Home Đọc “Vụ án” của Kafka và những chiều kích của số phận

“Vụ án” của Kafka và những chiều kích của số phận

Franz Kafka  là một nhà văn lỗi lạc gốc Do Thái, người đã đi tiên phong và tạo nên sự “đột biến ” trong văn xuôi đầu thế kỷ XX. Các sáng tác của Kafka đa phần đã bị chính ông tiêu hủy. Những tập bản thảo còn sót lại chủ yếu được nguời bạn thân Max Brod biên tập và cho xuất bản sau khi ông qua đời. Ở Việt Nam, Kafka được biết đến tương đối muộn. Độc giả “tiếp xúc” với ông trước hết là qua bản dịch “Vụ án” của nhà nghiên cứu Phùng Văn Tửu chuyển ngữ từ bản dịch tiếng Anh. Gần đây, NXB Nhã Nam ra mắt bạn đọc tác phẩm này, được dịch trực tiếp bằng tiếng Đức.
“Vụ án” là câu chuyện kể về anh nhân viên ngân hàng Josef K. Một sớm nọ, vào ngày sinh nhật lần thứ 30 của mình, K. thức dậy, thấy xuất hiện hai người lạ mặt mặc đồng phục tự xưng là người của tòa và tuyên bố anh bị kết án. Từ một công nhân mực thước, K trở thành tên tội phạm. Thoạt tiên anh ngờ đấy là một trò đùa, song mấy kẻ lạ mặt chỉ một mực gán anh có tội mà không hề cho anh biết mình bị tội gì, chỉ khẳng định là làm theo lệnh cấp trên. K bị cuốn vào vòng xoáy đi tìm nguyên nhân bản án cũng như chạy tội cho bản thân.
Nếu chỉ dừng lại ở tên tiêu đề và một, hai chương đầu của cuốn sách, người đọc có thể định hình trong đầu đó là một cuốn sách trinh thám. Trung tâm của một cốt truyện trinh thám bao giờ cũng là một vụ án bí hiểm, xoay quanh nhân vật : nạn nhân – thám tử – tội phạm.Quá trình điều tra sẽ giúp người đọc nhận ra đâu là kẻ đáng lên án, đâu là người được ngợi ca. “Vụ án” của Kafka sẽ đưa người đọc đến một trạng thái khác của trinh thám, một cách “giả trinh thám”. Josef K bị bắt khi anh không hề biết mình mắc tội danh gì. Những nhân vật xuất hiện trong truyện như họa sĩ Titorelli, bà Grubach, cô Brustner, bạn cô Brustner, luật sư Huld,…. không ai trong số họ hỏi đến lí do K. bị bắt, không ai hỏi K. bị buộc tội gì mà ai cũng nhận giúp đỡ K., khiến cho anh phải công nhận “Sao lắm người định giúp đỡ mình thế’’. Không có sự xuất hiện của nạn nhân, K vừa là tên tội phạm vừa là thám tử điều tra về chính bản án của mình. Kafka đã ném Josfe K vào không gian sống, vào xã hội với các chi tiết và tình huống truyện đầy phi lý.
