Home Đọc Sách “Tôn giáo học từ nhiều cách tiếp cận” do Peter Connolly chủ biên – một giáo trình quan trọng

Sách “Tôn giáo học từ nhiều cách tiếp cận” do Peter Connolly chủ biên – một giáo trình quan trọng

“Tôn giáo học từ nhiều cách tiếp cận” do Peter Connolly chủ biên là một trong những cuốn sách quan trọng trong lĩnh vực tôn giáo học, đóng vai trò như một “giáo trình căn bản” có thể giúp các sinh viên hoặc những người bước đầu nghiên cứu tôn giáo. Sách là một tập hợp các hướng tiếp cận tôn giáo học từ cổ điển tới hiện đại được giới thiệu bởi các chuyên gia nghiên cứu tôn giáo tại các trường đại học tại Anh quốc. Năm 2019, cuốn sách được Chương trình Tầm nhìn UNESCO và NXB Tri Thức dịch và xuất bản với mong muốn giới thiệu “tôn giáo học” đến với các độc giả Việt Nam.

I – Tổng quan về sách “Tôn giáo học từ nhiều cách tiếp cận”

  1. Cấu trúc của sách:

Sách gồm 7 tiểu luận, mỗi tiểu luận được viết bởi 1 chuyên gia tôn giáo học với hướng tiếp cận mà họ có chuyên môn sâu, bao gồm:

  • Cách tiếp cận Nhân học (David N.Gellner)
  • Cách tiếp cận Nữ quyền (Sue Morgan)
  • Cách tiếp cận Hiện tượng luận (Clive Erricker)
  • Cách tiếp cận Triết học (Rob Fisher)
  • Cách tiếp cận Tâm lý học ( Peter Connolly)
  • Cách tiếp cận Xã hội học (Michael S.Northcott)
  • Cách tiếp cận Thần học (Frank Whaling)

Mỗi cách tiếp cận được trình bày trong mỗi chương với 3 nội dung:

  • Lịch sử phát triển của cách tiếp cận
  • Những đặc điểm của mỗi cách tiếp cận
  • Các giải pháp và tranh cãi

Xuyên suốt toàn bộ cuốn sách, các tác giả đều thống nhất với một khái niệm tôn giáo được Peter Connelly đưa ra ở phần Dẫn luận:

“…mọi tín ngưỡng thừa nhận một lĩnh vực thế giới thiêng liêng, siêu thể nghiệm và mọi hành vi ứng xử nhằm thể hiện mối quan hệ giữa con người với lĩnh vực ấy”. (tr 32)

Như vậy, theo như ông Phạm Khiêm Ích (Phó chủ nhiệm chương trình Tầm nhìn Unesco), khái niệm tôn giáo được sử dụng trong cuốn sách được gắn với “tính thiêng”, khác với khái niệm tôn giáo được hiểu phổ biến tại Việt Nam được quy định trong Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016:

“Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động, bao gồm đối tượng tôn giáo, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức”.

  1. Tôn giáo học là gì?

“Tôn giáo học” là cách tiếp cận tôn giáo thông qua các phương pháp và nguyên tắc học thuật. Tôn giáo học nổi lên như một chuyên ngành chính thức vào thế kỷ 19 khi các học giả bắt đầu tìm hiểu nguồn gốc, chức năng và quá trình phát triển của tôn giáo bằng nhiều phương pháp khác nhau như triết học, sử học, xã hội học, tâm lý học… Tuy nhiên, cho đến nay, các học giả vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc thống nhất các phương pháp tôn giáo học bởi chính các học giả thường xuyên mâu thuẫn với nhau trong vấn đề tìm kiếm câu trả lời đích thực với mỗi chủ đề liên quan đến tôn giáo. (Britannica Encyclopedia trực tuyến) Do đó, cuốn sách “Tôn giáo học từ nhiều cách tiếp cận” được cấu trúc mở với phần lịch sử của mỗi phương pháp được giới thiệu và những tranh cãi xung quanh cách tiếp cận ấy.
Qua lời nói đầu của cuốn sách, ta có thể thấy rằng “Tôn giáo học” chỉ mới được các nước nói tiếng Anh quan tâm từ những năm 1960s mặc dù trước đó đã có những khởi đầu với các cách tiếp cận như “nghiên cứu so sánh tôn giáo”, “sử học tôn giáo”, “xã hội học tôn giáo”, và xa xưa hơn là “thần học”. Vai trò của “tôn giáo học” từ đó ngày càng được nâng cao trong giới hàn lâm và đã nhanh chóng trở thành “bà đỡ cho các công trình nghiên cứu văn hóa” (cách ví von của Ninian Smart trong Lời nói đầu của sách, tr15).

Theo như Ninian Smart, mà tôi cho rằng cấu trúc của cuốn sách và các hướng tiếp cận đều dựa trên mô hình này, “tôn giáo học cần đến một phương thức biểu đạt ba chiều” (tr15), trong đó:

  • Ở chiều thẳng đứng: “nó trình bày các tôn giáo và văn hóa khác nhau”
  • Ở chiều ngang: các cách tiếp cận “dùng để diễn giải và thấu triệt các tôn giáo và văn hóa”
  • Chiều thứ ba là sự so sánh và nới rộng đường biên tới các lĩnh vực đời sống khác

Hiểu về tôn giáo học theo mô hình 3 chiều này, ta có thể thấy rằng tôn giáo học vừa diễn giải các tôn giáo, lại vừa tìm hiểu về tôn giáo qua các phương pháp học thuật, lại vừa đặt tôn giáo trong cái nhìn tổng thể xã hội chứ không tách biệt tôn giáo như một lĩnh vực thuộc về “cõi thiêng” tách biệt với đời sống thế tục.

