Home Chuyên đề tháng Lãng mạn và Cổ điển: Hai cách nhìn thế giới

Lãng mạn và Cổ điển: Hai cách nhìn thế giới

Minh Hùng

03/01/2024

Thế giới quan Lãng mạn

Chủ nghĩa lãng mạn là một trào lưu nghệ thuật bắt đầu ở châu Âu từ giữa thế kỷ 18 và đến nay đã có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu sắc trên toàn cầu. Tầm ảnh hưởng của nó lớn đến mức thật khó để đi sâu tìm hiểu bất cứ vấn đề nào mà không bắt gặp vị trí thống trị của chủ nghĩa Lãng mạn.


Cốt tủy của tinh thần Lãng mạn là một lòng tin vào cảm nhận và trực giác như một sự dẫn dắt tối cao trên đường đời – cùng với đó là một mối hồ nghi đối với những lý luận và phân tích. Trong liên hệ với tình yêu, tinh thần này làm trụ đỡ cho niềm tin rằng những cảm xúc say đắm đam mê sẽ là một chỉ dẫn đáng tin cậy đưa ta đến với “một nửa của mình” – người có thể bên ta trong năm mươi năm tới, hay cùng ta hạnh phúc suốt đời. Nó cũng dẫn đến lòng tôn kính tình dục như một sự biểu hiện tối hậu của tình yêu (quan điểm này khiến tội ngoại tình từ một vấn đề trở thành một thảm họa). Về công việc, tinh thần Lãng mạn kéo theo niềm tin vào những “thiên tài” tự phát, cùng theo đó là niềm tin rằng tất cả mọi người có tài năng đều cảm nghiệm thấy sự thôi thúc của thiên hướng trong mình. Trong đời sống xã hội, chủ nghĩa Lãng mạn mạnh mẽ chống lại những quy ước lịch sự khuôn phép, mà ủng hộ sự thẳng thắn và trực ngôn. Chủ nghĩa này giả định rằng trẻ em là tốt đẹp thành thiện, trước khi chúng bị xã hội làm hỏng. Chủ nghĩa Lãng mạn ghét mọi tổ chức đoàn thể, họ ưa thích đến sung kính những ai mạnh mẽ đứng dậy chiến đấu một cách anh hùng để thay đổi hiện trạng. Nó ưa thích những gì mới mẻ hơn là những thứ đều đặn định kỳ không hơn không kém. Tinh thần lãng mạn chống lại phân tích, nó tin rằng đó là việc “suy nghĩ quá nhiều” (chứ không phải chỉ là suy nghĩ kém). Nó không ủng hộ logic hay đàm luận diễn ngôn. Âm nhạc mới là phương tiện nghệ thuật nó ưa thích. Nó cảm thấy chán ngán buồn bực với những gì tầm thường vô vị ngàn năm không đổi, nó khao khát cái gì mới mẻ, đặc biệt, hiếm có, những gì là duy nhất, độc tôn. Không cần tiến hóa, nó muốn cách mạng. Con người Lãng mạn không đếm xỉa gì đến các hội đoàn tổ chức, chẳng để ý đến việc đúng giờ, hay chế độ quan liêu, hay nền công nghiệp, họ chẳng thiết tha gì thương mại lẫn công việc thường ngày. Những điều trên dĩ nhiên là cần thiết (con người Lãng mạn dĩ nhiên biết thế), nhưng chúng đều “không lãng mạn”, đều là những áp đặt khốn khổ không thể khác được mà chúng ta buộc phải đeo theo người, bởi những điều kiện bất hạnh của sự tồn tại.

Biểu hiện lớn nhất của tinh thần Lãng mạn là bức vẽ huyền thoại “Tự do dẫn lối nhân dân” (Liberty leading the People) của Eugène Delacroix.


