Xã hội đã có lịch sử phát triển bền vững dài mà không cần sự chỉ dẫn của các nhà hoạch đinh chính sách xanh
Jerry Taylor
(Jerry Taylor là giám đốc của chương trình nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên ở Học viện Cato và là Biên tập cấp cao của tạp chí Regulation.)
“Phát triển bền vững” là câu thần chú thường xuyên được các cơ quan quốc tế và các tổ chức phi chính phủ trợ giúp cho các nước kém phát triển hơn nhắc đến. Khái niệm này có vẻ vô thưởng vô phạt; sau chót, ai sẽ ủng hộ “phát triển không bền vững”? Nhưng tiền đề cơ bản của ý tưởng này – rằng tăng trưởng kinh tế, nếu không bị giới hạn và quản lý bởi nhà nước, sẽ đe dọa mang lại tác hại không cần thiết đến môi trường và có thể thấy được tính không bền vững về mặt kinh tế – còn nhiều nghi vấn. Quả thực, các sắc lệnh chính sách thường được những người quan tâm đến phát triển bền vững tán thành lại đi ngược lại với lợi ích kinh tế và môi trường tốt nhất của chúng ta. Có ba lý do để lý giải điều này:
Nếu tăng trưởng kinh tế bị chậm lại hoặc ngừng lại thì sẽ không thể cải thiện điều kiện môi trường.
Khuynh hướng áp những quy định mang tính chỉ huy và kiểm soát lên những phần chính sách ủng hộ khái niệm phát triển bền vững sẽ chỉ làm cho việc bảo vệ môi trường trở nên tốn kém hơn; do đó, chúng ta phải “mua” ít hơn.
Theo đuổi sự phát triển bền vững một cách nghiêm ngặt, theo cách các nhà môi trường đề cập, sẽ chỉ gây ra sự cưỡng bức đối với phúc lợi của thế hệ tương lai.
Sự tranh luận xung quanh phát triển bền vững rất quan trọng vì phong trào này tự quảng cáo là một triết lý quản trị toàn diện cho thế kỷ 21. Thật vậy, Phó Tổng thống Al Gore đã gọi nhu cầu bảo vệ môi trường là “nguyên tắc tổ chức trung tâm” tốt nhất của nhà nước hiện đại. Đó là một vấn đề lớn. Nó đặt sự phát triển bền vững vào “hệ thống đền đài” của “những nguyên tắc tổ chức trung tâm” khác được đề xuất cho nhà nước trong suốt những năm qua — chẳng hạn như luật lệ phân theo giai cấp hoặc chủng tộc và các điều luật tuyệt đối cho đa số. Trong khi bảo vệ môi trường chắc chắn là quan trọng, nhưng việc biến nó thành nguyên tắc chính của chính phủ sẽ tập trung quyền lực to lớn vào tay những người tin rằng chỉ họ mới có thể định hướng tốt nhất các vấn đề của con người. Trên thực tế, kết quả của những thử nghiệm như vậy đã ít gây được sự chú ý của công chúng hơn và thường phản tác dụng.
Phát triển bền vững là gì?
Mặc dù đã được thể chế hóa, nhưng phát triển bền vững khá khó để định nghĩa một cách chặt chẽ. Trong báo cáo mang tính bước ngoặt năm 1987 “Tương lai chung của chúng ta”, Ủy ban Phát triển Kinh tế của Liên hợp quốc (UNCED), định nghĩa phát triển bền vững là trạng thái “đáp ứng các nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu của chính các thế hệ tương lai” [1] Nhưng định nghĩa đó rắc rối một cách vô vọng. Chẳng hạn, làm sao chúng ta có thể được kỳ vọng một cách hợp lý để biết được nhu cầu của con người vào năm 2100 là gì? Hơn nữa, một cách điển hình mà mọi người thường “đáp ứng nhu cầu của chính mình” là chi tiêu cho thức ăn, chỗ ở, giáo dục và bất cứ thứ gì khác mà họ cho là cần thiết hoặc quan trọng. Vậy thì, phát triển bền vững có đơn giản chỉ là một cách nói êm tai về việc tạo ra của cải (mà cuối cùng, được truyền lại cho con cháu chúng ta dùng sau này)? Đúng, con người có những nhu cầu – chẳng hạn như hòa bình, tự do và sự hài lòng – mà không thể được đáp ứng đơn giản bằng phương tiện vật chất, nhưng những người ủng hộ phát triển bền vững hiếm khi chú trọng đến tầm quan trọng của những nhu cầu tâm lý phi vật chất, không “dựa vào tài nguyên” đó khi bàn luận về khái niệm.