Với tính chất phức tạp và khó khăn trong nghiên cứu tôn giáo học như vậy, Peter Connolly có đề cập đến những gì một người phải chuẩn bị khi bước vào bộ môn này: Thứ nhất là phải “cảnh giác” với “các bộ lọc về tri giác và dẫn giải dùng để dẫn dắt” người nghiên cứu “khi lần đầu tiên gặp gỡ các tư liệu tôn giáo trong bối cánh của tài liệu hàn lâm”, và “phải đánh giá các phương hướng trong chương trình tiến hành xem có thể gây ảnh hưởng thế nào đến cách thức xử lí tư liệu thu thập” (tr25). Thứ hai là cần nắm vững “các thuật ngữ kĩ thuật” để có thể trình bày một cách ngắn gọn và hàm xúc, chính xác (tr26). Thứ ba là “cần giữ thái độ kiềm chế”, vừa “phát triển tri thức chuyên môn của một phương pháp luận riêng biệt nào đó và một nhóm nhỏ các chủ đề”, lại vừa cần có lối “tiếp cận đa phương pháp” (tr33), tức là phải vừa sâu lại vừa rộng.

  1. Những ai sẽ đọc cuốn sách này?

Ngay trong phần Dẫn luận, Peter Connolly đã cho biết việc nghiên cứu tôn giáo cho đến nay vẫn mang tính giả định, tùy thuộc và các phương pháp mà người nghiên cứu sử dụng. Những tranh cãi xoay quanh tôn giáo có lẽ không có hồi kết mà cũng có thể sẽ chẳng bao giờ kết thúc, và một điều thú vị là các công trình nghiên cứu về tôn giáo, dù mâu thuẫn đến đâu vẫn luôn có vẻ đầy tính thuyết phục. Peter Connolly cho rằng sự khác biệt này đến từ xuất phát điểm của người nghiên cứu, tức nền tảng học thuật mà một nhà nghiên cứu dựa trên đó để xử lý các thông tin liên quan đến tôn giáo. Do đó, người đọc các công trình nghiên cứu này cần phải có  “đủ năng lực để nhanh chóng tự định hướng mình và học cách nhận biết điểm xuất phát của tác giả hay diễn giả” (tr24). Và cuốn sách “Tôn giáo học từ nhiều cách tiếp cận”, được soạn ra để phục vụ những độc giả đang hoang mang giữa những công trình nghiên cứu tôn giáo khác nhau, nhằm giúp họ có thể hiểu về xuất phát điểm học thuật của các chuyên gia nghiên cứu tôn giáo. Thêm nữa, cuốn sách cũng rất cần thiết với những ai bước đầu muốn bước vào bộ môn tôn giáo học, nói một cách khác là cuốn sách cung cấp “những bộ khung lý thuyết thường được các nhà thực hành sử dụng cũng như một số giải pháp được thực hiện nhiều nhất”(tr35). Đương nhiên, không thể có chuyện một người nào đó ngay lập tức khi đọc cuốn sách này sẽ trở thành chuyên gia tôn giáo học, mà cần kinh qua một quá trình thực hành nghiêm túc tuân thủ các các nguyên tắc học thuật.

II – Các phương pháp tiếp cận được đề cập đến trong sách

  1. Những cách tiếp cận Nhân học

Đây là tiểu luận do David N.Gellner viết. Ông là giảng viên chính về nhân học xã hội tại Đại học Brunel, London. Ông là chuyên nghiên cứu về khía cạnh tôn giáo, nghi lễ, xã hội và các sắc tộc ở Nepal.
Nhân học (Anthropology) là chuyên ngành nghiên cứu về con người và hành vi con người trong xã hội cổ xưa cũng như hiện nay. Ban đầu, nhân học tập trung và nghiên cứu về đời sống của con người trong xã hội cổ xưa thông qua khảo sát các bộ tộc man dã  với nhãn quan rằng các dân tộc bên ngoài châu Âu thì kém phát triển hơn và vẫn còn ở mô hình xã hội “nguyên thủy”. Các nhà nhân học tranh cãi rất nhiều về các thiết chế xã hội cổ xưa (như quần hôn, mẫu hệ…) nhưng, theo David N.Gellner thì “không một thiết chế nào đã được xác nhận nếu căn cứ vào bằng chứng hiển nhiên” (tr39). Khi nghiên cứu về xã hội cổ xưa, đương nhiên tôn giáo được xem xét một cách kỹ lưỡng và những cuộc tranh cãi liên quan cũng dai dẳng không kém. Một loạt các câu hỏi về ma thuật, về việc thờ cúng các  lực lượng tự nhiên, về tín ngưỡng thần linh… Các nhà nhân học cũng “dán nhãn hiệu” cho các hiện tượng tôn giáo cổ xưa bằng các khái niệm như “totem”, “thuyết vật linh”… Và thế kỷ 19 là thế kỷ mà các nhà nghiên cứu say sưa tìm hiểu về tôn giáo ở các xã hội bị coi là man dã với cái nhìn “dị” – “đồng” đối với các tôn giáo này.

