Khi bạn biết chút ít tiếng Trung, thì dù bạn yêu hay ghét, bạn vẫn cần dùng để giao tiếp, để mưu sinh, hay để tìm hiểu những nét đẹp trong văn hóa, ẩm thực, con người của một đất nước nghìn năm lịch sử…
Đến với bài điểm sách tiếng Trung tháng 12 này, chúng ta cùng tìm hiểu về ngành Hoa tiêu, một ngành nghề quan trọng tại cửa ngõ của các quốc gia trên mặt nước, một ngành nghề đòi hỏi chuyên môn cao nhưng ít được dư luận quan tâm (Treo buồm trên mây). Về tự truyện của một người yêu thích du lịch và có trải nghiệm thường xuyên đến các đất nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Đức và Hungary (Hành trình của vô tri). Về chú sư tử lông đỏ khao khát được yêu thương nhưng bị mọi loài chối bỏ và hành trình đi tìm lại cái ôm ấp áp của cậu… ( Ôm chặt). Về bức tranh đầy màu sắc của các dân tộc. Về chủ đề Kiểm soát ô nhiễm và giảm thiểu khói bụi qua tác phẩm “Cao nguyên” hay về cách viết một tác phẩm để được các biên tập viên và công chúng đón nhận (Viết tốt năm trang đầu)…
1. Viết tốt năm trang đầu (写好前五页) – Tác giả Vương Mộc Miên (王著定)
Dù bạn là người mới hay một nhà văn có kinh nghiệm, dù bạn đã xuất bản tác phẩm hay chưa, bạn đều không muốn bản thảo của mình bị từ chối. Các biên tập viên và đại lý văn học có thể từ chối hàng trăm bài gửi mỗi tháng – Đây là trách nhiệm của họ. Còn trách nhiệm của tác giả là viết một tác phẩm có thể nổi bật trong số rất nhiều tác phẩm.
Chìa khóa để làm cho bản thảo nổi bật là nội dung được thảo luận trong cuốn sách này.
Tác giả tiết lộ trong cuốn sách những yếu tố nào để viết nên một tác phẩm hay, cho dù bạn viết tác phẩm hư cấu, tác phẩm phi hư cấu, bản tin hay thơ, bạn đều có thể học hỏi kinh nghiệm từ đây.
Cuốn sách này chỉ ra rằng có một số sai lầm cần tránh:
- Một mở đầu thiếu thuyết phục
- Sử dụng quá nhiều tính từ và trạng từ
- Phép ẩn dụ xoàng xĩnh
- Đối thoại bi kịch hóa, tầm thường hoặc khó hiểu
- Mô tả nhân vật không có chiều sâu và dàn dựng bối cảnh không thú vị
- Nhịp điệu không cân bằng và cốt truyện thiếu phát triển
2. Cao nguyên (塬上) – Tác giả Chung Bình (钟平)
Cuốn sách này là một cuốn tiểu thuyết mô tả về cuộc chiến với chủ đề là “Kiểm soát ô nhiễm và giảm thiểu khói bụi”, đồng thời cũng thể hiện phong thái và bản chất của những người trên vùng đất “Cao nguyên”.
Cuốn sách này được đánh giá cao và được giới thiệu bởi các nhà phê bình nổi tiếng Trung Quốc.
“Cao nguyên” mô tả việc kiểm soát ô nhiễm môi trường của “thành phố mà vệ tinh không nhìn thấy”. Vì ước mơ của tổ tiên, để gìn giữ nơi yên tĩnh cuối cùng trong trái tim của một thế hệ ở cao nguyên này. Đối mặt với việc chống “ô nhiễm”, người đến người ở, cùng nhau đấu tranh, cuối cùng cũng giành được chiến thắng, trả lại cho huyện Hoa Nguyên – vùng đất Cao Nguyên một bầu trời quang đãng, núi sông đẹp đẽ, chim chóc bay lượn…
3. Hành trình của vô tri (无知的游历) – Tác giả Trần Đan Thanh (陈丹青)
Từ năm 2009 đến năm 2011, Trần Đan Thanh được “Địa lý Trung Hoa” – Tạp chí được cấp phép và phân phối bởi Hiệp hội Địa lý Quốc gia Trung Quốc – mời đi đến một nơi vào mỗi năm. Anh đã đi du lịch liên tiếp đến Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Đức và Hungary. Đến mỗi nơi, ông đều viết những bài dài đầy tâm huyết trên một blog du lịch, trong đó phác thảo thời gian, địa điểm với đặc điểm vùng miền, con người, văn hóa và phong cảnh thiên nhiên, bao hàm những suy nghĩ và tư tưởng của ông về nơi đó. Bây giờ, cuốn sách là một tập hợp của các bài viết trên blog về 4 nơi này. Ngoài các ghi chép về hành trình, cuốn sách còn bao gồm hơn 300 bức tranh lịch sử và hiện tại ở những nơi đó, cũng như các bản phác thảo do Trần Đan Thanh vẽ trong các chuyến du lịch của ông…
4. Treo buồm trên mây (直挂云帆) – Tác giả Lưu Tổ Quang (刘祖光)
Hoa tiêu là người bảo vệ quan trọng tại cửa ngõ của quốc gia trên mặt nước, đồng thời là một ngành nghề đòi hỏi chuyên môn cao mà lâu nay dư luận ít biết đến, được mệnh danh là “thuyền trưởng của các thuyền trưởng”.
