Home Nhớ Nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland (3): Niềm tin và quy tắc ứng xử

Nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland (3): Niềm tin và quy tắc ứng xử

nhan-vat-trong-truyen-ke-dan-gian-ireland-3-he-thong-niem-tin-va-quy-tac-ung-xu-cua-nguoi-ireland-co-xua-qua-cac-nhan-vat-trong-truyen-ke-dan-gian-ireland

> Đọc bài 1: Nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland (1): Thần tộc, Tiên & những người hùng – Book Hunter

> Đọc bài 2: Nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland (2): Tiên, Ma thuật, Người hùng và các Nữ anh hùng – Book Hunter

Khi tìm hiểu về nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland từ cách tiếp cận loại hình học, bên cạnh mục tiêu xác định những nhân vật nổi bật mà motif cơ bản được dùng để khắc họa nên nhân vật đó, chúng tôi cũng hướng đến một đích đến sâu xa hơn. Mặc dù khối lượng văn bản được đưa vào khảo sát và phân tích chưa nhiều so với kho tàng truyện kể dân gian Ireland nói riêng, xa hơn là kho tàng truyền miệng của người Celtic nói chung, song với những văn bản được khảo sát, chúng tôi nhận thấy sự lặp lại của một số motif trong từng kiểu nhân vật và bản thân chính hành trình mỗi kiểu nhân vật cũng cho biết thông tin về văn hóa dân gian của người Ireland nguyên thủy.

Vì vậy, thay vì tiếp bước các nhà nghiên cứu theo trường phái địa lí – lịch sử Phần Lan truy nguyên về nguồn gốc của các motif, các kiểu nhân vật – một công việc mà trong điều kiện hiện tại, chúng tôi chưa đủ nguồn lực để thực hiện; chúng tôi quyết định tiến hành chương 3 từ góc nhìn văn hóa học: coi mỗi motif, mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện là một “mật mã” chứa đựng những thông tin về văn hóa Ireland nguyên thủy. Vì truyện kể dân gian được lưu truyền từ đời này sang đời khác, thể hiện những giá trị được cộng đồng chia sẻ và chấp nhận, nên thông qua việc khảo sát nhân vật trong 25 văn bản truyện kể dân gian, chúng tôi đã bước đầu phác thảo được một hệ thống niềm tin và quy tắc ứng xử trong truyền thống dân gian của người Ireland. Chương này sẽ lần lượt trình bày kết quả nghiên cứu của chúng tôi.

3.1. Hệ thống niềm tin

3.1.1. Tin vào thần tiên và sự tồn tại của thế giới khác

Tin vào thần tiên và sự tồn tại của thế giới khác là một trong những niềm tin nổi bật nhất trong tín ngưỡng dân gian Ireland. Trước khi Thiên Chúa giáo du nhập vào Ireland vào khoảng những năm 450, cư dân Ireland nguyên thủy tôn thờ các vị thần tự nhiên cổ xưa như thần rừng, thần hồ, thần ánh sáng,… Họ cũng tin rằng họ có thể biết được ý nghĩ của thần linh thông qua những druid – những người có năng lực tâm linh mạnh mẽ, có thể giao tiếp với thế lực siêu nhiên.

Bên cạnh những vị thần tự nhiên, người Ireland cũng tin vào thần tộc Tuatha De Danann – dòng dõi thần thánh di cư đến lãnh thổ Ireland từ rất sớm. Trong niềm tin của người Ireland, các vị thần Tuatha De Danann là những vị thần của thơ ca, nhạc họa, văn chương, nghệ thuật, của nghề thủ công và của nghệ thuật chiến tranh. Thần tộc Tuatha De Danann mang vóc dáng đẹp đẽ, kì vĩ và có phép thuật toàn năng.