David N.Gellner xem xét 2 công trình nghiên cứu đại diện cho 2 trường phái nhân học rất khác biệt nhau: “The Golden Bough” (Tên tiếng Việt: “Cành vàng”) của Sir  James Frazer và “The Elementary Forms of Religious Life” (Những hình thức sơ đẳng của đời sống tôn giáo) của Emil Durkheim.  “Cành vàng” đề cập đến nhiều ví dụ về “nghi thức tôn giáo và ma thuật” với quan niệm rằng “tôn giáo đều hết thảy là một loại hình của ma thuật phồn thịnh, phồn thực” và thậm chí “Chúa Cơ đốc cũng là một vị thánh vương (god-king) phải tử nạn nhằm đảm bảo cho dân chúng của mình được đông đúc phồn thịnh”. Sau đó, Frazer còn đưa ra một “lược đồ tiến hóa” mô tả tiến trình nhân loại đi từ ma thuật đến tôn giáo và khoa học (tr39).  Trái với Frazer, Durkheim không chọn lựa khảo sát một lượng lớn các ví dụ mà chọn khảo sát riêng về tôn giáo của cư dân bản địa miền  Trung nước Úc, đặc biệt là dân Arunta. Ông cho rằng “một thực nghiệm tiến hành tốt là đủ để kiểm chứng quy tắc” (tr40). Mặc dù rất khác nhau, nhưng cả 2 nhà nhân học này đều dựa trên nền tảng của thuyết tiến hóa.

Một bước tiến quan trọng trong lịch sử nghiên cứu nhân học đó là “cuộc khởi nghĩa” chống lại thuyết tiến hóa ở Mỹ và Anh bắt nguồn từ sự phát triển của phương pháp khảo sát nghiên cứu điền dã. Phương pháp này cho rằng việc “khảo sát tỉ mỉ các xã hội riêng biệt được coi là có thể gợi mở để giải thích đủ mọi sự việc dựa vào một khung thiết kế lịch sử to lớn nhưng khó dùng để thấu triệt được một xã hội đang sống động”. David N.Gellner đề cập đến hai học giả là Franz Boas (1858 – 1942, người Đức) và Bronislaw Malinowski (1884 – 1942, người Ba Lan tại Anh). Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh về phương pháp của Malinowski với “ý tưởng chủ đạo là mỗi xã hội cần phải được xem xét với tính cách một tổng thể đang vận hành: mọi phong tục tập quán và thực hành đều cần được tìm hiểu trong bối cảnh toàn vẹn của chúng và lí giải bằng các chức năng mà chúng hoàn thành cho nhân dân trong xã hội ấy”. Malinowski đã tạo ra một sự cách tân trong phương pháp nghiên cứu, thay vì đứng ngoài như một người quan sát, ông “quan sát tham gia”, tức là tham gia vào mọi sinh hoạt đời thường của con người. Với tôn giáo, Malinowski cho rằng đó là một liệu pháp hỗ trợ tâm lí cho con người trước cái chết và thường được vận dụng để liên kết các thành viên trong cộng đồng. (tr 46,47, 48,49)

Radcliffe  Brown, người đã “hệ thống hóa tổng thể cả một thế hệ các nhà nhân học xã hội Vương quốc Anh” là người đã đi tiếp trường phái của Durkheim và đã làm “gọn nhẹ và hệ thống hóa một bộ phận trong lập trường học thuật của Durkheim và đem du nhập vào ngành nhân hcoj ở nước Anh, khối thịnh vượng chung của Anh và Hoa Kỳ”. Lý thuyết R.Brown nổi tiếng với tên gọi “chủ nghĩa chức năng cấu trúc” (structural functionalism). Theo các nhà nhân học thuộc trường phái này thì “tôn giáo được coi như thứ xi măng gắn kết xã hội”, tức là tôn giáo đóng vai trò giải quyết các bất ổn xã hội (tr 52,53).

Song song với chủ nghĩa chức năng cấu trúc, vẫn có nhiều nhà nhân học khác quan tâm tới nền văn hóa dân chúng có xu hướng cá nhân chứ không “góp phần đảm bảo thế ổn định xã hội” mà R.Brown coi như hình thức “văn hóa dân gian”. Nhà nhân học quan trọng nhất trong xu hướng này Claude Lévi Straus với hệ thống tư tưởng “được phân tích dựa vào các thế đối lập lưỡng trị qua việc phát hiện logic nội tại của chúng” được thấy ở các huyền thoại và các các nền văn hóa trên khắp thế giới. (tr53)

Clifford Geertz là nhà nhân học người Mỹ quan trọng được nhắc đến trong cuốn sách này. Geertz thực hiện các phương pháp gần giống với cách làm của các ngành khoa học tự nhiên. Ông chuyển dịch từ việc “ngắm nhìn các nền văn hóa từ bên ngoài và dưới ánh sáng các nguyên lí phổ quát” sang  “cách nhìn ngắm từ bên trong và dưới ánh sáng các phạm trù riêng biệt của nền văn hóa đó”. (tr54)
Các khuynh hướng khác như  “phân tích cấu thành” (componential analysis), “tương tác luận” (interactionist framwwork), “nhân học nữ quyền”… cũng được đề cập đến một cách khái lược trong bài giới thiệu về các tiếp cận nhân học.

