Home Nhớ Nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland (2): Tiên, Ma thuật, Người hùng và các Nữ anh hùng

Nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland (2): Tiên, Ma thuật, Người hùng và các Nữ anh hùng

nhan-vat-trong-truyen-ke-dan-gian-ireland-2-nhung-motif-co-ban-va-cac-hinh-mau-anh-hung

>> Đọc bài 1: Nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland (1): Thần tộc, Tiên & những người hùng – Book Hunter

2.1. Giới thuyết

Trước khi đi vào tìm hiểu các motif cơ bản về các nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland, chúng tôi thấy cần thiết phải thống nhất một định nghĩa chung về motif.

Tiền đề của việc nghiên cứu motif khởi nguồn từ thế kỉ XIX với sự ra đời của phương pháp lịch sử – địa lí ở Phần Lan, mà tiên phong là những nhà nghiên cứu như Julius Krohn, Kaarle Krohn, Walter Anderson,… Mục tiêu ban đầu của các nhà nghiên cứu là thông qua việc tổng hợp càng nhiều càng tốt các bản kể, dựa vào sự xuất hiện của từng bản kể ở trong khoảng thời gian và khu vực khác nhau, ta có thể truy nguyên về nguồn gốc của một truyện kể dân gian nhất định. Tiếp nối thầy mình là Kaarle Krohn, đến năm 1910, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phần Lan Antti Aarne đã bắt đầu biên soạn một bảng danh mục các kiểu truyện dựa trên tổng hợp truyện kể châu Âu. Công trình của Antti Aarne được tiếp nối bởi học trò của ông là Stith Thompson, đến năm 1928, bảng chỉ dẫn The types of folktale: A classification and bibliography được xuất bản. Với bảng chỉ dẫn này, Antti- Aarne đã cung cấp một công cụ hữu ích cho các nhà nghiên cứu truyện kể dân gian. Dựa vào đâu, các nhà nghiên cứu có thể tra cứu những kiểu truyện và sự biến đổi của cốt truyện thường xuất hiện nhất trong số các truyện kể dân gian quanh khu vực Ấn – Âu.

Tuy nhiên, chính các nhà nghiên cứu theo trường phái lịch sử – địa lí Phần Lan cũng nhận ra rằng để nghiên cứu truyện kể dân gian, dừng lại ở sự biến đổi của cốt truyện, rộng hơn là kiểu truyện (type) là chưa đủ. Stith Thompson cho rằng vẫn còn một đơn vị hạt nhân làm nên cốt truyện, ảnh hưởng đến kiểu truyện, đó là motif. Theo ông, motif là “những chi tiết mà từ đó, câu chuyện đầy đủ được tạo nên” (“those details out of which full-fledged narratives are composed”) [47; tr. 597]. Nhận thấy tầm quan trọng của một đơn vị hạt nhân tạo thành câu chuyện, Stith Thompson đã nghiên cứu và công bố công trình đồ sộ gồm sáu tập là Motif-index of folk literature, nhằm cung cấp các motif xuất hiện trong truyện kể dân gian. Mặc dù vậy, cách xác định motif của Stith Thompson vẫn còn nhiều mơ hồ.

Chặng đường nghiên cứu motif tiếp tục với các nhà nghiên cứu thi pháp học lịch sử, thi pháp học cấu trúc ở Nga như A. N Veselovsky, V.I. Propp, E. M. Meletinsky. Nếu Veselovsky cho rằng motif là một đơn vị trần thuật ở cấp độ đơn giản nhất, mang trọn vẹn một ý nghĩa và có tính bất biến, thì với Propp, đơn vị hạt nhân của truyện kể lại là các “chức năng” bất biến được kết hợp với các yếu tố khả biến khác. Từ góc nhìn này, Propp đề xuất phương pháp nghiên cứu truyện kể dân gian từ góc độ hình thái học: chia truyện kể thành những bộ phận tạo nên nó là các chức năng, đồng thời ông đưa ra 31 chức năng của nhân vật trong truyện cổ. Đến A. Dundes, ông đưa ra một cách hiểu nhị nguyên về motif: motif bao gồm các yếu tố bất biến (motifem) và các yếu tố khả biến (allomotif). Trong đó, yếu tố bất biến chính là những hành động, chức năng mà nhân vật thực hiện (VD: bắt cóc, giải cứu,…); còn yếu tố khả biến bao gồm tên, vị thế xã hội, thuộc tính của nhân vật,… Nghiên cứu motif thực chất chính là nghiên cứu cả yếu tố bất biến và những yếu tố khả biến chứa đựng trong nó.

Đến đây, chúng tôi đi đến thống nhất một cách hiểu chung về motif như sau:

Motif là đơn vị hạt nhân tạo thành truyện kể. Xét về nội dung, motif phải mang một ý nghĩa, nội dung trọn vẹn. Xét về cấu tạo, motif bao gồm hai yếu tố là yếu tố bất biến và yếu tố khả biến.

Trong chương 2 này, chúng tôi tiến hành liệt kê và phân tích những motif cơ bản nhất về các nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland. Trên thực tế, số lượng nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland vô cùng đồ sộ, ở giới hạn của luận văn, chúng tôi chưa thể khảo sát được motif về toàn bộ các nhân vật. Vì vậy, chúng tôi chọn nhóm nhân vật nổi bật trong truyện kể dân gian Ireland là nhóm nhân vật tiên và nhóm nhân vật người hùng ở 25 văn bản truyện kể để khảo sát.

2.2. Nhân vật tiên: Những motif cơ bản

2.2.1. Nhóm motif về ngoại hình của tiên

Trong truyện kể dân gian Ireland, tiên thường được khắc họa ở motif về ngoại hình. Dù vậy, ngoại hình và kích thước của tiên không đồng nhất trong tất cả các câu chuyện.

Trong truyện Master and man (Chủ và tớ) được T. Crofton Croker sưu tầm, nhân vật tiên được miêu tả như một người đàn ông nhỏ xíu, ăn mặc điệu đà: “một người đàn ông nhỏ bé đội chiếc mũ theo lối cổ, buộc ren vàng, trong tay cầm chùm chìa khóa bằng bạc”.

Ở một câu chuyện khác – Far Darrig in Donegal (Far Darrig ở Donegal) – do Letitia MacLintock kể lại, tiên xuất hiện trong kích cỡ của những người bình thường: “Anh không thể chợp mắt được lâu vì bị đánh thức bởi tiếng bước chân đi đến. Thận trọng nhìn qua kẽ rơm hở, anh thấy bốn người đàn ông cao lớn bước vào nhà kho…”

Cũng một câu chuyện khác do Letitia MacLintock kể là Jamie Freel and the young lady (Jamie Freel và người đẹp), tiên có hình dáng của “đứa trẻ năm tuổi, đang nhảy múa theo điệu nhạc của sáo, trong khi những kẻ khác đang uống rượu và tiệc tùng”.

Hình dáng của tiên cũng được nhắc đến trong Teig O’Kane and the corpse (Teig O’Kane và xác chết bí ẩn): “không có người đàn ông nào trong số họ cao hơn ba feet hay ba feet rưỡi (khoảng một mét), và ai trông cũng xám xịt, già cỗi”.

Kích cỡ của tiên còn nhỏ hơn trong The Priest’s supper (Bữa tối của linh mục): “Họ ẩn mình dưới những chiếc lá xanh của cây tùng, và chiếc mũ đỏ họ đội trông như những chùm chuông trên cây”.

