Home Chuyên đề tháng Tiếp cận thần thoại nghiêm túc

Tiếp cận thần thoại nghiêm túc

Thần thoại (Myth) đến nay vẫn là một hình thức lưu truyền hệ thống tín ngưỡng phức tạp mà các nhà nghiên cứu vẫn không tìm hiểu được cơ chế kiến tạo ra những câu chuyện đậm màu sắc siêu nhiên với tầm vóc kỳ vĩ. Một cách mặc định, thần thoại ở mọi nơi trên thế giới, đều chia tách thực tại thành hai cõi giới: cõi của các lực lượng siêu nhiên (cõi thiêng)cõi phàm trần (cõi tục).

Cõi thiêng ẩn chứa trong đó không phải chỉ là những vị thần phò trợ cho chúng sinh; mà còn có các ác thần, yêu quái… khiến loài người e sợ.

Con người trong thực tại ấy, vừa phải ở trong tình trạng giao kết với cõi thiêng, lại vừa phải từng ngày đấu tranh sinh tồn trong cõi phàm, với hi vọng rằng cõi thiêng có thể can thiệp vào cõi phàm để giữ cho đời sống của họ được yên ổn.

Do đó, thần thoại, ở một khía cạnh nào đó, không nên được định nghĩa một cách chung chung rằng chúng là những câu truyện kể những đấng siêu nhiên, mà chúng nên được xem như một hệ thống mã hóa phức tạp của đời sống tín ngưỡng của một cộng đồng.

Theo dõi video buổi chia sẻ về cách tiếp cận thần thoại:

https://www.youtube.com/watch?v=9PI_qly7dM0

Đến đây, câu hỏi đầu tiên mà chúng ta phải đặt ra, đó là: đời sống tín ngưỡng con người từ đâu mà có, và thần thoại đóng vai trò gì trong đời sống tín ngưỡng ấy.

Nguồn gốc đời sống tín ngưỡng của mỗi dân tộc cũng là một chủ đề gây tranh cãi. Một cách tự nhiên, con người dễ dàng hình thành tâm thức tâm linh mà nhiều nhà nghiên cứu theo trường phái duy vật dễ dãi lý giải rằng đó là thứ tâm thức nguyên thủy hoang sơ, khi con người sợ hãi trước những yếu tố dị biệt; rằng đó hoàn toàn là trí tưởng tượng của con người.

Tuy nhiên, cách lý giải này chỉ giải thích được khía cạnh siêu nhiên hóa các hiện tượng và sự vật chứ không lý giải được cách các thần thoại được kiến tạo một cách công phu và kì vĩ, mang đầy đủ phẩm tính của một nền văn hóa, và ở chiều ngược lại, thần thoại kiến tạo nên phẩm tính và đời sống của những người dân tiếp xúc thường xuyên với chúng.

Đối với cộng đồng dân cư mà trong đó thần thoại ngự trị, thần thoại không đơn giản là những đại tự sự đậm màu sắc tưởng tượng, mà chúng mang tính chất huyền sử, tức là họ tin tưởng một vài khía cạnh chân thực của chúng, dù rằng chúng không hoàn toàn hiện diện trong đời sống. Vì vậy, trong những cộng đồng này, ranh giới giữa thần thoại và huyền thoại (Legend, còn thường được dịch là “truyền thuyết”) dường như rất mờ nhạt.

Liệu bạn đã bao giờ bối rối đặt câu hỏi rằng thần Zeus của người Hy Lạp là một vị thần thuần túy tưởng tượng hay là một người anh hùng hiện diện thực sự trong quá khứ đã được đắp lên mình các yếu tố siêu nhiên? Điều này không ai có thể giải thích hay chứng minh được, chúng ta chỉ có thể đặt ra các giả định và phát triển suy luận của mình dựa trên những giả định ấy. Nhưng chung quy lại, chúng ta sẽ đều đi đến một nhận định rằng: các nhân vật siêu nhiên trong cộng đồng đã tích tụ trong mình những tính cách của cộng đồng.

