Home Đọc KHOE SÁCH KHÔNG LÀM NÊN NGƯỜI CÓ VĂN HÓA

KHOE SÁCH KHÔNG LÀM NÊN NGƯỜI CÓ VĂN HÓA

Nguồn: Facebook Hà Thủy Nguyên


 
Mình bắt đầu thấy khó chịu với những bạn cứ suốt ngày đăng ảnh khoe giá sách trên facebook hoặc đi check-in khắp nơi với những quyển sách để tỏ vẻ ta đây đọc nhiều hiểu rộng. Việc khoe khoang này chẳng khác gì một thời người ta cuồng chụp ảnh mèo ảnh chó trên facebook, hay trò selfie khoe thời trang. Khoe cái gì thì cũng là khoe mà thôi, và khoe là trò của đám “trọc phú” (cả vật chất lẫn tinh thần). Căn bệnh khoe sách này là hậu quả của mấy phong trào cổ vũ văn hóa đọc với những lý lẽ chế nhạo dân Việt không đọc nhiều bằng dân Âu Mỹ. Mà người Việt bị cái bệnh như trong câu chuyện “Đức vua cởi truồng”, đọc sách chắc gì đã hiểu được xu chữ nào nhưng vẫn cứ phải “up” cái ảnh đọc sách lên cho nó “deep”.
Hôm nay người ta share nhau cái bài Jack Ma nói rằng đọc sách không làm nên sự thành công, mình cũng cho rằng khoe sách không làm nên người có văn hóa. Mình chỉ có một “ham muốn tột bậc” với các bạn khoe sách ở Việt Nam là biết viết những câu đúng chính tả; biết phân tích tính xác thực của mỗi quan điểm do báo chí, sách vở đưa ra; biết lắng nghe và tôn trọng người khác; biết tranh luận công bằng thay vì dùng ngụy biện để cố áp đặt định kiến cá nhân lên ý kiến của người khác… Để làm được những điều ấy, đừng nói đến khoe sách, đọc sách thôi cũng là không đủ. Đó là quá trình rèn luyện sự tỉnh táo của bản thân xem từng hành vi và suy nghĩ của mình có đang diễn ra trong tính ý thức hay không. Đọc sách chỉ là một trong cách phương pháp để rèn luyện ấy mà thôi. Vậy nên “người có văn hóa” là người ý thức được mình đang làm điều gì, đang suy nghĩ gì chứ không phải người cố tỏ ra mình đọc nhiều sách.
Người ta khoe nhau những giá sách ngồn ngộn, chẳng hiểu để làm gì. Có lẽ là để kích thích mua sách. Họ tạo ra một hình mẫu rằng phải đọc nhiều sách thì mới thành đạt, mới văn minh, mới có văn hóa. Mà không những thế, người đọc sách ấy phải chọn mấy quyển tôn giáo, triết học, chính trị, kinh tế dầy cộp mới được xếp vào loại “tinh hoa”. Bạn cứ chụp ảnh khoe tủ sách, trích dẫn vài câu của Kant hay kể vài câu chuyện về chính trị Âu – Mỹ, mà lại biết tung ra vài câu tâm linh sâu sắc là đủ trở thành thần thánh trong giới đọc sách rồi. Những người đó chỉ mượn tri thức để khoe sang và làm giàu mà thôi, họ không biết tôn trọng sách, cũng không biết quý trọng những người đọc sách khác.
Làm Book Hunter từ năm 2011 đến nay, mình gặp đủ loại người như vậy. Có ông anh nọ giàu có lắm, kinh doanh sách, nghe đồn có cái nhóm Book Hunter do mình lập ra, bèn mời đến làm việc. Mình tưởng hợp tác bản thảo gì, nhiệt tình đến. Không ngờ ông anh đề nghị Book Hunter đứng ra là đầu nậu để ông ấy tuyển sinh mấy khóa học nguy hiểm của ông ấy. Khi mình hỏi là Book Hunter sẽ có quyền lợi gì thì bảo là các thành viên Book Hunter sẽ được học miễn phí, vì các khóa học ấy hay lắm có ông nọ ông kia giảng về lịch sử, chính trị…v…v… blah blah blah… Mình cười khẩy, chào lịch sự rồi đi. Qua đó biết ông anh này còn chả thèm ghé mắt nhìn Book Hunter lấy một cái, cũng chẳng tìm hiểu xem cái người mà ông ấy đang đề nghị hợp tác ấy là người