Home Đọc “Ngày hội Yoga Dân trí – Mãi khoẻ đẹp cùng yoga” – một trải nghiệm đáng quên

“Ngày hội Yoga Dân trí – Mãi khoẻ đẹp cùng yoga” – một trải nghiệm đáng quên

Vào khoảng giữa tháng 7, tôi thấy thông tin về chương trình trên facebook, tò mò nên tôi đã tìm hiểu thêm và đọc thấy những thông tin như sau:

“Sự kiện Ngày hội Yoga Dân trí – Mãi khoẻ đẹp cùng Yoga là ngày hội Yoga lần đầu tiên do Báo điện tử Dân trí tổ chức nhằm lan tỏa những giá trị tích cực, gắn kết cộng đồng.

Thông qua Ngày hội Yoga Dân trí, Ban tổ chức mong muốn sự kiện sẽ truyền cảm hứng tới các cá nhân, nhóm bạn, các gia đình, tổ chức, cộng đồng cùng chung tay xây dựng lối sống vui khỏe, căng tràn sức sống, bằng những động tác cơ bản đơn giản từ yoga.

Đặc biệt, sự kiện kỳ vọng 5.000 người tham gia để lập kỷ lục Việt Nam Màn đồng diễn Yoga nhiều người tham gia nhất Việt Nam. Đến với sự kiện người tham gia nhận được những vật phẩm độc quyền như huy chương kỷ niệm, gói khám sức khoẻ tại Thu Cúc TCI, giấy chứng nhận tham gia sự kiện,… đến từ Ban tổ chức lên đến 5 triệu đồng. Bên cạnh đó, người tham gia sẽ có cơ hội giao lưu, gặp gỡ với Hoa hậu, Diễn viên, Người nổi tiếng, các Vận động viên Yoga quốc gia, và các Chuyên gia sức khoẻ hàng đầu, cộng đồng Yoga,…và 5000++ bức ảnh đẹp mang đậm phong cách cá nhân, cặp đôi, đội nhóm tại sự kiện.”

Thấy chương trình có vẻ thú vị nên tôi đã đăng ký mua vé trên hệ thống ticket box. Có hai hạng vé: thường và VIP với những quyền lợi khác nhau như hình bên dưới:

Thông tin quyền lợi của hai hạng vé và khung chương trình

Nhưng đến ngày chính hội thì thực sự là trải nghiệm khó quên. 5h30 sáng tôi có mặt tại sân vận động Mỹ Đình để đổi vé điện tử thành mã bid và nhận áo đồng phục (như vậy mới đủ điều kiện được check in vào sân). Mới đến cổng, tôi đã rất bất ngờ về quy mô cũng như lượng người tấp nập tham dự, rất nhiều xe khách của các tỉnh đổ về, tôi đã nghĩ: “chà, không ngờ người yêu yoga vầ tập yoga lại phủ rộng khắp các tỉnh nhiều đến thế!”.

Đến khi bước vào sảnh khu vực các gian hàng của nhà tài trợ cùng khu vực trực đổi vé của BTC thì thực sự còn bất ngờ hơn, đầy hỗn loạn, ồn ào kinh khủng, chen lấn toàn người là người. Điều đáng buồn là các quầy thông tin không có một ai trực, không có chỉ dẫn khu nào là khu vực đổi vé, tôi cũng không tìm được nhân viên của BTC để hỏi, hỏi người tham gia thì họ nói vé của họ đã đổi từ chiều hôm trước hoặc họ đi theo đoàn và trưởng đoàn lo hết. Tôi đã phải loay hoay đi ra đi vào 30 phút mới tìm được khu đổi vé đông kín người.

Đổi xong vé, nhận được áo, tôi di chuyển sang cổng check in vào sân, lúc này cũng là một trải nghiệm thú vị khác, dòng người ùn ùn đổ vào, lối đi thì hẹp do dọc lối đi của hai bên cổng chất đầy những khung vật liệu của một chương trình khác (có khi của chương trình Blackpink tuần trước chăng?). Quang cảnh này khiến tôi tự thấy bản thân mình như một con bò đội mũ bị lùa theo bầy đàn vào chuồng.

