Tự do học thuật là vấn đề then chốt trong việc nâng cao dân trí. Một nền học thuật không tự do, tức là không có sự lành mạnh thì không có giáo dục nhân văn, không có tự do tư tưởng, và điều đó đồng nghĩa với việc hết thế hệ này đến thế hệ khác, người dân trở thành đám đông bị dắt mũi bởi các thế lực kiểm soát hệ thống.
Chính trị hóa nền học thuật là một trong những trở ngại lớn cần phải đối mặt ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới chứ không phải chỉ riêng Việt Nam. Bởi, bản chất của học thuật là hoàn toàn “vô chính phủ”, nghĩa là để giữ một thái độ khách quan và vì cộng đồng, giới học giả cần thiết phải đứng ngoài sự ảnh hưởng tư tưởng của nhà nước hay dân tộc của mình. Đương nhiên điều này là rất khỏ thực hiện và khó được chấp nhận. Tuy nhiên, nếu Tự do học thuật chỉ được hiểu là chống lại chính trị hóa học thuật thì đó là cách nhìn hoàn toàn thiển cận về vấn đề này. Bởi khả năng “chính trị hóa học thuật” chỉ có thể thực hiện được khi nền học thuật ấy đang ở trong những tình trạng sau:
Độc quyền thông tin và kiến thức
Ở Việt Nam, nếu ai đã từng là một sinh viên , chắc hẳn phải trải qua cảnh khó khăn trong việc tìm số liệu hoặc tài liệu để hoàn thành bài luận của mình. Không dễ dàng gì để các sinh viên tiếp cận với các viện nghiên cứu chuyên ngành, hay thậm chí là bất lực trong việc xin xỏ từ thư viện của khoa. Các thư viện công như Thư viện Quốc gia hay Thư viện địa phương, các bạn chỉ có thể tiếp cận các sách tồn kho của các Nhà xuất bản, và muốn nghiên cứu chuyên sâu các bạn phải có giấy giới thiệu của cơ quan nghiên cứu nào đó như Viện chuyên ngành hoặc trường đại học. Nếu bạn là một người nghiên cứu tự do mà không thuộc bất cứ cơ quan nghiên cứu nào lại càng khó tiếp cận hơn với các tư liệu chuyên ngành. Điều này dẫn đến một tình trang là đa số công chúng không hiểu các cơ quan nghiên cứu (đặc biệt là trực thuộc nhà nước) đang làm gì.
Đây là một điều hoàn toàn bất hợp lý. Ngân sách đổ vào các Cơ quan nghiên cứu nếu không phải từ Ngân quỹ nhà nước thì cũng từ các quỹ hỗ trợ học thuật của cộng đồng (đa phần là các NGO nước ngoài). Xuất phát điểm của những quỹ này đều đến từ người dân hay cộng đồng, và bởi thế các công trình nghiên cứu (nếu không thuộc bí mất quốc gia) phải được công bố công khai để bất cứ ai cũng có thể tiếp cận khi cần thiết. Điều bất hợp lý này trong nhiều năm không ai để ý và coi đó là đặc quyền của các Cơ quan nghiên cứu. Họ đã quen với lối nghĩ ngân sách của nhà nước hỗ trợ thì các công trình chỉ phục vụ nhà nước mà quên mất rằng ngân sách đó được gây dựng bằng tiền thuế của dân chúng. Bạn thử nghĩ xem, việc giữ khư khư kho tư liệu khổng lồ ấy liệu có phải là điều hợp lý?
Tình trạng độc quyền thông tin và kiến thức như hiện nay là tiềm ẩn cho một nguy cơ tập đoàn hóa nền học thuật giống như tình trạng ở Mỹ hiện nay. Gỉa sử một ngày các cơ quan nghiên cứu sẽ không còn trực thuộc nhà nước và không còn được hỗ trợ ngân sách nữa, các cơ quan này sẽ buộc phải tìm kiếm nguồn quỹ từ các tập đoàn và đem các công trình cũng như số liệu phục vụ mục đích tập đoàn. Trong khi ấy, nhiều chục năm trời, kho tự liệu được gây dựng nhờ vào tiền thuế của dân. Những người đấu tranh cho tự do thông tin ở Mỹ đã và đang chống lại tình trạng này một cách kịch liệt. Aaron Swartz nhân vật thủ lĩnh của phong trào này đã bị ám sát một cách bí ẩn, bởi lẽ phong trào này đã làm lung lay thế độc quyền của chính phủ Mỹ về một quyền lực mà ít người để ý đến.