Chủ nghĩa lãng mạn cũng hàm chứa sự khôn ngoan riêng, nhưng những thông điệp trọng tâm của nó, ở nhiều mặt, trở thành một trách nhiệm thảm khốc trong đời sống chúng ta. Chúng đẩy ta lao theo những hướng đi rõ ràng là vô ích, chúng xúi giục ta đặt them những niềm tin không thực, khiến ta thiếu kiên nhẫn với bản thân, ngăn cản sự tự quan sát, che mắt ta trước nguy cơ của việc phụ thuộc theo bản năng trong tình yêu và công việc, khiến ta quay lưng lại với thực tế, dạy ta than thở trước những điều kiện bình thường của đời sống.

Nhiệm vụ lớn lao của thời đại chúng ta là tháo gỡ tinh thần Lãng mạn và thay thế chúng bằng một thế giới quan mới, mà gọi cho xứng đôi và đúng với lịch sử thì nó là tinh thần cổ điển.

Thế giới quan Cổ điển

Thế giới quan cổ điển hình thành dựa trên một nhận thức bi quan mạnh mẽ về tính yếu nhược trong bản chất con người cùng với sự nghi ngờ đối với bản năng  vốn không được kiểm soát. Thái độ Cổ điển nhận thức rằng cảm xúc thường sẽ chi phối ta nhiều hơn lý trí, rằng chúng ta sẽ không ngừng hiểu nhầm lẫn nhau, đồng thời cũng chẳng hiểu rõ ngay cả chính mình, rằng con người chúng ta luôn rất gần với nỗi điên rồ dại dột và lầm lạc.

Chủ nghĩa Cổ điển liên tục kiếm tìm – qua văn hóa – để bù đắp cho những thiếu sót, sửa lại những lỗi lầm ấy trong tâm trí con người.

Chủ nghĩa Cổ điển rất cảnh giác với khát khao bản năng muốn vươn tới sự hoàn hảo của chúng ta. Trong tình yêu, nó khuyến khích ta rộng lòng chấp nhận những “điên rồ” sẵn có bên trong người yêu. Nó biết rằng nỗi say đắm ngất ngây sẽ chẳng thể dài lâu, rằng cơ sở cho mọi mối quan hệ tốt luôn là biết cách chịu đựng và thấu hiểu lẫn nhau. Chủ nghĩa cổ điển hết sức quan tâm tới cuộc sống gia đình, nó nhìn thấu rõ những chi tiết nhỏ bé thực dụng là sự nỗ lực và quan tâm đáng quý. Thái độ Cổ điển là chẳng thấy mình bị hạ thấp đi chút nào khi lau dọn tủ chạn máy giặt hay làm việc nhà, bởi ở những việc khiêm tốn bé nhỏ ấy, họ thấy thói quen sinh hoạt thường ngày của mình tương giao cùng với những chủ đề lớn trong cuộc đời.

Chủ nghĩa Cổ điển hiểu rằng họ cần những luật lệ, và trong khi dạy dỗ con cái mình, họ tin rằng cần phải tạo ra những ranh giới không để chúng bang qua. Họ yêu tuổi trẻ, nhưng không lý tưởng hóa tuổi trẻ.


Trong đời sống xã hội, chủ nghĩa Cổ điển khuyến khích sự khuôn phép lịch sự như một phương cách để hạn chế cái tôi thật sự của mỗi người. Nó hiểu rằng “hãy là chính mình” không phải lúc nào cũng là điều nên làm khi ta bên cạnh người ta muốn quan tâm. Nó cũng cho rằng những lời khen ngợi nho nhỏ, nhưng câu động viên mang lại lợi ích lớn cho mình, bởi bản chất chúng ta luôn là yếu nhược và bất an. Nó không khinh miệt việc viết lời cảm ơn người khác.

Chủ nghĩa Cổ điển tin tưởng vào sự tiến hóa phát triển hơn là cách mạng. Nó tin rằng kết quả tốt đẹp sẽ đến nhờ vào tổ chức, sắp xếp cả tập thể hơn là nhờ vào một anh hùng đơn độc, và nó cũng chấp nhận những thỏa hiệp cần thiết khi hợp tác làm việc cùng người khác.

