Home Đọc Thị trường sách Việt Nam (6): Cộng đồng đọc sách và quyền lực của độc giả

Thị trường sách Việt Nam (6): Cộng đồng đọc sách và quyền lực của độc giả

Trong suốt dòng lịch sử của sách, các độc giả luôn đóng vai trò như “người tiêu dùng” cho các sản phẩm và tác phẩm của các tác giả, dịch giả. Họ bị định hướng bởi các nhà phê bình, nhà báo – những người chỉ cho các độc giả biết cuốn sách nào là hay, cuốn sách nào là dở. Do đó, các độc giả chỉ là thần dân trong vương quốc tri thức mà họ chỉ có nghĩa vụ tuân thủ các chỉ dẫn, thể hiện sự tôn trọng với các tác giả và dịch giả được ca tụng trên truyền thông bất kể đúng sai và chìa túi tiền để mua sách. Đây là tình trạng chung của thị trường sách kiểu cũ trước khi Internet hình thành, khi những độc giả bị chia rẽ bởi mặt địa lý và vòng kết nối của bản thân không thể chia sẻ các trải nghiệm đọc và các đánh giá của mình. Tiếng nói của độc giả nếu không được gắn nhãn mác là các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu… sẽ không được người khác lắng nghe và không có giá trị tham khảo.
Internet đã thay đổi thế giới bằng cách nỗ lực xoá nhà các khoảng cách địa lý và mở rộng vòng kết nối giữa người với người, vô tình đã thay đổi cơ cấu của thị trường, khiến cho tiếng nói của người tiêu dùng trở nên có giá trị hơn, quyết định đáng kể đến lượng tiêu thụ sản phẩm. Thị trường sách cũng nằm trong số ấy, khi những phản hồi có chất lượng từ cộng đồng độc giả lại được lắng nghe hơn các nhà phê bình và nhà báo. Tại sao tiếng nói có chất lượng của một độc giả có gu đọc sách lại có uy tín đến vậy? Bởi vì một độc giả không bị gắn các nhãn mác đã kể trên không bị ràng buộc bởi các quyền lợi và trách nhiệm, do đó tiếng nói của họ là độc lập, không vụ lợi và chân thật với chính mình ở mức độ nào đó. Đây là những tố chất mà các độc giả khó tìm kiếm được ở các nhà phê bình và nhà báo có danh tiếng. Không ít lần chính bản thân tôi khi đọc điểm sách của các nhà phê bình và nhà báo đã băn khoăn về tính khả tín của các bài giới thiệu này, rằng họ có thực sự đọc sách, có thực sự công tâm không vụ lợi trong đánh giá, có chân thực khi chia sẻ các nhận định của mình…
Amazon và Goodreads có thể nói là hai cộng đồng phổ biến nhất cho phép độc giả bình phẩm sách. Các độc giả sau khi mua sách hoặc đọc các tác phẩm được đăng tải online có thể đưa ra nhận xét về chất lượng nội dung và chất lượng in ấn, bên cạnh đó có thể xếp hạng nội dung theo cảm nhận của mình. Một người mua sách thay vì tham khảo bài giới thiệu trên báo chí có thể xem các xếp hạng và bình phẩm từ những người lạ không quen biết. Lượng độc giả người Việt tham gia binh phẩm trên cả hai kênh này đều rất ít do các rào cản về ngôn ngữ và thói quen sử dụng. Tương tự như Amazon và Goodreads, tại Việt Nam, kênh bán sách Tiki cũng cho phép độc giả bình phẩm. Tuy nhiên, các độc giả của Tiki dường như không thực hiện được quyền lực của mình một cách hiệu quả. Nguyên nhân có thể đến từ việc chất lượng độc giả Việt Nam chưa đủ cao để đánh giá chi tiết một cuốn sách, hoặc tình trạng phản hồi giả nhằm mục đích hạ bệ hay quảng bá cho sách vẫn chưa bị hạn chế. Quyền lực của độc giả Việt Nam hiện nay không thực sự nằm ở các kênh bán hàng mà nằm ở các cộng đồng đọc sách trên facebook.
Rất dễ dàng để tạo một group hoặc fanpage trên facebook để một cộng đồng độc giả nho nhỏ thoải mái tương tác và trình bày ý kiến, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm đọc. Các cộng đồng này đều có quy tắc làm việc riêng và cộng đồng nào có ý thức trong tuân thủ “luật giang hồ” do nhóm đặt ra đều sẽ thu hút các cá nhân độc lập tham gia. Một độc giả không bị ràng buộc trong sự gắn kết với một nhóm cụ thể mà có thể cùng lúc tham gia nhiều nhóm khác nhau và đối chiếu các nhận định trước khi đưa ra kết luận cuối cùng của mình về một cuốn sách. Các cộng đồng online thảo luận về sách này đã không ít lần chứng minh quyền lực của mình bằng việc bóc mẽ những vụ đạo văn, những bản dịch sai, những nội dung kém chất lượng… Đáng kể phải nói đến sự việc đinh đám của fanpage Ngôn tinh Ném đá Confession đã