Nếu lần đầu đọc tác phẩm văn chương thuộc dòng văn học Phi lý, người đọc khó có thể tiếp nhận “Vụ án” một cách dễ dàng như đọc các tác phẩm trước đây. Bởi trong tác phẩm của mình, ông thường sử dụng các kiểu câu dài, nhiều mệnh đề, mà sự liên kết của chúng tương đối lỏng lẻo, rất dễ gây khó hiểu cho người đọc. Ví dụ như câu văn : “Mấy hôm sau, vào một buổi tối, khi K. đang đi trong dãy hành lang ngăn cách văn phòng của anh với cầu thang chính, anh là một trong những người ra về sau cùng và ở ngân hàng chỉ còn lại hai người đương thanh toán nốt một số việc được sai phái trong quầng ánh sáng tròn nho nhỏ của một ngọn đèn điện, thì nghe thấy những tiếng thở dài lại bắt đầu” (chương 5: Tên đao phủ) hay “Chúng tôi từng hy vọng được thăng cấp và chắc chắn ngay cả chúng tôi cũng đã có thể trở thành nhân viên phạt trượng như viên thanh tra đây là người có cái may mắn chưa bao giờ bị tố cáo vì chuyện đó thật sự rất hiếm khi xảy ra lắm  còn bây giờ, thưa ông, tất cả thế là đi đời, con đường tiến thân của chúng tôi chấm dứt, người ta sẽ chỉ dùng chúng tôi vào những công việc còn thứ yếu hơn cả việc canh giữ các bị can, đã thế chúng tôi còn bị trận đòn nên thân này nữa.” Các câu văn nhiều mệnh đề này gợi chúng ta nhớ đến diễn ngôn dòng ý thức của các nhà văn hậu hiện đại. Không chỉ các câu văn, sự liên kết của các chương cũng tạo bất ngờ cho người đọc. Chúng ta có thể đọc xáo trộn các chương mà không làm mất đi nội dung chính của tác phẩm. Chính lý do này khiến “Vụ án” tương đối khó đọc với những người đã quen với cách tự sự thông thường
Hơn nữa,  Kafka còn “ném” người đọc vào thế giới hỗn tạp các loại không gian: văn phòng hành chính, nhà trọ,nhà riêng,tòa án, nhà thờ,… Song song với sự cố tình co hẹp không gian đời tư, bóp ngẹt đời sống con người, Kafka đã mở rộng tối đa đường biên của không gian cộng đồng – không gian hành chính pháp luật, tôn giáo….Người đọc dễ dàng nhận thấy sự ngột ngạt, chật chội trong các căn phòng đời tư thiếu ánh sáng. Những chiếc cửa sổ dường như chỉ khiến không gian thêm nặng nề, thiếu sinh khí. Thậm chí, hầu như tất cả các tòa nhà đều là tòa án. Các văn phòng tư pháp của tòa mọc lên khắp mọi nơi khiến cho K. hoàn toàn “mù tịt” không biết đâu là nơi ở, đâu là phòng làm việc của tòa “ Hầu hết tầng nóc nhà nào cũng có các văn phòng ấy”, chính xưởng vẽ của Titorelli cũng “nằm trong khu vực của tòa”. Nhà thờ – nơi ngự trị của đáng hiền minh tối cao, đấng cứu thế cứu giúp con người giờ đây cũng biến thành tòa án. Điều này chúng ta liên tưởng đến thời đại Kafka sống,đầu thế kỉ XX, khi mà niềm tin tôn giáo không còn, đối với ông, sáng tác mới là tín ngưỡng thiêng liêng nhất
Một trong những điều khiến Kafka đã làm nên sự đột phá là:  nếu như các nhà văn khác khu biệt nhân vật bằng tên ( ít nhiều phản chiếu dấu ấn lịch sử xuất thân) thì với Kafka, việc đặt tên các nhân vật trong “Vụ án”cũng không còn cần thiết. Ông khoác cho nhân vật mình một cái tên viết tắt, như một kí hiệu, nhà văn dường như muốn thông báo đó là dấu hiệu khuyết thiếu, biến dạng đầu tiên của con người thời hiện tại. Thậm chí, đến nghề nghiệp của nhân vật cũng được định danh một cách rất mơ hồ. Kafka đã khu biệt nhân vật bằng những cái tên đi kèm với nghề nghiệp một cách trừu tượng : viên mõ tòa, hiến binh, người bõ coi đồ thờ, đao phủ, em bé gái, nhân viên ngân hàng Josef  K., luật sư