Home Chuyên đề tháng Nghệ thuật và công nghiệp sáng tạo của William Joyce – “vị vệ thần của tuổi thơ” thế kỷ 21

Nghệ thuật và công nghiệp sáng tạo của William Joyce – “vị vệ thần của tuổi thơ” thế kỷ 21

William Joyce là một biểu tượng rực rỡ trong ngành công nghiệp sáng tạo thế giới, một người kể chuyện tài ba đã dệt nên những giấc mơ bằng ngôn từ, hình ảnh, và thế giới tưởng tượng. Với hơn 50 cuốn sách được minh họa và viết nên bằng trái tim đầy nhiệt huyết, các tác phẩm của ông đã chạm tới trái tim của hàng triệu độc giả, vượt qua mọi biên giới văn hóa và ngôn ngữ. Không chỉ dừng lại ở trang giấy, Joyce đã đưa tầm nhìn sáng tạo của mình vào thế giới điện ảnh và hoạt hình, biến những câu chuyện thành những hành trình sống động trên màn ảnh rộng. Từ bộ phim “Meet the Robinsons” (sáng tạo từ sách tranh “Một ngày bên Wilbur Robinson” của William Joyce, Nguyệt Mỹ dịch, Book Hunter & NXB Phụ Nữ Việt Nam, 2022), “Epic” (sáng tạo từ sách tranh “Người Lá” của William Joyce, Nguyệt Mỹ dịch, Book Hunter & NXB Phụ Nữ Việt Nam, 2022)  đến bộ phim thân thương mỗi mùa Noel – “Rise of the Guardians” – kiệt tác kiến tạo thế giới kỳ vĩ từ bộ sách “Những vệ thần của tuổi thơ” gồm 3 cuốn sách tranh và 5 cuốn tiểu thuyết… mỗi tác phẩm ông chạm tay vào đều tỏa sáng với sự kỳ diệu, truyền cảm hứng và gợi mở những suy ngẫm sâu sắc. Đặc biệt, bộ phim ngắn đoạt giải Oscar “The Fantastic Flying Books of Mr. Morris Lessmore” chuyển thể từ sách tranh cùng tên của chính mình, đã trở thành một minh chứng hùng hồn cho khả năng kết hợp hoàn hảo giữa công nghệ và nghệ thuật kể chuyện của ông.

Sự nghiệp của William Joyce là một bản hòa ca của sự sáng tạo không ngừng, một minh chứng cho sức mạnh biến đổi của trí tưởng tượng. Ông không chỉ là một nghệ sĩ, một nhà làm phim hay một nhà văn, mà còn là một người thắp sáng thế giới bằng những giấc mơ—một người kể chuyện đích thực của thời đại chúng ta. William Joyce bắt đầu sự nghiệp với vai trò họa sĩ ý tưởng, vị trí cốt lõi tạo nên thiết lập nhân vật của bộ phim hoạt hình kinh điển “Toy Story” (Câu chuyện đồ chơi). Ông đã nhận 6 giải Emmy, 3 giải Annies (giải cho phim hoạt hình) và 1 giải Oscar, được Newsweek vinh danh nằm trong số 100 người có ảnh hưởng nhất thiên niên kỷ mới. Gần đây nhất, bộ phim hoạt hình “hot” trên Netflix có tên “Lost Ollie” cũng được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết “Ollie’s Odyssey” của William Joyce. 

Tranh và sách như những ý tưởng khai mở thế giới tưởng tượng của William Joyce

Từ rất sớm William Joyce đã bắt đầu sự nghiệp minh họa của mình với cuốn sách “Tammy and the Gigantic Fish” (1983) của Catherines & James Gray, nhưng sự nghiệp của ông chỉ thực sự thăng hoa khi ông chuyển sang Simon & Schuster vào năm 2011. Tại đây, Joyce đã tạo ra một loạt tác phẩm ăn khách mà chúng ta đã biết đến, nổi bật nhất là “The Fantastic Flying Books of Mr. Morris Lessmore”. Tác phẩm này không chỉ ra mắt ở vị trí số 1 trên danh sách bestseller của The New York Times mà còn được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ và được Time Magazine vinh danh là một trong 100 cuốn sách thiếu nhi hay nhất mọi thời đại. Bộ phim hoạt hình ngắn chuyển thể từ sách cũng được trao giải Oscar. Tác phẩm thể hiện tầm nhìn sáng tạo vượt bậc của Joyce. Với sự hỗ trợ từ Moonbot Studios do chính ông thành lập, ông đã biến câu chuyện này thành một dự án đa phương tiện táo bạo: một bộ phim ngắn, một cuốn sách minh họa, và một ứng dụng tương tác. Ứng dụng này không chỉ nhận được cơn mưa lời khen mà còn tạo nên kỳ tích khi tạm thời đánh bật Angry Birds khỏi vị trí ứng dụng bán chạy nhất thế giới vào tháng 8 năm 2011, và nhanh chóng được đưa vào “App Hall of Fame”. Sự thành công của “Morris Lessmore” đa phương tiện  không chỉ là minh chứng cho tài năng của Joyce trong việc kể truyện mà còn khẳng định vị thế của ông như một nhà sáng tạo tiên phong, không ngừng khám phá những cách thức mới để kết nối câu chuyện và khán giả qua mọi phương tiện truyền tải.

