Để đọc toàn bộ chùm bài, vui lòng click vào: Ý nghĩa tâm linh của Những vệ thần của tuổi thơ Archives – Book Hunter
Mặt Trăng đóng vai trò rất quan trọng trong tâm thức của William Joyce. Công ty sáng tạo của ông được đặt tên là Moonbot Studio, và thế giới đẹp đẽ nhất mà ông tạo ra cũng tràn ngập biểu tượng của mặt trăng. Thậm chí, trong cuốn truyện khác của mình – “Người Lá & những chú bọ dũng cảm tốt bụng”, William Joyce luôn vẽ hình ảnh mặt trăng với gương mặt cười và ngắm nhìn vạn vật, ông không quên nhắc nhở: “Mọi điều kỳ diệu đều diễn ra trong một đêm trăng sáng”. Được truyền cảm hứng từ Người Cung Trăng của William Joyce, Book Hunter đã xây dựng Tủ Sách Buồm Trăng, tủ sách của những điều kỳ diệu dành cho những em nhỏ, và những người bạn giữ mãi tâm hồn trẻ thơ.
Kỷ Nguyên Vàng – Từ thần thoại Hy Lạp đến thế giới lý tưởng của William Joyce
Theo mô tả của Hesiod – tác giả xây dựng phả hệ của các vị thần trong thần thoại Hy Lạp, có một Kỷ nguyên Vàng, khi con người được tạo tác trực tiếp từ các vị thần trên đỉnh Olymian. Họ thuộc chủng tộc Vàng, sống trong hòa bình và thân ái, không bị bệnh tật và tuổi tác hành hạ. Có nhiều cách để lý giải hay đối chiếu về Kỷ nguyên Vàng, các học giả cũng mất rất nhiều công sức để truy vết thời đại trong mơ ấy, nhưng rốt cuộc, đó là một ẩn dụ cho những tiêu chuẩn về đời sống lý tưởng cần hướng tới. Không chỉ có người Hy Lạp, hầu như nền văn hóa nào cũng có Kỷ nguyên Vàng trong tâm tưởng của mình mà tại đó mọi điều tốt đẹp đều giữ vị trí tối cao, từ Trung Quốc đến Ấn Độ, từ Byzantine đến vương quốc Anh, từ Ai Cập đến thế giới Islam… có Kỷ nguyên Vàng được ghi chép lại trong lịch sử, cũng có khi chỉ là huyền thoại quá vãng. Dường như trong tâm thức của con người, những gì lý tưởng thuộc về cái đã qua nhưng cũng là điều cần hướng tới.
Trong “Những vệ thần của tuổi thơ”, William Joyce đã đưa biểu tượng Kỷ Nguyên Vàng làm tiền đề và nền tảng cho toàn bộ tuyến truyện. Kỷ Nguyên Vàng của William Joyce là kỷ nguyên của sự yêu thương đùm bọc, những ý tưởng huyền diệu, những sáng tạo phi thường và đẹp đẽ. Nhưng Kỷ Nguyên Vàng không tự nhiên biến mất, giữa vũ trụ tối tăm, Kỷ Nguyên Vàng như ánh sáng rực rỡ mà dù mạnh mẽ và đẹp đẽ tới đâu cũng luôn phải đối mặt với hiểm nguy. Để bảo vệ sự phi thường ấy, Kỷ Nguyên Vàng luôn có những người chiến đấu và bảo vệ các giá trị của mình, nó đã sụp đổ khi vị tướng quân anh hùng nhất của Kỷ Nguyên Vàng bị bóng tối xâm chiếm và trở thành Pitch – Vua Ác Mộng . Kỷ Nguyên Vàng đại diện cho thuở ban sơ tốt đẹp và lý tưởng, không phải chỉ của con người, mà của mọi sự vật và sự việc. Từ quan niệm “Khởi thủy là điều thiện”, Joyce đã tái lập các thần thoại Kỷ Nguyên Vàng và ký thác quan điểm về một thế giới lý tưởng của ông.