Nhiều người sẽ viện dẫn Luật Bản quyền và Sở hữu trí tuệ để biện minh cho tình trạng trên, nhưng thử hỏi những điều luật đó có được tôn trọng đúng đắn và xây dựng các điều khoản dựa trên tinh thần bảo vệ quyền lợi của tác giả và người sáng tạo hay bảo vệ một nhóm lợi ích nào đó? Nếu để phục vụ nhóm lợi ích thì vô tình Luật Bản quyền và Sở hữu trí tuệ lại trở thành công cụ cho các nhóm lợi ích giữ thế độc quyền thông tin và kiến thức.
>> Đọc thêm: Download là độc ác – theo giáo trình mà các tập đoàn soạn cho trẻ em Mỹ (bookhunter.vn)
Tại sao họ cần độc quyền thông tin và kiến thức đến vậy? Ở khía cạnh tập đoàn thì chúng ta có thể thấy quá rõ ràng, đó là để phục vụ lợi nhuận Ở khía cạnh cá nhân, đó là cơ hội để một số thành viên của các cơ quan nghiên cứu này giữ mãi vị trí độc tôn và thẩm quyền định hướng dư luận, tránh được các phản biện cũng như cạnh tranh từ những nhà nghiên cứu độc lập. Nếu theo dõi những cuộc tranh luận các vấn đề học thuật trong giới học giả, các bạn sẽ thấy rằng đó là những cuộc lời qua tiếng lại mà chỉ họ hiểu với nhau, công chúng hoàn toàn bị đẩy ra ngoài cuộc. Trong khi, các công trình học thuật để làm gì nếu không phục vụ chính cộng đồng?
Thiếu tự do tư tưởng
Khi một chủ nghĩa hay một tư do được áp đặt, trở thành độc tôn trong xã hội thì nó trở thành một hệ quy chiếu chính trong nền học thuật. Những tác phẩm có tư tưởng khác với tư tưởng độc tôn sẽ bị thải loại hoặc lãng quên trong góc kín của thư viện, những học giả đi theo tư tưởng dị biệt sẽ không có vị thế và tiếng nói trong giới học thuật.
Một khi sự thiếu tự do tư tưởng bị đẩy lên cấp độ chính trị hóa, có nghĩa là sử dụng các quan điểm chính trị để bài xích một tác phẩm hay một công trình nào đó thì hiện trạng bất công sẽ xảy ra. Các luận điểm chính trị lại trở thành công cụ để các cá nhân đấu đá nhau nhiều hơn là góp phần bảo vệ và góp phần xây dựng quốc gia.
Tự do tư tưởng là một yếu tố cần thiết để có nền học thuật tự do. Chỉ khi các tư tưởng hay chủ nghĩa được tôn trọng ngang nhau và có quyền được biểu lộ công khai thì các học giả mới giữ được sự công tâm của mình và xã hội mới hình thành được một cơ chế phản biện cũng như tự do ngôn luận có văn hóa. Giống như Triết gia thời Khai Sáng là Voltaire đã từng khẳng định: “Tôi không đồng ý với những gì bạn nói, nhưng tôi sẽ chiến đấu đến chết để bảo vệ quyền được nói ra điều đó của bạn”
Công chúng trở thành người ngoài cuộc
Như đã nói ở trên, bấy lâu nay công chúng trở thành người ngoài cuộc và gần như không biết thông tin gì về hoạt động của các cơ quan nghiên cứu. Ở những thế kỷ trước, khi Internet chưa xuất hiện, việc độc quyền trở thành mặc nhiên do các khó khăn về việc in ấn và truyền thông. Nhưng hiện nay, Internet đã xóa bỏ được những khó khăn ấy. Thế nhưng công chúng vẫn là kẻ ngoài rìa.
