Home Đọc Suy giảm khả năng cảm thụ văn chương, có đáng lo?

Suy giảm khả năng cảm thụ văn chương, có đáng lo?

Tô Lông

17/10/2016

Một thực tế không thể chối cãi, số lượng đọc văn chương ở Việt Nam hiện nay ngày một ít đi. Văn chương thậm chí còn không được xếp vào loại hình văn hóa “xa xỉ”. Hiện trạng này có thực sự là một vấn đề đáng lo ngại? Có phải chỉ đáng lo ngại với những nhà văn, nhà thơ? Hay vấn đề cần phải đặt ra ở bình diện xã hội? Đương nhiên, nếu vấn đề cảm thụ văn chương được đặt ra, không ít người sẽ cho rằng khi người dân còn chưa được sống yên lành, môi trường còn ô nhiễm thì ai mà quan tâm đến văn chương. Họ quên rằng, chính trong những thời điểm đen tối nhất, văn chương luôn xuất hiện như những cứu cánh. Bởi vậy, lợi ích của nghệ sĩ sáng tác, tôi sẽ đặt sang một bên. Ở đây, tôi muốn nói đến vấn đề cảm thụ văn chương trên bình diện xã hội.

Nếu các bạn vào nhà sách,  ghé thăm quầy sách có ghi hai chữ “Văn học”, các bạn sẽ thấy một thực trạng nực cười khi những tác phẩm lớn được giải Nobel được đặt ngang hàng cùng với những cuốn tiểu thuyết thị trường, những tác phẩm kinh điển của văn chương Việt Nam thời 30-45 được xếp cùng với tiểu thuyết sến… Thậm chí, khái niệm “Văn học” cũng được sử dụng sai. “Văn học” có nghĩa là ngành nghiên cứu về văn chương. Trong khi ấy, kệ sách đó có bán sách về “ngành nghiên cứu văn chương” đâu. Hiện trạng này cho thấy, ngay cả những người bán sách, xuất bản sách cũng không phân biệt được những khái niệm sơ đẳng nhất. Và đương nhiên, từ “văn học” này được lạm dụng trên tất cả các mặt báo để ám chỉ bất cứ một tác phẩm tiểu thuyết hay truyện ngắn nào được xuất bản. Nếu ngay cả những người đóng vai trò cung cấp thông tin đến người đọc lại có cái nhìn sai lệch như vậy, liệu người đọc có thể đưa ra lựa chọn đúng đắn. Thật không khác nào để tất cả thực phẩm tươi ngon vào chung với thực phẩm kém chất lượng rồi gọi đó là “văn hóa ẩm thực”.

Nếu các bạn phải dậy con nhỏ học bài, các bạn chứng kiến những đứa trẻ học thuộc lòng tác phẩm và văn mẫu của cô giáo mà không hiểu ý nghĩa thực sự của từng câu từng chữ trong đó, các bạn sẽ nghĩ gì? Chấp nhận lối học văn này cho đủ điểm lên lớp và trở thành người thành đạt ư? Một lựa chọn quen thuộc của chúng ta! Nhưng mấy ai trong số chúng ta nhận thức được rằng đó là điều ngớ ngẩn. Mấy ai nhận thức được rằng cảm thụ văn chương là một nhu cầu cần thiết, cũng giống như con người cần phải được hít thở không khí sạch vậy. Một khi chúng ta thấy vừa lòng với không khí bẩn, đồng thời chúng ta cũng vừa lòng với việc để con cái mình có một tâm trí không lành mạnh bằng cách học thuộc lòng văn mẫu. Đó là còn chưa kể đến văn mẫu chứa trong nó những nhận thức lệch lạc về quy chuẩn tư tưởng và đọc hiểu tác phẩm.

Một trong các nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm khả năng cảm thụ văn chương, không thể không nhắc tới vấn đề học văn và dạy văn trong nhà trường. Việc dạy và học văn trong nhà trường, cũng giống như tất cả các môn học khác, đều tạo cho cả giáo viên và học sinh áp lực. Học sinh cần học, học thuộc thật nhiều để đủ điểm qua môn học. Giáo viên cần thi đua nên ai cũng áp đặt học sinh phải theo chuẩn của Bộ giáo dục để đạt đủ điểm. Không còn mấy ai có đủ thời gian, đủ kiên nhẫn để truyền đạt sự hứng thú vào học sinh, để hướng dẫn học sinh khả năng tự tìm tòi và giải mã các tác phẩm văn chương. Tất cả những điều ấy khiến các em học sinh từ cảm thấy bị áp lực đã chuyển sang chán ghét.

