tái hiện được cảm giác

AI hoạt động dựa trên hai cơ chế: thu thập dữ liệu và xử lý dữ liệu (bao gồm phân tích, suy đoán và diễn đạt). AI thu thập dữ liệu dựa trên nhiều nguồn sẵn có trên Internet, hệ thống AI nào có cơ hội tiếp cận nhiều nguồn chính xác hơn sẽ có cơ hội “học” tốt hơn và phục vụ người dùng tốt hơn. Tuy nhiên hiện nay, AI chưa có cơ chế đánh giá tin giả hoặc tin chưa có nguồn xác tín, như vậy, tức là sự gợi ý và suy đoán của AI rất hạn chế. Sự sáng tạo ngôn ngữ của AI được biểu hiện qua quá trình diễn đạt cũng dựa trên mô phỏng và lắp ghép chứ không tới từ cảm giác hay trải nghiệm sống. Năng lực diễn đạt một ngôn ngữ của AI phản ánh năng lực ngôn ngữ đại chúng của nền văn hóa liên đới tới ngôn ngữ ấy hoặc năng lực số hóa dữ liệu của một quốc gia, bởi AI đã học ngôn ngữ dựa trên các văn bản mà nó có cơ hội tiếp cận. Khi sử dụng ChatGPT tiếng Việt, ta sẽ thấy rằng diễn đạt của ChatGPT chỉ đạt mức 50-60% so với tiêu chuẩn văn phạm, sở dĩ bởi ChatGPT chưa có cơ hội tiếp cận dữ liệu tiếng Việt mà chỉ dịch thô từ tiếng Anh sang, trong khi ấy diễn đạt tiếng Anh của ChatGPT đạt mức cơ bản, như Marche khẳng định, có thể chấm điểm B+. Thêm nữa, ChatGPT tại Việt Nam thu thập cả các dữ liệu từ nội dung mang tính giễu cợt của cư dân mạng, dẫn đến sự diễn đạt hoặc thông tin cung cấp chưa thực sự chất lượng. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá “yên tâm” về sự thiếu hoàn thiện của AI, bởi ChatGPT mới chỉ là khởi đầu.

Do toàn bộ cơ chế hoạt động của AI chỉ dựa trên dữ liệu đã lưu trữ ở dạng số, nên AI sẽ luôn cần bổ sung những vùng dữ liệu mới, mà đa phần đến từ khảo sát thực địa và cập nhật từ đời sống thực. Chắc chắn rằng, AI không thể thay thế các cây bút thực tiễn dù trong lĩnh vực nghiên cứu hay sáng tác ngôn từ, không những thế, AI còn lệ thuộc vào họ. Như vậy, các cây viết có kinh nghiệm thực địa hoặc các trải nghiệm thực tiễn phong phú chắc chắn có vị trí quan trọng trong thời đại AI, ngược lại các cây bút chỉ tập trung xử lý các dữ liệu đã được đóng khung sẽ thực sự bị đe dọa bởi họ không thể cạnh tranh với năng lực xử lý thông tin nhanh chóng của AI.

Bên cạnh đó, dù năng lực diễn đạt của AI có thể phát triển để gần với ngôn ngữ tự nhiên của con người, thậm chí có thể đùa nghịch với con chữ, nhưng AI không thể biểu đạt tâm trạng và tâm cảnh của một người một cách sống động vì nó không thể có cảm giác và cảm xúc, mà chỉ có thể lắp ghép các từ ngữ theo lập trình mô phỏng cảm xúc. Một điều chắc chắn, tâm trạng và tâm cảnh của con người biến ảo nhanh chóng và phức tạp hơn so với AI bởi giác quan của con người tiếp nhận liên tục, thêm nữa còn phối hợp với những ám ảnh kéo dài đã tích tụ những sắc thái đa chiều – một trạng thái AI không thể có, bởi vì nó không hề bị ám ảnh.  Trong khi ấy, các sáng tác nghệ thuật ngôn từ xuất chúng luôn hàm chứa tâm trạng và tâm cảnh phức tạp, chắc chắn sẽ không thể bị thay thế. Nói một cách khác, AI có thể làm thơ tuyên bố các tư tưởng, hay học cách thực hiện các thủ pháp chơi chữ của từng phong cách…nhưng chắc chắn không thể biểu đạt được thế giới nội tâm đa chiều của người sáng tạo, và không thể truyền cảm hứng tới độc giả, mà chỉ có thể mua vui và cung cấp thông tin cho độc giả.