Cuốn sách này kể về chàng phi công trẻ Đổng Thành Kiệt, từ một đứa bé vùng Tây Bắc chưa từng nhìn thấy biển cho đến trước khi vào đại học, nhờ sự giúp đỡ của Hoa tiêu Hứa Vân Phàm, anh đã dấn thân vào con đường sự nghiệp của một Hoa tiêu. Trong quá trình đó, Hứa Vân Phàm đã sử dụng sức hút cá tính độc đáo của anh ấy hướng dẫn Đổng Thành Kiệt đi đúng hướng, và hai người một là bậc thầy trong ngành, một là người học việc đã vượt qua những khó khăn tại Trạm hoa tiêu bến cảng quốc tế Thiên Hải một cách xuất sắc…
5. Ôm chặt (拥抱) – Tác giả Cơ Mễ (几米)
Một chú sư tử lông đỏ đang ngủ trưa trên thảo nguyên bỗng có một chiếc hộp từ trên trời rơi xuống đập vào đầu cậu ta, sư tử tức giận đập vỡ chiếc hộp thì có một cuốn sách rơi ra. Đó là một cuốn sách ảnh có tên “Ôm chặt”. Sư tử lông đỏ mở cuốn sách ra, trong sách đều là hình ảnh các loài động vật và các bạn nhỏ đang ôm nhau rất ấm áp, lúc đầu sư tử lông đỏ cảm thấy vô cùng căm ghét, kinh tởm, thậm chí cậu ta còn nôn mửa khi nhìn thấy những hình ảnh này. Sau đó, sư tử lông đỏ không chịu được nữa và vứt cuốn sách đi, nhưng một lúc sau lại duỗi móng vuốt ra rồi len lén lấy lại cuốn sách.
Dần dần, sư tử lông đỏ cảm thấy những động vật và các bạn nhỏ trong sách thật ngọt ngào rồi lại cảm thấy bối rối trước niềm hạnh phúc của các nhân vật trong cuốn sách. Sư tử lông đỏ trở nên ghen tị, cậu muốn tìm những con vật khác để ôm, nhưng không con nào muốn ôm cậu. Cậu là một chú sư tử bị từ chối khắp mọi nơi. Đột nhiên, cơ thể cậu nhớ ra mình đã từng có một cái ôm tương tự: khi cậu còn là một chú sư tử nhỏ, cậu đã được một cậu bé ôm ấp vô cùng dịu dàng, với sự ấm áp vô hạn. Sư tử lông đỏ còn nhớ ngày chia xa, cậu bé chạy điên cuồng trên đường, vẫy tay chào xe tải chở cậu đi. Sư tử lông đỏ tin chắc rằng ở một nơi nào đó trên thế giới, chắc hẳn có một cậu bé đang nhớ mình. Vì vậy, cậu quyết định lên đường đi tìm cái ôm thân thuộc và ấm áp này …
6. Phong cảnh nơi đây (这边风景) – Tác giả Vương Mông (王蒙)
Cuốn tiểu thuyết “Phong cảnh nơi đây”, được gọi là “Thanh minh thượng hà đồ” của dân gian, kể về cảnh đời thực và những phong tục độc đáo, sự thống nhất và phát triển của nhiều nhóm dân tộc ở các khu vực phía Tây Trung Quốc.
Câu chuyện trong đó nói về đồng cỏ, lũng sông, vườn cây ăn trái, cây dương cao vút, cánh đồng rộng lớn, cách làm bánh Nang, sơn tường, đánh xe, xem cối xay, sửa kênh, làm liềm cán dài … những “tình tiết dời non lấp biển” được mọi người bàn luận hăng say.
Khi giải thưởng Văn học Mao Thuẫn được trao cho “Phong cảnh nơi đây”, bài phát biểu nhận giải của tác giả có đoạn: “Giữa Vương Mông và Tân Cương có sự kết nối sâu sắc với nhau như cây và đất, đất khiến cây ngày càng xanh tươi.” Cuộc sống phong phú và đầy màu sắc trên mảnh đất Tân Cương rộng lớn này là nguồn cảm hừng cho ông cũng như là tiền đề hình thành nên giọng điệu và lối suy nghĩ độc đáo của Vương Mông trong tác phẩm.
Trong văn học Trung Quốc đương đại, ít có nhà văn nào có tâm, có đam mê, thể hiện đầy đủ và sinh động bức tranh đa dân tộc cùng chung sống, từ lối sống liêm khiết, nghĩa tình, lao động chân chính, đến phong cảnh tráng lệ, phong tục nhiều màu sắc như Vương Mông, tất cả những điều này là một lời tri ân chân thành của tác giả cho cuộc sống, cho ước mơ…
Cảm ơn các bạn đã theo dõi!
Điểm tin: Mai Hương
Hẹn gặp lại các bạn vào bài điểm sách tiếng Trung tháng 1 năm 2022. Book Hunter rất mong nhận được ý kiến đóng góp của độc giả về bài viết cũng như rất hoan nghênh các bạn gia nhập nhóm điểm sách tiếng Trung của chúng tôi.
Đọc thêm bản tin sách tiếng Trung tháng trước:
https://bookhunter.vn/sach-tieng-trung-hay-thang-10-nam-2021-muoi-sau-goc-nhin-ve-nam-hoa-roi-luong-trang-ky-dung-giua-lan-ranh-hai-the-gioi/
Đọc thêm bản tin sách học thuật thế giới tháng 11:
https://bookhunter.vn/sach-hoc-thuat-the-gioi-thang-11-nam-2021-weitiko-chua-lanh-virus-tam-tri-chiem-giu-the-gioi-quyen-luc-cua-dia-ly-cach-triet-ly-hoa-voi-bua-va-liem-nietzsche-va-marx-cho-canh-ta-the-ky-21-nghie/
Đọc thêm về Sách hay thế giới tháng 12 năm 2021
https://bookhunter.vn/sach-hay-the-gioi-thang-12-nam-2021-anabasis-xenophon-tieu-su-ve-john-milton-su-cham-dut-cua-chinh-sach-nhung-nguoi-dan-ong-may-man/