Nguyên nhân không kém phần quan trọng đó là sự lên ngôi của văn hóa thị trường. Chúng ta không nên nhìn văn hóa thị trường là các sản phẩm dưới hình thức hình ảnh hay game… Văn hóa thị trường là những sản phẩm dễ dãi được tạo ra nhằm mục đích sản xuất hàng loạt để phục vụ đại chúng. Chính bởi mục đích sản xuất hàng loạt này, những sản phẩm tinh tế trở nên khó thích nghi bởi chúng đòi hỏi kỹ năng tốt và sự sáng tạo cá nhân.  Kinh tế mở cửa, văn hóa thị trường lên ngôi. Tất cả được phản ánh trong sự lên ngôi của nhạc thị trường (thứ nhạc mà ai cũng có thể hát được trong quán karaoke), tranh trang trí (thứ tranh mà người ta có thể thuê sinh viên nghèo để sao chép)… và theo đó là những cuốn sách dậy làm giàu, dậy kỹ năng truyền thông, sách đối nhân xử thế, tiểu thuyết sến…v…v… – những thứ sách mà đọc cả trăm cuốn cũng như một cuốn. Một khi tâm trí của người đọc đã được lấp đầy bởi những thứ văn hóa dễ dãi ấy, họ sẽ luôn có thói quen tiếp tục tìm đến những thứ dễ dãi. Họ không cần động não để hiểu, không cần phải tư duy sâu sắc, không gặp phải những vấn đề mà có thể 2-3 tháng sau thậm chí 2-3 năm sau mới có thể hiểu. Không thể trách văn hóa thị trường, bởi đó là điều tất nhiên phải có trong xã hội. Đáng trách là những người làm truyền thông, phê bình, quản lý văn hóa, không thể đặt ra một lằn ranh rõ rệt và những hướng dẫn để người đọc có thể dễ dàng lựa chọn đúng đắn hơn.

Từ đó, một xu hướng coi nhẹ văn chương đã xuất hiện trong tâm thức của người đọc. Vấn đề này khiến tôi nhớ đến những sự kiện mà Book Hunter tổ chức. Những sự kiện tôn giáo, triết học, chính trị, kinh tế, công nghệ thường thu hút rất nhiều người tham dự. Thậm chí, trong những sự kiện đó, người đến xem phải đứng chen lấn nhau. Thế nhưng, sự kiện liên quan đến văn chương luôn kém thu hút hơn rất nhiều. Tôi cũng đã từng tổ chức những buổi nói chuyện về văn chương chỉ có 3-4 người đến nghe. Dù thế, hôm đó, diễn giả vẫn tiếp tục nói với sự say sưa. Hiện trạng này thiết nghĩ không phải chỉ diễn ra ở các buổi nói chuyện của Book Hunter. Doanh số bán các tác phẩm văn chương đích thực luôn ít hơn so với tiểu thuyết sến hay sách dậy làm giàu. Người ta nghĩ rằng “văn chương không mài ra tiền mà ăn được”, hoặc “văn chương không giúp chúng ta giải thoát, không giúp chúng ta thoát khổ”, hoặc “văn chương không mang lại giải pháp cho xã hội”.

Tình trạng này có thực sự đáng lo ngại hay không? Tôi cho rằng đó thực sự là một điều đáng lo ngại. Bởi lẽ, người ta đã không còn biết đến mục đích thực sự của văn chương. Tôi sẽ không bàn về những mục tiêu cao siêu mà các nhà văn tự gắn vào cho hành vi viết của mình. Tôi xin được đưa ra những nguyên nhân thiết thực mà chúng ta có thể thấy được từ văn chương.

Thứ nhất, văn chương là bộ lưu giữ ngôn ngữ. Nếu bạn nhận thức được sự cần thiết của ngôn ngữ tiếng Việt đối với bản thân, bạn sẽ thấy được sự cần thiết của đọc văn chương. Đã bao giờ bạn muốn diễn đạt một cảm xúc của mình mà cảm thấy thiếu vốn từ. Đã bao giờ bạn nói một đằng người khác lại hiểu một nẻo? Đó là do bạn thiếu thói quen ngôn ngữ tiếng Việt, mà thói quen này được hình thành bằng việc đọc văn chương.

Thứ hai, văn chương cho chúng ta trải nghiệm đối mặt với sự đa dạng các trạng thái tâm lý của thân phận người. Một đứa trẻ khi sớm tiếp cận với văn chương sẽ dễ dàng hơn trong việc hiểu tâm lý của những người xung quanh. Một người hiểu được những phần sâu kín  bên trong người khác, hẳn nhiên trước đó đã từng đọc rất nhiều tác phẩm văn chương sâu sắc. Qua đó, con người có thể dễ dàng đồng cảm với con người hơn, bởi họ hiểu đằng sau sự sai lầm hay đau khổ của người khác là một quá khứ.

Thứ ba, văn chương đẩy ta vào những luồng tư duy sâu sắc. Mỗi số phận, mỗi nhận định, mỗi câu từ mà tác giả sử dụng đều có vai trò kích hoạt não bộ của chúng ta, khiến chúng ta buộc phải chiêm nghiệm về con đường đi của bản thân, của cuộc đời mình, của các quyết định mà bản thân đã đưa ra. Đọc văn chương là một trải nghiệm tách rời khỏi đời sống vô thức bên ngoài để bắt đầu bước vào con đường đối thoại nội tâm.

