Home Chuyên đề tháng Tiếp cận các đế chế truyền thông qua lăng kính phê bình kinh tế chính trị

Tiếp cận các đế chế truyền thông qua lăng kính phê bình kinh tế chính trị

le-nam

Lê Nam

14/05/2024

Dù bạn là người làm việc với bàn giấy hay sử dụng công cụ bằng tay chân, ít nhiều trong một ngày bạn cũng đều dùng tới máy tính hoặc điện thoại thông minh để kết nối vào Internet. Và chính tại lúc này, bạn sẽ trở thành khách hàng, trở thành một người sử dụng các nội dung truyền thông được cung cấp bởi rất nhiều các tập đoàn truyền thông khổng lồ trên thế giới. Thậm chí nếu bạn không lên Internet, bạn cũng vẫn là một trong những khách hàng của họ khi bạn xem ti-vi, xem phim ngoài rạp, tham gia các live-show, các buổi trình diễn đường phố, thậm chí khi bạn mua đồ ăn, đồ mặc hàng ngày, đọc báo hay sách giấy. Các đế chế truyền thông khổng lồ trên thế giới ngày càng thâm nhập vào mọi ngóc ngách của cuộc sống chúng ta, và chúng ta ít nhiều cần tìm hiểu về họ để biết cách ứng phó ở tầm vi mô lẫn vĩ mô.

Ngành công nghiệp truyền thông đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể qua nhiều thập kỷ, từ báo giấy đến TV đen trắng không có âm thanh rồi tới sự bùng nổ của Internet và các dịch vụ số không dây di động. Người dùng từ việc phải ngồi cố định một nơi giờ đây có thể tiêu thụ nội dung truyền thông mọi lúc, mọi nơi. Trong bối cảnh đó, một số tập đoàn đã không chỉ thích ứng mà còn định hình lại cách chúng ta tiếp cận và tiêu thụ nội dung truyền thông. Từ các game điện tử đến nền tảng mua sắm trực tuyến, những tập đoàn này đã vươn lên dẫn đầu trong việc đổi mới và mở rộng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu của họ. Nhanh hơn, nhiều hơn, rẻ hơn, thuận tiện hơn…các tập đoàn liên tục cạnh tranh nhau, tranh giành khách hàng của nhau bằng sự tối ưu hơn và hấp dẫn hơn.

Bài viết này nhằm mục đích phác họa sơ lược các tập đoàn truyền thông khổng lồ gồm Nintendo, Alibaba, Tencent, Baidu, Alphabet, Bertelsmann, Grupo Prisa, Grupo Clarín, Amazon và Vivendi, từ bộ sách nhiều tập NHỮNG GÃ KHỔNG LỒ TRUYỀN THÔNG qua góc nhìn kinh tế chính trị (và các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục điều tra về các gã khổng lồ khác).

Bản lưu cuộc trò chuyện NHỮNG GÃ KHỔNG LỒ TRUYỀN THÔNG CHI PHỐI THẾ GIỚI THỰC

Trước khi đi sâu vào nội dung của bài viết, tôi muốn nhắc lại một chút kiến thức về các loại mô hình phát triển khác nhau được rút ra từ cuốn sách “Thuận theo hoàn cảnh – Không có một chiến lược phát triển vạn năng” của tác giả Brian Levy, chuyên gia cấp cao của Ngân hàng Thế giới, do NXB Tri Thức và Book Hunter hợp tác xuất bản vào năm 2022.

Brian Levy mô tả mỗi nước theo các tham số sau: 1/Thu nhập (Thấp, Trung Bình, Cao) – 2/Cơ chế quản lý (Yếu -> Mạnh) – 3/Quy định (Áp đặt, Cạnh Tranh) – 4/ Quyết định được đưa ra (Mang tính cá nhân hay Tuân thủ pháp luật một cách không thiên vị). #1 Mâu thuẫn là tình trạng như thời 12 sứ quân ở miền Bắc Việt Nam, và chưa đạt đến Dàn xếp chính trị. Dàn xếp chính trị có thể xảy ra theo mức độ từ Thấp đến Cao. Dàn xếp chính trị ở mức độ thấp tức là thỏa thuận chỉ dừng lại giữa vài cá nhân tinh hoa với nhau. Ví dụ như giai đoạn hai nhà Trịnh – Nguyễn hòa hoãn được với nhau trong một thời gian, và đất nước được phát triển một cách tương đối ổn định. Chúng ta nhìn lại sơ đồ, sẽ thấy là có 2 trục theo 2 hướng Dàn xếp chính trị, một trục là Áp đặt, một trục là Cạnh tranh. Trong Áp đặt, chia ra Áp đặt tùy ý mang tính cá nhânÁp đặt tuân theo pháp trị. Trong đó áp đặt tùy ý là tình trạng còn sơ khai, nơi mọi quyết định đưa ra đều mang tính cá nhân, vắng bóng các nguyên tắc dân chủ trong việc đưa ra chính sách, thường dễ dẫn đến tình trạng lợi ích nhóm. Tình trạng này trong thực tế cũng rất phổ biến, và đôi lúc thì cá nhân đưa ra áp đặt có thể được ca ngợi hoặc bị chê trách, tùy năng lực của người ấy. Cùng tình trạng này nhưng ở khía cạnh đối lập đó chính là Cạnh tranh mang tính cá nhân, tức là cũng vắng bóng pháp luật hoặc pháp luật yếu, nhưng cho phép sự cạnh tranh. Tức là ở đây đã có nhiều nhóm tinh hoa cạnh tranh với nhau, nhưng vẫn đóng kín trong một cộng đồng cầm quyền nhỏ mà thôi, chưa có cơ chế chia sẻ quyền lực với toàn bộ người dân. #5 là Cạnh tranh pháp quyền tức là có hệ thống tư pháp phát triển ở mức độ cao, luật pháp rõ ràng, và có khả năng duy trì và thúc đẩy sự cạnh tranh. Cuối cùng là Dân chủ bền vững, tức là một tình trạng khá lý tưởng mà không hề dễ đạt được, ta tạm thời chưa bàn tới. Trong số các quốc gia được đề cập trong series Những gã khổng lồ truyền thông qua góc nhìn kinh tế-chính trị gồm có Trung Quốc (Alibaba, Tencent, Baidu) có lẽ là một phần giống #4 và một phần thuộc #2, tùy thời điểm lịch sử cụ thể mà ta lấy mẫu; Mỹ (Alphabet, Amazon) thì một phần giống #3 và một phần giống #5 tùy thuộc vào việc nhóm tinh hoa nào chiếm được ưu thế trong Nhà Trắng; Đức (Bertelsmann) và Pháp (Vivendi), Nhật (Nintendo) thì có lẽ là cũng tương tự như Mỹ nhưng tỷ lệ #5 sẽ nhỉnh hơn so với Mỹ; Tây Ban Nha (Grupo Prisa) và Argentina (Grupo Clarín) thì dao động qua lại giữa #2 và #3 giữa các giai đoạn độc tài quân sự phi hiến và bầu cử  dân sự hợp hiến. Với mỗi một bối cảnh chính trị và phát triển như vậy thì mỗi công ty lại có những thuận lợi và khó khăn riêng và đưa ra các chiến lược ứng phó khác nhau. Dù các chính phủ ở các nước kể trên khác nhau về cách thức được hình thành (thông qua bầu cử hoặc thông qua vũ lực) thì về bản chất chính phủ đều chứa ít nhiều nguyện vọng của đại đa số người dân với một mong muốn đó là được yên ổn sinh sống, lập nghiệp, được bảo vệ trước nguy cơ xung đột vũ trang, được đảm bảo một luật chơi công bằng, được bảo vệ quyền lợi chính đáng đối với thân thể, tài sản, danh dự và rất nhiều thứ liên quan khác. Và vì thế, chính phủ sẽ luôn luôn dù ít dù nhiều có mối quan hệ phức tạp với những gã khổng lồ truyền thông, lúc thì hỗ trợ nhau, lúc thì kìm kẹp nhau. Các tập đoàn thì tùy vào từng thời điểm và chính sách cụ thể mà sẽ đi theo hướng ích kỷ và chỉ tập trung vào lợi nhuận hoặc chia sẻ trách nhiệm chung với chính phủ trong công cuộc thịnh vượng chung.

Phương pháp nghiên cứu phê bình kinh tế chính trị được áp dụng xuyên suốt  toàn bộ các cuốn sách trong series Những gã khổng lồ truyền thông qua góc nhìn kinh tế-chính trị và vì vậy chúng ta cần tìm hiểu một vài đặc điểm của phương pháp này. Cách tiếp cận này xuất phát từ “lý thuyết phê bình – critical theory”.

