Home Soát Sự vô lý của giải Nobel Khoa học

Sự vô lý của giải Nobel Khoa học

nobel medal

Giải thưởng này làm biến dạng bản chất của ngành khoa học, sửa đổi lịch sử, và coi nhẹ nhiều nhân vật đóng góp quan trọng trong ngành.
——————-

(bài viết ngày 3/10/2017 nhưng vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay)
————-

Sáng nay, các nhà vật lý Rainer Weiss, Kip Thorne, và Barry Barish đã được nhận giải Nobel Vật lý cho các phát hiện về sóng trọng lực – các biến dạng trong cấu trúc không gian và thời gian. Bộ ba này là những người dẫn đầu dự án LIGO (Laser Interferometer Gravitational-Wave Observatory) nhằm theo dõi sóng trọng lực, và họ sẽ chia nhau khoản tiền thưởng 9 triệu krona Thụy Điển. Và có lẽ quan trọng nhất là họ từ giờ sẽ được mang danh hiệu “người đoạt giải Nobel” cho đến cuối đời.

Nhưng thế còn những nhà khoa học khác cũng đã tham gia đóng góp cho dự án LIGO và có tên trong 3 trang danh sách tác giả của bài báo công bố phát hiện này thì sao? “Thành công của dự án LIGO là nhờ hàng trăm nhà nghiên cứu khác nhau,” nhà vật lý thiên văn Martin Rees cho BBC News biết. “Việc Ủy ban Nobel 2017 không chấp nhận việc trao giải cho cả nhóm hiện đang ngày càng gây ra nhiều vấn đề và tạo nên ấn tượng sai lầm về việc nghiên cứu khoa học thực chất diễn ra như thế nào.”

Điệp khúc này giờ đã trở nên quen thuộc. Hằng năm, mỗi khi giải Nobel trong các ngành vật lý, hóa học, và sinh lý học hoặc y học được trao tặng, thì các nhà phê bình lại chỉ ra rằng đây là cách vinh danh các nhà khoa học một cách rất ngớ ngẩn và lỗi thời. Thay vì tôn vinh khoa học, các giải thưởng này làm biến dạng bản chất, sửa đổi lịch sử, và coi nhẹ nhiều người đã có đóng góp quan trọng trong ngành.

Tất nhiên là các giải thưởng này cũng vẫn có những điểm tốt. Các phát minh khoa học nên được công nhận vì chúng đóng vai trò thiết yếu trong cuộc sống của con người. Trang web của giải Nobel còn là một trang giáo dục tuyệt vời, nó chứa rất nhiều các chi tiết lịch sử thú vị mà các bài báo khoa học không nói tới. Và thật là bủn xỉn khi công kích quá lời bất cứ một sự kiện nào khi mà năm này qua năm khác nó khiến người ta mong ngóng tin tức về khoa học nhiều đến thế, chả khác gì như với giải Oscar hay Emmy trong điện ảnh cả. Nhưng việc giải Nobel khoa học đã gây nhiều tranh cãi từ khi mới xuất hiện cho thấy nó có nhiều vấn đề sâu xa.

Giải thưởng về y học đầu tiên được tặng cho Emil von Behring năm 1901 vì đã phát hiện ra các chất kháng độc tố, nhưng người đồng nghiệp thân cận của ông ta là Shibasaburo Kitasato thì lại không được nhận thưởng. Giải thưởng y học và sinh lý học năm 1952 thuộc về Selman Waksman vì đã phát hiện ra chất kháng sinh streptomycin, trong khi bỏ qua sinh viên cao học của Waksman là Albert Schatz, người mà trên thực tế đã phát hiện ra chất này. Giải thưởng hóa học năm 2008 được trao cho 3 nhà khoa học phát hiện ra protein huỳnh quang xanh (GFP – green fluorescent protein) – một loại phân tử mà các nhà khoa học khác thường dùng để theo dõi các diễn biến trong tế bào của chúng ta. Nhưng Douglas Prasher, người đầu tiên tìm ra gen mã hóa GFP, đã không nằm trong số những người nhận giải.

