Nhiều lĩnh vực của khoa học xã hội quen thuộc luôn xuất hiện trong các điểm sách học thuật trong nước. Trong tháng 2 năm 2022, mời các bạn cùng theo dõi và tìm hiểu về đồng bào người Hmong, những ghi chép lịch sử của bán đảo Triều Tiên, tư tưởng Trung Quốc…
1. NHỮNG RẺO CAO MÂY PHỦ – Nguyễn Quang Hưng, Nguyễn Văn Chính, Nguyễn Mạnh Tiến, Nguyễn Hữu Thụ
Trích: Tao Đàn
Đời sống tín ngưỡng của cộng đồng người Hmong ở Việt Nam rất đa dạng chứa đựng rất nhiều giá trị văn hóa. Nhưng từ cuối những những năm 80, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào Hmong có khá nhiều biến động. Một mặt, đó là hình thành nhóm đồng bào Hmong theo những tín ngưỡng, tôn giáo mới, với những tập tục văn hóa, đời sống tinh thần riêng, kèm theo những vấn đề đặt ra trong quan hệ giữa người Hmong theo “lý mới” với cộng đồng Hmong vẫn duy trì “lý truyền thống” của ông cha mình. Mặt khác, điều đó cũng đặt vấn đề phải gìn giữ các giá trị văn hóa đặc trưng mang tính cốt lõi tạo nên bản sắc văn hóa của tộc người…
2. TAM QUỐC DI SỰ – Il Yeon (Nhất Nhiên)
Trích: Nhã Nam
Được ra đời vào khoảng thế kỷ XIII, giai đoạn Cao Ly bị quân Mông Cổ xâm lược và phải chịu khuất phục sau hơn 30 năm trường kỳ kháng chiến, Tam quốc di sự được xem là bộ dã sử nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, gieo niềm kiêu hãnh dân tộc vào trong lòng mỗi người dân.
Với tổng cộng 5 quyển, 9 chương, như chương Kỷ dị chép từng giai đoạn lịch sử từ thời Cổ Triều Tiên đến thời Hậu Tam quốc; chương Vương lịch ghi lại niên biểu lịch sử của các giai đoạn Tam quốc Cao Cú Lệ, Bách Tế, Tân La, Gía Lạc Quốc; chương Hưng pháp bàn về việc tiếp nhận và sự hưng thịnh Phật giáo của giai đoạn Tam quốc; chương Tháp tượng viết về các tháp và tượng Phật; chương Giải nghĩa lại xoay quanh các câu chuyện về Tăng già và Phật giáo; v.v… Tam quốc di sự đã ghi chép lại một cách đa dạng cuộc sống văn hóa và xã hội giai đoạn đương thời, những gì mà sử sách trước đây thường bỏ qua. Chính nhờ quá trình thực địa khắp cả nước, thu thập tất cả thần thoại, truyền thống, những câu chuyện được cất giữ ở mọi nơi, từ kinh thành đến thôn quê, từ chốn quý tộc đến phường sư sãi, thậm chí từ cả những người dân thường vô danh… của tác giả, cuốn sách đã tạo ra nền tảng căn bản để ta có thể tiếp cận được với bức tranh tổng thể về văn hóa và lịch sử cổ đại trên bán đảo Triều Tiên.
3. MARTIN HEIDEGGER – VẬT, XÂY Ở SUY TƯ, NGUỒN GỐC CỦA TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT, TỒN TẠI VÀ THỜI GIAN
Trích: Trustbooks
Tập sách này giới thiệu bốn tuyệt phẩm cách nhau 25 năm của Martin Heidegger. Đây là quãng thời gian dài giữa lòng một châu Âu khói lửa với sự hoành hành và sụp đổ của chế độ Đức quốc xã – mà Heidegger có nhiều “duyên nợ” đầy vướng mắc và gây tranh cãi – và những năm tháng đầu tiên của thời kỳ tái thiết hậu chiến của nước Đúc. “Hành trình tư tưởng” hay “con đường suy tư” của Heidegger cũng trải qua nhiều biến chuyển trong thời gian ấy, như thể có nhiều Heidegger khác nhau! Bản thân ông xác nhận một “bước ngoặt’ hay “khúc quanh” bắt đầu vào năm 1930 (ba năm sau Tồn tại và Thời gian (1927) và thời kỳ này chỉ kết thúc khi chuyển sang “suy tư về Ereignis” vào các năm 1936-1938, túc bao hàm cả thời kỳ viết Nguồn gốc tác phẩm nghệ thuật (1955). Vậy, ta có ba chân dung về Heidegger (tất nhiên có liên hệ với nhau): một Heidegger sơ kỳ (trước 1950), một Heidegger trung kỳ hay quá độ (1956-1938) và một Heidegger hậu kỳ (sau 1958). Tuy nhiên, với Xây Ở Suy Tư (1961), dường như có một “bước ngoặt” mới bắt đầu từ 1946, khiến có người (như Julian Young) muốn nhận điện rất có cơ sở thêm một Heidegger thứ tư: Heidegger “hậu chiến”. Đó cũng là cách để nhận rõ rằng triết học về nghệ thuật của Heidegger không kết thúc với Nguồn gốc tác phẩm nghệ thuật lừng danh mà còn tiếp tục biến chuyển trong suốt hơn 40 năm tiếp theo từ quá trình “tiếp cận” thi ca và tư tưởng của Hölderlin cho đến các trào lưu nghệ thuật hiện đại và đương đại.
