Home Đọc [PHỎNG VẤN] Nhà văn Hà Thủy Nguyên: Cần nâng cao nhận thức về bản quyền sách

[PHỎNG VẤN] Nhà văn Hà Thủy Nguyên: Cần nâng cao nhận thức về bản quyền sách

Uyên Lý

03/05/2022
ban-quyen-sach

Book Hunter: bài phỏng vấn nhà văn Hà Thủy Nguyên về bản quyền sách đã được đăng tải trên báo Phụ nữ Việt Nam. Do giới hạn số từ, bản trên báo đã được giản lược, nên chúng mình đăng tải toàn bộ nội dung buổi phỏng vấn dưới đây:

Ảnh: Phụ nữ Việt Nam

Vi phạm bản quyền trong ngành xuất bản tại Việt Nam suốt những năm qua đang là vấn đề nhức nhối và chưa có hướng giải quyết thỏa đáng: Từ việc các kênh Radio/YouTuber/Blogger đọc các tác phẩm mà không xin phép bản quyền rồi tự ý đăng công khai dù là phi thương mại hay thương mại; rồi sách lậu bán tràn lan từ sách giấy đến ebook. Các trường hợp vi phạm bản quyền trong nước đã xảy ra dù là những tác giả ít ai biết tới hay các tên tuổi nổi tiếng như nhà văn Vũ Ngọc Tiến, Nguyễn Văn Thọ, Võ Thu Hương, Nguyễn Quốc Vương… gần đây cũng chỉ gây giận dữ, xôn xao dư luận trong vòng vài tháng rồi đi vào quên lãng và để lại nhiều bỏ ngỏ. Không có một thông cáo cụ thể nào về những kết thúc vụ việc và phán quyết cho kẻ vi phạm hay việc bồi thường cho nạn nhân.

Cùng lúc đó, vẫn có một cộng đồng sẵn sàng chia sẻ ebook có bản quyền mà miễn phí cho độc giả trong đợt giãn cách xã hội (tháng 8/2021) để hỗ trợ người đọc sách trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đó là Book Hunter. Book Hunter là một nhóm trí thức với các hoạt động trao đổi, hỗ trợ các vấn đề học thuật và sáng tạo, có xuất bản phát hành các ấn bản có bản quyền, hoạt động đã được hơn 10 năm. Nhân dịp tháng kỷ niệm Ngày Sách và Bản quyền Thế giới, PNVN đã trò chuyện với nhà văn Hà Thủy Nguyên, người sáng lập Book Hunter, xung quanh câu chuyện sách và bản quyền xuất bản.

1. Thưa chị, được biết, Book Hunter đã cho xuất bản phát hành gần 20 đầu sách có bản quyền, số lượng in mỗi đầu sách cũng chỉ từ 300 – 500 cuốn. Điều đáng nói là, Book Hunter đã hơn 1 lần chia sẻ file ebook miễn phí cho độc giả trên khắp cả nước. Việc chia sẻ file sách miễn phí như thế sẽ hạn chế mặt doanh thu. Điều gì khiến chị quyết định chia sẻ file sách miễn phí cho bạn đọc?

Thú thực là tiềm năng tìm kiếm lợi nhuận từ ngành sách vốn rất thấp, do đó khi mới thành lập, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ xuất bản sách, mà chỉ mong muốn đóng vai trò như một cộng đồng độc giả để giới thiệu và tuyển chọn sách thôi. Động lực bước vào ngành xuất bản của chúng tôi đến từ việc chúng tôi mong muốn một số cuốn sách nước ngoài như “Chiến thắng của đô thị” (của Edward Glaeser) hay tập thơ “Rumi tinh tuyệt” (bản tiếng Anh của Coleman Barks) hay cuốn sử nghìn trang “Nước Mỹ chuyện chưa kể” (của Oliver Stone & Peter Kuznick)… được công chúng Việt Nam biết tới, nhưng chúng tôi không tìm được đơn vị xuất bản nào ở Việt Nam sẵn sàng dịch và xuất bản chúng.