“Lý thuyết phê bình” đề cập đến một nhóm lý thuyết nhằm mục đích đi đến một sự phê bình (tức là một phân tích và đánh giá chi tiết một cái gì đó) và chuyển đổi xã hội bằng cách tích hợp các quan điểm chuẩn mực với phân tích dựa trên thực nghiệm về những xung đột, mâu thuẫn và xu hướng của xã hội. Theo nghĩa hẹp, “Lý thuyết phê bình” đề cập đến công trình của nhiều thế hệ triết gia và nhà lý luận xã hội theo truyền thống Marxist Tây Âu được gọi là Trường phái Frankfurt. Bắt đầu từ những năm 1930 tại Viện Nghiên cứu Xã hội ở Frankfurt, ngôi trường nổi tiếng với nghiên cứu liên ngành kết hợp triết học và khoa học xã hội với mục đích thực tế là thúc đẩy hơn nữa sự giải phóng (emancipation – quá trình mang lại cho mọi người tự do và quyền về mặt xã hội cũng như chính trị). Có thể liệt kê những nhân vật có ảnh hưởng thuộc thế hệ đầu tiên của Trường phái Frankfurt – Max Horkheimer (1895–1973), Theodor W. Adorno (1903–1969), Herbert Marcuse (1898–1979) và Walter Benjamin (1892–1940) – và nhân vật hàng đầu của thế hệ thứ hai, Jürgen Habermas (sinh năm 1929). (dịch từ plato.standford.edu)

Cách tiếp cận phê bình kinh tế chính trị là một khuôn khổ được sử dụng trong khoa học xã hội để phân tích các cấu trúc, động lực và mâu thuẫn trong các nền kinh tế, nhấn mạnh mối quan hệ giữa hệ thống kinh tế, quyền lực chính trị và sự thay đổi xã hội. Cách tiếp cận này bắt nguồn từ lý thuyết Marxist nhưng đã phát triển để kết hợp nhiều lý thuyết quan trọng khác nhau nhằm xem xét kỹ lưỡng các mối quan hệ quyền lực ảnh hưởng đến thực tiễn và kết quả kinh tế.

Các khía cạnh chính của cách tiếp cận kinh tế chính trị quan trọng bao gồm:

Quyền lực và Bất bình đẳng: điều tra xem các cấu trúc kinh tế góp phần như thế nào vào sự mất cân bằng quyền lực và bất bình đẳng xã hội, tập trung vào cách phân phối của cải và quyền lực cũng như tác động của những phân bổ này đối với các nhóm xã hội khác nhau.

Bối cảnh lịch sử: Cách tiếp cận này xem xét sự phát triển lịch sử của các hệ thống kinh tế, hiểu rằng các thể chế và thực tiễn kinh tế hiện tại là kết quả của các quá trình lịch sử.

Tư tưởng và Văn hóa: cách tiếp cận này xem xét các hệ tư tưởng và thực hành văn hóa ảnh hưởng như thế nào đến đời sống kinh tế, bao gồm cả cách các hệ tư tưởng thống trị hỗ trợ các cơ cấu quyền lực hiện có.

Tác nhân và Thay đổi: nhấn mạnh vai trò của tác nhân con người trong việc định hình các hệ thống kinh tế, thừa nhận rằng các cá nhân và nhóm có quyền tác động đến sự thay đổi trong các hệ thống này.

Tính liên kết: Cách tiếp cận này xem xét nền kinh tế không phải một cách biệt lập mà được kết nối với các yếu tố chính trị, xã hội và môi trường, thừa nhận rằng các quyết định kinh tế ảnh hưởng và bị ảnh hưởng bởi các lĩnh vực khác này.

Các nhà nghiên cứu sử dụng phương pháp này thường nhằm mục đích xác định và phê bình các nguyên nhân cơ bản của các vấn đề kinh tế, ủng hộ những thay đổi nhằm giải quyết những bất bình đẳng cơ bản và sự kém hiệu quả trong hệ thống kinh tế.

Bằng nhãn quan kinh tế chính trị phê bình, các tác giả của series Những gã khổng lồ truyền thông (Global Media Giants) đã tìm hiểu kỹ lưỡng và phân tích đường đi nước bước, công và tội của từng tập đoàn. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu từng tập đoàn cụ thể trong series Những gã khổng lồ truyền thông qua góc nhìn kinh tế-chính trị. Xin nhắc lại một lần nữa, bộ sách vẫn tiếp tục được các nhà nghiên cứu thực hiện bổ sung với nhiều tập đoàn khác.

Nintendo – Đế chế game đồ sộ của Nhật Bản

Nintendo có lịch sử trải dài hơn một thế kỷ, bắt đầu từ việc sản xuất bài hanafuda (thẻ bài) tại Nhật Bản vào năm 1889. Sự chuyển mình của Nintendo từ một công ty sản xuất thẻ bài truyền thống sang ngành công nghiệp trò chơi điện tử là một cuộc cách mạng, bắt đầu với hệ thống trò chơi điện tử gia đình NES vào những năm 1980. Sự ra đời của NES và những trò chơi kinh điển như “Super Mario Bros.” và “The Legend of Zelda” đã mở đầu cho kỷ nguyên vàng của Nintendo trong ngành trò chơi điện tử.

Nintendo liên tục đổi mới trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử với những phát minh như máy chơi trò công cộng (dùng xèng) arcade, máy trò chơi cầm tay Game Boy, hệ thống trò chơi tương tác Wii, và gần đây nhất là Nintendo Switch, một thiết bị kết hợp giữa máy chơi trò chơi cầm tay và console. Các sản phẩm này không chỉ mang lại thành công về mặt thương mại mà còn tạo ra những cộng đồng người hâm mộ trung thành, kéo dài qua nhiều thế hệ.

Cuốn sách Nintendo – Cuộc chơi quyền lực và sự xâm nhập của thế giới ảo áp dụng phương pháp nghiên cứu kinh tế chính trị phê bình (critical political economy approach) cho rằng chúng ta cần phải hiểu về Nintendo “vượt ra ngoài khuôn khổ điển hình của một công ty sản xuất đồ chơi và giải trí cho trẻ em. Chính xác hơn, đây là một trong số các công ty truyền thông thống trị trên thế giới và họ đã đạt được vị thế này không chỉ nhờ vào chiến lược kinh doanh mà còn bằng cách phát triển mối liên hệ với các công ty xuyên quốc gia khác và thông qua sự hỗ trợ của nhiều chủ thể Nhà nước. Trọng tâm ở đây là khảo sát cách Nintendo duy trì vị thế thống trị của họ trong một ngành công nghiệp đầy biến động. Phần lớn các chiến lược và giao dịch nội bộ của Nintendo vẫn còn là một bí ẩn. Cuốn sách này nhằm mục đích vén bức màn đó lên để xem công ty đã sử dụng quyền lực của họ để duy trì thành công như thế nào”. (trích Nintendo – Cuộc chơi quyền lực và sự xâm nhập của thế giới ảo)

Tìm hiểu thêm: NINTENDO – Cuộc chơi quyền lực và sự xâm nhập của thế giới ảo – Book Hunter Lyceum

Một số thương hiệu và dịch vụ chính của Nintendo bao gồm:

  • Các Hệ Máy Nintendo: Bao gồm Nintendo Switch, Nintendo 3DS và các hệ máy nổi tiếng trước đây như Wii và GameCube.
  • Dòng trò chơi Mario: Một trong những dòng trò chơi điện tử biểu tượng nhất, bao gồm các trò chơi như “Super Mario Bros.”, “Mario Kart”, và “Super Mario Odyssey”.
  • The Legend of Zelda: Một dòng trò chơi thành công khác bao gồm các trò chơi như “The Legend of Zelda: Breath of the Wild” và “The Legend of Zelda: Ocarina of Time”.
  • Pokémon (đồng sở hữu): Nintendo đồng sở hữu thương hiệu Pokémon với Game Freak và Creatures Inc., bao gồm các trò chơi như “Pokémon Sword and Shield” và “Pokémon Go”.
  • Donkey Kong: Một dòng trò chơi cổ điển bắt đầu như một trò chơi thùng và đã phát triển thành các tựa game khác nhau có sự tham gia của Donkey Kong và các nhân vật liên quan.
  • Super Smash Bros.: Một dòng game đối kháng kết hợp các nhân vật từ nhiều dòng game của Nintendo.
  • Animal Crossing: Dòng trò chơi mô phỏng xã hội đã đạt được sự phổ biến cực lớn, đặc biệt là với phiên bản mới nhất “Animal Crossing: New Horizons”.
  • Splatoon: Một dòng game mới của Nintendo, nổi tiếng với cách tiếp cận sáng tạo cho thể loại game bắn súng góc nhìn thứ ba.
  • Fire Emblem: Một dòng game nhập vai chiến thuật đã phát triển một lượng người hâm mộ đông đảo theo thời gian.
  • Kirby: Dòng game có nhân vật chính là Kirby, được biết đến với các trò chơi platform.
  • Metroid: Một dòng game phiêu lưu hành động khoa học viễn tưởng với nhân vật chính Samus Aran chiến đấu chống lại các tên cướp biển vũ trụ và sinh vật ngoài hành tinh.
  • Nintendo eShop: Dịch vụ phân phối kỹ thuật số của Nintendo cho nội dung bao gồm trò chơi và ứng dụng cho hệ máy Nintendo Switch và 3DS.