Chúng ta sẽ khó có thể tìm thấy câu chuyện về quá trình sáng thế hay nguồn gốc vũ trụ trong hệ thống thần thoại Celtic nói chung, Ireland nói riêng. Các vị thần trong niềm tin Ireland không phải là thần sáng thế, cũng không phải những vị thần mang ý niệm trừu tượng như một số thần thoại và tín ngưỡng khác trên thế giới. Thần ở Ireland thường được tôn vinh là thần thánh vì họ sở hữu những kĩ năng phi thường trong hoạt động nông nghiệp, trong sáng tạo nghệ thuật và thủ công hay trong chiến tranh (Lugh là thần của bách nghệ, Morrigan là thần báo hiệu chiến tranh); họ sở hữu những báu vật/ vũ khí có tính năng kì lạ (cây gậy đầu sinh đầu tử của Dagda, tấm da lợn có thể làm lành vết thương của Lugh,…); và họ có một số quyền năng siêu nhiên nhất định (tạo ra gió, bão).

Điều đặc biệt trong quan niệm của người Ireland thông qua các truyện kể dân gian nằm ở chỗ họ cho rằng cả các vị thần tự nhiên và thần tộc Tuatha De Danann đều đã từng có thời gian sống cùng với con người trên lãnh thổ Ireland. Khác với quan niệm của người Hi Lạp – các vị thần sống tách biệt với loài người trên đỉnh cao Olympus, quan niệm của người Trung Hoa – thần tiên sống ở trên trời, quan niệm của người Ấn Độ – thần linh bao trùm lên toàn bộ vũ trụ và chỉ hiện diện khi cần,… thần của người Ireland sống và có những hoạt động gần gũi với con người như săn bắt, hái lượm, thực hành phép thuật, tham gia các cuộc chiến,…

Khi thua trận trước quân Milesia, những vị thần Tuatha De Danann lui về ở ẩn trong các gò, đồi hoặc chuyển ra sống ở một không gian khác giữa biển khơi. Cho đến nay, người Ireland vẫn tin rằng có tiên sống trong những địa điểm này (VD: Grianan ở Aileach, cây tiên ở Blessington Basin…), và con người không nên đập phá, quấy rầy họ.

Cây tiên ở Blessington Basin

Các truyện kể dân gian Ireland vẫn còn lưu giữ những câu chuyện về nhân vật người thường, đi qua gò tiên và nghe thấy tiếng hát mê hoặc của những nàng, chàng tiên phát ra; hay những câu chuyện tiên xuất hiện và mời mọc con người cùng tham gia chơi trò chơi, để rồi ép đối phương làm theo yêu cầu của mình.

Bên cạnh việc tin vào thần tiên, người Ireland cũng tin vào sự tồn tại của một thế giới khác. Câu chuyện nổi tiếng nhất về thế giới khác là chuyến du hành của Oisin đến Tir na nÓg, xứ thanh xuân vĩnh cửu, cũng là nơi ở của thần tộc Tuatha De Danann. Lật qua từng trang sách cũ, ta cũng sẽ bắt gặp những câu chuyện về các anh hùng du hành đến xứ tiên: Cu Chulainn gặp tiên nữ trong mơ, say mê và lên đường tìm kiếm nàng, Finn từng đến xứ tiên và lên cơn điên loạn vì uống đồ uống của tiên. Các bản kể được W. B. Yeats hay T. C. Croker sưu tầm cũng kể lại nhiều câu chuyện về con người đến vùng đất tiên, mà phần lớn trong số đó thường là những thiếu nữ xinh đẹp bị bắt đi. Họ đến vùng đất tiên ca hát, nhảy múa, ăn uống ngày đêm, để rồi khi trở về thế giới thực, lúc nào họ cũng thẫn thờ, mất hồn mất vía [53; tr. 13-73].