Rumi tinh tuyệt – bản tiếng Anh của Coleman Barks

Vì thế, các thành viên tham gia nhóm chúng tôi dành một phần thu nhập từ các công việc khác hoặc phần thời gian cá nhân sau giờ làm việc để thực hiện nghĩa vụ cộng đồng này. Vì vậy, chúng tôi cũng chưa bao giờ có suy nghĩ e ngại rằng việc chia sẻ ebook ấy ảnh hưởng đến doanh thu, vì ngay từ đầu công việc này không được tính là một hoạt động kinh doanh đối với Book Hunter. Hơn ai hết, chúng tôi rất mong muốn càng nhiều người có cơ hội đọc những cuốn sách này càng tốt, thế nhưng thị trường có những luật chơi riêng và tôi phải giới hạn mong muốn chia sẻ của mình trong giai đoạn giãn cách do dịch bệnh, khi kinh tế khó khăn và ai cũng phải thắt lưng buộc bụng. Hoặc thỉnh thoảng, khi có những bạn nhắn tin riêng trình bày hoàn cảnh và nguyện vọng, chúng tôi vẫn sẵn sàng tương trợ bằng cách gửi ebook cho họ. Vì việc này có thể không ảnh hưởng đến doanh thu của Book Hunter nhưng sẽ ảnh hưởng chung đến các đơn vị phân phối và cả các đơn vị xuất bản khác, nên chúng tôi chỉ có thể nỗ lực hỗ trợ các độc giả chưa có thu nhập hoặc thu nhập thấp trong một giới hạn nhất định.

2. Như chị chia sẻ thì Book Hunter không tính việc xuất bản phát hành sách để kinh doanh. Tôi chợt nghĩ là Book Hunter “làm sách vì đam mê” ư? Liệu chị có thể chia sẻ thêm về các hoạt động khác của Book Hunter?

Nói làm sách vì… đam mê thì có phần chung chung, vì chúng tôi đam mê nhiều thứ lắm! Nếu chạy theo đam mê có lẽ cả đời không làm được gì. Với chúng tôi, sách là cách nhanh nhất để học hỏi và tác động tới những người, những vấn đề mà mình quan tâm. Ví dụ như chúng tôi chọn dịch “Nước Mỹ chuyện chưa kể” là bởi vì chúng tôi thấy rất nhiều người quan tâm đến thời sự chính trị Mỹ, bàn tán rất sôi nổi, người thì dè bỉu người thì thần thánh hóa, nhưng chẳng ai hiểu gì về lịch sử chính trị của Mỹ, và không hiểu các thói quen ra quyết định của siêu cường này.

Nước Mỹ Chuyện chưa kể – Oliver Stone & Peter Kuznick

Vì vậy, chúng tôi quyết định dịch cuốn sách với sự giúp đỡ liên hệ bản quyền từ Project Renew – Dự án giải trừ vũ khí nhân đạo do các Cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Cuốn sách giúp chúng tôi và một số bạn bè chúng tôi quen biết, hoặc đâu đó là các độc giả tình cờ chọn đọc, hiểu thêm về quyết định tham chiến của Mỹ tại Việt Nam, sự bám víu của chính quyền Mỹ vào vũ khí hạt nhân, thái độ của chính quyền Mỹ với các quốc gia phương Đông, sự tiến bộ trong nhận thức của nhân dân Mỹ và những nỗ lực phản chiến của giới trí thức Mỹ…, để rồi từ đó, chúng tôi có thêm dữ liệu cho các quyết định của mình giữa một xã hội đầy biến động. Tương tự như vậy, những cuốn sách mà chúng tôi lựa chọn xuất bản đều đến từ nhu cầu nội tại. Đó cũng là lý do chúng tôi xuất bản sách với số lượng ít và hạn chế PR sách theo lối “must-read”, với quan điểm rằng kiến thức chỉ thật sự có giá trị và nhân gấp nhiều lần giá trị nếu tới đúng với người cần. Thật may, lượng độc giả có chung nhu cầu và mong muốn với chúng tôi, những người đã quyết định chọn mua sách do Book Hunter dịch hay viết, cũng vừa đủ để giúp chúng tôi theo đuổi những bản thảo khác trong tương lai.

3. Trong bối cảnh sách lậu và ebook lậu bán tràn lan trên thị trường mà Book Hunter vẫn cho file sách miễn phí như vậy, xin chị chia sẻ quan điểm về tình huống này?