Alibaba – Đế chế truyền thông chỉ cần nhắc tên là đủ

Alibaba được thành lập vào năm 1999 bởi Jack Ma và một nhóm các đồng sáng lập tại Hàng Châu, Trung Quốc. Bắt đầu như một nền tảng thương mại điện tử để kết nối các nhà sản xuất Trung Quốc với các nhà bán lẻ và người tiêu dùng trên toàn thế giới, Alibaba đã phát triển thành một trong những công ty internet lớn nhất thế giới. Nhờ vào sự nổi bật của các nền tảng như Taobao và Tmall, Alibaba đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường thương mại điện tử ở Trung Quốc và mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ra toàn cầu.

Alibaba Group cung cấp một loạt các sản phẩm và dịch vụ bao gồm thương mại điện tử, điện toán đám mây, dịch vụ tài chính và giải trí. Trong số đó, các nền tảng thương mại điện tử như Taobao, Tmall và AliExpress là những cái tên nổi bật nhất, phục vụ hàng trăm triệu người dùng và hỗ trợ hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ant Financial, một công ty con của Alibaba, điều hành Alipay, một trong những nền tảng thanh toán di động hàng đầu thế giới, cũng là một phần quan trọng trong hệ sinh thái của Alibaba, giúp đơn giản hóa các giao dịch tài chính và tăng cường bảo mật cho người dùng.

Cuốn sách “AlibabaSự tương tác phức tạp giữa nhà nước và vốn tư bản trong bối cảnh Trung Quốc vươn ra toàn cầu” cung cấp cho chúng ta câu chuyện chi tiết về quá trình Alibaba được hình thành và được hỗ trợ bởi các chính sách phát triển của chính phủ Trung Quốc như thế nào kể từ khi Đặng Tiểu Bình cải cách kinh tế, mở cửa hội nhập vào năm 1978. Alibaba đã được lựa chọn trở thành một trong những công ty đầu tàu, và được hưởng rất nhiều ưu ái từ chính phủ, được áp dụng mô hình VIE (variable interest entity) cho phép nhận nguồn vốn khổng lồ từ phương Tây thông qua việc thành lập một pháp nhân trung gian tại các thiên đường thuế như Cayman Islands. Bằng nguồn vốn dồi dào từ Âu-Mỹ, Alibaba đã liên tục mở rộng, sáp nhập và có thị phần trong tất cả hệ sinh thái Internet. Tuy nhiên, bởi vì VIE là một mô hình không chính thức, không hề có luật định, tức là chính phủ Trung Quốc không cấm cũng không cho phép một cách rõ ràng. Các nhà tư bản Âu-Mỹ chấp nhận rủi ro để đổi lấy lợi nhuận khổng lồ từ cổ phần góp vào Alibaba thông qua VIE, thế nhưng khi Ant Financial bị hủy IPO vào tháng 11/2020 thì có thể hiểu rằng VIE không còn là một cơ chế ổn định nữa. Jack Ma đã quá tự tin khi muốn thay thế hệ thống ngân hàng truyền thông của Trung Quốc và ông đã phải trả giá với việc lùi về hậu trường, bởi vì trên thực tế, chính phủ Trung Quốc đã đóng góp rất nhiều và do đó sở hữu một tỷ lệ ra quyết định không hề nhỏ đối với Alibaba.

Chuyển sang Tencent, một trong những đối thủ lớn nhất của Alibaba tại Trung Quốc, chúng ta sẽ xem xét cách công ty này đã trở thành một trong những người chơi chính trong lĩnh vực công nghệ và truyền thông.

Tìm hiểu thêm: ALIBABA – Sự tương tác phức tạp giữa nhà nước và vốn tư bản trong bối cảnh Trung Quốc vươn ra toàn cầu – Book Hunter Lyceum

Một số thương hiệu và dịch vụ chính của Alibaba bao gồm:

  • Alibaba.com: Là một nền tảng thương mại điện tử B2B (business-to-business) lớn, nơi các doanh nghiệp có thể mua bán sản phẩm và dịch vụ với nhau.
  • Taobao: Một trang thương mại điện tử phổ biến ở Trung Quốc, tập trung vào thị trường tiêu dùng với mô hình C2C (consumer-to-consumer).
  • Tmall: Một nền tảng B2C (business-to-consumer) dành cho các thương hiệu lớn và chính hãng để bán sản phẩm đến người tiêu dùng.
  • AliExpress: Một trang thương mại điện tử toàn cầu cho phép các doanh nghiệp nhỏ và nhà bán lẻ ở Trung Quốc bán hàng trực tiếp đến khách hàng quốc tế.
  • Alipay: Một trong những nền tảng thanh toán điện tử hàng đầu thế giới, cung cấp giải pháp thanh toán an toàn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.
  • Ant Financial (Ant Group): Một công ty tài chính công nghệ lớn, cung cấp các dịch vụ tài chính như cho vay, quản lý tài sản, bảo hiểm và các dịch vụ ngân hàng điện tử.
  • Cainiao Network: Một hệ thống logistics thông minh, hỗ trợ logistics cho Alibaba và các nền tảng thương mại điện tử khác.
  • Youku Tudou: Một nền tảng phát video trực tuyến, tương tự như YouTube, cung cấp các chương trình truyền hình, phim và nội dung video khác.
  • Lazada: Một công ty thương mại điện tử hàng đầu ở Đông Nam Á, được Alibaba mua lại để mở rộng sự hiện diện của mình ở khu vực này.
  • Freshippo (Hema): Chuỗi cửa hàng thực phẩm tươi sống và siêu thị, nổi tiếng với mô hình “New Retail” kết hợp mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến.

Tencent – Đặt nền móng cho giao tiếp trực tuyến tại Trung Quốc

Tencent được thành lập vào năm 1998 tại Thâm Quyến, Trung Quốc, bởi Mã Hóa Đằng (còn gọi là Pony Ma) và một nhóm các đồng sáng lập. Bắt đầu từ một dịch vụ nhắn tin QQ, Tencent đã phát triển thành một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới, với dịch vụ phạm vi rộng từ truyền thông xã hội, trò chơi điện tử, đến các dịch vụ tài chính và đám mây.

Tencent nổi tiếng với WeChat, ứng dụng nhắn tin, xã hội và thanh toán toàn diện, có hơn một tỷ người dùng hoạt động hàng tháng. Cùng với đó, Tencent là một trong những nhà phát hành trò chơi điện tử lớn nhất thế giới, sở hữu hoặc đầu tư vào nhiều công ty trò chơi lớn như Riot Games (nhà phát hành Liên Minh Huyền Thoại – League of Legends) và Supercell (nhà phát hành “Clash of Clans”). Tencent còn tham gia vào cuộc chơi video streaming với nền tảng WeTV để cạnh tranh với iQiyi của Baidu và Youku của Alibaba. Nhưng Tencent lập ra không phải để cạnh tranh trong nước. Cũng giống như Alibaba và Baidu, đối thủ thực sự của Tencent là những gã khổng lồ Âu Mỹ. Tencent được ra đời trong nỗ lực ảnh hưởng tới tầng lớp trung lưu tại các đô thị tại Trung Quốc đồng thời tạo một loạt các nền tảng để gia tăng giao thức liên lạc tại quốc gia này. “Sự đồ sộ của Tencent là một liên minh mang tính “thương hội” của các tập đoàn công nghệ và viễn thông. Thành tựu của Tencent phụ thuộc phần
lớn vào liên minh thành công giữa họ với một số tên tuổi hàng đầu trong ngành này. Cần phải hiểu những sự hợp tác này theo các động lực của cuộc cạnh tranh khốc liệt trong ngành Internet Trung Quốc – đó là đòn đáp trả với các đối thủ cạnh tranh. Sự hợp tác và cạnh tranh giữa các nhà tư bản luôn đi đôi với nhau và phải được phân tích như hai mặt của quá trình tái tạo vốn và sức mạnh.” (Trích Cuốn sách “TENCENT – Quyền lực của giao tiếp và kết nối trong thúc đẩy nền kinh tế” – Min Tang)

