Home Đọc Sách cho trẻ (1): Những bài hát ru và chuyện kể trước lúc ngủ – đường vào cõi Mộng

Sách cho trẻ (1): Những bài hát ru và chuyện kể trước lúc ngủ – đường vào cõi Mộng

Bước vào giấc ngủ: đôi mắt nhắm lại, chân tay không cử động, miệng thôi nói, tai không còn nghe thấy chính xác những gì thực tại tác động tới, mọi điều tiếp xúc vào da đều như thể có màng lọc. Giấc ngủ bắt đầu bằng sự thu rút các giác quan và quá trình duy lý. Các giác quan không cố gắng ghi nhận thực tại mà mặc cho thực tại đến rồi đi. Tâm trí không cố sắp xếp trình tự các thông tin tiếp nhận mà để hình chiếu của thực tại thỏa thích nhảy múa điên loạn theo một trật tự phi cấu trúc nhưng vẫn liên đới đến nhau trong trạng thái nối kết giữa tâm trí và thực tại. Đó là lúc Mộng. Cõi giới của Mộng là cõi giới siêu tuyệt, kì vĩ, nơi mọi phóng chiếu đều được đẩy lên cực điểm, tối thật tối và sáng thật sáng, nơi hạnh phúc bay bổng và cũng đau khổ tột cùng, nơi lung linh đẹp đẽ và cũng tối tăm thăm thẳm… Nơi cõi Mộng, ai cũng có thể trở thành nghệ sĩ. Đó là vùng đất của trí tưởng tượng bất chấp mọi đóng khung của hiện hữu. Nói một cách khác, ban ngày ta sống ở cõi Đời, ban đêm ta sống ở cõi Mộng.

Cõi Mộng – cõi giới của trẻ thơ

Với một đứa trẻ vẫn còn ngơ ngác, chưa thực sự lao vào cuộc sống để chinh chiến và giành giật, cõi Mộng chiếm phần nhiều khoảng thời gian của chúng. Trong con mắt ngơ ngác và chưa bị tôi luyện trong phương thức tư duy lý trí để diễn giải mọi sự theo những hiện thực có thể nhận biết được bằng năm giác quan, vạn vật đều thật to lớn, kì lạ, đôi khi bí hiểm. Tại sao chiếc răng vừa nhổ lại biến mất? Tại sao những con chó như thể hiểu tiếng người? Tại sao bông hoa ban ngày còn chúm chím nụ đến sáng đã nở rực rỡ?… Bí ẩn cứ thế chất chồng và cõi Mộng dày thêm. Trong các cuộc chơi trẻ nhỏ, đứa trẻ được nhập vào một vai khác, như cậu bé Đinh Bộ Lĩnh nhập vào vai một vị vua, cưỡi trâu thay ngựa, lấy cờ lau tập trận. Hay như cậu bé Lý Công Uẩn bị phạt trói nằm ở hiên, muỗi đốt đau điếng không động cựa được, lại tự thấy rằng một cái nghiêng của mình có thể khiến sơn hà xã tắc cũng nghiêng theo. Những đứa trẻ đã mang trải nghiệm, ký ức, vị thế của mình ở cõi Mộng bước vào cõi Đời.

Người lớn, khi đã ở rất sâu trong cõi Đời và cố nhốt những trải nghiệm của mình nơi cõi Mộng ở một khu vực của tâm trí và đặt tên nó là thứ Không Thật, Giả Tưởng, Hư Ảo… luôn tìm cách nhấc bỏ những đứa trẻ ra khỏi cõi Mộng hão huyền và huấn luyện đứa trẻ phải làm quen với cõi Đời. Giáo dục có chức năng như vậy. Học cách sinh tồn, học cách làm việc, học cách tiếp thu kiến thức, học cách giao tiếp, học cách sở hữu và cho đi… tất cả đều thuộc về sự học của Cõi Đời. Nhưng dường như chẳng mấy đứa trẻ hứng thú với các loại kiến thức này, chúng vẫn yêu thích cõi Mộng. Bởi thế lũ trẻ thường dễ dàng yêu thích cõi Mộng ở Internet, ở game, ở những câu chuyện kì ảo, những bộ phim, những siêu sao… vì lẽ đơn giản thôi, càng cấm càng thèm muốn.