Nếu bạn quan tâm đến các nội dung sách của Book Hunter, có lẽ bạn sẽ thấy rằng giới sách lậu ở Việt Nam không để tâm đến sách của chúng tôi đâu. Vì những cuốn sách này thuộc dòng khó đọc ở Việt Nam và có phát tán hoặc bán chui cũng chẳng bõ. Hơn nữa, ở các lần tái bản, chúng tôi sẽ có hoạt động chỉnh sửa và bổ sung để hoàn thiện bản thảo hơn, nên bản sách lậu (nếu có) sẽ luôn luôn có chất lượng thấp hơn những cuốn được in mới. Ngoài ra thì, các bạn làm sách lậu có lẽ cũng ít nhiều có tình yêu với sách, chỉ là họ chưa có ý thức trách nhiệm công dân và tinh thần pháp luật, nên với các cuốn sách của Book Hunter, họ chưa từng phát tán rộng rãi và công khai, biết đâu vì họ cũng cảm thông với những khó khăn của chúng tôi. Có thể đâu đó họ sẽ gửi riêng kín với nhau, chúng tôi cũng khó có thể kiểm soát được, dù gì “kín” thì cũng chỉ có thể giới hạn trong một số lượng nhỏ. Nhưng dù sao, tôi cũng mong rằng các bạn làm sách lậu có thể thay đổi tư duy của mình trong tương lai, để làm ăn đàng hoàng hơn, hợp pháp hơn. Mà muốn vậy thì vai trò của những người làm chính sách rất quan trọng. Không phải cứ cấm và phạt thì hiệu quả, thay vì đó cần sự giáo dục nâng cao nhận thức về bản quyền sách cũng như có cơ chế tạo cơ hội cho các độc giả không có thu nhập hoặc thu nhập thấp tiếp cận sách. Có vậy, vấn đề sách lậu mới được giải quyết triệt để. 

4. Book Hunter hoạt động đã được hơn 10 năm nhưng vẫn chỉ dừng lại ở các hoạt động mang tính chất hội nhóm, cộng đồng và việc sở hữu bản quyền ở tư cách cá nhân. Liệu chị có dự định phát triển thương hiệu và tham gia thị trường xuất bản với quy mô lớn hơn?

Chúng tôi cũng đang cân nhắc, vì khối lượng công việc của Book Hunter gia tăng nhanh chóng trong nửa cuối năm 2021, tôi buộc phải ngừng những công việc khác mang lại khoản thu nhập tốt cho mình để duy trì hoạt động của Book Hunter. Trước tôi, admin Lê Duy Nam, quản lý vận hành và trưởng nhóm dịch của Book Hunter cũng phải từ chối nhiều lời mời làm việc để dành toàn thời gian làm sách. Nên có lẽ chuyên nghiệp hóa hoạt động của Book Hunter là một tương lai khó tránh, dù rằng chúng tôi vẫn yêu thích vị thế cộng đồng của Book Hunter hơn. Có lẽ chúng tôi sẽ tìm một điểm dung hòa để có thể thực sự gắn bó toàn tâm toàn ý với hoạt động xuất bản sách. 

5. Chị có nghĩ đến một phương án giải quyết nào cho các trường hợp vi phạm bản quyền trong xuất bản?

Đây là một câu hỏi khó mà có lẽ để trả lời cần cả mội hội thảo của các chuyên gia nghiên cứu về pháp lý và kinh tế học. Để giải quyết vấn đề vi phạm bản quyền thì nó đến từ rất nhiều khía cạnh, mà một trong các khía cạnh quan trọng nhất đó là ý thức của mỗi người. Ngay từ khi còn trong trường học, mỗi học sinh sinh viên, mỗi thầy cô giáo… đều phải có ý thức rằng mình sẽ không sao chép tài liệu, không học văn mẫu, không xào xáo đồ án tốt nghiệp… Bên cạnh đó, cơ chế xử phạt vi phạm bản quyền cũng phải thực sự khẳng định sự hiệu quả. Đến nay, sự trừng phạt đối với các trường hợp vi phạm bản quyền chủ yếu đến từ chính độc giả. Rất nhiều vấn đề cũng cần được thảo luận xoay quanh quá trình xử phạt này, ví dụ như có cần một phiên toàn hay một cuộc điều tra không, ai sẽ được quyền tuyên bố rằng một bên nào đó đã sai phạm bản quyền hoặc vô tội? Đó thực sự là một cơ chế phức tạp mà tôi cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thậm chí cần được xem xét tại các phiên họp quốc hội. Bởi vì vấn đề vi phạm bản quyền có hệ lụy rất lớn, không phải chỉ trong ngành sách, mà còn trong giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ và kinh tế toàn cầu. 