Trong một vài trường hợp đã có người phản đối việc họ không được công nhận. Năm 2003, một người tên là Ray Damadian đã cho đăng một loạt các quảng cáo toàn trang trên tờ The New York Times, The Washington Post, và Los Angeles Times để phản đối vì ông ta đã không được nhận giải Nobel Y học cho đóng góp của mình trong việc phát minh ra phương pháp chụp cộng hưởng từ. Ủy ban Nobel đã chỉ vinh danh Paul Lauterbur và Peter Mansfield cho công lao này – việc này bị Damadian coi là “một sai lầm đáng xấu hổ và cần được sửa chữa.” Ông cho tờ Times hay: “Việc thức dậy vào sáng thứ Hai và thấy rằng mình đã bị loại bỏ ra khỏi lịch sử là một nỗi đau tôi không thể chịu đựng nổi”.

Ngoài việc ai nên và không nên được nhận giải thưởng, thì vấn đề lớn hơn là ở chỗ mỗi năm, trong mỗi nhánh khoa học, giải Nobel chỉ được thưởng cho các cá nhân – tối đa là 3 người. Trong khi ngành khoa học hiện đại lại là “môn thể thao đồng đội nhất hiện nay”, như lời Ivan Oransky và Adam Marcus viết trên báo Stat. Đúng là những nhà khoa học đôi lúc đã một mình tạo nên các bứt phá, nhưng việc này ngày càng trở nên hiếm. Thậm chí trong một nhóm nghiên cứu không thôi thì cũng có cả một đội quân các tiến sĩ, sinh viên, và kỹ thuật viên tham gia đóng góp vào những nghiên cứu mà sau đó thành quả chỉ có một người đứng tên. Và thường thì trong một dự án sẽ có nhiều nhóm nghiên cứu kết hợp với nhau. Trong bài báo công bố phát hiện của nhóm LIGO, danh sách tác giả dài tận 3 trang. Một bài báo khác gần đây nói về việc ước tính khối lượng chính xác của hạt Higgs bí ẩn thì có đến 5.154 tác giả.

Những người ủng hộ giải thưởng thì cho rằng ủy ban Nobel buộc phải làm theo những điều được quy định trong di chúc của Alfred Nobel, tài liệu đặt ra giải thưởng này. Nhưng di chúc thì kêu gọi việc công nhận “một cá nhân” – tức là chỉ một người – đã có phát minh quan trọng trong ngành của mình “năm trước đó”. Tuy vậy, ủy ban Nobel có khi vẫn trao thưởng cho tối đa 3 người vì thành quả của họ trong suốt hàng thập kỷ trước đó. Nếu họ đã lách luật như vậy thì tại sao không lách thêm chút nữa? Như các bình luận viên của tờ Scientific American đã đề xuất năm 2012, tại sao không thể trao giải khoa học cho các nhóm và các tổ chức như trong giải Hòa Bình? 

Chi phí cho việc đổi mới thì thấp, nhưng cái giá phải trả cho việc lẩn tránh nó thì cao. Như nhà sinh vật học Arturo Casadevall và Ferric Fang viết năm 2013, giải Nobel truyền bá ý tưởng về hình mẫu thiên tài đơn độc, tóm gọn trong câu nói của nhà triết học Thomas Carlyle: “lịch sử thế giới chẳng qua chỉ là tiểu sử của các vĩ nhân.” Trong ngành khoa học thì không phải thế, nhưng giải Nobel lại làm lan tỏa ý tưởng sai lầm này. Casadavell và Fang cho rằng việc làm như vậy “khiến những giải thưởng này củng cố thêm cho hệ thống khen thưởng lệch lạc của khoa học, trong đó người thắng cuộc giành lấy tất cả, và sự đóng góp của đám đông bị coi nhẹ bởi việc quá chú ý đến công lao của một số ít.” Nhìn dưới góc độ nào đó thì các giải thưởng này không phải để tôn vinh những người đã có các đóng góp quan trọng nhất trong ngành, mà là dành cho những người giỏi nhất trong việc đã sống sót qua mê cung đầy may rủi của ngành học thuật.