Khi một đứa trẻ không được thỏa mãn khám phá và chinh phục của cõi Mộng bên trong mình, chúng sẽ tìm kiếm Mộng bên ngoài, và dễ tìm kiếm nhất là qua các hình thức giải trí. Hoặc tệ hơn, chúng cố biến cõi Đời thành cõi Mộng mà chúng mong muốn bất chấp các hậu quả, như Hitler tàn bạo cố biến những khải thị điên rồ mà hắn cho rằng được thiên thần mách bảo thành hiện thực. Hậu quả của chối bỏ hoàn toàn cõi Mộng để trở thành con người thực dụng ở cõi Đời liệu có khiến cho những đứa trẻ tỉnh táo, mạnh mẽ và hữu ích hơn không? Chúng ta không có số liệu cụ thể, vì đây hẳn sẽ là một cuộc khảo sát vô biên và mênh mông dữ liệu. Nó bất khả thực hiện! Nhưng, các bạn thấy đấy, những đứa trẻ, dù được huấn luyện để thiết thực hơn, vẫn cứ dễ dàng bị thôi miên bởi các mẩu quảng cáo, bị thao túng bởi những tuyên truyền chính trị, và dễ dàng sa đà vào thế giới mê tín dị đoan. Trong cơn hoảng loạn ở cõi Đời, những người trưởng thành sẽ vứt bỏ lí trí, và nghiêng theo những thứ hoang tưởng được tô vẽ lấy cảm hứng từ cõi Mộng.

Cõi Mộng không nên bị tách bỏ khỏi tuổi thơ mà nên là một hành trình cần thiết, một thế giới giả lập mà tại đó đứa trẻ được biểu hiện chân thực mọi khía cạnh của bản thân, được tự học cách lựa chọn để đưa ra quyết định tốt hơn, và được bước ra khỏi cõi Mộng bằng một nụ cười thỏa mãn không luyến tiếc. Những bậc làm cha mẹ nếu cho rằng con mình chỉ cần học những thứ… thực tiễn, thì đó hẳn là những người cha người mẹ đã bị cướp mất tuổi thơ. Tự bản thân họ thấy mình thất bại trong cõi Đời và kỳ vọng rằng những đứa con của mình nếu bị thúc ép sớm hơn, biết chữ sớm hơn, thành thần đồng sớm hơn… thì hẳn sẽ thành công hơn họ. Cha mẹ quên mất cõi Mộng của mình thì cũng không biết cách nuôi dưỡng cõi Mộng ở trẻ, họ không cho con mình tiếp xúc với những câu chuyện nếu chúng không hữu ích cho điểm số trên lớp, họ cũng không biết hát những bài hát ru vì chúng đâu có kiếm ra tiền trong tương lai. Thế rồi một mặt họ ép con cái mình đoạn tuyệt với cõi Mộng và một mặt khác họ bỏ mặc chúng bơ vơ trong cõi Mộng hàng đêm – thứ không thể loại bỏ khỏi cuộc sống của nhân loại, nơi chính họ cũng đang lạc lối.  

Các cuốn sách tranh đọc cho trẻ nhỏ chưa biết chữ trước giờ đi ngủ.