Do đó, những người đề xướng phát triển bền vững tinh tế buộc phải loại bỏ định nghĩa vô nghĩa về mặt chức năng của UNCED. Nếu không, định nghĩa UNCED có thể được xem như một lời kêu gọi xã hội tối đa hóa phúc lợi con người theo thời gian. Toàn bộ các ngành nghề đã phát triển xung quanh sự định vị đó. Nó được biết đến như phạm trù kinh tế học, và việc tối đa hóa phúc lợi con người không được gọi là “phát triển bền vững” mà là “sự tối ưu”. Có thể nào “Sự thịnh vượng của các Quốc gia” của Adam Smith thực sự là lời kêu gọi đầu tiên của thế giới về phát triển bền vững không?
Các nhà kinh tế học David Pearce và Jeremy Warford, hai trong số những nhà tư tưởng nghiêm túc hơn trên thế giới về phát triển bền vững, tiết lộ rằng phát triển bền vững đối với nhiều người ủng hộ có nghĩa là “một quá trình mà nguồn tài nguyên thiên nhiên không được phép suy giảm.” [2] Điều này được biết đến rộng rãi là định nghĩa “mạnh mẽ” về tính bền vững. Định nghĩa “yếu” cho phép cơ sở tài nguyên thiên nhiên suy giảm miễn là tài nguyên sinh vật được duy trì ở mức tối thiểu quan trọng và của cải tạo ra từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên được bảo tồn cho các thế hệ tương lai, mặt khác con cháu chúng ta bị cướp đi quyền thừa hưởng những tài nguyên đó. Do đó, tính bền vững yếu có thể được hiểu là “lượng tiêu thụ có thể được duy trì vô thời hạn mà không làm suy giảm nguồn vốn dự trữ”. [3]
Thật không may, cả cái định nghĩa “mạnh” và “yếu” của phát triển bền vững đều ẩn chứa vấn đề cả. Như Robert Hahn của Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ chỉ ra, định nghĩa càng hẹp, thì càng dễ hiểu, giải thích chính xác ý nghĩa là gì, nhưng khái niệm đó lại mang lại ít sự thỏa mãn hơn. [4] Tuy nhiên, điều đó không làm giảm đi tính thiết thực của khái niệm này (như mô tả của James Sheehan của Viện Doanh Nghiệp Cạnh Tranh) “một triết lý chính trị bao quát kết hợp 2 mục tiêu song song là bảo tồn và phát triển kinh tế có kiểm soát”.
Cạm bẫy của tính bền vững “mạnh”
“Nguồn tài nguyên thiên nhiên” nào chúng ta không cần cắt giảm? Tài nguyên đơn giản là những tài sản được sử dụng để kiếm lời cho lợi ích của con người. Do đó, tài nguyên “thiên nhiên”, là một tập hợp con những nguyên vật liệu hữu cơ và phi hữu cơ mà chúng ta nghĩ tới như là những phần cấu thành nên môi trường sinh học, bởi vì không phải tất cả các nguyên vật liệu đều có thể khai thác để sinh lời.
Những thứ con người có thể khai thác hiệu quả thay đổi theo thời gian, công nghệ, và nhu cầu nguyên vật liệu. Ví dụ, hiện tại sóng không thể được khai thác để phục vụ lợi ích cho con người vì thế không thể thực sự đưa vào như là một khái niệm về “tài nguyên thiên nhiên”. Nhưng công nghệ để khai thác sự chuyển động của sóng để sinh ra năng lượng thì chắc chắn tồn tại, và lúc nào chi phí để sản xuất năng lượng theo cách đó thấp hơn chi phí của các nguồn năng lượng thay thế thì ngày đó sóng trở thành “tài nguyên thiên nhiên”. Dẫn ví dụ khác, Uranium, không được coi là nguồn tài nguyên một thế kỷ trước, nhưng nó hầu như tồn tại trong suy nghĩ của chúng ta ngày nay là một dạng tài nguyên thiên nhiên. Dầu lửa cũng không phải là nguồn tài nguyên quan trọng 100 năm trước, nhưng ngày nay được biết tới có thể là nguồn quan trọng nhất với xã hội hiện đại.