Trọng điểm của cách tiếp cận nhân học đã được  David N.Gellner khẳng định: “… một trong các quan niệm cốt lõi trọng yếu nhất của nhân học hiện đại là thuyết “toàn bộ”(holism), tức là ý tưởng nhận định rằng các thực hành xã hội phải được tìm hiểu trong bối cảnh vào được xem như gắn liền về cơ bản với các thực tế khác trong xã hội đang khảo sát. Người nghiên cứu nhân học phải xem xét tôn giáo với thực tế nông nghiệp, quan hệ huyết tộc với chính trị, ma thuật với y tế, xem xét cùng với nhau.”(tr57). Ông cho rằng, khi đi sâu vào các chi tiết cặn kẽ liên quan đến thực hành tôn giáo địa phương thì cần phải có sự chỉ dẫn của những người có chuyên môn để tìm ra sự khác biệt giữa người tu hành với người dân thường.

Cuối cùng, David N.Gellner liệt kê một số giải pháp hiện vẫn đang còn gây tranh cãi như sau:

  • “Có chăng một lĩnh vực tôn giáo hay tâm linh xuyên văn hóa được dân chúng khắp thế giới lĩnh hội bằng nhiều các khác nhau?”(tr80).
  • Đặt ra câu hỏi rằng: “phải chăng mọi tôn giáo đều có thể diễn giải theo một cách thức giống nhau về cơ bản?”(tr81).
  • Tôn giáo có nên được xem xét như một lực lượng bảo thủ hay cách mạng hay không? (tr81)
  • “Tiếp cận tín ngưỡng và hành lễ của người khác trên tinh thần thông cảm, tức là truyền tải những nội dung ấy như đã thật sự cảm nhận, dù thé là trái với sự thật, một số tín ngưỡng tôn giáo vẫn cần được chấp nhận theo đức tin, bởi lẽ không hề gây ra cảm nhận trực quan” (tr82)
  • Xem xét tôn giáo ở khía cạnh tâm lý học và phân tâm học (tr82)
  • Xem xét mức độ tin tưởng của tín đồ với các văn bản mang tính chất thánh kinh trong tôn giáo và sự khác biệt về đức tin giữa các chức sắc tôn giáo và tín đồ thông thường. (tr82)

 

  1. Các cách tiếp cận nữ quyền

Nói một cách chính xác, cách tiếp cận nữ quyền là cách tiếp cận tôn giáo học thông qua thuyết nữ quyền (feminism). Thuyết nữ quyền không dừng ở việc đấu tranh cho quyền của phụ nữ mà xem xét vai trò của phụ nữ trong xã hội, tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng về giới. Sue Morgan, một chuyên gia về lịch sử thuyết nữ quyền và thần học nữ quyền, tác giả của chương 2 cho biết: “Thuyết nữ quyền, cũng giống như tôn giáo, đề cập ý nghĩa của bản sắc và tổng thể của con người tại những cấp độ sâu xa nhất để tạo nên một phạm vi rộng lớn các kiến giải liên ngành dựa vào các bộ môn nhân học, thần học, xã hội học và triết học. Mục tiêu chủ yếu của nhiệm vụ nữ quyền ở đây là nhận dạng chính xác lĩnh vực tại đó các tầm nhìn nữ quyền và tôn giáo về nhân thân con người (personhood) là tương hợp với nhau, và bằng cách nào có thể tác động qua lại với nhau một cách bổ ích.” (tr89)

Sue Morgan cho rằng việc nghiên cứu tôn giáo theo thuyết nữ quyền vốn có một lịch sử lâu dài, bởi trong bất cứ tôn giáo nào cũng có các cá nhân hoặc nhóm phụ nữ “dám thách thức những ràng buộc và áp chế mà thần quyền tôn giáo thống trị họ” (tr90), từ những đòi hỏi quyền được có cơ hội giữ các vị trí chức sắc trong giáo hội cho đến việc có các quyền lợi ở xã hội bình đẳng với nam giới, mà cụ thể nền tảng ban đầu là cuộc vùng vẫy của nữ giới trong xã hội Thiên Chúa giáo.  Bước sang thế kỷ 19, thuyết nữ quyền phân thành 2 phái đối lập nhau: Một là phái nữ quyền Phúc Âm “đòi mở rộng vai trò công dân của nữ giới dựa trên những quy định rất cổ xưa về nữ tính, và do đó thường đề cập tới năng khiếu riêng biệt thiên bẩm của phụ nữ là sinh đẻ và chăm nuôi con cái, tới phẩm chất sẵn sàng quên mình vì người khác…”. Hai là phái nữ quyền tự do “thách thức cả những lí tưởng trong Thánh Kinh về vai trò nội trợ lệ thuộc của phụ nữ và yêu sách quyền bình đẳng chính trị và xã hội” (tr94). Tuy nhiên, thuyết nữ quyền hiện đại đã đi xa hơn thế, hướng tới việc lý giải các thái độ bất bình đẳng và xem xét những tác động đến xã hội.

