Trong buổi thực tập quốc hội kì trước, nhóm đã bàn luận về thực trạng của ngành sản xuất và phân phối văn hóa đại chúng. Một số vấn đề được các thành viên chú ý là: Nhiềm tác phẩm phim ảnh (một trong những loại hình văn hóa đại chúng phổ biến nhất) chưa được chỉnh chu, diễn suất và hình ảnh sơ sài được chiếu trên TV, trong khi đó số tác phẩm được đầu tư kĩ lưỡng lại ít xuất hiện hơn. Thứ hai, các tác phẩm thiếu tính độc đáo, thường chỉ xoay quanh các chủ đề trong cuộc sống hàng ngày, dễ làm, dễ tiếp nhận. Các tác phẩm chưa cung cấp kiến thức và ý tưởng mới, những yếu tố cần thiết để kích thích trí tưởng tượng của độc giả.
Nguyên do của vấn đề này có thể là: chúng ta đang thiếu hệ thống kiểm duyệt về chất lượng, hệ thống đưa các tác phẩm chất lượng tốt ra công chúng. Các tác giả không được nhận phản hồi về tác phẩm, dẫn đến không cải thiện chất lượng tác phẩm của mình. Thêm nữa, các tác giả thưởng hướng tới phục vụ cộng đồng chung, mà đa phần là những người xem dễ tính, chỉ tiêu thụ sản phẩm văn hóa để giết thời gian chứ không để suy ngẫm. Phục vụ tầng lớp này đảm bảo mục tiêu trước mắt là giảm chi phí sản xuất, tốc độ sản xuất nhanh, số lượng độc giả lớn. Vì vậy các nhà sản xuất không có nhu cầu cải thiện sản phẩm văn hóa để hướng tới tầng lớp độc giả khó tính hơn.
Trong các giải pháp đã được nhóm đưa ra nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm văn hóa đại chúng, một giải pháp được cho là khá kì lạ: tạo ra cộng đồng sáng tác và thưởng thức sản phẩm văn hóa và chưa quan tâm tới đối tượng đại chúng (những nhà sản xuất sản phẩm văn hóa đại trà và những độc giả dễ tính). Giải pháp này chưa chắc đã được phần đông ủng hộ, tuy nhiên trong bài viết sau tôi xin phân tích điểm hợp lý và cách triển khai giải pháp này.
Vì sao tập hợp nhóm phát triển văn hóa
Phát triển tập trung có một số khác biệt cơ bản so với phát triển đại trà. Giải pháp phát triển văn hóa tập trung có thể hiểu là kết nối một nhóm có nhu cầu thưởng thức và sáng tạo sản phẩm văn hóa chất lượng cao, sau đó phát triển nhóm này về chất lượng và số lượng. Chất lượng ở đây được hiểu là trình độ thưởng thức và biện luận, chất lượng sản phẩm, khả năng hoạt động trơn tru của nhóm. Số lượng: tăng thành viên, số tác phẩm, doanh thu. Phát triển ưu tiên tính bền vững, không hi sinh chất lượng để tăng số lượng. Trong khi đó, phát triển đại trà bao gồm các phương thức kích thích cộng đồng theo hướng mong muốn. Ví dụ như nếu muốn tăng tác phẩm văn học giả tưởng, nhà quản lý triển khai các giải thưởng hướng tới các tác phẩm văn học giả tưởng nổi bật. Đặc điểm của phương thức phát triển đại trà là dễ thực hiện hơn, nhưng hiệu quả dài hạn không cao.
Xuất phát từ những đặc điểm của hoạt động sáng tạo và tiêu thụ sản phẩm văn hóa, phương thức phát triển tập trung có nhiều ưu điểm so với phương thức phát triển văn hóa một cách đại trà. Đặc điểm của sản phẩm văn hóa yêu cầu người sáng tạo phải đầu tư thời gian, công sức. Những tác phẩm ban đầu có thể chưa thể hiện tiềm năng của người viết. Phát triển tập trung khắc phục điểm này bằng cách tập trung vào phát triển con người trong thời gian dài thay vì trao thưởng cho các tác phẩm thành công.