Thế nên, cái gì là và không phải là một phần của “nguồn tài nguyên thiên nhiên” của bất kỳ một xã hội nào sẽ thay đổi. Bảo tồn nguồn của ngày hôm nay không đảm bảo là ngày ngày mai sẽ an toàn, và cắt giảm hôm nay không nhất thiết có nghĩa là ngày mai rơi vào cảnh nguy cơ.
Hơn thế nữa, sự phong phú của tài nguyên thiên nhiên của một xã hội có thể thay đổi rất nhiều tương ứng với sự phát triển công nghệ. Ví dụ, ngày nay có ít hơn 6,784 tỷ thùng dầu ở dưới đất so với năm 1981, đó là năm vô cùng khan hiếm dầu. [6] Sau đó, thoạt nhìn, người ta có thể nghĩ là nguồn tài nguyên thiên nhiên đã bị hủy hoại. Nhưng dầu đang trở nên dồi dào hơn so với 17 năm trước đây. Sau khi đã điều chỉnh lạm phát, giá của dầu thô nguyên liệu Saudi đã giảm 62% và dầu thô nguyên liệu Mỹ đã giảm 64% kể từ năm 1980. [7] Có vài nguyên do cho việc tăng sự dồi dào của nguồn dầu. Đầu tiên, những công nghệ mới ra đời đã làm cho việc phát hiện và sản xuất dầu trở nên hiệu quả và ít tốn kém hơn. Thứ hai, sự hiệu quả hơn trong việc sử dụng các nguồn lực (một phản ứng đối với việc giá dầu lửa tăng nhanh trước đó cũng như những tiến bộ công nghệ đang diễn ra) đã giúp giảm lượng dầu cần thiết để sản xuất một đơn vị hàng hóa hay dịch vụ và do đó, tạo ra nguồn cung dồi dào của nguồn tài nguyên năng lượng tương ứng. Thật vậy, theo thông tin của cơ quan Năng lượng Bộ Năng lượng Hoa kỳ, lượng dầu mỏ và khí đốt cần thiết để tạo ra GDP giá trị một đô la đã giảm 29% kể từ năm 1980. Câu chuyện này không chỉ cho riêng xăng dầu; tất cả các nguồn tài nguyên đã trở nên dồi dào hơn nhiều – không còn khan hiếm nữa – trong suốt thế kỷ 20 (và thực sự, được ghi chép lại trong suốt lịch sử). [8]
Do đó, nếu phát triển bền vững được hiểu như một lời cảnh báo, nhắc nhở rằng quy mô tổng của các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên (không tính đến yếu tố nhu cầu) “không được phép suy giảm”, thì điều này không thực sự giúp ích gì. Nó ấn định một cách sai lầm rằng sự khan hiếm tuyệt đối (đối ngược với sự tương đối) là mối đe dọa chính đối với nền kinh tế và loài người nói chung. Và lý thuyết này bỏ quên tiến trình liên tục tạo ra tài nguyên. Như các nhà kinh tế học Harold Barnett và Chandler Morse giải thích trong công trình kinh điển của họ, khi nguồn tài nguyên trở nên khan hiếm, mọi người sẽ dự báo dự khan hiếm của tương lai, giá cả sẽ đội lên, người ta sẽ có động lực để thúc đẩy phát triển công nghệ mới và thay thế, và nguồn lực tài nguyên sẽ được làm mới. [9]
Sự lạc quan quá mức?
