Là một trong những tác phẩm quan trọng của triết học đạo đức trong truyền thống phương Tây, Luân lý học giới thiệu thuật ngữ và các phương pháp để giải quyết một trong những nan đề triết học cơ bản nhất: thế nào là sống một cuộc sống tốt? Hay dùng thuật ngữ của Aristotle, làm thế nào người ta có thể đạt được eudaimonia, một thuật ngữ được hiểu là sự kết hợp của “hạnh phúc”, “phúc lành” và chỉ đơn giản là “thành công?” Đồng thời, một nghiên cứu về sự xuất sắc cá nhân và trong đời sống chính trị, tác phẩm của Aristotle không hiểu “sống tốt” như một loại cảm giác dễ chịu hoặc trạng thái tâm lý tích cực khác. Như Luân lý học thể hiện trong suốt mười quyển của mình, eudaimonia đòi hỏi phải hành động một cách có phẩm hạnh, hầu như luôn luôn là với những người khác – trong một gia đình, với bạn bè và là một phần của xã hội dân sự.
Trong những khẳng định rộng về sự xuất sắc của con người và những phẩm chất của một cuộc sống tốt đẹp, Aristotle định nghĩa các phương pháp và thuật ngữ vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của tư duy đạo đức đương đại. Chẳng hạn, Aristotle đưa ra triết lý luân lý của mình như một ví dụ về tư duy “mục đích luận”, trong đó các hành động của con người nhắm đến mục tiêu “cuối cùng” và “tự túc” (hay telos) của một cuộc sống tốt. Từ chối một số mục tiêu mà mọi người thường coi là mục tiêu của một cuộc sống tốt đẹp của con người – chẳng hạn như vui thú, sức khỏe hoặc sự giàu có – Aristotle khẳng định rằng các telos thực sự của hành vi con người là eudaimonia của việc sống tốt. Bên cạnh cách tiếp cận dựa trên telos này, Aristotle cũng đưa ra khái niệm về tình trạng lý tưởng của con người là một sự trung gian hoặc “trung đạo” giữa hai thái cực thiếu và thừa. Hành vi can đảm, chẳng hạn, nằm giữa thái cực của tính hèn nhát và liều lĩnh. Tóm lại, sự xuất sắc của con người dường như là một hoạt động nhắm đến số lượng đúng đắn của một vài trạng thái phẩm hạnh nhất định: hào phóng đúng mức, tiết chế đúng mức, v.v.
Tất cả những hành vi đạo đức này, như Aristotle lập luận, tốt nhất là được thực hiện như một loại “thói quen” mà chúng ta phải tích cực thực hành, và ông đặt nền móng cho những thói quen đạo đức này ở các khái niệm cân nhắc và lựa chọn. Bởi vì cuộc sống đưa ra cho chúng ta những câu hỏi mà hầu như không bao giờ có câu trả lời chính xác về mặt toán học hoặc thậm chí có thể dự đoán được, người ta phải vật lộn với những lựa chọn khó khăn, trong số đó có thể không có một lựa chọn rõ ràng nhất. Lấy một ví dụ quen thuộc với người dân New York: chúng ta có nên đưa tiền cho những người ăn xin trên tàu điện ngầm không và nếu có thì bao nhiêu? Khả năng lựa chọn tốt này cấu thành nên quan niệm của Aristotle về “trí tuệ thực tiễn”, hay bản thân, đó là một đức tính mà Aristotle nghĩ rằng chúng ta có thể thực hành. Tuy nhiên, Luân lý học không khuyên chúng ta nên đi qua cuộc sống trong trạng thái lo lắng thường trực về việc liệu chúng ta có đưa ra lựa chọn chính xác hay không bất cứ khi nào chúng ta phải đối mặt với những quyết định đạo đức nhỏ. Thay vào đó, bằng cách đưa ra một sự khác biệt cơ bản giữa việc thực hiện các hành vi tự bản thân chúng là luân lý và thực hiện các hành vi theo một xu hướng luân lý vững chắc và quen thuộc, Aristotle muốn độc giả của mình trau dồi và thực hành các thái độ và hành vi mà ở đó những lựa chọn luân lý xuất hiện không quá “tự động”mà có thể là chào đón – những lựa chọn chúng ta đưa ra ngay từ những xu hướng và ước vọng của bản thân.
Cuốn sách Luân lý học được Book Hunter dịch và xuất bản vào quý I năm 2020, tái bản lần 2 vào quý IV, 2022.