Các nhà nữ quyền sẽ chú trọng trong quá trình nghiên cứu tôn giáo những điểm sau:

  • Nhân hình hóa nữ tính của đấng toàn năng, thần thánh hay tính thiêng
  • Truyền thống tiên tri cứu thế (giúp hình thành nhãn quan chống lại chế độ gia trưởng phụ quyền)
  • Thay đổi quan điểm của nữ giới về lịch sử tôn giáo
  • Niềm tin xác tín về đối xử công bằng với phụ nữ và mối quan hệ hợp tác với nam giới

 

  1. Những cách tiếp cận hiện tượng luận

Vận dụng hiện tượng luận (phenomenology) trong nghiên cứu tôn giáo, ngay từ đầu, đã được Clive Erricker, Hiệu trưởng trường Tôn giáo và thần học thuộc Viện cao học Chichester, tác giả của chương 3, cảnh báo là “cần phải xử lí thật cẩn trọng khi xác định những nội dung và yêu cầu”, bởi vì bản thân hiện tượng luận cũng là một bộ môn phức tạp và đi vào một thế giới trừu tượng: bản chất của mọi thứ, mà trọng điểm là bản chất của tri giác và ý thức. Không dài dòng lý giải về “hiện tượng luận”, Clive Erricker đề cập thẳng tới bộ môn “hiện tượng luận tôn giáo” và đi thẳng vào lịch sử và các đặc trưng của cách tiếp cận này, và ngay cả như vậy cũng thực sự là một sự thách thức đối với người đọc.
Tác giả đầu tiên được nhắc đến trong chương là Jacques Waadenberg với bộ sách “Classical Approaches to the Study Religion” (1973). C.Erricker đã khẳng định rằng với J.Waadenberg, “nhiệm vụ của những nhà hiện tượng luận là chỉ rõ tôn giáo cần được đánh giá nghiêm túc và tôn giáo đã có những cống hiến tích cực cho sự thấu hiểu của chúng ta đối với nhân loại trong cách hiểu thực chứng” (tr137). J.Waadenberg viết: “Qua công trình nghiên cứu của mình, các học giả rốt cuộc đi tới một ý tưởng nào đó hay một hình ảnh nào đó về tôn giáo mà họ khảo sát, một phần nhờ năng lực khái quats hóa và một phần nữa nhờ các ý niệm về tôn giáo mà họ đã lĩnh hội trong những thể nghiệm sống thực tiễn của chính mình”. Điều đó có nghĩa là, một người nghiên cứu tôn giáo cần có sự tham dự vào đời sống ấy chứ không phải chỉ đứng ngoài như một người quan sát. Và cũng từ đó nảy sinh những mâu thuẫn về cách tìm hiểu và quan sát. Cũng từ những mâu thuẫn này mà hiện tượng luận tôn giáo được nảy sinh với việc “đánh giá các tiền lệ lịch sử và hướng vào mục tiêu xác định bộ khung phương pháp luận của mình, phục vụ cho nghiên cứu tôn giáo trong mối liên quan với các phương án tiếp cận khác về đối tượng này” (tr139).

Triết gia quan trọng nhất đặt nền móng không chỉ cho hiện tượng luận là Hegel với tác phẩm rất quan trọng “The Phenomenology of Spirit” (1806, tên tiếng Việt: Hiện tượng học tinh thần). Hegel cho rằng việc tìm hiểu bản chất (essence) có thể thông qua xem xét các biểu hiện bề ngoài (appearances, manifestations). Tuy nhiên, tác giả đã mở ra hướng tiếp cận hiện tượng luận tôn giáo lại chính là Gerardus van de Leeuw với tác phẩm “Religion in Essence and Manifestation” (1938, tên tiếng Việt: Tôn giáo qua tố chất và biểu hiện). Van der Leeuw không chỉ chịu ảnh hưởng của Hegel mà đương nhiên còn chịu ảnh hưởng của tác giả Edmund Husserl, một nhà hiện tượng học không thể bị bỏ qua trong bộ môn này. Mặc dù Edmund Husserl không quá quan tâm đến tôn giáo trong các tác phẩm của mình nhưng ông đã cung cấp cho Leeuw một cơ sở phương pháp luận rất có giá trị: “epoche” (đặt mình vào trong cuộc một cách không phán xét) và “eidetic vision” (trực quan sống động, dịch giả dịch là “trực quan thực chất”). Tác phẩm của Van der Leew xác định rằng nhà nghiên cứu phải có khả năng “dịch chuyển bản thân con người mình sang đối tượng khảo sát, hay tái thể nghiệm đối tượng… Công việc trừu tượng hóa bằng trực giác, tức là thái độ của hiện tượng luận gọi là epoche chỉ có thể tiếp diễn sau tình cảm hữu ái tự phát, tạm thời tự mình chối bỏ lòng sùng mộ riêng của bản thân”. Ông cho rằng đó là bước căn bản để nhận diện những hình mà tâm trí tiếp nhận và kết hợp để tạo thành một thể thống nhất. (tr143)