Joyce bước vào công việc sản xuất phim hoạt hình với công việc của một họa sĩ ý tưởng (concept artist) trong “Toy Story” (1995), có lẽ William Joyce đã sớm nhận ra tầm quan trọng của kiến tạo ý tưởng, thế giới và thiết lập nhân vật. Họa sĩ ý tưởng là người khởi tạo những nét cọ đầu tiên cho thế giới sáng tạo, nơi ý tưởng trở thành hình ảnh sống động. Họ hình dung và phát triển ý tưởng ban đầu, chuyển hóa những dòng mô tả hay kịch bản thành các bản vẽ phác thảo, minh họa nhân vật, bối cảnh, hoặc các yếu tố then chốt của dự án. Công việc này không chỉ là sáng tạo mà còn là cầu nối giữa trí tưởng tượng và thực tiễn, làm nền móng cho mọi bước phát triển tiếp theo.Đằng sau mỗi hình ảnh là sự thử nghiệm không ngừng, từ việc khám phá các phiên bản khác nhau của một nhân vật đến việc tìm kiếm cách thể hiện tốt nhất bầu không khí của một bối cảnh. Nói một cách khác, họa sĩ ý tưởng chính là người kể chuyện bằng hình ảnh, thổi hồn vào những dự án và biến ý tưởng thành hiện thực sinh động. 

Khi “Toy Story” ra mắt vào năm 1995, nó không chỉ là một bộ phim hoạt hình; đó là một cuộc cách mạng trong nghệ thuật kể chuyện và công nghệ hình ảnh. Đây là bộ phim hoạt hình dài đầu tiên được sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ CGI, mở ra một chương mới cho ngành công nghiệp điện ảnh. Từng khung hình của “Toy Story” được xây dựng với sự chăm chút tỉ mỉ, biến những món đồ chơi tưởng chừng vô tri trở nên sống động, biểu cảm và gần gũi đến bất ngờ. Từng chi tiết, từ chất liệu nhựa bóng bẩy của Buzz Lightyear đến lớp vải sờn cũ của Woody, đều được tái hiện chân thực đến mức khiến khán giả cảm nhận như đang chạm tay vào thế giới đồ chơi ấy. Cảnh quan, ánh sáng, và chuyển động đều được xử lý với sự sáng tạo đỉnh cao, tạo nên một không gian vừa kỳ diệu vừa gần gũi. Sự giao thoa hoàn hảo giữa hình ảnh và câu chuyện trong “Toy Story” không chỉ đánh dấu một bước ngoặt lớn cho hãng phim Pixar mà còn định hình tương lai của ngành hoạt hình, trở thành chuẩn mực cho các thế hệ sáng tạo sau này. Sau thành công của “Toy Story”, Joyce tiếp tục cộng tác với Pixar đảm nhận vị trí họa sĩ ý tưởng cho “A Bug’s Life”.

Năm 2001, John Lasseter, nhà sáng lập Pixar, đã giới thiệu William Joyce với đạo diễn hoạt hình Chris Wedge, một sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp của cả hai. Lúc này, Chris Wedge và Blue Sky Studios đang trên đà khẳng định vị trí của mình trong ngành hoạt hình sau thành công của bộ phim ngắn “Bunny” và sắp sửa bước chân vào lĩnh vực phim hoạt hình dài với loạt phim “Ice Age”. Năm 2002, Joyce và Wedge cùng nhau nảy ra ý tưởng cho bộ phim “Robots” trong khi cố gắng chuyển thể cuốn sách “Santa Calls” của Joyce thành phim điện ảnh. Dự án “Robots” không chỉ ghi dấu sự sáng tạo của Joyce trong vai trò nhà sản xuất mà còn thể hiện tầm nhìn nghệ thuật xuất sắc của ông với vai trò thiết kế sản xuất. Với “Robots”, Joyce đã mang đến một thế giới máy móc đầy sức sống, vừa kỳ quái vừa giàu cảm xúc, không cứng nhắc, để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử hoạt hình và làm nổi bật khả năng sáng tạo không giới hạn của ông. Bộ phim được ra mắt vào 11/3 năm 2005 tại Mỹ và Canada, mang lại doanh thu 36 triệu USD ở 3776 rạp chiếu trong cuối tuần công chiếu, xếp hạng nhất tại thời điểm bấy giờ, và ngay sau đó là đạt con số doanh thu 2 tỷ 607 triệu USD khắp thế giới. 