lật tẩy sự việc đạo văn nghiêm trọng chưa từng thấy trong cuốn tiểu thuyết dã sử “Thành Kỳ Ý” vào năm 2016. Trong thời điểm sự việc bị phanh phui, các nhà báo và nhà phê bình đã hết lời khen ngợi cuốn sách và kỳ vọng một hướng đi mới cho tiểu thuyết dã sử. Khi fanpage Ngôn tinh Ném đá Confession mới đăng tải một vài đoạn đạo văn, rất nhiều người vẫn cho rằng đó là một cuộc công kích cá nhân vào cô nhà văn trẻ đam mê đề tài lịch sử. Nhưng chỉ sau đó không lâu, khi cộng đồng đọc sách Book Hunter bắt đầu đăng tải một bài viết dài tổng hợp tất cả các điểm đạo văn mà page Ngôn tình Ném đá Confession đã chỉ ra. Ngay sau đó, một cuộc vận động hơn 1000 chữ ký đã được phát động bởi Book Hunter và page Ngôn tình Ném đá Confession để yêu cầu Cục xuất bản thu hồi cuốn sách. Mặc dù Cục xuất bản làm lơ trước yêu cầu này nhưng cuốn sách rơi vào tình trạng ế ẩm và đơn vị phát hành phải bán hạ giá 80% trong các hội sách. Trước đó, năm 2014, facebooker Thiên Lương, một độc giả độc lập đã thực hiện một cuộc bắt lỗi các lỗi dịch của dịch giả Dương Tường khi ông dịch cuốn “Lolita”. Sự việc đã trở thành một cuộc tranh luận báo chí kéo dài và thúc đẩy sóng truyền thông liên quan đến chất lượng của dịch giả. Sau đó, Thiên Lương công bố bản dịch của mình dù không được phát hành chính thức và nhanh chóng được cộng đồng độc giả chuyền tay nhau với lời đánh giá về độ chính xác của bản dịch. Đôi khi cộng đồng độc giả còn thách thức cả thẩm đinh của các nhà phê bình nếu cho rằng sự phê bình ấy là không xác đáng. Năm 2017, khi nhà nghiên cứu trẻ Nguyễn Phúc Anh đưa ra lời phê binh nặng nề đối với cuốn sách “Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn” của Tạ Đức thì ngay lập tức đã bị cộng đồng sách Book Hunter phản đối cách phê bình thiếu cơ sở, thiếu bằng chứng của Nguyễn Phúc Anh. Những phản ứng của cộng đồng độc giả cho thấy các độc giả đang bắt đầu học cách thực hiện quyền của mình, và có thể tạo thành một sức ép để thúc ép các tác giả và dịch giả buộc phải làm việc một cách có trách nhiệm hơn.
Đúng vậy, đó là một cơ hội để thị trường sách trở nên sôi động hơn và có nhiều tiếng nói đa chiều hơn, tránh được tình trạng thị trường bị thao túng bởi một hoặc vào thế lực nào đó, tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ các độc giả chưa hoàn toàn ý thức được những quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với cộng đồng. Các độc giả Việt Nam đa phần đều không được trang bị một nền tảng kiến thức tốt cùng với các kỹ năng phân tích, kỹ năng tranh biện và thảo luận. Bởi vậy, rất ít trong số các cộng đồng độc giả có thể đưa ra tiếng nói phản biện hoặc quan điểm riêng hay viết các bài phân tích sách có chất lượng. Một số cộng đồng sách trở thành nơi PR sách cho các đơn vị phát hành sách mà không hề có chuẩn mực trong thẩm định chất lượng bài giới thiệu. Hoặc đôi khi, cộng đồng độc giả lại trở thành fan cuồng cho một nhà phê bình hoặc một nhà báo nào đó và rất dễ dàng bị lái hướng.
Trên thực tế, thị trường đọc sách Việt Nam đang ở giữa một giai đoạn chuyển đổi giữa mô hình bị định hướng sang mô hình tự định hướng. Do đó, song song tồn tại cả tình trạng độc giả đọc sách theo sóng truyền thông và độc giả tự xây dựng gu đọc riêng cho mình. Cuộc giằng co này có thể sẽ kéo dài bởi người dân Việt Nam vẫn có thói quen trọng vọng các nhân vật nổi tiếng với bằng cấp và thành tích mà chưa luyện được thói quen phân định đúng sai; nhưng sự phát triển của mạng xã hội dường như không thể cưỡng lại nổi và các cộng đồng độc giả vẫn cứ gia tăng về chất lượng cũng như số lượng. Tôi cho rằng, trong tương lai, sự lớn mạnh của các cộng đồng độc giả là không thể cưỡng lại được và điều đó đòi hỏi ở các đơn vị quản lý xuất bản, các đơn vị báo chí, các tác giả, dịch giả, nhà phê bình, nhà báo phải làm việc nghiêm túc hơn, chỉn chu hơn, tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc học thuật và pháp luật. Đó là sự phát triển tất yếu của thời đại thông tin khi con người dễ dàng hơn để kết nối và lên tiếng.
Hà Thủy Nguyên
Bài đã đăng trên tạp chí Văn hóa Nghệ An số tháng 7/2018