>> Tìm hiểu về combo sách tranh của William Joyce: Combo sách dành cho thiếu nhi của tác giả William Joyce – Book Hunter Lyceum

Những bài hát ru và chuyện kể trước lúc ngủ như chỉ dẫn cho trẻ trong cõi Mộng

Những đứa trẻ hiếu động và vui vẻ, chúng không thích ngủ, chúng thích huyên thuyên, nghịch ngợm và tưởng tượng đủ thứ trong khi thức. Thức bằng con mắt của cõi Mộng rất sung sướng, vì mọi thứ đều kỳ diệu, không trói buổi, không cần quan tâm đến xung quanh, có thể sáng tạo mọi điều mình muốn. Nhưng cơ thể chúng không cho phép chúng được thức chơi nhiều tới vậy, cơ thể ấy cần nghỉ ngơi để chuyển hóa các chất và lớn lên. Người lớn chúng ta, với hiểu biết thiết thực ấy, có trách nhiệm nhắc nhở chúng đi ngủ, và nếu chúng không thể ngủ thì chúng ta cần xoa dịu dần những đứa trẻ, đưa tâm trí chúng dần vào cõi Mộng, các giác quan thu lại, cho đến khi ngủ say. Và đó là vai trò của những bài hát ru hay những chuyện kể trước lúc ngủ.

Cấu trúc của các bài hát ru hoặc chuyện kể trước lúc ngủ thường phi lý trí như thể cõi Mộng, thực ra chúng được sáng tác bởi những con người sống một nửa ở cõi Mộng và một nửa ở cõi Đời. Các nhà phân tâm học gọi hành vi sáng tác của nghệ sĩ là mơ khi thức. Chúng được tạo nên bởi một loạt các hình ảnh đẹp, chuỗi ngôn từ sắp xếp đầy giai điệu êm ái du dương, chúng chuệnh choạng nửa sáng lung linh nửa tối huyền ảo. Đứa trẻ bị say trong thế giới ấy, và chúng hoàn toàn tách khỏi cõi Đời để ngủ trong cõi Mộng. Những gì chúng ta xướng lên để đưa trẻ vào giấc ngủ chính là những gì sót lại từ cõi Đời để chúng bước vào sâu trong Mộng mỗi đêm. Hành trình ấy sẽ vô cùng đặc biệt.

Ví dụ, khi còn nhỏ, mẹ thường ru tôi bằng bài hát ru này:

“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh

Ai lên xứ Lạng cùng anh,

Bõ công bác mẹ sinh thành ra em

Tay cầm bầu rượu nắm nem

Mải vui quên hết lời em dặn dò

Gánh vàng đi đổ sông Ngô

Đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương”

Hồi đó tôi chưa từng tới Lạng Sơn để biết Đồng Đăng, Kỳ Lừa hay tượng nàng Tô Thị. Những câu ấy vô nghĩa với tôi. Nhưng hình ảnh những con sông, chẳng cần biết là Ngô hay Thương, hay đơn giản là dòng sông Hồng mà bấy giờ tôi đã đôi lần đi qua và hứng khởi đón gió mỗi khi qua cầu, thì găm sâu trong tâm trí tôi. Giấc mơ của tôi vì thế tràn ngập sông nước, và những giấc mơ sông nước ấy đã đeo bám tôi cho đến khi tôi học đại học.

Thêm nữa, hình ảnh “nắm nem” thực sự đã ám ảnh đời sống của tôi. Trên bàn ăn, dù có món gì ngon đi chăng nữa, tôi cũng sẽ chọn nem đầu tiên, dù là nem rán, hay nem chua, nem thính, nem tai… Tôi đã yêu món nem một cách phi lý trí dù rằng nó không phải là món ngon duy nhất trên đời tôi từng nếm. Bài hát ru tưởng như chỉ tạo ra giấc mơ cõi Mộng ấy thế mà còn ám ảnh cả cõi Đời.