Ở xã hội đương đại được định hình bởi các nền tảng đạo đức và hệ thống pháp luật, chúng ta hẳn nhiên sẽ thấy hiện tượng Zeus đi “chịch dạo” (nói theo ngôn ngữ vui của cư dân mạng thời nay), Brahma thì loạn luân, đấng Jehovah thì hiếu sát, Poseidon thì hiếp dâm, Hades thì bắt cóc con gái nhà lành, Hiên Viên Hoàng Đế thì chỉ quan tâm tới tình dục sao cho dẻo dai, Lạc Long Quân thì bỏ vợ bỏ con đi lang thang… là những điều kỳ quặc, khó chấp nhận hoặc đề cập đến với sự cười cợt và chế giễu. Thế nhưng, nếu chúng ta đặt những thần thoại ấy trong bối cảnh quá khứ của một cộng đồng, chúng ta có thể thông qua thần thoại mà mở rộng nhãn quan hạn hẹp của người đương đại – là chính chúng ta, để nhận ra rằng mọi định chế văn hóa mà chúng ta đang sống đây, suy cho cùng cũng chỉ là một định chế văn hóa. Chừng nào chúng ta còn giễu cợt, kì thị, hay phán xét thần thoại của một cộng đồng, chừng ấy chúng ta còn mang trong mình tâm thức của kẻ mọi rợ e sợ trước mọi yếu tố dị biệt của văn hóa khác, tức là chúng ta chưa thoát khỏi sự giam cầm của thứ căn tính đã ăn sâu bén rễ trong chúng ta.

Một hệ thống thần thoại đa dạng thường được hình thành bởi nhiều lớp biến thiên của lịch sử, cùng với sự di dân phức tạp của các nhóm dân cư. Mối quan hệ của các vị thần, như chiến tranh giữa Horus và Seth, hay Persephone bị Hades cưỡng hiếp và bắt cóc, hay quan hệ của Ares và Aphrodite… là những ví dụ điển hình đại diện cho mối quan hệ của các bộ tộc mà các vị thần được tôn thờ. Và nếu chúng ta đặt các vị thần trong cộng đồng của họ, chúng ta sẽ hiểu hơn bản chất tương tác quan hệ giữa các cộng đồng mà họ đại diện cũng như cách người xưa đã phóng chiếu hiện thực lên các vị thần.

Bất kể các đấng siêu nhiên hoàn toàn được nhào nặn bởi trí tưởng tượng hay được tô điểm từ nguyên mẫu có thật trong cộng đồng, thì mọi động thái họ được lưu lại bằng hình thức truyền khẩu, dẫu là trong các bài tụng ca hay sử thi, hay diễn xướng, hay truyện kể… thì toàn bộ thói quen của họ, câu chuyện cuộc đời họ, cá tính của họ…đều được phản ánh trong tâm thức tập thể của cư dân. Ví dụ, như huyền sử kể rằng Lạc Long Quân chia tay Âu Cơ và để lại con của mình cho vợ nuôi, không phản ánh sự vô trách nhiệm trong nghĩa vụ gia đình của mình, mà thể hiện cho mô hình dân cư cổ xưa: người đàn ông chiến đấu chống lại các thế lực thù địch, còn người phụ nữ đảm nhiệm nghĩa vụ chăm lo con cái. Tình tiết này được lưu lại trong “Lĩnh Nam chích quái”, điều này cho thấy hai khả năng, hoặc rằng đây là  mô hình quan hệ tồn tại từ thời xa xưa, hoặc rằng đây là mô hình đặc trưng của chính thời đại mà tác giả của “Lĩnh Nam chích quái” sống. Và rồi, chính mô hình quan hệ giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ góp phần tạo một vết hằn định chế gia đình lên cộng đồng người Việt mà trong đó người đàn ông sẽ không gắn bó trách nhiệm với nuôi dạy con cái. Hoặc cuộc chiến của Horus và Seth đại diện cho cuộc chiến giữa hai vương quốc Thượng và Hạ Ai Cập, nhưng rồi chính chuyện kể về cuộc chiến này cũng duy trì tình trạng mâu thuẫn.