như thế nào. Ông anh này muốn đề nghị hợp tác vì muốn lợi dụng cái số fan đông đảo của Book Hunter mà thôi, và cho rằng mình là “gà mờ” đến mức cần mấy cái khóa học vớ vẩn của ông ý để nâng cao trí tuệ bản thân. Kể lan man vậy là để minh chứng về việc họ chả tôn trọng gì những người khác đâu. Vì tôn trọng tối thiểu là đề nghị hợp tác chia phần trăm một cách công bằng, hoặc nếu tôn trọng hơn nữa sẽ là nhờ góp ý về nội dung khóa học có thích hợp với các bạn trẻ ưa đọc sách hay không. Tóm lại, ông anh có kêu gào về đọc sách tinh hoa đến mấy thì cách hành xử ấy vẫn quá con buôn hàng chợ. Và đến nay, ông anh này vẫn là một “thần tượng của giới trẻ” trong công cuộc khoe sách.
Quan điểm của mình về tích trữ sách có hơi khác. Hồi bé mới đọc sách, thấy quyển gì cũng vác về, làm đủ các loại thẻ thư viện để đọc càng nhiều càng tốt. Đến tuổi mới lớn, khi đã xác định được mình nên làm gì với cuộc đời của mình thì mình cũng đã rao bán thanh lý ¾ số sách trong tủ sách để mua về những quyển thực sự cần thiết cho giai đoạn mới của cuộc đời. Đến cái hồi vào đại học, hiểu thế nào là tư duy rành mạch, là nghiên cứu, thì mình cũng lại bán đi ¾ số sách còn lại trong tủ, chỉ giữ lại rất ít những quyển thật sự có giá trị. Đến giờ, số lượng sách của mình còn lại rất ít, chỉ còn lại những sách tiện để tra cứu. Mà quyển tra cứu nào có ebook thì mình cũng bán luôn sách trên giá cho gọn nhẹ. Thế đấy, càng đọc sách một cách nghiêm túc và kỹ lưỡng thì bạn sẽ càng thấy chẳng muốn khoe khoang sách vở mà làm gì, bởi chưa chắc mình đã hiểu hết những gì được ghi ra trong sách mà cần chiêm nghiệm thêm, hoặc quá bận để viết những thứ mà sách truyền cảm hứng cho mình, hoặc… tệ hại hơn, cuốn sách nhạt toẹt chỉ muốn đem bán đồng nát.
Nhiều người nghĩ rằng giữ lại sách cho con cái mình đọc. Mình cũng nói luôn là mình chả ép con gái mình đọc sách. Đọc hay không là quyền của nó! Bố mẹ mình ngày xưa cũng nuôi dạy mình như thế. Kiến thức con gái mình có được là nhờ lục lọi trên mạng (nó rất biết dùng keyword để search hiệu quả, cái này là tự nó đúc rút, mình chẳng hướng dẫn gì). Điều mình tự hào ở con gái mình, dù nó lười đọc dã man, đó là nó không nhìn bài bạn, không chép tài liệu, không học những thứ nó không tin tưởng, không giả vờ ngọt ngào với người nó không ưa, luôn luôn có ý thức là làm mọi thứ đúng giờ và đúng lịch… và đặc biệt là đã hứng thú với chủ đề gì là tìm tòi đủ mọi ngóc ngách về chủ đề ấy như một chuyên gia đích thực (dù hơi kém thực hành). Chả biết nó có thành công như Jack Ma hay không, nhưng những phẩm chất đó ối kẻ đọc sách chả bằng được.
Tóm lại khoe sách là tật của đám người đọc được vài ba xu chữ, quen cái thói trọc phú khoe nhà lầu xe hơi mà thôi. Khuyên đám trọc phú ấy cố làm người có văn hóa là điều thừa, nhưng việc phải nói thì cứ phải nói. Mình nhà nghèo, chả có gì mấy để khoe. Thế nên nếu ngày đẹp trời mà các bạn thấy mình khoe sách thì đó chắc chắn là sách mình viết hoặc là sách mình bán. Còn nếu các bạn muốn tò mò xem mình đọc những sách gì, có hai cách để biết: Một là đọc những bài mình viết, những tác phẩm mình sáng tác; Hai là ghé thăm WC nhà mình! :p ( Nói thêm: nhà mình giờ đã là trụ sở của Book Hunter nhé)

