Home Chuyên đề tháng Truyền thông và nâng cao dân trí

Truyền thông và nâng cao dân trí

Truyền thông là con dao hai lưỡi, vừa có thể thao túng và nhào nặn tâm trí của chúng ta khiến chúng ta nhận thức thực tại một cách lệch lạc, nhưng cũng vừa mở cho chúng ta một nhãn quan mới, cung cấp cho chúng ta kiến thức mới… Từ xa xưa, giao tiếp trực tiếp giữa người với người trong một cộng đồng là phương thức truyền thông cơ bản và mang tính bản năng nhất. Từ phương thức giao tiếp xa xưa mà chúng ta vẫn gọi là truyền khẩu này, rất nhiều hình thức truyền thông đã được hình thành: sự truyền dạy từ thày sang trò, lễ hội văn hóa cộng đồng, thơ ca dân gian, các khúc hát dân gian, thần thoại, cổ tích… Dù các biểu hiện khác nhau, nhưng đều được tạo nên bởi các nhân tố có tài năng và sức ảnh hưởng trong cộng đồng, và thường hàm chứa tri thức dân gian nhằm truyền giao tay nghề, kinh nghiệm sinh tồn, kinh nghiệm đối nhân xử thế. Chữ viết và các công nghệ truyền thông như sách, truyền hình, truyền thanh, Internet… đã mở rộng phạm vi và quy chuẩn hóa toàn bộ quá trình truyền thông phục vụ dân trí này, nhưng đồng thời cũng là chỗ phát tán những xu hướng có hại, những thói quen lệch lạc, những sự tù hãm trong nhận thức. 

Từ giữa thế kỷ 20, khi chứng kiến quyền lực của truyền thông trong kích động hệ thống chính trị, quân đội và dân chúng… bị đưa đẩy vào hai cuộc thế chiến, chủ nghĩa tiêu dùng, chủ nghĩa bạo động, chủ nghĩa dân tộc cực đoan…, những nhà nghiên cứu văn hóa và truyền thông đã nhận ra rằng truyền thông là công cụ hữu hiệu để kiểm soát tâm trí xã hội, và thật đáng sợ khi chúng bị sử dụng vào mục đích xấu. Truyền thông có thể duy trì tình trạng ngu dân, nhằm dễ dàng tuyên truyền thao túng tâm lý, giữ vững quyền lực của cá nhân hoặc một nhóm người thượng tầng trong xã hội. Sự bùng phát của Internet đầu thế kỷ 21, càng dấy lên sự lo ngại này, bởi khi những thông điệp mị dân hoặc tin giả được thúc đẩy và lan tỏa bởi chính các thuật toán hay các chiến dịch lan truyền do chính những nhóm cá nhân sở hữu phương tiện truyền thông. Đúc rút lại ý này, xin mượn lời được cho là của vocalist huyền thoại Jim Morrison của ban nhạc rock “The Door”: “Whoever controls the media, controls the mind” (nghĩa là “Ai kiểm soát phương tiện truyền thông, thì kiểm soát tâm trí”).

Đọc thêm:

Qủa vậy, sự kiểm soát phương tiện truyền thông trở thành một cuộc ganh đua gay gắt không kém dầu mỏ, vũ khí hạt nhân hay giờ đây là chất bán dẫn. Phương tiện truyền thông thường nằm trong tay hai thế lực chính: chính quyền và các tập đoàn. Tại các mô hình xã hội tư bản hoặc tư bản hóa, phương tiện truyền thông là công cụ được sở hữu bởi liên minh giữa chính quyền với tập đoàn. Mối quan hệ này tùy vào mô hình chính trị và các thiết chế mà biểu hiện công khai hoặc bí mật, liên tục hoặc rời rạc, tích cực hoặc tiêu cực,… và tất nhiên, cũng tùy vào mục tiêu của liên minh này để hướng nội dung truyền thông đến mục tiêu nâng cao dân trí hay sự ngu dân. Trên thực tế, mục tiêu thường không thuần nhất, có sự đan xen, vừa thỏa hiệp vừa triệt tiêu lẫn nhau. 