Đây là vòng lặp tất yếu trong quan hệ tương tác giữa thần thoại và với cộng đồng. Thần thoại được kiến tạo và duy trì bởi cộng đồng, để rồi cộng đồng lại bị ảnh hưởng bởi các định chế mà thần thoại mang tính đại diện và biểu tượng. Do đó, nghiên cứu thần thoại không thể tách rời khỏi nghiên cứu văn hóa và lịch sử của mỗi cộng đồng, mà ở lĩnh vực hẹp hơn là văn hóa tín ngưỡng. Con đường tiếp cận này dường như quá khó khăn, bởi nó đòi hỏi sự tìm tòi đa lĩnh vực, liên phương pháp, để hiểu về một hệ thống thần thoại, nhưng thái độ cần có của chúng ta khi gõ cửa cõi giới siêu nhiên, đó là tất cả những gì chúng ta thấy chỉ là bóng mờ của sự thật. Mỗi phương pháp tiếp cận thần thoại là cách để chúng ta “giải ảo” cho từng phần tâm thức của chúng ta, chứ không phải là con đường duy nhất có thể chạm tới gần sự thật. Đây cũng là một thái độ cần có đối với những người tìm hiểu các lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật.

Dưới đây, tôi xin được giới thiệu hai cách để có thể sử dụng để tiếp cận thần thoại, và sự vận dụng các phương pháp nghiên cứu vào những cách tiếp cận này:

Trước tiên, ta cần nắm rõ những mô thức thần thoại điển hình có trong tất cả các nền văn hóa. Tôi xin được liệt kê những mô thức phổ biến như sau:

  • Sự sáng thế & hình thành muôn loài, trong đó có loài người: Đây là mô thức phổ biến trong thần thoại của tất cả các nền văn hóa. Nếu một nền văn hóa không lưu lại thần thoại sáng thế, ví dụ như trường hợp dân tộc Kinh ở Việt Nam, thì một khả năng cao rằng người dân ở vùng ấy đã trải qua sự lãng quên rất lớn, khiến họ bị ngắt khỏi cội nguồn. Lý do có thể đến từ sự nô dịch văn hóa dần dần dẫn đến lãng quên ngôn ngữ cổ và phân tách dân cư. Thần thoại về sự sáng thế & hình thành muôn loài cho ta thấy vũ trụ quan của một dân tộc, điều đó có nghĩa là thông qua đó ta hiểu được dân tộc ấy đã định vị bản thân mình trong thế giới ra sao, từ đó hiểu hơn về xu hướng quan hệ giữa người với người cũng như giữa người với tự nhiên trong một nền văn hóa. (Đọc thêm: Sự biến chuyển mô hình Thượng Đế: từ thần tính đến thần thoại, duy lý và tinh thần tự do tuyệt đối – BOOKHUNTER – Đọc để nhận thức một thế giới đa chiều (bookhunter.vn) )
  • Sự hình thành dân tộc: Thần thoại hay nói chính xác hơn là huyền thoại về sự hình thành của các dân tộc hoặc quốc gia là một diễn ngôn được tạo dựng nhằm hợp thức tính chính danh của một vị thủ lĩnh hoặc một triều đại. Huyền thoại này thường gắn nhân vật chính đại diện cho dân tộc hoặc quốc gia có nguồn gốc gắn liền với thần thánh hoặc biểu tượng mà dân tộc ấy tôn thờ.
  • Cuộc chiến của các thế lực siêu nhiên (có một số nền văn hóa phân chia ra Thiện – Ác, một số thì không): Hàm chứa trong những cuộc chiến siêu nhiên rất nhiều tầng ý nghĩa, nhưng chúng thường đại diện cho ý thức hệ (khi phân Thiện -Ác) đồng thời cũng là lớp mã hóa cho cuộc chiến của các thị tộc mà các vị thần là biểu trưng cho thị tộc ấy.
  • Sự can thiệp của đấng siêu nhiên vào cuộc sống con người và con người phản ứng theo những cách khác nhau: Về bản chất, những người kiến tạo ra các mẩu chuyện này hẳn có đôi chút băn khoăn về định mệnh của con người. Con người, trong toàn bộ các nền văn hóa, đều nhận thức được sự đoản mệnh và bất lực của mình, và trong mối tương tác với đấng siêu nhiên mà con người vượt thoát ra khỏi định mệnh phàm trần của mình. Trong quá trình can thiệp này, khi mâu thuẫn căng thẳng giữa hai cõi giới lên đến cực độ, tận thế hoặc các đại nạn sẽ diễn ra như một minh chứng hiển nhiên rằng cõi thiêng sẽ quyết định số mệnh của cõi phàm trần, và chỉ những ai quy phục cõi thiêng thì người ấy mới có cơ hội được sống sót sau những lần trừng phạt. Những diễn ngôn như vậy góp phần củng cố quyền lực của các đấng siêu nhiên trong cộng đồng, mà hiện hữu cụ thể hơn là củng cố quyền lực và địa vị của tầng lớp tu sĩ (ở mỗi nền văn hóa lại được gọi bằng danh xưng khác nhau và đòi hỏi các tiêu chí tu luyện khác nhau).