Thế để biết, tâm trí của chúng ta được nhào nặn bởi các ý niệm như thế nào, nhất là những ý niệm nối kết ta giữa cõi Đời và cõi Mộng. Các bậc thiền sư mong muốn con người thoát khỏi sự ảnh hưởng của các ý niệm ấy, nên đề xướng vô niệm, nhưng vì điều ấy là bất khả thi với đại đa số nên chúng ta đành chọn lấy những niệm tốt đẹp để tác động đến thế giới. Vì vậy, việc lựa chọn một câu chuyện trước khi ngủ cho trẻ hay một bài hát ru thực sự rất quan trọng. Nếu điều gì đó chắc chắn sẽ ám ảnh đứa trẻ, hãy để chúng được ám ảnh bởi những điều đẹp đẽ thay vì sự man rợ, cái ác và hủy diệt.

Book Hunter truyện cho trẻ Thần Mộng Mơ
Tiểu thuyết “Thần Mộng Mơ” nằm trong bộ tiểu thuyết và sách tranh “Những vệ thần của tuổi thơ”. Sách có mặt tại trung tâm Book Hunter đúng dịp sinh nhật.

Khi nhìn vào kho tàng bài hát ru hay những cổ tích (thường được kể cho trẻ nhỏ trước khi ngủ) của mỗi dân tộc, chúng ta sẽ thấy cõi Mộng của nền văn hóa ấy được kiến tạo bởi các cơn ám ảnh truyền đời gì. Chúng ta thường cho rằng những tác phẩm dân gian hẳn đều đáng trân trọng và lưu giữ, nhưng điều này không đúng. Dân gian truyền đời các tác phẩm theo cơn ám ảnh của họ, và đôi khi chúng có thể độc hại như truyện ma trên Internet hay game bạo lực online. Thậm chí, chúng có thể được  nhào nặn bởi bàn tay của các thầy phù thủy ranh ma hoặc những chính trị gia hám quyền muốn tạo ra thiết chế muôn đời. Chúng sẽ trở thành thứ chỉ dẫn tệ hại cho cõi Mộng và sau này sẽ ảnh hưởng đến cõi Đời của đứa trẻ.

Một bài hát ru hoặc chuyện kể trước khi đi ngủ có thể được sáng tạo bởi những ý nguyện đẹp đẽ nhất của chính chúng ta, không nhất thiết phải lặp lại cơn ám ảnh của dân tộc. Hoặc chúng ta có thể sưu tầm từ kho tàng dân gian của nước ta, với điều kiện chúng ta phải thực sự hiểu nội dung của chúng. Hoặc chúng ta tìm đến những tác phẩm kinh điển của thế giới – cõi Mộng của các tác giả đủ thâm sâu để hiểu rằng kiến tạo một cõi Mộng đẹp đẽ là trách nhiệm của người sáng tạo.

Tôi vẫn luôn rất yêu thích nhân vật  Thần Mộng Mơ trong bộ truyện Những Vệ Thần Của Tuổi Thơ của William Joyce. Thần Mộng Mơ chính là đại diện cho người nghệ sẽ nhận thức được rằng cõi Mộng của những đứa trẻ cần được bảo vệ, rằng cõi Mộng cần tráng lệ và đẹp đẽ, rằng những đứa trẻ cần được học cách đối phó với góc khuất đen tối của tâm hồn chúng mà chúng ta vẫn gọi là ác mộng. Thần Mộng Mơ cũng có thể là mỗi người lớn đang cố ru đứa trẻ chìm vào giấc ngủ bằng bao điều tốt đẹp. Liệu bao nhiêu người trong số chúng ta sẽ chọn trở thành Vệ thần trong cõi Mộng của đứa trẻ thay vì thành kẻ gieo rắc những ác mộng?

Hà Thủy Nguyên

Tôi sẽ trở lại đi sâu vào từng vấn đề ở các bài sau.