Tìm hiểu thêm: TENCENT – Quyền lực của giao tiếp và kết nối trong thúc đẩy nền kinh tế – Book Hunter Lyceum

Một số thương hiệu và dịch vụ chính của Tencent bao gồm:

  • Riot Games (nhà phát triển trò chơi “League of Legends” – Liên Minh Huyền Thoại) và có cổ phần lớn trong Epic Games, Activision Blizzard, Ubisoft, và Supercell. Tencent cũng điều hành Tencent Games, bao gồm các trò chơi nổi tiếng như “Honor of Kings” và “PUBG Mobile”.
  • WeChat (gọi là Weixin tại Trung Quốc), một trong những nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới, cung cấp các dịch vụ từ nhắn tin đến thanh toán và mạng xã hội.
  • Dịch vụ nghe nhạc trực tuyến Tencent Music Entertainment: bao gồm các dịch vụ nghe nhạc như QQ Music, Kugou Music, và Kuwo Music, cung cấp các dịch vụ nghe nhạc, karaoke và phát trực tiếp các buổi hòa nhạc.
  • Dịch vụ phát video trực tuyến Tencent Video (hay còn gọi là WeTV)  cung cấp một loạt nội dung phim truyền hình có bản quyền và tự sản xuất.
  • Tencent Cloud cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, trong khi Tencent AI Lab tập trung vào phát triển các công nghệ trí tuệ nhân tạo.
  • Tencent Finance bao gồm các dịch vụ tài chính như ngân hàng trực tuyến và quản lý tài sản, được hỗ trợ bởi các nền tảng công nghệ.

Tiếp theo, chúng ta sẽ nghiên cứu về Baidu, thường được gọi là “Google của Trung Quốc”, và xem xét cách thức công ty này đã định hình lại ngành công nghệ tìm kiếm và AI tại Trung Quốc và trên toàn cầu.

Baidu – Sự học hỏi và kết hợp của Google và Wikipedia tại Trung Quốc

Baidu, thành lập vào năm 2000 bởi Robin Li (Lý Ngạn Hoành) và Eric Xu (Từ Dũng), đã phát triển trở thành một trong những công ty công nghệ hàng đầu tại Trung Quốc, chuyên về dịch vụ và sản phẩm liên quan đến Internet, đặc biệt là trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến. Với mục tiêu ban đầu là cung cấp “dịch vụ tìm kiếm dễ sử dụng và đáng tin cậy”, Baidu đã nhanh chóng trở thành công cụ tìm kiếm số một tại Trung Quốc, vượt qua các đối thủ lớn như Google khi công ty này rời khỏi thị trường Trung Quốc vào năm 2010.

Ngoài công cụ tìm kiếm, Baidu còn cung cấp một loạt các dịch vụ khác như Baidu Baike (một bách khoa toàn thư trực tuyến), Baidu Map (dịch vụ bản đồ), và nhiều hơn nữa. Gần đây, Baidu cũng đang đẩy mạnh mảng phát triển trí tuệ nhân tạo và học máy, với các sản phẩm như Apollo (nền tảng xe tự lái) và DuerOS (hệ điều hành cho các thiết bị thông minh). Baidu được đầu tư như một sự đối kháng và hạ bệ quyền lực của các công cụ nền tảng của Âu Mỹ. Sự xuất hiện của Baidu khiến bản đồ công nghệ thế giới không chỉ còn có những cái tên như Google, Wikipedia… với các thông tin được trình bày và điều hướng bởi phương Tây, mà đã dần tạo ra một thế giới quan được tạo lập bằng ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc. “Trung Quốc là một ngoại lệ hiếm hoi đối với sự thống trị toàn cầu của Google, và cùng với Hàn Quốc và Nga trở thành những quốc gia có công cụ tìm kiếm nội địa vượt qua được Google để chiếm ưu thế trên thị trường. Đặc biệt, Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai và thị trường
Internet lớn nhất thế giới – cho thấy ảnh hưởng của cuộc đấu tranh địa chính trị đối với nền công nghiệp Internet toàn cầu cũng như những tranh chấp và hợp tác giữa các tập đoàn đa quốc gia và các chính phủ nhằm kiểm soát khu vực kinh tế tư bản năng động nhất – Internet.” (Trích “Baidu-Biến động địa chính trị trên Internet tại Trung Quốc”)

Tìm hiểu thêm: BAIDU – Biến động địa chính trị trên Internet tại Trung Quốc – Book Hunter Lyceum

Một số thương hiệu và dịch vụ chính của Baidu bao gồm:

  • Baidu Search: Là công cụ tìm kiếm chính của Trung Quốc, cung cấp khả năng tìm kiếm web, hình ảnh, video và tin tức.
  • Baidu Baike: Tương tự như Wikipedia, là một bách khoa toàn thư trực tuyến do người dùng đóng góp nhưng được kiểm duyệt bởi nhân viên Baidu.
  • Baidu Maps: Dịch vụ bản đồ trực tuyến tương tự như Google Maps, cung cấp dẫn đường và thông tin địa phương.
  • iQIYI: Thường được gọi là “Netflix của Trung Quốc,” là một nền tảng phát video trực tuyến sở hữu bởi Baidu, cung cấp nội dung video bao gồm phim, chương trình truyền hình và các chương trình giải trí khác.
  • Baidu Cloud: Cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, bao gồm lưu trữ và xử lý dữ liệu, dành cho doanh nghiệp và cá nhân.
  • Baidu Apollo: Là chương trình phát triển công nghệ xe tự lái, nhằm xây dựng một hệ thống mở và toàn diện cho các phương tiện tự hành.
  • DuerOS: Hệ điều hành thông minh của Baidu dành cho các thiết bị kết nối, bao gồm loa thông minh và các thiết bị gia dụng thông minh.
  • Xiaodu: Thương hiệu loa thông minh và trợ lý ảo của Baidu, cạnh tranh với các sản phẩm tương tự từ Amazon (Alexa) và Google (Google Assistant).

Cuốn sách “Baidu-Biến động địa chính trị trên Internet tại Trung Quốc” cùng với hai cuốn “Alibaba Sự tương tác phức tạp giữa nhà nước và vốn tư bản trong bối cảnh Trung Quốc vươn ra toàn cầu” “Tencent- Quyền lực của giao tiếp và kết nối trong thúc đẩy nền kinh tế” phác họa một bức tranh toàn cảnh về chiến lược mèo trắng-mèo đen mà Đặng Tiểu Bình đã thúc đẩy và được các lứa lãnh đạo tiếp theo của Trung Quốc tiếp tục duy trì và cải tiến. Công nghệ được xác định là ưu tiên hàng đầu và được ưu ái bằng rất nhiều chính sách từ trung ương. Chiến lược xuyên suốt và thống nhất của chính phủ Trung Quốc mà chúng ta có thể rút ra từ tác phẩm “Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào” của Yuen Yuen Ang, NXB Đà Nẵng và Book Hunter, 2022, đó là:

“Trung Quốc thoát bẫy nghèo đói bằng cách tạo ra một nhóm các điều kiện nền tảng khuyến khích cuộc tìm kiếm từ dưới lên đến từ bên trong để có các giải pháp thích ứng phù hợp cho địa phương. Vì Trung Quốc là nước phát triển muộn, chuyên chế, nhà nước đóng vai trò to lớn trong việc định hình quá trình và kết quả thích ứng. Tóm tắt nhiều yếu tố của cách thích ứng của nước này, tôi gọi nó là ứng biến có chỉ đạo. Các nhà cải cách trung ương chỉ đạo, quan chức địa phương ứng biến. Trung ương không điều hành bằng cách xác định cụ thể các đơn vị địa phương phải làm gì. Thay vào đó, nó chỉ đạo bằng cách giải quyết các vấn đề về thích ứng đã nêu trên: cho phép nhưng phân định ranh giới của sự địa phương hóa (sự biến thể), xác định rõ ràng và khen thưởng các thành công của bộ máy hành chính (chọn lọc) và khuyến khích trao đổi qua lại giữa các khu vực có bất bình đẳng lớn (tạo ngách). Trong khuôn khổ được xác định bởi trung ương, chính quyền địa phương ứng biến với nhiều giải pháp cho các vấn đề cụ thể với địa phương và liên tục thay đổi. Chính sự kết hợp đầy nghịch lý của sự chỉ đạo từ trên xuống và ứng biến từ dưới lên đã tạo nên nền tảng cho quá trình cùng tiến hóa của thay đổi căn bản.”