Những câu chuyện về chuyến du hành đến thế giới khác và trở về [37; tr. 405-426], gặp gỡ những nhân vật mang sức mạnh siêu nhiên (truyện số 1 đến số 13), trải nghiệm cuộc sống ở cả hai thế giới (truyện số 12, 24) không chỉ cho ta biết niềm tin của người xưa về sự tồn tại của thế giới thần thánh, mà còn phần nào phản ánh một tư duy sơ khai về thế giới siêu hình – một thế giới khác với thế giới thực mà con người đang sống, một thế giới còn quá nhiều điều mơ hồ, đôi khi là nguy hiểm, mà họ chưa thể lí giải được.

Trong chuyến trở về của Oisin, chàng nhận ra ở thế giới loài người, thời gian ba trăm năm đã trôi qua, trong khi chàng mới chỉ ở xứ tiên khoảng ba tuần. Chi tiết này cũng cho thấy dấu hiệu nhận thức về sự chênh lệch thời gian, về thời gian tương đối giữa hai thế giới. Như vậy, người Ireland trong quá khứ tin vào sự tồn tại của thế giới siêu hình không chỉ là sự tồn tại về mặt không gian, mà còn được nhấn mạnh ở sự sai khác về thời gian.

Chuyến du hành đến vùng đất thanh xuân của Oisin còn được củng cố bởi yếu tố hiện thực là truyền thuyết Oisin kể lại trải nghiệm cho Thánh Patrick nghe, đồng thời chàng cũng là người ghi chép lại câu chuyện về Finn và các chiến binh Fianna. Ngày nay, chúng ta có thể xem câu chuyện như một cách diễn giải về quá trình các cha xứ tìm cách du nhập Thiên Chúa giáo vào Ireland, và câu chuyện mang ý nghĩa đại diện cho việc niềm tin Thiên Chúa giáo dần dần thay thế cho niềm tin ngoại giáo cổ xưa. Tuy nhiên, như thế cũng không thể phủ nhận được một thực tế: đã từng tồn tại một niềm tin vào thần tiên và thế giới siêu hình trong tâm thức của người Ireland trong quá khứ.

3.1.2. Tin vào vật tổ

Người Ireland nguyên thủy tin rằng mỗi chiến binh đều có một vật đại diện riêng cho mình, cũng là vật bảo vệ linh hồn mình. Niềm tin ấy thể hiện rõ ràng nhất trong nhân vật Cu Chulainn (truyện số 15, 16, 20).

Cu Chulainn tên thật là Sétanta. Vì vô tình giết chết chó săn của Culann, nên cậu bé Setanta phải làm thay công việc mà con chó ấy đảm nhiệm. Chính vì thế, Setanta đã đổi tên thành Cu Chulainn – cái tên mang ý nghĩa “chó săn của Culann”. Cái tên này gắn liền với chiến công đầu tiên của anh (giết chết con chó săn dũng mãnh của thợ rèn Culann), cũng là cái tên theo anh đến cuối đời. Trên hành trình của Cu Chulainn, sự xuất hiện của hình ảnh con chó cũng gắn liền với danh tiếng của anh: ban đầu là làm nên danh tiếng, cuối cùng là báo hiệu kết thúc cuộc đời của người chiến binh quả cảm. Như vậy, có thể coi cái tên của Cu Chulainn với ý nghĩa “chó săn của Culann” như một sợi dây liên kết giữa linh hồn chàng và con vật đại diện cho linh hồn ấy. Trước khi bước vào trận chiến cuối cùng, Cu Chulainn đã bị buộc phải lựa chọn ăn thịt chó – thịt của con vật được coi là đại diện tinh thần, đại diện linh hồn anh. Chính điều này làm tinh thần anh trở nên suy yếu, cuối cùng gián tiếp dẫn đến cái chết của Cu Chulainn.

Một người chiến binh cũng liên quan đến niềm tin vào vật tổ là Diarmuid. Tương truyền, trước khi đi săn, anh đã ăn thịt lợn rừng – con vật được cho là vật tổ của anh. Và vì thế, trong buổi đi săn, Diarmuid đã bị lợn rừng tấn công.

