Home Chuyên đề tháng VIVENDI – Gã khổng lồ giải trí Pháp giúp Paris đăng cai Olympic 2024 và ông trùm đứng sau kênh truyền hình K+ đình đám tại Việt Nam

VIVENDI – Gã khổng lồ giải trí Pháp giúp Paris đăng cai Olympic 2024 và ông trùm đứng sau kênh truyền hình K+ đình đám tại Việt Nam

Ngay sau khi Lễ khai mạc Thế vận hội Olympic tại Paris 2024 được đăng tải trên các kênh truyền hình toàn câu, một cuộc tranh luận lớn đã nổ ra trên báo chí và cộng đồng mạng quốc tế cũng như ở nước ta. Olympic Paris đã có một màn trình diễn hoành tráng với nhiều màn diễn “dị giáo” gây tranh cãi đồng thời cũng có nhiều màn diễn cho thấy tài năng khuấy đảo trái tim khán giả của những nghệ sĩ Pháp. Đằng sau những xôn xao dư luận này là sự bề thế của một nền công nghiệp văn hóa lừng lẫy của nước Pháp, mà “gã khổng lồ” VIVENDI với tài sản truyền thông phong phú đã phản ánh sự bề thế của nó. Ít ai biết rằng, chính VIVENDI là tập đoàn đã giúp Paris đăng cai Thế vận hội Olympic 2024 bằng tài nguyên truyền thông phong phú của mình. 

Tại Việt Nam, ảnh hưởng của VIVENDI ít được báo chí đề cập tới, nhưng trên thực tế, chúng ta vẫn sử dụng những sản phẩm mà nền tảng mà VIVENDI sở hữu. Ngoài nghe những ca khúc nổi tiếng mà VIVENDI ký kết qua công ty con Universal Music Group; quen thuộc với những game đình đám do Gameloft phát hành như Assasin’s Creed, Fast & Furious, Prince of Persia…, chúng ta còn thường xuyên xem các chương trình thể thao và phim trên K+. K+ là dịch vụ truyền hình thuê bao dựa thuộc sở hữu của Công ty Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV) vốn là liên doanh giữa Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) với công ty Canal+ Overseas (trực thuộc Canal+ của VIVENDI). K+ đã có mặt ở Việt Nam từ 2009 với khẩu hiệu đầu tiên là “Mở rộng tầm nhìn người Việt” và đến nay là “Ngợp giải trí”. Và đúng như slogan này, K+ trở thành thương hiệu quen thuộc với bất cứ ai mê bóng đá và phim truyền hình.

VIVENDI – gã khổng lồ giúp Paris đăng cai Olympic Paris 2024

Website chính thức của Vivendi cho biết, tập đoàn này là công ty truyền thông duy nhất trong số các nhà tài trợ chính thức đã giúp Paris thành công đăng cai Thế vận hội Olympic và Paralympic 2024. Tập đoàn này đã cung cấp kiến thức chuyên môn cho Ban tổ chức và phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động nổi bật. 

Thương hiệu OFF.tv thuộc Universal Music Pháp (công ty con của VIVENDI) đã sản xuất khoảng 50 video đưa tin tức về Paris 2024. Ngoài ra, trong Ngày Olympic tổ chức vào ngày 23 và 24 tháng 6, Prequell, một nghệ sĩ của Universal Music, cùng với 80 nhạc sĩ, đã dàn dựng một buổi diễn lại của Ravel’s Bolero trong buổi biểu diễn trực tiếp trên đường chạy nổi giữa cầu Pont Alexandre-III và Pont des Invalides.

Bên cạnh đó, Canal+, kênh truyền hình thuộc sở hữu của VIVENDI) đã quảng bá đấu thầu Paris trên các kênh thể thao của mình (Canal+ Sport, Infosport+) và thông qua các hoạt động khác (Liên hoan phim Cannes, Césars của Pháp, Grand Journal và Touche Pas à chương trình trực tiếp Mon Poste). Canal+ cũng sản xuất một bộ phim tài liệu hậu trường dài 20 phút về hoạt động quảng bá quốc tế cho Paris 2024 và mỗi tuần một lần dành riêng một phân đoạn của chương trình “Le+” trên Infosport+ cho Paris 2024.