Và Alibaba, Tencent hay Baidu đều được hưởng lợi từ chính sách phát triển kiểu ứng biến có chỉ đạo của Trung Quốc. Để sinh tồn, các tập đoàn này cần hiểu rõ và phối hợp nhịp nhàng với định hướng dài hạn của chính quyền trung ương.

Tiếp theo, chúng ta sẽ chuyển sang Alphabet, công ty mẹ của Google, và khám phá sự phát triển và ảnh hưởng sâu rộng của nó trên toàn thế giới.

Alphabet – Công ty mẹ của Google 

Alphabet Inc., được thành lập vào năm 2015, là công ty mẹ của Google, một trong những công ty công nghệ lớn nhất và có ảnh hưởng nhất thế giới. Google được lập ra vào năm 1998 bởi Larry Page và Sergey Brin khi họ còn là nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ tại Đại học Stanford. Google giờ đây thậm chí còn trở thành một động từ, có nghĩa là lên Google và đi tra cứu thông tin.

Google cung cấp một loạt các sản phẩm và dịch vụ bao gồm tìm kiếm web, quảng cáo trực tuyến, dịch vụ đám mây, phần mềm, và phần cứng. Google Search là công cụ tìm kiếm phổ biến nhất thế giới, trong khi YouTube là nền tảng chia sẻ video hàng đầu. Google cũng là nhà phát triển hệ điều hành di động Android, hệ điều hành phổ biến nhất trên thế giới, và nhiều sản phẩm khác như Google Maps, Google Cloud, và Google Workspace.

Cuốn sách “Alphabet – Không chỉ là công cụ tìm kiếm Google mà còn thiết lập đế chế trong thời đại mới” tiết lộ lý do đăng sau sự dịch chuyển từ Google tới Alphabet, tại sao Google phải lên sàn chứng khoán để huy động vốn, và tại sao các công ty công nghệ Internet lại được các nhà đầu tư ưu ái. Về logic thông thường, các nhà đầu tư luôn mong muốn có lợi nhuận, càng nhiều càng tốt. Các nhà tư bản có vốn, thậm chí vốn rất lớn, và họ muốn số vốn đó liên tục được tăng lên thông qua lợi nhuận. Do đó họ phải lựa chọn một loại hàng hóa hoặc sản xuất nào đó cho phép sự tối đa hóa lợi nhuận. Và Mickey Lee, tác giả của cuốn sách, đã giải thích như sau:

“Việc thương mại hóa Internet đã định hình lại cách cảm nhận thời gian…nền kinh tế của Google và Alphabet dựa trên lời hứa về sự mở rộng vô hạn của thời gian. Vì phần lớn doanh thu của Alphabet đến từ quảng cáo trực tuyến nên công ty phải kéo dài thời gian người dùng dành cho hoạt động trực tuyến và mở rộng số lượng người dùng. Các hoạt động kinh doanh không tập trung vào Internet của Alphabet được thành lập để hỗ trợ Google mở rộng thời gian ra vô tận…công cụ tìm kiếm của Google dường như tạo ra thời gian vô hạn bằng cách tạo nhiều khoảng trống cùng một lúc. Sự xuất hiện của thời gian vô tận và nhiều không gian tạo ra ảo tưởng rằng vốn (capital) có thể chảy liền mạch qua nhiều không gian mà ở đó thời gian không còn bị giới hạn bởi 24 giờ trong một ngày và 60 phút trong một giờ nữa. Nhìn bề ngoài, một công cụ tìm kiếm có thể vượt qua các giới hạn về không gian và thời gian của vốn. Trước hết, người ta tin rằng Internet khiến không gian trở nên không còn phù hợp nữa. Người tiêu dùng không còn bị hạn chế bởi vị trí cục bộ của họ, họ có thể dễ dàng mua sắm tại một cửa hàng trực tuyến ở thị trấn của họ cũng như một cửa hàng ở bên kia địa cầu. Ngoài ra, người ta còn cho rằng Internet khiến thời gian trở nên vô nghĩa: người tiêu dùng có thể mua bất cứ thứ gì trực tuyến vào bất kỳ lúc nào; và một số lượng lớn người dùng trực tuyến có thể truy cập một số lượng lớn các trang web vào bất kỳ thời điểm nào. Nhiều không gian và hoạt động thương mại trực tuyến đồng thời tạo ra khung thời gian vô hạn cho người dùng. Cả hai điều kiện này đều là lý tưởng cho các nhà quảng cáo, vì quảng cáo của họ không còn bị hạn chế bởi số giờ phát sóng truyền hình hoặc số trang in trên một ấn phẩm, quảng cáo có thể xuất hiện trên nhiều kết quả tìm kiếm nhất có thể.”

Chúng ta có thể thấy các sản phẩm công nghệ tiết kiệm được khoảng thời gian lưu kho, vận chuyển từ nhà sản xuất tới tay người tiêu dùng và đặc biệt khách hàng có thể mua và sử dụng 24/7 trên khắp thế giới, miễn là có truy cập Internet.

Ảnh hưởng của Alphabet trải dài khắp mọi lĩnh vực từ giáo dục đến công nghệ cao, từ y tế đến hạ tầng thông tin. Alphabet tiếp tục đổi mới và đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, với các dự án như Waymo (xe tự lái) và Verily (y tế số).

Tìm hiểu thêm: ALPHABET – Không chỉ là công cụ tìm kiếm Google mà còn thiết lập đế chế trong thời đại mới – Book Hunter Lyceum

Một số thương hiệu và dịch vụ chính của Alphabet bao gồm:

  • Google: Nền tảng tìm kiếm chính và là công ty con lớn nhất của Alphabet, bao gồm các dịch vụ như Google Search, Google Maps, và Gmail.
  • YouTube: Nền tảng chia sẻ video lớn nhất thế giới, mua lại bởi Google vào năm 2006.
  • Android: Hệ điều hành di động phổ biến nhất trên thế giới, được Google phát triển.
  • Google Play: Cửa hàng ứng dụng và nội dung số cho các thiết bị Android.
  • Google Cloud: Dịch vụ điện toán đám mây cung cấp hạ tầng, nền tảng, và các dịch vụ phần mềm.
  • Calico: Công ty nghiên cứu tuổi thọ và chống lão hóa.
  • DeepMind: Công ty nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, nổi tiếng với phát triển hệ thống AI có thể học hỏi và cải thiện chính nó.
  • Waymo: Dự án xe tự lái, trước đây là một phần của dự án Google X.
  • Wing: Công ty chuyên về phát triển và thử nghiệm các dịch vụ giao hàng bằng drone.
  • Verily: Công ty tập trung vào nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực khoa học sức khỏe.
  • Sidewalk Labs: Dự án nhằm phát triển các giải pháp đô thị thông minh để cải thiện đô thị.
  • GV (trước đây là Google Ventures): Quỹ đầu tư mạo hiểm của Alphabet, đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
  • CapitalG (trước đây là Google Capital): Quỹ đầu tư tăng trưởng của Alphabet, tập trung vào các khoản đầu tư lớn hơn ở giai đoạn muộn.

Kế tiếp, chúng ta sẽ khám phá Bertelsmann, một trong những công ty truyền thông lớn nhất thế giới, và xem xét cách họ đã thích ứng với sự thay đổi của thị trường truyền thông trong thời đại số.

 Bertelsmann – Trùm ẩn của thế giới xuất bản

Bertelsmann là một trong những tập đoàn truyền thông, dịch vụ và giáo dục lớn nhất thế giới, có trụ sở chính tại Gütersloh, Đức. Được thành lập vào năm 1835 bởi Carl Bertelsmann, ban đầu là một nhà xuất bản sách. Trải qua hơn một thế kỷ phát triển, Bertelsmann đã mở rộng hoạt động kinh doanh của mình ra toàn cầu và đa dạng hóa vào nhiều lĩnh vực như truyền hình, radio, xuất bản sách, và dịch vụ giáo dục.

Bertelsmann sở hữu một loạt các công ty con và thương hiệu lớn trong ngành truyền thông, bao gồm RTL Group – một trong những nhóm truyền hình lớn nhất châu Âu, Penguin Random House – nhà xuất bản sách lớn nhất thế giới về số lượng tiêu đề được phát hành hàng năm, và Gruner + Jahr – một trong những nhà xuất bản tạp chí hàng đầu. Ngoài ra, Bertelsmann cũng hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ giáo dục thông qua Bertelsmann Education Group và Arvato, một công ty cung cấp dịch vụ quản lý quan hệ khách hàng và IT.