Và trong nhiều trường hợp, giải thưởng là để dành cho ai đã sống sót trên đúng nghĩa đen của từ này. Giải Nobel không được trao cho những người đã mất. Vậy nên Rosalind Franklin đã không được công nhận là người có vai trò cốt yếu trong phát hiện về cấu trúc chuỗi xoắn kép của ADN bởi vì cô ấy đã qua đời 4 năm trước khi James Watson, Francis Crick, và Maurice Wilkins được trao giải Nobel. Nhà du hành vũ trụ Vera Rubin đã thu thập được bằng chứng cho thấy sự tồn tại của vật chất tối khi bà nghiên cứu chuyển động quay của các thải ngân hà – một thành tựu mang đến cuộc cách mạng cho hiểu biết của chúng ta về vũ trụ. “Vera Rubin xứng đáng được nhận giải Nobel,” tác giả khoa học Rachel Feltman nhận xét vào tháng 10/2016. “Bà ấy có lẽ sẽ không kịp nhận nó.” Rubin đã qua đời 2 tháng sau đó.

Trường hợp của Rubin và Franklin cho thấy một vấn đề đã tồn tại trong cơ cấu giải Nobel từ lâu. Đó là hình ảnh thiên tài đơn độc mà giải thưởng này truyền bá gần như luôn là một nam giới da trắng. Phụ nữ mới chỉ được trao 12 trong số 214 giải về sinh lý học hoặc y học, 4 trong số 175 giải về hóa học, và chỉ 2 trong số 204 giải về vật lý. Lần gần đây nhất khi giải Nobel vật lý được trao cho một người phụ nữ là đã từ 54 năm trước, cho Maria Goeppert Mayer. Lý do không phải là do không có ai đáng nhận. Rubin đáng ra phải được giải, không còn phải tranh cãi gì, và Lise Meitner cũng vậy, bà là người đóng góp cho phát hiện về phân hạch hạt nhân bên cạnh người đoạt giải là Otto Hahn. Từ năm 1937 đến 1965, Meitner đã được đề cử 48 lần bởi nhiều người, nhưng bà chưa bao giờ được nhận giải. “Giải Nobel có những mặt tốt, nhưng chúng ta nên nhớ rằng thành phần những người đoạt giải cũng đang phản ánh và làm lan rộng thêm các thiên vị có sẵn trong cơ cấu,” du hành gia Katie Mack đã đăng trên Twitter vào năm ngoái.

Có lẽ sẽ chẳng có gì là to tát nếu giải Nobel không có giá trị lớn như vậy. Ngoài phần thưởng bằng tiền ra thì những người đoạt giải còn gần như là luôn được đảm bảo sẽ được mời đi diễn thuyết. Các bài báo của họ cũng được nhiều người trích dẫn hơn. Họ còn có chiều hướng sống lâu hơn những người được đề cử mà không đoạt giải 1 hay 2 năm. Và giải thưởng mang đến cho họ dấu ấn của sự vĩ đại mãi mãi. Giải Nobel không phải như giải thưởng thiên tài MacArthur chả hạn, giải này là dành cho những người “cho thấy tính sáng tạo hiếm có trong nghề của mình.” Giải Nobel thì công nhận một khám phá cụ thể. Vậy mà người phát hiện ra nó lại mãi mãi được xem như là có trí lực phi thường, việc này đánh đồng một đóng góp quan trọng của một cá nhân trong lịch sử với toàn bộ sự nghiệp mãi mãi về sau của họ.

Điều này tạo ra rắc rối khi những người đoạt giải trở thành người bênh vực những thứ mạo danh khoa học hay cố chấp, như thường xảy ra. William Shockley, người đoạt giải vật lý năm 1956 cho phát minh bóng bán dẫn, còn là người cổ xúy cho thuyết ưu sinh. Ông ta cho rằng những người có chỉ số IQ thấp, chủ yếu là người Mỹ da đen, cần phải bị triệt sản. James Watson cũng từng tuyên bố là người châu Phi có trí thông minh thấp hơn mức trung bình. Kary Mullis là người đoạt giải hóa học năm 1993 cho kỹ thuật PCR, một phương pháp sao chép ADN được sử dụng ở tất cả các phòng thí nghiệm sinh học trên toàn thế giới. Ông ta sau này trở thành một người ủng hộ lớn tiếng cho chiêm tinh học, cũng như đã tuyên truyền phủ nhận biến đổi khí hậu là do con người gây ra, và phủ nhận mối liên quan giữa HIV và AIDS. Trong một cuốn tự truyện của mình, ông ta còn viết rằng mình từng thấy một con gấu mèo phát sáng và cho đó có thể là một sinh vật ngoài hành tinh.