Gameloft (thương hiệu game lừng lẫy, cũng thuộc sở hữu của VIVENDI) đã thiết kế một trò chơi nhỏ cho phép người dùng khám phá giá thầu Paris cho Thế vận hội theo cách vui nhộn và mang tính tương tác. Người chơi được mời đến thăm các địa điểm chính đã lên kế hoạch cho Thế vận hội Olympic 2024 ở Paris, từ Chateau de Versailles đến Tháp Eiffel, chọn hóa thân vào Teddy Riner hoặc Marie-Amélie Le Fur, hai nhà vô địch Olympic người Pháp. Cho đến nay, hơn 850.000 lượt chơi đã được ghi lại.

Tuy đóng vai trò lớn trong quá trình đăng cai, nhưng VIVENDI không trực tiếp tham gia vào quá trình tổ chức Olympic, thay vì đó, là LVHM, một đối thủ đáng gờm của VIVENDI là nhà tài trợ cao cấp của Olympic Paris 2024. LVHM (viết tắt của Moët Hennessy & Louis Vuitton) là một tập đoàn đa quốc gia của Pháp được thành lập từ năm 1987, sở hữu một loạt các thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitto, Dior, Moët & Chandon, Hennessy, Tiffany & Co, Parfums Christian Dior… Các thương hiệu thời trang của LVHM đã tham gia vào quá trình thiết kế thời trang và hình ảnh cho Thế vận hội Olympic Paris 2024 này. CANAL+, đài truyền hình đình đám từng độc quyền phát sóng các chương trình thể thao, giờ đây cũng không giữ được vị thế độc quyền phát sóng các cuộc đấu Olympic Paris, mà đã rơi vào tay gã khổng lồ giải trí Mỹ là Warner Bros. Discovery. Dù vậy, vai trò đặc biệt giúp Paris đăng cai Olympic 2024 vẫn cho thấy sức mạnh chính trị và văn hóa của tập đoàn này.

Hình ảnh gây tranh cãi trong Olympic Paris 2024. Nguồn ảnh: The Times of Israel

Sự trỗi dậy của VIVENDI trong công nghiệp văn hóa Pháp

Ra đời muộn tại Pháp (năm 1990) và thất bại trong cuộc cạnh tranh trên Internet, nhưng gã khổng lồ truyền thông VIVENDI đã xoay xở chuyển hướng. Đến cuối năm 2019, tập đoàn đã có chỗ đứng trong nhiều phân khúc giải trí bao gồm âm nhạc thu âm – với Universal Music Group (UMG); truyền hình và điện ảnh với Canal+ Group; quảng cáo với Havas Group; xuất bản sách với Editis; trò chơi điện tử (Gameloft); và các hoạt động giải trí cũng như nghệ thuật với Vivendi Village (gồm các công ty đại diện chuyên quản lý tài năng, các địa điểm biểu diễn trực tiếp, nền tảng bán vé, v.v.). Ngoài ra, Dailymotion, nền tảng chia sẻ video (tương tự như Youtube của Mỹ và Tiktok của Trung Quốc) cũng được VIVENDI mua lại từ tập đoàn viễn thông Orange S.A. Tham vọng vươn rộng toàn cầu, VIVENDI mua lại cổ phần của nhiều tập đoàn truyền thông lớn tại Châu Phi, Ý, và Ấn Độ. Quy mô tài chính của VIVENDI khá nhỏ so với các gã khổng lồ truyền thông khác trên thế giới, đặc biệt so với Mỹ, tuy nhiên, tập đoàn này vẫn giữ vị trí hàng đầu tại Pháp và có ảnh hưởng lớn tại Châu Âu, tương đương với BERTELSMANN của Đức