Ở cả hai câu chuyện này, ta đều thấy hình ảnh người chiến binh gắn liền với một vật tổ của anh ta, và cái kết đau thương xảy ra khi anh ta vi phạm cấm kị: ăn thịt vật tổ của mình. Từ đây, chúng tôi chấp nhận sự tồn tại của một niềm tin trong văn hóa dân gian Ireland: tin vào vật tổ, cùng với đó là tin vào sự bảo trợ của loài vật này đối với sinh mạng, cũng như tin vào kết cục chết chóc khi vi phạm cấm kị liên quan đến vật tổ.

3.1.3. Tin vào lời tiên tri

Số phận của những nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland cũng phản ánh một niềm tin cổ xưa: tin vào lời tiên tri. Trong số các truyện kể được khảo sát, chúng tôi xác định được ba lời tiên tri ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đời của mỗi nhân vật trong ba truyện kể.

Đầu tiên là lời tiên tri của druid Cathbad cho số phận của Deirdre trong The exile of the sons of Usnech: “Nàng sẽ khiến những anh hùng Ulster phải chết. Vì tình yêu của nàng mà nhiều chiến binh tử trận, các vị vua vĩ đại sẽ cầu xin ánh nhìn từ nàng…”

Tiếp theo là cũng lời tiên tri của Cathbad cho cái chết của Cu Chulainn: Bất kì chiến binh nào có được vũ khí trong ngày hôm nay sẽ nhận được danh tiếng vĩnh cửu, nhưng cuộc đời của anh ta sẽ ngắn ngủi vô cùng [50; tr.137-152].

Và cuối cùng là lời tiên tri (không rõ xuất xứ) dành cho ba cây giáo ma thuật của Lugaid – người đã giết chết Cu Chulainn: Mỗi cây giáo sẽ khiến một vị vua ngã xuống [50; tr. 333-346].

Cả ba lời tiên tri trên đều được hoàn thành trong mỗi câu chuyện về cuộc đời nhân vật. Lời tiên tri trở thành một định mệnh, dù các nhân vật có cố gắng chống lại số phận thì lời tiên tri vẫn không thay đổi.

Sự xuất hiện của lời tiên tri đi kèm với kết quả bất biến (nhân vật không thể chống lại số phận, không thể thay đổi kết quả của lời tiên tri) không chỉ cho thấy niềm tin của người Ireland cổ đại vào bản thân lời tiên tri, mà còn nhấn mạnh quyền năng của tầng lớp druid trong xã hội Ireland nguyên thủy. Theo đó, lời của druid được nhìn nhận như lời của thần thánh, và lời tiên tri thực chất là một hé lộ của định mệnh mà thần thánh gửi đến cho mỗi người. Bên cạnh đó, lời tiên tri và hành động (dù tuân thủ hay phản kháng) của mỗi nhân vật cũng cho ta biết thêm quan niệm của người xưa về số mệnh. Theo đó, số mệnh là cố định, bất biến, không thể tránh khỏi và không thể thay đổi.

3.2. Quy tắc ứng xử

3.2.1. Lòng hiếu khách

Lòng hiếu khách thể hiện ở sự thiện chí mà chủ nhà đối với khách đến với mình, dù là khách quen hay khách vãng lai. Sự thiện chí này bao gồm cách tiếp đón nồng hậu, chiêu đãi và đáp ứng nhu cầu của khách theo năng lực của bản thân người chủ. Trong nền văn hóa Celtic, lòng hiếu khách được coi trọng ở khía cạnh bảo vệ. Khi một người khách đến, anh ta không chỉ được cung cấp thức ăn, chỗ ở, mà còn được người chủ cam kết đảm bảo an toàn cho cuộc sống của anh ta trong thời gian lưu trú tại nhà.

