Home Ngẫm Tham tuyệt đối, Sân tuyệt đối, Si tuyệt đối

Tham tuyệt đối, Sân tuyệt đối, Si tuyệt đối

Phật giáo đề xướng diệt Tham, diệt Sân, diệt Si, để tự tính hiển lộ, để có được bát nhã, để giác ngộ. Với con mắt của kẻ vẫn vướng vào bụi trần thì đó cũng là một loại Tham – Sân – Si. Diệt tất thảy những điên rồ cuồng loạn, bẩn thỉu thấp hèn trong con người nhưng những huyễn tưởng sẽ vẫn bay lượn trong thế giới tâm trí. Diệt ngay cả sự diệt ấy cũng là một loại khó khăn, bởi những điều thấp hèn trong phẩm chất con người giống như loài trùng biến hình, càng đánh vào chúng càng sinh sôi và biến tướng.

Tại thế tục, luôn có hai chiều kích cho bộ ba lầm lạc này:

Tham có hai loại: Một là bị kích động bởi lòng dục để thỏa mãn mọi nhu cầu của xác thịt, ví dụ như ăn phải cho nhiều, tiền phải kiếm cho đầy túi, tình dục phải cho thỏa thuê, chỗ ở phải dễ chịu, sống phải cho lâu… Cái tham này tồn tại là bởi mỗi chúng ta vẫn còn ở trong thân xác này và cần phải duy trì nó, thậm chí chúng ta còn muốn nhiều hơn cả sự sinh tồn. Hai là khao khát được khẳng định bản thân, được tham gia nhập cuộc, được cuộc đời biết đến. Lòng khao khát ấy chính là động lực sâu kín hơn để dẫn dắt mỗi người mong muốn những điều vượt trên sự cần thiết để duy trì thân xác.

Sân có hai loại: Một là do những tương tác của môi trường gây sự khó chịu cho thân xác khiến con người luôn phản ứng để đối kháng, cố gắng tìm một cảm giác dễ chịu. Bất cứ sự đau, ngứa, khó thở, mỏi mệt… đều là sự phản ứng lại những tác động của thế giới bên ngoài đang cố gắng hủy hoại sự sống thân xác của mỗi cá nhân. Sự khó chịu ấy sẽ gia tăng nếu ta vẫn tiếp tục tiếc nuối cảm giảm hoàn hảo và khỏe mạnh mà thân xác của ta đã trải nghiệm trước đó. Sự tương phản ấy càng làm gia tăng cơn khó chịu. Chung quy cũng do lòng tham của thân xác không được thỏa mãn. Lòng tham khẳng định bản thân cũng dẫn đến cái một phiên bản cao hơn của sân. Người ta sân hận khi vị trí mà người ta mong muốn ở cuộc đời không có được hoặc có rồi mà lại bị mất. Người ta không mấy khi tự hỏi bản thân xem sự khát khao khẳng định ấy có cần thiết hay không, mà chỉ bị bám víu theo một cái gì đó hư ảo đã được dựng nên.

Và bây giờ đến Si: Si, ở một chiều kích, chính là sự hư ảo ấy. Ở chiều kích thấp hơn, “si” là tình trạng hạn chế của nhận thức. Do con người bị giới hạn trong thân xác nên nhận thức của con người cũng bị thân xác trói buộc, mắt không thể nhìn xa, tai không thể nghe rõ,… não không thể xử lý một lượng rất lớn thông tin. Sự hạn chế này khiến cho lòng tham không dễ dàng gì thỏa mãn, khiến cho cảm giác khó chịu không dễ gì nguôi ngoai. Cái si được đẩy theo một chiều kích của tâm trí: những vọng tưởng hư ảo. Chúng được khoác lên nhiều mỹ từ: lý tưởng, đam mê, ước vọng, chứng nghiệm… nhiều lắm. Người ta nuôi các ảo giác này khi nhận ra rằng lòng tham là không thể thỏa mãn. Sự hư ảo này luôn được coi là cao quý hơn tất thảy, đại diện bởi chính nghĩa, thiên đường, tịnh độ, sự thanh khiết, sự thoát tục, sự thần tiên… bất cứ cái gì khiến cho con người không phải đối mặt và chấp nhận một sự thực rằng ta không là gì cả, thân xác của ta sẽ tan biến, linh hồn cả ta phải đối mặt với sự hư vô mênh mông không bờ bến.

Ở chiều kích của thân xác, Tham – Sân – Si khiến con người đơn giản là một sinh vật giống như bao nhiêu giống loài khác trong hệ sinh thái vĩ đại của Trái Đất. Ở chiều kích của tâm trí, con người tạo nên xã hội và xã hội vận hành theo bộ ba lầm lạc ấy. Xã hội là một chuỗi sai lầm và nỗ lực sửa sai, để rồi lại sai theo một cách khác. Tại sao chúng ta chỉ có thể sai và sửa sai? Không có cách nào khác hơn sao? Tại sao không thể thực sự đúng được một lần. Cái đúng hay chân lý chẳng qua cũng chỉ là một ảo vọng của đàn khỉ đi trong đêm đông lạnh giá tưởng lầm ánh sáng đom đóm chính là ngọn lửa sưởi ấm. Vươn tới chân lý, sự hướng thượng, buồn thay, cũng là một sự tuyệt vọng của loài người. Tôi nhận thấy, ẩn sâu trong mỗi tinh thần hướng thượng đều thoáng một cái buồn không thể diễn tả được. Cái buồn của sự cô độc và vô vọng.