Năm 2005, William Joyce cùng Reel FX thành lập liên doanh Aimesworth Amusements, với tham vọng tạo nên những tác phẩm vượt thời gian qua phim điện ảnh, trò chơi điện tử, và sách. Trong số những dự án đầy hứa hẹn được công bố, “The Guardians of Childhood” (tên tiếng Việt “Những Vệ Thần của tuổi thơ”, với bản dịch tiếng Việt do Book Hunter tổ chức và xuất bản) đã trở thành tâm điểm, được DreamWorks Animation phát triển thành bộ phim Rise of the Guardians (Sự trỗi dậy của các Vệ Thần) ra mắt năm 2012. Bộ phim dựa trên loạt sách “Những Vệ Thần của tuổi thơ” của Joyce. Ban đầu, Joyce dự kiến làm đạo diễn cho dự án, nhưng cuộc đời ông rẽ sang một hướng khác khi vợ ông, Elizabeth, con gái Mary Katherine, và chị gái Cecile đều được chẩn đoán mắc bệnh nan y. Dù đối mặt với nỗi đau không thể diễn tả, ông vẫn tiếp tục đóng góp vào dự án với vai trò nhà sản xuất điều hành, đồng hành cùng người bạn thân Guillermo del Toro. Để tưởng nhớ Mary Katherine, DreamWorks đã dành tặng lời tri ân xúc động cho cô trong phần cuối của phim. Chúng ta sẽ quay lại với thế giới của “Những vệ thần của tuổi thơ” kỹ lưỡng sau, bởi đây là kỳ công vĩ đại của William Joyce. 

Với William Joyce, mỗi cuốn sách tranh hoặc tiểu thuyết minh họa không chỉ là một câu chuyện đơn thuần mà còn là một “bộ ý tưởng”, nơi nhân vật, thế giới và cốt truyện được thiết lập một cách sống động và chi tiết. Những tác phẩm này vừa mang tính độc lập như một tác phẩm vừa đóng vai trò như những viên gạch nền, góp phần xây dựng nên thế giới đa phương tiện phong phú mà Joyce không ngừng khám phá. Joyce không giới hạn bản thân trong việc trói buộc nét vẽ, nhân vật hay cốt truyện phải hoàn toàn trung thành với sách gốc. Thay vào đó, ông tạo không gian tự do để mình và các đồng nghiệp thỏa sức sáng tạo, phát triển ý tưởng ban đầu theo những hướng mới mẻ và độc đáo. Với ông, một tác phẩm không phải là đích đến cuối cùng mà là khởi nguồn của những khả năng vô tận. Sự linh hoạt này cho phép các câu chuyện của Joyce biến đổi và mở rộng khi được chuyển thể sang các hình thức nghệ thuật khác như phim hoạt hình, trò chơi, hay ứng dụng tương tác. Các nhân vật có thể được tái hiện với diện mạo mới, các chi tiết trong cốt truyện có thể được thêm vào hoặc thay đổi, tất cả nhằm phục vụ cho việc tối ưu hóa trải nghiệm sáng tạo và nghệ thuật.

Ví dụ rõ nét nhất là quá trình từ sách tranh “Một ngày với Wilbur Robinson” tới bộ phim “Meet the Robinsons” (“Gặp gỡ gia đình Robinson”, Disney phát hành 2007). Ông vừa là tác giả chính của cuốn sách tranh ý tưởng gốc, vừa là đồng sản xuất điều hành, họa sĩ sản xuất và viết kịch bản cho một số phân cảnh. Tạo hình của bộ phim khác rất nhiều so với sách tranh, và tuyến truyện của phim cũng có cấu trúc và nội dung hoàn toàn khác. Sách tranh kể chuyện về cậu bé Lewis đã tới tham gia đình bất thường của Wilbur Robinson. Thông qua cuộc tìm kiếm bộ răng giả cho ông nội Robinson, Lewis được chứng kiến và tham gia vào bầu không khí của những sáng tạo khoa học của gia đình lập dị này. Bộ phim kể một tuyến truyện khác: Lewis dẫn cậu bé Wilbur Robinson mồ côi từ quá khứ du hành thời gian tới tương lai bằng cỗ máy thời gian do chính cậu trong tương lai đã sáng chế thành công. Đi từ quá khứ tổn thương, đau khổ, thất bại, cô đơn… để tới một tương lai vui tươi, sáng tạo, Wilbur trải qua nhiều đấu tranh tâm lý, với những lựa chọn của quá khứ – hiện tại – tương lai. Bộ phim hoạt hình gợi mở nhiều suy tư về dòng thời gian, các ý tưởng khoa học, các giá trị mà một con người theo đuổi. Bộ phim gây nhiều tranh cãi trong giới phê bình phim vì những ý tưởng kỳ quặc, dẫu vậy, phim nhận được rất nhiều giải thưởng và thành công toàn cầu. Bên cạnh đó, video game phát triển từ ý tưởng của phim cũng được phát hành trên nhiều nền tảng game lớn. 

Tìm hiểu thêm về sách: Một ngày bên Wilbur Robinson – William Joyce – Book Hunter Lyceum

Tương tự như vậy, bộ phim “Epic” cũng được phát triển từ cuốn sách tranh “Người Lá & những chú bọ tốt bụng dũng cảm” mà Joyce đóng vai trò tương tự, Khoảng cách khác biệt giữa sách tranh và bộ phim xa hơn so với trường hợp “Meet the Robinsons”. Cuốn sách tranh “Người Lá & những chú bọ tốt bụng dũng cảm” kể về hành trình phiêu lưu của những chú bọ đi tìm món đồ chơi cũ của người bà già nua trông coi khu vườn đang lâm bệnh. Trong hành trình của mình, những chú bọ bắt gặp những Người Lá trong một đêm trăng huyền diệu, đánh bại các thế lực xấu xa trong khu vườn, và đưa món đồ chơi về cho bà. Ký ức tuyệt đẹp về món đồ chơi đã cứu bà khỏi cơn bạo bệnh. Ý tưởng của cuốn sách tranh nhuốm màu sắc cổ tích, với lời văn giàu cảm xúc, gợi mối giao kết tinh thần sâu sắc giữa con người và thiên nhiên có thể tạo ra điều diệu kỳ trong cuộc sống. “Epic” triển khai tiếp ý tưởng này, nhưng đã kịch tính hóa và thị trường hóa ý tưởng. Joyce và đội ngũ làm phim bước ra khỏi ý tưởng giàu tính văn chương để đưa thông điệp của cuốn sách thành một phiên bản hoàn toàn khác, với cốt truyện hoàn toàn khác, chỉ ý tưởng gốc về Người Lá và khu vườn bình thường nhưng ẩn chứa nhiều điều huyền bí được giữ lại. Bộ phim mang lại thành công về doanh thu cũng như ý kiến chuyên môn của các nhà phê bình. 

Tìm hiểu thêm về sách: Người Lá và những chú bọ tốt bụng dũng cảm – William Joyce – Book Hunter Lyceum

Thế giới của các Vệ Thần – nỗi ám ảnh và tâm huyết của William Joyce

Mặc dù các bộ phim khác đoạt giải Oscar, Emmy hay mang lại lợi nhuận phòng chiếu và DVD, nhưng thế giới của “Những Vệ Thần của tuổi thơ” mới là tâm huyết cả đời của ông. Khác với các tác phẩm khác của mình, William Joyce sáng tạo thế giới và câu chuyện về các Vệ Thần một cách hệ thống và chặt chẽ hơn với các tuyến truyện đan xen, mà trong đó mỗi định dạng biểu đạt một phần khác nhau của tuyến truyện. Các yếu tố sáng tạo trong hệ thống ý tưởng cũng được tạo mới từ hình mẫu dân gian và chính những sáng tạo trong các tác phẩm khác của Joyce, kết hợp với những ám ảnh trong tâm trí của Joyce từ thuở thiếu thời. 

Mở đầu cuốn sách “The art of Rise of the Guardians” kể về quá trình sáng tạo bộ phim hoạt hình về các Vệ Thần, William Joyce chia sẻ:

 “Sự thật là, tôi đã tạo tác về Các Vệ Thần từ khi tôi mới năm tuổi. Đó là vào một ngày Tháng Tám nóng nực ở Louisiana, lẽ dĩ nhiên, tôi suy tư về Santa Claus. Tâm trí của đưa trẻ năm tuổi không kiên nhẫn với lịch và thời gian, thế nên người đàn ông to béo vui vẻ cứ ở trong tâm trí tôi suốt. Tôi bủa vây bố tôi với cả tảng câu hỏi dù bố tôi đang cố ngủ. Bằng cách nào ông Santa làm bao nhiêu việc thế trong một đêm? Làm sao tuần lộc có thể bay? Câu trả lời của ông ấy thật mơ hồ, trên thực tế là khó chịu. Người đàn ông tội nghiệp chỉ muốn ngủ, nhưng tôi không chịu im miệng. Cuối cùng tôi ném cái găng tay mà tôi nghĩ có thể khiến ông chú ý đi. “Trong số này có chút nào thật không?” Tôi đòi hỏi. Chỉ có một khoảng lặng. Tôi nghĩ ông đã ngủ. Chẳng hề mở mắt, ông nói: “Con thật sự muốn biết à?” Câu hỏi đó khiến tôi bất ngờ. Tôi không hề lo lắng. Tôi nghĩ điều này đồng nghĩa với việc một câu trả lời dài và thú vị. Hoặc một lời giải thích bất ngờ. Ví dụ như, có lẽ bố tôi chính là Santa Claus thật sự. Ông khá béo, giống như hầu hết các ông bố, ông có vẻ biết tuốt, bí ẩn và khá nghiêm khắc – ông là một vị thần đã đi qua thế giới lúc năm tuổi của tôi. 

“Vâng”, tôi trả lời, “con muốn biết”.

“Con chắc chứ”, ông hỏi lại, đôi mắt vẫn nhắm tịt.

Tôi không lường được điều sắp tới.

Chỉ đôi lời mà thế giới đã đổi thay.

Thứ gì đó lớn lao đột nhiên biến mất. Hoặc tôi đã nghĩ thế lúc đó. Tôi có lẽ đã bắt đầu như một đứa trẻ ngày ấy, nhưng rồi tôi đã trở thành nhà văn. Tôi phải làm gì đó để lấp đầy khoảng trống mà trí tò mò của mình tạo ra.

Tôi đã viết và tạo tác các thế giới kể từ đó.

Mười ba năm dị kỳ sau đó, khi đứa con gái 6 tuổi của tôi, Mary Katherine, với đứa em trai tên Jack, muốn biết về Santa Claus. Tôi đã sẵn sàng. May mắn thay, câu hỏi của con bé không phải những thứ lớn lao. 

“Liệu Santa Claus có biết Tiên Răng không?” – Con bé hỏi.

“Liệu Santa Claus và những vị thần khác có phải là bạn của nhau không?” – Jack hỏi.

Và do đó một chuỗi tưởng tượng trước khi ngủ bắt đầu. Tôi hỏi mọi câu hỏi, rõ ràng và mạnh mẽ. Như thể tôi đang đọc lịch sử hay các sự kiện có thật. Và trong một thời gian dài lũ trẻ chẳng bao giờ hỏi liệu những điều này có thực hay không. Mười hai năm sau, trong văn phòng ở Glendale, California, Jeffrey Katzenberg đã hỏi tôi câu hỏi tương tự.”

>> Đọc thêm các bài:

Rõ ràng nguồn cảm hứng sáng tạo đến với William Joyce hoàn toàn rất tự nhiên, đến từ câu hỏi đã thôi thúc ông suốt thời thơ bé, và tình cờ chúng gắn kết với con ông, cùng rất nhiều người khác nữa. Ông không cố gắng đi tìm một cái gì đó có thể “thu hút nhân tâm”, mà hoàn toàn xuất phát từ nội tại, từ trí tò mò, năng lực sáng tạo và tình yêu thương dành cho các con. Điều đó khiến ta thấy thế giới Vệ Thần của ông tràn ngập những cảm xúc mạnh mẽ như nguồn năng lượng vô tận dẫn dắt từng nét vẽ và tuyến truyện. Không hề khiên cưỡng, chẳng cần quan tâm đến sự hợp lý mang tính duy lý, ông chỉ đơn giản là kể câu chuyện của mình. Ông đã đáp lời đồng nghiệp của mình:

“Santa và Người Cung Trăng, Thỏ Phục Sinh, và tất cả các huyền thoại tuổi thơ khác, đều biết nhau rất rõ. Họ có cõi riêng rất to và kỳ diệu, họ còn hơn cả những người ban ơn thiện lành, họ là những người hùng vĩ đại và kỳ vĩ, những vị dành cả đời vì sự hồn nhiên và hạnh phúc của trẻ thơ muôn nơi. Tôi kể với ông phiên bản tôi ước mình được nghe kể khi còn là trẻ nhỏ để tôi nắm giữ điều kỳ diệu lâu hơn chút nữa. Khi tôi kết thúc, Jeffrey mỉm cười và nói: “Tôi tin anh”.”

Cấu trúc thế giới các vệ thần theo mô hình kabbalah, được vẽ trong cuốn sách “The art of Rise of the Guardians”

Và thế là thế giới các Vệ Thần lần lượt được hiện thực hóa bằng sách tranh, tiểu thuyết và phim trong một thời gian dài từ 2011 đến 2018. Hầu hết các tác phẩm của thế giới các Vệ Thần đều được phát hành trong khoảng thời gian từ 2011-2012, đặc biệt, bộ phim “Sự trỗi dậy của các Vệ Thần” (Rise of the Guardians) ra mắt vào Mùa Giáng Sinh 2012. William Joyce tạo ra một cấu trúc “kabbalah” trong thiết lập các Vệ Thần bảo vệ Trái Đất và tuổi thơ. Trong đó, vị Vệ Thần tối cao và cũng là đầu tiên, mang hình hài một đứa trẻ: Người Cung Trăng. 

>> Đọc thêm chuỗi bài về ý nghĩa tâm linh trong “Những Vệ Thần của tuổi thơ”: Ý nghĩa tâm linh của Những vệ thần của tuổi thơ Archives – Book Hunter

Người Cung Trăng (Man in the Moon) xuất phát từ huyền thoại dân gian phổ biến khắp toàn cầu về một vị thần sống trên mặt trăng luôn rọi soi và mang lại niềm vui trong bóng đêm tăm tối. Joyce tạo ra một thần thoại mới về Người Cung Trăng, rằng ngài vốn là đứa trẻ lưu lạc từ hành tinh Kỷ Nguyên Vàng rực rỡ, mang đến những phép màu kỳ diệu. Mặt Trăng quay quanh Trái Đất chính là chiếc phi thuyền của cậu bé. Người Cung Trăng là biểu tượng của tin vào điều kỳ diệu, không chỉ “chiếu rọi” toàn bộ thế giới của các Vệ Thần, mà còn cả trong “Người Lá”, “Một bày bên Wilbur Robinson”… Ngay cả Studio sáng tạo do Joyce sáng lập cũng được đặt tên là Moonbot Studio, nơi mỗi người sáng tạo đều như một tạo vật được đánh thức bởi Người Cung Trăng. Không có tiểu thuyết riêng về “Người Cung Trăng”, Joyce dành cho nhân vật trung tâm này một cuốn sách tranh với hình vẽ ngây thơ và trong sáng, giọng kể mang sắc màu cổ tích, và từ đó mở ra thế giới của các Vệ Thần. 

Hai nhân vật mà Joyce dành nhiều tâm huyết để xây dựng nhất, có thể nói, chính là là Thần Mộng Mơ (Sandman) và Jack Frost, dù rằng hai nhân vật này không phải là nỗi ám ảnh thơ bé của chính ông hay những nhà sản xuất. Thần Mộng Mơ có một sách tranh riêng với thế giới lóng lánh và kỳ vĩ, kể về quyền năng của thần; và một cuốn tiểu thuyết kể về quá khứ của Thần cùng những nỗi ám ảnh của Thần, và cách Thần giúp mọi người vượt qua những cơn ác mộng. Có lẽ, Thần Mộng Mơ là Vệ Thần “hộ mệnh” cho ý tưởng của hãng phim DreamWorks Animation, đơn vị chủ quản đầu tư thực hiện bộ phim, do đó các họa sĩ thực hiện đã rất kỳ công trong xây dựng nhân vật và thế giới của Thần trong bộ phim hoạt hình, dù rằng không phải nhân vật chính.

Jack Frost còn được Joyce ưu ái hơn, ông dành cho cậu bé băng giá tinh nghịch đãng trí một cuốn sách tranh với nét vẽ cổ điển buồn và đẹp, một bộ phim hoạt hình với nhân vật trung tâm là chính cậu, và một cuốn tiểu thuyết sau đó (được viết năm 2018) dày gấp đôi những cuốn khác trong series. Có lẽ Jack Frost là nhân vật ít được biết đến, ít truyền thuyết, do đó sự tưởng tượng của Joyce cùng các con được thỏa sức phiêu lưu không giới hạn, từ đó mà hình thành nên tính cách một cậu bé phức tạp, với số phận nhiều thang bậc. Joyce để Jack Frost bị mất trí sau mỗi một giai đoạn, như một cơ hội để ông lại kể một câu chuyện khác về cậu. Cũng giống như Người Cung Trăng, Thần Mộng Mơ và Jack Frost đến từ Kỷ Nguyên Vàng, bởi thế nên họ luôn trôi dạt trong cõi riêng vô định hình của mình. Người Cung Trăng ở trên Mặt Trăng, Thần Mộng Mơ trôi dạt trên hòn đảo vốn là lưng của một con rùa khổng lồ (các họa sĩ thiết kế cho bộ phim đã đề xuất để Thần luôn di chuyển trong những đám mây bụi mơ vàng óng). Còn Jack Frost luôn phiêu bạt theo các cơn gió Bắc muôn nơi, đóng băng những gì mình muốn, và không bao giờ có điểm dừng chân. 

Nicholas St North (tức Ông già Noel), Tiên Răng và Thỏ Phục Sinh là những Vệ Thần có xuất xứ từ Trái Đất, và tín ngưỡng dân gian cũng thường hình dung khá rõ nét về họ. Ở mỗi nhân vật đều có các yếu tố gần với cổ tích dân gian, vừa mang nét đặc trưng riêng gắn với sứ mệnh. William Joyce dành cho mỗi nhân vật thần thoại này một cuốn tiểu thuyết kể về xuất xứ của họ, cùng với các tưởng tượng về thế giới nơi họ sống. Nicholas St North và Thỏ Phục Sinh được xây dựng tính cách rõ nét hơn cả, thậm chí sống động và ấn tượng hơn cả Jack Frost và Thần Mộng Mơ. Những “nết xấu” của hai Vệ Thần “người lớn” này đều mang “tính người” hơn so với các Vệ Thần đến từ Kỷ Nguyên Vàng. Và để giải thích cho khối lượng công việc khổng lồ mà Ông già Noel và Thỏ Phục Sinh phải gánh vác, Joyce đã dùng lý giải của công nghệ, với các dây chuyền, các con robot… nhưng là những công nghệ mang tính phép thuật, chứ không phải là máy móc khô cứng và chết chóc.  Trong khi ấy, Tiên Răng lại có số phận ly kỳ hơn, phải đối mặt với các cảm xúc căm hận loại người, để vượt lên và trở thành một vị thần hộ mệnh mang lại bình an trên Trái Đất. Từ những trang mô tả của Joyce trong tiểu thuyết, các họa sĩ đã kiến tạo nên thế giới sinh động đầy màu sắc của ba vệ thần này, mà ở đó mỗi nhân vật phụ, mỗi chi tiết…đều được tỉa tót kỹ lưỡng. 