Huld, họa sĩ Totorelli, thanh tra Vilem,… Tuy nhiên những danh từ chỉ nghề nghiệp thực chất chỉ là hình thức. Vì các nhân vật này không bao giờ làm đúng phận sự nghề nghiệp của mình cả: một nhân viên ngân hàng được coi là mẫn cán như Josef  K. cũng chẳng mấy khi có mặt tại văn phòng làm việc, toàn bộ hành động và tâm tư của anh dồn vào vụ án, hay luật sư Huld không tìm cách bào chữa cho nhân thân của mình mà luôn tìm cách kéo dài vụ án, hay những tên lính tòa chỉ biết giám sát người nhưng cũng không biết họ mắc tội gì,…
Chúng ta thường biết tâm lý và tính cách là hai yếu tố có liên quan mật thiết với nhau, tạo nên thế giới tinh thần của con người, bộc lộ bản chất con người trong thực tại mà nhà văn tạo nên. Ở “Vụ án”, K có nét tâm lí đầy ám ảnh, nhưng chúng không được tạo thành một quá trình tâm lí logic hoàn chỉnh. Những phản ứng tâm lí của Josef  K. cũng hết sức kì cục, khi “chẳng làm điều gì nên tội, thế mà một buổi sáng kia Josef  K. bị bắt”. Anh không lo lắng nhiều về việc vì sao mình bị bắt, cái anh băn khoăn hơn cả là khi đến văn phòng, anh sợ mọi người biết mình bị buộc tội, sợ mình bị mất uy tín ở văn phòng và khu nhà trọ. Sau khi lớn tiếng biện minh cho mình ở tòa án, mà vẫn không thay đổi được tình hình, anh mặc nhiên chấp nhận mình bị buộc tội với một thái độ dửng dưng đến kì lạ, đến nỗi ông chú của anh đã phải thốt lên: “sự dửng dưng của mày làm tao phát điên lên được”… Đây là những trạng thái cảm xúc, những thái độ hoàn toàn lệch chuẩn so với tình thế bi kịch hiện tại mà nhân vật đang vấp phải. Nó khiến cho sự tồn tại của những nét tâm lí này trong nhân vật trở nên phi lí theo logic thông thường
Nhiều người xếp Kafka vào trường phái biểu hiện, một số khác cho rằng Kafka thuộc chủ nghĩa hiện sinh. Tuy vậy, tính đa văn hóa, đa tầng nghĩa của các tác phẩm của Kafka cùng với thế giới nghệ thuật độc đáo vẫn là trở ngại lớn khi xét Kafka thuộc trường phái nào. Nhưng thôi, trường phái nào cũng không quan trọng, bởi trường phái chỉ là sự giới hạn mà thôi, như nhà văn Oscar Wilde đã từng nói: “Định nghĩa là giới hạn”. Tầm vóc thực sự của Kafka nằm ở những biến chuyển chiều sâu trong tâm lý con người được thể hiện qua nhân vật K.
Ngay sau khi bị bắt, Kafka đã để nhân vật chấp nhận sự phi lý của việc bắt bớ không tội danh bằng câu nói của viên thanh tra: “Chúng tôi nào có hơn anh” Đấy là sự mị dân của tầng lớp thống trị đương thời. Bởi vậy mà người có quyền hành và người bị buộc tội vừa có quan hệ trên dưới vừa có quan hệ bình đẳng. Chính điều này đã làm cho một con người hoàn toàn lương thiện nghĩ mình có tội và tìm cách chạy tội. Quá trình chạy tội của K. cũng đồng nghĩa với việc bóc trần bộ mặt của chế độ hành chính thời bấy giờ. Bị bắt, K. đã tỏ vẻ không hề bất ngờ. Anh đến trước toà biện minh cho sự trong sạch của mình, nhưng từng bước, con người phản kháng ấy dần nhường chỗ cho con người chấp nhận và chạy vạy để tìm hiểu về cái án mà anh bị buộc tội, cũng như mong chờ sự giúp đỡ.
Quyền lực tối cao trong “Vụ án” không bao giờ lộ diện nhưng chúng có sức mạnh thống trị và khả năng chi phối vô biên. Cái án của K. không những kì quặc ở kiểu tuyên án mà còn ở kết cục có thể tạm tha hoặc hoãn xử chứ không thể được tha bổng. Bởi cái quyền ấy thuộc về tòa án tối cao. K. là nạn nhân vì anh không có tiền và có quyền để đến một cái kết bất lực “Như một con chó!”.