Bằng cách giải mã bốn mô thức chính trong thần thoại của các quốc gia mà các nhà nghiên cứu và phê bình đưa ra các luận giải của mình về văn hóa của một cộng đồng cũng như mối liên hệ của văn hóa ấy với hiện hữu trong đời sống xã hội của cộng đồng đương thời. Nhưng phương pháp giải mã của mỗi trường phái lại khác nhau và thường chỉ tiếp cận được một góc của thần thoại.

Cách thức tiếp cận thần thoại phổ biến nhất chính là qua văn bản ghi chép các tích truyện. Mặc dù thần thoại là sáng tạo dân gian không rõ nguồn gốc và lưu truyền theo hình thức truyền khẩu nhưng chúng vẫn được ghi lại bởi các học giả. Ví dụ như bảng phả hệ của các vị thần được ghi lại bởi Hesiod hay các vị thần của Việt Nam được ghi chép lại trong “Việt điện u linh” và “Lĩnh Nam chích quái”… Sự ghi lại này bản thân nó đã bất toàn, bởi vì nó phụ thuộc vào nguồn dữ liệu mà học giả tiếp cận và định kiến do sự ảnh hưởng của ý thức hệ trong quá trình tái diễn thần thoại bằng văn bản, và cũng không thể không loại trừ sự can thiệp của hoàn cảnh xã hội mà tác giả sống trong đó. Do đó, khi tiếp cận thần thoại qua văn bản, đặc biệt là các văn bản cổ, thì chúng ta cần để ý đến nền tảng ý thức hệ và hoàn cảnh sống của học giả ghi chép. Ví dụ, khi chúng ta đọc về nhân vật Sơn Tinh trong “Lĩnh Nam chích quái”, chúng ta hẳn sẽ nghi hoặc một điểm: tại sao vị thần cổ xưa của người Việt lại mang đậm màu sắc Đạo giáo của người Trung Hoa? Điều này không có nghĩa rằng sự ảnh hưởng của Đạo giáo tới các nhóm cư dân Việt đã tồn tại từ thời đại Văn Lang, mà là tác giả của văn bản ghi chép chịu ảnh hưởng của Đạo giáo bởi xu hướng tín ngưỡng tại thời đại mà tác giả sống. Ngoài ra, khi tiếp cận thần thoại thông qua văn bản, chúng ta buộc phải chấp nhận dị bản như sự tham chiếu bắt buộc, và truy tìm nguồn gốc của dị bản. Trên thực tế, sự phân biệt bản chính và các dị bản là sự khiên cưỡng do các nhân tố tuyên truyền áp đặt, thay vì đó, chúng ta nên coi chúng là các phiên bản khác nhau của một sự vật hoặc hiện tượng trong thần thoại.

