Home Đọc Tìm về chân ngã: bình giải triết gia cổ đại Trang Tử

Tìm về chân ngã: bình giải triết gia cổ đại Trang Tử

Đăng Khoa

04/03/2023

Trang Tử – còn được gọi là Trang Chu hay Lão Trang  – là một triết gia Trung Hoa, sống vào khoảng thế kỷ IV trước Công nguyên. Ông thường được biết đến là tác giả của Nam Hoa Kinh, một kiệt tác Đạo giáo.

Tác phẩm của Trang Tử được miêu tả là “vừa hỉ vừa nghiêm, vừa lạc vừa bi, tranh luận tinh tế và mơ hồ có chủ đích”. Những lời dạy của ông bề ngoài có vẻ như chẳng có ý nghĩa gì. Ông chủ trương rằng “nghe dừng ở tai”, ta cần phải “ẩn khỏi thế gian mà vẫn trong thế gian”, người đi đúng lối là người “bước giữa hai con đường”.

Nhưng Trang Tử thích nghịch biện. Triết lý của ông cố tình đùa giỡn với ngôn từ, từ đó biểu lộ rằng chính ngôn từ là rào cản lớn nhất trong quá trình tìm kiếm chân ngã và mong muốn được sống một cuộc sống hạnh phúc, viên mãn của ta. Theo Trang Tử, ngôn từ chứa đựng những gì nằm ngoài chân ngã của ta:

Nơm có là vì cá, được cá hãy quên nơm. Bẫy có là vì thỏ, được thỏ hãy quên bẫy. Lời có là vì ý, được ý hãy quên lời. Ta biết tìm đâu được ai biết quên lời để cùng nhau chuyện trò?

Ngôn từ giống như những vật chứa đựng những đặc điểm và giá trị có tính quy ước mà ta tiếp nhận từ quá khứ. Nhưng ngôn ngữ, với tư cách là phương tiện mang những lý tưởng và kỳ vọng xã hội, trở thành nguồn gốc của sự lập lờ, rắc rối, thống khổ, nó khiến ta không thể thỏa lòng thỏa chí.

Cùng chung quan điểm được thể hiện trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử, Trang Tử lập luận rằng ta phải bị lạc lối bởi ngôn ngữ trước thì mới nhận ra rằng tri thức cao hơn nằm ngoài ngôn từ.

Bách Gia Chư Tử

Trang Tử là một nhà phê bình gay gắt trước những lý tưởng khắt khe đang thống trị trong thời đại của ông.

Giai đoạn được gọi là thời đại hoàng kim của triết học Trung Hoa kéo dài từ thế kỷ VI đến thế kỷ III trước Công nguyên dưới thời nhà Chu. Sự nở rộ của các quan điểm triết học khác nhau trong thời gian đó được gọi là Bách Gia Chư Tử.

Giới trí thức tồn tại để dẫn dắt xã hội và những người cai trị nó hướng tới Con đường (còn được gọi là Đạo) – khái niệm trung tâm và đặc điểm mà Đạo giáo thực hành.

Tranh Khổng Tử, được vẽ vào khoảng năm 1770. Chưa rõ tác giả. Public domain.

Hai trường phái thống trị của Bách Gia Chư Tử là Nho gia và Mặc gia. Nói chung, Nho gia chú trọng lễ giáo và hiếu đễ (lòng hiếu thảo với cha mẹ và kính nhường anh chị trong gia đình), là một trong những đức tính cần có của “quân tử” – tức là công dân hoặc nhà cai trị chính trực, gương mẫu. Những người theo Mặc gia chỉ trích những người theo Nho gia. Họ chủ trương định liệu sự bình đẳng trong việc phân bổ trách nhiệm – một quan điểm theo nhiều cách gợi nhớ đến cái mà phương Tây sau này gọi là “chủ nghĩa vị lợi (utilitarianism)”

Một phê bình phổ biến đối với Nho gia là nó quá chú trọng đến trật tự xã hội thông qua các lễ nghi và thứ bậc. Còn đối với những người theo Mặc gia, người ta có thể biện bác rằng việc thiết lập một nguyên tắc đạo đức phổ quát được chú trọng quá mức, dẫn đến nguy cơ bỏ sót những đặc điểm phức tạp trong đời sống đạo đức của mỗi cá nhân ta.

Trang Tử phản bác toàn bộ các quan điểm như thế. Thay vì cho rằng nên nghe theo các nhà Nho gia hay Mặc gia này nọ, ông đa phần để tùy cái nhìn của mỗi cá nhân quyết định. Các truyền thống và trường phái tư tưởng đặt ra những lý tưởng siêu việt, có nguy cơ lôi kéo linh hồn ta ra khỏi ta trong cuộc tìm kiếm lẽ phải và chân lý.

Đối với Trang Tử, điều thực sự quan trọng là ta duy trì một khoảng cách hợp lý, hoài nghi với những phân biệt có tính quy ước và chống lại việc dính chặt vào bất kỳ một thế giới quan cụ thể nào.

Phải không phải là phải; quấy không phải là quấy. Nếu phải thực sự là phải, nó sẽ khác với quấy rõ ràng đến mức không cần phải tranh luận. Nếu quấy thực sự là quấy, nó sẽ khác với phải rõ ràng đến mức không cần phải tranh luận. Quên đi tháng năm; quên đi phân biệt. Tiến vào vô biên và an gia!