Quy tắc về lòng hiếu khách không được phát biểu thành lời trong những truyện kể dân gian Ireland. Thay vào đó, các nhân vật thể hiện hành động của mình dựa trên việc thượng tôn lòng hiếu khách. Trong truyện The Priest’s supper, khi có linh mục đến chơi nhà, nhân vật chủ nhà đã vui vẻ vào rừng hái quả, bắt cá mang về nấu bữa tối để tiếp đón vị khách quý.  Trong saga về Cu Chulainn, khi cậu bé Sétanta giết chó giữ nhà của thợ rèn Culann, Culann đã buồn bực vì ông mất đi một chú chó canh nhà dũng mãnh, và điều này sẽ làm ảnh hưởng đến việc ông khó lòng có thể bảo vệ khách khứa trong ngôi nhà của mình. Cùng lúc đó, vua Conchobar cảm thấy tội lỗi vì đã không làm tròn phận vị của một người khách khi đến nhà Culann: ông đã mời Sétanta (sau này mang tên Cu Chulainn) đến khi chưa có sự đồng ý của chủ nhà, gián tiếp gây ra tình thế khó xử kia.

Một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất về việc tuân thủ luật của lòng hiếu khách chính là câu chuyện gắn liền với nguyên nhân cái chết của Cu Chulainn. Khi đến chơi nhà một người bạn của mình, người bạn mang ra mới Cu Chulainn một đĩa thịt chó. Với tư cách khách mời, Cu Chulainn không được từ chối món ăn mà chủ nhà đã mang ra tiếp mình, vì như thế là vi phạm vào luật của lòng hiếu khách. Thế nhưng nếu đồng ý nhận món ăn đó, Cu Chulainn lại phạm phải cấm kị ăn thịt con vật đại diện cho mình [33; tr. 85-88]. Tình thế này khiến người anh hùng phải lựa chọn, và vì lòng hiếu khách là quy tắc ứng xử được đề cao, nên Cu Chulainn đã buộc phải vi phạm cấm kị là ăn thịt con vật đại diện của anh. Lựa chọn và hành động này cho thấy, trong quan niệm của người Ireland xưa, lòng hiếu khách và sự tôn trọng khách dành cho chủ là quy tắc ứng xử thường được ưu tiên thực hiện.

3.2.2. Quy phục trước các “geis” (sự cấm đoán)

Trong xã hội Celtic cổ xưa, con người cần tuân thủ nhiều ràng buộc và cấm kị, một trong số đó là các “geis”. Theo từ điển Dictionary of Celtic Mythology của Peter Berresford Ellis, “geis” (hay “geas”) là một sự cấm đoán đặt lên một người cụ thể, và ảnh hưởng đến toàn bộ số phận của người đó. Bất kì ai vi phạm geis đều sẽ bị xã hội từ chối và bị đẩy ra ngoài cộng đồng, thậm chí họ sẽ chết trong đau đớn. Quyền lực của geis vượt lên trên quyền lực của con người, thần thánh và mọi phán quyết xuất hiện trước đó; thay vào đó, geis thiết lập một quyền lực mới dựa trên mong muốn của người kiểm soát nó [34; tr. 205]. Ở truyện kể dân gian Ireland, phụ nữ thường là người đặt các geis lên nam giới. Trong một số trường hợp, người phụ nữ thực chất lại là một nữ thần.

Khi khảo sát các văn bản truyện kể dân gian Ireland, chúng tôi tìm thấy geis trong câu chuyện về Diarmuid và Grainne. Cụ thể, tại bữa tiệc được tổ chức ở cung điện của vua Cormac, Grainne đã phải lòng chàng chiến binh Diarmuid của đội quân Fianna. Nàng ngỏ lời yêu và muốn Diarmuid đưa nàng đi trốn, nhưng Diarmuid không chấp thuận yêu cầu này. Không thể thuyết phục được chàng trai trước mặt, Grainne tuyên bố đặt một geis lên Diarmuid, yêu cầu chàng phải dẫn nàng trốn khỏi cuộc hôn nhân đã bị sắp đặt từ trước mà bản thân nàng không hề đồng ý. Trong câu chuyện này, tác giả dân gian không nhắc đến việc làm thế nào để phá bỏ sức mạnh của geis, và Diarmuid lúc này, dù không muốn, đã phải lên đường cùng Grainne, đưa nàng trốn khỏi sự truy đuổi của Finn Mac Cool.