Do sự hạn chế của các văn bản ghi chép tích thần thoại, các nhà nghiên cứu với nhãn quan sử học chọn thêm một khía cạnh “đời” hơn để tiếp cận: khảo sát các nghi lễ và tôn thờ liên quan đến các đấng siêu nhiên và đặt câu chuyện của các vị thần ở vị trí như một phần của nghi lễ. Các nhà nghiên cứu này định danh phương pháp của họ là dân tộc học và nhân học. Phương pháp này đã được áp dụng từ các sử gia cổ đại trong quá trình họ khảo sát và ghi chép phong tục tập quán của các thị tộc, nhưng chỉ đến thế kỷ 20 thì cách tiếp cận này mới đạt được đỉnh cao với sự cải tiến phương pháp.

Bằng cách tìm hiểu nghi lễ và tôn thờ các đấng siêu nhiên trong một cộng đồng, ta có thể giải mã được vai trò của một đấng siêu nhiên trong cộng đồng thực hiện các nghi thức đi kèm. Tuy nhiên, khó tránh được trường hợp một vị thần lại được thờ tụng với những nghi thức khác nhau ở mỗi thị tộc hoặc nhóm dân cư. Lúc này, chúng ta lại cần xét đến lịch sử của nhóm dân cưthói quen thờ phụng của họ, để biết được vị thần mà chúng ta đang tìm hiểu có được đồng nhất với vị thần có vai trò tương đương đã từng tồn tại trong cộng đồng ấy hay không. Hiện tượng này xảy ra phổ biến ở những cộng đồng dân cư phức tạp hòa trộn nhiều lớp văn hóa. Sự đồng nhất không tương đồng với “vị thần A” là “vị thần B”, hay “vị thần B” là phiên bản của “vị thần A” ở nền văn hóa khác, mà chỉ có thể cho chúng ta biết rằng nhóm dân cư thờ phụng vị thần A và nhóm dân cư vị thần B dường như đã có sự giao lưu một cách mật thiết. Cũng không thể tránh được trường hợp một vị thần lại có nhiều danh xưng ở mỗi thị tộc khác nhau dù rằng nghi lễ và tích truyện có nhiều tương đồng. Để giải quyết vấn đề này lại đòi hỏi sự vào cuộc của phương pháp ngôn ngữ học, khảo cổ học và nhân chủng học, thậm chí là các kiến thức dày dặn về địa lý và lịch sử, để tìm hiểu quá trình di dân của một thị tộc.

Tìm hiểu thêm và các phương pháp tiếp cận đời sống tín ngưỡng tại đây:

Sách “Tôn giáo học từ nhiều cách tiếp cận” do Peter Connolly chủ biên – một giáo trình quan trọng – BOOKHUNTER – Đọc để nhận thức một thế giới đa chiều (bookhunter.vn)

Thử xem xét trường hợp của thần thoại La Mã để hiểu hơn về quá trình biến thể của các vị thần do sự hòa lẫn của các nền văn hóa:

Thần thoại La Mã (1): Thần thoại lập quốc và truy tìm gốc tích thực sự của cặp đôi Mars & Venus – Cộng đồng Tác giả và Dịch giả (foxstudy.org)

Thần thoại La Mã (2): Quân đội của Romulus cưỡng hiếp phụ nữ dẫn đến sự tiếp thu các vị thần Sabines như Saturn, Diana, Janus… – Cộng đồng Tác giả và Dịch giả (foxstudy.org)

Thần thoại La Mã (3): Ảnh hưởng từ thần thoại Hy Lạp đã đưa các tiểu thần yếu ớt như Neptune, Pluto, Juno… thành thần tối cao – Cộng đồng Tác giả và Dịch giả (foxstudy.org)

Thần thoại La Mã (4): Hồn ma gia nhập hàng ngũ các vị thần với thuật triệu hồi oan hồn, sự hiến sinh Romulus và vai trò của Nữ Thần Tự Do trong duy trì quyền lực của các gia tộc La Mã – Cộng đồng Tác giả và Dịch giả (foxstudy.org)

Tóm lại, cách tiếp cận thần thoại từ đời sống thờ phụng của cộng đồng đòi hỏi nghiên cứu liên ngành và khảo sát một lượng dữ liệu khổng lồ, mà trong đó cũng không thể bỏ qua cách tiếp cận thần thoại thông qua sự ghi chép các tích truyện. Bên cạnh đó, cũng không ít nhà nghiên cứu vận dụng các phương pháp xã hội học, tâm lý học, chính trị học… để giải mã sự ảnh hưởng của thần thoại lên tập tính của xã hội đương đại, từ đó mở ra một hướng giải mã các hiện tượng tâm lý đám đông và tính cách dân tộc.