Đọc thêm:

“Vệ thần của tuổi thơ” của William Joyce: Bộ truyện thiếu nhi dẫn đường tìm đứa trẻ bên trong mỗi chúng ta – BOOKHUNTER – Đọc để nhận thức một thế giới đa chiều (bookhunter.vn)

‘VỊ VỆ THẦN CỦA TUỔI THƠ’ – WILLIAM JOYCE – BOOKHUNTER – Đọc để nhận thức một thế giới đa chiều (bookhunter.vn)

Đọc thử Bộ sách tranh Những Vệ thần của Tuổi thơ – William Joyce – BOOKHUNTER – Đọc để nhận thức một thế giới đa chiều (bookhunter.vn)

“Vệ thần của tuổi thơ” và quyền lực của niềm vui – BOOKHUNTER – Đọc để nhận thức một thế giới đa chiều (bookhunter.vn)

KHÁM PHÁ KHOA HỌC CHO THẤY NIỀM TIN CÓ THỂ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ SỐNG

“Khoảnh khắc bạn nghi ngờ mình có thể bay, bạn đã mất đi khả năng thực hiện nó” (“Peter Pan” – J.M Barrie) Trong cuốn tiểu thuyết cho thiếu nhi nổi tiếng “Peter Pan”, J.M Barrie đã đề cập đến sức mạnh của niềm tin khi những đứa trẻ sống trong xã hội công nghiệp tin tưởng vào thế giới kỳ diệu. Niềm tin ấy mang lại cho chúng niềm vui, có thể khiến chúng bay bổng trong không gian. Thông điệp của cuốn sách

Tự khúc cái chết

(Tôi viết cho bố ngày bố qua đời) Ngày lại ngày… ta thấy cái chết ở mọi ngóc ngách của cuộc sống… Một bản nhạc hay đi đến phần kết… Một tấn kịch hay đã khép hồi… Một vần thơ đi đến kiệt cùng cảm xúc… Cái đẹp của bông hoa bỗng úa tàn… Cái chết luôn hiện diện. Những kẻ không thể cảm nhận được sự bi thương trong từng khoảnh khắc của sự sống thì không thể hiểu được cái chết.Người ta nói

Ngày Xửa Ngày Xưa Có Câu Chuyện…: Vì Sao Chúng Ta Vẫn Luôn Sẽ Đọc Những Truyện Kể Trước Khi Ngủ

Hãy tưởng tượng xem: vào năm 2067, tức là năm mươi năm sau [tính từ năm 2017], đối với trẻ em, giờ đi ngủ sẽ như thế nào? Ngày nay, chúng ta đã có các kỹ thuật giúp chuyển đổi các truyện kể trước khi ngủ thành các thực tế ảo – và đây là video chứng minh điều đó. Dù cho ta không thể nói chính xác tương lai sẽ thế nào, nhưng duy có một điều chắc chắn: chúng ta vẫn sẽ còn

Đối thoại của Krishnamurti và David Bohm về nguồn gốc của sự xung đột tâm lý

Lời người dịch: Đây là một đối thoại kỳ thú của bậc thầy tâm linh Krishnamurti và nhà vật lý lượng tử David Bohm. Cuộc đối thoại hé lộ cách tâm linh và khoa học đã tiến gần đến nhau để nhận diện sự thật. Những câu hỏi được đặt ra khi hai ông cùng trao đổi về lý do thế giới của loài người vận hành bằng cướp bóc và nô dịch, rồi sau đó dẫn đến nỗi ám ảnh về "sự trở thành"

Tham tuyệt đối, Sân tuyệt đối, Si tuyệt đối

Phật giáo đề xướng diệt Tham, diệt Sân, diệt Si, để tự tính hiển lộ, để có được bát nhã, để giác ngộ. Với con mắt của kẻ vẫn vướng vào bụi trần thì đó cũng là một loại Tham – Sân – Si. Diệt tất thảy những điên rồ cuồng loạn, bẩn thỉu thấp hèn trong con người nhưng những huyễn tưởng sẽ vẫn bay lượn trong thế giới tâm trí. Diệt ngay cả sự diệt ấy cũng là một loại khó khăn, bởi