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này! Chúc Book Hunter luôn thỏa mãn những chân trời đam mê!

Lý Uyên thực hiện

Đọc thêm chùm bài về thị trường sách Việt Nam của Hà Thủy Nguyên tại đây.

Nhà văn, biên kịch Hà Thủy Nguyên (sinh năm 1986) tại Hà Nội. Chị là người sáng lập và Quản lý nội dung của Book Hunter. Chị được biết đến từ năm 18 tuổi với tiểu thuyết dã sử “Điệu nhạc trần gian” (NXB Phụ nữ). Tiếp đó, chị ra mắt các tác phẩm: Tiểu thuyết dã sử “Cầm thư quán”, tiểu thuyết giả tưởng “Thiên mã”, tập truyện truyện ngắn “Bên kia cánh cửa”, tập thơ in chung “Nằm xem sao rụng”, tiểu thuyết “Thiên địa phong trần”. Chị cũng là biên kịch các bộ phim “Vòng nguyệt quế”, “Blog nàng dâu”, “Nếp nhà”, “Rubik tình yêu”, “Đi về phía mặt trời”, “5S Online”.

TƯƠNG ĐỒNG HAY ĂN CẮP BÀI (Nhân vụ phát hiện 1 bài giống nhau chắc đến 99,9999…% giữa IPICK và TRẠM ĐỌC)

Chả là thế này, tối qua có bạn CTV của Book Hunter gửi mình một bài trên Trạm Đọc, thế quái nào lại "giông giống" bài TẠI SAO BẠN NÊN VẼ TRANH THAY VÌ CHỤP ẢNH mà một bạn trong team Book Hunter dịch chơi và đăng trên Ipick. Mình người dịch là bạn Tư Thành (tên trên Ipick là Bùi Minh Hùng) đọc thử xem độ "giông giống" đến đâu. Bạn ấy phát hiện ra là bài này rõ ràng copy từ bài bạn ấy dịch

Book Hunter

25/10/2018

Giảm sâu xả kho – Thảm họa của thị trường sách Việt Nam

Từ những dãy sách giảm giá 40-50% trên các con phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí hay Đường Láng ngày nào, giờ đây, vẫn những biển treo “giảm sâu 70%”, “đồng giá 10k” tràn ngập trên các sàn Thương mại điện tử và Hội chợ sách, thị trường sách vẫn tiếp tục như con Thao Thiết tự ăn chính nó cho đến khi chết hẳn. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra trong giai đoạn suy thoái kinh tế, con Thao Thiết đang ngự trị

THỊ TRƯỜNG SÁCH VIỆT NAM (4): GIÁ SÁCH HIỆN NAY CÓ ĐẮT KHÔNG?

Nhiều người cho rằng giá sách trên thị trường hiện nay vẫn còn quá đắt và đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng độc giả khó khăn trong việc tiếp cận tri thức. Đắt – rẻ tưởng như là một vấn đề mang tính định lượng, thế nhưng, nó lại là vấn đề tâm lý. Người chê đắt, người khen rẻ ít khi dựa trên những tính toán bằng con số mà dựa trên tình trạng của bản thân. Ở bài viết này, tôi

Bản quyền sách – Tôn trọng để mọi nhân tố trong ngành xuất bản đều được hưởng lợi

Hiện nay, vấn đề vi phạm bản quyền sách đang trở nên ngày càng phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian để nghiên cứu và thảo luận sâu rộng. Chính vì vậy, tôi - với vai trò là những cá nhân có liên quan đến ngành xuất bản và thị trường sách, hi vọng có thể chia sẻ những hiểu biết của mình về vấn đề này, nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường sách. Tôi mong rằng, những điều tôi
le-nam

Lê Nam

22/10/2024

Trớ trêu Sách dịch #1: Sách Triết Học

Trong thời đại của công nghệ thông tin với nhịp sống vội vã, những tưởng triết học sẽ chìm vào góc khuất, nhưng không, tại Việt Nam, sách Triết Học có địa vị gần như là tối cao so với các dòng sách học thuật khác. Khi sử dụng từ “tối cao”, ý tôi muốn nói rằng mang tính quyết định. Bởi vì triết học cung cấp nền tảng công cụ tư duy và xây dựng nhãn quan cho bất cứ ai mong muốn dấn