Những câu chuyện được lưu truyền trong dân gian của người Ireland cũng ghi nhận một hiện tượng: Không phải ai cũng có thể nhìn thấy tiên. Đối với một số người, tiên là những sinh vật chia sẻ không gian sống với họ, nhưng đối với những người khác, tiên hầu như vô hình, thậm chí không biết đến sự tồn tại của nhân vật này. Trong truyện Frank Martin and the fairies (Frank Martin và tiên), William Carleton đã kể lại câu chuyện về một người đàn ông gầy gò, xanh xao tên Frank Martin có khả năng nhìn thấy tiên. Qua miêu tả của Frank, tiên “khoác áo màu xanh lá cây, chân đi đôi giày bé xíu”. Cũng trong câu chuyện này, một số nhân vật người bình thường khác có thể nghe thấy những âm thanh mà tiên tạo ra, nhưng hoàn toàn không thể nhìn thấy họ.

Qua khảo sát các motif, có thể thấy trong các truyện kể, tiên xuất hiện với ngoại hình đa dạng, dù vậy, phần lớn là mang kích thước nhỏ bé. Sự hiện diện của tiên cũng là một vấn đề cần lưu ý. Trong số 13 truyện được khảo sát, chỉ có 1 truyện là Frank Martin and the fairies nhắc đến việc tiên có thể vô hình trong mắt người thường. Dù vậy, cả 13/13 truyện đều đi theo một mạch thống nhất: khi xuất hiện, tiên luôn được miêu tả rõ ràng về kích cỡ và vẻ ngoài. Motif miêu tả ngoại hình này có tác dụng giúp cho người đọc có được một hình dung cụ thể, rõ ràng về một sinh vật huyền bí trong cổ tích. Bên cạnh đó, việc miêu tả chi tiết về trang phục, màu sắc quần áo, giày dép của nhân vật cũng tạo nên sức hấp dẫn nhất định cho câu chuyện. Đồng thời, những màu sắc như đỏ, xanh lá cây trong trang phục của nhân vật cũng trở thành một motif trong việc nhận diện tiên. Dựa vào màu sắc trang phục, người đọc có thể phân biệt hai nhóm tiên trong văn hóa Ireland: quân đoàn tiên mặc đồ màu xanh, tiên độc hành mặc đồ màu đỏ.

2.2.2. Motif quyền năng ma thuật

Nhắc đến tiên trong văn hóa dân gian Ireland là nhắc đến những sinh vật có quyền năng ma thuật vượt bậc. Theo sưu tầm của W. B. Yeats và Lady Gregory, trong niềm tin dân gian, người Ireland tin rằng tiên thực chất là những vị thần thuộc thần tộc Tuatha De Danann, do thua trận với dân Milesia nên chọn sống ẩn mình trong những gò, đồi trên khắp lãnh thổ Ireland. Vì vậy, trừ khác biệt về kích thước (thần tộc Tuatha De Danann mang kích thước khổng lồ), sức mạnh và quyền năng của họ vẫn nguyên vẹn như xưa.

Trong các truyện kể dân gian còn lưu truyền đến ngày nay, các nhân vật tiên thường xuất hiện với những phép thuật kì ảo như: có khả năng thay đổi hình dạng, biến mọi thứ thành vàng (điều này khiến cho tiên trở nên giàu có), có thể biến mọi thứ mong muốn thành hiện thực.

Trong số 13 truyện được khảo sát, nhân vật tiên đều được xây dựng với motif quyền năng ma thuật. Yếu tố bất biến của motif này luôn luôn là sự sở hữu phép thuật kì lạ của tiên, còn yếu tố khả biến sẽ nằm ở sự thể hiện của các phép thuật đó: gắn xác chết lên người (truyện số 3), bay lượn và dịch chuyển tức thời (truyện số 6), thay đổi hình dạng (truyện số 12). Có thể nói, đây là motif chính trong xây dựng nhân vật tiên ở truyện kể dân gian Ireland: tiên không tách rời khỏi những quyền năng ma thuật mà họ sở hữu. Bên cạnh đó, cũng giống như các motif về ngoại hình, motif quyền năng ma thuật thường được sử dụng như một dấu hiệu để người đọc nhận biết về nhân vật khi tiếp cận một truyện kể. Cụ thể, dựa vào ngoại hình và quyền năng, người đọc sẽ biết được nhân vật trong truyện là thần, tiên, thánh, hay ma quỷ… từ đó điều chỉnh kì vọng của bản thân khi đọc hay nghe truyện. Ví dụ, nếu có nhân vật là tiên, cốt truyện thường xoay quanh những lời mời giải đố, những cuộc bắt cóc thiếu nữ, hoặc sự trừng phạt khi tiên giận dữ,…

2.2.3. Nhóm motif về đặc điểm tính cách của tiên

Nhóm motif về đặc điểm tính cách của tiên tương đối đồng nhất. Cụ thể, qua việc khảo sát 13 truyện có xuất hiện nhân vật tiên (bao gồm cả nhân vật chính và nhân vật phụ), tiên Ireland thường hiện lên với những đặc điểm tính cách như bảng sau:

Bảng 2.1: Motif về đặc điểm tính cách của tiên

Motif Tính cách được thể hiện Truyện kể được khảo sát
Tiên yêu âm nhạc (1) Yêu ca hát, trân trọng âm nhạc The legend of Knockgrafton; Jamie Freel and the young lady
Tiên trừng phạt/ tặng thưởng cho con người (2) Sòng phẳng, công bằng Paddy Corcoran’s Wife; The legend of Knockgrafton
Tiên nhờ con người giúp đỡ để được rửa tội/ được chôn cất trong nghĩa trang nhà thờ (3) E ngại các thánh và nhà thờ Thiên Chúa giáo Teig O’Kane and the corpse; The Priest’s supper; Far Darrig in Donegal
Tiên bắt cóc thiếu nữ về làm vợ nhưng thất bại (4) Yêu thích vẻ đẹp của các cô gái trẻ (đối với tiên mang giới tính nam) Master and Man; Jamie Freel and the young lady

Trong số bốn motif cơ bản trên, motif (1) thường là motif được dùng để khắc họa tính cách của nhân vật tiên, còn ba motif (2), (3), (4) đều có vai trò thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện (7/13 truyện).

Trong truyện The legend of Knockgrafton (Huyền thoại Knockgrafton), cốt truyện xoay quanh motif chính là sự bắt chước không thành công, song nhân vật tiên trong truyện lại được thể hiện rất rõ ở motif yêu âm nhạc và tặng thưởng/ trừng phạt con người.

Truyện kể về một người đàn ông nghèo bị dị tật, phải mang một cái bướu trên lưng. Một buổi tối nọ, ông tình cờ nghe được tiếng hát của tiên. Ông say mê, lắng nghe tiếng hát này, và khi tiên ngừng hát, ông bắt đầu với giai điệu của mình. Các tiên ở Knockgrafton bất ngờ trước âm thanh tuyệt diệu mà họ nghe được, họ thưởng cho người đàn ông tài năng bằng cách lấy cái bướu khỏi lưng anh ta. Câu chuyện người đàn ông gặp tiên và được tiên giúp đỡ lan xa, nên có một người khác đến tìm ông để được trợ giúp. Anh ta cũng có một cái bướu trên lưng, nên người đàn ông đã kể lại rõ sự tình cho chàng trai nghe. Chàng trai trẻ, đêm hôm sau, cũng đến đúng gò tiên ở Knockgrafton để nghe tiên ca hát. Tuy nhiên, do thiếu kiên nhẫn và cũng không có khả năng thẩm âm, tiếng hát của anh ta phá hủy hoàn toàn giai điệu tuyệt vời của tiên. Để trừng phạt chàng trai, tiên đã gắn lên lưng anh ta thêm cái bướu của người đàn ông nghèo mà họ mới gỡ ra lần trước. Thế là chàng trai khốn khổ phải về nhà với hai cái bướu trên lưng.