Trong số các vệ thần, Người Cung Trăng, Jack Frost và Thần Mộng Mơ là ba nhân vật còn sót lại của Kỷ Nguyên Vàng đẹp đẽ, và bằng mọi cách, họ trở thành hiện thân của Kỷ Nguyên Vàng trên Trái Đất. Cuộc chiến của họ, mà cũng là cuộc chiến chủ đạo của các vệ thần, đó là chống lại Pitch – vị tướng quân lừng lẫy một thời của Kỷ Nguyên Vàng nay đã bị hắc hóa. Tất cả đều ẩn dụ cho sự xung đột giữa những ký ức đẹp đẽ và những ký ức khổ đau. Ký ức đẹp đẽ về Kỷ Nguyên Vàng hướng ta tới hành động tốt, ký ức vô vọng và khổ đau thu hút bóng tối và thúc đẩy cái ác nơi Pitch.
Nhưng ký ức đẹp đẽ về Kỷ nguyên Vàng không đủ, Người Cung Trăng, Jack Frost hay Thần Mộng Mơ đều có những đau khổ và tổn thương, họ cũng hoàn toàn có thể bị bóng tối xâm chiếm như Pitch, họ hoàn toàn có thể trở thành những kẻ gieo rắc ác mộng khiếp hãi không kém Pitch, nhưng họ đã lựa chọn khác, dẫu khó nhọc và đôi khi lạc lối. Mỗi cuộc chiến của các vệ thần còn sót lại từ Kỷ Nguyên Vàng là một bài học về vượt qua khổ đau, chuyển hóa những tổn thương thành hành động bảo vệ những điều tốt đẹp, duy trì tinh thần còn sót lại của Kỷ Nguyên Vàng. Đặc biệt, Người Cung Trăng – MiM là vị vệ thần đầu tiên, người lưu giữ mọi ký ức về Kỷ Nguyên Vàng cùng với toàn bộ tinh thần của thời đại lý tưởng này, đã trở thành người lựa chọn và thức tỉnh các Vệ Thần.
Từ thần mặt trăng Máni của thần thoại Bắc Âu và Phúc Âm Yoan đến vệ thầnNgười Cung Trăng với ánh sáng nội tại thuần khiết của William Joyce
Người Cung Trăng, nhân vật không xuất hiện trong suốt bộ phim “Sự trỗi dậy của các vệ thần” nhưng ánh sáng của ngài luôn hiện diện để chứng kiến, là vị vệ thần đầu tiên. Vốn là hoàng tử nhỏ của Kỷ Nguyên Vàng, Người Cung Trăng bị truy đuổi bởi Pitch – Vua Ác Mộng, và Pitch luôn muốn biến cậu bé thành hoàng tử Ác Mộng. Nhờ sự hi sinh của cha mẹ và người bảo vệ trung tín Ánh Đêm, Người Cung Trăng đã trôi dạt trên Buồm Trăng tới Trái Đất. Theo thời gian, Buồm Trăng đã trở thành Mặt Trăng như chúng ta vẫn biết ngày nay, và Người Cung Trăng ngự tại đó, cùng với những sinh vật kỳ diệu, để lắng nghe, quan sát và soi sáng bằng những ý nguyện tốt đẹp.
Hình tượng Người Cung Trăng được xây dựng từ ý niệm chung về mặt trăng trên bầu trời đêm trong nhiều nền văn hóa: khi ta nhìn lên mặt trăng hình như ta thấy một khuôn mặt cười, và tâm thức ngây thơ của con người tiền khoa học vẫn luôn cho rằng có người trên cung trăng. Thần thoại Do Thái, thần thoại Bắc Âu, thần thoại Trung Quốc, thần thoại Nhật Bản, và cả cổ tích Việt Nam… đều nhắc đến người sống trên mặt trăng, nhưng có lẽ, William Joyce khi xây dựng Người Cung Trăng chịu ảnh hưởng của vị thần Máni thần thoại Bắc Âu. Máni tương đồng với Moon trong tiếng Anh, có nghĩa là Mặt Trăng, một vị nam thần, là anh trai của Sol (nữ thần Mặt Trời), đều là những thiên thể báo hiệu thời gian cho con người. Theo Edda Gylfaginning, Máni và Sól là những đứa trẻ rất công bằng, vì thế, cha của họ -Mundilfari (có nghĩa là Thời Gian) đã đặt tên là “Mặt Trăng” và “Mặt Trời”. Các vị thần cho rằng đó là sự kiêu ngạo nên đã đưa cả hai chị em lên thiên đàng, và tại đó Máni điều khiển và chỉ dẫn sự lên xuống của mặt trăng. Cuối cùng, cả Sól và Máni đều bị truy đuổi bởi Sói Lớn Hati, kẻ đã bắt Máni ở trận chiến Ragnarök. Hati có nghĩa là “Kẻ thù hận”, tương đồng với tinh thần của Pitch – Vua Ác Mộng trong “Những vệ thần của tuổi thơ”.
