“Watchmen” (2009) là bộ phim siêu anh hùng xuất sắc nhất trong chùm chủ đề “hot” của truyện tranh và phim ảnh Holywood từ năm 1960 đến nay: siêu anh hùng cứu thế giới. “Watchmen” được chuyển thể từ bộ truyện tranh 12 tập do Alan Moore sáng tác. Bối cảnh xã hội trong “Watchmen” rất đặc biệt bởi vì nó phản ánh thực trạng chính trị của nước Mỹ sau thất bại của chiến tranh Việt Nam.
Nhưng tôi sẽ không bàn về thực trạng Mỹ được phản ánh qua “Watchmen”, đó là công việc của các nhà phê bình có con mắt chính trị. Ở bài viết này, tôi sẽ tập trung vào vấn đề nhận thức thế giới của các anh hùng trong phim. Với tôi, bối cảnh chính trị chỉ là cái phông nền mà trên đó những anh hùng sẽ hành động dựa trên quan điểm và nhận thức của mình về thế giới. Thế nên, nếu ta chỉ khai thác bộ phim ở khía cạnh chính trị xã hội Mỹ, ta chỉ đi mô tả cái phông nền, hoặc nếu ta chỉ xem xét bộ phim với vai trò của các anh hùng thì ta chỉ nhìn thấy các thao tác và hành vi mà không thấy được những động cơ tiềm ẩn bên trong. Bởi thế, so với những bộ phim siêu anh hùng khác của Marvel và DC, “Watchmen” đặc biệt thu hút tôi giải mã cách các anh hùng nhận thức về thế giới. Chính những khác biệt về nhận thức mà các mâu thuẫn nảy sinh trong thiên anh hùng ca bi tráng “Watchmen”.
>> Để hiểu thêm về các xung đột trong xã hội Mỹ, tìm hiểu bộ sử đồ sộ về nước Mỹ hiện đại: Nước Mỹ – chuyện chưa kể – Book Hunter Lyceum
The Comedian – tâm trạng hư vô khi đối mặt thảm họa vũ khí hạt nhân
Mở đầu bộ phim là cảnh Watchmen già Edward Blake với biệt danh The Comedian. Các bạn hãy để ý, Blake đang xem một talkshow bàn về cuộc chạy đua hạt nhân của Mỹ và Liên Xô. Ông ta quan tâm đến vấn đề này và bật TV to hơn khi đồng hồ Doomsday đã cận kề mốc 12h.
Không phải loại anh hùng nghe trộm radio của cảnh sát, The Comedian quan tâm đến sự hủy diệt mang tính chính trị. Cuộc đời anh hùng của ông, những ngày ông tham gia chiến tranh Việt Nam giúp ông ta nhận ra rằng chiến tranh gây ra nhiều tội ác hơn gấp trăm lần những tội ác trên đường phố. Moore đã tạo nên nhân vật The Comedian dựa trên nguyên mẫu siêu anh hùng Peacemaker của Charlton Comics và nhân vật điệp viên Nick Fury của Marvel (người điều hành Avengers), đặc biệt còn dựa trên một chính trị gia có thật của nước Mỹ bấy giờ là Gordon Liddy.
Nếu ta nhận định về Edward Blake theo cái nhìn của nữ anh hùng Silk Spectre mẹ, ta sẽ thấy The Comedian chỉ là một kẻ hiếp dâm lỗ mãng. Nhưng không, trong lúc rất nhiều các anh hùng khác đã ẩn danh thì chỉ có ông và Dr Manhattan tiếp tục công khai danh tính và duy trì sự nghiệp anh hùng của mình.