Ở một số bản kể khác, câu chuyện Cu Chulainn không từ chối thịt chó không phải vì sợ vi phạm lòng hiếu khách, mà là vì anh đã bị đặt một geis về việc không được từ chối bất kì đồ ăn nào mà một người phụ nữ mang đến. Vì vậy, khi người phụ nữ mang ra món ăn, dù là thịt con vật đại diện của mình, Cu Chulainn vẫn phải chấp nhận.

Ở đây, chúng tôi thấy cần nhấn mạnh đến khía cạnh người đặt ra các geis (thường là phụ nữ). Do đó, theo chúng tôi, quy phục geis, thực chất là quy phục trước quyền lực của nữ thần và quyền lực của người phụ nữ trong xã hội Ireland cổ xưa.

Tiểu kết

Thông qua việc khảo sát nhân vật ở chương 1 và những motif cơ bản ở chương 2, trong chương 3 này, chúng tôi đã tiến hành phác thảo một bức tranh sơ khởi nhất về hệ thống niềm tin và quy tắc ứng xử của người Ireland trong quá khứ xa xưa. Ở hệ thống niềm tin, thông qua khảo sát 25 truyện kể dân gian Ireland, chúng tôi tập trung làm rõ niềm tin vào thần thiên và thế giới khác; niềm tin vào vật tổ và niềm tin vào lời tiên tri. Ở quy tắc ứng xử, dựa trên hành động của các nhân vật, chúng tôi đưa ra quy tắc ứng xử dựa trên lòng hiếu khách và sự quy phục trước các geis. Trên thực tế, để tìm hiểu về niềm tin và quy tắc ứng xử của một dân tộc, đặc biệt là trong văn hóa dân gian, ta cần nhiều bằng chứng hơn là những câu chuyện truyền miệng trong dân gian. Dù vậy, ở bước đầu tìm hiểu này, tiếp cận nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland vẫn là một con đường khả dĩ giúp chúng tôi lần mở cánh cửa dẫn vào thế giới văn hóa Celtic cổ xưa.