Cấu kết trong tác phẩm luôn ẩn chứa nỗi kinh hoàng vô tận. Nó đúc kết một chuỗi các biến cố bên trên theo hướng thuận chiều, tương ứng với cuộc chạy tội long đong bất thành của anh. Như vậy, Kafka dựng lên trong tác phẩm của mình cái vô nghĩa lý trong sự tồn tại của kiếp người. Sự tha hóa và cái chết là không thể tránh khỏi của con người hiện đại. Ông là một người “tiên tri” cho xã hội với sự phát triển của công nghiệp và máy móc mà ở đó, con người tự phủ định sự tồn tại của chính mình. Con người, mà điển hình là nhân vật K., không tìm thấy chân lý để bấu víu, để tìm lối thoát. Họ như bị “bịt mắt” trước một xã hội đầy rẫy sự tha hóa. Có thể nói, Kafka đã đặt ra vấn đề thân phận con người như là hệ quả của hoàn cảnh xã hội – lịch sử cụ thể. Cái phi lý như một sự dẫn dụ vô cùng sáng suốt cho nhân vật cũng như xã hội bộc lộ rõ bản chất của mình.
“Vụ án” Kafka viết với một giọng văn lạnh lùng, khách quan, ông ném vào tác phẩm tất cả những “nỗi căm hờn của kiếp người hiện đại”. Tuy vậy, Kafka không cổ xúy cho cái phi lý, cái bi đát, nỗi cô đơn, sự bất lực,… Với ông, cuộc sống đồng nghĩa với việc tranh đấu và vươn lên. Trong “Vụ án”, ta dễ dàng nhận thấy nhân vật K. cố tìm cho ra nguyên nhân bản án cuả mình mặc dù chính con người anh cũng đầy những phi lý, bất lực. Nhận thức và mô tả cái phi lý trong tác phẩm, Kafka như gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho con người đồng thời cất lên tiếng kêu cứu, giải thoát cho kiếp người. Đó là chiều sâu nhân đạo trong tác phẩm “Vụ án” khi viết về hành trình đi tìm “bản án” của K.
Không phải ngẫu nhiên Kafka luôn được mệnh danh là “Thần tượng của các thần tượng”, các sáng tác và sự ảnh hưởng của ông đến với thế hệ sau này là một minh chứng tiêu biểu. Tuy nhiên, văn chương của ông tương đối khó tiếp nhận với độc giả thông thường. Chúng ta cần phải đọc văn học phi lý này trong sự đối chiếu “có lý” ở hiện tại. Hiện nay, “Vụ án” có hai bản dịch đang được lưu hành : Bản dịch từ bản dịch Tiếng Anh của nhà nghiên cứu Phùng Văn Tửu và bản dịch trực tiếp từ tiếng Đức của dịch giả Lê Chu Cầu. Dịch các tác phẩm của Kafka cũng là một thách thức cho dịch giả. Tuy dịch trực tiếp từ tiếng Đức nhưng bản dịch mới gần đây của Nxb Nhã Nam chưa thực sự truyền tải được đúng tinh thần của Kafka. Những mệnh đề để đảm bảo đúng nguyên tắc được thêm chủ ngữ và ngăn cách bằng dấu câu khiến đặc trưng ngôn ngữ của Kafka vì thế khó nhận biết được. Nên chăng chúng ta cần đọc cả hai bản dịch để thấy được những giá trị ẩn giấu trong tác phẩm…
 Phạn Ngọc Lan
Học viên lớp Viết để biểu hiện bản thân, nay là Coaching Viết Nghiêm túc 

“HÓA THÂN” CỦA KAFKA: BI KỊCH CỦA CON NGƯỜI CÁ NHÂN KHI BỊ ĐÓNG KHUNG TRONG CÁI NHÌN CỦA XÃ HỘI

Từ trước đến nay, Hóa thân của Kafka vẫn được xem như là cuốn sách hàm chứa nhiều lớp nghĩa: Phản ánh mối quan hệ cha-con, thế giới bị đồng tiền chi phối, sự thay đổi (chủ động hay bị động), hoặc sự lạc lõng của con người giữa những người thân, đồng nghiệp… Người đọc đọc cuốn tiểu thuyết vẫn thường rơi vào cảm xúc hụt hẫng, buồn trùng xuống khi câu chuyện kết thúc, cũng là khi biết bao suy nghĩ về số