Theo “Watchmen” thì chính The Comedian là thủ phạm thực sự đã ám sát tổng thống Kenedy. Khi những chính trị gia trên talkshow bắt đầu công kích Dr Manhattan, Blake không khỏi thấy chán nản. Ông ta đã đổi kênh trở về với giấc mơ trai gái yên bình trên nền nhạc ca khúc “Unforgetable”. Một đời chiến đấu của ông cũng chỉ đổi lại là sự cô độc. Thế rồi bỗng chốc, The Comedian bị giết chết ngay trong cảnh đầu tiên, chỉ để lại câu nói cuối cùng đầy ẩn ý “Một trò đùa, tất cả chỉ là một trò đùa”. Đây là cái chết đã được The Comedian chờ đợi, nhưng đến khi nó đến thì ông lại thấy “tất cả chỉ là một trò đùa”. Đây là cái nhìn hư vô của The Comedian, thứ tư tưởng hiện sinh ảnh hưởng lớn đến nước Mỹ từ những năm 50s. Các bạn hãy thử tưởng tượng về một chính trị gia táo bạo chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hư vô? Đó chính là The Comedian. Ở những đoạn sau, từ hồi ức của các Watchmen khác, ta nhận định rõ hơn về các nhận thức thế giới của The Comedian. The Comedian có một sự khinh miệt với con người, ông nhận thấy ở con người những toan tính bẩn thỉu và sự phản trắc. Từ chiến đấu bảo vệ con người, ông đã chuyển sang sứ mệnh bảo vệ con người khỏi chính họ, khỏi chính phẩm chất xấu xa. Ông coi những đám đông biểu tình phản đối Watchmen như một bệnh dịch và tiêu diệt họ không nương tay.
Dr Manhattan – Điều kì vĩ thuộc về người dân hay các viễn kiến chính trị
Ngay sau cái chết của Edward Blake là một chuỗi kỷ niệm các hoạt động mà Watchmen đã thực hiện, từ trừng phạt các tội ác trên đường phố đến tham gia những hoạt động của chính trị Mỹ, những tật xấu bị đánh giá là suy đồi ở thời điểm bấy giờ như đồng tính, hiếp dâm… Để rồi, kết thúc những kỷ niệm ấy là dòng chữ “Who watch the watchmen?” do những người biểu tình phản đối công việc của những người hùng.
Những người dân phản chiến ở Mỹ đổ lỗi cho các Watchmen khi nền chính trị Mỹ trở nên ngày một suy đồi và bạo lực trong chiến tranh Việt Nam. Người ta đã đổ lỗi cho Dr Manhattan vì cho rằng chính anh là nguyên nhân gây ra chiến tranh hạt nhân chỉ bởi vì toàn bộ cơ thể của anh là một nguồn năng lượng hạt nhân vô tận. Đó là cách suy nghĩ của người bình thường. Họ sợ hãi những gì khác biệt và không thể kiểm soát, nên họ đổ tội cho những gì không thể kiểm soát để phủ nhận lòng tham của chính mình. Nếu không có Dr Manhattan, Mỹ và Liên Xô có chạy đua vũ khí hạt nhân không? Thực tế là hai cường quốc này sẽ vẫn chạy đua vũ khí hạt nhân hoặc bất kỳ loại vũ khí nào cho đến khi nào phân định rõ được ai mới là bá chủ thế giới.
“Who watch the watchmen?” là một câu hỏi thể hiện cho tư tưởng dân chủ của Mỹ. Tư tưởng dân chủ đề cao tính giám sát của người dân trong nền chính trị, và ở đây, nó được thể hiện cho việc người dân mong muốn một cơ chế giám sát các anh hùng với sức mạnh và trí tuệ vượt trội, bất chấp việc những người hùng đó đã chiến đấu và bảo vệ người dân ra sao. Đây cũng là một chủ đề được đề cập nhiều trong các sản phẩm của Marvel và DC sau này (Superman bị người dân phả đối và đổ lỗi, các siêu anh hùng Avengers bị Liên Hiệp Quốc lên án và ép phải giải tán, những dị nhân X-men bị xã hội loại người kì thị và năm lần bảy lượt tìm cách tiêu diệt…).
>> Tìm hiểu thêm về các vấn đề Vũ Khí Hạt Nhân:
Phỏng vấn Peter Kuznick: OPPENHEIMER vs Lịch Sử – Book Hunter
Rorschach – khi công lý mâu thuẫn với tương lai
Rorschach là một nhân vật mang tính người dẫn truyện. Sự xuất hiện Rorschach luôn đi kèm với các dòng suy nghĩ miêu tả về thực trạng của một xã hội bẩn thỉu chồng chất những âm mưu và sự đớn hèn của loài người. Rorschach có lẽ là nhân vật gần với The Comedian nhất. Nhưng khác với The Comedian, Rorschach là mẫu nhân vật hành động, là người phân biệt trắng đen rõ ràng và không bị rơi vào chủ nghĩa hư vô.