Kẻ chạy theo điều hư ảo của thế gian, chấp nhận làm một ốc vít để vận hành hệ thống xã hội, họ không tuyệt vọng bởi vì họ đã nhốt mình trong ảo giác ấy, tuyệt đối không muốn thoát ra, kể cả khi thân xác đã chết. Đối với họ, thật sự chẳng biết nên đáng cười, đáng thương, đáng trách hay đáng khinh bỉ nữa. Định mệnh của họ là sai lầm và họ tìm thấy niềm vui trong sai lầm ấy. Nếu không chọn vừa lòng với sai lầm của mình, làm sao ta có thể vui vẻ mỉm cười, hạnh phúc và ngạo nghễ bước qua số phận?

Nhưng tôi yêu sự buồn và cô tịch của những kẻ hướng tới vô vọng kia. Trong vô vọng tuyệt đối, chúng ta bước tới sự mênh mông. Trong mênh mông ấy, sai hay đúng chẳng còn quan trọng và chân lý có hay không thì cũng thế mà thôi.

Nếu từ cõi mênh mông ấy, một lần, ta “hạ phàm” để chấp nhận mình như một cỗ máy sinh học, một phần tử của cấu trúc Tham – Sân -Si trong nhân giới, thì sao? Ta sẽ khinh miệt hay bám víu vào tất thảy để thoát khỏi sự vô vọng? Hay lại tiếc nhớ mênh mông? Chọn cho mình một ham muốn, một sự bức xúc và một lý tưởng để trở thành vai diễn, để chơi đùa trên sân khấu, nhưng sâu thẳm bên trong ý thức rằng mình đã từng vô vọng. Hoàn thành định mệnh trong vô vọng đòi hỏi nhiều định lực hơn bất cứ điều gì khác.

Cuộc đời tôi vô vọng hơn tất thảy và khoảnh khắc này tôi đang viết trong vô vọng.

Chỉ những tiếng vọng của tàng thức kêu gào điều tuyệt đối. Tham tuyệt đối là Không. Sân tuyệt đối là Không. Si tuyệt đối là Không. Nếu đi đến tận cùng của Tham Sân Si, bạn sẽ gặp tôi ở đó, ở Vô Vọng.

Hà Thủy Nguyên

Đối thoại của Krishnamurti và David Bohm về nguồn gốc của sự xung đột tâm lý

Lời người dịch: Đây là một đối thoại kỳ thú của bậc thầy tâm linh Krishnamurti và nhà vật lý lượng tử David Bohm. Cuộc đối thoại hé lộ cách tâm linh và khoa học đã tiến gần đến nhau để nhận diện sự thật. Những câu hỏi được đặt ra khi hai ông cùng trao đổi về lý do thế giới của loài người vận hành bằng cướp bóc và nô dịch, rồi sau đó dẫn đến nỗi ám ảnh về "sự trở thành"

KHÁM PHÁ KHOA HỌC CHO THẤY NIỀM TIN CÓ THỂ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ SỐNG

“Khoảnh khắc bạn nghi ngờ mình có thể bay, bạn đã mất đi khả năng thực hiện nó” (“Peter Pan” – J.M Barrie) Trong cuốn tiểu thuyết cho thiếu nhi nổi tiếng “Peter Pan”, J.M Barrie đã đề cập đến sức mạnh của niềm tin khi những đứa trẻ sống trong xã hội công nghiệp tin tưởng vào thế giới kỳ diệu. Niềm tin ấy mang lại cho chúng niềm vui, có thể khiến chúng bay bổng trong không gian. Thông điệp của cuốn sách

Ma thuật của ngôn từ

“Hôm nay, tôi nhốt mình cả ngày trong căn phòng kín.” Đó là một câu trần thuật không thể xác định được thời gian. Hôm nay là hôm nào? Cả ngày là bắt đầu từ bao giờ và kết thức từ bao giờ? Thậm chí, đến không gian cũng không thể xác định. Căn phòng kín đến mức độ nào? Một căn hộ 5m2 cũng có thể gọi là kín, một tòa biệt thự cũng là một cấu trúc đóng kín, một đô thị cũng

NHẬN THỨC ĐỘNG LỰC CHẾT CỦA MÌNH CÓ THỂ CỨU SỐNG BẠN

“Động lực chết” của bạn sẽ không còn hủy hoại bạn. Hãy thuần hóa nó.          Có rất nhiều lý thuyết giải thích nguồn gốc của trầm cảm. “Động lực chết” của Freud là một lý thuyết có thể lý giải được. Lý thuyết phổ biến nhất lý giải về trầm cảm bắt nguồn từ khoa học thần kinh. Lý thuyết này giải thích về chất dẫn truyền thần kinh monoamine trong não bộ (dopamine, serotonin, và norepinephrine) và cách thức chúng
Xem

The Truman Show và tự do lựa chọn

“Good morning! And in case I don’t see you, good afternoon, good evening and goodnight!” Bất cứ khán giả nào theo dõi “The Truman Show” trên TV sẽ không thể quên được câu nói cửa miệng của anh chàng Truman này vào mỗi sáng. Truman có một cô vợ xinh đẹp làm y tá tại bệnh viện, một công việc văn phòng bình thường, một ngôi nhà với đầy đủ tiện nghi, một bà mẹ ở riêng và một anh bạn thân làm nhân viên siêu