Bertelsmann không chỉ là một người chơi lớn trên thị trường châu Âu mà còn có ảnh hưởng rộng khắp trên toàn cầu. Với sự phát triển của công nghệ số và thay đổi trong thói quen tiêu dùng nội dung, Bertelsmann đã chuyển hướng đầu tư mạnh mẽ vào nội dung số và dịch vụ trực tuyến.

Mặc dù là một tập đoàn truyền thông thuộc top đầu thế giới với doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm, Bertelsmann vẫn chưa từng niêm yết trên sàn chứng khoán bởi vì mong muốn của gia đình Mohn. Phần lớn vốn cổ phần của tập đoàn Bertelsmann, cụ thể là 77,6%, thuộc về Bertelsman Stiftung, một quỹ do Reinhard Mohn sáng lập vào năm 1977. Ngày nay, Quỹ Bertelsmann, theo tờ báo kinh tế Handelsblatt của Đức, “có thể là quỹ lớn nhất nhưng chắc chắn là quỹ có ảnh hưởng nhất nước Đức”, nếu không muốn nói là nhất châu Âu. Được tài trợ bằng lợi nhuận của công ty, năm 2019, quỹ chi tổng cộng 90 triệu euro cho các hoạt động phi lợi nhuận (trong lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe, công nghệ kỹ thuật số v.v…) có liên hệ mật thiết đến các lợi ích của công ty (Schuler, 2010).

Cuốn sách “Bertelsmann – Ẩn mình trong trụ sở nhỏ bé nhưng vẫn là hoàng đế của vũ trụ truyền thông” sẽ giúp độc giả có được cái nhìn khá chi tiết về Bertelsmann, từ quan điểm chính trị tới chiến lược kinh doanh cũng như các mối liên hệ với các cơ quan chính phủ khác nhau trên thế giới cũng như các thế lực trong liên minh của nó. Một ví dụ nổi bật mà truyền thông Việt Nam gần đây đưa tin đó là về việc nhà xuất bản lớn nhất thế giới Penguin Random House muốn sáp nhập Simon & Schuster (nhà xuất bản nằm trong Big 5 của thị trường sách Hoa Kỳ), nhưng trên thực tế thì đó là Bertelsmann muốn thâu tóm Simon & Schuster. Mức giá mà Bertelsmann đưa ra là 2,2 tỷ USD để có được Simon & Schuster, tuy nhiên Bộ tư pháp Hoa Kỳ đa ngăn chặn thương vụ này và cuối cùng thì Simon & Schuster đã được bán cho KKR vào cuối năm 2023 với mức giá 1,6 tỷ USD, thấp hơn tới 400 triệu USD so với mức giá ban đầu. Thế nhưng ít ai biết rằng, KKR, một quỹ đầu tư tài chính khổng lồ, lại luôn song hành với Bertelsmann trong nhiều thương vụ sáp nhập và hai tập đoàn khổng lồ này được xem là đã thiết lập liên minh với nhau.

Tìm hiểu thêm: BERTELSMANN – Ẩn mình trong trụ sở nhỏ bé nhưng vẫn là hoàng đế của vũ trụ truyền thông – Book Hunter Lyceum

Một số thương hiệu và dịch vụ chính của Bertelsmann bao gồm:

  • RTL Group: Một trong những nhóm giải trí hàng đầu, hoạt động trong lĩnh vực phát sóng, truyền hình trực tuyến, nội dung và kỹ thuật số, với lợi ích trong 60 kênh truyền hình và bảy dịch vụ phát trực tuyến.
  • Penguin Random House: Nhà xuất bản sách lớn nhất thế giới với hơn 300 nhãn hiệu và thương hiệu, hoạt động ở hơn 20 quốc gia trên khắp sáu châu lục.
  • BMG: Công ty âm nhạc cung cấp dịch vụ quản lý bản quyền, xuất bản và ghi âm cho nghệ sĩ và tác giả.
  • Arvato Group: Cung cấp các dịch vụ toàn diện từ dịch vụ khách hàng, IT, logistics, đến các giải pháp tài chính.
  • Bertelsmann Printing Group: Nhóm các công ty trong ngành in ấn với dịch vụ in offset và in quay.
  • Bertelsmann Education Group: Tập trung vào giáo dục và cung cấp các giải pháp đào tạo chuyên nghiệp và giáo dục cao học.
  • Bertelsmann Investments: Đơn vị đầu tư của Bertelsmann, tham gia vào các quỹ đầu tư mạo hiểm và đầu tư tăng trưởng trên toàn cầu.
  • Gruner + Jahr: Nhà xuất bản tạp chí và báo chí, xuất bản nhiều tạp chí nổi tiếng ở Đức và các nước khác.

Tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét Grupo Prisa, một công ty truyền thông hàng đầu của Tây Ban Nha, để hiểu hơn về sự phát triển và ảnh hưởng của họ trong ngành truyền thông nói chung.

Grupo Prisa – Quyền lực của giới tinh hoa đối với vận mệnh Tây Ban Nha và thế giới Mỹ Latin

Grupo Prisa là một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất Tây Ban Nha, được thành lập vào năm 1972. Prisa bắt đầu từ sự thành lập của nhật báo El País, ngày nay đã trở thành một trong những tờ báo được đọc nhiều nhất trong khu vực ngôn ngữ Tây Ban Nha. Từ đó, Grupo Prisa đã phát triển để bao gồm không chỉ báo chí mà còn phát thanh, truyền hình và các dịch vụ giáo dục.

Các hoạt động kinh doanh chính của Grupo Prisa bao gồm truyền thông và giáo dục. Trong lĩnh vực truyền thông, Prisa điều hành một loạt các kênh truyền hình, đài phát thanh, và nhà xuất bản báo chí và sách, với El País và Cadena SER là những thương hiệu nổi bật. Trong lĩnh vực giáo dục, Prisa sở hữu Santillana, một công ty phát hành sách giáo khoa và tài liệu giáo dục khác cho thị trường nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Tồn tại và phát triển trong cả giai đoạn độc tài quân sự (nhà độc tài Franco) và giai đoạn bầu cử dân chủ, Grupo Prisa đã tìm cách tận dụng những thời điểm trọng đại của lịch sử Tây Ban Nha nhằm gia tăng khách hàng tiêu thụ thông tin mà họ làm ra.

Tìm hiểu thêm: GRUPO PRISA – Truyền thông nâng cao dân trí và vì tiếng nói của người dân – Book Hunter Lyceum

Một số thương hiệu và dịch vụ chính của Grupo Prisa bao gồm:

  • Santillana: Là một trong những nhà xuất bản giáo dục hàng đầu, cung cấp sách giáo khoa và tài liệu học tập cho thị trường nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
  • EL PAÍS: Một trong những tờ báo hàng đầu của Tây Ban Nha, cung cấp tin tức, phân tích và bình luận về các sự kiện trong nước và quốc tế.
  • LOS40: Một trong những đài phát thanh âm nhạc hàng đầu ở Tây Ban Nha, chuyên phát các bài hát pop và hit mới nhất.
  • W Radio: Đài phát thanh nổi tiếng phát sóng tại Tây Ban Nha và một số quốc gia Mỹ Latin, cung cấp các chương trình tin tức, giải trí và âm nhạc.
  • AS: Một tờ báo thể thao hàng đầu của Tây Ban Nha, cung cấp tin tức, báo cáo và phân tích về các môn thể thao, đặc biệt là bóng đá.
  • Cinco Días: Một tờ báo kinh doanh và tài chính của Tây Ban Nha, cung cấp tin tức và phân tích về thị trường tài chính và kinh doanh.
  • MeriStation: Một nền tảng trực tuyến chuyên về tin tức và đánh giá các trò chơi điện tử.
  • Planeta Futuro: Một dự án của EL PAÍS tập trung vào các vấn đề toàn cầu như phát triển bền vững và các thách thức toàn cầu.
  • ICON: Một tạp chí lối sống và thời trang nam giới.
  • S Moda: Một tạp chí thời trang và lối sống dành cho phụ nữ.

Chúng ta sẽ tiếp tục với Grupo Clarín trong phần tiếp theo của bài viết, khám phá một trong những công ty truyền thông lớn nhất của Argentina.

Grupo Clarin – Bệ phóng danh tiếng cho sự nghiệp của Jorge Luis Borges 

Grupo Clarin là tập đoàn truyền thông lớn nhất Argentina, được thành lập vào năm 1945. Khởi đầu là một tờ báo, Clarin đã trở thành một trong những ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực truyền thông của Argentina, mở rộng hoạt động kinh doanh của mình sang truyền hình, phát thanh, và xuất bản.