Thay vì ước mơ một cuộc sống êm đềm, Rorschach vẫn đi lại trên từng dãy phố để thực thi công lý mặc cho bị chính phủ kết án và sống ngoài vòng pháp luật. Qua cái nhìn phân định rạch ròi đầy phán xét của Rorschach, ta có thể thấy xã hội Mỹ hiện lên không phải là thiên đường: “Sáng nay phát hiện xác chó bị xe cán chết. Bước đi loạng choạng vì đói. Thành phố này sợ tôi. Tôi biết bộ mặt thật của nó. Phố xá biến thành cống rãnh. Còn cống rãnh thì ngập trong máu. Và chỉ cần nước tràn lên, tất cả lũ sâu mọt sẽ chết chìm. Tất cả rác rưởi từ những tên dâm đãng và giết người sẽ trôi lềnh bềnh ngang thắt lưng bọn chúng. Rồi những con điếm và bọn chính khách sẽ ngước lên gào: “Cứu chúng tôi”. Khi đó tôi sẽ nói khẽ “Không”. Giờ đây cả thế giới đang đứng kề miệng hố nhìn xuống địa ngục đẫm máu. Tất cả những thằng trí thức, lũ giải phóng… và bọn nịnh hót đột nhiên đều không thốt được câu nào. Dưới chân tôi, thành phố đáng ghê tởm này kêu gào như một cái lò mổ đầy lũ trẻ chậm phát triển và ban đêm bốc mùi hôi của bọn gian dâm với lương tâm chó má”.
Rorschach luôn mong muốn phân định rạch ròi chính tà, không chấp nhận những âm mưu đen tối và luôn truy cầu sự minh bạch. Biểu tượng mặt nạ với vệt mực trắng đen của Roschach đã thể hiện cho cách nhìn đời của anh ta. Roschach chỉ luôn nhìn đời qua hai mảng màu ấy, không có chỗ cho những khoảng màu nhờ nhờ. Chính bởi cách nhìn đời ấy, anh không thể chấp nhận được kế hoạch lập lại trật tự thế giới của Adrian Veidht tức Ozymandias và chọn lấy cho mình cái chết để bảo vệ nguyên tắc của bản thân.
Adrian Veidht hợp tác với Dr Manhattan – Một cuộc đánh đổi vì hòa bình
Adrian Veidht là mẫu anh hùng mang nhiều phẩm tính của nhân vật phản diện. Adrian Veidht được xây dựng dựa trên cảm hứng về Alexandre Đại Đế với tham vọng thống trị thế giới. Nhưng tham vọng thống trí của Adrian Veidht được hợp lý hóa bằng giải pháp giữ gìn trật tự thế giới. Để thực hiện tham vọng này, Veidht đã tiêu diệt toàn bộ những anh hùng có thể gây cản trở.
Veidht không muốn tạo ra chiến tranh, anh ta muốn ngăn ngừa chiến tranh. Và để ngăn ngừa chiến tranh, anh không chọn các giải pháp hòa bình và chính nghĩa, anh chọn việc trở nên mạnh hơn vượt trội so với đối thủ là Liên Xô, nói một cách khác, muốn chấm dứt cuộc đua thì hãy trở thành vô địch. Veidht sử dụng khả năng tính toán thiên bẩm của mình vào công việc kinh doanh và tạo ra trật tự mới cho thế giới.
Veidht là đại diện cho những ông chủ tập đoàn lớn thống trị nước Mỹ và thế giới, mà ngày nay số lượng của họ gia tăng đột biến trong thời Internet. Với cách suy nghĩ ấy, Veidht luôn coi những người như The Comedian và Roschach là mối nguy của xã hội, là đại diện cho tư tưởng phát xít, là những kẻ hoang tưởng. Veidht không chấp nhận những con người ấy trong trật tự mới mà anh ta đang chuẩn bị cho thế giới.