Các học giả vốn không coi trọng quyền được phản biện và thẩm định của công chúng. Họ vẫn coi rằng công chúng là một đám đông hỗn tạp. (Khi tôi nhắc đến từ “công chúng” có nghĩa là tôi nhắc đến một tập hợp những người đọc, tìm hiểu và quan tâm đến vấn đề học thuật, công chúng có đối tượng của mình còn đám đông thì không.) Công chúng đang ngày càng trở nên thông minh hơn sự tưởng tượng của các học giả nhờ vào việc tìm tòi ở các thư viện mở trên Internet. Cái họ thiếu để không thể trở thành một học giả được không phải ở khác biệt về khả năng tư duy mà có thể chỉ là vì kỹ năng viết lách, vị thế nghề nghiệp và quan trọng hơn hết: các đặc quyền về thông tin.
Bấy lâu nay, giới học thuật vẫn giữ thái độ từ cách đây mấy trăm năm, tự giam mình trong “tháp ngà”, coi thường công chúng, bởi thế, nền học thuật trở thành chiến trường để sát phạt cá nhân nhiều hơn là một tinh thần tự do học thuật. Khi thẩm quyền của công chúng được tôn trọng, nền học thuật mới tránh được tình trạng những cá nhân hoặc những nhóm lợi ích muốn thao túng bằng quyền lực để điều hướng dư luận xã hội.
Cần thiết phải xây dựng nền học thuật lành mạnh và tự do cho một Việt Nam trỗi dậy
Nền tảng học thuật là cơ sở vững chắc cho chiến lược phát triển của một quốc gia. Để có nền giáo dục vì con người thật sự, nền tảng học thuật là cơ sở khoa học đồng thời cũng là cơ hội cho mỗi học sinh, sinh viên có thể tự học thay vì phụ thuộc toàn bộ vào trường lớp. Để có một chính sách tốt và thiết thực, nền tảng học thuật cung cấp cho chính phủ và các bộ ngành cơ sở dữ liệu để kiểm chứng chính sách ấy.
Nhưng nền tảng học thuật sẽ trở thành phản tác dụng nếu nó cực đoan, một chiều và bị quyền lực can thiệp, thao túng. Khi ấy, các chính sách sẽ không còn được đưa ra chuẩn xác và thực tế. Hãy thử tưởng tượng ở trong tình trạng khẩn cấp và nguy biến, chính phủ hay cộng đồng phải quyết định một chính sách mà không dựa trên các cơ sở dữ liệu thực tế mà dựa trên những thông tin sai lệch? Có lẽ không cần phải bàn thêm về hậu quả.
Muốn phát triển và xây dựng đất nước vững mạnh thì nền móng phải vững chắc, mà nền học thuật chính là một bộ phận quan trọng trong nền móng ấy. Nếu Việt Nam lại một lần nữa trỗi dậy trên nền đất lún thì thật là nguy hiểm biết bao. Và nếu các cơ quan nghiên cứu và các học giả chính thống hiện nay không hiểu cũng như không có ý định xây dựng một nền tự do học thuật thì đây lại trở thành trách nhiệm của công chúng và có lẽ đã đến lúc công chúng cần tự khẳng định thẩm quyền của chính mình. Công chúng có thể lại là những người sẽ đấu tranh để cho chính các học giả được tự do lên tiếng như tinh thần mà Voltaire đã cổ vũ từ thời Khai Sáng.
Hà Thủy Nguyên
Học là tiếp thu những cái đã được phát hiện. Khi một nền văn minh vươn được lên, trong một lĩnh vực và một giai đoạn, thì chủ yếu là nhờ phát hiện những cái chưa được phát hiện. Sự phát hiện này được nghĩ là luôn sảy ra, với một nhịp độ tương đối cố định, ở bất cứ đâu. Tuy nhiên để cho những phát minh ấy được biết đến và áp dụng, có 3 điều kiện :
1) Một phát minh cần được sự quan tâm của một nhóm người đủ lớn, vì tính độc đáo của nó (một loại “fan club”).