Chấp nhận một hoài nghi luận lành mạnh đối với những ý tưởng thừa hưởng lại có nghĩa là “làm rỗng vật chứa của Chân ngã”, hoặc có thể thực hiện một kiểu “quên đi” đã được rèn luyện về những thứ không liên quan đến chân ngã. Ở trạng thái này, ta ít có xu hướng tham gia vào những công việc thừa thãi mà ta áp đặt cho bản thân nhằm đương đầu với gánh nặng mà xã hội kỳ vọng.

Đây là điều mà Trang Tử muốn nói khi ông lập luận rằng ta phải rèn luyện khả năng của mình để sống trong thế giới chứ không thuộc thế giới.

Nên chân nhân phiêu du trong những gì hiện hữu khắp nơi và không thể hư vong. Người hỉ hoan khi lão suy (già yếu đi) và hỉ hoan khi yểu tử (chết trẻ). Người hỉ hoan với thủy (khởi đầu) và hỉ hoan với chung (kết thúc).

Tuy nhiên, ta không nên hoài nghi thái quá. “Lời nói không chỉ là gió thoảng”. Ta chỉ cần nhớ rằng các từ “có gì đó để nói”, và ngôn ngữ đó chỉ là kho chứa ý nghĩa, chứ tự thân nó không có ý nghĩa. Theo cách tương tự, Trang Tử lập luận rằng ta không thể phủ nhận ta là sinh vật xã hội. Một số nghĩa vụ là những đặc điểm không thể thoát khỏi trong các vai trò mà ta thấy mình đang đảm nhận. Ở trong thế giới và không thuộc về thế giới đó, nó có nghĩa là ta bình thản chấp nhận những gì nằm ngoài tầm kiểm soát của mình.

Trang Chu Mộng Hồ Điệp (vẽ khoảng năm 1550). Public domain.

Hoài nghi luận tích cực và giấc mơ con bướm

Câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng nhất của Trang Tử là về một giấc mơ:

Xưa Chang Chu tôi mơ thấy mình là một con bướm, bay lượn khắp nơi, với tất cả ý định và mục đích của một con bướm. Tôi chỉ biết hạnh phúc của mình là một con bướm, không biết rằng tôi là Trang Chu. Chẳng mấy chốc tôi tỉnh dậy, và tôi lại thực sự là chính mình. Giờ tôi không biết lúc đó tôi là người mơ thấy mình là bướm, hay giờ tôi là bướm đang mơ thấy mình là người.

Để vui thú trong giây lát, ý nghĩ rằng ta có lẽ đang mơ mình là một con bướm đang mơ nó là con người, ta tham gia vào chính hoạt động cho phép ta thoát khỏi cách hiểu về thế giới theo cách thông thường và theo cách của con người. Đây là một loại hoài nghi luận tích cực.

Việc áp dụng cái nhìn bao quát hơn này làm cho sự hiểu biết của ta trở nên toàn diện hơn và thú vị hơn. Với sự luyện tập, cuộc sống bình thường của ta có thể trở nên thấm đượm những khoảnh khắc mê say thanh thoát. Ta có thể học cách nhìn nhận sự biến đổi của mọi thứ – cách mà mọi thứ cuối cùng lại trở thành một phần của thứ khác. Khi đặt câu hỏi về thế giới xung quanh, ta vượt qua cái nhìn hạn hẹp của bản thân và khơi dậy sự tò mò vô tận về mọi thứ trong vũ trụ.

Vào thế kỷ XX, triết gia kiêm tiểu thuyết gia Iris Murdoch đã mô tả đức tính cần có cao quý nhất để sống một cuộc đời viên mãn là một kiểu “bất vị kỷ”.

“Tốt là một thực tại siêu việt,” bà viết, và việc bất vị kỷ, hoặc thực hiện việc hoài nghi tích cực này, cho phép ta “vượt qua bức màn của tâm thức vị kỷ và nhập cục vào thế giới như nó vốn có”.

Trang Tử và Murdoch có lẽ đồng tình rằng khả năng của ta là để vượt lên trên cái nhìn mang tính con người của ta – để nhìn thế giới như một con bướm – chính là thứ khiến ta trở thành con người. Ta có thể tìm thấy chân ngã của mình khi ta khai mở khả năng bao la để tưởng tượng và sáng tạo. Ta có thể giải phóng bản thân khỏi những phân biệt, ý tưởng và truyền thống bị giam cầm trong ngôn từ chúng ta sử dụng.

Suy nghĩ sau cùng: có lẽ tốt nhất là không nên luận giải Trang Tử. Tôi sẽ để lại cho các bạn một dòng. Đối với tôi, nó gợi nhớ đến Ruồi Trâu thành Athens, Socrates, và khát vọng tri thức của ông. Tuy nhiên, nó thực sự có nghĩa là gì thì tùy thuộc vào bạn:

Người ta đều cố gắng biết những gì mình chưa biết; họ đúng ra phải cố gắng biết những gì mình đã biết rồi.

Oscar David

Nghiên cứu sinh bản địa – Trợ lý Giáo sư Triết học và Lịch sử, Đại học Bond

Đăng Khoa dịch

Bài gốc: https://theconversation.com/finding-your-essential-self-the-ancient-philosophy-of-zhuangzi-explained-196215

Ảnh đại diện: Website https://www.charles-chiu.com/