Sau khi vào đến sân, tìm được nơi có thảm trống ở dãy cuối cùng, ngồi đợi đến giờ diễn ra chương trình, cảm nhận chung là người tham dự dàn trải nhiều lứa tuổi, nhưng chủ yếu là lứa tuổi trung niên trở lên, 95% là phụ nữ. Trong lúc tôi cùng mọi người ở khu vực mình ngồi còn đang vô tri ngó nghiêng, buôn chuyện với nhau, do loa quá nhỏ nên không hề biết rằng ở phía trên đã bắt đầu tập từ bao giờ. Một bài tập có vẻ như để lấp chỗ trống, nhiều người bắt đầu bực dọc do sau đó họ còn những lịch trình riêng, muốn về sớm không được, thậm chí muốn đi vệ sinh cũng không được cho ra khỏi phạm vi sân.

Mãi tận 7h, chương trình mới khai mạc, loa đài cũng rầm rộ hơn và rõ hơn hẳn. Cũng như bao chương trình khác, có phát biểu tuyên bố khai mạc, giới thiệu nhà tài trợ, biểu diễn vài tiết mục văn nghệ. Ở chương trình này là biểu diễn yoga uốn dẻo, ngồi dưới quan sát những tiết mục cuốn hút người xem này, và quan sát người tham gia trầm trồ thích thú và quay phim chụp ảnh, làm tôi nhớ tới một tình tiết về yoga biểu diễn trong cuốn “Thực hành Yoga Hiện đại” của học giả Mark Singleton, về Krishnamacharya – người có công lớn trong phát triển yoga hiện đại, ngoài việc dạy dỗ học trò (đa số là con em hoàng gia), ông đã buộc phải huấn luyện học trò (tuyển mộ từ bên ngoài) của mình biểu diễn các tiết mục yoga tư thế phức tạp theo nhóm, nhằm thu hút sự chú ý của công chúng để chiêu sinh, và biểu diễn giải trí cho nhà bảo trợ:

Quả thực, một phần quan trọng trong nhiệm vụ của Krishnamacharya tại cung điện có vẻ là phát triển một hình thức thực hành asana ngoạn mục mà sau đó vị Maharaja có thể trưng ra – một phần để giải cứu danh tiếng bị hoen ố của yoga và một phần đơn thuần để giải trí. Như B.K.S. Iyengar đã lưu ý, “Nhiệm vụ của đạo sư của tôi là cung cấp hướng dẫn và giải trí cho đoàn tùy tùng của Maharaja bằng cách đưa các học trò của thầy ấy – trong đó tôi là một trong những người trẻ nhất – đi thử tài và thể hiện khả năng kéo duỗi và uốn cong cơ thể thành các tư thế ấn tượng và lạ lùng nhất. (2005:xix)” (trích chương 9 – Thực hành Yoga Hiện đại – Nguồn gốc của các tư thế & các xu hướng biến đổi, NXB Phụ Nữ Việt Nam, 2023)

Các tiết mục Yoga biểu diễn uốn dẻo thu hút sự chú ý tại ngày hội Yoga Dân trí

Các tiết mục biểu diễn ở Hội Yoga Dân Trí đều dùng những nền nhạc rất hào hùng, kích thích sôi trào lòng tự hào dân tộc. Trong thời gian biểu diễn, những thảm trống cũng được lấp kín bằng các em sinh viên (mình đoán thế, vì hầu như các em mặc quần tập thể dục của sinh viên đại học, em đứng cạnh tôi còn mặc váy ngắn trên đầu gối).

Phần đồng diễn yoga là phần mà tất cả mong đợi nhất, cũng là lý do chính mà mọi người đến với chương trình, lại là phần gây hụt hẫng nhất, khi chỉ diễn ra trong 5-7 phút, ngồi thiền tầm 2 phút, thở Om 3 lượt,  tập 2 lượt chuỗi chào mặt trời biến tấu. Chỉ có thế!

Nhưng phần xếp lá cờ Việt Nam để xác lập kỷ lục lá cờ to nhất Việt Nam, lại kéo dài hơn 30 phút với đủ loại yêu cầu: sóng từ trên xuống dưới, sóng từ trái sang phải, sóng từ giữa tỏa ra tứ phía,… bên trên khán đài là một dàn cổ động viên, hô: Việt Nam! Việt Nam!…. chỉ thiếu cái trống gõ nữa thôi, là không khác gì đi xem bóng đá 

https://www.youtube.com/watch?v=hXkcaGH7fZQ&feature=youtu.be

Thật khó hiểu và gây bức xúc. Tại sao tôi phải bỏ tiền mua vé, lọ mọ dậy sớm, làm mấy cái trò kiểu chủ nghĩa dân tộc này!