Những nghiên cứu trong cuốn sách “VIVENDI – Quyền lực của sáng tạo nội dung và định hình thẩm mỹ trong văn hóa giải trí toàn cầu” của Philippe Bouquillion (dịch giả Lê Đình Chi), thuộc bộ sách NHỮNG GÃ KHỔNG LỒ TRUYỀN THÔNG qua góc nhìn kinh tế chính trị”, cho thấy rằng VIVENDI không được hình thành từ một thực thể kinh doanh đơn lẻ mà là tập hợp của nhiều thực thể với nhiều tiền thân khác nhau. 

Tiền thân cổ nhất của VIVENDI là một công ty cấp nước của Pháp tên là Compagnie Général des Eaux (CGE), được thành lập từ 1853. Ngay khi ra đời, CGE đã được ưu tiên độc quyền với sắc lệnh của Đế chế Napoleon III yêu cầu Lyon trao quyền cấp nước, đồng thời được kinh doanh tạo lợi nhuận và mở rộng phạm vi hoạt động vươn xa khỏi thành phố này. Ngoài cung cấp nước, CGE còn cung cấp nhiều dịch vụ đô thị khác như xử lý rác, bãi đậu xe công, giao thông công cộng, v.v. và có mối quan hệ phức tạp với chính giới Pháp. 

Tiền thân lớn thứ hai của VIVENDI phải kể đến Havas. Công ty này thậm chí còn lâu đời hơn CGE, được thành lập từ năm 1835 bởi một cựu chủ ngân hàng tên là Charles-Louis Havas (1754 – 1858). Năm 1825, Havas đã thành lập hãng dịch thuật riêng chuyên dịch thuật các tin tức nước ngoài cho báo chí Pháp, và đến năm 1835, ông đã chuyển đổi mô hình công ty sang cung cấp tin tức từ Pháp cho báo chí nước ngoài với thương hiệu Havas Agency. Trong lịch sự hoạt động của, công ty có mối quan hệ chặt chẽ với nhà nước Pháp  dưới “Chế độ quân chủ tháng Bảy” (1830 – 1848) và được sự ủng hộ của giới tư sản Pháp. Năm 1838, chính phủ Pháp chính thức yêu cầu Charles-Louis Havas chuẩn bị một “ban thư tín cấp bộ” chuyên cung cấp thông tin cho giới quan chức nhà nước. Truyền thống này cho thấy vai trò tư vấn của Havas đối với chính trị Pháp lúc bấy giờ.  Kể từ khi Emile de Girardin khai sinh ra phương thức quảng cáo trên tờ La Presse, Havas cũng chuyển đổi mô hình báo chí của mình sang quảng cáo và mua bán, sáp  nhập các công ty khác nhau. Cuối những năm 1960, Havas từng bước mở rộng sang lĩnh vực tư vấn truyền thông và từ đầu những năm 1970 công ty này bước vào báo chí thương mại, xuất bản sách và truyền hình trả tiền với kênh truyền hình Canal+. Việc hỗ trợ nước Pháp đấu thầu thành công Olympic 2024 có lẽ dựa trên bề dày chính trị, truyền thông và kinh doanh của Havas Group. Lần lượt từng bước, CGE thâu tóm Havas Group và hoàn thành quá trình này vào năm 1998 với tên gọi mới là VIVENDI. 