Grupo Clarín điều hành một loạt các dịch vụ truyền thông, bao gồm tờ báo hàng đầu của Argentina – Clarin, cũng như các kênh truyền hình cáp và vệ tinh, đài phát thanh, và dịch vụ Internet. Trong suốt thời gian từ lúc thành lập tới nay, Grupo Clarín đã liên tục đương đầu với các chính phủ khác nhau, từ dân sự bầu cử hợp hiến tới độc tài quân sự phi hiến. Hầu như dưới chế độ nào thì Clarín cũng tìm được cách hành động phù hợp để từ đó mở rộng sự ảnh hưởng của tập đoàn. Tác phẩm “Grupo Clarín – Hành trình từ Báo Xã luận đến ông trùm Truyền thông Argentina” là một khảo sát chi tiết về lịch sử hình thành và phát triển, đặc điểm văn hóa, thái độ chính trị, chiến lược kinh doanh của Clarín với sự phát triển song hành với chính trị Argentina.

Nhân vật văn hóa có ảnh hưởng và gắn bó nhất với Clarín phải đề cập tới Jorge Luis Borges. Cuốn sách đã đề cập đến vai trò của ông như sau: “Borges vẫn là nhân vật chủ chốt với tư cách là nhà văn trung tâm của Clarín trong nhiều thập kỷ, phản ánh vị trí thống trị của ông trong lĩnh vực văn học. Có rất nhiều trang nhất mà trên đó, giống như một trò chơi bao gồm, Borges nói về các nhà văn khác: Cortázar, Martínez Estrada, Sarmiento, Wilde, v.v.”

Tìm hiểu thêm: GRUPO CLARÍN – Hành trình từ báo xã luận đến ông trùm truyền thông Argentina – Book Hunter Lyceum

Một số thương hiệu và dịch vụ chính của Grupo Clarín bao gồm:

  • Clarín: Đây là tờ báo được phát hành rộng rãi nhất ở Argentina và là một trong những sản phẩm chính của Grupo Clarín. Tờ báo này cung cấp tin tức và thông tin về các sự kiện địa phương và quốc tế.
  • Artear: Đây là một công ty con thuộc Grupo Clarín, quản lý các kênh truyền hình và sản xuất nội dung truyền hình.
  • Radio Mitre: Là một trong những đài phát thanh hàng đầu ở Argentina, phát sóng các chương trình tin tức, thể thao, và giải trí.
  • TyC Sports: Là kênh thể thao chủ chốt, cung cấp báo cáo và phân tích về các sự kiện thể thao trong nước và quốc tế.
  • Diario Olé: Là tờ báo thể thao hàng đầu ở Argentina, tập trung vào bóng đá và các môn thể thao khác.
  • La Voz del Interior: Tờ báo phát hành ở tỉnh Córdoba, cung cấp tin tức địa phương và quốc gia.
  • Los Andes: Tờ báo phát hành ở tỉnh Mendoza, chuyên về tin tức và thông tin địa phương.

Tiếp theo, chúng ta sẽ chuyển sang Amazon, một trong những tập đoàn công nghệ và thương mại điện tử lớn nhất thế giới, để hiểu rõ hơn về sự phát triển của họ từ một nhà sách trực tuyến thành một đế chế toàn cầu.

Amazon – Lãnh chúa thay đổi thói quen mua sắm

Amazon được thành lập vào năm 1994 bởi Jeff Bezos. Bắt đầu như một nhà sách trực tuyến, Amazon nhanh chóng mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác và đã trở thành một trong những nền tảng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Amazon cũng là nhà tiên phong trong lĩnh vực đám mây điện toán với Amazon Web Services (AWS), dịch vụ đám mây hàng đầu được nhiều doanh nghiệp và tổ chức sử dụng.

Ngoài hoạt động kinh doanh trực tuyến, Amazon cung cấp nhiều dịch vụ khác như AWS, Kindle Direct Publishing cho sách điện tử, và nền tảng phát trực tuyến video Prime Video. Công ty còn hoạt động trong ngành hàng không với Amazon Air, và gần đây đã tiến vào lĩnh vực bán lẻ với việc mua lại chuỗi cửa hàng Whole Foods.

“Mặc dù có trụ sở chính tại Seattle, Washington, công ty vẫn tuyển dụng hơn 798.000 người làm việc cả toàn thời gian và bán thời gian trên toàn thế giới (tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2019) [1]. Con số này dự kiến sẽ tăng theo cấp số nhân ở cả Hoa Kỳ và quốc tế. Mức độ tuyển dụng dao động do các yếu tố mùa vụ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, nhưng gã khổng lồ công nghệ này vẫn sử dụng nhiều nhân công hơn ba đối thủ cạnh tranh lớn nhất cộng lại: Alphabet (Google) tự hào có 94.000 nhân viên, trong khi Facebook sử dụng 33.000 nhân viên còn lực lượng lao động của Microsoft thì lên tới 140.000 người. Amazon kể từ khi ra đời đến nay vẫn luôn duy trì mức tăng trưởng phi thường.” – Trích Amazon – Lãnh chúa kỹ thuật số trỗi dậy nhờ bất bình đẳng xã hội.

Hai tác giả Benedetta Brevini và Lukasz Swiatek đã phân tích về Amazon rất thú vị thông qua cuốn sách và họ không hề che dấu thái độ phỉ báng Amazon sau khi đã phân tích các chiêu trò thao túng nhân viên, tận dụng lỗ hổng của thể chế kinh tế tân tự do để tối đa hóa lợi nhuận, cạnh tranh không công bằng, triệt hạ đối thủ…

“Tại vương quốc đó, Lãnh chúa Kỹ thuật số gần đây đã bắt đầu mở rộng Lãnh địa Kỹ thuật số của ngài. Tại đây đã có sẵn rất nhiều loại sản phẩm thú vị nhưng lãnh chúa còn muốn có thêm những hàng hóa khác. Ngài đã cho bổ sung vào đó một loạt các dịch vụ, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Trên mảnh đất của ngài nhiều nông nô siêng năng đang làm việc chăm chỉ; tuy nhiên ngài vẫn cần thêm nhiều người làm nữa để đẩy mạnh hàng hóa của mình cả về số lượng lẫn chủng loại. Vị lãnh chúa này có những chư hầu tin cẩn, họ trả cho ngài một khoản tiền để nhận được các dịch vụ hỗ trợ cho mục đích riêng của họ. Dù tin cậy họ như vậy nhưng ngay cả với những chư hầu này lãnh chúa vẫn chưa hài lòng. Ngài tính toán rằng nếu mở rộng lãnh thổ của mình thì ngài sẽ có thêm nhiều chư hầu khác. Lãnh thổ của ngài khi ấy sẽ vượt ra ngoài vương quốc hiện nay. Trong hình dung của Lãnh chúa Kỹ thuật số vùng lãnh thổ này sẽ gần như bao trùm toàn bộ thế giới để cung cấp nhiều loại hàng hóa đa dạng và thú vị cho mọi người ở khắp mọi nơi. Nhìn từ xa công cuộc mở rộng lãnh thổ của Lãnh chúa Kỹ thuật số có vẻ chậm chạp nhưng ở hậu trường thì nó đang diễn ra như vũ bão. Các nông nô thuộc nhiều loại khác nhau – một số có trí lực tuyệt vời trong khi số khác có thể chất nhanh nhẹn và tốc độ vô song – liên tục được đưa đến với số lượng ngày càng tăng. Ngày càng có nhiều chư hầu quyết định thề tôn kính và trung thành với vị lãnh chúa này. Ngày càng có nhiều sản phẩm tuyệt vời được ra mắt tại khu đất này, trước sự phấn khởi và thích thú của người dân gần xa. Khu đất này mê hoặc đến mức các lãnh chúa nhỏ hơn sẵn lòng nhập cả mình và tài sản của mình chung vào khối tài sản đó. Lợi ích và lòng trung thành đã trở thành quy luật. Các vương quốc khác cũng cho phép vị lãnh chúa này bán hàng từ lãnh thổ của ngài trên đất của họ. Chẳng bao lâu, khát vọng đã trở thành hiện thực: Lãnh chúa Kỹ thuật số và mảnh đất của ngài đã chinh phục cả những nơi xa nhất trên Trái đất.” Trích Amazon – Lãnh chúa kỹ thuật số trỗi dậy nhờ bất bình đẳng xã hội.