Liệu sự lạc quan của Barnett và Morse về công nghệ mới và sự trợ giúp nguồn tài nguyên sẽ tới đúng thời điểm có hợp lý? Oh, những kinh nghiệm lịch sử dường như đã biện minh cho sự lạc quan của họ. Những người thấy lý thuyết này khác thường đã thể hiện ra sự nhầm lẫn nền tảng về nguồn gốc của các nguồn tài nguyên. Tài nguyên thiên nhiên không tồn tại độc lập với con người và không phải những nguyên vật liệu chúng ta đơn giản tìm thấy và sau đó khai thác giống như những kho báu được chôn giấu. Ngược lại, chúng được tạo ra bởi con người. Giống như nhà kinh tế học tài nguyên Thomas De Gregori đã chỉ ra, “con người là những tác nhân tích cực, có những ý tưởng mà họ sử dụng để biến đổi môi trường cho mục đích của con người … Tài nguyên không cố định và hữu hạn bởi vì chúng không tự nhiên. Chúng là sản phẩm của sự khéo léo của con người đến từ sự ra đời của công nghệ và khoa học”. [10]
Do đó, David Osterfeld quá cố kết luận rằng “bởi vì những nguồn tài nguyên là một chức năng của tri thức loài người và kho tàng kiến thức của chúng ta đã tăng lên theo thời gian, nên không có gì ngạc nhiên rằng nguồn tài nguyên vật chất cũng đang ngày càng mở rộng”. [11] Ám ảnh việc bảo tồn nguồn tài nguyên hiện tại cũng ám ảnh giống như người nông dân ám ảnh về những quả trứng hơn là những con gà đẻ ra chúng.
Sự áp đặt phát triển bền vững bộc lộ ra một định kiến thiếu thấu đáo về tự nhiên đối ngược với những nguồn lực nhân tạo. Thực tế, của cải được tạo ra bởi việc khai thác các nguồn lực thì thường có nhiều lợi ích hơn những của cải được giữ gìn bằng cách “bỏ vào ngân hàng” những tài nguyên đó cho sự sử dụng trong tương lai. Daniel Boggs đã chỉ trích “luận điệu nói rằng chúng ta không thừa hưởng từ cha mẹ của mình, chúng ta đang vay mượn từ con cái mình”.
Argues Boggs:” Điều này thường được thiết kế để khiến chúng ta xấu hổ khi sử dụng bất kỳ thứ gì. Một cách logic, nó cũng nên khiến chúng ta ghét bố mẹ mình vì đã dùng hết một vài tài nguyên dầu “của chúng ta”, hoặc sắt, hoặc bất kỳ cái gì. Nhưng, bố mẹ chúng ta đã xây thế giới này cho chúng ta”. Ông tiếp tục chỉ ra rằng thế hệ trước “đã tạo ra nguồn lực nhiều hơn thực tế là thay thế những gì họ đã sử dụng. Và tôi tự tin rằng chúng ta có thể làm điều tương tự cho con cháu chúng ta. Tôi cũng chắc chắn muốn có nhiều thuốc men, vệ tinh và những công nghệ khác hơn là vài tỷ tấn đá hay thứ khác”.
Boggs nói, điều đó dẫn tới sự tự do lựa chọn. “Mỗi chúng ta có thể thiết lập thời hạn mang tính kinh tế cho riêng mình. Nếu chúng ta thực sự nghĩ thế hệ con cháu của chúng ta sẽ trở nên tốt đẹp hơn với các giếng dầu đóng lại hơn là cổ phần của IBM, chúng ta có thể mua chúng và đóng chúng lại. Nhưng những người khác nên có tự do đưa ra quyết định của họ” [12]
Những nghi ngờ từ bên trong
Có một mối nghi ngờ ngày càng lớn trong cộng đồng sinh thái về việc liệu trữ lượng vốn tự nhiên có luôn luôn tự nhiên không. Tính bền vững “mạnh” giả định rằng các hệ sinh thái tự nhiên phát triển theo hướng cân bằng và cuối cùng ổn định. Nhưng trong cộng đồng học thuật, việc thiếu các bằng chứng thực nghiệm hỗ trợ cho giả định này đã dẫn đến một loạt câu hỏi về mô hình cân bằng. [13] Những hậu quả này là rất to lớn.
Nếu hệ sinh thái không hướng tới sự ổn định, thì những chính sách nhằm thúc đẩy nguồn vốn “bền vững” là phi tự nhiên và không có giá trị sinh thái.
Nếu dự trữ tài nguyên không hoàn chỉnh về mặt chức năng và cấu trúc, thì “quản lý bền vững” các nguồn tài nguyên đó sẽ không tối ưu, và
Nếu các hệ sinh thái không có xu hướng ổn định, thì việc tính toán về giá trị kinh tế hoặc sinh thái của vốn tự nhiên là không thể ở tầm vĩ mô.