Tuy nhiên, cách thức của Van der Leeuw quá phức tạp đối với các nhà hiện tượng luận tôn giáo, họ chọn giải pháp “hiện tượng luận miêu tả”. Từ trước Van der Leeuw, Pierre Daniel Cantepie de la Saussaye, một học giả Hà Lan đã thực hiện “phân loại tôn giáo có hệ thống” nhưng lại không hề đề cập tới các nghi lễ tôn giáo. Ngoài ra còn có Nathan Soderblom với tôn giáo so sánh và William Brede Kristenen với quan điểm rằng hiện tượng luận là “tập hợp có hệ thống các dữ liệu đặc trưng nhằm minh họa tâm thế tôn giáo của con người” làm tiền đề để hiểu bản chất của tôn giáo. (tr144,145)
Rudolf Otto là nhân vật không thể không nhắc đến khi đề cập tới hiện tượng luận tôn giáo với tác phẩm “The idea of Holy” (1923). Theo Waadenberg, tác phẩm này đã xác định “thần linh” là một phạm trù “tiên nghiệm” độc lập và tôn giáo khác biệt với các lĩnh vực đời sống khác. Bằng cách này, ông đã “đảm bảo tính chất khách quan” trong quá trình nghiên cứu cho dù “người nghiên cứu có xen vào” bởi vì không có cách nào khác có thể xử lý những khía cạnh “phi lí tính” của tôn giáo ngoài việc buộc phải chấp nhận sự phi lí tính ấy.

Clive Erricker phân chia các nhà hiện tượng luận tôn giáo thành hai loại:

Một là: “Những người muốn tiến hành công việc nghiên cứu “mô tả” đối với tôn giáo, mang nhiều tính chất phân loại. Phương pháp này đặt ra nhiều nghi vấn vì tính chất “mô tả” này tương đồng với các phương pháp nghiên cứu khoa học tự nhiên, và bị hoài nghi về khả năng về kết quả giải đoán.” (tr149)

Hai là: Kết hợp phân loại học với các chuyên ngành khác, tuy nhiên nếu như vậy thì hiện tượng học tôn giáo có gì khác so với lịch sử tôn giáo hay tâm lý học tôn giáo, vận dụng triết học nghiên cứu tôn giáo? (tr150)

Clive Erricker đã điểm qua một loạt những nhà hiện tượng luận tôn giáo với nhiều kỹ thuật khảo sát khác nhau và chỉ ra những nhược điểm trong các phương pháp được sử dụng rồi đi đến kết luận rằng nỗ lực khám phá và phác họa thế giới tôn giáo là vô cùng khó khăn và vẫn còn là một mảnh đất mới mẻ đối với bất cứ nhà nghiên cứu trẻ nào.

  1. Những cách tiếp cận triết học

Triết học, chuyên ngành cung cấp cho chúng ta một hệ thống tư duy lý tính, đã được vận dụng để nghiên cứu như thế nào – đó là vấn đề được Rob Fisher, chỉ đạo viên đại học Thần học Westminter College, Oxford, biên soạn như một hướng dẫn ngắn gọn và căn bản cho những ai quan tâm đến vận dụng triết học nghiên cứu tôn giáo. Rob Fisher sau khi loại bỏ tất cả những nhận thức sai lầm về triết học mà những người non kinh nghiệm thường mắc phải, đã từng bước cho chúng ta thấy phương pháp triết học trong nghiên cứu tôn giáo phức tạp như thế nào. Ông cho biết trước Cơ Đốc giáo, triết học không hề được vận dụng để nghiên cứu tôn giáo, sở dĩ bởi ở thời cổ đại các triết gia không coi trọng việc tìm hiểu về tôn giáo và tách bạch bản thân mình ra khỏi những niềm tin hoang đường. Cơ Đốc giáo, chính bởi tính chất nhất thần luôn phải đương đầu với những ý kiến phê phán và phản bác, nên đã chọn vận dụng triết học để tự bảo vệ mình và phân biệt mình với các tôn giáo khác, thậm chí là bác bỏ những “biến dị” phái sinh từ chính Cơ Đốc giáo. Và mối quan hệ giữa triết học và Cơ Đốc giáo ở giai đoạn đầu, nói như Rob Fisher, là đầy tính nghịch lý. Bởi, một mặt, Cơ Đốc giáo yêu cầu một đức tin kiên định phi lí tính trong khi triết học lại đặt nền tảng dựa trên lý tính.  Để xử lý mâu thuẫn này, 5 lập trường chính đã nảy sinh: (tr200,201)

  • Triết học giống như tôn giáo
  • Triết học làm tì nữ cho tôn giáo
  • Triết học mở đường cho đức tin
  • Triết học làm công cụ phân tích cho tôn giáo
  • Triết học là việc nghiên cứu cách suy luận vận dụng trong tư duy tôn giáo

Việc vận dụng triết học để nghiên cứu tôn giáo nhằm giải quyết các vấn đề mấu chốt sau:

  • Nghiên cứu ngôn ngữ tôn giáo và có thể gọi là “văn hóa ngôn ngữ” về tôn giáo
  • Điều ác, cái xấu và hội tụ vào bản chất của “thuyết biện thần” (theodicy) trong mối liên hệ với việc con người phải chịu nỗi đau.
  • Tác động của Thượng Đế tới thế giới

 

  1. Những cách tiếp cận tâm lý học

Tâm lý học tôn giáo là một cách tiếp cận chứa đựng nhiều mâu thuẫn bởi lẽ các nhà tâm lý học tôn giáo thường sa đà vào yếu tố tôn giáo hơn là tâm lý học, còn những nhà tâm lý học ngoại đạo lại coi những yếu tố siêu nghiệm là cách xử lý dễ dãi, trong khi ấy bản thân các tôn giáo lại không ủng hộ việc đưa tâm lý học vào mà không chấp thuận niềm tin xác tín. Bước vào cánh cửa này, Peter Connolly (chủ biên của cuốn sách) đã đưa chúng ta vào thế giới của những mô hình và phương pháp tâm lý học thường được sử dụng để nghiên cứu tôn giáo từ cổ điển tới hiện đại. Ông cho biết rằng, tâm lý học tôn giáo có một lịch sử gắn liền với môn tâm lý học ngay từ khi bộ môn này ra đời. Khi việc nghiên cứu tôn giáo tách khỏi thần học thì cũng trong thời gian ấy, tâm lí học cũng tách khỏi triết học.