Dr Manhattan là một nhân vật có tầm nhìn tương tự với Adrian Veidht. Cũng như Veidht, Dr Manhattan không quan tâm đến công lý hay một vài người chết, mà quan tâm đến trật tự thế giới. Dr Manhattan không có tham vọng thống trị thế giới, anh ta chỉ muốn đóng góp công sức mình để ngăn chặn sử hủy diệt và giúp đời sống con người trở nên tốt đẹp hơn. Đó là lý do Dr Manhattan vẫn làm việc cho chính phủ bất kể chính phủ và người dân đã công kích các Watchmen như thế nào.
Dr Manhattan là siêu anh hùng duy nhất của bộ truyện, bởi anh sở hữu các siêu năng lực như phân thân, dịch chuyển tức thời, tiên tri, nhận thức thế giới bằng cơ học lượng tử. Chính các siêu năng lực ấy đã khiến Dr Manhattan có một nhận thức khác hẳn so với những anh hùng khác. Anh có thể biết mọi sự thật nhưng không thể tác động thay đổi, anh không quan tâm đến sống chết cũng không quan tâm đến loài người. Cảm xúc đến với Dr Manhattan chỉ như một cơn gió thoảng qua bởi vì cùng một lúc anh sống trong rất nhiều thực tại. Dr Manhattan như một bậc thầy tâm linh đang xoay xở với các vấn đề nhỏ nhặt của thế gian.
Mặc dù Dr Manhattan đã từng là thứ vũ khí bất hoại của nước Mỹ nhưng anh vẫn bị đổ lỗi cho cuộc chạy đua vũ khí và nguy cơ chiến tranh giữ Mỹ và Liên Xô. Những nhận thức về cơ học lượng tử không giúp anh lý giải được các hành vi của con người và với anh tất cả đó chỉ là sự gây nhiễu đối với thế giới quan của anh, đúng như Laurie (Silk Spectre con) nhận định: “Nó giống như thế giới này đối với anh ấy chỉ là đi trong màn sương mờ và con người là những bóng mờ ảo đi trong màn sương”. Trong suốt tiến trình bộ phim, ta thấy sự gắn kết của anh với thế giới nhạt dần theo thời gian và những mối quan hệ. Dr Manhattan coi những việc anh làm cho thế giới là trách nhiệm cần làm và đến khi không còn sự gắn kết nào nữa, anh sẽ rời bỏ. Dr Manhattan là hình mẫu của các nhà thông thái đích thực muốn mang đến sự nhận thức của mình với thế giới và đối mặt với việc phần lớn thế giới không thể chấp nhận được. Nhận thức thế giới dưới cái nhìn siêu hình đã khiến Dr Manhattan thấu rõ thế giới nhưng cũng đồng thời thấy xa lạ với nó, bởi càng thấu rõ thì càng không còn mối liên hệ gì. Xem đoạn phim về nguồn gốc của Dr Manhattan, ta có thể thấy rằng anh ta đã trải qua cái chết về xác thịt và hồi sinh. Dr Manhattan như một bóng ma với sức mạnh siêu việt và có cái nhìn của một vị thần đối với thế giới loài người, một vị thần bất tử phải đối mặt với sự hữu hạn của tuổi thọ con người và nhận thức ngắn ngủi của họ. Dr Manhattan chỉ có thể thốt lên sau tất cả: “Tôi quá mệt mỏi với Trái Đất, với những con người ở đó, mệt mỏi bởi vướng vào mớ hỗn độn trong cuộc sống của họ.”
Nite Owl và tư tưởng nhân sinh
Trong số các anh hùng Nite Owl tức Dan Dreiberg là người không có bất cứ phán xét nào với con người và thế giới. Tác giả của cả truyện tranh và phim cũng không tiết lộ cho chúng ta biết về cách nhận thức hay cách đánh giá về cuộc đời của Dan.