Tìm hiểu thêm: AMAZON – Lãnh chúa thời đại số trỗi dậy nhờ bất bình đẳng xã hội – Book Hunter Lyceum

Một số thương hiệu và dịch vụ chính của Amazon bao gồm:

  • Amazon Prime Video: Dịch vụ phát video trực tuyến cung cấp nội dung độc quyền và phim truyền hình.
  • Amazon Music: Dịch vụ nghe nhạc trực tuyến.
  • Audible: Nền tảng sách nói lớn nhất ở Mỹ.
  • Whole Foods Market: Chuỗi siêu thị thực phẩm sạch.
  • Amazon Web Services (AWS): Cung cấp dịch vụ điện toán đám mây.
  • Amazon Echo: Dòng sản phẩm loa thông minh sử dụng trợ lý ảo Alexa.
  • Amazon Kindle: Thiết bị đọc sách điện tử và cửa hàng sách trực tuyến.

Cuối cùng, chúng ta sẽ khám phá Vivendi, một công ty giải trí và truyền thông Pháp, để hiểu về cách họ định hình ngành giải trí toàn cầu.

Vivendi – Ông bầu của The Beatles, The Rolling Stone, Taylor Swift… cũng như hàng trăm nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới

Vivendi, với trụ sở tại Paris, Pháp, là một tập đoàn truyền thông và giải trí đa quốc gia, được thành lập vào cuối thế kỷ 19 dưới tên Compagnie Générale des Eaux. Ban đầu là một công ty cung cấp nước, Vivendi đã chuyển hướng sang ngành truyền thông và giải trí trong những năm 1980 và 1990, qua các thương vụ mua lại và sáp nhập, biến nó thành một trong những tên tuổi lớn nhất trong ngành.

Vivendi sở hữu nhiều công ty trong các lĩnh vực khác nhau của truyền thông và giải trí, bao gồm Universal Music Group, một trong những công ty âm nhạc hàng đầu thế giới, sở hữu độc quyền phân phối các ca khúc của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó có Taylor Swift; Canal+ Group, một nhóm các kênh truyền hình trả tiền; và Gameloft, một nhà phát triển và phát hành trò chơi di động. Ngoài ra, Vivendi còn hoạt động trong lĩnh vực xuất bản sách, phát hành phim và các sự kiện trực tiếp.

Tìm hiểu thêm: VIVENDI – Quyền lực của sáng tạo nội dung và định hình thẩm mỹ trong văn hóa giải trí toàn cầu – Book Hunter Lyceum

Một số thương hiệu và dịch vụ chính của Vivendi bao gồm:

  • Gameloft: Một nhà phát triển và nhà xuất bản trò chơi điện tử, nổi tiếng với các trò chơi di động.
  • Groupe Canal+: Một nhóm các kênh truyền hình trả tiền và dịch vụ phát trực tuyến, bao gồm cả kênh phim và thể thao.
  • Havas: Một trong những công ty truyền thông và quảng cáo lớn nhất thế giới.
  • Prisma Media: Nhà xuất bản tạp chí lớn nhất của Pháp, xuất bản nhiều tạp chí nổi tiếng.
  • Vivendi Village: Bao gồm các hoạt động kinh doanh liên quan đến truyền thông trực tiếp và kỹ thuật số, như vé cho các sự kiện văn hóa và giải trí.
  • Dailymotion: Một nền tảng chia sẻ video trực tuyến, cạnh tranh với YouTube.
  • Editis: Nhà xuất bản sách lớn thứ hai của Pháp, chuyên về sách giáo khoa, văn học và sách tham khảo.

Kết Luận

Các tập đoàn truyền thông khổng lồ mà chúng ta đã khám phá, từ Nintendo đến Vivendi, mỗi công ty đều có vai trò quan trọng trong việc định hình ngành công nghiệp truyền thông và giải trí toàn cầu. Mỗi công ty đều định hình trong việc phát triển công nghệ, thay đổi thói quen tiêu dùng và tạo ra các xu hướng mới trong ngành của mình.

Nintendo và Tencent đã làm mưa làm gió trong ngành trò chơi điện tử, trong khi Alibaba và Amazon lại chi phối thị trường thương mại điện tử. Baidu và Alphabet cạnh tranh vị trí đứng đầu trong lĩnh vực công nghệ và tìm kiếm, AI và máy học. Trong khi đó, Bertelsmann và Grupo Prisa chiếm vị thế hàng đầu trong ngành xuất bản và truyền thông, chuyển đổi truyền thống sang số.

Tất cả những sự phát triển này không chỉ làm thay đổi cách chúng ta giao tiếp, giải trí, và làm việc, mà còn tạo ra những thách thức mới trong việc bảo vệ quyền riêng tư, an ninh mạng và đạo đức công nghệ. Các chính phủ sở tại luôn gặp khó khăn khi phải xử lý các tập đoàn truyền thông đa quốc gia này bởi vì các tập đoàn này có ảnh hưởng phi biên giới trong khi thẩm quyền của các chính phủ thì bị giới hạn trong lãnh thổ của họ. Đây chính là nguyên nhân mà các chính phủ sẽ cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng và có các cơ chế hợp tác để đưa ra các chính sách hợp lý nhằm định hướng các tập đoàn truyền thông đi theo hướng thịnh vượng chung thì vì để cho họ tận dụng các tài nguyên chung và cạnh tranh không công bằng, dẫn tới thiệt thòi cho nhiều người dân cũng như kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Lê Duy Nam

Kỷ nguyên thông tin: Kiến thức, sinh tồn và tiến bộ

Kỷ nguyên chúng ta đang sống được gọi là "kỷ nguyên thông tin", khi nhân loại sinh tồn dựa vào khả năng sử dụng thông tin hiệu quả. Chúng ta không có răng nanh và móng vuốt, lớp da cứng hoặc lông dày đủ cần thiết để thích ứng với những đe dọa của môi trường sống. Khả năng sinh tồn của chúng ta có được là do tích lũy kiến thức và ứng dụng chúng trong đời sống. Nói chung, việc truyền tải thông

Fee.org

28/08/2013

“Bộ não khi đọc” trong thời đại kĩ thuật số: Khoa học của giấy và màn hình

Những máy đọc sách điện tử và tablet đang ngày càng trở nên phổ biến khi công nghệ phát triển, nhưng các nghiên cứu cho thấy rằng đọc trên giấy vẫn có ưu điểm riêng. Một video Youtube nổi tiếng có kể về một cô bé một tuổi đang trượt ngón tay trên màn hình chiếc IPad, chuyển giữa các nhóm biểu tượng. Sau đó cô bé cũng nhấn, trượt trên tạp chí giấy như thể chúng là màn hình cảm ứng. Khi thấy “màn

Trò chuyện với Roberto Cibin về kiến tạo mạng xã hội mang tính cộng sinh từ tư tưởng của Ivan Illich

Vào một ngày cuối hè tại châu Âu, tôi đã có dịp phỏng vấn Roberto Cibin, một nhà khoa học xã hội trường Tâm lý học ứng dụng thuộc Đại học University College Cork, Ireland. Chủ đề mà Roberto quan tâm là sự tham gia của cộng đồng, công dân và người dùng trong quá trình đưa ra các quyết định nói chung. Anh đã thực hiện nghiên cứu về các đề tài như khoa học cộng đồng, dữ liệu mở và thiết kế có

Có phải công cụ thông minh đang khiến chúng ta trở nên ngờ nghệch?

Bạn có muốn tất cả bạn bè trên Facebook của bạn có thể soi vào thùng rác nhà bạn? Một nhóm nhà thiết kế từ Anh và Đức nghĩ rằng bạn muốn. BinCam ra đời: một thùng rác "thông minh" hướng tới cách mạng trong quá trình tái chế. Liệu bạn có muốn sở hữu thùng rác thông minh BinCam? BinCam chỉ như thùng rác thường, nhưng có một chi tiết mới: Nắp của nó được trang bị một chiếc di động thực hiện chụp

BERTELSMANN – Ông trùm quyền lực của thế giới xuất bản, tập đoàn sở hữu Penguin Random House

Đối với hầu hết các khách hàng trên toàn thế giới của Bertelsmann, họ gần như chẳng có mấy ấn tượng về thương hiệu này. Tập đoàn Bertelsmann là cái tên nhạt nhòa trong mắt các độc giả đại chúng. Tuy nhiên, Bertelsmann lại sở hữu hàng loạt những thương hiệu đình đám nhất trong làng xuất bản và giáo dục thế giới mà nổi bật nhất có thể kể đến Penguin Random House, …  Tạp chí Der Spiegel từng có lần viết rằng Bertelsmann,
le-ai

Lê Ái

07/06/2024