Thứ tư, văn chương có thể ẩn chứa trong nó những ý tưởng tâm đắc của tác giả mà sinh thời tác giả chưa thể thực hiện được, hoặc những kinh nghiệm xương máu được đánh đổi bằng cả cuộc đời tác giả. Khi đọc văn chương, chúng ta có thể tìm lại những ý tưởng và kinh nghiệm ấy, tự đúc rút cho mình thông qua trải nghiệm cuộc đời.

Đó là bốn lợi ích mà văn chương có thể đóng góp cho xã hội. Đương nhiên, còn rất nhiều lợi ích nữa đối với những nhà nghiên cứu tâm lý học, xã hội học, dân tộc học, văn hóa học…v…v… Tuy nhiên, ở đây, tôi sẽ chưa bàn tới vội. Với các lợi ích này, ta có thể thấy rằng, nếu những đứa trẻ được tạo dựng thói quen đọc văn chương từ trong nhà trường thì đó sẽ là sự cáo chung của những cuốn sách và những khóa học kỹ năng mềm. Bởi tất cả những câu trả lời cho kỹ năng mềm đều ẩn chứa đâu đó trong các tác phẩm văn chương. Nói một cách khác, tác phẩm văn chương cài đặt cả một hệ điều hành tâm trí đối với người  chịu ảnh hưởng bởi nó, từ tư tưởng, tư duy, thói quen ứng xử…v…v… Và bởi vì văn chương rất đa dạng, nên hệ điều hành này cũng rất đa dạng. Đây là một hệ điều hành không mang tính thị trường, nghĩa là không thể nhân rộng để cài đặt đồng đều cho tất cả mọi người.

Thay thế văn chương bằng những thứ văn hóa dễ dãi hơn là một hành vi cào bằng tâm trí của con người. Người ta sẽ dần dần nghĩ theo một kiểu, hành động theo một kiểu và chạy theo cùng một mục tiêu. Bạn có muốn mình trở thành một phần của thứ văn hóa cào bằng ấy?

Tô Lông

Văn chương tồn tại vì điều gì?

Một trong những điều khó chịu hơn cả, nhưng lại rất căn bản, về con người đó là chúng ta không hiểu lắm về bản thân mình. Một khía cạnh của tâm trí chúng ta thường không thấu rõ về những gì đang diễn ra của phần còn lại vốn đang giận dữ, lo âu hay tìm kiếm điều gì đó. Chúng ta mắc phải rất nhiều lỗi lầm bởi mặc cảm vô minh này bủa vây. Đây chính là điều văn chương có thể

Vũ Minh

30/03/2017

Giải mã “Chùa Đàn” của Nguyễn Tuân: Nghi lễ hiến thân cho nghệ thuật

“Chùa Đàn” có thể nói là tập tiểu thuyết ngắn đỉnh cao của Nguyễn Tuân (nếu bỏ đi phần cuối truyện nhà văn viết những câu cưỡng ép để phù hợp với thời thế). “Chùa Đàn” là kết tinh của những truyện ngắn trong “Vang bóng một thời”, từ cái chí khí của ông Huấn Cao ở “Chữ người tử tù”, cái mê đắm ở “Thả thơ” hay “Đánh thơ”, cái rùng rợn ở “Bữa tiệc máu”, cái tiếc nuối ở “Chén trà trong sương
Xem

“HUYỀN THOẠI 1900” – KHI CÁI ĐẸP KHÔNG MUỐN HẠ PHÀM

Bạn có nhớ bộ phim được giải Oscar nổi tiếng “The pianist” (2002) với hình ảnh anh chàng nhạc công piano phải lưu lạc trong chiến tranh và chơi những phím đàn tưởng tượng? Cảnh ấy có làm bạn cả thấy cảm động và thốt lên vì sự sáng tạo tuyệt vời của đạo diễn? Bạn có biết, từ trước đó, chi tiết giống như vậy đã xuất hiện trong bộ phim “Huyền thoại 1900” (1998). 1900 là tên của một anh chàng chơi piano
Xem

Bi kịch của cái đẹp trong phim “Bá Vương Biệt Cơ”

Tôi xem “Bá Vương Biệt Cơ” của Trần Khải Ca không ít lần. Lần đầu xem bộ phim, khi ấy tôi mới học năm thứ nhất đại học, tôi đã khóc vì thương cảm cho số phận của anh chàng diễn viên Trình Đắc Di. Thế rồi tôi tìm hiểu thêm về Cách mạng Văn hóa Trung Quốc, tôi đọc thêm về một thời đại đen tối kéo dài trong các nước nằm dưới sự cai trị của Đảng Cộng Sản, lúc đó tôi mới

Sự suy tàn của cái đẹp

Có một thứ được gọi là lý tưởng. Lý tưởng thường hoàn hảo, đẹp đẽ và dường như không thể chạm tới. Lý tưởng không thể chạm tới sở dĩ bởi nó không được biểu hiện bằng vật chất. Người nghệ sĩ luôn tìm cách tạo ra từ vật chất hiện hữu những tạo tác hoàn hảo nhưng dường như bất lực. Như một kẻ điên, người nghệ sĩ vung búa đập tan mọi tạo tác hiện hữu. À không, nghệ sĩ điên thật! Chỉ