Ở khía cạnh cốt truyện, ta thấy motif chính xoay quanh sự bắt chước không thành công. Song motif thưởng phạt cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hành động của nhân vật, cũng như thể hiện rõ nét những đặc điểm về tính cách của tiên: say mê âm nhạc và thưởng, phạt công bằng.

Ngoài ra, ở nhóm motif về đặc điểm tính cách này, ta có thể tìm ra được yếu tố bất biến trong các motif luôn luôn là: sự ban thưởng/ trừng phạt (2); nhờ con người trợ giúp (3); bắt cóc và thất bại (4).

Với yếu tố khả biến, ở motif (2), tiên sẽ ban thưởng/ trừng phạt cho các đối tượng khác nhau (người đàn ông, người phụ nữ, người thợ hàn,…), hoặc mang đến những phần thưởng/ hình phạt khác nhau (cái bướu, tiền vàng,…). Ở motif (3), yếu tố khả biến thường di chuyển qua lại giữa việc tiên nhờ con người chôn cất trong nhà thờ và việc nhờ cha xứ rửa tội. Trong motif (4), yếu tố khả biến nằm ở việc tiên đi cùng với nhân vật nào (đây thường là nhân vật nam, cũng là nhân vật chính trong sự phát triển của cốt truyện), cùng với đó là những hành động gây ra sự thất bại ấy.

Các motif được liệt kê ở trên cũng cho thấy ngoại trừ motif (1) thể hiện tính chất tự thân của nhân vật, các motif (2), (3), (4) đều thể hiện đặc điểm tính cách của tiên thông qua sự tương tác qua lại với các nhân vật khác, mà chủ yếu là tương tác với con người. Ở mỗi câu chuyện, tiên lại mang một vai trò khác nhau: có lúc là nhân vật giúp đỡ, phù trợ; có lúc lại là nhân vật tạo tai họa, trừng phạt con người; nhưng cũng có lúc tiên lại ở một vị thế đặc biệt hơn: nhân vật tạo thử thách, nhưng cũng cần đến sự giúp đỡ của loài người. Phụ thuộc vào vai trò này, các quyền năng ma thuật của tiên sẽ được biểu hiện theo những cách đa dạng khác nhau.

2.3. Nhân vật người hùng: Những motif cơ bản

2.3.1. Những motif cơ bản về các nam anh hùng

Những motif cơ bản về các nam anh hùng sẽ được sắp xếp theo trục chính của cốt truyện (như đã trình bày ở chương 1), bao gồm các motif về sự ra đời kì lạ, motif về chiến công, motif du hành đến thế giới khác rồi trở về, và cuối cùng là motif về cái chết của người hùng.

2.3.1.1. Motif sự ra đời kì lạ

Motif sự ra đời kì lạ được tạo thành bởi hai thành tố: sự thụ thai thần kì và sự sinh nở thần kì. Trong thần thoại, truyền thuyết, cổ tích của các nền văn hóa khác nhau trên thế giới, chúng ta đều có thể dễ dàng tìm thấy motif sự ra đời kì lạ. Nữ thần Athena sinh ra từ đầu của Zeus, hôn phối giữa thần và người tạo ra sự ra đời của bán thần Heracles, Mẹ Đồng Trinh Maria tự sinh ra Jesus Christ, cậu bé làng Gióng sinh ra từ một lần người mẹ ướm chân lên đất, bào thai Sọ Dừa hình thành khi mẹ già uống nước từ chiếc gáo dừa… Sự ra đời của các nhân vật kì lạ ở chỗ thay vì được thụ thai từ sự kết hợp giữa người nam và người nữ thông qua hành vi giao phối, nhân vật có thể tự mình đẻ con mà không cần sự phối hợp nào (trường hợp Zeus sinh Athena), sinh con dưới sự bảo trợ của thế lực siêu nhiên (Mẹ Đồng Trinh Maria được Chúa Thánh Linh thông báo về việc mang thai Chúa Con), đứa trẻ là kết quả của sự kết hợp giữa thần và người (Heracles, Achilles,…), hoặc là sự cảm ứng khi người mẹ tiếp xúc hoặc tiếp nhận một vật nào đó vào cơ thể (Sọ Dừa, Thánh Gióng,…).

Với những khảo sát những câu chuyện về sự thụ thần kì, con người được sinh ra từ trái cây, con người sinh ra là đầu thai của người đã khuất,… V. I. Propp đã chứng minh ở mỗi biểu hiện khác nhau, motif sinh đẻ thần kì lại phản ánh một quan niệm khác nhau về văn hóa của người nguyên thủy. Nhận xét về motif sự ra đời kì lạ, cụ thể là thành tố sinh đẻ thần kì, V. I. Propp cho rằng motif phản ánh thời kì chế độ mẫu hệ duy trì và kiểm soát trật tự xã hội. Việc người mẹ có thể tự mình thụ thai và sinh con phần nào cho thấy vị thế của phụ nữ trong xã hội nguyên thủy, vì thế, với những trường hợp đàn ông có thể sinh con, ông cho rằng đó là sự phản ứng/ biểu hiện/ manh nha của chế độ phụ quyền [22; tr. 655-726].

Trong truyện kể dân gian Ireland với trung tâm là người anh hùng Cu Chulainn, như đã liệt kê ở chương 1, chúng ta có ít nhất hai phiên bản khác nhau về sự ra đời kì lạ của Cu Chulainn. (xem lại mục 1.4.1.1 của chương 1)

Trong phiên bản thứ nhất, Cu Chulainn được sinh ra ba lần. Lần thứ nhất, cậu bé là con của cha mẹ tiên, được một người phàm trần là Deichtine (người phụ nữ xuất thân thường dân) đỡ đẻ và nuôi dưỡng, nhưng lại nhanh chóng ốm yếu và qua đời. Lần thứ hai, Cu Chulainn ra đời khi Dechtine uống một cốc nước có con ruồi ở trong, và thần Lugh hiện ra thông báo rằng Dechtine đã mang thai con của ông. Ở lần thứ hai này, Cu Chulainn hoài thai là sự kết hợp giữa người cha thần thánh và người mẹ phàm trần. Đến lần thứ ba, khi Deichtine và Sualtam cưới nhau, họ sinh ra người con trai là Cu Chulainn. Lần này, Cu Chulainn là người con được hai người phàm sinh ra, nuôi nấng và trưởng thành.