Vivendi không ngừng mua đi bán lại, thâu tóm, sáp nhập. Năm 1998, Vivendi mua lại nhà phát hành các phần mềm và trò chơi giáo dục tại Mỹ là Cendant Software với giá 678 triệu euro, thức thức bước vào mảng trò chơi điện tử. Bên cạnh đó, còn đầu tư vào các phòng biểu diễn trực tiếp, đến năm 2001, Vivendi mua lại Olympia, sân khấu hòa nhạc với bề dày lịch sử tại Paris được xây dựng từ năm 1888, đã chứng kiến những màn diễn kinh điển của Edith Piaf, The Beatles, Bob Dylan, Adele, Coldplay… Đình đám nhất là vụ sáp nhập công ty điện ảnh Pathé lâu đời nhất và lớn nhất nước Pháp với quy mô sở hữu nhiều bản quyền phim, hệ thống rạp chiếu và sản xuất truyền hình. Năm 2000, VIVENDI chính thức trở thành VIVENDI UNIVERSAL khi sáp nhập Seagram, một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ ở lĩnh vực truyền thông, điện ảnh với các xưởng phim của Universal và âm nhạc ghi âm với MCA và Polygram. Bên cạnh đó, VIVENDI UNIVERSAL không ngừng mua lại các nhà xuất bản sách và học liệu tại Pháp, Brazil, Argentina…; các mạng lưới truyền thông ở Kenya, Maroc, Ba Lan…Năm 2001, Vivendi mua lại câu lạc bộ thể thao Paris Saint-Germain (bóng đá) và 100% quyền sở hữu mạng cáp lớn nhất tại Pháp là NC Numericable. Thông tin được cung cấp từ cuốn sách nghiên cứu về VIVENDI cho biết: “Nguồn vốn cho những hoạt động mua lại này một phần đến từ việc công ty bán đi những cổ phần thiểu số mà họ đang nắm giữ ở nhiều công ty khác nhau. Chẳng hạn, tháng 1 năm 2001, Canal+ bán cổ phần của mình ở Eurosport France (39%) và Eurosport International (49,5%) cho TF1 (vào thời điểm đó cũng như cho đến năm 2020 vẫn là kênh truyền hình chính có nguồn tài chính từ quảng cáo tại Pháp) với giá 300 triệu euro. Những cổ phẩn này trước đó Canal+ đã mua ngang giá từ ESPN vào tháng 2 năm 2000 với số tiền 80 triệu euro (TF1 cùng lúc đó cũng mua cổ phần của các công ty này từ ESPN theo hình thức tương tự). Các thương vụ này đã đem lại cho Vivendi khoản lợi nhuận tài chính tuyệt hảo.” (Trang 54)

VIVENDI vẫn liên tục mua bán sáp nhập mặc dù luôn ở bờ vực phá sản, họ cũng không ngừng bán lại các cổ phần, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, ngoài ra cũng rút lui khỏi ngành xuất bản sách và báo chí tại Mỹ và Châu Âu. Tuy vậy, gã khổng lồ này tiếp tục duy trì chiến lược mua lại 100% các công ty muốn thâu tóm, và từ đó tới nay chú trọng hơn vào vào lĩnh vực giải trí và truyền hình. Nhưng những phân tích kinh tế của VIVENDI cho thấy tiềm lực tài chính của tập đoàn này khá chông chênh và có lẽ chỉ những đầu tư của Havas Group là thực sự mang lại nguồn tiền ổn định nuôi sống gã khổng lồ giải trí này. Bên cạnh Havas Group, các công ty con khác của VIVENDI vẫn đang duy trì và xoay xở hoạt động như Universal Music Group, Canal+, Editis, Gameloft, Vivendi Village – đều là những đơn vị có cơ sở vững chắc sở hữu di sản sáng tạo và thông tin phong phú, có thể tạo ra nguồn thu trực tiếp. Ví dụ Vivendi Village mua lại chục lễ hội lớn và liên tục sáng tạo các lễ hội hoặc sự kiện của riêng mình; hay Universal Music Group ký kết với nhiều tên tuổi lớn như The Beatles, The Rolling Stones, U2, Andrea Bocelli, Lady Gaga, Taylor Swift, Queen, Helene Fischer, Billie Eilish…; hoặc Gameloft sở hữu hơn 2800 nhà phát triển game phát hành trên rất nhiều nền tảng đa phương tiện…