Không rõ Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) dựa trên những yếu tố nào để đánh giá một kỷ lục, dựa trên số lượng hay chất lượng? Có thể thấy được, 2 kỷ lục của Hội Yoga lần này thực sự chỉ là thùng rỗng kêu to, mượn danh Yoga, đánh tráo khái niệm làm tốn thời gian và tiền bạc của người tham dự.

Sự kiện hôm nay, khiến tôi nhớ đến một bài viết thú vị và cũng rất sâu sắc mà tôi từng chuyển ngữ sang tiếng Việt, có tựa đề Tại sao ngày Quốc tế Yoga không phải là vinh dự đối với Ấn Độ”,

“Những người khác đã bày tỏ lo lắng về cảnh tượng trên các phương tiện truyền thông, khi điều cần thiết hiện giờ là dành cho và tập trung vào các vấn đề liên quan đến sức khỏe trong nước. Một bản kiến nghị do Ayesha Kidwai, khoa ngôn ngữ học tại JNU, bắt đầu vào ngày 18/6/2015, đặt ra câu hỏi về việc bắt buộc tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Yoga đối với các quan chức chính phủ và trường học.

“Chúng tôi (nhiều người trong số những người từ lâu đã mang ơn yoga và pranayama (thở điều tức) vì tác dụng trị liệu của phương pháp này) lo ngại bởi sự cưỡng chế mang tính trung ương, thúc đẩy các chỉ thị do Chính phủ hiện tại ban hành, cụ thể là về việc được ghi nhận trong Sách kỷ lục Guinness thông qua việc thể hiện sức mạnh số lượng. Chúng tôi thậm chí còn lo lắng hơn về lệnh của chính phủ yêu cầu giáo viên, nhân viên trường đại học và sinh viên biểu diễn yoga ở nơi công cộng vào ngày 21 tháng 6, và xem đây là một hành vi cưỡng ép, có nghĩa là lạm dụng quyền lực nhà nước”, trích dẫn đoạn đầu của bản kiến nghị ở trên change.org.

Đi sâu vào những người như Baba Ramdev và Sri Sri Sri Ravi Shankar, bản kiến nghị cho biết thêm, “Thật không may là chính phủ quốc gia đang huy động quá nhiều nỗ lực, nguồn lực và con người cho một cảnh tượng chỉ diễn ra một lần mà không có bất kỳ kế hoạch dài hạn nào vì hoặc đầu tư cho sức khỏe và hạnh phúc của người dân.” Bản kiến nghị cáo buộc rằng ngày này đã trở thành một quảng cáo chiêu sinh của các chuyên gia/bậc thầy/đạo sư yoga, những người đã tích lũy được sự giàu có bằng cách bán yoga và thiền.”

Quay lại với Ngày hội Yoga Dân trí mà tôi đã tham dự, quá bất ngờ về chương trình, khi quay về tôi đã quan sát thêm phản hồi của những người đã tham gia trên nhóm facebook: Cộng đồng Yoga Dân trí – Xác lập Kỷ lục Việt Nam, thấy rất nhiều phản hồi thể hiện sự thất vọng:

  • BTC không thực hiện đúng như lời hứa khi kêu gọi bán vé,
  • Các đặc quyền không thực sự đến được tay người tham dự,
  • BTC bỏ tiền ra (200 ngàn/người) kêu gọi 1000 sinh viên tình nguyện tham gia (làm cổ động viên trên khán đài, và lấp chỗ thảm trống nếu cần) nhưng lực lượng nhân viên của BTC rất mỏng, bỏ lơ người tham dự,
  • Hậu sự kiện nhiều người mua hạng vé VIP liên hệ đòi quyền lợi về gói khám tại bệnh viện Thu Cúc nhưng không liên hệ được BTC,
  • BTC lùa gà vì có rất nhiều người tham dự được hô hào tham gia mà không biết gì về yoga, thuộc các đoàn thể, và đặc biệt là không cần vé (dùng hứa hẹn quà tặng để lôi kéo),… khiến cho quang cảnh ngày diễn ra sự kiện trông như thời bao cấp, chen lấn xô đẩy vì quà tặng, vì một chai nước miễn phí, vì những quà tặng không rõ là gì, nhưng khi chen được tới lượt thì được trả lời rằng: đã hết quà?….