Phiên bản này tạo thành motif được sinh ra ba lần mà Tom Peete Cross đã phân loại trong Motif-index of Early Irish Literature. Ở đây, ta nhận ra xuất thân của Cu Chulainn có sự biến chuyển sau ba lần sinh ra: từ việc là đứa trẻ thần thánh, đến bán thần, và cuối cùng là ra đời như bao đứa trẻ bình thường khác. Sự biến chuyển này có xu hướng khẳng định nguồn gốc loài người của Cu Chulainn (những người dân Ulster không tin vào sự thụ thai kì lạ của Dechtine và thần Lugh, dẫn đến việc Dechtine tự quyết định làm hỏng thai), và đưa Cu Chulainn từ một anh hùng trong thần thoại đến gần hơn với đời sống con người. Mặc dù vậy, xét tổng thể, motif được sinh ra ba lần vẫn khẳng định điều đặc biệt trong xuất thân của Cu Chulainn, từ đó báo hiệu cho những hành trạng tiếp theo của người hùng.

Trong phiên bản thứ hai, tác giả dân gian trực tiếp khẳng định Dechtine là vợ của Lugh và Cu Chulainn là con trai của Dechtine (em gái vua Conchobar) với vị thần Lugh này.

Phiên bản này khẳng định trực tiếp và rõ ràng hơn về thân thế của Cu Chulainn, theo đó, anh là một bán thần (con trai của Lugh) mang dòng dõi quý tộc (mẹ là em gái vua). Vì khẳng định xuất thân bán thần, nên phiên bản này cũng phần nào giải thích nguồn gốc sức mạnh hơn người của Cu Chulainn.

Nhìn chung, dù lưu truyền nhiều phiên bản về sự ra đời của người hùng Cu Chulainn, song chúng ta có thể nhận thấy ngay lập tức yếu tố bất biến, cái cốt lõi ở đây là sự kết hợp giữa thần và người cho ra đời một người hùng. Các yếu tố khả biến khác sẽ là:

  • Cách kết hợp gián tiếp thông qua cốc nước có con ruồi, trực tiếp thông qua lời khẳng định Dechtine là vợ của thần.
  • Thân thế của Dechtine.
  • Số lần ra đời của Cu Chulainn.

Một người hùng khác cũng được truyền tụng trong dân gian với motif sự ra đời kì lạ là Oisin – con trai của Finn Mac Cool (xem lại mục 1.4.1.3 của chương 1). Oisin được sinh ra từ người mẹ thuộc thần tộc Tuatha De Danann, bị phù phép thành hình hài một con nai, và người cha phàm trần Finn Mac Cool – thủ lĩnh vĩ đại của đội quân Fianna. Trong câu chuyện về Oisin, sự thụ thai thần kì thể hiện ở hôn phối giữa thần và người, còn sự sinh nở thần kì thể hiện ở việc Oisin được sinh ra trong hình hài của một con nai. Anh sống trong rừng cho đến khi Finn tìm thấy và đưa anh về nhà.

Ở đây, chúng ta thấy được hai mối liên kết: con người – thần thánh và con người – loài vật. Điều này cho thấy sự gắn kết, bình đẳng giữa con người đối với thiên nhiên nói chung và loài vật nói riêng. Bên cạnh đó, xét ở khía cạnh xây dựng nhân vật, có thể coi Oisin là một người hùng đặc biệt trong truyện kể dân gian Ireland: anh vừa có nguồn gốc thần thánh (thần), vừa mang trong mình dòng máu chiến binh (người), lại vừa có mối quan hệ chặt chẽ với rừng và vùng đất của mình (loài vật). Trong văn hóa Celtic, nai cũng là dấu hiệu cho sự xuất hiện của tiên, đồng thời cũng là dấu hiệu cho biết một ai đó có thể đi vào thế giới thần tiên và truyền đạt lại cho con người về thế giới ấy. Như vậy, ngay từ sự ra đời kì lạ của Oisin, ta đã thấy báo hiệu một mối liên kết giữa nhân vật này với thế giới khác, và Oisin – với tư cách con người – sẽ là nhân vật kết nối các thế giới với nhau.

Qua việc khảo sát motif sự ra đời kì lạ ở hai nhân vật Cu Chulainn và Oisin trong truyện kể dân gian Ireland, chúng tôi rút ra một số kết luận như sau:

  • Những nhân vật nam anh hùng nổi bật trong saga dân gian Ireland thường là kết quả của cuộc giao phối giữa thế lực siêu nhiên và người thường.
  • Nguồn gốc siêu nhiên là một phần tạo nên sức mạnh của người hùng, đồng thời báo hiệu cuộc đời phi thường mà người hùng sẽ trải qua.
  • Motif sự ra đời kì lạ cũng tạo ra sức hấp dẫn cho truyện kể.

2.3.1.2. Motif chiến công phi thường của người hùng

Các saga dân gian về những nhân vật như Cu Chulainn, Finn Mac Cool và Oisin luôn luôn kể lại kĩ lưỡng những chiến công của người anh hùng. Những chiến công thường được kể lại theo thứ tự thời gian, từ khi nhân vật còn niên thiếu cho đến lúc trưởng thành. Ở đây, chúng tôi sẽ chỉ nêu ra những đặc điểm nổi bật nhất khi khảo sát motif này.

Trước hết, chúng ta cần thống nhất rằng nam anh hùng trong truyện kể dân gian Ireland, cụ thể là Cu Chulainn, Finn, Oisin đều là các bán thần, hoặc được thần tiên nuôi dạy (Finn Mac Cool). Như vậy, xét về nguồn gốc, những anh hùng Ireland có tương đồng với những anh hùng Hi Lạp như Heracles, Achilles, Odysseus… Xuất phát từ sự tương đồng về nguồn gốc đó, chúng tôi tìm ra được một điểm khác biệt trong motif chiến công phi thường của những nam anh hùng Ireland. Trong saga dân gian Ireland, chúng tôi chưa tìm thấy những bản kể xoay quanh việc anh hùng đánh bại quái vật – vốn là một chiến công rất quen thuộc đối với các anh hùng trong thần thoại trên thế giới. Thay vào đó, các nhân vật nam anh hùng Ireland thường được khắc họa với những chiến công liên quan đến trận chiến chống xâm lược, bảo vệ cộng đồng và theo đuổi phụ nữ.

Cụ thể, chúng ta có thể xét đến cuộc chiến chống lại đội quân xâm lược Medb của Cu Chulainn, cuộc chiến bảo vệ nhân dân Tara của Finn Mac Cool, và cuộc theo đuổi người yêu của cả ba người hùng Cu Chulainn, Finn và Oisin.

Hành trình của nhân vật thường tuân theo mạch phát triển chung của các motif sau:

Đối với thử thách là mối nguy ngoại xâm, lời kêu gọi sẽ là tìm kiếm/ khuyến khích những chiến binh mạnh mẽ nhất ra trận, nhân vật anh hùng sẽ hưởng ứng lời kêu gọi này và lập công trên chiến trường, cuối cùng anh cũng sẽ là người đánh đuổi được kẻ thù. Chiến thắng của người hùng sẽ đem đến cho anh sự công nhận của cộng đồng về mặt vật chất (Finn được trao quyền lãnh đạo đội quân Fianna) hoặc tinh thần (Cu Chulainn được tôn vinh với danh xưng “nhà vô địch”).

Riêng trong trận chiến với quân Connacht của nữ hoàng Medb, các chiến công mà Cu Chulainn đã thực hiện là:

  • Tấn công quân của Medb
  • Bốn lần đánh bại nữ thần chiến tranh Morrigan (ở bốn hình dạng hóa thân khác nhau của nữ thần)
  • Đánh bại đội quân của Medb
  • Đánh bại Fergus
  • Đồng ý để Medb rút lui và không xâm phạm vào lãnh thổ Ulster nữa

Trong trận chiến, Cu Chulainn đánh bại cả con người và thế lực siêu nhiên. Chiến thắng này vừa khẳng định, vừa nhấn mạnh sức mạnh thể chất và quyền uy tinh thần của người hùng.