Những điều không chắc chắn xung quanh bản chất của sự phát triển hệ sinh thái và các phương tiện có thể duy trì tốt nhất nguồn tài nguyên dự trữ có hai ý nghĩa chính đối với các nhà phân tích chính sách. Đầu tiên, những kết luận về việc có chắc chắn hay không những hoạt động kinh tế là “bền vững” mang lại nhiều vấn đề hơn là người ta có thể nghĩ tới. Như các nhà lý thuyết phát triển bền vững Robert Costanza và Bernard Patten thừa nhận, “Một hệ thống chỉ có thể được coi là bền vững sau khi có thời gian quan sát xem dự đoán đó có đúng hay không. Thông thường, có rất nhiều sự không chắc chắn trong việc ước tính tỷ lệ tái tạo tự nhiên, quan sát và điều chỉnh tỷ lệ thu hoạch, đó là một dự đoán đơn giản. . . luôn luôn bị hoài nghi lớn, đặc biệt nếu nó là kiểu suy nghĩ sai lầm như là một định nghĩa.” [14]
Hàm ý thứ hai là việc bảo tồn vô hạn các trạng thái sinh thái nhất định ít là vấn đề cần thiết về mặt sinh thái hơn là các ưu tiên mang tính xã hội. Nhà địa lý M.J. Harte của Đại học Waikato, New Zealand, lưu ý rằng vấn đề về nguồn vốn tự nhiên nhất thiết phải liên quan đến sự ưu tiên của con người. Harte nói, nếu không tính đến chiều hướng này, “các nhà kinh tế học không thể tuyên bố rằng bất kỳ trạng thái sinh thái nào là ưu việt hơn trạng thái sinh thái khác bởi vì các khuyến nghị của họ không có được sự ủng hộ rõ ràng cả về mặt lý thuyết và thực tiễn sinh thái.” [15] Đối với Harte, điều đó có nghĩa là trong các quyết định về phát triển “đóng góp cho phúc lợi của con người” cần được đặt lên bàn cân ít nhất ngang bằng với các cân nhắc về môi trường.
Do đó, biến thể “mạnh” của phát triển bền vững được xây dựng dựa trên một nền tảng lý thuyết sai lầm làm tê liệt tính hữu ích của nó đối với các nhà phân tích chính sách.
Và cuối cùng, trong khi tính bền vững có thể trở thành một yếu tố quan trọng đối với những thỏa thuận xã hội hay kinh tế nhất định, nó không nhất thiết phải tuân theo, như nhà kinh tế học Wilfred Beckerman đã chỉ ra, rằng tính bền vững nên là tiêu chí quan trọng cho chính sách công. Rốt cuộc, có vô số những cam kết của con người rất đáng mong đợi — thậm chí cần thiết — nhưng không may là nó không bền vững vô thời hạn. Chúng ta phải phân biệt giữa tính bền vững là một khái niệm kỹ thuật thuần túy và tính tối ưu, đó là một khái niệm quy phạm. Nhiều hoạt động kinh tế không bền vững có thể là tối ưu hoàn toàn và nhiều hoạt động là bền vững có thể là kết quả không mong đợi, chưa nói đến tối ưu. [16] I.M.D. Little và J.A. Mirrlees đã nhận xét chính xác rằng “Liệu một dự án có bền vững hay không (mãi mãi? – hay chỉ một thời gian dài?) không liên quan đến việc liệu nó có được mong đợi hay không. Nếu tính không bền vững thực sự được coi là lý do để từ chối một dự án, thì sẽ không có khai thác và không có ngành công nghiệp. Thế giới này sẽ là một nơi rất nguyên thủy. ”[17]
Nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel F.A. Hayek đồng tình khi chỉ ra rằng chúng ta chỉ có thể duy trì sự phát triển bền vững với tư cách là một xã hội bằng cách từ chối đi theo các quy định chính sách của những người ủng hộ “phát triển bền vững”. Hayek viết: “Sự phát triển công nghiệp sẽ bị chậm lại rất nhiều, “nếu cách đây sáu mươi hay tám mươi năm, cảnh báo của các nhà bảo tồn về nguy cơ cạn kiệt nguồn cung cấp than đã được chú ý; và động cơ đốt trong sẽ không bao giờ tạo ra một cuộc cách mạng về vận tải nếu việc sử dụng nó chỉ giới hạn trong các nguồn cung dầu đã biết. ”[18]
Sự không thống nhất của sự công bằng giữa các thế hệ
Có một lập luận thịnh hành trong các nhóm trí thức nhất định như Edith Weiss, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Georgetown cho rằng các thế hệ tương lai có nhiều quyền đối với các tài nguyên môi trường ngày nay giống như chúng ta, và chúng ta không có quyền quyết định xem con cháu chúng ta có nên kế thừa phần của họ về những quyền đó hay không. [19]
Tuy nhiên, ít nhất ý tưởng cho rằng những người thậm chí chưa thành hình có các quyền hữu hình đối với tài nguyên là điều cần xem xét. Đầu tiên, nó không nhất quán về mặt triết học. Những sinh linh đó được cho là có quyền, nhưng thời điểm họ được thụ thai, về mặt pháp lý họ bị coi là không có quyền gì. Gạt bỏ đạo đức phá thai sang một bên, để nhất quán, những người bảo vệ quyền của các thế hệ tương lai phải theo cùng một logic phản đối việc phá thai (một quan điểm mà một số nhà hoạt động bảo vệ môi trường nắm giữ, vì họ trung thành với việc kiểm soát dân số). Một khi các cá nhân được hình thành, chúng tôi không cho rằng họ có quyền đối với tất cả các nguồn lực của cha mẹ họ. Ví dụ, nếu một cặp vợ chồng đã nghỉ hưu chi 50.000 đô la cho một chuyến du lịch vòng quanh thế giới, chúng ta không lập luận rằng cặp vợ chồng đó đã vi phạm quyền tài nguyên của con cái họ. Vì vậy, các cá nhân được cho là có quyền tài nguyên tuyệt đối trước khi thụ thai, không có quyền lợi về tài nguyên (thực sự, thậm chí không phải quyền sống) từ khi thụ thai đến khi sinh ra, và sau đó chỉ có quyền lợi về tài nguyên giới hạn cho đến khi chết. Nếu lý thuyết về công bằng giữa các thế hệ được xem xét một cách nghiêm túc, thì sự chuyên quyền thiếu chắc chắn rõ ràng như thế này sẽ cần phải được xóa bỏ.
Hơn thế nữa, khái niệm công bằng giữa các thế hệ không nhất quán một cách vô vọng. Nếu chúng ta lựa chọn cắt giảm nguồn tài nguyên để giữ lại cho những thế hệ tương lai, thế thì chúng ta không phải thế hệ “tương lai” của những thế hệ trước ư? Tại sao thế hệ hiện tại bị tước đi quyền này? Nếu câu trả lời là không có thế hệ nào có quyền làm cạn kiệt nguồn lực miễn là có một thế hệ khác đang đợi ở tương lai, thì ngầm ý mang tính logic ở đây là không có thế hệ nào (để dành cho thế hệ cuối cùng trước khi các loài biến mất) có quyền được tiêu xài bất kỳ nguồn tài nguyên nào, không cần biết là hiện tại nhu cầu có thể rất cần thiết. Nếu chỉ có một thế hệ (trong cả trăm thậm chí cả ngàn thế hệ) có quyền được tiêu xài tài nguyên, thế thì cái “sự công bằng giữa các thế hệ” là như thế nào?