Kết hợp vị thần Máni của thần thoại Bắc Âu với câu Phúc âm Yoan.1,5: “Kai to phos en te skotia phainei kai e skotia auto ou katelaben”, có nghĩa là “ánh sáng chiếu rạng trong bóng tối, và bóng tối không chiếm lĩnh nó”, Người Cung Trăng với ánh sáng nội tại mạnh mẽ cùng những ký ức sót lại của Kỷ Nguyên Vàng, không bao giờ để những suy nghĩ đen tối len lỏi vào tâm trí của mình, là biểu tượng cho sự thuần khiết ban sơ mà đạo Phật vẫn gọi là “Phật tính”, một trạng thái không thể tạp nhiễm, không thể bị hư hoại. Nếu các vệ thần khác phải cố gắng để chiến đấu chống lại bóng tối của những cơn ác mộng và các suy nghĩ xấu thì Người Cung Trăng luôn bình thản và không để chúng xâm hại. Do đó, mặc dù Người Cung Trăng được lấy cảm hứng từ Máni nhưng tầm vóc đã vượt qua Máni để hướng tới một biểu tượng mang tính phổ quát và bao trùm hơn.
Joyce tạo hình Người Cung Trăng là một đứa trẻ, và ngay cả khi đã trưởng thành, vẫn có dáng dấp của một đứa trẻ, không nhiều lời nhưng luôn thấu hiểu, và dường như giao tiếp bằng thần giao cách cảm. Không nói thành lời, nhưng Người Cung Trăng đã truyền lời cầu chúc cho Thần Mộng Mơ khi Thần Mộng Mơ rơi xuống Trái Đất và lời cầu chúc ấy đã cứu mạng người anh hùng cuối cùng còn sót lại của Kỷ Nguyên Vàng, để rồi đến đúng thời điểm, ánh trăng đã đánh thức Thần Mộng Mơ khỏi giấc ngủ miên viễn. Cũng chính Người Cung Trăng cứu rỗi Jack Frost khỏi nỗi cô đơn, lạc lõng và giữ mãi ký ức về những điều tốt đẹp nhất của Jack Frost, nuôi dưỡng các phẩm hạnh đẹp đẽ ấy và lan tỏa chúng thông qua cuộc đời của chính mình và các vệ thần khác. Người Cung Trăng, chính là người đã Thắp Lên Ánh Sáng Vệ Thần giữ Đêm Đen bằng cách khơi dậy ánh sáng nội tại của mỗi người.
Joyce đã không tạo nên vệ thần của Mặt Trời với ánh sáng rực rỡ, bởi ánh sáng ngập tràn khiến con người yên tâm hơn, rằng họ đang được an toàn với những điều mình biết. Ông tạo ra Người Cung Trăng và thế giới các Vệ Thần hoạt động chủ yếu vào ban đêm (trừ Thỏ Phục Sinh), bởi bóng tối là đại diện cho những điều chưa biết, và con người luôn thấy điều chưa biết là mối hiểm họa rình rập, và trẻ em với thể trạng non nớt và tâm trí ngây thơ lại càng sợ hãi hơn trong bóng tối. Bóng tối ấy có thể là màn đêm, có thể là những biến động tâm lý, có thể là các cơn khủng hoảng, có thể là tai họa bất ngờ ập xuống. Các Vệ Thần không phải là những người lúc nào cũng kè kè bảo vệ chúng, mà là những người soi sáng các phẩm hạnh, để mỗi trẻ thơ tin tưởng hơn vào con người, vào thế gian, vào tồn tại.
Câu “thần chú” quan trọng nhất mà Người Cung Trăng truyền trao cho các vệ thần và các em nhỏ, chính là: TIN TƯỞNG! TIN TƯỞNG! TIN TƯỞNG!
Hà Thủy Nguyên
(Còn tiếp)