Tìm hiểu thêm: Bộ sách “Những gã khổng lồ truyền thông qua góc nhìn kinh tế – chính trị” (10 cuốn) – Benjamin Birkinbine, Rodrigo Gomez, Janet Wasko (biên tập) – Book Hunter Lyceum

Từ công cụ tuyên truyền của chính phủ thành công nghiệp văn hóa xuyên quốc gia

Quay trở lại với tiền thân của VIVENDI, ta có thể thấy một quá trình chuyển đổi từng bước một từ công hữu sang tư hữu. Quyền cấp nước vốn dĩ thuộc sở hữu của chính quyền thành phố Lyon đã bị ép chuyển sang cho CGE, tiền thân quan trọng nhất của tập đoàn này. Ta cũng có thể thấy quá trình tương tự diễn ra với CANAL+. 

Những năm 1950, truyền hình có vị trí trọng yếu trong nền chính trị Pháp, được mệnh danh là “tiếng nói của nước Pháp”, nhằm mục tiêu thúc đẩy điện ảnh và nền công nghiệp nghe nhìn theo chủ trương tuyên truyền của Charles de Gaulle. Lúc bấy giờ, Charles de Gaulle tin rằng ngành truyền hình có thể trấn áp được những tiếng nói phản đối ông ta ở các trang báo in. Do đó, dưới chế độ của de Gaulle, truyền hình Pháp bị kiểm duyệt rất gắt gao. Chỉ sau những năm 1980, sự kiểm duyệt mới được nới lỏng với chủ trương dung hòa văn hóa và kinh tế thị trường tại Pháp. CANAL+ được thành lập để đón đầu làn sóng chuyển đổi văn hóa và chính trị này với mô hình doanh thu có được nhờ thuê bao trả trước. Havas Group, do sự chỉ định của chính phủ Pháp, đã đóng vai trò lớn trong thành lập CANAL+ và nắm giữ 45% cổ phần. Sự chỉ định của chính phủ Pháp này, theo nhà nghiên cứu Philippe Bouquillion, là “rất thường gặp tại Pháp thời kỳ đó, và đến năm 2020 hiện nay vẫn còn được áp dụng ở mức độ nhất định. Chính phủ can thiệp gián tiếp vào nền kinh tế thông qua các công ty công nghiệp là tư nhân về mặt pháp lý nhưng có vốn thuộc sở hữu nhà nước. Sự can thiệp này là một phần của một chính sách công nghiệp, và trong trường hợp này còn là một phần của một chính sách nghe nhìn.” (trang 185) Ít bị kiểm duyệt hơn, đi theo định hướng kinh tế thị trường, có vốn đầu tư của tư nhân, công ty truyền hình mang tính chính trị này vẫn có thể “kiến tạo một dòng xã luận mới không bảo thủ hay theo chủ nghĩa tinh hoamà mở rộng cho đa số khán giả và sẽ giúp tạo ra một kiểu nội dung “hiện đại” có thể xuất khẩu” theo mô hình của HBO (trang 187). Dù có sự can thiệp và đỡ đầu của chính phủ Pháp, nhưng CANAL+ đã và đang trong khó khăn trầm trọng, một phần đến từ sự đi xuống của chính phủ, và phần lớn đến từ sự đuối sức trong cuộc đua với Netflix và nhiều nền tảng phát sóng online khác. Trước đó, một loạt các chính sách khắt khe của chính phủ Pháp về quyền sử dụng sản phẩm văn hóa nội địa, các chi phí pháp lý… đã khiến CANAL+ và các công ty truyền thông nội địa mất đi ưu thế trong cạnh tranh với Netflix cũng như nhiều kênh nghe nhìn trực tuyến đa quốc gia khác vốn có trụ sở ở quốc gia khác với cơ chế cởi mở hơn nhưng nhờ luật Châu Âu mà họ vẫn được hoạt động tự do tại Pháp. Cuốn sách đã trích dẫn lời của Maxime Saada, chủ tịch Canal+ Group rằng “Ngày nay nếu chúng tôi có nhiều quyền hơn với các loạt phim mà chúng tôi tài trợ thì chúng tôi có thể sản xuất nhiều hơn nhiều, khi đó chúng tôi sẽ ở trong vị thế cạnh tranh tương tự như Netflix […]” (trang 208)