(Ảnh Hà Nguyên đang thử nghiệm công thức bánh trên mạng)
15542444_1496230573739211_8966640803511145610_n

 
KHOE SÁCH VÀ GIỚI THIỆU SÁCH – KHÁC NHAU Ở ĐÂU?
Hôm qua đăng bài “Khoe sách không làm nên người có văn hóa”, mình thấy có nhiều bạn phản ứng rất thú vị. Bên cạnh nhiều người đồng quan điểm với mình thì cũng có vài ý kiến trái chiều.
#1. Giới thiệu sách và Khoe sách:
Chắc chẳng ít bạn giật thột khi mình chê bai đám khoe sách. Nếu các bạn đọc kỹ sẽ thấy là “khoe sách” nhé, không phải “giới thiệu sách”. Đây là hai việc khác nhau. Một khi bạn đã đọc sách, bạn sẽ “giới thiệu sách” để nhiều người biết đến. Việc “giới thiệu” này sẽ thật sự có ý nghĩa nếu bạn cung cấp tóm lược về nội dung của cuốn sách cho mọi người cùng biết. Còn “khoe sách” thì khác, chỉ đơn thuần là selfie, cố tạo cho mình cái vẻ ngoài là người yêu sách, người có học thức. Trên thực tế, quyển sách vốn có giá trị thấp lắp, không đáng để khoe. Cái nội dung bên trong quyển sách mới là thứ quan trọng cần phải giới thiệu với mọi người.
Nếu bạn làm công việc “giới thiệu sách” mà bị giật thột vì bài viết của mình thì chắc chắn trong những lần giới thiệu sách đó cũng lăn tăn đôi chút “khoe khoang”, chứ nếu bạn biết bạn đang làm vì điều gì thì chả hơi đâu mà bị giật thột.
#2. Bàn về việc “Khoe”
Nhiều bạn nói rằng người ta khoe sách thì được, còn mình khoe con gái thì sao? Con gái xinh tội gì không khoe? Mình khoe con bởi vì mình là người đã sinh ra nó, truyền các giá trị tinh thần của mình cho nó, nó làm cho mình vui vẻ mỗi khi nhìn thấy. Khoe con gái mình thực chất là mình khoe những gì tốt đẹp nhất có trong mình. Mỗi khi nhìn thấy con gái, mình luôn thấy phần tốt đẹp nhất mà mình đã đánh mất trong quá trình lớn lên và cố trở thành “người tốt” trong xã hội.
Mỗi người có một cái khoe khác nhau. Những thứ mình tạo dựng nên, cố công vì nó, mình khoe với mọi người là điều đương nhiên. Giống như sách mình viết ra, mình đem khoe là điều bình thường. Bạn nấu một món ăn ngon sau một ngày vất vả, đem khoe cũng là điều bình thường. Nhưng mua một cuốn sách (chả biết đọc hay chưa), chụp cái ảnh selfie lên thì có gì đáng để khoe? Bạn có giá trị gì trong cuốn sách đó. Thà rằng bạn viết vài lời giới thiệu cuốn sách thì bạn còn có chút giá trị.
Cái khoe của bạn xứng đáng hay không xứng đáng, tự bản thân sẽ biết. Nếu thấy xứng đáng, chẳng hơi đâu đặt những câu hỏi ngớ ngẩn vì cảm thấy bị đụng chạm làm gì. Bạn chỉ cảm thấy “động tâm” khi chính mình có những động cơ khoe mẽ không chính đáng.
À, nói thêm, có người còn nói rằng lo ngại về privacy của con gái mình. Bạn này học được mấy trò Quyền riêng tư của Tây bị ngộ rồi, nhưng không phải không có lý. Con gái mình lúc nào nó cũng thích có ảnh trên facebook và thích thú với ảnh của nó nhiều like. Cháu nó xinh, cháu nó thích được thừa nhận là nó xinh, đó là quyền của cháu nó. Xinh không đem khoe ra thì để làm gì?
#3. Về ông anh được đề cập trong bài
Lạ cái là không ai tò mò xem ông anh ấy là ai. Không sao cả! Có thể là đã đoán ra rồi. Có thể là cũng chả quan tâm. Nhưng mọi người lại quan tâm đến việc nếu chia chác phần trăm với mình thì chắc mình không chửi. Okay! Chuyện đó là hiển nhiên. Người có văn hóa là làm ăn phải song phẳng, không thể mượn danh “vì cộng đồng” để đòi hỏi người khác làm miễn phí cho mình. Chỉ có đám người man rợ mới có tư duy cướp trắng công của người khác như thế.
Hãy thử tưởng tượng nếu ngày đó mình hợp tác thì sao? Thứ nhất, tiền và danh thì thương hiệu của ông anh này hưởng, bọn mình chắc được cái mớ kiến thức vứt đi. Mình từ hồi cấp 3 đã lăn lộn quen biết trong giới học thuật ở Việt Nam đủ để biết là mấy giảng viên ông anh này mời về chỉ là đám kém cỏi về kiến thức và tư duy, chỉ được cái chém gió hoành tráng. Thứ hai, bọn mình sẽ trở thành kẻ lừa đảo cộng đồng để vỗ béo túi tiền của một thằng mà nhân danh “vì cộng đồng” để mua nhà lầu xe hơi. Xin lỗi, chẳng có đâu!
Dù sao, Book Hunter bọn mình nghèo cũng đã quen rồi, bị tẩy chay cũng đã quen rồi. Thế nên, chả dễ gì hợp tác với ai. Mình hợp tác không phải vì tiền, mà vì người đề nghị có tôn trọng mình hay không. Nếu muốn kiếm tiền, mình chỉ đi khoắng vài bộ phim là thừa mứa sống cả năm, cần gì phải đi giúp thằng khác “khoe khoang” về bản thân nó.
*Tóm lại, các bạn cứ nhìn lại bản thân mình đi. “Có tật” ắt sẽ “giật mình”. Người ngay thẳng không sợ kẻ khác “đụng chạm”. Nếu mà cảm thấy lòng tự tôn của mình bị tấn công bởi bài viết của mình thì chứng tỏ trong lòng cũng chả được ngay thẳng cho lắm. Mà các bạn biết không, từ “chính trị” đúng nghĩa chính là “sửa lại cho ngay thẳng” đấy!