AI chắc chắn sẽ “nhập cuộc” và có ảnh hưởng sâu rộng ở phạm vi toàn cầu. Nó sẽ thay thế đáng kể những lao động mang tính lặp đi lặp lại của con người dù tay chân hay tâm trí. Nhưng suy cho cùng nó không thể tạo ra những giá trị mới, những trải nghiệm mới, bởi cái mới đến từ sự dấn thân và chiêm nghiệm, trong khi đó AI không thể dấn thân và chiêm nghiệm dù trong tương lai nó có thể thông minh tới đâu.

Hà Thủy Nguyên

Tin tưởng vào trẻ em để hướng tới tương lai

Trong suốt chiều dài lịch sử, xã hội loài người luôn chuyển động và thay đổi. Là một giống loài dễ dàng thích nghi với biến động do sự giao thoa và va chạm giữa những nhân tố khác biệt, học tập dường như đã trở thành bản năng của con người. Con người không chỉ học từ môi trường thân quen với các nhân tố tương đồng mà còn học từ các tác động bên ngoài, và bản năng này tồn tại từ khi

“HÓA THÂN” CỦA KAFKA: BI KỊCH CỦA CON NGƯỜI CÁ NHÂN KHI BỊ ĐÓNG KHUNG TRONG CÁI NHÌN CỦA XÃ HỘI

Từ trước đến nay, Hóa thân của Kafka vẫn được xem như là cuốn sách hàm chứa nhiều lớp nghĩa: Phản ánh mối quan hệ cha-con, thế giới bị đồng tiền chi phối, sự thay đổi (chủ động hay bị động), hoặc sự lạc lõng của con người giữa những người thân, đồng nghiệp… Người đọc đọc cuốn tiểu thuyết vẫn thường rơi vào cảm xúc hụt hẫng, buồn trùng xuống khi câu chuyện kết thúc, cũng là khi biết bao suy nghĩ về số

Những sự thật về Halloween

Ngày lễ Halloween có được tổ chức ở nơi bạn sống không? Tại Hoa Kỳ và Canada, Halloween được biết đến rộng rãi và được tổ chức hàng năm vào ngày 31 tháng 10. Dù vậy, phục trang Halloween lại có thể được tìm thấy ở rất nhiều nơi khác trên thế giới. Ở một số nơi, các kỳ nghỉ lễ dù được đặt tên khác nhau nhưng cũng chia sẻ những đề tài tương tự: Sự liên hệ với thế giới linh hồn, bao

Thư Sinh

31/10/2019

Sách hay về lịch sử tôn giáo phương Tây trên Amazon

#1. A History of God: The 4,000-Year Quest of Judaism, Christianity and Islam – Karen Amstrong Đây là một cuốn sách tuyệt vời của Karen Amstrong – một trong những nhà phê bình xuất sắc nhất của Anh về chủ đề tôn giáo. Bà đã ghi lại lịch sử nhạn thức và trải nghiệm Thiên Chúa từ thời Abraham đến nay. Karen Amstrong đã thực hiện một phép lạ kỳ diệu khi chưng cất lịch sử tri thức của chủ thuyết độc thần thành một

Giao thông vận tải và hình thái đô thị (phần 3): Sự phát triển của giao thông và hình thái đô thị

Tác giả: Tiến sĩ Jean-Paul Rodrigue Đại học Hofstra, New York Đô thị hóa cùng sự phát triển của đô thị gắn liền với sự phát triển của hệ thống giao thông đô thị, đặc biệt là về sức chứa và hiệu năng của chúng. Trong lịch sử, di chuyển trong thành phố thường bị hạn chế bởi việc đi bộ, điều này khiến những mối liên kết đô thị ở khoảng cách trung bình hoặc dài trở nên thiếu hiệu quả và tốn thời

Minh Hùng

31/12/2018