Nếu Jean-Marie Messier, chủ tịch đời đầu của VIVENDI xuất thân từ tầng lớp bình dân và đi lên bằng thành thăng tiến trong Bộ Tư Pháp và đầu tư vào lĩnh vực tài chính ngân hàng cùng tài thuyết khách siêu hạng, thì Vincent Bolloré, chủ tịch của VIVENDI hiện nay là một ông trùm lớn trọng yếu của giới tư bản với khối tài sản lớn thứ 17 tại Pháp, và mối quan hệ mật thiết với chính giới. Philippe Bouquillion viết về Vincent Bolloré như sau: “Vincent Bolloré không thiếu vốn xã hội. Sinh năm 1952, ông xuất thân từ tầng lớp tư sản thượng lưu công nghiệp và tài chính. Bà ngoại ông, Nicole Goldschmidt, là một chiến sĩ kháng chiến trong Thế chiến Thứ hai, từng gia nhập hàng ngũ của tướng de Gaulle tại London. Bản thân bà xuất thân từ một gia đình ngân hàng lâu đời có quan hệ liên minh với các gia tộc Rothschild và Bischoffsheim. Do đó bà là sợi dây liên hệ giúp Vincent Bolloré kết nối với tầng lớp thượng lưu của giới tư bản châu Âu. Mặt khác, gia đình cha ông là những nhà công nghiệp người Breton, họ thành lập Bolloré Group từ năm 1822. Không như các cựu giám đốc điều hành khác của Vivendi, Vincent Bolloré không tốt nghiệp từ một “Grande Ecole” (Học viện cao cấp). Ông được đào tạo tại trường đại học, lấy được cả bằng thạc sĩ và tiến sĩ. Bolloré đã phát triển đáng kể doanh nghiệp của gia đình sau khi tham gia vào tập đoàn này từ đầu thập niên 1980. Trước đó, trong những năm 1970, ông là phó giám đốc của Compagnie Financière, một ngân hàng đầu tư lớn và có ảnh hưởng của Pháp thuộc sở hữu của Edmond de Rothschild. Trong sự nghiệp của mình, ông đã đạt tới một vị trí ở tầm quốc gia, và thậm chí trong một số khía cạnh còn ở tầm quốc tế, sau khi chỉ đạo một số thương vụ mua lại mà sau đó đã giúp Bolloré Group nắm chắc thành công.” (Trang 222, 223) Philippe Bouquillion cho biết thêm rằng sự xuất hiện của Bolloré chính là “con ngựa thành Troy” giúp VIVENDI thâm nhập vào Ý và Châu Phi. Mới quan tâm của Vincent Bolloré dành cho truyền thông rất rõ ràng, ông ta đầu tư vào VIVENDI với mong muốn dẫn dắt dư luận phục vụ các mục tiêu kinh tế và chính trị của chính ông. 