Về sự nghiệp, thái độ Cổ điển hoàn toàn đối lập với quan niệm về thiên hướng. Nó không dựa vào bản năng để giải quyết vấn đề phức tạp rằng ta nên làm gì với đời mình. Thay vào đó, nó nhận thấy nhu cầu tự vấn cẩn thận và sâu rộng. Nhưng nó cũng giả định từ ban đầu rằng mọi công việc thì đều sẽ nặng nhọc và khó khăn theo những cách khác nhau, thế nên nó bác bỏ ý tưởng về một nghề nghiệp “lý tưởng”, cũng như vậy, nó bác bỏ lý tưởng trong nhiều chuyện khác nữa. Tư tưởng Cổ điển tin tưởng nhiệt thành vào khái niệm “tốt vừa đủ”.

Không giống như chủ nghĩa Lãng mạn, chủ nghĩa Cổ điển thận trọng đón chào chủ nghĩa tư bản. Nó không thận trọng hồ nghi về lợi nhuận, nó không thấy rằng vấn đề tiền nong là hèn mọn đáng khinh, với nó tiền chỉ là một nguồn lực, có thể được sử dụng một cách khôn ngoan hoặc ngốc nghếch. Nó không xem việc nói chuyện về tiền nong với người mình muốn cưới là sai trái, nó chấp nhận vai trò của vật chất trong việc sống tốt đời người.

Chủ nghĩa cổ điển mang một thái độ đặc biệt đối với nghệ thuật. Nó nhận thấy nghệ thuật mang nhiệm vụ dẫn dụ con người bằng các diễn trình lôi cuốn hấp dẫn, để từ đó giữ những ý tưởng khôn ngoan và hữu dụng trong tâm trí con người.


Kiến trúc cổ điển chẳng hạn, nó hài hòa, tĩnh tại và trật tự, bởi chủ nghĩa Cổ điển nhận thấy tinh thần con người rất dễ bị khuấy động, tổn thương bởi môi trường, nó muốn con người giữ lấy phong thái bình tĩnh trầm ổn. Nó không hề biết sợ mọi thứ sẽ trở nên nhàm chán. Đối với con người Cổ điển, cụm từ “cuộc sống yên lành” không hề mang chút ý nghĩa mỉa mai xúc phạm nào cả.

Chủ nghĩa Cổ điển đề cao những con người biết thỏa hiệp ngay cả khi họ không hề muốn, nó có niềm tin vào sự tiến bộ tuần tự, chậm mà chắc hơn là những “bước nhảy vọt”. Nó không hề sốc khi tài năng bị bán rẻ, con người thì ích kỷ còn đời đầy những trò bại hoại, (nó đã chấp nhận từ trước rằng đó là một phần tự nhiên trong bản tính con người), dẫu vậy nó vẫn ưa thích thể chế cùng luật lệ bởi những thứ đó sẽ hạn chế được những xung lực bên trong chúng ta.

Mặc dù thái độ Cổ điển thường mâu thuẫn với những quan niệm đang hết sức phổ biến, nhưng không thể phủ nhận được giá trị về độ đại chúng của nó. Thực tế, tham vọng của chủ nghĩa Cổ điển là dựng thành một chủ nghĩa dân túy vững chắc. Nếu một ý tưởng quá phức tạp và khó nắm bắt, chủ nghĩa Cổ điển giả định rằng nó chưa được đưa vào đúng tiêu điểm. Nó thấy nghi ngờ những ngành học thuật quá hẹp và nền văn hóa quá tù túng. Những ý tưởng mà chúng ta cần nhất có thể được trình bày một cách sáng rõ và hấp dẫn, chúng phải được truyền xa lan rộng mà vẫn giữ nguyên sự hấp dẫn để chúng ta có thể sử dụng trong tâm trí rối loạn hỗn độn của mình. Chủ nghĩa Cổ điển cho rằng không lý gì mà sự thông tuệ khôn ngoan lại không được truyền trao rộng khắp. Thực tế, tinh thần Cổ điển coi việc đó như một nhiệm vụ thực tiễn tối hậu của nền văn minh.