Và các học giả Hoa Kỳ là những nhà nghiên cứu tiên phong trong quá trình khảo sát tâm lí học để xem xét các hành vi tôn giáo, ví dụ như Francis Galton đã thực hiện các điều tra thống kê để nghiên cứu hiệu quả của việc cầu nguyện. G.S Hall đã sáng lập trường phái đầu tiên về tâm lý học giáo dân tại Đại học Clark, và đây chính là người đã mời Freud và Jung sang Hoa Kỳ vào năm 1909. Hai đệ tử của ông là E.D.Starbuck và J.H.Leuba còn xuất sắc hơn ông, đi sâu hơn vào tâm lý giáo dân, đặc biệt là các hành vi cải đạo và nhập đạo. Một trường phái tâm lý học tôn giáo khác được đưa ra mởi William James với quan điểm rằng tâm lý học tôn giáo nên khảo sát những người có đời sống tôn giáo một cách nghiêm cẩn thay vì hướng vào số đông tôn giáo. Tương tự như Carl Gustav Jung, ông quan tâm đến những yếu tố siêu tự nhiên thần bí. Sau đó là một loạt các phân tích quan trọng của ông về quá trình hai nhà phân tâm học nổi tiếng là Freud và  Jung đã nghiên cứu tôn giáo như thế nào với các mặc cảm như Oedipus, Electra… Một xu hướng khác cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ là tâm lý học nhân văn mà đại diện là Abraham H. Maslow với quan điểm cho rằng các tôn giáo đang được vận hành bởi “người không tới đỉnh” tức là những người “tránh những thể nghiệm đỉnh”, và theo ông hướng đi cho tôn giáo nên là mở rộng sự giao lưu để chia sẻ các thể nghiệm đỉnh thay vì đóng mình trong các khuôn khổ mang tính tổ chức (tr261). Tâm lý học tôn giáo đã đi xa hơn và tiến vào các thể nghiệm sâu trong thực hành tôn giáo, như trải nghiệm trạng thái Thượng Đế, tiếng nói thần linh, các biểu hiện tâm trí với nhận thức tôn giáo…

  1. Những cách tiếp cận xã hội học

Người biên soạn chương 6 về cách tiếp cận xã hội học là Michael S.Northcott, một chuyên gia về xã hội học tôn giáo. Ông cho biết rằng với xã hội học,  “tôn giáo là một hình thức kiến tạo xã hội”, và bởi thế, tôn giáo cũng là đối tượng nghiên cứu của xã hội học. “Các nhà xã hội học nghiên cứu khảo sát những thực hành tôn giáo thông qua việc chứng kiến hiển nhiên mối quan hệ qua lại giữa chúng với các thiết chế, vơ cấu, ý thức hệ, giai cấp và các nhóm cấu thành xã hội” (tr315)… Và các nhà xã hội học không quan tâm đến các câu hỏi thường thấy của tôn giáo học như “Thượng Đế có tồn tại không?” mà quan tâm đến “ứng xử tôn giáo qua những câu hỏi đại loại như sau: Những đặc trưng nào của tín ngưỡng hay nghi thức tôn giáo vẫn có tác dụng nâng đỡ trong những cảnh ngộ đặc biệt của cuộc sống, mà tại sao? Những gì là tương quan giữa tình huống cá nhân đặc biệt hay bối cảnh xã hội học đặc biệt với các tín ngưỡng hướng về Thượng Đế hay các thần linh? Ccác giải thích của tôn giáo về nỗi khổ đau đã có những ảnh hưởng gì đối với các mong muốn của xã hội hướng vào việ clafm dịu nỗi khổ đau ấy? Nhà xã hội học, với đặc thù đích thực của người nghiên cứu xã hội học, không lưu ý nhiều đến các tồn tại siêu nghiệm vượt hẳn khỏi thế giới kinh nghiệm, mà bận tâm chủ yếu về quá trình nội tại, ở đó tính siêu nghiệm được biểu hiện thông qua ứng xử con người” (tr316, 317). Northcott còn cho biết ngay từ ban đầu xã hội học đã quan tâm tới tôn giáo mà bằng chứng là các “ông tổ” của ngành này  như Comte, Durkheim, Marx, Weber đều có diễn ngôn về thần học hoặc tôn giáo. Tuy nhiên, sau một thời gian tôn giáo bị “đánh đổ”, theo đó xã hội học cũng thờ ơ với tôn giáo thì bắt đầu từ sau phong trào New Age, tôn giáo đang trở lại và các nhà xã hội học buộc phải nhìn nhận và xem xét vai trò của tôn giáo tác động đến xã hội.

Một loạt các phạm trù xã hội đã được xác lập trong việc xây dựng lý thuyết xã hội học tôn giáo, bao gồm: (tr331)

  • Các phân tầng xã hội, như giai cấp và sắc tộc, chủng tộc
  • Các phạm trù xã hội sinh học như giới tính, hôn nhân, gia đình, trẻ em và người cao tuổi
  • Các phương cách tổ chức xã hội bao gồm chính trị, sản xuất kin tế và các hệ thống giao lưu trao đổi, tầng lớp quan chức bàn giấy
  • Các quá trình xã hội như hình thành biên giới, quan hệ giữa các nhóm, tác động qua lại giữa cá nhân, tình hình vi phạm và quá trình toàn cầu hóa

 

  1. Các cách tiếp cận thần học

Đây có thể nói là chương quan trọng nhất của cuốn sách với những ai muốn nghiên cứu tôn giáo dù cho họ chọn lựa phương pháp nào đi chăng nữa. Trong chương này, Frank Whaling, chuyên gia tôn giáo học tại Đại học Edinburg đã cho chúng ta một cái nhìn tổng quan về thần học, nghiên cứu học, và cụ thể hơn nữa theo đúng format của cuốn sách, là làm thế nào để vận dụng thần học trong tôn giáo học.

Thần học, theo Whaling, là một khái niệm không dễ để định nghĩa, tuy nhiên vẫn có thể xác định được đối tượng nghiên cứu của thần học là các siêu nghiệm có trong tôn giáo. Nghiên cứu tôn giáo đã li khai khỏi thần học để có thể mở rộng các khía cạnh của mình, không trói buộc mình trong các nghiên cứu về siêu nghiệm.  Với đối tượng đặc thù của mình, thần học dường như đi ngược lại nguyên tắc lí tính của tôn giáo học. Khi tôn giáo học và thần học tiến gần tới nhau hơn như một hệ quả của lịch sử trong bối cảnh thế giới đang thay đổi theo ba hướng mà Whaling đã đề cập như sau:

  • Cần có một nền thần học và tôn giáo học toàn cầu thích hợp với bối cảnh toàn cầu
  • Thần học có nhu cầu mở rộng mối quan tâm tới các lĩnh vực rộng hơn
  • Tính siêu nghiệm là khái niệm cần mở rộng hơn để thích hợp với tình trạng tín ngưỡng đa dạng của toàn cầu thay vì chỉ tập trung vào Thiên Chúa.

Whaling đưa ra một mô hình 8 thành phần cấu thành tôn giáo để nghiên cứu tôn giáo bằng cách tiếp cận thần học như sau:

  1. Cộng đồng giáo hữu
  2. Nghi thức tôn giáo (cúng lễ, cầu nguyện, thánh lễ)
  3. Đạo đức
  4. Tham dự xã hội và chính trị
  5. Thánh kinh và thánh thi
  6. Quan niệm tín ngưỡng hay chủ thuyết
  7. Mỹ học
  8. Tính tâm linh

Với mô hình 8 thành phần này, cách tiếp cận thần học vừa có thể đảm bảo các nguyên tắc lí tính của tôn giáo học lại vừa có thể đề cập và nghiên cứu siêu nghiệm, một khía cạnh không thể thiếu của bất cứ tôn giáo nào trên thế giới.

Hà Thủy Nguyên

>> Đọc thêm:

“Ánh sáng trong bóng tối” của S.L.Frank – Tập tiểu luận về đạo đức Kito giáo trong một xã hội vô thần – Book Hunter

ĐỌC SÁCH TÔN GIÁO TÂM LINH – NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý – Book Hunter

Khảo lược tiến trình chuyển đổi nhận thức Tôn giáo – Book Hunter

Sự biến chuyển mô hình Thượng Đế: từ thần tính đến thần thoại, duy lý và tinh thần tự do tuyệt đối – Book Hunter

Erich Fromm và sứ mệnh tâm phân học như “y sĩ của linh hồn”

Tâm phân học (psychoanalysis, thường được dịch là phân tâm học) trong những năm qua đặc biệt được ưa chuộng tại Việt Nam. Lúc đầu, các nhà phê bình văn học thường sử dụng tâm phân học như một con dao mổ sắc nhọn để hé lộ cõi giới của các văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ… Khi tâm phân học lan ra đại chúng độc giả Việt, con dao mổ ấy được sử dụng để phanh phui các chứng bệnh xã hội

NIỀM TIN TÔN GIÁO CÓ GIÚP CHÚNG TA VƯỢT QUA NỖI SỢ CHẾT?

Một nghiên cứu mới đây đã khảo sát tất cả các dữ liệu có sẵn về việc chúng ta sợ hãi vì những gì xảy ra khi cuộn dây số phận hữu hạn của chúng ta bị loại bỏ. (Điển tích “shuffle off this mortal coil” ý muốn nói đến “cuộn dây số phận” trong thần thoại Hy Lạp do Moire giữ). Họ nhận ra rằng những người vô thần là những người ít sợ hãi trước cái chết… và, có lẽ không ngạc nhiên,

Minh Linh

20/09/2017

Khảo lược tiến trình chuyển đổi nhận thức Tôn giáo

Tôn giáo đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống con người. Tôn giáo có thể cứu rỗi con người nhưng đồng thời cũng đẩy con người vào bi kịch. Tôn giáo được ra đời như thế nào, từ bao giờ, và tại sao con người lại có các nhận thức tôn giáo, cho đến giờ vẫn chưa có câu trả lời. Thế nhưng, chúng ta có thể thấy một cách rõ ràng, các giáo lý của tôn giáo thay đổi trong từng