Sự nghiên cứu về mối quan hệ của chính quyền và tập đoàn trong truyền thông không đơn giản, và đến nay, dự án Global Media Giants do Phó giáo sư Benjamin Birkinbine chủ xướng, là công trình đi đầu trong chủ đề mới mẻ và mạo hiểm này. Đi từ phân tích trường hợp của từng “Gã khổng lồ truyền thông”, Birkinbine cung cấp nhiều kịch bản khác nhau trong ảnh hưởng của liên minh chính quyền – tập đoàn tới chính trị, kinh tế và văn hóa. Tuy nhiên, trong bài viết này, tôi sẽ chỉ đề cập một khía cạnh nhỏ mà dự án sách này chỉ ra, đó là tình trạng dân trí.

Tìm hiểu thêm: Bộ sách “Những gã khổng lồ truyền thông qua góc nhìn kinh tế – chính trị” (10 cuốn) – Benjamin Birkinbine, Rodrigo Gomez, Janet Wasko (biên tập) – Book Hunter Lyceum

Để bóc tách khía cạnh tác động tới “dân trí” của “Những gã khổng lồ truyền thông”, trước hết cần hiểu rõ chính khái niệm “dân trí”. “Dân trí” là một khái niệm đặc thù trong văn hóa Việt, mới xuất phát từ đầu thế kỷ 20, không có nghĩa tương đương trong tiếng Anh. Khái niệm này cũng rất khó để đưa ra định nghĩa chuẩn, bởi tùy thuộc vào mô hình chính trị và biến động xã hội mà nghĩa của nó cũng mở rộng theo. Được biết đến nhiều nhất, khái niệm này xuất hiện trong tuyên ngôn của Phan Chu Trinh: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Từ câu nói của nhà chí sĩ yêu nước này, ta có thể hiểu “dân trí” tương đương với năng lực trí tuệ của người dân, và theo Phan Chu Trinh, sứ mệnh của những nhà cải cách bắt đầu từ việc mở mang hay nâng cao năng lực trí tuệ này. Sau tuyên ngôn của Phan Chu Trinh, các nhà cách mạng và các nhà đấu tranh thường sử dụng khái niệm “dân trí” như là sự hiểu biết và thấm nhuận về các giá trị mà mô hình chính trị họ theo đuổi cần hướng tới. Tôi cho rằng, cách hiểu này là khiếm khuyết trên thực tế của sự phát triển và nhu cầu tự thân của chính người dân, và đặc biệt không tương thích với sự vận động xã hội ngày nay. 

Do đó, tôi tạm thời phân chia hoạt động nâng cao dân trí bao gồm những chức năng sau:

  • Tăng khả năng tiếp cận thông tin, xử lý thông tin và ra quyết định của người dân.
  • Tăng trình độ chuyên môn của người dân
  • Tăng kỹ năng xã hội và khả năng sử dụng quyền công dân

Những chức năng này thường được cung cấp bởi một hệ thống các quyền lực khác như hệ thống giáo dục và đào tạo nghề, doanh nghiệp, tổ chức xã hội dân sự, các viện nghiên cứu chuyên môn… hoặc từ chính bộ máy tuyên truyền của chính quyền. Các tập đoàn truyền thông thường đóng góp chủ yếu ở chức năng tăng khả năng tiếp cận thông tin, nhưng chưa giúp người dân học các xử lý hay ra quyết đinh; tạo cơ hội giao tiếp xã hội thông qua các giao thức liên lạc mới nhưng lại không giúp định hình các kỹ năng xã hội như sự đồng cảm hay vượt khỏi định kiến và đôi khi làm lu mờ hoặc lệch lạc ý thức về quyền công dân; chỉ khuyến khích người dân thích ứng với công cụ mới chứ không giúp họ nâng cao chuyên môn. Xuyên suốt các trường hợp “những gã khổng lồ truyền thông”, ta sẽ thấy quá nhiều giải trí và quá ít các hoạt động mang tính chất nâng cao dân trí. 