Sau khi các anh hùng bị cấm hoạt động, Dan sống một cuộc đời lặng lẽ trong bóng tối đơn độc với các phát minh kỹ thuật của mình. Dưới hầm nhà Dan là những dãy đường hầm dẫn đến khắp nơi trong thành phố, tàn tích của thời đại anh hùng mà anh và các đồng đội đã trải qua. Dan không có tham vọng duy trì công lý cũng không muốn tạo ra trật tự mới dù anh rất thông minh và mạnh mẽ.
Dan là mẫu người lười hành động và anh chỉ hành động khi những người thân thiết với anh gặp nguy hiểm, đặc biệt là sau cái chết của Nite Owl đời trước – một người Dan rất kính trọng. Khi hành động, Dan vẫn giữ nguyên tắc cứu mạng người là trên hết. Dan có thể thấu hiểu được sự mong muốn đồng cảm và đời sống bình thường của Silk Spectre (đôi khi không biết cô này đi làm anh hùng để làm gì), hiểu được sự cô độc của Dr Manhattan, hiểu được sự giận giữ của Roschach, hiểu được tham vọng điên cuồng của Veidht.
Mặc dù nhiều nhà phê bình truyện tranh cho rằng Dan chỉ là sự tái hiện Batman của DC, nhưng Dan lại có các phẩm tính hoàn toàn khác: phẩm tính của một anh hùng hiểu lòng người, trân trọng mạng sống của con người, và cũng chính bởi thế không thể ra tay hành động như các anh hùng khác.
Năm hình mẫu triết lý chính trị
Năm hình mẫu anh hùng này là đại diện cho năm triết lý sống, năm hình mẫu người vĩ đại, năm lối ứng xử của các chính trị gia đối với thế giới. Những hình mẫu này hợp tác với nhau, xung đột với nhau và tất cả đều xung đột với đám đông loài người.
Veidht mong muốn hòa bình trên thế giới bằng cách thống nhất thế giới nhưng loài người chỉ quan tâm đến việc phân phát năng lượng miễn phí khắp thế giới là xu hướng xã hội chủ nghĩa. Dr Manhattan muốn đưa những nhận thức tuyệt đỉnh của mình để nâng cao nhận thức của nhân loại nhưng loài người chỉ muốn biến anh thành thứ vũ khí. Roschach muốn thực thi công lý và sự thật nhưng pháp luật của loài người xếp anh vào loại tội phạm nguy hiểm. The Comedian và Nite Owl là hai hình mẫu khác, hai hình mẫu không có lý tưởng như hai mặt đối lập. Họ trở thành anh hùng vì họ có năng lực và có những nhiệm vụ phải thực thi. Sự khác biệt của họ là ở nguyên tắc sống. Nguyên tắc sống của The Comedian là coi thường mọi sinh mạng còn Nite Owl trân trọng mọi sinh mạng.
Năm hình mẫu này đã cho thấy quy mô triết học mà bộ truyện tranh cũng như bộ phim này đạt tới. Tất cả sự xung đột của các nhận thức ấy được biểu hiện trên thực trạng xã hội Mỹ những năm sau 75, tạo ra các phân mảnh xã hội, sự đổ vỡ của niềm tin và giá trị sống phương Tây. Đó mới là sự hủy diệt. Nhưng đúng như Dr Manhattan đã nhận định khi chạm gần mốc hủy diệt chỉ mang tính biểu tượng và mọi thứ không phải là sự kết thúc.
Cả bộ phim là một cuộc tranh cãi, chiến đấu chống lại nhau của những anh hùng để mang lại hòa bình cho những con người luôn chống lại họ. Đây quả thực là một trò đùa, một trò đùa lớn lúc hạ màn. Một kết thúc buồn cho những ai có cái nhìn của các anh hùng và một kết thúc đắc chí cho những người chống lại anh hùng. Sau tất cả, những âm mưu vẫn phải che giấu, người tốt vẫn phải mang tiếng xấu, loài người vẫn tiếp tục tham lam và sẽ vẫn có nhiều người phải chết oan để chuộc tội cho lòng tham của nhân loại. Thế giới vẫn tiếp tục ở trong một nền hòa bình giả tạo.
Hà Thủy Nguyên
> Đọc thêm: