“Nhà giả kim” của Paulo Coelho là cuốn sách “hot” nhất, chỉ sau Kinh Thánh, nhưng Paulo Coelho không được giới hàn lâm thừa nhận và ông cũng chưa từng được các giải thưởng danh giá về văn chương như Nobel Văn học, Concourt hay Man Booker. Vâng, người ta thà trao cho Bob Dylan còn hơn là trao cho Paulo Coelho. Không ít những phê phán đã được đưa ra từ những độc giả, họ cho rằng “Nhà giả kim” không có gì đặc sắc. Thậm chí có người còn nhận xét như sau về “Nhà giả kim”: “Qua gần 50 trang sách tôi đã cảm thấy nó không đáng để đọc vì cốt truyện khá tệ. Tôi tiếp tục đọc cho hết cuốn sách để thực sự hiểu rõ tác giả muốn truyền tải thông điệp gì, cũng như để hiểu về những người đã tung hô và quảng bá sách, họ đã dựa vào đâu để viết nên những bài cảm nhận lôi cuốn. Hay đó chỉ là những chiêu trò PR bán sách.” ( Cao Trung Hiếu) Đây là lối suy nghĩ của nhiều người. Việc họ không hiểu được cuốn sách cũng là điều dễ hiểu, bởi lẽ, để đọc cuốn sách này, chúng ta cần có một lối tư duy khác hẳn bình thường.
Có hai cách để đọc cuốn sách này. Một là bằng trái tim, hai là bằng sự thông tuệ. Điều đó có nghĩa là, hoặc bạn phải có một đời sống say mê như anh chàng Santiago (nhân vật chính trong “Nhà giả kim”), hoặc bạn phải có một sự hiểu biết không những các kiến thức tôn giáo mà còn cả trong trải nghiệm cuộc đời. Đương nhiên, với cả hai yếu tố này, không phải bất cứ ai trên thế giới này cũng có thể có được. Bởi thế, số đông người đọc sẽ đọc cuốn sách này qua lăng kính của các bài phê bình hoặc review. Bạn liệu có nằm trong số này?
Trong bài viết này, tôi sẽ không phân tích hay giải mã các biểu tượng trong “Nhà giả kim”, tôi chỉ đưa ra một số hướng dẫn mà các bạn có thể cần nó khi đọc cuốn sách này. Hướng dẫn này không dành cho những ai đọc “Nhà giả kim” bằng trái tim, bởi lẽ, chẳng ai có thể dạy trái tim được cả. Trái tim có ngôn ngữ riêng của mình. Tôi muốn đưa ra một vài chỉ dẫn cho những ai muốn đọc cuốn sách này bằng sự thông tuệ.
Trước hết, một trạng thái tâm trí cần thiết phải được thiết lập khi mở cuốn sách này, đó là câu hỏi: “Điều gì ẩn sau từng câu từng chữ của câu chuyện này?”. Cả tác phẩm là một ẩn dụ lớn. Nếu ta chỉ đọc nó ở mặt câu chữ với nghĩa đen của nó, ta sẽ thấy đó thực sự là một câu chuyện nhạt nhẽo. Nếu ta nhầm lẫn “Nhà giả kim” với những tiểu thuyết phiêu lưu giả tưởng, trinh thám, tìm kho báu, chúng ta sẽ thấy nó ngớ ngẩn. Thế nhưng, nếu bạn nhận ra rằng có một thứ “ý tại ngôn ngoại” đằng sau câu chuyện này, thì bạn đã bước vào cuộc hành trình giải mã các ẩn ngữ của mình vậy.
Sau đó, bạn có thể đọc nó. Vừa đọc, bạn hãy tự đặt ra cho mình một loạt các câu hỏi như: Tại sao Santiago lại làm nghề chăn cừu? Viên ngọc lục bảo là gì? Giả kim thuật là gì? Tại sao chàng ta phải băng qua sa mạc, sa mạc là biểu tượng cho cái gì? Tại sao kho báu lại nằm ngay ở nhà anh ta mà anh ta phải thực hiện một cuộc hành trình đến tận Kim tự tháp để tìm nó? Cả câu chuyện ấy thì liên quan gì đến mẩu chuyện về Narciss ở phần mở đầu cuốn sách. Tất cả những điều ấy đều là ẩn ngữ. Nếu bạn có một chút hiểu biết về Kito giáo, bạn sẽ hiểu tại sao Santiago làm nghề chăn cừu. Nếu bạn tìm hiểu về các huyền môn cổ xưa như Hermetica, bạn sẽ hiểu hơn về thuật giả kim. Nếu bạn biết chút ít về Thiền, bạn sẽ nhận ra tại sao kho báu lại nằm ở ngay nhà của Santiago.
Bạn có thích các câu văn trong “Nhà giả kim”? Chắc chắn rồi, tôi cũng rất thích. Chúng rất truyền cảm hứng và tạo niềm tin. Có nhiều câu mang tính chất như chân lý. Chúng ta thích chúng vì đó cũng là điều chúng ta muốn tin vào. Tuy nhiên, nếu chỉ đọc thoáng qua rồi trích dẫn lên facebook thì quá dễ dàng rồi. Nhưng sẽ chỉ là sự khoe mẽ nếu ta không chiêm nghiệm, nghiền ngẫm và trải nghiệm chúng. Bạn đã bao giờ có cảm giác “khi thực sự muốn làm một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lại để giúp đỡ”? Bạn đã bao giờ thử giải mã các dấu hiệu trong đời sống của mình giống như Santiago giải mã các dấu hiệu của sa mạc? Một cuốn sách bạn còn không thể giải mã nổi, làm sao bạn có đủ khả năng để nhận biết và giải mã các dấu hiệu của cuộc sống?
Nếu bạn động não với tất cả những câu hỏi ấy, chẳng còn hơi sức đâu để thích thú với những thứ màu mè hấp dẫn như những cuốn tiểu thuyết câu khách khác. “Nhà giả kim”, cũng giống như “Alice ở xứ sở thần tiên”, “Biên niên sử Narnia”, “Hoàng tử bé”…v…v…, đều là những tác phẩm không phải để giải trí, và đều ẩn dụ cho rất nhiều vấn đề tinh thần của con người. Không nên đọc chúng một cách dễ dãi.
Bây giờ thì, các bạn có thể đọc “Nhà giả kim” theo cách mà tôi gợi ý. Nó có thể vất vả cho bạn, bạn không thể đọc nhanh. Tuy nhiên, cuốn sách trở nên có ích cho tâm trí bạn. Nếu bạn vẫn thấy không thích cuốn sách, thôi thì hãy bỏ qua nó. Chỉ đơn giản rằng tâm trí của bạn không thích hợp với “Nhà giả kim”. Hãy tìm cuốn sách khác và tận hưởng chúng. “Nhà giả kim” chỉ dành cho những ai thực sự có đời sống tinh thần.
Hà Thủy Nguyên