Giảm sâu xả kho – Thảm họa của thị trường sách Việt Nam

Từ những dãy sách giảm giá 40-50% trên các con phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí hay Đường Láng ngày nào, giờ đây, vẫn những biển treo “giảm sâu 70%”, “đồng giá 10k” tràn ngập trên các sàn Thương mại điện tử và Hội chợ sách, thị trường sách vẫn tiếp tục như con Thao Thiết tự ăn chính nó cho đến khi chết hẳn. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra trong giai đoạn suy thoái kinh tế, con Thao Thiết đang ngự trị

Sách – Công cụ hay mục đích

Hồi con gái lớn của tôi học khoảng lớp 3, cháu thường mang theo những cuốn truyện chữ cháu thích đi khắp nơi để có thể mở ra đọc vào những lúc rảnh. Một lần nọ, khi chúng tôi vào hiệu thuốc, các cô bán thuốc khi nhìn thấy cuốn Pippi tất dài cháu cầm trên tay đã kêu lên: "Con đọc sách à, giỏi quá, đọc sách tốt lắm đấy". Mới đây hơn, trong một buổi học tiếng Anh online của cô con gái

Minh Hiền

03/05/2024

Nghĩa vụ thiêng của dịch thuật: duy trì sự bất tử của tri thức

Trong tiếng Anh thế kỷ 15, dịch thuật – translation – mang một ý nghĩa thiêng liêng khác: sự di dời thánh thể hoặc thánh tích của một vị thánh đến một nơi khác. Các học giả Anh trước và trong giai đoạn Phục Hưng đã coi dịch thuật từ tiếng Pháp và Latin sang tiếng Anh như một nghĩa vụ thiêng mà thông qua đó họ tác động thay đổi tới tư duy chính trị, hệ thống ngôn ngữ và tri thức xã hội.

Khi văn hóa đọc thiếu nền tảng học thuật và pháp luật

Có lẽ chưa bao giờ văn hóa đọc lại nở rộ như ngày nay, đặc biệt là sự hỗ trợ từ chính quyền và các kênh báo đài chính thống. Không khí tấp nập nhộn nhịp trong các hội trợ sách, các hội thảo sách, các cuộc chạy đường trường cổ vũ phong trào đọc dường như làm sống dậy cái không khí Đông Kinh nghĩa thục: “Buổi diễn thuyết người đông như hội/Kỳ bình văn khách đến như mưa”. Chứng kiến cảnh “trăm hoa

Thị trường sách Việt Nam (6): Cộng đồng đọc sách và quyền lực của độc giả

Trong suốt dòng lịch sử của sách, các độc giả luôn đóng vai trò như "người tiêu dùng" cho các sản phẩm và tác phẩm của các tác giả, dịch giả. Họ bị định hướng bởi các nhà phê bình, nhà báo - những người chỉ cho các độc giả biết cuốn sách nào là hay, cuốn sách nào là dở. Do đó, các độc giả chỉ là thần dân trong vương quốc tri thức mà họ chỉ có nghĩa vụ tuân thủ các chỉ