Ngay cả Pitch Black, thường được gọi là Ba Bị, cùng thế giới của hắn cũng được khắc họa cầu kỳ trong tác phẩm. Joyce không dành cho cái ác một sự khinh miệt và vẫn khắc họa vẻ kỳ vĩ và cuốn hút đầy thuyết phục của Pitch trong từng nét vẽ của sách tranh và phim hoạt hình. Ông cũng dành cho Pitch một số phận vừa hào hùng, vừa bi thương, vừa bệnh hoạn và đau khổ. Sau tất cả, ở tập cuối cùng của cuốn tiểu thuyết “Jack Frost” xuất bản năm 2018, Pitch để lại ấn tượng cho người đọc về một người lớn đáng thương đã lạc lối và bị sợ hãi cùng giận dữ nuốt trọn…như bao người lớn khác. Pitch chính là đại diện của đại đa số những người lớn đam mê quyền lực ở thế gian.

>> Tìm hiểu thêm về các cuốn sách của William Joyce do Book Hunter xuất bản: Các tác phẩm của William Joyce – Book Hunter Lyceum

Và tất nhiên, William Joyce không quên thế giới của con người. Nếu trong sách tranh, thế giới của con người tách biệt khỏi thế giới của các Vệ Thần, thì trong tiểu thuyết, thế giới con người phân chia làm hai cõi: những con người gần gũi với các sinh vật linh thiêng như cô bé Katherine hay lũ trẻ của làng Santos Claussen; và những con người hoàn toàn bình thường chỉ nghe kể và thụ hưởng những món quà từ các Vệ Thần. Chỉ trong phim hoạt hình, những đứa trẻ hoàn toàn bình thường và xa lạ, bằng niềm tin và giấc mơ đã chạm đến sức mạnh đích thực của các thần, tự cứu các thần và cứu thế giới với sự hỗ trợ của các thần. 

Sự sáng tạo “Những Vệ Thần của tuổi thơ” ở William Joyce đi từ sự chia sẻ trí tưởng tượng thôi qua đối thoại với các con và chính bản thân mình, đến sự sáng tạo cá nhân thuần túy giúp ông vượt qua và chuyển hóa nỗi đau của chính mình, để rồi đi đến một dây chuyền sáng tạo cùng các nghệ sĩ khác. Joyce có lẽ không hề áp đặt tưởng tượng của mình lên sự sáng tạo của đồng nghiệp, mà ông chia sẻ những “giấc mơ” của mình. Từ lời kể của các nghệ sĩ tham gia bộ phim hoạt hình được ghi lại trong cuốn sách “The art of Rise of the Guardians”, ta có thể thấy ông để các họa sĩ thỏa sức tạo ra các phiên bản của riêng mình và mọi sự lựa chọn dường như có sự thống nhất của cả đội. Ông cho phép họ, và có lẽ cho cả chính mình, tạo hình nhân vật theo cách mới, thử nghiệm  tạo ra cõi giới của mỗi nhân vật theo nhiều phương án khác nhau. Đây là lối sáng tạo và đồng sáng tạo khá đặc biệt so với các tác giả khác, mà có lẽ chỉ một người rất hiểu về trí tưởng tượng và tôn trọng trí tưởng tượng của mỗi cá nhân khác biệt mới có thể khuyến khích, dung chứa và tổ chức một đội ngũ sáng tạo như vậy. 