Ngay cả khi Aristotle bắt đầu với những chủ đề dường như rõ ràng nhất có thể áp dụng cho hành vi đạo đức của một cá nhân – lòng can đảm hay tính khí của anh ta, những xu hướng hay những lựa chọn có chủ ý của anh ta, chẳng hạn – Luân lý học đã qua mười quyển của nó chuyển dần sang những chủ đề mang tính liên cá nhân hơn về bản chất. Ví dụ, trong quyển Năm, Aristotle chuyển sang chủ đề công lý, một hoạt động mà ông chia thành hai thể loại: phân phối, phân tích xem những nhóm người khác nhau xứng đáng với điều gì và điều chỉnh, phân tích cách chúng ta có thể khắc phục những tình huống mất cân bằng trong đó sự bất chính đã xảy ra. Cũng trong quyển Năm, Aristotle chuyển sang các vấn đề về công chính pháp lý: làm thế nào, ông hỏi, chúng ta có thể mong đợi tạo ra một luật có thể áp dụng cho các sự kiện khác nhau, không thể đoán trước của hoạt động của con người? Không chỉ cung cấp một định nghĩa đơn giản về ý nghĩa của “công chính” – một thuật ngữ trọng tâm của nhiều văn bản nằm trong giáo trình Văn minh Đương đại – Aristotle nhấn mạnh trong cuộc thảo luận về sự công chính của ông về niềm tin đa dạng và dễ uốn nắn của lý trí luân lý.
Những quyển cuối cùng của Luân lý học tiếp tục nhấn mạnh sự quan tâm của Aristotle về các vấn đề về mối quan hệ liên cá nhân. Quyển Tám và Chín, chẳng hạn, bàn về tầm quan trọng của tương giao, chủ đề duy nhất trong văn bản được giải quyết bằng hẳn hai quyển. Bắt nguồn từ những mối quan tâm về các loại liên kết tốt nhất giữa con người, Aristotle chuyển sang chủ đề chính trị rộng lớn hơn trong quyển cuối cùng của mình, thường được xem là một cuộc thảo luận chuyển tiếp vào Chính trị luận, một văn bản khác thuộc giáo trình Văn minh Đương đại. Ở đây Aristotle thừa nhận rằng hành vi luân lý rất khó đạt được và không phải mọi công dân đều có thể đạt được eudaimonia. Trước sự gần như không thể tiếp cận này của tính siêu việt của con người, ông cho rằng thành bang phải đóng vai trò tích cực trong việc trau dồi đạo đức công dân – ở một mức độ nào đó, con người trở nên tốt bằng cách tuân thủ luật pháp được xây dựng tốt. Những chủ đề cuối cùng này cho thấy bản chất kép của cuốn chuyên luận này của Aristotle: những gì khởi đầu như một cuộc thảo luận về tính cách cá nhân và những hành vi theo thói quen cuối cùng lại hướng về các khuyến nghị xã hội sẽ được bàn chủ yếu trong cuốn Chính trị luận.
Ngay cả khi Aristotle thấy mình bất hòa với Plato ở nhiều khía cạnh, cuốn sách cuối cùng của Đạo đức học gợi nhớ lại một số chủ đề của cuốn sách Cộng hòa của Plato, nơi thành bang lý tưởng – mà Plato gọi là kallipolis, nhìn nhận sự xuất sắc của chính nó khi được kết hợp chặt chẽ với nó sự xuất sắc của mỗi công dân. Dường như cũng nghịch lý như vậy, Aristotle kết thúc Luân lý học bằng cách cho rằng cuộc sống tốt nhất là cuộc đời “chiêm nghiệm”, một kết luận kỳ lạ cho một cuốn sách vốn dành cho cuộc sống của con người, thường nhấn mạnh vào khía cạnh xã hội và cá nhân của nó. Với cách trình bày đậm tính thuật ngữ về phẩm hạnh và những mối quan tâm của nó đến luân lý nhưng một mối quan tâm của cả cá nhân và xã hội, Luân lý học cho chúng ta thấy một quan điểm rằng hoạt động của con người không thể được cô đọng thành một khẩu hiệu dễ hiểu hoặc một bộ quy tắc đạo đức. Tính không thể giản tiện của đạo đức con người, như đã chỉ ra, dường như là một yếu tố chính trong lập luận của Aristotle.
Viết bởi Charles McNarama, Giảng viên chính, Kinh điển, Đại học Columbia
Nguồn: Columbia College
Dịch bởi: Bạn nam giấu tên
1 Bình luận