Tập sách này giới thiệu bản dịch (và chú giải) bốn tuyệt phẩm của Martin Heidegger (1989-1976):
- VẬT (Das Ding/The Thing);
- XÂY Ở SUY TƯ (Bauen Wohnen Denken/ Building Dwelling Thinking);
- NGUỒN GỐC TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT (Der Ursprung des Kunstwerkes/ The Origin of the Work of Art);
- Phần dẫn nhập của danh phẩm TỒN TẠI VÀ THỜI GIAN (Sein und Zeit/Being and Time), với nhan đề: “Trình bày về ý nghĩa của câu hỏi về Tồn Tại”, gồm hai chương với 8 đoạn.
Các bản dịch trên được sắp xếp đơn giản theo mức độ ngắn dài để tiện cho việc đọc. Tuy nhiên, để dễ theo dõi nội dung và diễn biến trong hành trình tư tưởng của M. Heidegger, ta không thể không lưu ý đến trình tự thời gian và hoàn cảnh ra đời của các tác phẩm ấy.
4. LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG TRUNG QUỐC – Anne Cheng (Trình Ngải Lam)
Trích: OmegaPlusBooks
“Lịch sử tư tưởng Trung Quốc” là một công trình thông sử tư tưởng độc đáo và giá trị của nhà Hán Học Anne Cheng (Trình Ngải Lam).
Theo tác giả, cảm hứng để bà viết cuốn sách này “bắt nguồn từ tinh thần cả phê phán lẫn thấu cảm (theo nguyên nghĩa), đứng từ góc độ của cả người trong cuộc và ngoài cuộc. Công trình này cơ bản chỉ mang tính gợi dẫn, không có chủ ý mang đến một lượng tri thức như là các chân lý định sẵn mà hy vọng khơi dậy tâm lý tò mò và hứng thú cho người đọc: đó là những ‘chìa khóa’, những cuốn sách có giá trị và hữu ích đối với độc giả nhằm giúp cho họ tôi rèn được ‘chìa khóa’ của riêng mình.
Nội dung cuốn sách được chia thành 6 phần, 22 chương; trình bày và thảo luận về lịch sử tư tưởng Trung Quốc từ khởi thủy đến đầu thế kỷ XX.
Với việc bổ sung một bản dịch sách “Lịch sử tư tưởng Trung Quốc” của Anne Cheng, độc giả tiếng Việt có cơ hội thưởng thức một ấn phẩm có nhiều ưu điểm so với các bộ sách thông sử tư tưởng Trung Quốc bằng Việt ngữ đã xuất bản trước đây:
(1) Góc nhìn phương Tây của một học giả người Pháp gốc Hoa đủ độ uyên thâm về truyền thống Hán học, từ đó thâu thái được những điểm tinh hoa của hai nền học vấn Đông – Tây;
(2) Bút pháp thiên về biện giải, phân tích, xâu chuỗi, trừu tượng hóa, chứ không phải là khảo cứu tư liệu ngữ văn, mô tả tác phẩm và hành trạng nhân vật;
(3) Tri thức và ảnh hưởng của Phật giáo được coi trọng như là một tác nhân thúc đẩy sự phát triển của dòng lịch sử tư tưởng;
(4) Các giai đoạn lịch sử tư tưởng được trình bày một cách cân đối, toàn diện, có hệ thống lớp lang, có tính xâu chuỗi và gắn kết để tạo thành dòng mạch tư tưởng một cách thông suốt.
5. SIÊU LÝ TÌNH YÊU – Vladimir Soloviev
Trích: NXB Tri thức
Triết học nhân bản chân chính, luôn luôn hướng tới cái tận Chân, tận Thiện, tận Mỹ của Soloviev, kinh qua những thăng trầm lịch sử, giờ đây đương phát huy mạnh mẽ sức sống, sức ảnh hưởng và cộng hưởng trong đời sống tinh thần của loài người hiện đại.
Có thể thấy rõ điều này qua việc các tác phẩm của Soloviev được dịch ra hàng chục ngôn ngữ Đông-Tây, di sản tinh thần của ông được nghiên cứu chuyên sâu ở nhiều nước phát triển, trở thành đối tượng bàn luận sôi nổi tại các hội thảo và hội nghị quốc tế, kể cả những đại hội triết học thế giới.
Được phú bẩm nhiều tài năng xuất chúng, Soloviev ngoài địa hạt triết học còn thể hiện mình như một nhà thần học sâu sắc, có tư duy độc lập, một cây bút chính luận kiệt xuất, một nhà mỹ học và phê bình văn học ưu tú và một nhà thơ tài hoa, mà thi phẩm đã trực tiếp cổ vũ sự ra đời cả một trào lưu văn chương mới – chủ nghĩa tượng trưng Nga.