Dù đã kết hợp rất nhiều phương pháp, nhưng thần thoại nói riêng và đời sống tín ngưỡng nói chung vẫn ẩn chứa nhiều bí ẩn mà các phương pháp khoa học không thể lý giải được, bao gồm:

  • Nguồn gốc của các đấng siêu nhiên
  • Cơ chế nào đã khiến một cộng đồng người hình thành vũ trụ luận của mình
  • Các yếu tố siêu nhiên đã được nhào nặn như thế nào và sự hiện diện của yếu tố siêu nhiên trong đời sống
  • Số phận của con người rồi sẽ đi về đâu

Chấp nhận thần thoại là điều bí ẩn, không cố phàm tục hóa chúng hay mê tín dị đoan, mà đơn giản là tiếp cận để gia tăng nhận thức của bản thân về các nền văn hóa, trong đó có nền văn hóa của chính chúng ta, sẽ giúp chúng ta không bị sa đà vào não trạng kì thị và phân biệt đồng thời không tự giới hạn bản thân trong sự tuyên truyền hạn hẹp của hệ thống tăng lữ nắm quyền lực chính trị.

Hà Thủy Nguyên

TỬ THƯ – CUỐN SÁCH VỀ CÁI CHẾT CỦA AI CẬP

Định nghĩa Tử Thư Ai Cập là tập hợp các thần chú giúp đỡ những linh hồn đã qua đời định hướng cuộc sống sau cái chết. Chính các học giả phương Tây đã đặt cái tựa đề nổi tiếng cho tài liệu này; tựa đề thực sự của nó có lẽ nên được dịch là “Cuốn sách về Giải thoát trong Ánh sáng” hoặc “Thần chú về Giải thoát trong Ánh sáng” và có một cách dịch dễ hơn sang tiếng Anh có thể

Tiếp cận hệ thống Thần thoại Trung Hoa

Đây là bản gỡ băng buổi Dionysus’Society của Book Hunter với chủ đề: Tiếp cận hệ thống Thần thoại Trung Hoa. Bài viết không hướng tới việc cung cấp thông tin chi tiết về toàn bộ các tích truyện thần thoại Trung Hoa, mà nhằm cung cấp cho người đọc một công cụ tư duy để có thể tiếp cận với hệ thống này. Bạn sẽ bắt gặp các từ khóa, làm quen hình ảnh các vị thần, biết được một số niên đại và

Thần thoại La Mã (3): Ảnh hưởng từ thần thoại Hy Lạp đã đưa các tiểu thần yếu ớt như Neptune, Pluto, Juno… thành thần tối cao

>> Đọc đầy đủ chùm bài: Thần thoại La Mã Archives – Book Hunter Sự ảnh hưởng của thần thoại Hy Lạp tới thần thoại La Mã chuỗi phức tạp khó phân định, dù rằng ta có thể dễ dàng tìm thấy các vị thần ở La Mã tương ứng với thần Hy Lạp. Qua những phần I, II, một  điểm dễ nhận thấy đó là dù là vị thần bản địa hay du nhập thì vẫn đều trải qua sự đồng nhất với các thần

Kỳ lân – Sinh vật của tình yêu

Con kỳ lân xinh đẹp, đơn độc và dữ dội vẫn khêu gợi trí tưởng tượng của con người trong nhiều thế kỷ qua. Sinh vật với chiếc sừng hình xoắn độc nhất hiện ra trong các truyền thuyết ở khắp nơi tại châu Âu, và vùng Cận Đông; thậm chí nó xuất hiện cả ở phương đông như Trung Hoa, ở đó nó được gọi là lân. Lân được xem là linh thú của trời, xuất hiện khi có một bậc hiền nhân ra