Đọc thêm:

Tỉ trọng hoạt động nâng cao dân trí trong các mảng kinh doanh của “Những gã khổng lồ truyền thông”

Năm 2017, ấn bản đầu tiên có tên “Global Media Giants” (Những gã khổng lồ truyền thông”) được Routledge xuất bản với 28 tiểu luận được với bởi 28 nhà nghiên cứu về 28 tập đoàn truyền thông có ảnh hưởng toàn cầu hoặc trong khu vực nhất định. Các tiểu luận này cung cấp cái những dữ liệu thô sơ về các tập đoàn này, chưa phân tích sâu được mối quan hệ mật thiết giữa các tập đoàn và chính quyền cũng như các động cơ kinh tế, chính trị của họ. Tuy nhiên, thông qua dữ liệu về cơ cấu tập đoàn, ta có thể nhận ra tỉ trọng các hoạt động liên quan đến nâng cao dân trí rất ít, bao gồm:

  • Tập đoàn National Amusements Incorporated (NAI) với các phim tài liệu do Công ty The Columbia Broadcasting System/CBS và nhà xuất bản Simon & Schuster (nhóm big4 trong xuất bản tại Mỹ). Simon & Schuster bắt đầu sự nghiệp xuất bản với dòng sách ô chữ nhằm khuyến khích người dân luyện tập trí não, và cũng rất đầu tư vào mảng sách nghiên cứu. Tuy nhiên, gần đây, NAI đã bán lại Simon & Schuster. 
  • Tập đoàn News Corperation với Nhà xuất bản HarperCollins và hệ thống báo chí khổng lồ: New York Post, Wall Street Journal, and National Geographic, Times, Fox News… Mới đây, dự án “Những gã khổng lồ truyền thông” đã công bố cuốn sách riêng nghiên cứu về News Corperation.
  • Tập đoàn Bertelsmann với nhà xuất bản Penguin Random House, tập đoàn báo chí và xuất bản Gruner + Jahr. Dự án “Những gã khổng lồ truyền thông” đã đi sâu phân tích Bertelsmann trong một cuốn sách riêng mà Book Hunter đã xuất bản. 
  • Grupo Prisa với hệ thống xuất bản sách giáo khoa, dịch vụ giáo dục, báo chí. Dự án “Những gã khổng lồ truyền thông” đã đi sâu phân tích Grupo Prisa trong một cuốn sách riêng mà Book Hunter đã xuất bản. Qua cuốn sách, ta có thể thấy Grupo Prisa đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi dân chủ tại Tây Ban Nha. 
  • Naspers Group Ltd của Nam Phi với nền tảng giáo dục trực tuyến và hệ thống báo chí. Đặc biệt, Naspers Academy đã giúp đào tạo kỹ năng và kết nối nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cho người trẻ. 
  • Nation Media Group Ltd của khu vực Đông Phi với hệ thống phát thanh, truyền hình, kỹ thuật số cung cấp kiến thức cơ bản cho người dân. Tập đoàn truyền thông này đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải thực dân hóa tại các quốc gia Đông Phi. 
  • Microsoft với hệ điều hành hỗ trợ công việc và học tập hiệu quả. 
  • Google với công cụ tra cứu, hệ thống phát hành ebook Google Book. Dự án “Những gã khổng lồ truyền thông” đã đi sâu phân tích Google trong một cuốn sách riêng mà Book Hunter đã xuất bản. 
  • Amazon với hệ thống phân phối sách giấy, ebook, và dịch vụ in POD giúp tăng khả năng tiếp cận sách. Dự án “Những gã khổng lồ truyền thông” đã đi sâu phân tích Amazon trong một cuốn sách riêng mà Book Hunter đã xuất bản. 

Những cuốn sách đi vào chi tiết hơn của “những gã khổng lồ truyền thông” lần được xuất xuất bản từ 2019 và đến nay đã có 11 tập đoàn được điểm tên, 10 cuốn trong số ấy đã được Book Hunter dịch và xuất bản tại Việt Nam. Tuy nhiên, từ 10 cuốn sách đi vào chi tiết, ta cũng chỉ có thể bổ sung thêm một số các mảng hoạt động nâng cao dân trí như sau:

Các tập đoàn khác, dù có quy mô rộng lớn và vươn vòi bạch tuộc tới mọi lĩnh vực trong xã hội, nhưng chủ yếu tập trung đầu tư vào công nghệ viễn thông, tài chính, giải trí, thương mại điện tử, mạng xã hội. 