Công bằng mà nói thì khác với vấn đề số người được trao giải nói trên, ủy ban giải Nobel không thể kiểm soát nguy cơ người đoạt giải sẽ đi chệch hướng. Trách nhiệm thuộc về chính chúng ta, vì chúng ta hay có xu hướng coi các giải Nobel như biểu tượng tôn sùng dành cho ai đó trong ngành khoa học. Nhưng thực chất không phải vậy. Cũng như các giải thưởng khác, giải Nobel không hoàn mỹ và thường mang tính chủ quan. Bằng việc cụ thể hóa nó, chúng ta đang thổi phồng cái tôi của những người nhận giải và làm giảm năng lực của những người không được giải. “Sau cùng thì việc truất ngôi giải Nobel hay không là do chúng ta quyết định,” tác giả khoa học Matthew Francis viết vào năm ngoái. “Chúng ta đang cho phép những giải thưởng này điều khiển cái nhìn của chúng ta về khoa học và cách thực hiện nó, nhưng đáng ra chúng ta đã nên rút lại sự cho phép này từ lâu rồi.” 

Phương Anh dịch

Nguồn: The Atlantic

10 cuốn sách phù hợp nhất dành cho các Doanh nhân khởi nghiệp và Nhà phát minh kiến tạo

Các ý chính Khám phá 50 phát minh kiến tạo nên đời sống hiện đại. Nhiều lời khuyên đáng giá trong tài liệu về phát triển mô hình khởi nghiệp.  Tìm hiểu về tính liên kết giữa đổi mới và phát triển doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đều kinh qua những thăng trầm. Một phát minh tình cờ làm thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp, có khi là toàn bộ thế giới. Trải qua nhiều thử thách và gian nan, những người tiên phong

MỘT VẬT LIỆU CÓ NGUỒN GỐC TỪ THUỐC LÁ CÓ THỂ CHẮC KHỎE NHƯ GỖ HOẶC NHỰA

Các tế bào từ thực vật đã được biến thành một vật liệu tổng hợp sinh học có thể phân hủy tự nhiên sau khi hết thời gian có ích.   Sự phụ thuộc của nhân loại vào nhựa là một vấn đề quan trọng. Vật liệu này có nguồn gốc từ dầu mỏ và thường kết thúc vòng đời của nó ở nơi tập kết và hoặc trong lò đốt rác. Dù bằng cách nào, đây cũng là một điều không bền vững. Vậy

Những căn nguyên tiến bộ của thế kỷ XX

KHÔNG THỂ MUA LẠI ĐƯỢC Có hai công trình hấp dẫn vốn không phải là sự tổng hợp của lịch sử xã hội và công nghệ, mà thay vào đó nó lại nổi lên từ giao điểm của các nghiên cứu cải tiến công nghệ, địa văn hóa, lịch sử kinh tế và môi trường. Tác giả Vaclav Smil công tác tại Khoa Môi trường tại Đại học Manitoba đã viết đến 23 cuốn sách. Hai cuốn trong số đó đang được nhìn nhận là,

Minh Tân

03/09/2021

NOBEL HÓA HỌC 2019: PIN LITHIUM-ION

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã quyết định trao giải thưởng Nobel về Hóa học năm 2019 cho John B. Goodenough, của Đại học Texas tại Austin, Hoa Kỳ, M. Stanley Whmitham, của Đại học Binghamton, Đại học Bang New York, Hoa Kỳ, và Akira Yoshino thuộc Tập đoàn Asahi Kasei, Tokyo, Nhật Bản và Đại học Meijo, Nagoya, Nhật Bản "vì sự phát triển viên pin lithium-ion".   Họ đã tạo ra “một thế giới có thể sạc được” Giải

NOBEL VẬT LÝ 2019: VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA VŨ TRỤ VÀ MỘT NGOẠI HÀNH TINH MỚI

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã quyết định trao giải thưởng Nobel Vật lý 2019 “cho những đóng góp vào hiểu biết của chúng ta về sự tiến hóa của vũ trụ và vị trí của Trái Đất trong vũ trụ” với một nửa cho James Peebles của Đại học Princeton, Hoa Kỳ, “cho những khám phá về lý thuyết trong lĩnh vực vũ trụ học vật lý" và nửa còn lại chia đôi cho Michel Mayor của Đại học Geneva,