Thêm nữa, yếu tố tương tác với cộng đồng để có ý tưởng mới và để tinh chỉnh ý tưởng của mình là rất quan trọng đối với hoạt động sáng tạo. Tác giả cần được lắng nghe phản hồi và học hỏi từ những tác phẩm khác để cải thiện hoạt động sáng tác. Cộng đồng dễ tính khó thúc đẩy con người vươn lên, vì họ ít khi đưa ra những nhận xét sắc sảo về tác phẩm. Nhóm tập trung tạo nên cơ hội cho thành viên tương tác nhiều chiều, từ đó có thể kích thích sự sáng tạo của các tác giả (Tuy nhiên tương tác quá nhiều lại dẫn đến giảm tư duy độc lập).
Trong sản xuất sản phẩm văn hóa, thường có một số ít người tạo ra xu hướng bằng các tác phẩm đột phá, rồi sau đó có nhiều tác giả học tập phong cách và cải thiện ý tưởng, phong cách để tạo thành một trường phái sáng tác. Nhóm tập trung có khả năng tìm kiếm xu hướng nhanh hơn và kích thích sự phát triển của xu hướng sản xuất mới.
Nhóm tập trung có thể coi là một hình thức phân chia thị trường, kết nối độc giả khó tính và tác giả có tâm huyết lại, đôi bên thúc đẩy nhau cũng phát triển. Các sản phẩm của nhóm được đầu tư về chất lượng có thể được đưa ra trước công chúng, tạo nên các xu hướng mới, độc đáo cho Việt Nam.
Một phương án triển khai nhóm tập trung
Giải pháp đưa ra cần đạt một số tiêu chí sau: Có thể kiểm soát chất lượng sản phẩm, không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường và xu hướng hiện tại; Có thể kiểm soát chất lượng người tham gia, có phương pháp để tìm kiếm người có tiềm năng; Có thể phân loại thành viên và tác phẩm theo nhiều tiêu chí: chủ đề, phong cách, thể loại; Các thành viên có thể tương tác được với nhau theo nhiều cách, với mức độ tương tác khác nhau; Sinh lợi nhuận để duy trì hoạt động của nhóm. Xuất phát từ những tiêu chí này, xin được đề xuất một giải pháp như sau:
- Cung cấp một nền tảng mạng xã hội với thành viên là những người tham gia sáng tác và tiêu thụ sản phẩm văn hóa sáng tạo, mới mẻ, có hàm lượng kiến thức cao. Thành viên có thể đăng các tác phẩm của mình lên nền tảng, chia sẻ cho các thành viên khác (miễn phí hoặc có tính phí). Thời gian đầu nhóm tập trung vào tăng tính tương tác và trao đổi kiến thức trên nền tảng, nên có thể tổ chức những buổi gặp gỡ giữa các thành viên. Chất lượng sản phẩm được kiểm soát bằng cách: các sản phẩm được nhóm quản lý chọn sẽ được giới thiệu cho những thành viên quan tâm. Cách làm này giúp phát hiện và quảng bá các tác phẩm độc đáo nhưng chưa được nổi tiếng. Người tham gia sẽ được đánh giá lẫn nhau và sẽ được nhóm quản lý đánh giá dựa theo mức độ tham gia vào nhóm và khả năng sáng tác.
- Thêm vào đó, chúng ta cần có chiến lược nội dung và đội ngũ kiểm soát nội dung phù hợp: không quá hẹp vì như vậy sẽ kìm hãm tính sáng tạo, nhưng không được quá thả lỏng, và cần hướng tới các giá trị tích cực cho con người và xã hội. Đội ngũ kiểm soát nội dung cần giải thích về chiến lược nội dung một cách dễ hiểu, rõ ràng, tránh gây hiểu nhầm và gây ức chế cho người sáng tạo.
- Triển khai các phương án kích thích đầu tư cho tác giả và sản phẩm văn hóa sáng tạo (Ví dụ: tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để đầu tư và xin đầu tư cho sản phẩm văn hóa, giới thiệu sản phẩm xứng đáng được đầu tư, miễn thuế cho các khoản đầu tư cho sản phẩm văn hóa đột phá, vinh danh chủ đầu tư sản phẩm văn hóa).
- Vận động các tổ chức, hội nhóm về văn hóa cùng tham gia dự án (đóng góp về con người, tác phẩm, phản hồi về chất lượng tác phẩm, đào tạo và bồi dưỡng các tác giả tiềm năng).
Nguyễn Phương Mạnh
Nhóm Thực tập Quốc hội