Đương nhiên, danh sách những gã khổng lồ truyền thông của các nhà nghiên cứu thuộc dự án chưa thể điểm hết các tập đoàn truyền thông lớn trên thế giới do các giới hạn thâm nhập và tìm kiếm dữ liệu. Thế nhưng, khá dễ dàng để nhận ra rằng trong cơ cấu kinh doanh của hầu hết các tập doàn truyền thông, dù có sự tham gia ít nhiều của nhà nước hoặc không, vẫn ưu tiên những mảng mang lại lợi nhuận rõ rệt hoặc là công cụ để thúc đẩy những mảng đầu tư mang lại lợi nhuận lớn. Những hoạt động kinh doanh dù mang lại lợi ích về tri thức cho người dân, nhưng không đảm bảo lợi nhuận cũng thường xuyên bị cắt giảm ngân sách mở rộng hoặc mua đi bán lại. 

Tại các nước mà sự chuyển đổi xã hội diễn ra mạnh mẽ, tức là mô hình xã hội cũ đang thể hiện những bất ổn trong cung cấp đầy đủ cho người dân, thì truyền thông thường được phe cải cách sử dụng như công cụ hiệu quả để nâng cao dân trí như trường hợp ở Châu Phi và Mỹ Latin. Baidu là trường hợp đặc biệt khác, bởi đây là công cụ cạnh tranh quyền lực tri thức và công nghệ của nhà nước Trung Quốc với phương Tây. Nhà nước Trung Quốc đã dùng Baidu để hạn chế người dân tiếp cận với những kết quả tìm kiếm mà chính quyền nước này không mong muốn từ Google, đồng thời tạo dựng nền tảng Baike thay Wikipedia trong cung cấp một bách khoa thư online về kiến thức. Chức năng nâng cao dân trí mà Baidu cung cấp vừa mang tính chất tăng khả năng tiếp cận tri thức của người dân nhưng cũng vừa hạn chế khả năng này bởi sự kiểm duyệt nội dung và ngăn chặn người dân sử dụng Google. 

> Đọc thêm: Chính sách thúc đẩy Công nghệ thông tin và truyền thông của Trung Quốc – Book Hunter Lyceum

Những tập đoàn ở các nước phát triển với xã hội ít có sự chuyển đổi như Alphabet – tập đoàn sở hữu Google, Amazon, Microsoft, Bertelsmann, News Corperation, National Amusements Incorporated… thường coi chức năng nâng cao dân trí như một cơ hội kinh doanh bền vững đồng thời cũng là trách nhiệm xã hội. Các hoạt động nâng cao dân trí, đặc biệt là cung cấp kiến thức phục vụ học thuật và giáo dục là mảng kinh doanh có nhu cầu ổn định, tuy không tạo ra doanh thu đột phá nhưng rất ít gián đoạn, ngay cả trong bối cảnh xã hội phức tạp. Ngay cả khi các làn sóng thị trường lên xuống, mảng hoạt động này vẫn rất ít dao động. Ngoài ra, khi các tập đoàn này cung cấp công cụ mới cho người dân, như trường hợp Amazon, Google và Microsoft… họ đã trở thành những gã khổng lồ định hình văn hóa tư duy, lao động và thương mại mới mà trong đó người sử dụng lệ thuộc vào hệ sinh thái họ cung cấp. 

Video bản lưu cuộc trò chuyện Truyền Thông & Nâng Cao Dân Trí:

Tại Việt Nam, các hoạt động truyền thông nào giúp nâng cao dân trí?