Nguyễn Hoàng Dương

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu tiếng Việt

  1. Trần Thị An (2010), Nghiên cứu văn học dân gian từ góc độ type và motif – Những khả thủ và bất cập, Khoavanhoc-ngonngu.edu.vn, http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/dao-tao/1502-nghien-cu-vn-hc-dan-gian-t-goc-type-va-motif-nhng-kh-th-va-bt-cp-.html. Ngày truy cập: 1/9/2021
  2. Chu Xuân Diên (2001), Mấy vấn đề phương pháp luận và nghiên cứu thể loại, NXB Giáo dục, TP. Hồ Chí Minh
  3. Nguyễn Tấn Đắc (1985), Văn hóa dân gian những phương pháp nghiên cứu, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội
  4. Nguyễn Tấn Đắc (2001), Truyện kể dân gian đọc bằng type và motif, NXB KHXH, Hà Nội
  5. Cao Huy Đỉnh (2004), Tuyển tập tác phẩm Cao Huy Đỉnh, NXB Lao Động, Hà Nội
  6. La Mai Thi Gia (2013), Nghiên cứu motif trên bình diện mối quan hệ giữa motif và cốt truyện, Khoavanhoc-ngonngu.edu.vn, http://www.khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=4241%3Agfdgftg&catid=97%3Avn-hoa-dan-gian&Itemid=155&lang=vi. Ngày truy cập: 3/6/2021
  7. La Mai Thi Gia (2015), Motif trong nghiên cứu truyện kể dân gian – Lí thuyết và ứng dụng, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội
  8. La Mai Thi Gia (2016), Thuyết nhị nguyên trong nghiên cứu motif truyện kể dân gian, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, Tập 19, (số X1), tr. 90-95
  9. Nguyễn Bích Hà (1998), Thạch Sanh và kiểu truyện dũng sĩ trong truyện cổ Việt Nam và Đông Nam Á, NXB Giáo dục, Hà Nội
  10. Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam (2012), Từ điển type truyện dân gian Việt Nam, NXB Lao Động, Hà Nội
  11. Nguyễn Thị Huế (2009), Nhân vật xấu xí mà tài ba trong truyện cổ tích Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội
  12. Jame George Frazer (2019), Cành vàng – Bách khoa thư về văn hóa nguyên thủy, Ngô Bình Lâm dịch, NXB Tri Thức, Hà Nội
  13. Joseph Campbell (2021), Người hùng mang ngàn gương mặt, Thiên Nga dịch, NXB Dân Trí, Hà Nội
  14. Kim KiHyun (2019), Nhân vật trong truyện kì ảo trung đại Việt Nam và Hàn Quốc dưới góc nhìn so sánh, Học viện Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội
  15. Lévy Bruhl (2018), Kinh nghiệm thần bí và biểu tượng ở người nguyên thủy, Ngô Bình Lâm dịch, NXB Hồng Đức, Hà Nội
  16. Lư Thị Thanh Lê (2016), Huyền thoại về nguồn gốc trong xã hội Việt Nam đương đại, Tạp chí Văn học dân gian, (số 3), tr. 16-22
  17. Nguyễn Thị Kim Ngân (2009), Sự dịch chuyển không gian trong truyện cổ tích thần kỳ, Tạp chí Khoa học, (số 54), tr. 93-100
  18. Nguyễn Thị Nguyệt (2019), Những motif xây dựng nhân vật nữ thần và thánh mẫu trong truyền thuyết dân gian Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo khoa học Quốc tế nghiên cứu, giảng dậy tiếng Việt và Việt Nam học, Hà Nội
  19. Nguyễn Thị Nguyệt (2000), Khảo sát và so sánh một số type truyện và motif truyện kể dân gian Việt Nam – Nhật Bản, Hà Nội
  20. Nguyễn Thị Nguyệt (2010), Kiểu truyện về Thánh Mẫu và truyền thống trọng Mẫu trong văn hóa dân gian Việt Nam, Tạp chí Văn học, (số 6), tr. 80-90
  21. I. Propp (2003), Tuyển tập V.Ia. Propp, Tập 1, Nhiều người dịch, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội
  22. I. Propp (2005), Tuyển tập V.Ia. Propp, Tập 2, Nhiều người dịch, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội
  23. Roland Barthes (2014), Những huyền thoại, Phùng Văn Tửu dịch, NXB Tri Thức, Hà Nội
  24. Lê Văn Tấn, Kim KiHyun (2017), Bàn thêm về nhân vật Từ Thức trong Truyện Từ Thức lấy vợ tiên của Nguyễn Dữ, Tạp chí Khoa học, tập 46 (số 2B), tr. 50-55
  25. Viện Nghiên cứu văn hóa (2005), Folklore thế giới: Một số công trình nghiên cứu cơ bản, Nhiều người dịch, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội
  26. Viện Nghiên cứu văn hóa (2005), Folklore: Một số thuật ngữ đương đại, Nhiều người dịch, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội

Tài liệu tiếng Anh

  1. Alexander Macbain (2018), Celtic Mythology and religion, Global Grey
  2. Antti Aarne, Stith Thompson (1987), The Types of the Folktale: A classification and bibliography, Suolalainen Tiedeakatemia Academia Scientiarum Fennica; Second Revision edition
  3. Caroline Francis Richardson (1913), The Use of Prophecy in the Irish Tales of the Heroic Cycle, Jstor.org, https://www.jstor.org/stable/27532655?seq=1. Ngày truy cập: 9/2/2021
  4. Catherine Bernard (2003), Celtic Mythology, Enslow Pub Inc
  5. Coglan Ronan (1979), A dictionary of Irish myth and legend, Donard Pub. Co
  6. Gienna Matson, Jeremy Roberts (2010), Celtic Mythology A to Z, Chelsea House Publications
  7. Róheim (1925), “Cú Chulainn and the Origin of Totemism”, Jstor.org, https://www.jstor.org/stable/2839632?read-now=1&refreqid=excelsior%3A674345935f8d7597ab13ccb76923f4e0&seq=1. Ngày truy cập: 9/2/2022
  8. Peter Berresford Ellis (1989), Dictionary of Celtic Mythology, Abc-Clio Inc
  9. John T. Koch (2006), Celtic Culture: A Historical Encyclopedia, ABC-CLIO, Inc.
  10. Kathleen Vejvoda (2004), “Too Much Knowledge of the Other World”: Women and Nineteenth-Century Irish Folktales, Jstor.org, https://www.jstor.org/stable/25058651. Ngày truy cập: 9/2/2021
  11. Lady Gregory Augusta (1999), Irish myths and legends, RP Minis
  12. Lisa Gibney (2004), The heroic biography of Cú Chulainn, Maynooth University Department of Early Irish (Sean-Ghaeilge)
  13. Marian Davis O.S.B (1994), Cu Chulainn and Women: A Jungian Perspective, tạp chí Mythlore: A Journal of J.R.R. Tolkien, C.S. Lewis, Charles Williams, and Mythopoeic Literature, 15/3/1994, pg. 23-26
  14. Mark Williams (2016), Ireland’s immortals: A history of the Gods of Irish Myth, Princeton University Press
  15. Mike Cronin (2011), Irish history for dummies, For Dummies; 2nd edition
  16. Patricia Monaghan (2008). The encyclopedia of Celtic mythology and folklore, FACTS ON FILE
  17. Paul F. State (2009), A brief history of Ireland, Checkmark Books, Illustrated edition
  18. Ray Cashman (2000) The Heroic Outlaw in Irish Folklore and Popular Literature, Folklore, 111, pg. 191-215
  19. Roxanne Bodsworth (2020), The Wooing of Choice: Prosimetric Reconstruction of the Female Journey in Irish mythology, Institute of Sustainable Industries and Liveable Cities, Victoria University
  20. Sean Ó Súilleabháin, Reidar Th. Christiansen (1967), The Types of the Irish Folktale, dúchas.ie, https://www.duchas.ie/en/aath. Ngày truy cập: 20/8/2021
  21. Stith Thompson (1960), Motif-index of Folk-Literature: A Classification of Narrative Elements in Folktales, Ballads, Myths, Fables, Mediaeval Romances, Exempla, Fabliaux, Indiana University Press; Revised edition
  22. Thomas A. Green (1997), Folklore: An encyclopedia of beliefs, customs, tales, music and art, ABC-Clio Inc
  23. Thomas Crofton Croker (2011), Fairy legends and traditions of the south of Ireland, Nabu Press
  24. Tom Peete Cross, Clark Harris Slover (1996), Ancient Irish Tales, Barnes and Noble, 4th edition
  25. Tom Peete Cross (2002), Motif-index of Early Irish Literature, Indiana University Press
  26. Vito Carrassim (2012), The Irish Fairy Tale: A Narrative Tradition from the Middle Ages to Yeats and Stephens, John Cabot University Press; Reprint edition
  27. B. Yeats (2003), Irish fairy and folk tales, Modern Library

Nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland (2): Tiên, Ma thuật, Người hùng và các Nữ anh hùng

>> Đọc bài 1: Nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland (1): Thần tộc, Tiên & những người hùng - Book Hunter 2.1. Giới thuyết Trước khi đi vào tìm hiểu các motif cơ bản về các nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland, chúng tôi thấy cần thiết phải thống nhất một định nghĩa chung về motif. Tiền đề của việc nghiên cứu motif khởi nguồn từ thế kỉ XIX với sự ra đời của phương pháp lịch sử - địa lí