Đối với thử thách là bảo vệ cộng đồng khỏi thế lực siêu nhiên, chiến công tương ứng sẽ là người hùng dùng trí tuệ và sức lực của mình để chống lại kẻ thù. Trong trận chiến với Aillen, Finn đã tự cứu mình khỏi phép thuật của thần bằng cách tự đâm giáo vào người, dùng cơn đau có thật của cơ thể để tỉnh táo trước làn nhạc mơ hồ ru ngủ của tiên. Sau đó, anh đã phóng ngọn giáo và giết chết Aillen. Chiến công này thể hiện không chỉ khả năng vượt trội về thể chất, mà còn nhấn mạnh vào trí tuệ của người hùng. Để giành chiến thắng, người hùng không phải chỉ là người có sức khỏe phi phàm, mà còn phải sở hữu sự thông thái mà người thường không thể bì kịp.

Đối với cuộc theo đuổi phụ nữ, người hùng cần vượt qua các thử thách để có thể ở bên người mà anh ta yêu. Với mỗi thử thách được vượt qua, người hùng lại ghi dấu bằng một chiến công oanh liệt. Cuối cùng, có thể xem việc được ở bên người phụ nữ anh ta yêu chính là phần thưởng dành cho người hùng. Hành động theo đuổi phụ nữ này vừa là một motif về chiến công của người hùng, nhưng tự thân nó cũng có thể xem một kiểu truyện riêng biệt, độc lập về những cuộc theo đuổi để giành được hạnh phúc (VD: Cuộc theo đuổi của Cu Chulainn và Emer, cuộc theo đuổi của Midir và Etain,…).

Như vậy, cuộc đời những nam anh hùng Ireland không tách rời khỏi những chiến công, cũng tức là, motif chiến công phi thường là motif quan trọng trong việc khắc họa nhân vật anh hùng. Bằng cách chinh phục những trận chiến từ dễ đến khó, người hùng bộc lộ toàn bộ khả năng thể chất – tinh thần – trí tuệ của mình. Nói cách khác, thực chất, những trận chiến được tạo ra như những mốc thử thách để người hùng rèn luyện, thúc đẩy người hùng điều chỉnh hành vi và đi đến cùng tận sức mạnh của anh ta. Để rồi khi giành được chiến thắng cuối cùng, anh ta nhận được sự công nhận và tôn vinh từ cộng đồng. Những người hùng trong truyện kể dân gian Ireland được truyền tụng và tôn vinh không phải vì những lí do cao cả, vĩ đại như lòng yêu nước, tinh thần bảo vệ cộng đồng, mà là vì anh ta đã tuân thủ những quy ước ứng xử được cộng đồng kì vọng: không từ chối lời mời của phụ nữ, dũng cảm hưởng ứng lời kêu gọi, can đảm đối mặt với trận chiến của mình mà lòng không mảy may khuất phục, chiến đấu với cả sức mạnh và trí tuệ, sẵn sàng tha thứ cho đối thủ khi đối thủ quy hàng.

2.3.1.3. Motif du hành đến thế giới khác và trở về

Ireland trong truyện kể dân gian là xứ sở nơi thần tiên sinh sống. Họ ẩn mình trên các gò đồi, dưới lòng đất, hoặc ở một không gian vô định ngoài biển khơi. Vì vậy, truyện kể dân gian lưu truyền những câu chuyện về những người hùng du hành đến thế giới khác rồi trở về, nổi tiếng trong số đó là câu chuyện đến Tir na nÓg của Oisin.

Trong câu chuyện Oisin đến Tir na nÓg, motif du hành đến thế giới khác và trở về đóng vai trò là motif xuyên suốt, chi phối đến hành động của tất cả các nhân vật trong truyện. Motif được chia làm hai thành tố bất biến:

  • Người đàn ông nhận được lời kêu gọi đến thế giới khác, anh đồng ý cuộc phiêu lưu. (Du hành)
  • Người hùng trở về nhà và nhanh chóng già nua, anh không còn quay lại thế giới khác được nữa. (Trở về)

Ở thành tố Du hành, phần khả biến nằm ở nhân vật đưa ra lời kêu gọi (các nàng tiên khác nhau), nhân vật chấp nhận lời kêu gọi (Oisin, Conla,…), trải nghiệm của nhân vật ở thế giới khác, cách người đàn ông trở nên già đi.

Motif du hành đến thế giới khác và trở về xuất hiện trong câu chuyện về Oisin – chiến binh Fianna cuối cùng còn sống. Anh đã đi từ không gian hiện thực vào không gian thần thoại, để rồi một lần nữa quay trở về hiện thực và thấm thía trải nghiệm mà chuyến đi mang lại: độ chênh về thời gian ở xứ tiên và xứ người; độ chênh về kích thước của con người thời Fenian và con người thế hệ sau; mức độ xa lạ về cả không gian, thời gian, con người, niềm tin, thói quen,… mà Oisin phải đối mặt khi quay về.

Trong câu chuyện về Oisin, các truyện kể dân gian không đi vào miêu tả chi tiết về vùng đất Tir na nÓg, thay vào đó lại tập trung vào câu chuyện khi trở về của chàng. Việc mọi người đã không ai còn nhớ về các chiến binh Fianna, Oisin già đi và đến gặp Patrick để kể lại câu chuyện về cha mình và Fianna cho thấy motif du hành và trở về tạo nên một bản lề, trong đó, Oisin là sợi dây kết nối giữa những vị thần ngoại giáo trong quá khứ (Finn và các chiến binh Fianna) với những vị thánh Thiên Chúa giáo trong thời điểm Thiên Chúa giáo du nhập vào Ireland. Lúc này, câu chuyện của Oisin là câu chuyện về sự chuyển giao trọng trách: những vị anh hùng ngoại giáo giao nhiệm vụ giữ gìn và bảo vệ vùng đất Ireland lại cho những vị thánh và cha xứ Thiên Chúa giáo.

2.3.1.4. Motif cái chết và sự bất tử của người hùng

Kết cục của những người hùng trong truyện kể dân gian Ireland luôn hùng tráng và bi thảm. Họ thường chết trên chiến trường, hoặc trong một trận chiến nơi rừng sâu, và bị cắt đầu (truyện số 20). Người Celtic tin rằng đầu là nơi kết tinh của ý chí, tinh thần của mỗi người, nên cắt đầu thực chất chính là chặt đi ý chí chiến đấu, cắt đứt tinh thần của người chiến binh. Vì thế, chiến lợi phẩm giá trị nhất sau mỗi chiến thắng của chiến binh Celtic không phải của cải vật chất mà chính là đầu của đối thủ. Những người hùng trong truyện kể dân gian Ireland cũng không đi ra ngoài quy luật này.