Bàn xa hơn, ý niệm về quyền đối với nguồn tài nguyên cho thế hệ tương lai được đặt trên nền tảng luận điệu rằng người ta có quyền để cưỡng đoạt tài sản từ một người khác để thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Mặc dù đó là một lập luận khả dĩ nhất chưa được khám phá ở đây, nhưng cũng đủ để nói rằng một tuyên bố như vậy quá rộng và đầy rẫy nguy hiểm mà ít triết gia nào xem xét nó một cách nghiêm túc. [20]
Sự vô nghĩa của tính bền vững “yếu”
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta chấp nhận định nghĩa “yếu” của phát triển bền vững – cho phép những nguồn lực tự nhiên được khai thác miễn là chúng được duy trì ở “mức quan trọng tối thiểu” và hoa lợi thu được từ việc sử dụng nguồn tài nguyên này được duy trì cho thế hệ tương lai? Tính bền vững yếu chắc chắn là một đề xuất hợp lý hơn, nhưng điều đó phần lớn là do không thể phân biệt theo chức năng giữa mối quan ngại của các nhà kinh tế với việc tối đa hóa lợi ích của con người. Như nhà kinh tế David Pearce – một nhà ủng hộ mạnh mẽ tính bền vững “yếu” – thừa nhận, phát triển bền vững “ngụ ý điều gì đó về việc duy trì mức độ phúc lợi của con người để nó có thể cải thiện nhưng ít nhất không bao giờ suy giảm (hoặc, dù sao cũng không hơn tính tạm thời).” [21]
Hai tiêu chuẩn rõ ràng của tính bền vững “yếu” thực sự không phải là tiêu chuẩn chút nào. Nếu chúng ta hiểu “mức quan trọng tối thiểu” như là nguồn lực tự nhiên cần thiết để duy trì đời sống con người, thì tức là người ta nhất định không tối đa hóa phúc lợi con người bằng việc tiêu dùng tài nguyên vượt ngưỡng. Mặt khác, nếu điều đó có nghĩa là mỗi và mọi tài nguyên tự nhiên – bất kể lợi ích của nó đối với nhân loại – cần được bảo tồn ở “mức quan trọng tối thiểu” nào đó, sau đó, nếu không đề cập tới chi phí và lợi ích, khái niệm này đơn giản chống lại con người và nhất trí với lợi ích của thế hệ tương lai.
Thử làm một giả thuyết, giả sử cách duy nhất mà chúng ta có thể bảo tồn bò rừng Mỹ ở mức “quan trọng tối thiểu” là để lại phần lớn Great Plains không có hoạt động nông nghiệp. Liệu việc hy sinh những gì đã từng là mảnh đất trồng trọt năng suất nhất trên thế giới để bảo vệ đàn trâu to lớn có vì mục đích kinh tế hay xã hội của thế hệ tương lai? Một mô hình chính sách không tính đến chi phí và lợi ích của những quyết định như vậy thì không thể đưa ra những lập luận mang tính đạo đức về lợi ích của thế hệ (con người) tương lai. Nhưng việc tính đến những chi phí và lợi ích trong các quyết định như vậy mang chúng ta quay trở lại với khái niệm kinh tế “tối đa hóa lợi ích”.
Hoa lợi từ những sự đánh đổi như vậy để dành cho con cháu chúng ta được cảnh cáo là dư thừa. Bởi vì tất cả của cải cuối cùng đều được thế hệ tương lai kế thừa, nên dường như không có lý do nào để thiết lập một “tài khoản” do nhà nước giám sát đặc biệt vì lợi ích của họ.
Phát triển bền vững: Một bài Rorschach Test trí tuệ?
Tóm lại, rất khó để nhấn mạnh quá mức đến sự sai lầm của phát triển bền vững trong việc xây dựng các chính sách có lợi ích. Như hai học giả nổi tiếng về kinh tế phát triển – Partha Dasgupta và Karl-Goran Maler – đã chỉ ra, “hầu hết những tài liệu về phát triển bền vững đã bắt đầu từ con số không và một số tiến hành sai lầm một cách vô vọng. Khó có thể tìm thấy một lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội nào khác thể hiện sự thụt lùi về mặt trí tuệ như vậy.’’[22]
Nếu phát triển bền vững là câu trả lời, vậy thì câu hỏi là gì? Xã hội đã quản lý để “duy trì” sự phát triển hiện tại trong gần 3,000 năm mà không có sự chỉ dẫn nào của các nhà hoạch định kinh tế xanh. Đó là kết quả không chỉ thể hiện xã hội khỏe mạnh và thịnh vượng hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử, mà còn là một xã hội với nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên được tùy ý sử dụng hơn bất kỳ thời gian nào trước đây. Người ta có thể lập luận một cách hợp lý rằng cách tốt nhất để duy trì sự phát triển – hoặc là để tối đa hóa phúc lợi con người – là để bảo vệ quyền tự do kinh tế và hạn chế quyền lực nhà nước trong việc bảo vệ cuộc sống, quyền tự do và tài sản. [23] Cách tốt nhất để duy trì sự phát triển, đó là từ chối “phát triển bền vững”.
Dịch: Susan
Nguồn: https://fee.org/articles/sustainable-development-common-sense-or-nonsense-on-stilts/
Notes
- World Commission on Environment and Development, Our Common Future (Oxford: Oxford University Press, 1987), p. 8.