Dù “rẽ ngang” vào VIVENDI, nhưng sự xuất hiện của Vincent Bolloré đã thúc đẩy sự chuyên môn hóa của gã khổng lồ này. Thay vì đầu tư dàn trải như những tiền nhiệm, dưới sự “cai trị” của Bolloré, “giải trí đã thành ADN của VIVENDI” với hoạt động kinh doanh chính là quản lý tài năng, và doanh thu từ sở hữu trí tuệ chiếm đến hơn 50% tổng doanh thu (năm 2018). Với quy mô và vị thế của mình, VIVENDI tất yếu có ảnh hưởng tới thị hiếu thẩm mỹ toàn cầu, mà cụ thể ở đây, được Philippe Bouquillion chỉ rõ, chính là “văn hóa dựa chủ yếu trên các sản phẩm văn hóa công nghiệp, đặc biệt là từ các công ty lớn của Mỹ. Thứ văn hóa thương mại này gắn liền với việc quá trình toàn cầu hóa được các công ty xuyên quốc gia lớn như Vivendi Universal thúc đẩy, quá trình này khác biệt đáng kể so với chiến lược đã dẫn công ty tới sự đa dạng hóa trong lĩnh vực truyền thông vào thập niên 1990. Chiến lược cũ này xuất phát từ hy vọng rằng các công ty công nghiệp liên kết với nhà nước, nhất là qua mua sắm công, sẽ quảng bá văn hóa Pháp ra nước ngoài và hỗ trợ cho các ngành công nghiệp văn hóa Pháp, từ đó đóng góp đáng kể vào GDP và tỷ lệ việc làm tại nước này.” (trang 233, 234). Tuy nhiên, trên thực tế, dự định này đã hoàn toàn thất bại. Tệ hại hơn, tầm nhìn này để lại một tiền lệ xấu về kiểm duyệt do sự quản lý độc đoán của Vincent Bolloré. Ông ta sẵn sàng sa thải bất cứ cấp quản lý hay ngôi sao nào của VIVENDI hoặc can thiệp vào nội dung đăng tải hay các quy tắc biên tập nhằm phục vụ mục đích cá nhân hoặc tập đoàn Bolloré của gia đình. 

Đến nay, VIVENDI vẫn đang trong cơn khủng hoảng cả về tài chính và đường lối, cùng chiều hướng với tình trạng bất ổn tại Pháp. Qúa trình thâu tóm và móc ngoặc chính trị của VIVENDI dù giúp tập đoàn này vươn ra toàn cầu nhưng đồng thời hạn chế tiềm lực của các công ty con mà nó thâu tóm. Văn hóa truyền thông và giải trí Pháp qua sự nhào nặn của VIVENDI đã khiến các giá trị thương mại kiểu Mỹ thâm nhập và làm mờ dần gu thẩm mỹ kiểu Pháp ở quốc gia này. Nhưng tệ hại nhất, đó là sự kiểm duyệt đến từ tầng lớp lãnh đạo tập đoàn. Philippe Bouquillion kết luận: “Tầm quan trọng của mô hình kiểm soát gia đình trong các ngành công nghiệp văn hóa và truyền thông tại Pháp, và nhất là tại Vivendi – tập đoàn lớn nhất của Pháp trong lĩnh vực này, đã tạo nên một mối đe dọa hiển hiện đối với sự đa chiều thông tin. Việc nắm quyền kiểm soát một doanh nghiệp công nghiệp như Vivendi cũng cho phép một cá nhân trở thành một người chơi quyền lực trong trò chơi gây ảnh hưởng trong giới chính trị và kinh tế, vốn là hai giới có mối liên hệ rất khăng khít tại Pháp, một quốc gia nơi nhà nước can thiệp vào nền kinh tế theo nhiều cách – mà các ngành văn hóa và truyền thông là một cách.” (Trang 259)

Hà Thủy Nguyên

Tiếp cận các đế chế truyền thông qua lăng kính phê bình kinh tế chính trị

Dù bạn là người làm việc với bàn giấy hay sử dụng công cụ bằng tay chân, ít nhiều trong một ngày bạn cũng đều dùng tới máy tính hoặc điện thoại thông minh để kết nối vào Internet. Và chính tại lúc này, bạn sẽ trở thành khách hàng, trở thành một người sử dụng các nội dung truyền thông được cung cấp bởi rất nhiều các tập đoàn truyền thông khổng lồ trên thế giới. Thậm chí nếu bạn không lên Internet, bạn
le-nam

Lê Nam

14/05/2024