Tuy nhiên, trước khi đi đến kết cục cuối cùng là bị cắt đầu, motif cái chết của người hùng trong truyện kể dân gian thường được cụ thể hóa thành các trường hợp sau:

  • Chết do vi phạm cấm kị (1)
  • Chết vì vết thương mà kẻ thù gây ra (2)
  • Chết vì bị vật tổ tấn công (3)

Trong đó, biểu hiện (1), (2) đều xuất hiện trong cái chết của người hùng Cu Chulainn. Cụ thể, trước khi bước vào trận chiến cuối cùng, Cu Chulainn đã ăn thịt chó – con vật được coi là vật tổ, vừa là cái tên, vừa đại diện cho tinh thần của Cu Chulainn. Hành động ăn thịt chó của Cu Chulainn là hành động vi phạm cấm kị (ăn thịt vật tổ của mình), và khiến cho tinh thần của anh yếu đi. Trong trận chiến với Lugaid, Cu Chulainn chết vì vết thương mà Lugaid phóng vào anh.

Biểu hiện thứ (3) xuất hiện trong câu chuyện Cuộc truy đuổi Diarmuid và Grainne. Trong đó, Diarmuid là một trong những chiến binh Fiaana dũng mãnh và tinh nhuệ nhất. Trong một cuộc đi săn cùng Finn, Diarmuid đã bị một con lợn rừng húc vào người và nhanh chóng từ giã cõi đời sau đó. Bản kể được Tom Peete Cross sưu tầm có đề cập đến nguyên nhân cái chết nhanh chóng của Diarmuid. Theo đó, con vật đại diện cho Diarmuid là lợn rừng, song cũng như Cu Chulainn, trước khi đi săn, Diarmuid cũng được mời ăn thịt lợn rừng. Đối với người Celtic, tôn trọng luật hiếu khách là một nguyên tắc thường được đề cao, nên Diarmuid đã bị đẩy vào tình thế phải ăn thịt chính con vật đại diện cho mình. Điều này báo trước cho cái chết của Diarmuid: anh sẽ bị chính lợn rừng tấn công và chết trong rừng.

Dù vậy, không phải lúc nào những người hùng của Ireland cũng chết theo những motif đã nêu ở trên. Trong câu chuyện về Finn Mac Cool, ta bắt gặp motif về sự bất tử của người hùng.

Khi khảo sát các câu chuyện xoay quanh cuộc đời của Finn, chúng tôi nhận ra cái chết của Finn lúc nào cũng được tác giả dân gian bỏ ngỏ. Trong Irish myths and legends mà Lady Gregory sưu tầm được, kết cục của Finn được chép lại như sau:

“Có một số người nói anh chết trong tay một người đánh cá, nhưng khả năng là điều đó không đúng, vì đó sẽ không phải là cái chết của một người vĩ đại như Finn, con trai của Cumhall. Một số người khác nói rằng Finn chưa bao giờ chết, anh vẫn sống ở một nơi nào đó.

Một lần nọ, có người thợ rèn nhìn thấy một hang động có cửa đóng kín. Anh đã làm một chiếc chìa khóa để mở cửa hang. Và khi đi vào trong, người thợ nhìn thấy một hầm mộ rộng lớn. Ở đó, những người đàn ông khổng lồ đang nằm trên sàn, và người to lớn nhất nằm ở giữa, bên cạnh là chiếc tù và Dord Fiann. Và người thợ rèn biết được rằng những người ấy chính là Finn cùng đội quân Fianna của anh ta.

(…)

Một số người nói rằng sẽ đến ngày mà tiếng tù và Dord Fiann vang lên ba lần, và đó là lúc Finn và đội quân Fianna trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.” [37, tr. 402-404].

Trong bản kể này, chúng ta thấy xuất hiện motif người hùng yên nghỉ trong núi và motif người hùng trở về hiệu triệu chiến binh khi đất nước lâm nguy. Motif sự bất tử thể hiện niềm tin của dân gian vào sức sống mãnh liệt của người hùng, đồng thời cho chúng ta thấy được vị thế, tầm quan trọng của người anh hùng Finn trong văn hóa và tâm thức dân gian.

Sau khi thống kê và phân tích những motif cơ bản về nam anh hùng trong phạm vi truyện kể dân gian, khảo sát qua ba nhân vật anh hùng nổi bật nhất Ireland là Cu Chulainn (anh hùng trung tâm của các truyện kể trong chu kì Ulster), Finn Mac Cool và Oisin (anh hùng trung tâm của các truyện kể trong chu kì Fenian), dựa vào sự xuất hiện và mức độ tập trung của các motif, chúng tôi đi đến khái quát ba nhân vật thành ba hình mẫu anh hùng khác nhau trong truyện kể dân gian Ireland, cụ thể như sau:

Bảng 2.2: Ba hình mẫu anh hùng trong truyện kể dân gian Ireland

  Cu Chulainn Finn Mac Cool Oisin
Motif nổi bật – Sự ra đời kì lạ

– Chiến công phi thường xoay quanh việc thể hiện sức mạnh trong trận chiến

– Chết như một chiến binh quả cảm

– Chiến công phi thường xoay quanh trận chiến bảo vệ người dân khỏi sự đe dọa của thế lực siêu nhiên

– Bất tử

– Sự ra đời kì lạ

– Chuyến du hành đến thế giới khác và trở về, kể lại câu chuyện cho thế hệ sau

Hình mẫu anh hùng Sức mạnh thể chất và lòng can đảm Trí tuệ và
trách nhiệm bảo vệ
Tinh thần phiêu lưu và sự chuyển giao

Những hình mẫu này có lúc thể hiện ở từng nhân vật riêng lẻ, nhưng cũng có lúc hòa trộn với nhau như trường hợp nhân vật Diarmuid (chiến binh trong đội quân Fianna, làm việc dưới sự lãnh đạo của Finn Mac Cool). Ở Diarmuid, chúng ta vừa tìm thấy những motif thể hiện sức mạnh thể chất và lòng can đảm, vừa có được những motif cho thấy trí tuệ vượt bậc của người hùng. Trong phạm vi luận văn, chúng tôi nhận thấy cần có sự minh định, tách bạch các hình mẫu riêng lẻ trước khi nghiên cứu những hình mẫu anh hùng kết hợp. Vì vậy, Diarmuid không nằm trong phạm vi khảo sát, mà chỉ được đề cập đến như một hiện tượng mà chúng tôi sẽ tìm hiểu sâu hơn trong các nghiên cứu sau.

2.3.2. Những motif cơ bản về các nữ anh hùng

Trong mục này, chúng tôi tập trung khảo sát những motif khắc họa hai nhân vật nữ là Deirdre trong The exile of the sons of Usnech (Nỗi buồn của những người con của Usnech) và Grainne trong The Pursuit of Diarmuid and Grainne (Cuộc truy tìm Diarmuid và Grainne).

Theo bảng phân loại A-T, các motif khắc họa nhân vật nữ chính được xếp vào nhóm nhân vật Người hùng không báo trước (Unpromising hero – Heroine). Sự “không báo trước” thể hiện ở việc các nhân vật này có xuất thân bình thường, được sinh ra theo cách bình thường, không có sự xuất hiện của motif sự ra đời kì lạ để báo trước một cuộc đời phi thường sau đó.

