Một trong những điều khó chịu hơn cả, nhưng lại rất căn bản, về con người đó là chúng ta không hiểu lắm về bản thân mình. Một khía cạnh của tâm trí chúng ta thường không thấu rõ về những gì đang diễn ra của phần còn lại vốn đang giận dữ, lo âu hay tìm kiếm điều gì đó. Chúng ta mắc phải rất nhiều lỗi lầm bởi mặc cảm vô minh này bủa vây.
Đây chính là điều văn chương có thể giúp ích, bởi trong nhiều trường hợp, văn chương biết về chúng ta rõ hơn chúng ta biết về bản thân và có thể cung cấp cho chúng ta sự lý giải về bất cứ điều gì có khả năng diễn ra trong tâm trí của chúng ta. Marcel Proust đã viết một cuốn tiểu thuyết dài về các nhân vật thuộc tầng lớp quý tộc và tư sản cao cấp sống ở Pháp đầu thế kỷ 20. Nhưng đến cuối cuốn tiểu thuyết, ông lại có một tuyên bố đáng chú ý. Cuốn tiểu thuyết của ông đã không nói về một ai đó xa xôi mà thực ra lại rất gần gũi với bạn: “Trên thực tế, mỗi độc giả, trong khi đọc, thường trở thành độc giả của chính mình. Tác phẩm của nhà văn chỉ đơn thuần là một dụng cụ quang học mà anh ta đưa ra cho độc giả để giúp anh ta có thể nhận thức những điều anh ta có thể sẽ không được trải qua nếu không có cuốn sách. Và sự thừa nhận của người đọc về bản thân anh ta được gửi gắm qua cuốn sách là bằng chứng xác thực cho điều đó”
Trong các tác phẩm hay nhất của kho tàng văn hóa, chúng ta có một ấn tượng sâu sắc rằng khi trải qua những vết hằn của sự đơn côi, sự sắc sảo và nhẫn nại hiếm hoi sẽ được hình thành. Chúng ta có thể tự hỏi bằng cách nào mà tác giả có thể biết được những điều sâu kín bên trong chúng ta, những ý tưởng thường bị gián đoạn bởi bàn tay vụng về của chúng ta khi chúng ta cố gắng nắm bắt chúng, lại được tuôn trào tại đây. Ví dụ như những kiến thức tự học được cung cấp bởi một trong số các nhà văn yêu thích của Proust, một triết gia của thế kỷ 17 có tên Le Duc de La Rochefoucauld, tác giả của tuyển tập dụ ngôn mỏng tên là “Maxims”:
“Chúng ta đều có đủ sức mạnh để chịu đựng bất hạnh của người khác.”
Ý tưởng này khá gần với một dụ ngôn khác:
“Có vài người sẽ không bao giờ biết yêu, nếu họ không được biết rằng tình yêu tồn tại.”
Và một dụ ngôn khác không kém phần nổi tiếng:
“Nói rằng mình không bao giờ tán tỉnh ai thì bản chất cũng là một lời tán tỉnh.”
Chúng ta chắc chắn sẽ mỉm cười ngay khi hiểu ra. Chúng ta ở tại đây với chính mình. Chúng ta chỉ không hề biết cách để diễn đạt một điều gì đó cô đọng và nhã nhặn.
Khi Proust so sánh văn chương như “một loại dụng cụ quang học”, những gì ông hàm ý chính là nó như một cỗ máy cao cấp giúp chúng ta tập trung vào những gì chúng ta hiểu về bản thân mình và những người xung quanh. Các tác giả lớn khiến những thứ mơ hồ trở nên rõ ràng. Ví dụ, một khi chúng ta đã đọc Proust, và sau đó bị người yêu ruồng bỏ vì họ mong muốn được “có nhiều thời gian riêng tư hơn” do họ quá “rối bời”, chúng ta sẽ thấu rõ hơn nhờ vòa những dòng viết của Proust: “Khi hai người chia tay, người hết yêu chính là người nói ra những lời ngon ngọt.” Sự sáng suốt sẽ không mang người yêu quay trở lại, nhưng lại mang đến những điều tốt nhất giúp chúng ta cảm thấy bớt rối bời, và đơn độc đối mặt với nỗi bất hạnh của cảnh bị bỏ rơi.
Càng đọc nhiều tác giả, nhận thức của chúng ta về tâm trí càng phát triển. Các nhà văn vĩ đại đều được ca tụng là những nhà thám hiểm – không kém phần phi thường so với Magellan hay Cook – dám bước vào những góc cạnh mới và bí hiểm của bản thân. Một số nhà thám hiểm khám phá ra các châu lục, một số khác giành cả đời để định vị một vài hòn đảo, hoặc thậm chí chỉ là một con sông, thung lúc hay khe núi. Tất cả đều xứng đáng được tưởng thưởng vì đã sửa chữa lại sự dốt nát mà chúng ta đã mắc phải trong khi đi vòng vòng với thế giới. Nhà thơ Nhật Bản Matsuo Basho đã diễn tả sáng rõ cảm giác cô đơn, Tolstoy đã giải thích về ham muốn, Kafka giúp chúng ta nhận thức về sự kinh khủng của cường quyền, Camus dẫn chúng ta đến với những cái tôi bị bỏ rơi và tê liệt của chúng ta, còn với chỉ dẫn của Philip Roth, chúng ta nhận thức được điều gì đang diễn ra với tình dục trong bóng đêm của cái chết.