TƯƠNG ĐỒNG HAY ĂN CẮP BÀI (Nhân vụ phát hiện 1 bài giống nhau chắc đến 99,9999…% giữa IPICK và TRẠM ĐỌC)

Chả là thế này, tối qua có bạn CTV của Book Hunter gửi mình một bài trên Trạm Đọc, thế quái nào lại "giông giống" bài TẠI SAO BẠN NÊN VẼ TRANH THAY VÌ CHỤP ẢNH mà một bạn trong team Book Hunter dịch chơi và đăng trên Ipick. Mình người dịch là bạn Tư Thành (tên trên Ipick là Bùi Minh Hùng) đọc thử xem độ "giông giống" đến đâu. Bạn ấy phát hiện ra là bài này rõ ràng copy từ bài bạn ấy dịch

Book Hunter

25/10/2018

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA SÁCH

Sách là gì? Ban đầu sách chỉ được coi là một thiết bị/công cụ để lưu trữ thông tin. Rất lâu sau đó, sách mới được coi là công cụ để truyền tải và thể hiện ý tưởng của loài người. Yếu tố đầu tiên cần quan tâm về lịch sử của sách đó chính là động lực nào đã dẫn đến sự ra đời và phát triển của sách? Một quy luật chung được tìm thấy cho những cột mốc phát minh trong lịch

“Bộ não khi đọc” trong thời đại kĩ thuật số: Khoa học của giấy và màn hình

Những máy đọc sách điện tử và tablet đang ngày càng trở nên phổ biến khi công nghệ phát triển, nhưng các nghiên cứu cho thấy rằng đọc trên giấy vẫn có ưu điểm riêng. Một video Youtube nổi tiếng có kể về một cô bé một tuổi đang trượt ngón tay trên màn hình chiếc IPad, chuyển giữa các nhóm biểu tượng. Sau đó cô bé cũng nhấn, trượt trên tạp chí giấy như thể chúng là màn hình cảm ứng. Khi thấy “màn

Sàn thương mại điện tử & chiến lược thúc đẩy thị trường sách sai lầm từ trường hợp của TIKI

Trước hết, tôi muốn nói lời cảm ơn với những website thương mại điện tử đã khai mở thị trường và huấn luyện những độc giả Việt Nam cách mua hàng online từ khi có Internet đến nay. Sự xuất hiện của các website thương mại điện tử thời kỳ đầu như Vinabook, TIKI đã góp phần hạn chế sách lậu, và hơn cả thế, thúc đẩy lực mua sách toàn quốc. Không còn cảnh những người ở vùng cao phải trèo đèo lội suối

Khi văn hóa đọc thiếu nền tảng học thuật và pháp luật

Có lẽ chưa bao giờ văn hóa đọc lại nở rộ như ngày nay, đặc biệt là sự hỗ trợ từ chính quyền và các kênh báo đài chính thống. Không khí tấp nập nhộn nhịp trong các hội trợ sách, các hội thảo sách, các cuộc chạy đường trường cổ vũ phong trào đọc dường như làm sống dậy cái không khí Đông Kinh nghĩa thục: “Buổi diễn thuyết người đông như hội/Kỳ bình văn khách đến như mưa”. Chứng kiến cảnh “trăm hoa