Trang The School of Life được xây dựng dựa trên thế giới quan Cổ điển.

Nguồn: The School of Life

Minh Hùng dịch

Tư tưởng của Aristotle, tác giả nền tảng của chủ nghĩa cổ điển tại phương Tây

Tìm hiểu thêm: Combo sách 6 cuốn của Aristotle – Book Hunter Lyceum

 

Xem

Dấu ấn Nhật Bản trong Trường phái Ấn tượng phương Tây

Trường phái Ấn tượng được biết đến rộng rãi như là trào lưu đầu tiên của nghệ thuật hiện đại, và nó vẫn là một trong những hình thức nghệ thuật phổ biến, thịnh hành nhất cho đến ngày nay. Phần nhiều những thể loại có tính đột phá thường mang chất nguyên bản đặc biệt, nhưng những người – Ấn tượng, cũng như hầu hết các nghệ sĩ, lại tìm thấy nguồn cảm hứng từ hình thức nghệ thuật khác, mà cụ thể ở

Minh Hùng

05/07/2019

Đọc “Nghệ thuật và thợ thủ công” của Oscar Wilde

Về Oscar Wilde Oscar Wilde (1854 - 1900) là một nhà văn nổi tiếng của Ireland. Ông ra đời tại Dublin, Ireland, ngày 16 tháng 10 năm 1854 và mất tại Paris vì viêm não, ngày 30 tháng 11 năm 1900. Nguyên nhân cái chết của ông vẫn còn là một nghi vấn đối với các nhà khoa học. Oscar Wilde tốt nghiệp trường Trinity College tại Dublin với kết quả học tập xuất sắc. Sau đó, ông tiếp tục học tại trường Magdalen Oxford.

Các lý thuyết phê bình của Edgar Allan Poe

Edgar Allan Poe được coi là nhà phê bình văn học lớn đầu tiên của Mỹ hoặc ít nhất là nhà văn lớn đầu tiên ở Mỹ viết một cách nghiêm túc về phê bình, lý thuyết sáng tác và các nguyên tắc của nghệ thuật sáng tạo. Ông cũng là người đầu tiên đặt ra một bộ nguyên tắc nhất quán để nêu lên những gì ông cho là có thể chấp nhận được và những gì về cơ bản là không thể chấp

Minh Hiền

29/01/2024

Chủ nghĩa lãng mạn: Từ cảm hứng giải phóng cá nhân đến cái lồng mới của nhân loại

Romanticism được dịch sang từ Hán Việt là Chủ nghĩa lãng mạn. “Lãng mạn” theo nghĩa đen là con sóng tràn đầy; theo nghĩa bóng là chỉ sự buông thả, phong lưu, không chịu ràng buộc của luân lý. Lối dịch này có lẽ do ảnh hưởng từ cách dịch của các nhà văn hiện đại Trung Quốc. Lối hiểu này nghe có vẻ hợp lý và gần nghĩa nhưng vô tình làm giảm đi triết lý của “romanticism”, và đưa “romanticism” đến gần với

EDGAR ALLAN POE – NHÀ VĂN LÀM NÊN CHUẨN MỰC MỸ

Gia tài đồ sộ bao gồm các truyện ngắn, thơ và các các lý thuyết phê bình văn học là minh chứng cho tầm vóc của Poe như một nhân vật quan trọng trong nền văn chương thế giới. Ảnh hưởng của ông đến hình thức thơ ngắn và truyện ngắn là không thể phủ nhận. Trong lịch sử văn chương và các sách giáo khoa, Poe không chỉ được coi như vị “kiến ​​trúc sư” chính cho truyện ngắn hiện đại mà còn là