2) Nó cần xuất hiện cùng lúc với sự ý thức về những vấn đề mà nó có thể giải quyết (thí dụ Penicilline, trước vấn đề bệnh nhiễm trùng – chỉ được biết đến trước đó không lâu)
3) Nó cần thu hút được những phương tiện cụ thể từ xã hội để được khai triển và áp dụng.
Tóm lại : điều tiên quyết là làm sao “chộp” được cái mới lúc nào cũng nảy sinh trong xã hội. Sau đó, “học” chỉ là phổ biến và lưu truyền cái mới ấy.
Nguyễn Hoài Vân
22/5/2014
Dạ có Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển DEPOCEN https://www.depocen.org/vn/ nữa ạ ^^
Làm thế nào để xây dựng nền tự do học thuật lành mạnh? Mình cho rằng để tự do đi cùng với lành mạnh thì nó cần có một khuôn khổ và định hướng.
Đầu tiên, đối với phi chính trị hóa học thuật, sự tự do có thể đi tới một giới hạn như thế nào? Được phép tùy ý đả kích chế độ và chính phủ chẳng hạn? Nó thường mang lại tác động 2 chiều, có thể mang lại tiến bộ căn bản về chế độ xã hội cũng có thể gây bất ổn xã hội, khó tách rời khỏi nhau. Rõ ràng chúng ta cần chấp nhận bất ổn để đi tới, vì thay đổi chính là lật đổ cái cũ, gây nên bất ổn là tất yếu. Nhưng làm sao giới hạn? Rõ ràng không một quốc gia, chính phủ nào mong muốn sự bất ổn. Họ sẽ phần nhiều chủ trương “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, thà không tiến bộ còn hơn bất ổn.
Thứ hai, rõ ràng tự do học thuật là tự do nghiên cứu theo tư tưởng cá nhân. Vậy đối với các luồng tư tưởng gây hại cho xã hội, ví dụ như mê tín dị đoan thì sao? Họ cũng “nghiên cứu” và “công bố” các “sản phẩm” của mình. Họ tổng kết thực tế và cho rằng ngày xx tháng yy năm zz người tuổi xx ra đường sẽ gặp tai nạn chết người khiến ngày đó người tuổi xx sẽ ru rú trong nhà dù có chuyện quan trọng cỡ nào đi nữa. Hay họ tuyên bố (các nhà ngoại cảm) họ đã liên lạc được với ông Hồ Chí Minh, và ông ấy đang muốn đất nước từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, đi theo con đường tư bản thì sao? Với dân trí hiện tại, người dân rất dễ bị ảnh hưởng bởi mê tín dị đoan và các luồng tư tưởng từ bên ngoài. Không phải bất kỳ ai cũng vô tư cống hiến cho học thuật, cho nhân loại mà họ có thể lợi dụng sự tự do để làm loạn xã hội, mưu lợi cá nhân.
Thứ ba, phải tránh “học thuật vị học thuật”; làm sao để “học thuật vị nhân sinh”. Học thuật cần tự do, không bị chính trị ảnh hưởng để nó có thể khách quan nhìn vào điểm yếu của bản thân chế độ chính trị, chế độ kinh tế, từ đó đưa ra phương hướng sửa đổi. Nhưng nếu đi lệch khỏi hướng này, sẽ có khả năng sinh ra những người nghiên cứu tách rời khỏi xã hội hiện tại, công trình nghiên cứu của họ không giúp ích gì cho xã hội hiện tại. Tiếc là vấn đề này mình cũng chưa tìm ra một ví dụ thật thuyết phục.
Tuy nhiên rõ ràng chúng ta vẫn cần một nền tự do học thuật. Quan trọng là, tự do phải có khuôn khổ và định hướng. Hơn thế nữa nó cần một lộ trình nhất định, vì chỉ có con người, dân trí tiến bộ đến một mức độ nhất định thì mới có thể nới lỏng hơn các khuôn khổ trong tự do học thuật đến mức độ phù hợp. Hơn nữa ta cần đứng trên 2 vị trí chủ yếu: với tư cách một học giả, một người nghiên cứu, ta cần những tự do nào để có thể cống hiến tốt nhất? Và với tư cách một kẻ thù muốn chống phá hay kẻ mưu lợi, thì ta có thể lợi dụng sự tự do ấy để làm được những gì? Phải cân nhắc trên cả hai mặt thì mới có thể vạch ra lộ trình và khuôn kho phù hợp.