- David Pearce and Jeremy Warford, World Without End: Economics, Environment, and Sustainable Development (New York: Oxford University Press, 1993), p. 8.
- Robert Costanza, “Ecological Economics: A Research Agenda,” in Structural Change Economics, vol. 2, pp. 335–42; cited in M.J. Harte, “Ecology, Sustainability, and Environment as Capital,” Ecological Economics, vol. 15, 1995, p. 158.
- Robert Hahn, “Toward a New Environmental Paradigm,” Yale Law Journal, May 1993, p. 1750.
- James Sheehan, “Sustainable Development: The Green Road to Serfdom?” Competitive Enterprise Institute, manuscript, March 1996, p. 1.
- Annual Energy Review, U.S. Department of Energy, Energy Information Administration.
- Energy Information Administration.
- Julian Simon, ed., The State of Humanity (Cambridge: Blackwell Publishers, 1995), pp. 279–442.
- Harold Barnett and Chandler Morse, Scarcity and Growth: The Economics of Natural Resource Availability (Baltimore: Johns Hopkins Press, 1963).
- Thomas De Gregori, “Resources Are Not; They Become: An Institutional Theory,” Journal of Economic Issues, September 1987, pp. 1243, 1247.
- David Osterfeld, Prosperity versus Planning (New York: Oxford University Press, 1992), p. 99.
- Daniel Boggs, Presentation at Global Issues Seminar, Harvard University Center for International Affairs, October 7, 1986, p. 14.
- See for example, J.J. Kay, “The Concept of Ecological Integrity, Alternative Theories of Ecology and Implications for Decision-Support Indicators,” in Economic, Ecological, and Decision Theories: Indicators of Ecological Sustainable Development, ed. P.A. Victor, J.J. Kay, and H.J. Ruitenback (Ottawa: Canadian Environmental Advisory Council, 1991), pp. 23–58.
- Robert Costanza and Bernard Patten, “Defining and Predicting Sustainability,” Ecological Economics, vol. 15, 1995, p. 194.
- Harte, p. 162.
- Wilfred Beckerman, Through Green-Colored Glasses: Environmentalism Reconsidered (Washington, D.C.: Cato Institute, 1996), p. 145.
- I.M.D. Little and J.A. Mirrlees, “Project Appraisal and Planning 20 Years On,” Proceedings of the World Bank Annual Conference on Development Economics (World Bank, 1990) p. 365, cited in Beckerman, p. 146.
- F.A. Hayek, The Constitution of Liberty (Chicago: University of Chicago Press, 1960), pp. 369–370.
- Edith Weiss, In Fairness to Future Generations (Dobbs Ferry, N.Y.: Transnational Publishers, 1989). For a summary and sympathetic critique of Weiss, see Paul Barresi, “Beyond Fairness to Future Generations: An Intragenerational Alternative to Intergenerational Equity in the International Environmental Arena,” Tulane Environmental Law Journal, Winter 1997, pp. 59–88.
- See Gerald MacCallum, Jr., “Negative and Positive Freedom,” Philosophical Review, July 1967, pp. 312–34; Roger Pilon, “Ordering Rights Consistently: Or What We Do And Do Not Have Rights To,” Georgia Law Review, vol. 13, 1979, pp. 1171–96; and David Kelley, A Life of One’s Own: Individual Rights and the Welfare State (Washington, D.C.: Cato Institute, 1998), forthcoming.
- David Pearce, Economic Values and the Natural World (London: Earthscan Press, 1993), p. 48; cited in Beckerman, p. 147.
- Partha Dasgupta and Karl-Goran Maler, “Poverty, Institutions, and the Environmental-Resource Base,” World Bank Paper no. 9 (Washington, D.C., 1994); cited in Beckerman, p. 143.
- See generally Osterfeld as well as David Landes, The Wealth and Poverty of Nations: Why Some Are So Rich and Some Are So Poor (New York: W.W. Norton, 1998); Nathan Rosenberg and L.E. Birdzell, Jr., How the West Grew Rich: The Transformation of the Industrial World (New York: Basic Books, 1986); and James A. Dorn, Steve H. Hanke, and Alan A. Walters, eds., The Revolution in Development Economics (Washington, D.C.: Cato Institute, 1998).