Để xem kỹ hơn về những lời phàn nàn này, bạn xem ở ảnh trong link sauhttps://drive.google.com/drive/folders/1m0amldfKJ4peVP0ZWhuxBqhCRsDiw9UG?usp=drive_link

Mất tiền mua vé, mất thời gian tham gia (những người ở tỉnh phải đi từ 3h sáng cho kịp giờ), rốt cuộc tham gia một chương trình vô bổ, tốn tiền, mất thời gian, mất tâm sức, chương trình không có nổi một quầy sách về yoga. Hậu chương trình, các bên thi nhau đăng những lời có cánh sáo rỗng ca ngợi chương trình, khiến những người không đi tin rằng họ đã bỏ lỡ một cơ hội hiếm có, rằng chương trình đã thành công rực rỡ, rằng đã tạo giá trị to lớn cho cộng đồng.

Với khả năng thu hút được đông người tham dự như thế, giá như BTC thực sự nghĩ cho ngành công nghiệp yoga nước nhà, tổ chức một chương trình giao lưu học hỏi đúng nghĩa thì sức mạnh truyền tải lớn biết chừng nào!

Sophia Ngo

Tìm hiểu về cách Yoga đã bị biến tướng trong xã hội hiện đại như thế nào & những cải tiến hữu ích qua cuốn sách

THỰC HÀNH YOGA HIỆN ĐẠI của Mark Singleton.

MỘT VẬT LIỆU CÓ NGUỒN GỐC TỪ THUỐC LÁ CÓ THỂ CHẮC KHỎE NHƯ GỖ HOẶC NHỰA

Các tế bào từ thực vật đã được biến thành một vật liệu tổng hợp sinh học có thể phân hủy tự nhiên sau khi hết thời gian có ích.   Sự phụ thuộc của nhân loại vào nhựa là một vấn đề quan trọng. Vật liệu này có nguồn gốc từ dầu mỏ và thường kết thúc vòng đời của nó ở nơi tập kết và hoặc trong lò đốt rác. Dù bằng cách nào, đây cũng là một điều không bền vững. Vậy

Ký sự Rừng và người ở Piêng Coọc

Con người với tự nhiên có một mối quan hệ thật mơ hồ. Có những lúc người ta cứ nghĩ mình làm chủ tự nhiên, khai thác và cải tạo tự nhiên theo ý muốn. Nhưng rồi đến một lúc nào đó, họ chợt nhận ra, mình chỉ là một phần rất là bé nhỏ của tự nhiên, thuộc về tự nhiên và mong chờ tự nhiên chấp nhận. Nghĩ đến chuyện này, tôi lại nhớ chuyến đi về Piêng Coọc đầu năm 2018. Hồi

Từ Thánh Kinh Solomon đến danh sách 72 con quỷ của Solomon

Vua Solomon (còn được gọi là Jedidiah trong tiếng Do Thái và Sulayman trong tiếng Ả Rập) là một trong các vị vua Israel gắn liền với nhiều truyền thuyết về trừ tà nhất trong văn hóa Trung Đông. Vua Solomon xuất hiện trong cả Kinh Thánh Cựu Ước, Kinh Thánh Do Thái và Kinh Qur’an. Ông thường được mô tả là nhà quân chủ giàu có, đấng tiên tri vĩ đại, nổi tiếng vì sự trí tuệ và quyền lực, nhưng đồng thời cũng

Có phải công cụ thông minh đang khiến chúng ta trở nên ngờ nghệch?

Bạn có muốn tất cả bạn bè trên Facebook của bạn có thể soi vào thùng rác nhà bạn? Một nhóm nhà thiết kế từ Anh và Đức nghĩ rằng bạn muốn. BinCam ra đời: một thùng rác "thông minh" hướng tới cách mạng trong quá trình tái chế. Liệu bạn có muốn sở hữu thùng rác thông minh BinCam? BinCam chỉ như thùng rác thường, nhưng có một chi tiết mới: Nắp của nó được trang bị một chiếc di động thực hiện chụp

Khổ hạnh và phúc lạc, hay một cuộc vui đạo ở cõi trần của Rumi – nhà thơ Islam vĩ đại nhất

Không giống những bậc tu hành xuất thế hướng đến một cõi vĩnh hằng, các thiền giả thời Trần với đại diện tiêu biểu nhất là Tuệ Trung Thượng Sĩ và Trần Nhân Tông đều cùng đưa ra diễn ngôn “Cư trần lạc đạo”  tức “Vui đạo ở cõi trần”. Quan niệm nhập thế là di sản độc đáo của Phật giáo thời Trần trong thế kỷ 13, xuất phát từ thân phận của những thiền giả cùng lúc đảm đương hai vị thế: con