Nhà văn Anh thế kỷ 20 Virgina Woolf thường đau ốm luôn. Nhưng bởi vì bà là một nhà văn với nhiệm vụ diễn tả các cảm xúc, bà bắt đầu – trong một bài tiểu luận mẫu mực có tên “Ốm đau” (“On being ill”) – bằng cách than thở về việc chúng ta ít có xu hướng làm rõ cảm giác đau ốm thực sự là như thế nào. Chúng ta vô tình nói rằng chúng ta không khỏe, hoặc bị đau đầu, nhưng chúng ta thiếu từ vực chuyên về bệnh tật. Nguyên nhân chủ chốt cho điều này: rất ít tác giả tài năng viết về điều này. Như Woolf nhận xét: “Tiếng Anh có thể diễn tả những suy nghĩ của Halet và bi kịch của vua Lear, nhưng không có ngôn từ nào cho sự rùng mình và đau đầu. Cô gái xinh đẹp nhất, khi cô yêu, đã có Shakespeare hoặc Keats nói hộ lòng cô, nhưng để một người bệnh cố gắng mô tả cơn đau trong đầu anh ta với bác sĩ thì ngôn ngữ lại trở nên khô cứng”. Đó là một trong những sứ mệnh tuyệt vời của Woolf với tư cách một nhà thám hiểm văn chương. Bà tập trung vào những gì mỏi mệt, gần như muốn khóc, quá yếu ớt để mở ngăn kéo, bị kích thích bởi một áp lực trong tai hoặc bị bủa vây bởi những âm thanh phập phồng gần ngực. Woolf trở thành Columbus về sự đau ốm.
Hiệu ứng của việc đọc một cuốn sách với nhiều tình tiết khiến độc giả rung động ít thôi nhưng quan trọng đó là, một khi ta đặt cuốn sách xuống và quay trở lại với cuộc sống, ta có thể để ý tới đúng những điều mà chính tác giả sẽ hành động nếu như họ đang song hành cùng ta. Với thiết bị quang học mới của chúng ta, chúng ta sẵn sàng để nhận diện những đối tượng mới hiện lên qua ý thức. Sự chú ý của chúng ta sẽ bị thu hút bởi những sắc thái của bầu trời, sự thay đổi của sắc mặt, sự giả tạo của một người bạn, hay ngập chìm trong nỗi buồn mà trước đó ta chưa từng trải qua. Một cuốn sách sẽ khiến ta rung động, kích thích những giác quan đã ngủ quên bằng gia tăng khả năng nhạy cảm của chính chúng. Đó là lý do tại sao Proust đề xuất, trong các câu văn mà ông khiêm tốn không bao giờ kéo dài thành tác phẩm của mình, rằng:
“Nếu chúng ta đọc một kiệt tác của thiên tài, chúng ta hân hoan vì đã tìm ra sự phản chiếu của chính bản thân chúng ta mà coi thường, những niềm vui và nỗi buồn mà chúng ta cố che giấu, toàn bộ thế giới cảm xúc chúng ta đã khinh miệt, và những giá trị của cuốn sách mà trong đó chúng ta chợt khám phá ra.”
Những dòng này có liên hệ với một trích dẫn tương tự của Ralph Waldo Emerson:
“Trong tâm trí của các thiên tài, chúng ta nhận ra rằng, một lần nữa, những suy nghĩ bị bỏ quên của chúng ta”.
Không phải chúng ta chỉ học về bản thân học được qua nền văn hóa. Đương nhiên còn có tâm trí của những người xa lạ, đặc biệt là những điều chúng ta không thể học theo cách thông thường. Với dụng cụ quang học này trên tay, chúng ta sẽ học được về đời sống gia đình ở Trinidad, về tuổi mới lớn ở Iran, về trường học ở Syria, tình yêu ở Moldova và tội ác ở Hàn Quốc. Chúng ta đi qua các vệ sĩ vào phòng ngủ của Đức vua (chúng ta nghe thấy ông ngáy ngủ và thì thầm với tình nhân), hay với những người cùng khổ, với các biệt thự nghỉ mát của những gia đình thượng lưu hay nhà xe của các gia đình trung lưu.
Cảm ơn tất cả những điều này, chúng ta có một cơ hội quý báu để thư giãn và sửa sai. Văn chương khiến thời gian trôi nhanh hơn, nó có thể đưa cả một đời người, một thập kỷ trong một chương sách, và để chúng ta nghiền ngẫm cái hậu quả của những quyết định trong chính cuộc đời chúng ta. Chúng ta có cơ hội chứng kiến những gì có thể diễn ra khi chúng ta quan tâm đế nghệ thuật thay vì tiền bạc, hay chỉ về các tham vọng thay vì những đứa trẻ, những gì diễn ra khi chúng ta khinh miệt người thường hoặc quan tâm đến người khác nghĩ gì. Văn chương có thể giúp chúng ta tránh các sai lầm. Tất cả những anh hùng tự tử, những linh hồn bất hạnh đã phạm tội theo cách họ bị hành hạ hay các nạn nhân qua đời với nỗi cô độc trong căn phòng tồi tàn, đều đang dạy chúng ta một điều gì đó. Văn chương là thực tại giả lập tốt nhất, một cỗ máy giống như máy bay, cho phép chúng ta trải nghiệm một cách an toàn những tình huống đáng kinh ngạc nhất mà trên thực tế có lẽ ta phải mất nhiều thời gian hoặc phải lao vào nguy hiểm, với hi vọng rằng chúng ta sẽ không bao giờ hiểu một cách lệch lạc về bản thân, đâm đầu mù quáng vào nguy hiểm, và gây ra các thảm họa.
Người dịch: Vũ Minh (Học viên lớp “Tự học tiếng Anh nghiêm túc” )
Biên tập: Lê Duy Nam
Nguồn: https://www.thebookoflife.org/what-is-literature-for-3/