Mặc dù đã có sự nhìn nhận về nhân vật nữ với tư cách người hùng, song bảng chỉ dẫn A-T, sau đó là bảng Motif-index of early Irish Literature của Tom Peete Cross mới chỉ dừng lại ở liệt kê các motif xoay quanh kiểu nhân vật này, mà chưa sắp xếp, phân loại được những motif cụ thể vào từng nhóm theo từng giai đoạn phát triển của nhân vật (VD: nhân vật nam anh hùng, mỗi giai đoạn như sự ra đời, thời niên thiếu, khi trưởng thành,… đều có những motif riêng). Vì vậy, khi tìm hiểu về nhân vật nữ anh hùng, chúng tôi nhận thấy cần thiết lập một khung phát triển chung cho kiểu nhân vật này. Dựa trên kết quả nghiên cứu The Wooing of Choice: Prosimetric Reconstruction of the Female Journey in Irish mythology vào năm 2020 của nhà nghiên cứu Roxanne Bodsworth, chúng tôi sử dụng khung phát triển nhân vật (còn gọi là “hành trình của nữ anh hùng”) như sau để từ đó khảo sát các motif về nhân vật nữ anh hùng trong truyện kể dân gian Ireland:

(1) Cuộc sống khác thường

(2) Bất tuân

(3) Yêu người mình chọn

(4) Vào trong hoang dã

(5) Cuộc đời hạnh phúc

(6) Trở về (mất người yêu)

(7) Hành trình xa hơn (sống theo những lựa chọn của riêng mình)

Từ đây, chúng tôi tiến hành khảo sát những motif cơ bản nhất về nhân vật nữ anh hùng, đồng thời xếp từng motif vào những giai đoạn mà chúng xuất hiện với vai trò chủ đạo.

2.3.2.1. Motif nuôi dưỡng biệt lập

Motif này thường xuất hiện ở ngay Giai đoạn 1: Cuộc sống khác thường. Deirdre được nuôi dưỡng biệt lập ở một căn nhà trong rừng sâu, nhằm mục đích không ai có thể gặp được cô. Grainne là công chúa sống trong lâu đài của vua Cormac mac Airt, cô không ra ngoài bao giờ. Mở rộng ra với câu chuyện về Niamh và Oisin, Niamh cũng là một nhân vật nữ được nuôi dưỡng biệt lập ở xứ Tir na nÓg trong sự quản thúc của người cha là Manannán Mac Lir.

Yếu tố bất biến của motif này chính là việc người phụ nữ không được tiếp xúc với bất kì ai; dù họ có là công chúa hay là con gái của người kể chuyện, dù họ sống trong căn nhà nơi cuối rừng sâu hay trong lâu đài nguy nga tráng lệ.

Giống như vai trò của motif sự ra đời kì lạ đối với cuộc đời vẻ vang của nam anh hùng, motif nuôi dưỡng biệt lập cũng báo hiệu cho một hành trình đầy rẫy những lựa chọn và sự bất tuân của nữ anh hùng, khi nàng sẽ tìm cách trốn khỏi không gian quen thuộc nhưng tù túng này.

2.3.2.2. Nhóm motif về sự bất tuân

Các sự kiện diễn ra ở Giai đoạn 2: Bất tuân thể hiện những bất tuân đầu tiên trong tư tưởng, tình cảm của nữ anh hùng.

Theo truyện kể, Deirdre được vua Conchobar nuôi nấng từ khi mới ra đời, với mục tiêu chờ nàng lớn sẽ cưới nàng làm vợ. Đó là số phận đã được định đoạt của Deirdre, cũng là một trong những lí do khiến nàng bị nuôi dưỡng biệt lập trong rừng. Thế nhưng khi lớn lên, Deirdre đã đưa ra tiêu chuẩn lựa chọn người yêu của riêng mình: cô sẽ yêu một người đàn ông có làn da trắng như tuyết, tóc đen như màu lông quạ, và má đỏ như máu. Thế rồi Deirdre gặp Naoise, chàng trai sở hữu đầy đủ tiêu chuẩn mà cô đặt ra.

Đối với Grainne, cha cô hứa hôn cô với Finn Mac Cool – một người hùng nổi danh toàn lãnh thổ. Tuy nhiên, trong bữa tiệc ngày gặp mặt, Grainne lại phải lòng Diarmuid – một chiến binh Fianna tinh nhuệ, và cô quyết định ép Diarmuid bỏ trốn cùng mình.

Hành động của Deirdre và Grainne thể hiện sự bất tuân đầu tiên của nữ anh hùng, khi nàng không chấp nhận nghe theo những gì đã được định đoạt từ trước. Ở đây, ta thấy xuất hiện ba motif: motif một người có má đỏ như máu, da trắng như tuyết, tóc đen như quạ (1); motif yêu một người có đủ tiêu chuẩn mà mình đặt ra (2) và motif người phụ nữ trẻ phải lòng chàng trai trẻ trong khi đã có hôn ước với một người đàn ông lớn tuổi hơn (3). Ba motif này không trực tiếp khắc họa nhân vật mà đóng vai trò thúc đẩy, thể hiện ước muốn của nhân vật đối nghịch với thực tại phũ phàng.

Bên cạnh đó, trên thực tế, ở bảng A-T và bảng Motif-index of early Irish Literature, motif (1) và (2) hướng đến đối tượng là nữ (ước muốn người vợ có má đỏ như máu, da trắng như tuyết, tóc đen như quạ; yêu người phụ nữ có đủ tiêu chuẩn mà mình đặt ra), song trong câu chuyện về Deirdre và Grainne đã có sự đảo ngược motif về mặt giới tính, từ đó cho thấy yếu tố bất biến không còn cố định ở nhân vật nam hay nữ nữa, mà dịch chuyển sang những tiêu chuẩn về ngoại hình và lựa chọn hành động của nhân vật.

Motif về sự bất tuân cũng thể hiện trong Giai đoạn 3: Yêu người mình chọn. Motif nổi bật nhất của giai đoạn này trong hành trình của nữ anh hùng là motif bỏ trốn vì tình yêu.

Sau khi xác định được đối tượng của tình yêu (Naoise hoặc Diarmuird), nhân vật nữ thúc giục người tình đưa nàng đi trốn. Ở đây, nhân vật nữ chủ động luôn luôn là yếu tố bất biến, còn việc nàng chủ động như thế nào, người đàn ông phản ứng ra sao trước khi đồng ý đi trốn cùng nàng sẽ nằm ở những thành phần khả biến.

Thực tế, Giai đoạn 3: Yêu người mình chọn là sự nối dài của Giai đoạn 2: Bất tuân, trong đó nhân vật nữ bắt đầu đưa ra những lựa chọn cụ thể và hành động theo những gì đã chọn. Không những vậy, nàng còn khuyến khích, thúc giục, thậm chí là ép buộc đối phương phải làm theo sự lựa chọn của nàng.

Tác dụng của motif này đối với sự thể hiện nhân vật là đánh dấu sự thể hiện thành hành động, sự hiện thực hóa lí tưởng của nhân vật nữ. Nếu ở giai đoạn 2, các nhân vật nữ bất tuân trong tư tưởng, tình cảm, thì ở giai đoạn 3, họ thể hiện ra thành hành động rõ ràng: chạy trốn cùng với người yêu.

2.3.2.3. Nhóm motif về tình yêu bi thảm của nữ anh hùng

Nếu ở các nhân vật nam anh hùng, tác giả dân gian tập trung vào những chiến công oanh liệt, lòng dũng cảm, sự thông thái và tinh thần phiêu lưu của người hùng, thì trong câu chuyện về nữ anh hùng, những nhân vật “người hùng không báo trước” này lại được khắc họa trong mối tình bi thảm mà kết cục luôn luôn là cái chết của cả nàng và người nàng yêu. Ở đây, chúng tôi khảo sát ba motif chính tạo nên tình yêu bi thảm của nữ anh hùng là:

  • Motif tình yêu tay ba và hướng giải quyết (truyện số 19, 22)
  • Motif cái chết của người tình (truyện số 19, 22)
  • Motif tự tử vì tình yêu (truyện số 19)

Cuộc đời của các nữ anh hùng trong truyện kể dân gian Ireland như Deirdre, Grainne, Etain,… thường xoay quanh motif chính là tình yêu tay ba và hướng giải quyết. Những yếu tố bất biến và khả biến trong motif này được cụ thể hóa ở bảng sau:

Bảng 2.3: Motif tình yêu tay ba và hướng giải quyết

Yếu tố bất biến Yếu tố khả biến
Trung tâm của tình yêu tay ba là nhân vật nữ Deirdre – con gái người kể chuyện

Grainne – công chúa

Nhân vật nam (1) sẽ kết hôn với nhân vật nữ là người có vị trí thủ lĩnh Conchobar – Vua của Ulster

Finn Mac Cool – Thủ lĩnh đội quân Fianna

Nhân vật nam (2), đối tượng tình yêu của nhân vật nữ, là chiến binh dưới quyền nhân vật nam (1) Naoise – chiến binh thuộc triều đình của vua Conchobar

Diarmuid – chiến binh Fianna

Cuộc chạy trốn của nhân vật nữ và nhân vật nam (2) Chặng đường mà các nhân vật trải qua;

Những sự việc diễn ra trên đường chạy trốn;

Những người mà họ gặp gỡ trên đường;

Những nhân vật phù trợ họ;

Thái độ, cách ứng xử của các nhân vật trong khi chạy trốn.

Hướng giải quyết Conchobar lừa Naoise và Deirdre rằng sẽ đồng ý mối tình của họ, nhưng thực chất là đưa Naoise vào bẫy.

Finn đồng ý hòa giải và chấp nhận để Diarmuid và Grainne sống bên nhau.

Tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp tục phân tích motif cái chết của người tìnhmotif tự tử vì tình yêu:

Bảng 2.4: Motif cái chết của người tình

Yếu tố bất biến Yếu tố khả biến
Cái chết của nhân vật nam (2) có liên quan đến hành động của nhân vật nam (1) Naoise bị Éogan – lính của Conchobar chém đầu.

Diarmuid bị lợn rừng húc, Finn chứng kiến nhưng không cứu chàng.

Bảng 2.5: Motif tự tử vì tình yêu

Yếu tố bất biến Yếu tố khả biến
 

Cái chết của nhân vật nữ

Deirdre tự tử bằng cách đập đầu vào tảng đá.

Deirdre tự tử bằng cách nhảy khỏi xe ngựa, đập đầu vào đá.

Nhìn chung, ba motif tình yêu tay ba và hướng giải quyết – cái chết của người tình – tự tử vì tình yêu tiếp nối nhau theo thứ tự sẽ tạo thành câu chuyện hoàn chỉnh về tình yêu bi thảm của nữ anh hùng, mà ở đó, nhân vật nữ anh hùng vừa là trung tâm của mâu thuẫn, vừa là nhân vật thúc đẩy hành động của các nhân vật khác, vừa phải chứng kiến cái chết của người yêu, và cuối cùng là tự chọn kết cục/ gỡ nút thắt cho riêng mình.

Như vậy, nhân vật nữ anh hùng trong truyện kể dân gian được tạo thành từ những motif cơ bản như: motif nuôi dưỡng biệt lập, nhóm motif về sự bất tuân và nhóm motif về chuyện tình bi thảm của nàng. Kết cục của các nữ anh hùng trong truyền thống truyền miệng của người Ireland luôn luôn là cái kết bi thương: chứng kiến cái chết của người yêu, tìm cách báo thù rồi sau đó đưa ra lựa chọn, hoặc là nàng sẽ tự tử theo người tình (Deirdre), hoặc sẽ lui vào dĩ vãng với người đàn ông mà số phận đã định đoạt cho nàng (Grainne). Hai lựa chọn của Deirdre và Grainne đem tới hai hình mẫu khác nhau về nữ anh hùng: Một là nữ anh hùng không chấp nhận thỏa hiệp, sẵn sàng chết vì tình yêu; hai là nữ anh hùng chấp nhận thỏa hiệp để bảo vệ di sản mà nàng và người nàng yêu đã tạo dựng nên. Dù là hình mẫu nào, thì nữ anh hùng cũng là người tự đưa ra quyết định, không phụ thuộc vào quyền lực của cá nhân hay bất kì sự trói buộc nào của định mệnh.

Nếu hành trình của nam anh hùng trong truyện kể dân gian Ireland gắn liền với xuất thân kì lạ, lập đại công, chinh phục thử thách và được công nhận, để rồi chết trong sự tôn vinh, tưởng nhớ của cộng đồng; thì chặng đường của nữ anh hùng Ireland lại gắn liền với sự bất tuân và những lần tự do lựa chọn. Nữ anh hùng trong truyện kể dân gian Ireland không có nhu cầu được cộng đồng công nhận, không có nhu cầu khẳng định bản thân hay bảo vệ cộng đồng, cũng không có nhu cầu phiêu lưu sang thế giới khác. Đích đến duy nhất của nàng là người yêu, lời kêu gọi duy nhất dành cho nàng là lời kêu gọi sống hạnh phúc bên người nàng yêu, và nàng sẵn sàng làm mọi thứ, thậm chí chết cho lí tưởng đó.

Tiểu kết

Trong chương 2, chúng tôi đã khảo sát những motif cơ bản về nhân vật tiên, nhân vật nam anh hùng và nhân vật nữ anh hùng trong truyện kể dân gian Ireland. Theo đó, chúng tôi thống kê được những motif cơ bản theo từng nhân vật như sau:

Bảng 2.6: Nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland:

Những motif cơ bản

Nhân vật tiên Nhân vật
nam anh hùng
Nhân vật
nữ anh hùng
– Motif về ngoại hình

– Motif về đặc điểm tính cách

– Motif về quyền năng ma thuật

– Motif sự ra đời kì lạ

– Motif chiến công phi thường

– Motif du hành đến thế giới khác và trở về

– Motif về cái chết và sự bất tử của người hùng

– Motif nuôi dưỡng biệt lập

– Nhóm motif về sự bất tuân

– Nhóm motif về tình yêu bi thảm

Ở mỗi motif, chúng tôi đều chỉ ra những yếu tố bất biến và yếu tố khả biến cấu thành nên motif, đồng thời đưa ra những kiến giải riêng về từng kiểu nhân vật dựa trên những motif tạo nên nhân vật đó.

Trong chương tiếp theo, chúng tôi sẽ đưa ra những kết luận về những quy tắc ứng xử, hệ thống niềm tin và quan niệm về người hùng của người Ireland cổ xưa nói riêng, cư dân Celtic nguyên thủy nói chung được phản ánh thông qua câu chuyện về các nhân vật và những motif góp phần khắc họa nên nhân vật đó.

Nguyễn Hoàng Dương

Nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland (3): Niềm tin và quy tắc ứng xử

> Đọc bài 1: Nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland (1): Thần tộc, Tiên & những người hùng – Book Hunter > Đọc bài 2: Nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland (2): Tiên, Ma thuật, Người hùng và các Nữ anh hùng - Book Hunter Khi tìm hiểu về nhân vật trong truyện kể dân gian Ireland từ cách tiếp cận loại hình học, bên cạnh mục tiêu xác định những nhân vật nổi bật mà motif cơ bản được dùng