Cá nhân mình cho rằng bookhunter có thể đưa ra các bài đề nghị lộ trình và quy định một cách cụ thể hóa hơn, với sự tham gia phản biện của các độc giả quan tâm. Nếu may mắn, sẽ có những người đang và sẽ đứng vào cương vị phù hợp có thể chịu ảnh hưởng từ các bài viết của bookhunter và tìm cách thúc đẩy tự do hóa học thuật.
Cần phân biệt sự truyền bá những kiến thức đã sẵn có, với việc khám phá những cái mới.
Trong việc truyền bá những kiến thức đã có sẵn, như anh Dinh Minh Thanh đã nói, một chính sách với những định hướng có thể được đặt ra, tùy những mục tiêu xã hội (*)
Ngược lại, không thể bảo với một nhà khoa học “phải tìm cái gì”, vì nếu biết cái phải tìm thì còn tìm làm gì nữa ?
Bất quá chỉ là làm rõ thêm, theo nghĩa của chữ “nghiên cứu” : nghiền nát ra đến tận cùng. Muốn nghiền thì phải có cái để nghiền. Tức là trong việc gọi là “nghiên cứu”, không có hiểu biết thực sự mới mẻ.
Mặt khác, cần phân biệt khoa học với kỹ thuật. Khoa học là hiểu biết chỉ để hiểu biết, không dùng làm gì cả : hiểu biết bất vụ lợi. Kỹ thuật là sự áp dụng của khoa học, để làm chi đó. Có những xã hội khinh miệt sự hiểu biết không dùng làm gì cả, nên luôn đi sau những xã hội khác trên phương diện khoa học. Khi đặt câu hỏi “để làm gì” trước khi quan tâm đến một hiểu biết, họ tự đóng tâm hồn lại trước những khả năng khám phá cực kỳ lớn lao của trí tuệ. Không phải ai cũng sẵn sàng bỏ 10 năm dài điều khiển một phi thuyền đáp xuống một sao chổi bé tí, chỉ để hoạt động trong vài giờ cho những vấn đề hoàn toàn lý thuyết.
Ngoài ra, một ngộ nhận thông thường là “khoa học rất tốn kém”. Năm 1905, Einstein, một sinh viên không luận án, công chức hạng ba của sở kiểm chứng môn bài Thụy Sĩ, ngoài giớ làm việc, đã công bố năm bài báo đặt nền tảng cho những vấn đề vô cùng trọng đại, như : vật lý lượng tử (tính chất “hạt” của ánh sáng, lấy lại một báo cáo của Planck), nguyên tử (gián tiếp với giải thích di động Brown), bản chất của thời gian, thuyết tương đối hạn chế … Ông đưa ra những lý thuyết hoàn toàn mới, chỉ dựa trên lý luận, trước những bế tắc và nghịch lý của vật lý học đương thời. Bohr phản bác mô hình nguyên tử của thày ông là Rutherford, cũng chỉ bằng lý luận …
Tóm lại, định hướng trong giáo dục có thể áp dụng với những kiến thức sẵn có, nhưng tạo điều kiện và triệt để tôn trọng tự do, là nguyên tắc cho sự sáng tạo, trên mọi lĩnh vực, kể cả khoa học.
(*) Giáo dục thường liên hệ đến quyền lực. Vì hiểu biết trong thực tế xã hội
chính là có (thêm) quyền năng. Chính sách giáo dục, như thế, quay quanh
vấn đề : đem lại những quyền năng gì, cho ai ?
Nếu nó đến từ chính
quyền, thì mục tiêu sẽ trở thành : đem lại những quyền năng gì, cho ai,
để củng cố quyền lực của phe nhóm, giai cấp, của mình.
Nếu giáo dục đến từ xã hội công dân, thì cũng là củng cố quyền lực của xã hội công dân.
Tóm lại : hiểu biết, trên lĩnh vực xã hội, đi liền với thống trị.