Khi tìm kiếm mô hình truyền thông nâng cao dân trí tại Việt Nam, tôi đã cố gắng tìm hiểu các mô hình khác ngoài hoạt động xuất bản sách, nhưng rất khó khăn để xướng tên một thương hiệu start-up hay một dự án của các gã khổng lồ truyền thông Việt Nam, bởi lẽ chúng thường “yểu mệnh”. Ngay cả VTV, đơn vị truyền thông thuộc sở hữu của nhà nước, cũng chỉ cố gắng duy trì kênh truyền hình khoa học và giáo dục VTV2 với rất ít các series cung cấp kiến thức, chủ yếu mang tính chất đưa tin và tuyên truyền phổ biến thay vì tạo một nền tảng tri thức có tính hệ thống. Những nền tảng khóa học trực tuyến đã từng xuất hiện thường chỉ đáp ứng nhu cầu luyện thi; học tiếng Anh cấp tốc; hoặc cung cấp kỹ năng sơ đẳng trong các lĩnh vực chuyên môn như kinh doanh, marketing…không đủ để làm nghề. Không giống như Baidu hay Wikipedia, chúng ta cũng không có một hệ thống tra cứu kiến thức tiếng Việt, thậm chí ngay cả bản Wikipedia tiếng Việt cũng không hoàn chỉnh, cung cấp thông tin không chính xác và bị kiểm duyệt. Những trang báo có thể thực sự dấy lên các vấn đề về quyền công dân hay thúc đẩy sự tham gia của người dân như trường hợp các kênh của Grupo Prisa hay Grupo Clarín cũng không tồn tại, và nếu có cũng chỉ hoạt động trong một giai đoạn ngắn. 

Nói vậy có nghĩa là, gần như xuất bản sách là hoạt động truyền thông nâng cao dân trí duy nhất có tính tổ chức và có quy mô lâu bền. “Gần như”, bởi đâu đó vẫn có những phong trào mở rộng nhận thức thông qua các thảo luận hay các làn sóng trên mạng xã hội, nhưng chúng thường không bền. Đặc tính của phong trào là vậy, giống như những ngọn thủy triều, dâng lên rồi sẽ rút. Hoạt động xuất bản sách tự thân nó là một mô hình kinh doanh bền vững bởi tuy thị trường không rộng nhưng luôn có nhu cầu. Tuy nhiên, do sự kiểm soát của chính quyền đối với ngành xuất bản, các nhà đầu tư nước ngoài không được phép đầu tư vào mảng hoạt động này. Trong khi ấy, các tập đoàn lớn trong nước vẫn ngần ngại nhảy vào mảng xuất bản sách bởi tính chất nhạy cảm khó kiểm soát cũng như lợi nhuận thấp. Tính đến nay,trong số các “gã khổng lồ” ở Việt Nam, chỉ Vingroup bước vào xuất bản sách với khoản đầu tư vào Tân Việt và Savina – hai hệ thống phân phối. Các đơn vị xuất bản khác vẫn hoạt động như tập đoàn sách hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn. 

Trong tình trạng truyền thông nâng cao dân trí gần như là “tê liệt” tại Việt Nam hiện nay, việc vội vã đeo đuổi công nghiệp văn hóa giải trí như đầu tư vào game, phim ảnh giải trí, gameshow, lễ hội, du lịch… là nước đi thiếu tầm nhìn chiến lược. Thứ nhất bởi các ngành công nghiệp văn hóa không phải nhu cầu thiết yếu như học tập và thường mang tính xu hướng dao động theo thị trường, tức là ở thời điểm ta thấy một lĩnh vực “hot” thì sau khi đầu tư và triển khai, lĩnh vực ấy cũng đã bão hòa rồi. Thứ hai, tình trạng dân trí thấp không tạo ra lớp khán giả chất lượng và nguồn nhân sự có năng lực để sản xuất các sản phẩm văn hóa. Điều này có thể gây ra sự chi tiêu không thỏa đáng, khó kiểm soát được chất lượng cũng như đầu ra của sản phẩm. 