Tất cả những khía cạnh hấp dẫn ấy của thiên tài Soloviev đều được thể hiện trong Tuyển tập bằng tiếng Việt này…
SIÊU LÝ TÌNH YÊU (3 TẬP)
Tập 1: TRIẾT HỌC VÀ THẦN HỌC
Tập 2: TRIẾT HỌC ĐẠO ĐỨC
Tập 3: MỸ HỌC VÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC
6. BÍ ẨN NỮ TÍNH – Betty Friedan
Trích: NXB Phụ Nữ
Bước ngoặt, đột phá, kinh điển – những tính từ này chẳng xứng cho lắm với tầm nhìn tiên phong và ảnh hưởng lâu dài của cuốn Bí ẩn nữ tính, được xuất bản vào năm 1963. Bí ẩn nữ tính tiếp thêm năng lượng cho sự tái trỗi dậy của phong trào nữ quyền bằng mô tả đúng y chóc “vấn đề không tên”: những niềm tin và thể chế âm ỉ, những thứ đã hủy hoại lòng tin về khả năng tri thức của phụ nữ và giữ họ ở nhà. Viết vào thời mà phụ nữ trung bình kết hôn lần đầu ở tuổi thiếu niên và 60% nữ sinh đại học bỏ học để kết hôn – hoặc để ngăn mình khỏi trở nên ế ẩm – Betty Friedan đã bắt được những bực bội, khát khao bị ngăn trở của một thế hệ và cho phụ nữ thấy họ có thể giành lại đời mình như thế nào.
Friedan củng cố nhận thức sắc bén của mình bằng nghiên cứu trên diện rộng, bắt đầu với cuộc khảo sát bạn học ở Đại học Smith của mình 15 năm sau ngày họ tốt nghiệp. Phát hiện thấy nhiều người trong số họ phiền muộn nhưng chẳng thể chỉ ra nguyên do, bà đem nỗi thống khổ của họ bày ra trang giấy. Tuy nhiên, để chứng minh hoàn hảo cho hiện tượng mà Friedan phê bình trong sách, các tạp chí đã không sẵn lòng xuất bản tác phẩm của bà, và gạt vấn đề này sang một bên.
Friedan thành thạo làm dày thêm lập luận của mình trong Bí ẩn nữ tính bằng những suy ngẫm cá nhân, những phân tích tâm lý và thống kê, những phê bình chi tiết về truyền thông và quảng cáo đương đại, và vô số cuộc phỏng vấn với các bà nội trợ ngoại ô, những cuộc phỏng vấn dần dà đã khiến người Mỹ nhận thức rõ về cuộc đời bị hạn chế mà người ta đòi hỏi đàn ông, đàn bà phải sống. Cuốn sách của bà thuộc loại bán chạy trên toàn quốc, với hơn một triệu bản được bán ra trong vòng năm năm đầu. Từ khi xuất bản, nó không ngừng cảnh tỉnh đàn ông, đàn bà với những vấn đề cơ bản về sự bình đẳng và cam kết cá nhân.
Vừa là bản phân tích xã hội, vừa là bản tuyên ngôn, Bí ẩn nữ tính chứa đầy góc nhìn phơi bày, những giai thoại và cuộc phỏng vấn hấp dẫn, những cái nhìn sâu sắc, tươi mới, những thứ tiếp tục truyền cảm hứng.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bản tin tri thức do nhóm Book Hunter thực hiện.
Điểm tin: Trần Cúc
Do nhân lực có hạn, nên Book Hunter có thể sẽ tổng hợp thiếu sót các tin tức. Chúng tôi rất mong các bạn có thể cùng chia sẻ tin tức về các hoạt động xuất bản, sự kiện học thuật, hoạt động nghiên cứu… trong và ngoài nước, để Bản tin tri thức đa chiều hơn và đầy đủ hơn.
Đọc thêm bản tin sách học thuật trong nước tháng trước:
https://bookhunter.vn/sach-hoc-thuat-trong-nuoc-thang-1-nam-2022-chung-ta-song-bang-an-du-khao-cuu-ve-tien-co-o-an-nam-nghien-cuu-phan-tam-hoc-le-quy-dat-su/
Đọc thêm bản tin sách tiếng Anh học thuật tháng này:
https://bookhunter.vn/sach-tieng-anh-hoc-thuat-thang-2-nam-2022-chua-lanh-voi-dat-set-cac-nguyen-mau-trong-ton-giao-va-hon-nua-bao-ton-di-san-lich-su-van-hoa-trong-ky-nguyen-so/
Đọc thêm bản tin sách tiếng Trung hay tháng này:
https://bookhunter.vn/sach-tieng-trung-hay-thang-2-nam-2022-mot-con-dao-ngan-con-chu-tau-ngam-luc-dem-muon-sua-me-hay-sua-cong-thuc-can-phong-ben-bo-bien/