Mặc dù không được xếp thứ hạng đầu về doanh thu do cùng thời điểm phải cạnh tranh với Monster University và Twilight Saga: Breaking Dawn, tuy nhiên, bộ phim hoạt hình “Sự Trỗi Dậy của các Vệ Thần” đã trở thành bộ phim hoạt hình kinh điển được xem đi xem lại mỗi mùa Giáng Sinh, và đến giờ vẫn chưa có bộ phim khác thay thế. Điều thú vị của Joyce đó là ông không bao giờ ngưng sáng tạo dẫu cho thành quả được công chúng thế giới thừa nhận. Sự thành công của “Sự Trỗi Dậy của các Vệ Thần” và tình yêu mến mà các fan dành cho nhân vật Jack Frost của ông không ngăn cản sự sáng tạo của ông. Ông tiếp tục kể câu chuyện của Jack Frost bằng cuốn tiểu thuyết đi sâu hơn vào tâm lý nhân vật, với tuyến truyện khác, tạo hình khác, tâm tư khác, những vấn đề khác, được xuất bản vào năm 2018. Cuốn tiểu thuyết tạo ra cảm xúc và ấn tượng về Jack Frost hoàn toàn khác so với thiết lập nhân vật và hình ảnh trong phim, điều mà các nhà sáng tạo sẽ ngại ngần khi đứng trước thành công của chính mình. Ông để sự thành công của Jack Frost trong phim là của đội ngũ sáng tạo, và dành riêng cho chính mình một Jack Frost khác trong cuốn tiểu thuyết cá nhân, để hoàn thành cuộc phiêu lưu tâm trí của chính mình. 

Hà Thủy Nguyên

Nghe đầy đủ bài nói chuyện về William Joyce:

Cảm thức tâm linh trong Những Vệ Thần Của Tuổi Thơ của William Joyce (5): Thần Mộng Mơ (Sandman) – Chiến thắng cái ác là chiến thắng ác niệm của chính mình

Để đọc toàn bộ chùm bài, vui lòng click vào: Ý nghĩa tâm linh của Những vệ thần của tuổi thơ Archives – Book Hunter Cùng với Người Cung Trăng và Jack Frost, Thần Mộng Mơ - Sandman là những gì đẹp đẽ còn sót lại của Kỷ Nguyên Vàng. Nếu thế giới của Người Cung Trăng tràn ngập sắc màu rực rỡ, của Jack Frost xanh một màu băng tuyết, thì Thần Mộng Mơ lấp lánh ánh vàng rực rỡ, và nếu xét về tính

Sự thật về Giáng Sinh – sự chuyển đổi của niềm tin tôn giáo

Giáng sinh được tổ chức vào ngày 25 tháng 12 vừa là một ngày lễ tôn giáo thiêng liêng vừa là một hiện tượng văn hóa và thương mại trên toàn thế giới. Trong hai thiên niên kỷ, mọi người trên khắp thế giới đã cử hành nó với các truyền thống và nghi lễ mang bản chất vừa tôn giáo vừa thế tục. Những người theo đạo Cơ đốc tổ chức Giáng sinh là kỷ niệm ngày sinh của Chúa Jesus của Nazareth, một

Cụt Đuôi

09/12/2022
Xem

HÀNH TRÌNH CỦA KUBO – HÀNH TRÌNH TÂM LINH

Tựa phim ‘Kubo and the Two Strings’ vốn dĩ có ngụ ý riêng, không hiểu sao các nhà biên dịch Việt Nam lại đổi thành ‘Kubo và sứ mệnh samurai’, chỉ thể hiện được chưa đến 1/3 thông điệp phim. Câu hỏi đầu tiên này nảy ra trong đầu mình khi bắt đầu xem phim chừng mươi phút. Nếu bạn muốn chớp mắt, hãy chớp mắt ngay bây giờ! Phim hay đến ám ảnh. ‘The Two Strings’– nghĩa là 2 dây, là nói về cây đàn Shamisen

Bảo Khanh

05/03/2019

“Vệ thần của tuổi thơ” của William Joyce: Bộ truyện thiếu nhi dẫn đường tìm đứa trẻ bên trong mỗi chúng ta

Ngay từ lần đầu tôi xem bộ phim hoạt hình “Sự trỗi dậy của các vệ thần”, tôi đã lập tức yêu từng nhân vật trong đó: Jack Frost với lòng trắc ẩn và dũng cảm, thỏ Phục Sinh thẳng thắn và hoạt bát, Tiên Răng đáng yêu và ngây thơ, Ông già Noel hay Nicholas StNorth thông thái, Sandman - Thần Mộng Mơ quyền năng và hóm hỉnh… Khung cảnh đẹp lung linh của ánh trăng chiếu xuyên qua lớp tuyết trắng vừa kỳ
XemYêu

Đại Ngư Hải Đường: Duyên nợ đến từ trái tim

“Đại ngư Hải đường” lấy ý tưởng từ giấc mơ của đạo diễn Lương Toàn 12 năm về trước. Lúc đầu, từ giấc mơ này, đạo diễn đã làm phim ngắn “Đại Hải” và chiếu trên mạng. Sau sự thành công của phim ngắn, Lương Toàn đã nỗ lực để hoàn thiện duyên nợ của anh với giấc mơ năm nào qua “Đại ngư Hải đường” và ra mắt khán giả trong năm 2016 này. Tôi xem “Đại Ngư Hải Đường” sau khi nghe ca