Việt Nam đang ở trong một giai đoạn chuyển đổi xã hội mạnh mẽ, với sự xuất hiện liên tục các cơ hội mới và những định chế cũ bị thách thức. Sự chuyển đổi này đòi hỏi một công cuộc nâng cao dân trí có tính hệ thống để đáp ứng những yêu cầu mới. Chúng ta thiếu những lao động chuyên môn chất lượng, thiếu những người dân có khả năng tiếp cận và xử lý thông tin giữa thời đại thông tin, thiếu những con người có kỹ năng xã hội và đặc biệt thiếu ý thức công dân. Thế nên trên phương tiện truyền thông của người Việt và người Việt thường xuyên sử dụng, ta thấy ngập tràn tin giả, tin rác, kiến thức thiếu kiểm chứng, những lời tục tĩu vô văn hóa, lừa đảo, nội dung giải trí độc hại, tuyên truyền quảng cáo một chiều phục vụ lợi ích nhóm… Và chúng ta mong chờ xây dựng nền công nghiệp văn hóa giải trí từ những nền tảng này ư?

Thay vì đó, hãy nhìn lại cách những gã khồng lồ truyền thông thế giới đã làm, chỉ cần một phần nguồn lực đầu tư vào mảng nâng cao dân trí, đã tạo ra rất nhiều đột biến. Còn các tập đoàn truyền thông Việt thì sao, chúng ta đang làm gì?

Hà Thủy Nguyên

Di sản giáo dục của Krishnamurti

Các bậc thầy tâm linh trong dòng lịch sử của nhân loại mỗi khi nhập thế để rồi rời bỏ thế gian, bên cạnh những lời giảng, thường để lại một di sản mang tính hiện thực hóa ý tưởng của họ. Đó có thể là giáo hội, có thể là tăng đoàn, có thể là một phương pháp tu, hay một trại thiền, một làng tâm linh…nhưng Krishnamurti (1895 - 1986), bậc thầy tâm linh độc lập có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20

Những cuốn sách giúp bạn hiểu hơn về Homeschooling

Homeschooling hay còn được dịch sang tiếng việt là " giáo dục tại gia " không phải khái niệm xa lạ đối với các bậc phụ huynh hiên nay. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều phụ huynh ngần ngại với hình thức giáo dục này. để giúp các bạn hiểu rõ hơn về homeschooling, Book Hunter xin được giới thiệu những cuấn sách phát biểu quan điểm, hướng dẫn phương pháp nghiên cứu về homeschooling. Những cuốn sách này hiện chưa được dịch sang tiếng Việt.

Tô Lông

06/07/2021

Khuôn mặt mới của Homeschooling (học ở nhà): 3 gia đình, 3 cách tiếp cận khác nhau

Giáo dục tại nhà (homeschooling) không còn chỉ là trẻ em được cha mẹ dạy ở nhà. Giáo dục tại nhà ngày nay diễn ra trong các cộng đồng chung (co-ops), trong các trung tâm giáo dục tại nhà và thậm chí ở một số trường công lập nơi mà trẻ em homeschooling được phép tham gia các môn thể thao và một số lớp học. Tỷ lệ học sinh ở nhà đã tăng gấp đôi từ năm 1999 đến năm 2012, theo Trung tâm
le-nam

Lê Nam

11/09/2018

Phỏng vấn Asa Wikforss về thách thức của giáo dục và dân chủ trong thời đại tin giả

Nhân dịp ngày Quốc tế Dân chủ 15/9, Book Hunter đã thực hiện cuộc phỏng vấn tác giả Asa Wikforss, tác giả của cuốn sách "Dữ Kiện Lấp Lửng" (Book Hunter & NXB Đà Nẵng, 2023) - một cuốn sách về những thách thức mà nền tri thức phải đối mặt trong thời đại Tin Giả (fake news). Åsa Wikforss có bằng tiến sĩ triết học tại Đại học Columbia, New York và là Giáo sư Triết học tại Đại học Stockholm. Bà có sự

Book Hunter

14/09/2023

Cuộc Cách mạng giáo dục đến từ mỗi chúng ta

Bạn đang trông chờ một cuộc Cách mạng thay đổi nền giáo dục? Bạn nghĩ rằng cuộc Cách mạng này sẽ đến từ những nhà nghiên cứu giáo dục hay đến từ các phong trào đấu tranh? Cuộc Cách mạng thay đổi nền giáo dục chỉ đến từ chính bạn: Khi bạn nói không với hệ thống giáo dục đang ngày một thối nát… Khi bạn sẵn sàng đương đầu với cuộc sống mà không cần sự thừa nhận của xã hội… Khi bạn dũng